29/08/2010 22:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 5652
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong dặm dài nghệ thuật Phật giáo, Triển lãm Sen đầu hạ 4 sau khi kết thúc ở Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, đã rong ruổi lên miền vùng sơn cước Sóc Sơn (Hà Nội) để hòa mình vào tiết thu trong không gian nghệ thuật của Việt Phủ Thành Chương. "Choáng" với kho cổ vật Phật giáo ở Việt Phủ Thành Chương

Chiều 15-8-2010 Hà Nội nóng nực là vậy, nhưng lên đến vùng núi Sóc Sơn thì khí trời chuyển sang mát mẻ, mùa thu đã chạm vào vai khi chúng tôi bước chân qua cổng Việt Phủ Thành Chương. Những quả đồi phủ kín cây như một khu rừng, những con đường lát đá gan gà mát rợp dưới những tán xanh, điểm xuyết những khóm hoa rực rỡ. Những ngôi nhà cổ, bức tường đan xen nhau tầng tầng lớp lớp, khiến ta như lạc vào một kinh thành cổ. Việt Phủ Thành Chương quả là một khu sắp đặt kiến trúc độc đáo, công phu trên diện tích hơn 1 ha, với gần 20 công trình kiến trúc mang đậm phong cách cổ: nhà sàn, nhà Bức Bàn, nhà Đại Khoa, nhà Long Đình, nhà rối nước, tháp Sơn Tịnh, nhà Thanh Tĩnh, nhà tranh vách đất, nhà thủy đình, Trà Hương Quán, nhà Mặc Hương, nhà Tường Vân, miếu Ngựa, lầu Mặc Hương… Cùng với những ao, hồ nhỏ xinh: hồ rối nước, hồ bán nguyệt, ao sen, ao Mặc Hương… đang mùa hoa sen khoe sắc, tỏa hương thoang thoảng khiến cả không gian như được ướp bằng hương sen. Cách bài trí trong mỗi kiến trúc được miêu tả thật hấp dẫn, mỗi ngóc ngách đều toát lên cái hồn của văn hóa Việt.

thanhchuong-1.jpg
Việt Phủ Thành Chương

Bước chân vào tòa nhà Tường Vân kiến trúc hình tháp cao 5 tầng, ta được lạc vào thế giới cổ vật đồ sộ và đẹp đến độ "buốt mắt". Cả 5 tầng từ thấp đến cao đều được họa sĩ Thành Chương dùng trưng bày những cổ vật mà ông đã sưu tầm được. Nơi đây tụ hội hàng trăm pho tượng Phật cổ chủ yếu tác tạo bằng 2 chất liệu gỗ hoặc đất thó sơn son thếp vàng, với đủ loại hình: Phật bà nghìn mắt nghìn tay, Quan Âm Nam Hải, tượng Phỗng, A Di Đà, Thích Ca, Tuyết Sơn, Tam Thế, Hộ Pháp… cùng những chuông, mõ, bát hương, mô hình tháp Phật, tràng hạt, rất nhiều đồ sứ thờ Trần, Lê, Mạc. Chiêm ngưỡng thế giới tượng Phật cổ ở Việt Phủ, chúng tôi thực sự "choáng" vì không thể ngờ được một cá nhân lại có thể sở hữu được số lượng cổ vật lớn như vậy. Họa sĩ Thành Chương cho biết: "Tôi mê đồ cổ và sưu tầm đồ cổ từ lúc còn là một cậu học trò, còn xây dựng Việt Phủ thì bắt đầu từ năm 2001". Có lẽ cũng vì "ngợp" trước Việt Phủ Thành Chương, mà cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Raymond Burghard từng nhận xét: "Người ta thường hay nói, biến giấc mơ thành hiện thực. Nhưng với công trình này, ông là người đã biến hiện thực thành giấc mơ". Còn Xiomara Perez, Phó Đại sứ Cộng hòa Panama tại Việt Nam thì nói: "Không gian nơi đây thật là tuyệt diệu, và nội dung chứa đựng nơi đây thật là choáng ngợp. Những ngôi nhà, những đồ gỗ cổ, những bức tượng điêu khắc, những lọ hoa, những đồ gốm và vô số những hiện vật xinh đẹp khác nằm trong sự sắp đặt tổng thể đã khiến cho bảo tàng hết sức đặc biệt này trở thành Ngôi Nhà Lớn Của Nghệ Thuật".

thanhchuong-2.jpg
Triển lãm Sen đầu hạ tại Việt Phủ Thành Chương

Sen tỏa ở Mặc Hương

Họa sĩ Thành Chương (pháp danh Quảng Ân) đón tiếp nhóm họa sĩ thân hữu Mặc Hương cùng người yêu nghệ thuật Phật giáo bằng tấm lòng tha thiết, chân thành của vị chủ nhà hiếu khách. Ông chia sẻ: "Tôi đã tự thiết kế tòa nhà này trong khu vực Việt Phủ để dành riêng cho triển lãm nghệ thuật, cũng đặt tên là Mặc Hương. Hôm nay là ngày vô cùng quan trọng đối với Việt Phủ vì là lần đầu tiên tổ chức triển lãm mỹ thuật Phật giáo, mà lại là triển lãm của nhóm họa sĩ cũng mang tên Mặc Hương. Đây là cái duyên tốt đẹp để sau này nơi đây sẽ là một trong những địa chỉ của nghệ thuật Phật giáo". Tại triển lãm, họa sĩ Thành Chương góp mặt bằng 3 tác phẩm sơn mài khổ lớn với đề tài hoa sen mà họa sĩ vừa mới sáng tác. Chiêm ngưỡng những bức tranh, ta thấy sen của Thành Chương không lệ ở hình tướng. Tác giả đã đi sâu vào nội tâm, đem lại đời sống âm thầm đang vươn dậy trong tâm tưởng qua những khóm sen tàn. Nhưng dường như nỗi tàn của sen trong tranh Thành Chương cứ xiết đến tận cùng sâu thẳm, đây là nỗi lòng không của riêng ai cũng không là nỗi đau trong giới hạn của một kiếp người, mà đó là nỗi buồn nhân thế nước chảy bèo trôi. Sen của Thành Chương nhắc ta nhớ về câu thơ của thi sĩ Bế Kiến Quốc đã phác họa chân dung anh: "Y như đầm sen tàn cuối chiều nhạt nắng/Cọng trơ vơ rầu héo tận trong bùn".

Rời khỏi sen Thành Chương, ta lạc vào thế giới sen trong tranh của Quảng Lưu - Đặng Phương Việt. Sen của Phương Việt hào sảng với những sắc màu tươi tắn, bố cục thoải mái, diễn tả gần với tự nhiên. Từ lá, hoa đến cuống nhụy cùng chen vào thích cánh. Quảng Lưu vẽ đầm sen với vẹn nguyên những nhát màu nồng nàn cảm xúc, đẩy người xem như cố mở tầm nhìn về điểm hút mãi tận xa tít ở ngoài tranh. Để rồi chợt nhận ra rằng, sen đấy mà không thấy sen đâu, chỉ còn hương sen hiển hiện trước mắt ta nhìn. Tựa như ảnh trình vào cõi tâm linh, những sự chuyển động kỳ lạ của màu sắc khiến cho những bông sen ấy không thấy có sự xao động, gam màu trầm khiến sen trở nên uẩn huyền hơn. Đó là chuyển dịch nội tâm, tĩnh lặng như một sự tự vươn lên để thức tỉnh, giải thoát mình khỏi những ô nhiễm đời sống trên thế gian trần tục này. Ở tranh của Phật tử Pháp Lạc - Nguyễn Thị Nhàn lại đem đến cho ta cách nhìn rất khác, hình tướng hoa sen chỉ là cái cớ. Với nét vẽ công bút như ứng xử tạo hình trên gốm thời Trần, Pháp Lạc đã gợi về hoa sen một cách ý tứ, đằm thắm như bản tính thường ngày của chị. Những lá rủ xuống đến là duyên, những đường gân cơ hồ như tự mọi nẻo tụ về nơi tâm cứ như sự tương phùng của vạn pháp. Những đài sen xô nghiêng, thảng thốt. Tất cả cứ lụi đi nhưng không tận diệt, sự lụi ấy chính là khai mở cuộc sinh sôi ở đầu kia của kiếp hoa, theo quy luật: thành - trụ - hoại - không. Có phải Pháp Lạc định nói thế chăng? Cũng không phải thế chăng? Nhưng, tôi nghe một người thưởng lãm thủ thỉ: Giá như trong gam màu ấy thêm một sắc độ đậm, đâu đó trong các hình mảng cần thêm một chút dụng công tạo chất cảm hư ảo, thì biết đâu Pháp Lạc sẽ làm người xem bâng khuâng hơn.

thanhcuong-3.jpg

Tranh của Quảng Thái - Nguyễn Quang Đức lại là một mệnh đề đứng riêng bởi sự mạnh bạo trong tư duy tạo hình. Quảng Thái chắt lọc cái kết cấu hoa sen của tranh Mạn Đà La Mật tông, rồi đẩy hoa sen vào vị trí trọng tâm. Anh đã sử dụng nhuần nhuyễn mật ý trong các màu sắc: sen màu trắng tượng trưng cho trí tuệ vô thượng của chư Phật; sen màu hồng tượng trưng cho sự tôn quý tối thượng của Phật, Bồ tát; sen màu đỏ tượng trưng cho thanh tịnh, từ bi, biểu thị cho Đức Quán Thế Âm Bồ tát; sen màu xanh tượng trưng cho trí tuệ tối thắng Bát nhã Ba la mật, biểu hiện Ngài Văn Thù Sư Lợi Bồ tát. Bên cạnh những tác phẩm như ngự tiệc thịnh soạn về màu sắc của triển lãm Sen đầu hạ, ta bắt gặp một nhóm tác phẩm sen trong màu sơn mài nền nã, hai sắc trắng đen như trò ú tim của cuộc đời. Đó là sen của Phật tử Quảng Trí - Vũ Việt Hùng. Với cách mô tả truyền thống trong cách nhìn mảng, hiện đại trong bố cục đa chiều, sắc màu tối giản tạo nên chút duyên thầm như đóa hoa sen nở âm thầm sau đêm mưa, cứ lặng lẽ mà ngan ngát như không thuộc về cõi thực. Giữa không gian nghệ thuật của Việt Phủ Thành Chương, ta chợt nhớ một câu nói của nhà phê bình nghệ thuật Thái Bá Vân: "Tôn giáo và nghệ thuật có duyên nợ với nhau như cánh diều và sợi dây. Sợi dây càng buộc chặt thì cánh diều càng nâng cánh bay cao". Triển lãm tại Việt Phủ Thành Chương từ ngày 15-8 đến hết ngày 23-8-2010.

Bài, ảnh Chu Minh Khôi
http://giacngo.vn/nghethuat/hoihoa/2010/08/29/7E7458/


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp