17/09/2010 07:39 (GMT+7)
Số lượt xem: 4963
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở Việt Nam có đến hàng trăm bộ tranh cổ Thập điện Diêm vương do hàng trăm tác giả sáng tạo, nhưng ít ai biết được rằng trên ngọn núi cao chót vót ở ngoại thành Hà Nội, tại chùa Trăm Gian đang lưu giữ những bức tranh cổ, quý giá nhất Việt Nam về đề tài này.

Thập điện Diêm vương  là bộ tranh dựa vào nội dung tác phẩm Phật giáo Thập Vương kinh” và tác phẩm đạo giáo Ngục lý truyện. Chính những bức tranh có một không hai này mà rất nhiều kẻ đạo chính nhòm ngó, khiến các ni sư chùa Trăm Gian bao năm nay chưa có nổi một tối ngủ ngon. 

Báu vật không cánh mà bay

Để được tận mắt cũng như thỏa trí tò mò, chúng tôi đã vượt hơn một trăm cây số đến thôn Tiên Lữ, xã Tiên Phương (huyện Chương Mỹ, Hà Nội) để được tận mắt chiêm bái những báu vật này. Gửi chiếc xe máy, chúng tôi phải mất nửa giờ đồng hồ leo dốc mới lên tới cổng chùa Trăm Gian. Sư trụ trì Thích Đàm Khoa chia sẻ: “Từ khi những bức tranh được đưa về chùa, chúng tôi luôn phải để những bảo vật này trong tầm mắt và người trong chùa thay nhau canh giữ, không dám lơ là phút nào. Những ngày trời mưa to gió lớn thế này, bọn trộm càng dễ bề hoạt động nên chúng tôi rất lo. Chỉ sợ bảo vật rồi lại không cánh mà bay”.

cd169chua1.jpg

Những bức tranh quý trong chùa Trăm Gian

Theo trụ trì Thích Đàm Khoa, bộ tranh ở đây thuộc loại cổ và quý nhất. Bức trang thể hiện cảnh phán quan ngồi giữa 2 bên có người hoặc quỷ sứ đứng hầu để xét hỏi tội, phần dưới là các tầng địa ngục mà tội nhân phải nhận các án trừng phạt như đeo gông, trói, chặt đầu, bỏ vào vạc dầu...

Theo sự chỉ dẫn của Ni sư Thích Đàm Quang, chúng tôi tìm đến gian phòng nơi cất giữ 4 bức tranh cổ. Tranh cổ được cất giữ rất cẩn thận ở phía trung tâm của chùa. Vị ni sư này cho biết, niên đại của bộ tranh Thập điện Diêm vương tương đương với lịch sử của ngôi chùa Trăm Gian cổ kính. Cách đây gần nửa thế kỷ, khi Ni sư Đàm Quang còn nhỏ thì đã quen với 10 bức tranh Diêm vương đồ sộ treo dọc ở hành lang dẫn lên đại điện. 4 bức tranh trông cũ kỹ nhưng có một uy lực đáng sợ khiến ai chạm mắt vào cũng đều phải cúi đầu kính cẩn.

Cũng theo Ni sư Thích Đàm Quang, cách đây khoảng 18 năm, khi ni sư và các thầy trong chùa đi học ở bên chùa Bà Đá, ở chùa chỉ còn có mấy bà vãi ngủ trông nom. Không hiểu sao đêm đó, lòng ni sư cứ nóng như lửa đốt. “Sáng hôm sau tôi về chùa thì hay tin 4 bức tranh cổ trong bộ Thập điện Diêm vương đã không cánh mà bay. Ngay lập tức nhà chùa đã báo cho bên công an nhưng dù rất cố gắng, họ vẫn chưa thể tìm ra tung tích 4 bức tranh”, Ni sư Đàm Quang nhớ lại.

Hơn một năm sau, nhà chùa lại thêm một phen chấn động khi thêm 4 bức nữa trong bộ tranh quý tiếp tục bị trộm. Như vậy bộ tranh Thập điện Diêm vương chỉ còn lại 2 trong số 10 bức.

Sự trở lại lạ kỳ

Để lưu giữ lại hình ảnh của bộ tranh đã góp phần làm nên những giá trị văn hoá, tâm linh cho ngôi chùa nghìn năm tuổi, Sư thầy Thích Đàm Khoa đã có ý đi tìm và sưu tầm lại những hình ảnh về các bức tranh cổ bị đánh cắp để làm lại bộ tranh. Tuy nhiên, nhà chùa mới chỉ tìm được 2 bức do các vị đạo hữu đã từng vãn cảnh chùa Trăm Gian chụp lại. Chính vì thế khi 2 đồng chí trinh sát của Phòng Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Công an thành phố Hà Nội, tìm đến chùa trao lại 4 bức tranh đã mất thì sư trụ trì Đàm Quang chỉ biết nghẹn ngào rơi nước mắt.

cd169chua2.jpg

Hai bức tranh cổ Diêm vương

Theo giới sành cổ vật Hà thành hiện nay thì mỗi bức tranh khắc gỗ này có giá trị tối thiểu là 100.000 USD. Việc tìm thấy những bức tranh này có thể gọi là hãn hữu, thậm chí là kỳ lạ.

Tuy nhiêu, theo nhà sư trụ trì Đàm Quang, việc tìm lại được 4 bức tranh cổ vô giá trong bộ Thập điện Diêm vương của chùa Trăm Gian không phải là một sự ngẫu nhiên mà là cả một quá trình điều tra, theo dõi công phu của lực lượng cảnh sát đặc nhiệm…

Canh báu vật 24/24 giờ

Những năm trước đây, nhà chùa cách xa khu dân cư và nạn trộm cắp hầu như không có nhưng vài năm trở lại đây, trộm cắp trở nên phức tạp. “Trong những năm khi chưa tìm được những bức tranh cổ thì nhà chùa cũng mất rất nhiều vật quý như lư hương đồng, vạc đồng…những kẻ trộm còn tung tin trong chùa có kho báu nên có rất nhiều kẻ nhòm ngó, nhà chùa phải canh rất vất vả”, sư thầy trụ trì nói.   

Sau khi Công an Hà Nội trao trả 4 bức tranh cổ trị giá cả nghìn đô, nhà chùa lại tiếp tục bị nhiều kẻ nhòm ngó, do vậy các sư sãi trong chùa phải cắt cử nhau trông nom. Thấy nhà chùa quá mệt mỏi với công việc giữ bảo vật, một Phật tử thành tâm đã cung tiến cho chùa bộ máy báo động khi có trộm, được mua từ Đức với giá đến 40 triệu đồng.

Có máy báo động loại tốt rồi, những tưởng Ni sư Đàm Quang và các sư sãi trong chùa sẽ có được những giấc ngủ yên nhưng rồi lại có những rắc rối khác xảy ra. Một con chuột chạy qua, máy cũng báo động inh ỏi. Tuy vậy, nhờ thiết bị này mà nhà chùa đã bắt được một số đối tượng hay vào chùa trộm vặt và hạn chế được đáng kể tình trạng mất cắp cổ vật ở đây.

Trao đổi với chúng tôi về công tác đảm bảo an ninh, trưởng thôn Tiên Lữ Tống Văn Tùng cho biết, trước thực trạng như trên, thôn cũng đã thành lập tổ bảo vệ tuần tra và sẵn sàng có mặt mỗi khi nhà chùa yêu cầu. “Nói là vậy nhưng thực tế công tác bảo vệ khó khăn và phức tạp hơn nhiều, hàng ngày người dân và khách du lịch về chùa thắp hương rất đông nên rất khó đảm bảo an toàn cho số phận những bức tranh”, trụ trì Thích Đàm Khoa bày tỏ lo lắng.

Anh Phạm (Đất Việt)


Âm lịch

Ảnh đẹp