16/09/2010 07:43 (GMT+7)
Số lượt xem: 4523
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Thị vào chợ như một đặc sản của mùa cuối hạ, chớm thu. Người mua thị không mặc cả và không ăn. Họ dùng như một nhu cầu thưởng lãm hương hoa- thứ mà có trong nếp sống từng nhà nói riêng ở Hà Nội. Một góc nhỏ nào đó trong không gian cuộc sống, có thị như có thêm một linh hồn vọng lên từ cổ tích. Nơi đó, điều Thiện phục sinh và hóa kiếp.

Vàng tươi một thúng thị theo chị hàng xén vào chợ vỉa hè họp sớm, tan lúc 7 giờ. Hương thơm quả của mùa đã gợi nhiều tương tư cổ tích giữa nhịp sống tiêu dùng hiện tại gắn với cử chỉ: tiền đưa, thị trao.

Bà già đặt bó hoa hồng xuống cạnh, tay nâng quả thị lên tận mũi. Thơm ngào ngạt. Những làn gió sớm mai đưa hương giăng mắc cả một góc phố đã làm hài lòng cái mũi khó tính của bà.

Mua ngay lấy hai quả, bà bảo với người bán là: "Thị không như...thịt". Hiểu theo ý của bà thì: thị không dùng để ăn, thị không tiếp xúc với dạ dày và thị không có nguồn dinh dưỡng. Để bảo toàn giá trị của món hàng, người bán đối đáp: "Thị không nên so sánh với thịt, thị là quả để trang điểm ngôi nhà như hoa! Bà ngửi thị nhiều ngày chứ không thể ngửi thịt lần thứ hai!". Có chút điêu ngoa phường chợ và có cả một thái độ thẳng thắn trọng thị một thứ quả thơm giữa hai người đàn bà. Chẳng có nàng Tấm nào xuất hiện ở đây!

"Thị là loài quả có linh hồn. Người Việt Nam tôn thờ thị, phải không?". Ảnh: vicongdong.vn

Một mớ thiên lý từ đâu đến chợ, đặt gần thúng thị. Hai thứ hương thơm đặt cạnh nhau. Cách đong đếm để bán khác nhau. Thiện lý bán theo cân, một lạng ba nghìn, rẻ. Thị thì bán từng quả, nhỏ hay to tùy theo mấy nghìn, tùy hứng. Hầu như người nào mua thiên lý thì đều ngó sang nhặt thị. Hai người bán hàng không hề để ý đến điều này.

Hình như, hoa thơm kích thích quả thơm trong tiêu dùng nhộn nhịp của buổi chợ. Nếu như ai đó bước chân đi về hàng tôm cá thì e rằng, thả mất chuỗi hương thơm này. Đơn giản, chỉ vì tanh nồng đã gần hơn thanh khiết và mũi của ta đã đi ngược chiều với thơm tho thì chẳng ngửi được!

Đôi mắt vợ chồng ngoại quốc ngạc nhiên nhìn thúng thị vơi dần đi, miệng lẩm nhẩm nói nhỏ với người phiên dịch như thế này: "Kìa cô bạn, quả gì thế? Vàng vàng, tròn tròn và có cả cuống lá". Cách ngắn nhất để giải thích cho họ là mua tặng họ vài quả. Thích thú. Họ lắng nghe câu chuyện cố tích. Nàng Tấm hiện hình trong quả thị, họ tấm tắc khen hay, gọn ý là: "Thị là loài quả có linh hồn. Người Việt Nam tôn thờ thị, phải không?".

Cô gái trẻ trong trang phục của một nhân viên ngân hàng, dừng xe rẽ vào mua thị. Những ngón tay trắng ngà lựa từng quả thị. Rút điện thoại ra, cô trò chuyện với người ta: "Chị ơi, mùa thị chín rồi đấy. Để em mua tặng chị mấy quả nhé! Đặt cạnh chiếc máy vi tính cho nó lan tỏa và duyên dáng". Thêm một nụ cười tiếp sau cuộc gọi. Của đáng làm đẹp cho người biết giữ duyên!

Thị vào chợ như một đặc sản của mùa cuối hạ, chớm thu. Người mua thị không mặc cả và không ăn. Họ dùng như một nhu cầu thưởng lãm hương hoa- thứ mà có trong nếp sống từng nhà nói riêng ở Hà Nội. Ảnh: vnthuquan.net

Một cụ ông tóc lơ phơ bạc, đi tập thể dục về, ghé vào chợ mua thị. Ông bảo: "Thơm thật, ta mua về tặng bà nó".  Khi chị bán hàng giỡn khách hỏi ông không mua xôi về cho cụ bà ăn sáng, ông tếu táo ngay: "Thị là thị mà xôi là xôi. Xôi ăn vào thì no bụng, thị mua về thì để lâu mà bổ cái khứu giác". Hỏi tiếp tại sao lại chọn 6 quả, ông lại cười đắc ý: "Thiếu 5 năm nữa là tròn 60 năm là vợ chồng, ta chơi đẹp tặng bà nó 6 quả thị!". Vậy đó, thị đã chiếm thị phần trong hạnh phúc của đôi tình già.

Chợ gần điểm đỗ xe bus, gần ngôi trường phổ thông trung học, có nhiều học sinh đi qua. Những khuôn mặt hồn nhiên, không vướng cáu gắt sau một chuyến xe bus đông nghẹt người. Không lạc bước vào chợ những mũi cứ hít hà vì gặp thứ hương lạ đâu đây. Người này đố người kia nhận biết. Ngôn ngữ của một tốp chuyên toán là: "Chịu luôn, coi như là một ẩn số đi!". Đến lượt một nữ sinh, mắt đeo kính cận điềm nhiên đọc câu thơ: "Quả thị thơm cô Tấm rất hiền" thì cả nhóm mới ồ lên, ý như thán phục. Trên vỉa hè, thúng thị đã chỉ còn chục quả!

Thị vào chợ như một đặc sản của mùa cuối hạ, chớm thu. Người mua thị không mặc cả và không ăn. Họ dùng như một nhu cầu thưởng lãm hương hoa- thứ mà có trong nếp sống từng nhà nói riêng ở Hà Nội. Một góc nhỏ nào đó trong không gian cuộc sống, có thị như có thêm một linh hồn vọng lên từ cổ tích. Nơi đó, điều Thiện phục sinh và hóa kiếp.

Trong tâm hồn dân gian, có một bà già bỏ chợ về sớm để xé tan vỏ thị cho nàng Tấm trở về làm con gái hiền ngoan của bà. Lặp lại câu nói của bạn tôi: "Thị là loài quả có linh hồn" để bổ sung vào kí ức một người biết yêu chuyện cổ, như một nhà thơ đã khám phá tình yêu của mình dành cho đất nước: "Tôi yêu chuyện cổ nước tôi/ Vừa nhận hậu lại tuyệt vời sâu xa".

http://tuanvietnam.net/2010-09-06-ai-mua-thi-thom-hoac-thi-la-loai-qua-co-linh-hon-


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp