15/10/2010 08:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 10684
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Nước non Bình Định: Sông Côn
Mục lục

Đập Đá chẳng những dùng để gọi con sông Thạch Yển mà còn trở thành địa danh. Những thôn ở quanh Đập Đá Phương Danh đều mang tên là Đập Đá. Và hiện nay những thôn ấy gồm có Phương Danh, Bằng Châu, Mỹ Hòa, Bá Canh hợp nhau lại thành một xã, mệnh danh là xã Đập Đá. Và Đập Đá đã trở thành bất hủ, vì đã “thể nhập” vào văn chương:

- Em về Đập Đá quê cha,

Gò Găng quê mẹ, Phú Đa quê chồng.

- Anh về Đập Đá đưa đò,

Trước đưa quan khách sau dò ý em.

- Anh về Đập Đá Gò Găng,

Để em kéo vải sáng trăng một mình.

(Ca dao)

Nhân tiện cũng nên xét tên “Thạch Yển” “Đập Đá” có phải do cái đập bằng đá xây ở Phương Danh mà ra chăng?

Có người quả quyết rằng do đó.

Nhưng xét kỹ thì:

- Đập Đá mới xây triều Khải Định, năm Bính Thìn (1916) mà trong Đại Nam Nhất Thống Chí do cụ Cao Xuân Dục soạn năm Duy Tân thứ 3 (1910) có nói rõ rằng: “Bắc phái từ thôn Nhơn Nghĩa chảy ra Đông Bắc, đến Tân Kiều lại chia thành hai chi: một chi chảy vào Nam mười hai dặm đến thôn Phương Minh, làm sông Thạch Yển, lại thuận dòng chảy hơn ba mươi dặm đến thôn Đa Tài huyện Tuy Phước. Chi thứ hai chảy về phía Bắc tám dặm đến thôn Thuận Chánh là sông Gò Găng…”

- Sông Thạch Yển xưa cũng gọi là sông Bằng Châu. Và tại nơi xây đập đá hiện thời, trước kia người địa phương, mùa hạ mùa xuân, vẫn có đắp đập dẫn nước vào ruộng. Sách Đại Nam Nhất Thống Chí gọi đập ấy là “Bằng Châu Giang Thạch Yển” tức là “Đập Đá sông Bằng Châu” (Bằng Châu ở gần Phương Danh). Và vì sao lại gọi là Thạch Yển trong khi đập đắp bằng bổi, Đại Nam Nhất Thống Chí cho biết “Vì lòng sông có đá nên gọi tên ấy “.

- Các câu ca dao thường dẫn đã có từ lâu, từ khi chưa có cầu, chưa có đập đá, nối liền hai bờ sông, người qua lại còn phải dùng đò (anh về Đập Đá đưa đò…,) chớ không phải mới có từ đời Khải Định về sau.

Như thế chứng tỏ rằng tên “Thạch Yển” và “Đập Đá” đã có từ thời xưa. Nhưng chắc chắn rằng vùng Đập Đá nổi danh sau khi đập đá đã đắp xong và làm cho các vùng xung quanh trở nên phồn thịnh, con sông Thạch Yển trở nên con đường giao thông suốt bốn mùa.

Hiện thời nhánh sông Thạch Yển là con sông chính của Bắc Phái, cũng như con sông Cửa Tiền là nhánh sông chính Nam Phái.

Ghe thuyền, nhất là thuyền lớn, chở hàng hóa, chỉ dùng hai con sông này để xuống lên. Còn những nhánh khác thì chỉ dùng để đem nước vào ruộng.

Và tất cả các nhánh của ba phái Trung Nam Bắc, trước khi chảy vào đầm Thị Nại, nhánh nào cũng chia thêm nhiều nhánh nhỏ, nhánh thì hòa mình vào đồng lúa, nhánh thì trở lại cùng “mẹ” hoặc rót vào nhánh khác, chằng chằng chịt chịt như rễ cây. Các nhà văn ví sông Côn như một cây da muôn tuổi, mà thượng lưu là đọt và nhánh, từ Phú Phong đến An Thái là thân, từ An Thái đến Thị Nại là gốc và rễ. Đi tàu bay ngó xuống thật giống chín mươi chín rưỡi phần trăm.

Sông Côn tuy rộng và dài, nhưng chỉ có lợi cho nông gia và các giang thuyền hạng nhẹ. Ghe thuyền trọng tải lên xuống không tiện nhất là về mùa nắng. Bởi vì lòng sông thường nổi cát từng vùng, và trên sông có nhiều đập ngăn nước để tưới ruộng.

Đập trên sông Côn rất nhiều và hầu hết đều đắp bằng bổi. Đập xây xi măng có vài cái.

Đập đá xây trước nhất là đập Phương Danh, công trình của hội Bảo Nông Bình Định mà đoạn trên đã nói. Đập xây rất công phu và rất chắc chắn. Những người đứng đốc công đã được Chánh phủ đương thời thưởng phẩm hàm xứng đáng.

Sau ngày tiếp thu tỉnh Bình Định (1955), Chánh quyền đương thời có xây thêm mấy đập nữa.

Công trình đáng kể nhất là đập Bảy Yển.

Đập Bảy Yển nằm tại nơi phân lưu Trung Phái và Nam Phái (tức sông Cửa Tiền).

Đó là đập lớn nhất tỉnh.

Gọi là đập Bảy Yển vì đập này chia nước làm bảy đập nhỏ ở hai phái Trung và Nam. Ngày trước việc đắp đập do các ban Yển của bảy đập liên hệ đảm nhiệm. Mỗi năm, đến mùa lụt, đập bị nước phá vỡ hết. Mùa lụt qua, vào khoảng cuối tháng 10 đầu tháng 11 âm lịch, các ban yển lo mướn phu chở cây chở bổi đến đắp lại. Công của hàng năm tốn không phải ít. Từ ngày đập đá xây xong (1959), nông dân ở trong vùng đỡ lo về việc đắp đập.

Sau đập Bảy Yển, Chánh Phủ còn đắp thêm hai đập đá nữa:

- Đập Kiền Giang, trên suối Kiền Tiền, là một phụ lưu của sông Đá Hàng, quận Bình Khê.

- Đập Thuận Hạc, tức là đập Lý Nhơn (cũng có tên nữa là đập Thiên Hạc) thuộc quận An Nhơn.

Tiền để ra để đắp đập rất nhiều, song hai đập này vừa xây xong thì bị lụt lội xói sập! Nhân dân đã chẳng nhờ được gì mà còn phải chịu mất thêm nhiều công nhiều của để đắp lại đập bổi mỗi năm. Vì đập đá bị hư, chân đập bị xói sâu hơn cũ, và những mảnh vỡ của đập đá bỏ lăn lóc làm chướng ngại công việc của nhân dân.

Đập hư, chủ thầu đổ thừa cho sức nước.

Nhưng sự thật là do “Mọt xi măng”.

Ở Hòa Lan có những đập vô cùng kiên cố, nhưng thỉnh thoảng cũng bị vỡ. Vì ở đó có giống vật biển gọi là Ta rê (Taret) đục thủng một vài lỗ nhỏ. Nước biển chảy vào những lỗ thủng ấy, xoi lần lần đến vỡ đê!

Giống Ta rê làm vỡ đê Hòa Lan.

Giống “Mọt xi măng” làm vỡ đập, sập cầu Việt Nam.

Nhưng hai bên không giống nhau.

Vì giống Ta rê đợi đê làm xong rồi mới đục.

http://a367.yahoofs.com/lifestory/V9QMFDWCGBaLqpZ1HSuNGCFG_2/blog/20100128075643537.jpg?lb_____DNEVw3JpD

Hạ lưu sông Côn (ảnh: Trần Phan)

Còn giống “Mọt xi măng” thì đục trước hoặc trong khi làm. Chúng chẳng cần dùng răng cắn chân đào như giống Ta rê, mà chỉ có việc nuốt trửng một số lớn xi măng dự trù trong điều kiện sách, rồi đẻ trứng thay vào số xi măng ấy. Trứng mọt trộn với xi măng đắp đập xây cầu, ít lâu nở con. Một con không ăn được xi măng chết bèn đục lỗ chui ra để kiếm mồi… Đập cầu, bị nước tràn vào lỗ đục làm hư làm sập, hoặc kíp hoặc chầy, tùy lỗ mọt nhiều hay ít. Nhân dân có nhiều người biết, song phải bóp bụng làm ngơ vì chúng có “bùa hộ mệnh”.

Nhiều khi người dân chỉ có “hai bàn tay trắng ôm lấy tấm lòng vàng”, toan trừ chúng để trừ hại cho nước, thì chẳng những chúng không lâm nguy, mà còn “đẻ” trứng lên người có thiện tâm thiện chí nữa là khác! Mà trứng của chúng, phải biết, cầu đập còn không chịu nổi huống là “thịt da ai cũng thế mà thôi”.

Khi đập Kiền Giang và Lý Nhơn đã sập rồi, nhân dân Bình Định rất lo cho thân phận Bảy Yển. Vì biết đâu trong đập lại không có ít nhiều “trứng mọt xi măng”. Cho nên các ông già bà lão thường thắp hương tâm cầu trời Phật làm cho ung hết trứng trong đập đi, nếu có, để đập Bảy Yển khỏi theo Kiền Giang và Thuận Hạc mà “hạc giá du tiên”.

Còn các đập khác ở trên sông Côn, thân bổi nghìn xưa vẫn còn thân bổi! Nhân đó trường Xuyên có mấy câu cảm tác:

Đống lương dù chẳng sánh tài,

Tấm thân vì nước chi nài nắng mưa…

Đá nung năm sắc có thừa,

Mà người vá khuyết sao chưa thấy về.

Những đập đắp bằng nổi trên sông Côn, về mặt cấu tạo, cũng như về mặt phong cảnh, không có gì đặc biệt.

Nhưng cũng đắp bằng bổi và phong cảnh cũng chỉ có sông dài bãi rộng, mặt sóng chen mây, nhưng ở Bình Định hễ nói đến đập, không một ai không nhắc đến tên.

Đó là đập Văn Phong.

Đập Văn Phong ở địa đầu thôn Phú Lạc, quận Bình Khê. Văn Phong là tên vị tiền hiền đứng ra tổ chức việc đắp đập và mương đào dẫn nước. Đập không lớn lắm nhưng tưới được 2 phần 3 ruộng của quận Bình Khê nằm dọc theo Bắc Ngạn sông côn, từ Phú Lạc cho tới Bỉnh Đức. Đường mương trổ rất khéo, nơi nào cũng ăn nhập với địa hình địa thế, nên nước đập về rất đều đặn, không mấy khi thiếu cũng ít khi thừa. Bộ Yển dùng để thâu “tiền đập” lập rất công phu và rất công bằng. Bộ thuế của Chánh phủ lặp lại qua bao nhiêu chế độ vẫn không thể sánh bộ Yển Văn Phong. Đó cũng là công của người khai sáng. Vì vậy, để ghi ơn, nhân dân mới đặt tên đập là Văn Phong, và mỗi năm đến ngày kỵ người ơn, ban yển đều có cúng tế long trọng.

Ở gần đập Văn Phong lại có một bãi cát rộng thênh thang. Bãi cát nằm cạnh một cây Muồng cao lớn, sống lâu đời, nên gọi là bãi Cây Muồng. Chính nơi bãi này, nhà anh hùng Mai Xuân Thưởng đã lập đàn tế cờ trước khi xuất nghĩa binh đánh Pháp, năm Ất Dậu (1885).

Các vị cố lão cho biết rằng lễ tế cờ cực kỳ long trọng. Đàn cao ngất mây. Bóng tinh kỳ rợp cả mặt sóng và tiếng chiêng trống vang dội cả một góc trời. Tướng sĩ nai nịt gọn gàng, binh khí sáng giới, đứng sắp hàng trước đàn, mặt hướng về Bắc. Đồng bào đến dự lễ đông như kiến, ai nấy đều náo nức, nhưng không ai bảo ai, mà vẫn không ồn ào lộn xộn. Quang cảnh thật là trang nghiêm và hùng khí ngất trời đất…

Đập Văn Phong đã chứng kiến giờ phút thiêng liêng của lịch sử và gương anh dũng của Văn Thân Bình Định vì nước quên mình, tuy đã trải nhiều lớp biển dâu, vẫn còn treo cao nơi sông Côn núi Trụ. Người hữu tâm ai đó, đi ngang qua bãi cây Muồng, dừng trước nơi đập Văn Phong, nhìn nước nhìn mây trước mắt, đố ai khỏi chạnh lòng cảm cựu thương kim:

Bóng nghĩa kỳ chờn vờn mặt sóng.

Trống bình nhung đồng vọng lưng mây.

Văn Phong hùng khí còn đây

Trãi gan rèn đá chờ tay anh hiền?!

Trên dòng sông Côn tuy có nhiều đập ngăn nước, song từ nguồn chí biển, lòng sông không nhiều nơi có bùn đọng, và nước sông mùa nào cũng trong, nhất là mùa nắng.

Mùa nắng, nước sông Côn chẳng những trong mà còn ngọt nhất là khoảng trung lưu. Múc về pha trà uống thì dù trà dở mấy cũng trở nên ngon.Do đó, tặng trà cho Nguyễn Tử Chuyết, tiên sinh ở Phú Phong, Thị Nại Thị có câu rằng:

Ân cần gởi tặng lão tiên sinh

Một gói Ô long ướp nặng tình.

Nguồn rót Côn giang hương vị sẵn,

Pha xuân ngào ngạt chén bình minh.

http://a367.yahoofs.com/lifestory/V9QMFDWCGBaLqpZ1HSuNGCFG_2/blog/20100128075809754.jpg?lb_____DlzHZrz3a

Sông Côn - mùa hoa lộc vừng (ảnh: Trần Phan)

Và nơi khúc sông chảy ngang qua An Thái, nước sông dường như có tánh chất đặc biệt: ở nơi bãi sông An Thái có lò làm bún Thằng (thường gọi trại là Song Thần). Bún làm bằng bột đậu xanh. Cách làm cũng không lấy gì làm khó.Nhưng những người nghề nghiệp đã tinh xảo đến nơi khác mở lò làm thử, đều bất thành. Bún bị hỏng, bị vàng chớ không dẻo dai và trong trẻo như bún An Thái. Ai nấy đều bảo là tại nước.

Nhân đó, người địa phương có câu rằng:

Nước trong thời bún mới trong,

Tình anh bạc bẽo vì lòng anh đen.

Thói thường, hễ nước trong thì ít cá. Nhưng nước sông Côn thật là trong mà cá nhiều mới lạ! Nhất là cá chép. Đến mùa lụt, cá chép về nhiều đẻ từng bầy. Những người ở hai bên sông dùng đăng bủa lưới bắt mỗi ngày hàng gánh cá. Nhiều con to lớn đến hai ba búng tay, vảy vàng ánh và đuôi, vi, kỳ, mắt, miệng đỏ như son tàu. Dáng thật là đẹp, mà vị cũng rất là ngon.

Cá Chép chữ gọi là Lý Ngư.

Ở sông Ngô Giang bên Trung Quốc có giống cá Vược tên chữ là Lư Ngư. Trương Hàn đời Tấn, nhân trận thu phong sanh lòng cảm khái mà chạnh nhớ quê hương thèm ăn món rau thuần và món gỏi cá vượt, bèn từ quan mà về với Ngô Giang.

Không biết gỏi cá vượt có ngon bằng gỏi cá chép chăng? Nhưng cũng không khác Trương Hàng, người sông Côn ở nơi đất khách, mỗi lần gió bấc thổi, lòng thiết tha nhớ mùi vị của quê hương:

Cù Giang chiếc lá trôi vàng,

Tưởng bầy cá chép Côn Giang sững sờ.

Nơi Côn Giang lại có giống chim nước, lớn bằng cườm tay, lông rằn ri, cẳng cao, đi ăn nơi mé sông từng đoàn. Đến mùa xuân mùa hạ, đẻ trứng trên cát trong những nơi ít người qua lại. Trứng lẫn trong sạn đá, không chú ý không thể nhận ra. Trứng đẻ ra cứ bỏ vãi đó, mẹ không cần ấp, chỉ nhờ khí nóng của cát và mặt trời mà nở con. Và con vừa nở ra, liền tìm nơi ẩn lánh. Không biết các con sông khác có giống chim “biết tự lập từ trong trứng”, hay chỉ riêng sông Côn.

Đó là những điểm có thể gọi là đặc biệt mà người yêu mến sông Côn không nỡ bỏ qua.

-----------------

Nguồn: Nước non Bình Định – Quách Tấn

Online: http://www.baobinhdinh.com.vn

http://phanhoaivy.wordpress.com/2010/01/19/n%C6%B0%E1%BB%9Bc-non-binh-d%E1%BB%8Bnh-song-con-k%E1%BB%B3-3/


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp