01/02/2011 05:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 3944
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chỉ chừng 10 cây số bon bon xe máy về phía Đông TP. Pleiku, chúng tôi đã có mặt tại cánh đồng lúa An Phú bát ngát. Màu xanh của mạ mới gieo như trải dài vô tận trong nắng sớm, như một đồng bằng trên cao nguyên. Nơi đây, làng người Việt đầu tiên đã xuất hiện từ năm đầu tiên của thế kỷ XX và gây dựng nên vẻ trù phú nơi cửa ngõ thành phố này.


 
Đô thị trẻ Pleiku đã tròn 80 tuổi, cư dân Pleiku ai cũng biết điều đó. Song, bất chợt, nhiều người cũng sẽ miên man nghĩ, rồi thắc mắc tới lui về những ngày khởi đầu của đô thị này cũng như về sự có mặt của những lưu dân đầu tiên. Họ là ai? Họ từ đâu đến? Chúng tôi cũng nằm trong số đó và chuyến đi lập tức được lên kế hoạch.
 
Cụ Nguyễn Lãnh. Ảnh: Phương Duyên
Cụ Nguyễn Lãnh. Ảnh: Phương Duyên
Ông Phạm Ngọc Kỷ- Trưởng thôn 8, xã An Phú đưa chúng tôi đến thăm nhà một cụ già còn rất minh mẫn và nhớ rất nhiều chuyện xưa của làng, đó là cụ Nguyễn Lãnh, năm nay đã 85 tuổi. Chẳng còn nhiều lắm vết tích của làng khi chúng tôi đặt chân đến làng Phú Thọ xưa.
 
Phú Thọ giờ chỉ còn là một cái tên gọi đã thành quen trong trí nhớ, chứ nay làng đã được “biên chế” thành 7 thôn. Con đường vào làng được trải nhựa thẳng thớm, những ngôi nhà xây khang trang mọc lên tươi mới xen giữa những luống rau mơn mởn. Không thấy dấu tích đình làng, chỉ còn lác đác vài ngôi nhà “quê kiểng” có tuổi đời trên dưới 50 năm tuổi chứng thực cho gốc tích của những người lập làng: Người “xứ nẫu” Bình Định.
 
Ngôi nhà xây từ năm 1967 của cụ Lãnh là một trong những ngôi nhà như thế: Nhà ba gian, mái lợp ngói, gian giữa dùng để thờ phụng; trước nhà có mấy luống rau nhỏ, bên hông nhà mộc mạc một ụ rơm to, chuồng bò cũng nằm gần đó. Chỉ cách TP. Pleiku có 10 cây số mà tưởng chừng ta đã đến trúng phóc miền đồng bằng Trung bộ. Cụ Lãnh thư thái ngồi chơi dưới giàn lạc tiên trước hiên nhà khi chúng tôi đến thăm.
 
“Ông còn khỏe lắm đó, còn cuốc đất làm vườn được mà!”-người nhà của cụ khoe. Phải nói thêm rằng, cụ Lãnh là một trong số những người nhiều tuổi nhất thôn, nhưng cụ cũng chỉ là thế hệ sau của làng, nhưng chuyện từ ngày lập làng mà cụ kể là chuyện cụ được nghe người trước kể lại.
 
Chậm rãi, rành mạch, cụ cho biết, cụ sinh ra ở thôn Đại Lợi, xã Cát Nhơn, huyện Phù Cát, tỉnh Bình Định. Năm 1927, cha cụ đưa cả gia đình rời quê lên Bàu Cạn làm phu cho đồn điền chè của Pháp. Năm 1945, cụ tham gia cách mạng, nhưng chỉ được 1 năm thì bị thương ở chân. Tháng 6-1946, thực dân Pháp tái chiếm Gia Lai, rất nhiều người lúc đó tản cư về đồng bằng theo đường quốc lộ 19. Những người không chạy kịp thì được người Pháp gom về sống tại làng An Mỹ và Phú Thọ.
 
Cụ Lãnh nằm trong số này và đó chính là cơ duyên mới của cụ với làng Phú Thọ. “Theo như ông bà kể lại, trước đây có một cha đạo, thường gọi là cha Cẩn đã biết đến vùng đất bằng phẳng này và tới đo đạc, khai hoang. Sau đó, ông này nói với ông Nguyễn Miên về quê ở Bình Định kêu anh em ai muốn đi thì lên đây lập làng”- cụ Lãnh nhớ lại. Chính vì vậy, ông Nguyễn Miên, còn gọi là ông Câu Miên, được xem là vị tiền hiền khi mộ dân và lập ra ngôi làng này với khoảng 30 gia đình.
 
Ảnh: Phương Duyên
Ảnh: Phương Duyên
Có thể thấy, ở vị thế tiếp giáp với Gia Lai, đa số cư dân những làng người Việt đầu tiên có mặt ở Gia Lai đều là dân Bình Định, chủ yếu theo chân các nhà truyền giáo. Họ đã đặt ở đây một dấu ấn Bình Định hết sức rõ nét; thậm chí trong giọng nói người Pleiku, vốn là dân tứ xứ, cũng mang nặng âm hưởng “xứ nẫu”. “Nghe nói để lên đây họ phải xé rừng xé núi mà đi, mà hồi đó đất này toàn là cỏ may, sau mới được khai hoang”-cụ Lãnh kể tiếp.
 
Sau ông Cẩn, một cha đạo người Pháp, thường gọi là cố Cận, đã cho khai hoang hàng trăm mẫu ruộng tại đây, mở rộng phạm vi làng, dân cư dần đông đúc lên. Thông tin trong cuốn “Địa danh và Di tích Gia Lai- Từ góc nhìn văn hóa và lịch sử” của TS. Nguyễn Thị Kim Vân cũng nêu chi tiết này: “Năm 1933, Giáo hội Kon Tum do Linh mục thừa sai Nicolas (thường gọi cố Cận) đứng ra xin 201,24 ha làm đất ở, giáo đường và ruộng canh tác”.
 
Những gian khó của ngày đầu lập làng cũng được cụ Lãnh kể lại tỉ mỉ theo lời những người đi trước: Đói khổ, bệnh tật, “chỉ có một bộ đồ để mặc đi mặc lại nên rận nó đeo đàn đàn”… Do đó, thời kỳ này, rất nhiều lưu dân từ đồng bằng lên khai phá Tây Nguyên đã phải bỏ mình nơi xứ lạ. Đến năm 1945, làng Phú Thọ trở nên đông đúc hơn khi cùng với làng Trà Nhá (do ông Lê Hiếu Thuật, quê An Nhơn, Bình Định mộ dân cùng quê lên lập làng từ khoảng những năm 20 của thế kỷ XX) sáp nhập lại thành một làng. Từ ngày 3-10-1958, chính quyền Sài Gòn đổi 2 làng An Mỹ và Phú Thọ thành 2 xã cùng tên; sau giải phóng, 2 xã này được sáp nhập thành xã An Phú ngày nay.
 
Hơn trăm năm đã trôi qua kể từ khi những người Việt đầu tiên nghi ngại đặt chân đến chốn “rừng thiêng nước độc”. Đó cũng là cả một câu chuyện dài, rất dài của nhiều thế hệ… Nhớ lại chuyện xưa, nhìn ngắm cảnh nay, cụ Lãnh không khỏi bồi hồi: “Nhà cửa hồi trước toàn lợp tranh, vách đất, nay được xây cất đàng hoàng, đàng sá cũng rộng rãi, văn minh chứ không bụi bờ như lúc trước”.
 
Từ chỗ chỉ trồng lúa, An Phú nay còn trở thành một trong những vựa rau, vựa hoa lớn nhất tỉnh. Làng xưa giờ đã 8 phần mang dáng dấp phố, đời sống ngày một khá hơn. Một vùng trù phú, no đủ hiện diện ngay cửa ngõ thành phố đã tưới tắm thêm cho vẻ đẹp của Pleiku trong những bước chuyển mình. Chỉ tiếc, nấm mồ vị tiền hiền năm xưa, theo như cụ Lãnh, vẫn nằm trong nghĩa địa của làng nhưng chẳng còn mấy ai nhớ tên hay cúng bái.
 
“Nghe nói ông Nguyễn Miên có một người con nhưng đã chuyển đi ở nơi khác, không biết con cháu có còn nhớ tới mà cúng giỗ?”- cụ Lãnh ngậm ngùi.
 
Phương Duyên

Nguon: http://baogialai.com.vn/channel/1624/201101/Nguoi-Binh-dinh-va-lang-Viet-tai-Pleiku-1977047/


Âm lịch

Ảnh đẹp