Thành
cổ Diên Khánh nằm cách TP. Nha Trang chừng 10km, địa phận khóm Đông
Môn, thị trấn Diên Khánh. Vùng đất xanh um cây trái này đã chứng kiến
biết bao sự kiện lịch sử, lưu lại trong lòng người nhiều giai thoại khó
quên. Nổi bật nhất là Thành cổ Diên Khánh.
Thành Diên Khánh là một
quần thể kiến trúc quân sự theo kiểu Vauban, một hình mẫu thành quân sự
phổ biến vào thế kỷ XVII, XVIII ở Tây Âu và là thành thứ hai được đưa
vào Việt Nam (sau thành Gia Định ở Nam Kỳ).
Thành chiếm diện tích khoảng 36.000m2. Tường thành hình lục giác dài 2.693m, 6 cạnh không đều nhau.
Trên mỗi cạnh, tường thành lại chia ra nhiều đoạn
nhỏ, uốn lượn nên các góc thành không nhô hẳn ra mà vẫn bảo đảm quan sát
được hai bên. Tường thành đắp đất cao chừng 3m50, mặt ngoài tường thành
hơi dựng đứng. Mặt trong có độ thoải và được đắp thành hai bậc, tạo một
đường vận chuyển thuận lợi ven thành.
Tại các góc:
- Về phía trong là một bãi đất khá rộng dùng làm nơi trú quân.
- Trên mặt thành là pháo đài góc, đắp bằng đất, cao khoảng 2m (công sự đặt đại bác).
- Bên ngoài góc được đắp hơi nhô ra có thể quan sát cả hai bên. |
Trên
tường thành được trồng tre gai ken dày và các loại cây có gai khác vừa
giữ độ bền cho tường thành vừa tăng chướng ngại cho đối phương như một
hàng rào phòng ngự.
Bên ngoài thành là hào nước sâu khoảng 3 - 4m, có
đoạn sâu tới 5m. Bề rộng mặt hào cũng không đều nhau, tại các góc thành
thường hẹp hơn (chừng 15m) và rộng nhất là trước các cổng thành, chừng
40m, lòng hào thường xuyên đầy nước từ sông Cái dẫn vào. Bên ngoài hào
nước đắp một đường đi - gọi là đường ngoài hào để tuần tra, vận chuyển,
nhân dân gọi là đường quan phòng.
Đặc biệt, mặt Bắc thành giáp sông Cái thường bị xói
mòn vào mùa mưa lụt do nước thượng nguồn tràn về, dâng cao, chảy xiết
nên những người xây thành đã trồng nhiều cây gỗ sao - một loại cây có
khả năng giữ đất chống xói mòn, sụt lở. Sao trồng thành hàng dày, nên
nhân dân thường gọi là Hàng Sao. Sau đó, sao phát triển thành bãi chi
chít và tới nay bị hủy hoại nhiều chẳng còn mấy nhưng tên Hàng Sao vẫn
giữ nguyên.
Tên Hàng Sao không phai mờ trong lòng dân, khắc sâu
vào tình cảm của mỗi người, lưu truyền qua bao thế hệ vì nơi đây bọn
quan quân phong kiến và bọn ngoại bang cướp nước đã giết hại những người
dân yêu nước, những chiến sĩ trong phong trào Cần Vương và đồng bào,
đồng chí hoạt động cách mạng từ khi Đảng ta ra đời đến ngày toàn thắng
1975.
Khi xây dựng xong (1793) thành Diên Khánh có 6 cửa
(cổng), 6 cạnh tường thành. Hiện nay chỉ còn lại 4 cửa: Đông, Tây, Tiền
(Nam), Hậu (Bắc). Năm 1823, cửa Tả và cửa Hữu đã bị lấp, tới nay không
còn dấu vết gì, tuy vậy ta có thể dự đoán hai cổng cũng nằm trên hai
cạnh tường thành Tây Nam và Đông Nam.
Theo các tư liệu cũ, bên trong vòng thành có nhiều
công trình kiến trúc độc đáo: Qua khỏi cửa Tiền (cửa chính ở hướng Nam)
dành riêng cho nhà vua, hoàng tộc và các đại thần là một cột cờ lớn. Sau
cột cờ là hoàng cung - công trình có quy mô lớn nhất so với các công
trình khác.
|
Cổng thành Diên Khánh phía đông. |
Hoàng cung xây theo kiểu Điện Thái Hòa ở Huế, gồm
ba gian rộng chừng 40m, xung quanh có hành lang rộng rãi, thoáng mát.
Cột kèo được chạm trổ tinh tế, sơn son thếp vàng lộng lẫy. Phần trên có
cổ lầu, các mái và guột mái uốn cong thanh thoát. Trên nóc gắn hai con
rồng chầu một quả cầu lớn.
Trước hoàng cung là một sân gạch lớn - gọi là sân
chầu - nơi các quan văn võ trong tỉnh đứng chầu khi có lễ lớn. Vị trí
đứng được ghi vào cái bảng gỗ, đặt thành hai hàng hai bên, theo thứ tự
từ cửu phẩm lên nhất phẩm. Giữa hoàng cung đặt một bệ gỗ lớn 3 tầng, mỗi
tầng cao hơn 0,20m. Trên cùng đặt một ngai vàng.
Bên trái hoàng cung là dinh Tuần vũ, sau đó là dinh Án sát, và sau nữa là dinh Lãnh binh, phía dưới là dinh quan Tham tri.
Ngoài các dinh thự của các quan cai trị, trong thành
còn có một dãy nhà kho đồ sộ chiếm hàng ngàn mét vuông và một nhà lao
xây tường đá cao kiên cố. Tất cả các mái nhà đều lợp ngói âm dương.
Trải bao biến thiên lịch sử, trải bao biến cố thiên
nhiên, vùng đất Diên Khánh, thành Diên Khánh không còn nguyên vẹn như
trước, nhưng những gì mà thành Diên Khánh còn giữ lại được tới hôm nay
vẫn khiến ta hình dung được dáng vẻ nguyên sơ về vòng thành khép kín với
hào nước bao quanh.
Đặc biệt nhất là cổng thành hầu như còn nguyên vẹn.
So với những thành quách xây dựng cùng thời, trừ thành Huế, thành Diên
Khánh vẫn giữ được hình dáng từ gần 200 năm nay.
Cổng thành là một công trình kiến trúc khối vuông
vững chãi, xây bằng gạch nung cỡ 4,5cm x 1,38cm gồm 2 tầng: tầng dưới
gắn liền với tường thành, mặt ngoài rộng 16,8m, cao 4,5m, xây thẳng
đứng, mặt trong xây tường gạch cao khoảng 2m, cách mặt ngoài 2,5m để lèn
đất vào giữa.
Cổng vào ra rộng 3,2m, xây gạch kiểu vòm cuốn hình
quả chuông, đỉnh cao nhất khoảng 3,5m, cánh cổng bằng gỗ lim dày. Mặt
tường trong xây cấp bậc bằng gạch, rộng hơn 2m làm lối đi lên tầng trên.
Tầng trên cao ngang mặt thành, hình tứ giác mỗi chiều 1,5m, cao gần 2m,
xây cổ lầu mái uốn cong, lợp ngói âm dương.
Hai bên xây ban công cao gần 1m. Đây có thể là nơi
canh gác, quan sát trong, ngoài thành. Toàn bộ cổng thành không trang
trí, tên cổng ghi bằng chữ Hán. Nhìn tổng thể, cổng thành mang dáng vẽ
kiến trúc Á Đông thời ấy. Hiện nay, chỉ hai cổng Đông và Tây còn trọn
vẹn. |
Theo Báo Khánh Hòa