, được nhìn nhận
như những vị thần mang tính chất nhân giới, có vai trò phò vua giúp
nước cứu dân, đặc biệt là việc đánh giặc ngoại xâm, bảo vệ sự trường
tồn bất diệt của dân tộc. Nói chung, sự xuất hiện các hệ tín ngưỡng
Phật giáo được bản địa hóa là nhằm thể hiện ý thức độc lập, tự chủ
trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc và kết nối tinh thần đoàn
kết toàn dân trong việc chống lại sự đồng hóa phong kiến Trung Hoa trị
vì, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Bài viết này chỉ đề cập đến một vị trong
Tứ bất tử được nhân dân ta tôn thờ kính lễ tôn vinh là Phù Đổng Thiên
Vương trong tinh thần hộ quốc an dân, được hình thành trong quá trình
hội nhập và bản địa hóa Phật giáo Việt để đáp ứng các nhu cầu lịch sử
của dân tộc đặt ra.
Thực tế cho thấy tiến trình tiếp biến các yếu tố
Phật giáo vào trong các vị thần thuộc tín ngưỡng thần linh không chỉ
xảy ra ở nước ta mà còn diễn tiến ở các nước khi đạo Phật truyền đến.
Ngay cả Ấn Độ, các vị thần Ấn Độ như Phạm Thiên, Đế Thích được nhìn
nhận như là các vị thần Hộ pháp. Ở Trung Hoa, các bản kinh có nội dung
diễn bày về vai trò và sứ mệnh các vị Tứ thiên vương ứng hiện để ủng hộ
Phật pháp trường tồn, quốc gia hưng thịnh cũng được diễn dịch và phổ
biến khá sớm. Bản kinh Đà La Ni, q. 11 có đề cập đến "Tứ thiên
vương là một vị thần giữ gìn Phật pháp, đồng thời thệ nguyện trấn hộ
quốc gia, tiêu trừ quân giặc của vị thần này cũng khá đậm nét, cho nên
mỗi khi có quốc nạn xảy ra thì phần nhiều đều tu trì pháp tu thờ Tứ
Thiên vương để cầu xin phúc đức và giải trừ tai ương".
Đại Việt sử ký toàn thư ngoại kỷ 1, tờ
3b3-4a2 đã ghi như sau: "Đời Hùng Vương thứ 6, ở hương Phù Đổng, bộ Vũ
Ninh có người nhà giàu, sinh một con trai, đến năm hơn ba tuổi ăn uống
béo lớn nhưng không biết nói cười. Gặp lúc trong nước có biến, vua sai
người đi tìm người có thể đánh lui được giặc. Ngày hôm ấy, đứa trẻ bỗng
nói được, bảo mẹ ra mời thiên sứ vào, nói: "Xin cho một thanh gươm, một
con ngựa, vua không phải lo gì". Vua sai ban cho gươm và ngựa, đứa trẻ
liền phi ngựa vung gươm tiến lên trước, quan quân theo sau, đánh tan
quân giặc ở chân núi Vũ Ninh. Quân giặc tự quay giáo đánh lẫn nhau,
chết rất nhiều, bọn sống sót đều rạp lạy, tôn gọi đứa trẻ ấy là thiên
tướng, liền đến xin hàng cả. Đứa trẻ phi ngựa lên trời mà đi mất. Vua
sai sửa sang vườn nhà ở của đứa trẻ để lập miếu thờ. Về sau, Lý Thái Tổ
phong là Xung Thiên Thần Vương. (Đền thờ ở cạnh chùa Kiến Sơ, hương Phù
Đổng).
Từ sử liệu nói trên, ta thấy kể từ khi Lý Thái Tổ
lên ngôi, khai sáng ra triều đại nhà Lý thì vấn đề độc lập tự chủ không
chỉ còn xác định ở trên phương diện biên cương lãnh thổ mà còn được xác
định ở ý thức độc lập, tự chủ trên nhiều lĩnh vực khác nhau như văn
hóa, giáo dục, tín ngưỡng… Do đó, ta chẳng ngạc nhiên gì khi nhà Lý
được sáng lập, vấn đề phục hưng mọi giá trị văn hóa truyền thống Đại
Việt, phát triển đạo pháp được đặt lên hàng đầu. Bên cạnh một loạt chùa
chiền được xây dựng ở kinh đô, vua cũng tiến hành trùng tu đền thờ Phù
Đổng bên cạnh chùa Kiến Sơ và phong Phù Đổng thành Xung Thiên Thần
Vương trong ý nghĩa là vị thần có vai trò hộ quốc an dân nước Đại Việt,
để đáp ứng nhu cầu tất yếu của lịch sử đặt ra.
Điểm đáng nói là từ sử liệu nói trên ta thấy đền thờ
Phù Đổng đã được dựng tại đền thờ vườn nhà mà chính nơi Phù Đổng sinh
ra, bên cạnh chùa Kiến Sơ do sư Cảm Thành, dòng Vô Ngôn Thông, xây
dựng. Tuy nhiên, theo Thiền uyển tập anh thì chùa Kiến Sơ
nguyên trước là ngôi nhà của hương hào họ Nguyễn hiến cúng và không
thấy đề cập đến sự có mặt của đền thờ đức Phù Đổng. Thế nhưng, theo Việt điện u linh, truyện Xung Thiên uy tín đại vương tập,
tờ 35 do Lý Tế Xuyên vào thời nhà Trần, thế kỷ 14 dựa vào hồ sơ phong
thần của vua Trần Nhân Tông vào năm 1285 để viết thì: "Vương vốn là
thần đất, xưa kia Chí Thành thiền sư dựng chùa ở hương Phù Đổng, lập
ngôi thổ thần ở bên phải chùa". Rõ ràng, căn cứ vào truyền bản này thì
Chí Thành, tức Cảm Thành, là thiền sư đầu tiên nhìn nhận đức Phù Đổng
là vị thổ thần của làng Phù Đổng có công gìn giữ non sông, gìn giữ Phật
pháp, và đã lập đền thờ bên phải cửa chùa để tỏ lòng tôn kính, quy bái
nhớ ơn. Trong khi đó, Lĩnh Nam chích quái của Trần Thế Pháp căn cứ một phần vào Việt điện u linh tập, rồi thêm thắt, có truyện Phù Đổng Thiên Vương
thì ghi nhận: "Hùng Vương nghĩ về công lao không có gì để báo đáp, bèn
tôn làm Phù Đổng đại Thiên vương, lập chùa ở trong vườn nhà của làng
ấy, ban cho ruộng một trăm khoảnh, hôm sớm thờ phụng".
Cả hai tác phẩm này đều xuất phát từ đời Trần, với
nguồn thông tin khác nhau đôi chút, nhưng điểm chung có gắn liền yếu tố
Phật giáo hộ quốc an dân chủ đạo. Sang thế kỷ thứ XVIII, Gia Cát Thị
khi soạn Tân đính hiệu bình Việt điện u linh tập 3, tờ 110 ở Phù Đổng Thiên Vương
truyện lại có sự khác đi đôi chút: "Thần Vương tức Thiên Vương. Xưa
thời Hùng Vương có công chinh phạt định nước, nhận phong ở đây. Đến khi
họ Triệu bị người Hán thôn tính, đất đai biên giới đều bị nội thuộc,
lại trải binh họa đốt cháy, đền miếu tiêu điều. Miếng ngói tức rường
tán mất gần hết… Gặp có nhà sư Trương Ma Ni tìm được đúng dấu xưa. Bèn
hưng công xây dựng danh lam, mở mang đất đai, để làm nơi thờ Phật đốt
hương, gọi tên là chùa Kiến Sơ. Bên phải cửa trước chùa lại dựng một
miếu thổ thần để làm nơi tụng đọc kinh sách".
Rõ ràng, trong bối cảnh lịch sử đất nước hưng thịnh
thì đạo pháp có khả năng xiển dương, thể nhập vào đời sống tâm linh
quần chúng. Sự tác động qua lại này cho ta thấy tiến trình bản địa hóa
đạo Phật diễn trình song hành trong dòng chảy lịch sử dựng nước và giữ
nước của dân tộc. Hay nói cách khác, trong buổi đầu đạo Phật mới du
nhập vào nước ta, Phật giáo đã tiếp thu những yếu tố văn hóa Việt để có
thể hòa nhập, tồn tại, và sau đó đi sâu vào đời sống xã hội. Đồng thời
những yếu tố Phật giáo thích hợp với điều kiện lịch sử - xã hội nước
nhà cũng được thể nhập vào trong tín ngưỡng văn hóa dân tộc. Sự tương
tác, tiếp biến lẫn nhau này phù hợp quy luật vận động lịch sử của một
dân tộc thường xuyên đối diện với sự xâm lược phong kiến phương Bắc, và
đó là điều tất yếu.
Cho nên, sau khi nước nhà độc lập kể từ thời Lý,
giới lãnh đạo quốc gia, lãnh đạo Phật giáo và nhân dân tôn vinh và phổ
thuyết về hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương có từ đời Hùng Vương thứ VI
trong sứ mệnh là một vị thần hộ quốc an dân, phát huy truyền thống yêu
nước, yêu đạo là điều dễ hiểu. Việc Lý Thái Tổ được nuôi dưỡng và
trưởng thành trong giới thiền môn và đứng ra đảm trách lãnh đạo quốc
gia cũng cho ta thấy có một mối liên hệ đến sự kiện lịch sử, đó là kể
từ khi Thiền sư Cảm Thành - người kiến tạo đền thờ Phù Đổng, thì hơn
100 năm sau, một sự kiện xảy ra để lại dấu ấn lịch sử lớn. Đó là việc
thần Phù Đổng hiển thánh xác nhận vị trí của mình là ủng hộ Phật giáo
và bảo vệ triều đình của đất nước(2), được Việt điện u linh tập
mô tả như sau: "Đến khi Thiền sư Đa Bảo giúp Lý Thái Tổ lúc chưa lên
ngôi, thấy việc thờ cúng như thế, muốn dẹp đi. Một hôm, có lời để vào
cây lớn trước miếu: Phật pháp ai hay giúp / Cho phép ở vườn Kỳ / Nếu chẳng ta, Phật pháp / Sớm theo xứ khác đi". Đêm đêm sư nghe tụng bài đó. Một chiều mới nghe đọc xong, trên không tự có tiếng người đáp lại: Phật pháp từ bi lớn / Ánh thiêng phủ cả trời / Nguyện thường theo thọ giới / Vườn Kỳ mãi giúp thôi".
Thiền sư nghe được, hôm sau dựng đàn, dùng đồ chay mà cúng. Bấy giờ Lý
Thái Tổ đến chùa, thấy cây lớn trước miếu thần, có sách trắng viết: Đức vua sáng thiên hạ / Tiếng oai trấn tám phương / U linh nhờ mưa móc / Xung thiên đại dào phong. Thái
Tổ xem xong, phong cho làm Xung Thiên Thần Vương, thì bỗng nhiên không
thấy sách trắng nữa. Thái Tổ thấy làm lạ, sai đúc tượng thờ. Lần sau
Thái Tổ đến chùa, nhân thế ngủ lại. Đêm mơ thấy bốn câu: Công đức một bát nước / Tùy duyên hóa thế gian / Tia tia lại soi chiếu / Bóng lặn trời lên non.
Bởi triều Lý tám vua, đó gọi là bát. Trời lên non là chữ Sảm, tên vua
Huệ Tông. Huệ Tông truyền ngôi cho con gái làm chúa, nên nhà Trần lấy
được…".
Rõ ràng có một mối liên hệ mật thiết giữa vua Phật
tử Lý Thái Tổ và Thiền sư Đa Bảo trong công việc chính sự triều đình,
nhất là vua được Phù Đổng Thiên Vương hiển thánh, phò vua giúp nước,
ủng hộ Phật pháp. Thiền uyển tập anh cũng xác tín về việc Thiền
sư Đa Bảo ở chùa Kiến Sơ, làng Phù Đổng là người tiên đoán Lý Thái Tổ
lên ngôi và phò vua giúp nước, tham dự chính sự: "Lý Thái Tổ lúc chưa
lên ngôi, sư thấy tướng mạo khác thường, bèn bảo: "Chú mày cốt tướng
khác phàm, ngày kia làm vua ắt là nó đây". Vua cả kinh, thưa: "Hiện đức
Thánh thượng anh minh còn đó, trong cả nước an vui, thầy ta sao lại nói
lời phải tội tru di này". Sư bảo: "Mệnh trời đã định, người dù có trốn
cũng chẳng được. Giả sử lời này đúng thì mong chớ bỏ nhau". Khi vua lên
ngôi, nhiều lần triệu sư vào cung, hỏi bàn yếu chỉ của thiền và lễ sư
rất hậu. Vua xuống chiếu trùng tu chùa sư"(3).
Thông qua các văn bản chứa nội dung nói trên, ta
thấy sự kiện Phù Đổng Thiên Vương ứng hiện lần nữa chỉ để phò nước giúp
dân, bảo vệ chủ quyền và nền độc lập của quốc gia, đồng nghĩa ủng hộ
Phật pháp được xiển minh, xây dựng một đời sống đạo cho dân tộc là phù
hợp với nguyện vọng của quần chúng nhân dân trong một bối cảnh lịch sử
cả nước đang ra sức phục hưng các giá trị văn hóa truyền thống mang bản
sắc dân tộc; hẳn nhiên giới Phật giáo cũng chuyển mình, mở ra một hướng
đi mới - tham gia tích cực hội nhập mọi lĩnh vực vào đời sống xã hội.
Đó là chủ trương Phật giáo Đại Việt không không tách rời đời sống và
chỉ để phục vụ cho đời sống mọi người dân nước Việt được an lạc. Và nó
cũng lý giải và chứng minh cho quan điểm tư tưởng của Thiền sư Định
Không (?-808) đề xuất trước đó đã trở thành hiện thực: Đó là tích cực
phò nước giúp dân, bảo vệ chủ quyền quốc gia và ủng hộ cho Phật pháp
hưng thịnh mà Thiền uyển tập anh ghi lại ba bài kệ nói đến đất
Cổ Pháp sẽ cho ra đời bậc anh hùng Phật tử họ Lý để làm quốc gia hưng
thịnh, Phật pháp xiển minh: 1. "Đất bày pháp khí, Một món đồng ròng. Để Phật pháp được hưng long, Đặt tên làng Cổ Pháp". 2. "Hiện ra pháp khí, Mười hai chuông đồng. Họ Lý làm vua. Ba phẩm thành công". 3. Mười cái xuống nước đất. Cổ Pháp đấy tên làng. Gà sau tháng chuột ở. Chính lúc Tam bảo hưng"(4). Ông còn dặn đệ tử Thông Thiện: "Đất Cổ Pháp rất quan trọng, sau này có thể có kẻ dị nhân đến phá hoại, ngươi phải giữ gìn". Ý ông nói nếu cuộc đất bị phá hoại thì vĩ nhân không còn xuất hiện từ đất ấy để cứu nước và làm hưng thịnh Phật pháp(5).
Đó là sự đóng góp to lớn của Thiền sư Định Không,
hướng đến việc mọi người dân, kể cả giới Phật giáo nêu cao tinh thần ý
thức tự chủ, độc lập, chủ quyền đất nước từ chính trị, kinh tế, văn
hóa, giáo dục, tín ngưỡng tôn giáo, nhất là thiết lập mối quan hệ đạo
pháp và dân tộc, đặt sự tồn tại Phật giáo Việt Nam trong lòng sự tồn
tại và phát triển của đất nước Việt Nam có chủ quyền độc lập không chỉ
trên biên cương lãnh thổ mà trên mọi lãnh vực.
Và như thế, hình ảnh Phù Đổng Thiên Vương từ xa xưa
được nhân dân ta tôn vinh là vị anh hùng biểu trưng cho tinh thần yêu
nước, chống ngoại xâm, trở thành huyền thoại về một Tứ bất tử để thờ
phụng và trở thành biểu tượng phát huy sức mạnh nội tại cho cả dân tộc.
Một lần nữa, với sự ra đời các tác phẩm Thiền uyển tập anh, Lĩnh Nam chích quái, Việt điện u linh và
các sử liệu liên quan khác với sự kiện hiển thánh linh ứng hiện của Phù
Đổng Thiên Vương hay Xung Thiên Thần Vương gắn liền ngôi chùa Kiến Sơ
mang tính chất nhân giới là sự thật hiển nhiên. Mục đích, suy cho cùng
là nhằm nêu cao tinh thần ý thức tự chủ bảo vệ chủ quyền dân tộc, sự
xâm thực đồng hóa phong kiến phương Bắc luôn dòm ngó, phát huy văn hóa
truyền thống dân tộc, ủng hộ Phật pháp, xây dựng nếp sống đạo đức an
lạc cho dân chúng. Chứng tỏ có mối quan hệ khắng khít giữa Dân tộc và
Phật giáo, cụ thể Phật giáo Việt Nam luôn đặt sự tồn tại và phát triển
trong lòng dân tộc trong quá trình dựng nước, giữ nước và mở nước từ
xưa đến nay.
Chính vì lẽ đó mà từ mồng 6 đến mồng 9 tháng Tư âm
lịch hàng năm, Lễ hội Thánh Gióng đã diễn ra tại làng Phù Đổng, tái
diễn sự tích Thánh Gióng đánh giặc Ân mà bất cứ người dân Việt Nam nào
cũng mong chờ và ghi nhớ công ơn của đức Phù Đổng Thiên vương: "Ai ơi mồng chín tháng Tư, Không đi hội Gióng cũng hư mất đời".
Thích Phuớc Đạt (Nguyệt San Giác Ngộ 174)
(1) Tứ bất tử là tên gọi chung của bốn vị Thánh
bất tử trong tín ngưỡng Việt Nam: Tản Viên Sơn Thần , Phù Đổng Thiên
Vương, Chử Đồng Tử và Liễu Hạnh Công chúa. Tản Viên Sơn Thần, là vị
thần núi Tản Viên (Ba Vì), núi tổ của các núi nước Việt Nam. Tản Viên
tượng trưng cho ước vọng chinh phục tự nhiên, chiến thắng thiên tai.
Thánh Gióng, hay Phù Đổng Thiên Vương tượng trưng cho tinh thần chống
ngoại xâm, bảo vệ chủ quyền quốc gia. Chử Đồng Tử, (còn được gọi là Chử
Đạo Tổ) tượng trưng cho tình yêu, hôn nhân, và sự sung túc giàu có.
Liễu Hạnh hay Mẫu Thượng Thiên, tượng trưng cho cuộc sống tinh thần,
phúc đức, văn thơ.
(2) Lê Mạnh Thát , Lịch sử Phật giáo Việt Nam tập 2, Nxb. TP. Hồ Chí
Minh, 2001, tr. 344.
(3) Lê Mạnh Thát, Nghiên cứu về Thiền uyển tập anh, Nxb. TP. Hồ Chí
Minh, 1999, tr. 182.
(4) Lê Mạnh Thát, Sđd, tr. 258.
(5) Nguyễn Lang, Việt Nam Phật giáo sử luận, Nxb. Lá Bối, 1974, tr. 142.