23/05/2011 07:29 (GMT+7)
Số lượt xem: 1992
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Những giếng nước cổ hơn 600 năm tuổi ở xã Bá Hiến, huyện Bình Xuyên, tỉnh Vĩnh Phúc không chỉ đặc biệt bởi hình vuông ở miệng giếng mà còn mang những bí ẩn qua các câu chuyện của người dân trong vùng.


Không như giếng ở các vùng nông thôn miền Bắc, những chiếc giếng cổ ở Bá Hiến đều có miệng hình vuông được ghép từ 4 phiến đá hình chữ nhật (còn gọi là tang giếng) với độ sâu từ 4 đến 7m và quanh năm đầy ắp nước.

Từ lâu người dân trong vùng vẫn cho rằng những giếng này do người Trung Quốc làm nên gọi là giếng “Tàu” do trên mỗi giếng nước đều có khắc chữ Hán. Nhưng mới đây ban văn hóa xã có nhờ những chuyên gia Hán - Nôm của tỉnh về dịch nghĩa thì được biết giếng được làm từ thời Hồng Đức, cách đây hơn 600 năm.

Hiện nay còn chừng hơn chục chiếc giếng cổ nằm rải rác chủ yếu ở 4 thôn: Thích Chung, Quang Vinh, Thiện Chi và Bá Hương nhưng không phải chiếc nào cũng nguyên vẹn. Theo các cụ cao niên trong xã thì vì nhiều lý do có những giếng cổ đã bị lấp không còn vết tích. Số khác người dân đã lấp rồi nhưng sau vì các giếng đào mới đều cạn nước vào mùa khô nên lại phải khơi lại giếng cổ luôn đầy ắp nước quanh năm.


Chiếc giếng cổ thuộc cụm đình chùa Giao Sam, thôn Thích Chung vẫn còn gần như nguyên vẹn với hình vuông đặc trưng của miệng giếng.

Những hình sóng lượn trên các tấm đá làm tang giếng theo các cụ cao niên của thôn cho biết đó là các dấu tích của việc mài dao kiếm từ hàng trăm năm.

Các phiến đá được ghép lại với nhau bằng mộng như đồ mộc qua thời gian hàng trăm năm đã vênh nhau.

Những vết dây buộc gàu kéo nước hằn sâu vào các phiến đá làm tang giếng.

Theo các chuyên gia Hán – Nôm thì chiếc giếng này có niên đại Hồng Đức 1490.

Cứ đến mùa khô, khi các giếng trong các gia đình đều cạn sạch nước thì bà con trong thôn Thích Chung lại ra chiếc giếng cổ này lấy nước.

Chiếc giếng cổ này ở thôn Thiện Chi trước đây đã lấp, cách đây 3 năm do khan hiếm nước ở các giếng mới đào, chính quyền thôn khơi lại giếng cổ này nhưng xây bằng gạch với miệng giếng tròn. Tuy nhiên các phiến đá cổ dùng làm tang giếng vẫn được dựng xung quanh sân giếng.

Anh Dương Văn Chiến ở thôn Thiện Chi cho biết nhiều người ở nơi khác đến hỏi mua các phiên đá nhưng dân làng kiên quyết không bán vì họ coi nó là hồn cốt của làng.

Chiếc giếng cổ nằm trong vườn nhà ông Dương Văn Lại ở thôn Bá Hương vẫn còn được giữ gần như nguyên vẹn. Chị Dương Thị Hà, con dâu ông Lại cho biết chị vẫn hàng ngày dùng nước ở giếng này, vào mùa khô các giếng khác đều cạn người dân trong xóm thường giặt giũ, xin nước ở giếng này.

Giống như mọi giếng cổ trong vùng, ở tang giếng cũng được khắc niên đại bằng chữ Hán.

Chiếc giếng cổ nằm ven đường làng ở thôn Thiện Chi này không còn dấu tích của chiếc giếng cổ. Được chính quyền thôn khơi lại sau nhiều năm đã lấp để giải quyết tình trạng thiếu nước vào mùa khô và hoàn toàn xây bằng gạch.

Theo người dân trong thôn thì các phiến đá làm tang giếng cổ vẫn chìm sâu dưới lòng giếng.

Nằm ven đường làng thuộc thôn Thích Chung, chiếc giếng cổ này cũng được khơi lại sau nhiều năm bị lấp vùi. Chiếc giếng vẫn được “phục chế” theo dáng cũ, miệng vẫn vuông nhưng xây bằng gạch.

Một chiếc giếng ven đường làng đã bị lấp từ lâu vẫn còn lại phiến đá làm tang giếng “Trơ gan cùng tuế nguyệt”. Các cụ cao niên trong vùng cho biết các giếng cổ đồng loạt bị lấp trong thời kỳ vận động xã viên vào hợp tác xã vì cho rằng đó là tàn tích của chế độ phong kiến.

Lê Anh Dũng.

http://vietnamnet.vn


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp