Tóm tắt: Sông Hằng (Gangā) là con sông nổi tiếng nhất
trong lục địa Ấn Độ ngày nay. Tầm quan trọng của con sông này được thể
hiện qua ảnh hưởng của nó trong lịch sử văn minh Ấn Độ suốt hơn năm
nghìn năm qua. Nếu lịch sử tư tưởng Ấn Độ là một phần quan
trọng trong lịch sử tư tưởng thế giới thì sông Hằng là một nhân tố quan
trọng để hình thành hệ thống tư tưởng uyên thâm của Ấn độ, đặc biệt của
Phật giáo. Bài viết này đề cập đến vai trò của sông Hẳng và những tương
hệ của nó đối với sự hình thành và phát triển của Phật giáo Ấn Độ.
Dẫn nhập
Trong truyền thống văn hoá tâm linh của Ấn Độ, Himalaya và Gangā được
xem là hai hình ảnh thiêng liêng, tiềm ẩn một sức mạnh nội tại, một khả
năng siêu việt và một suối nguồn cảm xúc vô tận mà con người thường mơ
ước đến. Nếu như dãy Himalaya là một biểu tượng cho sự vĩ đại và oai
hùng của tinh thần dân tộc, thì sông Hằng cũng được ví như một nữ thần
từ ái, luôn dang rộng đôi tay để bảo bọc, dưỡng nuôi và bồi đắp cho nền
văn minh xứ Ấn suốt bao thiên niên kỷ qua. Lịch sử tôn giáo và văn hoá
của Ấn Độ sẽ giảm đi tính huyền bí và thiêng liêng bao đời nay nếu đất
nước này thiếu đi hai biểu tượng tôn nghiêm và kỳ vĩ như thế. Vô số các
vị ẩn sĩ, các bậc thánh nhân, các nhà hiền triết đã dành trọn đời mình
để chiêm nghiệm, tu trì và truyền bá những tinh hoa tư tưởng tại những
trú xứ thiêng liêng ấy. Dấu ấn về hành trạng và sự nghiệp của họ vẫn còn
lưu lại đâu đó trên những hang động heo hút thâm nghiêm, những triền đá
cheo leo, cô tịch của miền núi tuyết hay những dòng nước cuồn cuộn hay
êm ả, những bãi cát mênh mông, những ngôi đền cổ kính sớm chiều vọng
tiếng chuông ngân hoà trong âm thanh cầu nguyện theo ngữ điệu từ ngàn
xưa, và rực sáng dưới những ánh lửa kỳ ảo bên bờ sông Hằng lịch sử.
Đối với dân tộc Ấn Độ, sông Hằng vừa là niềm tự hào, là sự tôn kính,
là chứng nhân của bao thăng trầm của một đất nước huyền bí, có chiều sâu
tâm linh bậc nhất thế giới. Trong tác phẩm Khám phá Ấn Độ, cố thủ tướng Ấn Độ Jawaharlal Nehru (1889-1964) đã bày tỏ niềm kính ngưỡng của mình đối với sông Hằng như sau: “Sông
Hằng, hơn hẳn các dòng sông khác tại Ấn Độ, chính là nơi lưu giữ trái
tim của Ấn Độ, đã thu hút hàng triệu người tới bờ sông của mình kể từ
thời bình minh của lịch sử. Câu chuyện về sông Hằng, từ nguồn ra biển,
từ xưa tới nay, chính là câu chuyện của văn minh và văn hóa Ấn Độ, của
sự hưng thịnh và suy vong của các đế chế, của những thành phố vĩ đại và
kiêu hãnh, của những cuộc phiêu lưu của con người và sự tầm cầu về tâm
thức vốn từ lâu đã thôi thúc các triết gia Ấn Độ, của sự phong phú và
đầy đủ trong cuộc sống hay sự khước từ và xả ly xuất gia, của những
thăng trầm, của sự hưng thịnh và hoại diệt, của sống và chết ”[1].
Từ TK IV Tr CN vua Alexander Đại đế (356–323 BCE) của xứ Macedon đã nghe
đến danh tiếng của dòng sông Hằng và cố công mở rộng biên cương mình
đến con sông thiêng liêng này. Các thi hào nổi tiếng như Virgil, Ovid,
và Dante đều ca ngợi sông Hằng, con sông có một vị thế độc đáo trong
dòng tư tưởng nhân loại thời Trung Cổ.
Trên phương diện lịch sử, sông Hằng là cửa ngõ mà các đoàn viễn chinh
phương Tây đầu tiên xâm nhập vào tiểu lục địa Ấn Độ vào khoảng TK XI Tr
CN. Trong cảm nhận của những đoàn viễn chinh này, con sông này thật
mênh mông và vĩ đại. Những dòng chảy của nó như những sợi dây nối kết
các cộng đồng dân cư rải rác, đường đi của con sông dài thăm thẳm, hướng
đến miền đất phương Đông xa xôi. Khi nền văn minh hình thành trên bờ
sông này, các khu phố thị xuất hiện, con sông trở thành một điểm sáng
của dòng lịch sử Ấn độ.
Bình minh trên sông Hằng (ảnh,HTBT/2011)
1. Huyền thoại về nguồn gốc sông Hằng
Bắt nguồn từ đỉnh Gangotri trên dãy Himalaya, băng qua một vùng đồng
bằng dài 2510 Km với những trung tâm đô thị lớn như Kanpur, Allahabad,
Varanasi, Patna, Calcutta, và cuối cùng đổ ra vịnh Bengal, sông Hằng
được xem là dòng sông linh thiêng nhất tại Ấn Độ. Đối với Bà-la-môn
giáo, dòng sông này là nơi lưu xuất các nhánh sông thiêng, là một vị nữ
thần có khả năng tịnh hoá mọi sự ô nhiễm của đời sống trần tục, và nó
cũng được ví như một bà mẹ với thần lực diệu kỳ mà các bộ thánh kinh
Vệ-đà hằng tôn vinh và ca ngợi. Theo các bộ sử thi Mahābhārata và Rāmāyaṇa giống dân Aryan thường cư trú tại đồng bằng sông Hằng vì dòng sông này là nguồn của bảy con sông thiêng tại Ấn Độ.
Các huyền thoại khác nhau về nguồn gốc của dòng sông này được tìm
thấy trong các sử thi, các bộ huyền sử cùng các kệ tụng bằng Phạn ngữ.
Một trong những huyền thoại phổ biến nhất kể lại như sau. Tương truyền
vua Sagara có hai người vợ rất đáng yêu. Vì được ân sủng của thần Śiva,
người vợ thứ nhất sinh được sáu mươi ngàn người con trai. Người vợ thứ
hai chỉ sinh được một đứa con duy nhất, đó là anh chàng Asamanjas. Trong
khi sáu mươi ngàn chàng trai kia hăng say học hỏi và luyện tập để trở
thành những chiến binh giỏi, thì Asamanjas lại gieo rắc nhiều đau khổ
cho dân chúng trong nước, đến nổi vua cha buộc phải đuổi người con kỳ
quái này ra khỏi vương quốc mình. Một hôm vua Sagara tổ chức một buổi lễ
bắt ngựa. Trong buổi lễ này, một con ngựa hoang được thả trên cánh đồng
và sáu mươi ngàn vương tử kia sẽ theo đuổi bắt lại. Người nào đuổi bắt
được ngựa ấy được xem là thắng cuộc, và tất cả những người còn lại phải
kính phục người ấy. Trong lúc các vương tử đang mãi mê đuổi theo con
ngựa, bỗng nhiên con ngựa ấy biến mất. Sau một hồi tranh cải căng thẳng,
các vương tử ấy cùng đào đất, moi hang, lặn xuống biển sâu, đến các vực
thẳm…để cố tìm ra con ngựa ấy. Cuối cùng thì họ phát hiện ra con ngựa
kia đang ở trong một hang sâu, gần nơi thánh Kapila đang hành thiền. Các
vương tử hợp sức nhau bắt đươc con ngựa ấy. Song vì cố bắt cho được
ngựa nên họ đã làm kinh động đến thánh Kapila. Kapila vô cùng tức giận
và ông đã thiêu sống các vương tử kia bằng ngọn lửa phát ra từ ánh mắt
giận dữ của mình.
Khi hay tin con mình bị hại, vua Sagara vô cùng đau đớn. Ông bèn sai
người cháu của mình là Ansuman đến gặp thánh Kapila hầu mong cứu được
linh hồn các vương tử. Kapila rất mến mộ phong cách và cử chỉ của
Ansuman và ông cho biết rằng chỉ có nước sông Hằng trên thiên giới mới
giúp cho linh hồn các vương tử được siêu thoát và sanh lên cõi trời. Dù
trọn đời cầu nguyện và thiết lễ để thỉnh nữ thần sông Hằng từ thiên giới
mang nước sông xuống trần gian, vua Sagara, Ansuman, rồi đến Dilipa
(con trai của Sagara) cũng không mời được vị nữ thần này. Mãi đến thời
Bhagiratha, con trai của Dilipa, thì vị nữ thần kia mới chấp thuận lời
cầu thỉnh này sau khi Bhagiratha đã hành lễ và tu tập rất nhiệt thành.
Tuy nhiên, chỉ có thần Śiva mới có thể sinh ra nữ thần sông Hằng tại cõi
trần này và nhờ thế nữ thần này mới có thể xuống được trần gian. Vì vậy
Bhagiratha lại phải hành thiền miên mật và thiết lễ trang trọng suốt
một thời gian dài nữa để cầu thỉnh thần Śiva và sau đó thì nguyện ước
của Bhagiratha được thành tựu. Cuối cùng, từ thiên giới, sông Hằng chảy
xuống tóc và chân của thần Śiva trước khi chảy vào mặt đất. Theo tín đồ
Ấn giáo, nơi mà sông Hằng chảy từ thiên giới xuống chân của thần Śiva
chính là khu vực Gangotri ngày nay. Vừa lúc sông Hằng chảy xuống mặt
đất, Bhagiratha liền lên ngựa quay về nơi các vương tử bị thiêu sống.
Dòng sông Hằng chảy theo chân của Bhagiratha đến nơi ấy và cuối cùng các
vị vương tử ấy được siêu thoát. Nơi mà tro cốt cuả các vương tử được
hoà trong sông Hằng chính là đảo Sagar, từ nơi này sông Hằng bắt đầu đổ
ra đại dương[2].
Sông Hằng được nhắc đến nhiều lần trong các huyền thoại và truyền
thuyết cổ xưa của Ấn Độ trong mối liên hệ với nhiều vị thần khác như
Śiva và Viṣṇu. Vào thời trung cổ, hai nữ thần sông Hằng và sông Yamunā
được khắc vào hai bên cổng vào của các ngôi đền Ấn giáo. Nữ thần sông
Hằng thường được khắc hoạ trong hình dáng một người nữ cưỡi cá sấu, một
biểu tượng cho sự nguy hiểm của chết chóc và sự sung túc của cuộc sống.
2. Sông hằng trong văn hóa Bà-la-môn giáo
Với một niềm tin sâu đậm từ huyền thoại trên, tín đồ Bà-la-môn giáo
ngày xưa hay Ấn giáo ngày nay thường hành hương đến năm địa điểm quan
trọng của con sông này, đó là: Gangotri, nguồn của sông; Hardwar, nơi
sông đổ vào đồng bằng; Prayāg, nơi giao lưu của sông này với hai con
sông lớn khác là Yamunā và Sarasvatī; Kāsī (Ba-la-nại), trú xứ của thần
Śiva; và Sagar, nơi sông Hằng đổ ra biển. Khi đến những nơi ấy, người ta
thường tắm rửa, uống nước, lễ bái và cầu nguyện. Hàng triệu người đến
tắm trên sông Hằng mỗi ngày.
Trong tâm thức tín đồ Ấn giáo, nước sông Hằng là một ân huệ linh
thiêng của thần linh được tôn thờ trong truyền thống Ấn Độ cách đây bốn
nghìn năm và kéo dài cho đến ngày nay. Vào đầu mùa vụ, trước khi những
hạt giống được gieo trồng, nông dân miền Bắc Ấn đặt lọ chứa nước sông
Hằng vào một nơi đặc biệt trên cánh đồng để mong cầu một mùa bội thu.
Những cô gái mới lấy chồng hòa mình vào dòng sông và cầu nguyện cho con
và chồng mình. Hình ảnh sông Hằng vang vọng trong lịch sử Ấn Độ với
những câu chuyện, giai thoại về sức mạnh tiềm ẩn của nó: sự sản sinh và
bồi đắp cho cuộc sống con người cũng như sự hướng đến cứu cánh bất tử.
Với sự ra đời của các thánh kinh Ấn giáo vào TK III TL, sông Hằng đã
dần dần đóng một vai trò tiên phong trong các nghi lễ tôn giáo, đặc biệt
các nghi thức liên hệ đến việc sanh sản, trưởng thành và qua đời. Kể từ
khi nữ thần sông Hằng xuất hiện trong hệ thống tín ngưỡng thần linh của
Ấn giáo, theo thời gian, vị thần này được tôn thờ càng ngày càng nhiều
hơn vì rằng đây vị luôn hướng con người đến sự tịnh hóa và cảnh giới
thiên đường.
Tín đồ Ấn giáo luôn tin rằng những ai được tắm, hoặc thậm chí thấy
tận mắt con sông này sẽ tiêu trừ được tội lỗi và tiến gần đến bờ giải
thoát. Những ai không đến được dòng sông này thường hành lễ với nước
sông được những người hành hương mang về. Ba-la-nại được mệnh danh là
thành phố thiêng, nhưng nó cũng có tên là thành phố hoả táng. Người dân
Ấn ở khắp nơi đổ về thành phố này để làm lễ hoả táng cho người thân.
Thường thì tử thi được quấn trong những lớp vải trắng hoặc đỏ, và được
đưa lên đài hoả táng đốt bằng củi sau vài lời cầu nguyện ngắn của người
dự lễ. Người dự lễ không tỏ ra đau xót hay than khóc vì họ tin rằng sau
khi hoả táng, tro cốt của người chết sẽ được rãi trên sông Hằng và nhờ
đó họ được giải thoát. Việc hoả táng diễn ra suốt hai mươi bốn giờ trong
ngày. Tại những bến sông ở thành phố này, có những đoạn dài chỉ khoảng
bảy cây số nhưng có đến hai ngàn ngôi đền lớn, nhỏ nằm san sát nhau. Mỗi
khi bình minh lên, tất cả những sinh hoạt tôn giáo nơi đây như bừng
dậy, sôi động và nhộn nhịp. Các đạo sĩ Bà-la-môn ra bến sông rung chuông
và nâng cao những cây đèn lửa hướng về phía mặt trời đang mọc, miệng
lâm râm tụng kinh, dân chúng đổ xuống sông tắm, kẻ đốt nến, người dâng
hoa, lại có những người ngồi theo tư thế Yoga dọc theo những hàng tâng
cấp, từng đàn chim bay lượn trên bầu trời mờ ảo, du khách phương xa đáp
thuyền dạo sông, thả đèn trên dòng nước và ngắm bình minh đang lên bên
kia bờ sông. Trời càng về sáng, bến sông càng đông đúc hơn, thuyền bè
bắt đầu rời bến, người người chen nhau ra sông tắm giặt, cầu nguyện, thả
tro cốt người chết và lấy nước sông đem về.
3. Sông Hằng và sự ra đời của Phật giáo
Vào thời Đức Phật, đồng bằng sông Hằng chiếm một vị trí địa lý quan
trọng và có ảnh hưởng nhiều đến các lĩnh vực chính trị, kinh tế và văn
hoá của các vương quốc lớn nhất thời bấy giờ. Theo các nguồn sử Phật
giáo, đương thời hệ thống chính trị của Ấn Độ được chia làm hai khối
quân chủ và cộng hoà gồm mười sáu nước khác nhau[3]. Đứng đầu khối cộng
hoà là liên bang Vajji (Bạt-kỳ). Liên bang này cai trị toàn bộ khu vực
phía Bắc của sông Hằng và mạn Đông sông Gandak. Dẫn đầu khối quân chủ là
bốn vương quốc hùng mạnh: Magadha (Ma-kiệt-đà), Kosala (Câu-tát-la),
Vaṁsa (Bạt-sa), và Avantī (A-bàn-đề). Ba trong số bốn nước này luôn thay
nhau chiếm cứ lưu vực sông Hằng và sông Yamunā. Với nguồn nước dồi dào
của sông Hằng và lượng mưa cao vào cuối mùa Hạ, đồng bằng sông Hằng trở
thành một khu vực phát triển nông nghiệp khá lý tưởng.
Trên phương diện kinh tế, sự phát triển kỷ nghệ đồ sắt đã tạo nên
những chuyển biến lớn trong xã hội vào cuối thời kỳ Vệ đà và là động lực
chính để sản sinh ra nền văn minh sông Hằng. Cuối TK VII Tr CN các công
cụ đồ sắt là phương tiện không thể thiếu trong việc khai khẩn những khu
vực cây cối chằng chịt thuộc lưu vực sông Hằng. Lửa cũng được dùng vào
việc này, nhưng người ta không thể dọn sạch gốc của những loại cây thuộc
vùng nhiệt đới có rễ đâm sâu dưới lòng đất nếu như không dùng đến những
công cụ bằng sắt. Thêm vào đó, việc cày bừa không thể nhờ vào các công
cụ bằng gỗ bởi đất tại lưu vực sông Hằng là một loại đất cứng và việc
canh tác chỉ thành công nếu như đất nơi ấy được cày sâu. Như thế, chính
sự phát triển của công nghệ đồ sắt mà việc trồng trọt tại đồng bằng sông
Hằng được phát triển. Sự phát triển nông nghiệp với mức thặng dư cao đã
phát sinh ra nhu cầu thương mại và sự hình thành những trung tâm đô
thị. Hẳn nhiên quá trình đô thị hoá không thể diễn ra một cách đột ngột
mà nó luôn song hành với quá trình định hình những thể chế chính trị và
xã hội tại những khu vực đó.
Trên phương diện xã hội, quá trình đô thị hoá là một động lực quan
trọng làm nảy sinh chủ nghĩa cá nhân trong đời sống xã hội cũng như nền
quân chủ chuyên chế trong lĩnh vực chính trị. Chính hai khuynh hướng này
đã tạo nên những tác động tiêu cực đối với đời sống luân lý và tinh
thần của mỗi cá nhân, và làm cho họ cảm thấy bất mãn hơn đối với thời
cuộc. Đây chính là tiền đề rất có nghĩa cho sự hưng khởi của Phật giáo
trong bối cảnh khá đặc thù như thế. Sự xuất hiện của Phật giáo như là
một phong trào tâm linh để khai phóng những nội kết trong đời sống cá
nhân cũng như những mâu thuẫn vốn có của xã hội, từ đó mở ra một hướng
đi mới cho loài người bằng tinh thần từ bi, vô ngã, và phong trào này
cũng đưa ra một khuynh hướng nhận thức mới đặt trên nền tảng của lý trí
và tinh thần tự do tư tưởng. Vì thế sự xuất hiện của Phật giáo được xem
là một sự kiện quan trọng trong lịch sử của nền văn minh sông Hằng.
4. Nguồn gốc sông Hằng theo kinh điển Phật giáo
Trong kinh điển Phật giáo, sông Hằng cùng với bốn con sông lớn khác
là Yamunā, Aciravatī, Sarabhū, and Mahī được xem là những con sông chính
ở Diêm-phù-đề (Ấn Độ) (Tương Ưng II). Theo các bản chú giải của các bộ Tương Ưng và Tăng Chi, sông Hằng bắt nguồn từ hồ Anotatta trên núi Tuyết. Theo kinh Trường A Hàm,
trên núi Tuyết có ao A-nậu-đạt, ngang dọc năm mươi do tuần, chung quanh
ao được trang hoàng bằng bảy báu, dưới đáy ao có nhiều cát vàng, có bốn
con sông tuần tự chảy từ bốn phía Đông, Tây, Nam, Bắc của ao này vào
biển, đó là các sông Hằng, Bà-xoa, Tân-đầu và Tư-đà. Bản kinh này cũng
giải thích nghĩa của chữ A-nậu-đạt như sau: các Long vương ở Diêm-phù-đề
thường gặp phải ba nạn, 1. Bị gió và cát nóng chạm vào thân, thiêu đốt
da thịt, xương tủy làm cho khổ não; 2. Bị gió dữ thổi mạnh vào trong
cung, làm mất y báu, chịu khổ não; 3. Thường bị chim lớn cánh vàng bay
vào cung dắt đi, hoặc bắt rồng để ăn thịt. Riêng Long vương ở ao này
không gặp phải những nạn như thế, nên ao này có tên là A-nậu-đạt[4]. Bản
chú giải Kinh Tập (Suttanipāta) thì giải thích rằng ánh sáng
mặt trời, mặt trăng không chiếu thẳng vào hồ nên không làm nước trong hồ
bị nóng, vì thế hồ này có tên là Anotatta (A-nậu-đạt)[5].
Luật tạng phái Căn Bản Thuyết Nhất Thiết Hữu Bộ có ghi lại rằng một
lần nọ, khi đi qua sông Hằng, Đức Phật bỗng quay lại nhìn bờ sông một
hồi lâu. Thấy vậy, các vị Tỳ-kheo mới thưa hỏi duyên cớ, nhân đó Đức
Phật bèn kể về nguồn gốc sông Hằng như sau. Thuở xưa có một vị vua hiền
đức tên là Piṇḍavaṃśa. Sau khi gặp những cảnh lão, bệnh, tử trong thành,
vua bèn từ bỏ mọi dục lạc và sống đời ẩn sĩ. Lúc ấy trong vương quốc
của vua có một Bà-la-môn thông thái và giàu có tên là Velama đến thưa
vua rằng: “Đại vương chớ lo âu và phiền muộn nhiều, ngài nên hưởng thọ
quả báo từ phước nghiệp của mình. Chúng sanh tạo các nghiệp thiện, ác
khác nhau. Người tạo nghiệp thiện thì thường sinh trong thế giới chư
thiên. Nay đại vương tạo nghiệp thiện nên trở thành một bậc thánh
vương.” Sau đó, theo lời khuyên của Bà-la-môn này, vua đã tổ chức một lễ
tế đàn rất long trọng. Tại đàn tràng ấy, vua cho đào một hồ lớn và cho
dẫn nước ācāma vào. Nhờ có hồ nước này mà khí hậu nơi ấy trở nên mát mẻ
và vì thế hồ này có tên là Anavatapta. Suốt mười hai năm sau đó nhờ dòng
nước ācāma chảy vào nên nơi này trở thành một khu hồ rộng lớn và hồ này
chính là nguồn của dòng sông Hằng hiện nay[6]. Bộ luật này là một trong
số rất ít các văn bản Phật học ghi lại các truyền thuyết về nguồn gốc
của sông Hằng.
5. Sông Hằng và Đức Phật
Quá trình tìm đạo, thành đạo và truyền đạo của đức Phật luôn gắn liền
với dòng sông Hằng lịch sử. Thái tử Tất-đạt-đa từ kinh thành Ca-tỳ-la
nơi miền núi Tuyết tìm đến vương quốc Ma-kiệt-đà nằm trên đồng bằng sông
Hằng để tìm và học đạo với nhiều vị thầy tâm linh đức độ và cuối cùng
người đã chứng ngộ đạo giải thoát bên bờ sông Ni-liên-thiền, một nhánh
của dòng sông Hằng. Bản kinh Chuyển Pháp Luân đầu tiên mà đức
Phật đã tuyên thuyết để vận chuyển bánh xe pháp, khai sinh truyền thống
Phật giáo cũng diễn ra tại Lộc Uyển thuộc đồng bằng sông Hằng. Suốt bốn
mươi lăm năm độ sanh của đức Phật, dòng sông đã gắn liền với sự nghiệp
hoằng hóa của Ngài cũng chính là sông Hằng.
Kinh điển Phật giáo cho biết rằng vào thời Đức Phật đồng bằng sông
Hằng là nơi hội tụ của nhiều trung tâm văn hoá, kinh tế và chính trị lớn
thời bấy giờ như Benāres, Campā, Ayojjha, Kimbhilā, Ukkāvelā, Payāga,
Pātaliputta, và Sankassa. Vì khu đồng bằng này dân cư đông đúc, kinh tế
phát triển, giao thông tiện lợi và sản vật phong phú nên người Ấn xem
nơi đây là vùng đất thiêng. Trong suốt thời gian hoằng hoá của mình, Đức
Phật đã trú tại nhiều nơi trong lưu vực sông Hằng và tất nhiên Ngài đã
nhiều lần qua lại sông Hằng. Theo kinh Phương Quảng Đại Trang Nghiêm,
sau khi thành đạo, trên đường đến xứ Ba-la-nại để độ cho năm anh em tôn
giả Kiều Trần Như đức Phật đã đi qua nhiều ngôi làng và được dân chúng
các nơi ấy chào đón cung kính và cúng dường các loại thức ăn thượng vị.
Khi đến bờ sông Hằng, Ngài nhờ người chèo thuyền đưa mình qua sông.
Người ấy đáp; “Tôi sẽ đưa ngài qua sông nếu ngài có tiền”. Đức Phật trả
lời: “Ta không có tiền.” Người chèo thuyền lại bảo: “Nếu ngài không có
tiền, tôi không thể đưa ngài qua sông.” Liền khi ấy Đức Phật liền thi
triển thần thông và trong giây lát Ngài đã qua đến bên kia bờ sông. Lúc
chứng kiến được điều kỳ diệu đó, người chèo thuyền kia cảm thấy vô cùng
ân hận, buồn tủi và tự trách rằng mình như kẻ vô trí đã không chịu đưa
một bậc thánh nhơn như thế qua sông. Khi chuyện này đến tai vua Tần Bà
Sa La, vua liền ra lệnh cho người chèo thuyền rằng: “Kể từ nay trở đi
nếu có bậc Sa-môn nào qua sông, ngươi không được đòi tiền họ.”[7]
Việc Đức Phật thi triển thần thông để qua sông Hằng cũng xảy ra vào
lúc cuối đời của Ngài. Sau khi thuyết giảng về năm sự nguy hiểm của đời
sống bất thiện và năm lợi ích của đời sống thuần thiện cho dân chúng ở
Pāṭaligrāma, một khu đô thị nằm trên bờ sông Hằng, Đức Phật liền đến bến
sông Hằng. Vì lúc ấy là mùa lũ nên nước sông dâng cao và chảy xiết.
Trong lúc mọi người đang cố tìm thuyền, bè để qua sông thì Đức Phật liền
hiển thị thần thông và nhanh như một lực sĩ co duỗi cánh tay, Ngài đã
sang đến bờ bên kia[8]. Theo tác phẩm Phật Sở Hành Tán của ngài
Mã Minh, sau khi thuyết giảng tại nhiều nơi ở nước Ma-kiệt-đà, Đức Phật
và chúng Tỳ-kheo cùng đến bến sông Hằng. Lúc bấy giờ dân chúng ở bến
sông ấy vội đem nhiều thuyền được trang hoàng đẹp đẽ để rước Đức Phật và
chư Tăng qua sông. Vì có quá nhiều người mang thuyền đến nên Đức Phật,
vì muốn mọi người không khởi tâm cơ hiềm, đã thị hiện thần thông và
trong phút chốc Ngài và chư tăng đã sang bờ bên kia. Khi thấy điềm lành
ấy, mọi người đều sanh tâm kính phục và họ đặt tên bến sông ấy là
Cù-đàm[9]. Theo một số văn bản Phật học, vào mùa mưa nước sông Hằng dâng
cao và chim chóc có thể uống nước sông ngay trên bờ (Luật Tạng Nam
Truyền I). Khi nước lũ dâng cao, nhà cửa hai bên bờ sông bị tàn phá và
việc qua lại sông của dân chúng rất khó khăn (Chú Giải Kinh Tương Ưng).
Bản chú giải Kinh Tập và Pháp Cú còn ghi lại chuyện
Đức Phật được các vương tử xứ Licchavi mời đến Tỳ-xá-ly để cầu nguyện
lúc xứ này bị hạn hán, mất mùa và tật dịch. Trên đường Đức Phật đi từ
Tỳ-xá-ly đến sông Hằng để về lại thành Vương-xá người dân đã tổ chức một
lễ hội tên là Gaṅgārohaṇa để đánh dấu sự kiện này[10].
Sự hiển thị thần thông của Đức Phật trong những lần như thế thường là một biểu tượng, một ẩn dụ của những khái niệm “vượt dòng” hay “đến bờ bên kia” (đáo bỉ ngạn) trong đạo Phật. Cũng trong tác phẩm Phật Sở Hành Tán,
ngài Mã Minh giải thích rằng Đức Phật đã qua sông không phải bằng
thuyền thế gian mà bằng thuyền trí tuệ và Ngài đã dùng thuyền này để tế
độ chúng sanh[11]. Đức Phật thường ví giáo pháp của Ngài như ngón tay để
chỉ mặt trăng[12], như chiếc bè[13] để qua sông sanh tử. Tuỳ theo căn
tánh và nghiệp lực, có những chúng sanh vượt thoát dòng sanh tử, nhưng
cũng có những chúng sanh mãi chìm đắm trong đó. Trong Pháp Hoa Văn Cú Kí,
ngài Trạm Nhiên có trích dẫn một đoạn kinh nói về bảy hạng người trong
sông Hằng. Có những người vào sông bị chìm, có những người tuy bị chìm
nhưng sau đó ra khỏi, có những người sau khi ra khỏi lại nhìn các phương
khác nhau .v.v…Bảy hạng người đó dụ cho các hàng Nhất-xiển-đề, phàm
phu, Thanh-văn, Bích-chi, Bồ-tát .v.v…[14]. Khi giảng về nghiệp lực của
chúng sanh, Đức Phật cũng dùng nước sông Hằng để ví dụ. Kinh Hoa Nghiêm
nói rằng trên bờ sông Hằng có vô số ngạ quỉ loã lồ, đói khát, lửa cháy
khắp thân, lại có các chúng sinh khác như quạ, kên kên, chó sói rượt bắt
nhau. Vì bị đói khát nên các ngạ quỷ bèn tìm nước uống, nhưng dù ở bên
bờ sông mà chúng không thấy nước, có kẻ vừa thấy nước thì nước ấy liền
khô cạn[15]. Đại Thừa Huyền Luận giải thích rằng, do nghiệp lực
chúng sanh khác nhau nên cùng là nước sông Hằng mà loài người thấy đó
là nước, ngạ quỷ thấy đó là lửa, chư thiên thấy đó là đất, các loài cá
thấy đó là chổ ở[16]. Trong kinh tạng Nguyên Thuỷ, Đức Phật không chấp
nhận quan niệm rằng nước sông Hằng hay bất kỳ một con sông nào khác có
thể rửa sạch tội lỗi của chúng sanh. Kinh Thủy Tịnh Phạm Chí
(Trung A-hàm) có kể lại cuộc hội ngộ của ngài và Bà-la-môn Thủy Tịnh. Vị
Bà-la-môn này khuyên đức Phật nên đến sông Đa Thủy tắm rửa để tăng
trưởng phước đức và tiêu trừ tội lỗi. Đức Phật không đồng ý với quan
điểm này. Theo Ngài nước sông chỉ có thể rửa được cơ thể bên ngoài chứ
không thể nào rửa nội tâm. Muốn sống một đời sống thanh tịnh ba nghiệp
thì hành giả phải thực hành các thiện pháp, có chánh niệm, chánh trí và
giữ gìn giới luật. Theo Ngài, chỉ có sự tu tập chân chính mới có thể
chuyển hoá được nghiệp thức của mỗi người. Khi ấy Bà-la-môn Thủy Tịnh
tỉnh ngộ và phát tâm quy y với đức Phật[17].
6. Ẩn dụ sông Hằng trong kinh điển Phật giáo
Vì sông Hằng là con sông nổi tiếng và khi còn tại thế Đức Phật đã
nhiều lần hoằng hoá trong đồng bằng của con sông này nên dòng sông này
đã trở thành một ẩn dụ, một hình tượng thường được nhắc đến trong các
pháp thoại của Ngài. Luận Đại Trí Độ và Khan Hành Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán
giải thích rằng trong cõi Diêm-phù-đề có nhiều sông lớn hơn sông Hằng,
nhưng Đức Phật thường chọn sông này để ví dụ vì: 1. Cát của sông này rất
nhiều; 2. Người đời xem sông này là sông cát tường, phước đức, vì họ
tin rằng nước sông có thể rửa sạch tội lỗi; 3. Trải qua nhiều kiếp, tên
của con sông này không thay đổi; 4. Đức Phật và hàng đệ tử của Ngài
thường du hoá trên bờ sông này[18]. Kim Cang Bát Nhã Kinh Nghĩa Sớ
còn giải thích thêm rằng năm vương quốc lớn của xứ Thiên Trúc đều nằm
trên bờ sông này. Sông này bắt nguồn từ ao A-nậu-đạt trên đỉnh
Hương-sơn, dài tám ngàn dặm, nơi rộng bốn mươi dặm, nơi hẹp mười dặm,
cát trong sông rất mịn, vì sông sâu nên voi ngựa đi qua đều bị chìm[19].
Khi nói đến sông Hằng, Đức Phật thường đưa ra những ví dụ và ẩn dụ như
sau:
- Cát sông Hằng nhiều vô lượng. Mỗi khi nói đến chư Phật, chúng sanh,
quốc độ, chư thính chúng…nhiều vô lượng, Đức Phật thường đem số cát sông
Hằng để ví dụ (Tương Ưng IV, Kinh Bát Nhã, Kim Cang, Pháp Hoa, Niết
Bàn…).
- Một nhúm muối nhỏ bỏ vào chén nước nhỏ thì nước trong chén sẽ bị
mặn, không thể uống được, nhưng nếu đem nhúm muối ấy bỏ vào sông Hằng
thì nước sông Hằng không bị mặn. Cũng ví như người có tu tập tâm, có
giới đức, có tâm quảng đại như sông Hằng thì một nghiệp ác nhỏ không thể
làm người ấy đau khổ (Tăng Chi I).
- Sông Hằng chảy mang theo nhiều bọt nước, những bọt nước ấy cũng như
ngũ uẩn là giả hợp, là trống không (Tương Ưng III, Phẩm Hoa).
- Người khởi lên vọng tưởng rằng tầm và tứ có thể đoạn diệt được chẳng
khác nào người có ý tưởng ngây ngô rằng có thể dùng một nắm tay để chặn
dòng nước của sông Hằng (Tương Ưng IV, Phẩm Tương Ưng Tâm).
- Ví như sông Hằng hướng về biển cả, xuôi dòng về biển cả, hàng đệ tử
của Đức Phật chỉ hướng về Niết-bàn (Ðại kinh Vaccaghotta 37, Kinh Trung
Bộ).
- Cát của sông Hằng chỉ trôi theo nước của sông Hằng, cũng thế kinh
giáo của Đức Phật luôn xứng hợp, tuỳ thuận với dòng Niết Bàn (Kinh Lăng
Già).
- Sông Hằng dụ cho chân lý, nước sông Hằng dụ cho Chân như (Kinh Niết Bàn, Bảo Tánh Luận)[20].
- Nước sông Hằng tuy nhiều, nhưng không thể nhiều bằng máu, nước mắt
của chúng sanh hay sữa mẹ mà chúng sanh đã uống trong vòng sanh tử (Tạp A
Hàm, Quyển 33).
- Ví như khúc gỗ trôi trên sông Hằng, không vướng vào hai bờ, không bị
chìm, không bị nhặt lấy…chỉ trôi theo dòng nước mà ra biển, cũng vậy
chư Tỳ-kheo cũng chỉ nên hướng về Niết-bàn (Tương Ưng IV, Phẩm Rắn Độc).
- Ví như người chăn gia súc biết quan sát hai bên bờ sông, biết cách
đưa đàn gia súc qua sông Hằng an toàn, có những Sa-môn, Bà-la-môn khéo
biết đời này, đời sau, ma giới, phi ma giới…thì được an lạc, hạnh phúc
lâu dài (Tiểu Kinh Người Chăn Bò 34, Trung Bộ Kinh).
Trong số những ví dụ và ẩn dụ trên, có lẽ ví dụ số cát sông Hằng
(Hằng hà sa số) là ví dụ mà kinh điển thường nói đến nhiều nhất. Luận Đại Trí Độ
có nói rằng số cát trong sông Hằng là vô lượng, hàng phàm phu không thể
tính đếm được, duy chỉ có Đức Phật và Pháp thân Bồ-tát mới biết được số
đó[21]. Nhưng làm sao có thể biết rằng Đức Phật biết được số lượng cát
trong sông Hằng. Bộ luận này mới trích dẫn một câu chuyện như sau. Một
lần nọ Đức Phật ngồi bên một khu vườn nằm ngoài tinh xá Kỳ Hoàn. Lúc ấy
có một Bà-la-môn đến bên Phật và hỏi rằng: “Rừng cây này có bao nhiêu
lá?” Đức Phật đáp: “Có bấy nhiêu lá”. Bà-la-môn sanh tâm nghi, bèn vào
rừng hái một nắm lá cây rồi giấu đi. Sau đó ông quay lại nơi Đức Phật
đang ngồi và hỏi rằng: “Rừng cây này có bao nhiêu lá nhất định?” Đức
Phật liền đáp: “Nay thiếu bấy nhiêu lá”. Rồi Ngài nói cho Bà-la-môn kia
biết rằng ông ta vừa hái chính xác bao nhiêu lá trong rừng. Bà-la-môn ấy
vô cùng kính phục, xin xuất gia và về sau chứng quả A-la-hán[22]. Vì
rằng Đức Phật biết được số lá trong rừng, nên Ngài cũng có thể biết được
số cát trong sông Hằng. Đức Phật thường dạy hàng đệ tử của mình rằng
những gì mà Ngài giảng dạy chỉ là một phần rất nhỏ so với những gì mà
Ngài đã chứng biết. Bản sớ giải Kinh Hoa Nghiêm của ngài Trừng
Quán có kể lại rằng có một lần Đức Phật và chư Tỳ-kheo đi đến một khu
rừng nằm bên bờ sông Hằng. Ngài hái một nắm lá và hỏi chư Tỳ-kheo rằng
lá trong tay Như Lai nhiều hay lá của các loài thảo mộc trong thế gian
này nhiều. Chư Tỳ-kheo liền đáp lá trong tay Đức Thế Tôn rất ít so với
lá trong thế gian này. Nhân đó Đức Phật dạy chư Tỳ-kheo rằng tri kiến
của Như Lai về các pháp như lá của các loài thảo mộc trong thế gian, mà
những gì Ngài đã tuyên thuyết, giảng dạy chỉ như lá trong tay mà
thôi[23].
Trong Kinh điển Đại Thừa, Đức Phật không chỉ dùng hình tượng cát sông
Hằng để ví cho vô số chư Phật và chư Bồ tát trong mười phương, mà còn
để dụ cho thần lực, pháp thân và hào quang của Đức Phật. Kinh Lăng Già
giải thích rằng cát sông Hằng tuy bị các loài cá, rùa, súc vật giẫm
đạp, nhưng cát vẫn không cảm thấy phiền muộn, không thấy có ngăn ngại,
không bị ô nhiễm…Cũng thế trí tuệ của đức Như Lai như sông Hằng, thần
lực của Ngài như cát của sông. Do bổn nguyện độ sanh của mình, đức Như
Lai không khởi tâm phiền muộn, ưu sầu trước những xúc não của hàng phàm
phu. Vì là tánh của đất, cát sông Hằng không mất đi tánh đất dù gặp phải
lửa dữ. Cũng thế pháp thân của Như Lai không thể tan hoại trước lửa
nhiệt não của hàng phàm phu ngu si. Cũng như cát trong sông Hằng, hào
quang của đức Như Lai là vô lượng. Trong bộ kinh này, cát sông Hằng còn
được ví như giáo pháp của Đức Phật, bản thể của Phật quả, và cuối cùng
Đức Phật còn dạy rằng: “Những ai thấy chư Phật như cát sông Hằng, vốn
bất hoại, bất biến, thì những người ấy mới thật sự thấy được các đức Như
Lai.”[24]
Sông Hằng cũng là hình ảnh mà Đức Phật dùng để giảng giải về tánh bất sanh, bất diệt trong mỗi chúng sanh. Theo Kinh Thủ Lăng Nghiêm,
vua Ba-tư-nặc nghe ngoại đạo nói rằng chết là mất hẳn, sinh tâm hồ nghi
và đến bạch Phật. Đức Phật dạy rằng năm lên ba tuổi nhà vua đã thấy
được sông Hằng, cho đến lúc đầu bạt, mặt nhăn vua cũng thấy sông Hằng.
Tuy thân xác của vua có thay đổi, biến hoại, nhưng cái tánh thấy thì
không già, không trẻ, không biến hoại, không sinh diệt. khi nghe lời dạy
đó, vua Ba-tư-nặc mới nhận chân được bản tánh bất sanh, bất diệt trong
chính mình[25].
Từ thời Đức Phật tại thế hay trải qua những giai đoạn sau đó sông
Hằng vẫn luôn gắn liền với những sự kiện, những dòng lịch sử của Phật
giáo. Một trong những sự kiện đó là việc tôn giả A-nan viên tịch tại
giữa dòng sông này. Khi tôn giả sắp viên tịch, hai nước Tỳ-xá-ly và
Ma-kiệt-đà đang có mối bất hoà nhưng dân chúng hai bên đều mong được tôn
thờ xá lợi của ngài. Vì thương tưởng cho dân chúng hai nước này và cũng
để hoá giải mối hiềm thù của họ, tôn giả A-nan đã ra giữa dòng sông
Hằng, con sông được dùng làm biên giới giữa hai nước, khuyên dân chúng
hai nước nên sống hoà thuận, tôn kính nhau và sau đó ngài an trú tam
muội và viên tịch. Xá lợi ngài được tôn thờ ở cõi trời, long cung,
Tỳ-xá-ly và Ma-kiệt-đà[26].
Vào TK VII TL, trong quá trình cầu học và chiêm bái các thánh tịch
Phật giáo tại Ấn Độ, ngài Huyền Trang (c. 596 or 600 – 664) đã từng qua
lại rất nhiều lần trên dòng sông Hằng. Khi đến xứ Srughna
(Tốt-lộc-cần-na), ngài đã chứng kiến và diễn tả về sông Hằng như sau:
nguồn của sông rộng ba đến bốn dặm, nước chảy về đông nam, ra đến gần
biển thì nó mở rộng ra hơn mười dặm. Nước sông trong xanh, giống nước
đại dương, sóng nước cuồn cuộn, có nhiều loài thủy tộc nhưng không hại
người. Nước sông có vị ngọt và cát sông rất mịn. Theo sử liệu của nước
này, con sông này còn có tên là Phước Thủy, bởi vì nó có khả năng tẩy
rửa vô số tội lỗi. Những ai vốn tạo các tội lỗi, nếu đến đây tắm gội,
trầm mình dưới dòng nước này khi qua đời sẽ sanh về thiên giới và hưởng
hạnh phúc. Nếu người nào qua đời, thi thể được thả trên sông này, người
ấy sẽ không đọa vào đường ác; hoặc khi người ấy được dòng nước đưa đi,
dù người ta không nhớ đến người ấy, vong hồn của người ấy vẫn được phòng
hộ nơi an ổn. Thời ấy có Bồ-tát Đề-bà từ nước Tích Lan đến nước này
dùng chánh pháp cùng vận thần thông để khai thị dân chúng ngay tại bờ
sông bỏ đi tà kiến về khả năng tẩy trừ tội lỗi, khổ đau của dòng sông,
giúp họ sống với chánh kiến[27].
Theo kinh Đại Bát Niết-bàn (Trường Bộ Kinh), một trong tám
phần xá lợi của Đức Phật được những người Koli xây tháp thờ tại
Rāmagāma, một khu đô thị nằm trên bờ sông Hằng. Theo bộ Đại Sử,
chẳng bao lâu sau, vào mùa lũ nước sông Hằng dâng cao ngập cả khu đô
thị này và phần xá lợi nơi này được đưa xuống long cung. Điều này có lẽ
đã được tiên đoán như trong phần kệ tụng cuối của kinh Đại Bát Niết-bàn
rằng bảy phần xá lợi được tôn thờ tại Diêm-phù-đề và một phần khác được
Long vương thờ cúng tại Rāmagāma. Đến thời vua A-dục, vua đã mang bảy
phần xá lợi trong Diêm-phù-đề về cung và sau đó đích thân vua xuống long
cung để thỉnh phần xá lợi còn lại. Theo A-dục Vương Truyện,
khi đến long cung, vua thấy Long vương tôn thờ xá lợi hết mực cung kính
và không muốn trao lại xá lợi cho mình, nên vua chỉ chiêm ngưỡng mà
không thỉnh về. Sau khi về cung, vua đã xây tám vạn bốn ngàn ngôi tháp
trong vương quốc mình để tôn thờ bảy phần xá lợi trên[28].
Lời Kết
Khi đối diện với dòng sông, các triết gia, thi sĩ thường liên tưởng
đến dòng chảy của cuộc đời hay sự luân chuyển vô thường của vạn hữu.
Heraclitus rất minh triết khi cảm nhận: “không ai tắm hai lần trên một dòng sông”. Lý Bạch trong Tương Tiến Tửu
thì nhận ra sự lưu chuyển của Hoàng hà từ miền cao xuôi về biển, không
bao giờ đổi thay. Ngày xưa khi cùng các môn đệ của mình nhìn dòng sông
cuộn chảy bất tận, Khổng Tử đã thốt lên: “Thệ giả như tư phù, bất xả trú dạ”
(Chảy mãi như thế này, ngày đêm chẳng dừng nghỉ!). Còn đối với đức
Phật, khi nhìn nước sông Hằng cuộn trôi về biển cả, Ngài không chỉ nhận
ra thực tính vô thường của các pháp, mà còn vận dụng khả tính vô thường
ấy để khơi mở con đường giác ngộ, vượt thoát nẽo trầm luân sanh tử: “Ví
như, này các Tỷ-kheo, sông Hằng thiên về phương Đông, hướng về phương
Đông, xuôi về phương Đông. Cũng vậy, này các Tỷ-kheo, Tỷ-kheo tu tập bốn
chánh cần, làm cho sung mãn bốn chánh cần, thiên về Niết-bàn, hướng về
Niết-bàn, xuôi về Niết-bàn. Này các Tỷ-kheo, bốn chánh cần tu tập làm
cho sung mãn như thế nào, lại thiên về Niết-bàn, hướng về Niết-bàn, xuôi
về Niết-bàn.”[29]
Sông Hằng và lịch sử của nó luôn gắn liền với những thăng trầm của
nền văn minh Ấn Độ và vận mệnh của Phật giáo tại xứ sở này. Mặc cho bao
biến thiên của thời cuộc, bao đổi thay của xã hội, dòng sông này, vào
ngày Đông hay Hạ, lúc mùa lũ hay khi nước vơi, vẫn soi bóng những hình
ảnh sinh hoạt tôn giáo và văn hoá tưởng chừng như không hề đổi thay suốt
bao ngàn năm qua. Dấu ấn văn minh tự ngàn xưa vẫn còn lưu giữ trên từng
dòng nước, từng ngôi đền, từng cội cây, hay từng nghi thức lễ bái trên
bến sông này. Như dòng đời vẫn cuộn trôi theo nhịp sóng của vô thường,
nước sông Hằng vẫn âm thầm, lặng lẽ trôi đi, ôm trọn trong mình cả một
thế giới thiêng liêng, kỳ ảo mà bao đời nay loài người vẫn không thể nào
thấu hiểu được. Dòng sông vẫn như muốn nhắn nhủ với loài người về khát
vọng muôn thưở của họ, đó là khát vọng tìm về cội nguồn của chân hạnh
phúc, quay về với con sông trong chính mình để gạn lọc mọi nhiễm ô,
triền phược, để ngay trong bóng đêm của sanh tử dòng sông ấy có thể phản
chiếu được ánh trăng ngời sáng của tự tánh, hay những tinh tú, những
dãi ngân hà trên bầu trời xa xăm, hay để chảy qua những quốc độ, những
thế giới thanh tịnh. Những quốc độ và thế giới thanh tịnh ấy, theo kinh
Hoa Nghiêm, thì rất nhiều, nhiều như số cát trong sông Hằng vậy.
* Tiến sĩ Phật học, Đại học Delhi, hiện là Hiệu Trưởng Trường Phật học Bình Định.
[1] J. Nehru, The Discovery of India, Oxford University Press, New Delhi, 2002, p. 51.
[2] M. Williams, Indian Wisdom, Rupa.co, New Delhi, 2001, p. 404.
[3] Mười sáu nước này gồm: Kāsī, Kosala, Anga, Magadha, Vajji, Mallā,
Cetiya, Vamsā, Kuru, Pañcāla, Macchā, Sūrasena, Assaka, Avantī,
Gandhāra và Kamboja.
[4] T1n1, tr. 116c-117a. Thao khảo Đại Trí Độ Luận, T25n1509, tr. 114a; Khan Hành Kim Cang Bát Nhã Kinh Tán, T33n1700, tr. 138b; Thích Ca Phổ, T50n2040, tr. 10b;.
[5] D.H.H. Ingalls, “Source of a Mulasarvastivadin Story of The Origin of the Ganges”, Harvard Journal of Asiatic Study, Vol. 14, No.1/2, p. 186.
[6] Sđd, tr. 185-188.
[7] T3n187, tr. 606a-b.
[8] J. Strong, The Buddha A Short Biography, Oneworld, Oxford, 2002, pp. 128-129.
[9] T4n192, tr. 41b.
[10] G..P. Malalasekera, Dictionary of Pali Proper Names, Vol I, Munshiram Manoharlal, New Delhi, 2002, p. 735.
[11] Sđd.
[12] Kinh Viên Giác, T 17n842, tr.917a.
[13] Trung Bộ I, Kinh Ví Dụ Con Rắn. Kinh Kim Cang Bát Nhã Ba La Mật.
[14] T34n1718, tr.276c. Xem thêm Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tuỳ Sớ Diễn Nghĩa Sao, T36n1736, tr. 219a.
[15] T10n279, tr. 323b.
[16] T45n1853, tr.67b.
[17] Tuệ Sỹ (dịch), Trung A-hàm, quyển 2, NXB. Phương Đông, TP. HCM, 2009, tr. 145-146.
[18] T25n1509, tr.114a. T33n1700, tr.138b.
[19] T33n1699, tr. 112b.
[20] Kim Quang Minh Tối Thắng Vương Kinh Sớ, T39n1788, tr.199c.
[21] T25n1509, tr.114b.
[22] Sđd.
[23] Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm Kinh Tuỳ Sớ Diễn Nghĩa Sao, T36n1736, tr. 217b.
[24] D.T. Suzuki, Studies in the Lankavatara Sutra, Munshiram Manoharlal, New Delhi, 1998, pp. 152-153.
[25] Kinh Thủ Lăng Nghiêm, T19n945, tr.110b-c.
[26] T34n1718, tr. 18c.
[27] S. Beal, Si-yu-ki: Buddhist Records of the Western World, LPP, Delhi, 2008, pp. 187-188.
[28] T50n2042, tr. 102a.
[29] Kinh Tương Ưng Bộ, Phần 49, chương V, Tương Ưng Chánh Cần.
(Tạp chí Thế Giới Phật Giáo số 01)