22/08/2012 10:09 (GMT+7)
Số lượt xem: 74864
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Du khách đến thành phố Pleiku thường không quên viếng thăm Biển Hồ, một thắng cảnh được ví như đôi mắt Tây nguyên long lanh trên đỉnh cao. Thế nhưng có một Biển Hồ khác cũng rất thơ mộng lại ít được khách phương xa biết đến. Đó là Biển Hồ trà.




Biển Hồ gồm 2 hồ nước lớn thông nhau, phía Nam là hồ Tơ Nưng còn được dân Pleiku gọi là Biển Hồ nước, phía Bắc là khu vực đồn điền trà và chùa Bửu Minh được gọi là Biển Hồ trà.

Vài dòng lịch sử

Từ năm 1919 - 1920, công ty P.I.T. (Plantation Indóchinoise des Thés) của Pháp đã khai khẩn vùng đất phía bắc Biển Hồ để trồng trà. Đây chính là đồn điền đầu tiên của người Pháp trên cao nguyên Pleiku. Sở Trà (cách gọi của người dân lúc đó) nằm trên bờ bắc Biển Hồ - cách hồ nước gần 2km. Công nhân đồn điền hầu hết là người miền Trung, sống quanh đó và lập thành làng Cỏ May.

Thuở ấy, vùng đất này còn là nơi sương lam chướng khí. Để tạo chốn nương tựa về tâm linh, những người công nhân Việt xin phép được lập chiếc am nhỏ dưới gốc đa cổ thụ ở lô chè số 13 - cách làng Cỏ May khoảng 1 km về phía đông - để cầu cúng. Am này được gọi là Sơn Hải Miếu hay Dinh Bà. Hiện trong am còn bức hoành phi đại tự bằng gỗ với 3 chữ lớn: "Niệm tại tư ", phần niên đại ghi: Long Thụy - Bính tý (tức là năm 1936). 

Cũng trong khoảng thời gian này, ông Nguyễn Văn Khanh (quê ở Huế, là người được chủ Pháp thuê làm Chef cai quản công nhân ở đồn điền Biển Hồ) là một Phật tử, ông đã đứng ra vận động công nhân ở làng Cỏ May lập chùa để có nơi lễ bái, tu tập. Ngôi chùa được xây ở đầu làng Cỏ May gọi là chùa Phật Học.

Năm 1960, người Pháp bán lại Sở Trà cho công ty kinh doanh của Hoa kiều Trần Văn Thăng, do ông Lạc Di thay mặt làm quản đốc. Thời gian này, những công nhân theo đạo Phật đứng đơn đại diện hơn 200 bà con Phật tử trong vùng xin được xây chùa tại khu vực đất Dinh Bà. Đơn này đã được chủ mới chấp thuận. 
 
Tháng 11/1961, lễ động thổ được tiến hành, đến tháng 4/1962 công việc xây chùa hoàn thành. Ngôi chùa mới xây không còn mang tên chùa Phật Học mà lấy tên là Bửu Minh. Dân trong vùng vẫn quen gọi là chùa Biển Hồ trà.

Đồn điền trà Biển Hồ

Từ thành phố Pleiku đi theo quốc lộ 14 (đường Phạm văn Đồng) đến ngã ba Biển Hồ (đường Tôn Đức Thắng), rẽ phải sẽ vào Biển Hồ, ta không rẽ phải mà tiếp tục đi thẳng theo quốc lộ 14 khoảng 5 km nữa là đến ngã ba Nhà máy Chè Biển Hồ (thuộc địa phận huyện Chư Păh), rẽ phải ta sẽ gặp những nương trà bạt ngàn.




Chùa Biển Hồ trà

Tiếp tục đi, ta sẽ đến chùa Bửu Minh, tức chùa Biển Hồ trà. Ngôi chùa ngày nay đã được trùng tu nhiều, rất khang trang.




Cây trà Biển Hồ thuở mới thành lập Sở Trà, năm 1921

Con đường cạnh chùa Biển Hồ trà có 2 hàng thông tuyệt đẹp.



Bài và ảnh: Phạm Hoài Nhân

Nguon:  http://www.amazingvietnam.vn/2012/08/bien-ho-tra.html


Âm lịch

Ảnh đẹp