15/10/2010 08:26 (GMT+7)
Số lượt xem: 10746
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng
Nước non Bình Định: Sông Côn
Mục lục

Ở khoảng giữa khúc sông Phú Phong An Thái này, lại có ngọn Hương Sơn ở phía hữu ngạn trên địa phận hai thôn Kiên Thạnh và An Chánh, điểm xuyết cho Côn Giang thêm phong vị thêm tình tứ. Những khách ưu non mến nước thường dong thuyền chơi trên khoảng sông này và có để lại nhiều văn thơ để vịnh. Được nhiều người tán thưởng là bài thơ sau đây của Định Phong:

Nguồn tiên cuồn cuộn xuống Tây Cương,

Uốn khúc rồng xanh lướt dặm trường…

Ba huyện lúa dâu bờ trải gấm;

Một trời mây rán nước lồng gương.

Dập dìu bãi thắm tình âu lộ,

Lặng lẽ dòng khơi mạch đế vương.

Biển Bắc trời Nam dồn sức gió,

Thênh thênh chín vạn cánh bằng trương.

Hình ảnh của sông, danh hiệu của sông, còn thấy trong nhiều bài có giá trị khác. Như trong bài văn tế Vua Quang Trung:

Dòng Côn Thủy mây lồng thức gấm,

mãn vui tình mai liễu độ xuân;

Đỉnh Tây Sơn gió cuộn sóng tùng,

chạnh tưởng đấng anh hùng cứu quốc!

Trong bài văn tế anh hùng Mai Xuân Thưởng:

Thân trơ trọi một gươm một ngựa, vì nỗi

quốc cừu vị báo, dòng Côn giang vượt bến rủi dong;

Bước gập ghềnh càng nghĩ càng đau, nhớ câu

“quyển thổ trùng lai”, miền Linh Đỗng tạm đường ẩn náu.

Trong bài văn tế “Tướng sĩ trận vong năm Đinh Hợi” (1947):

Giải Tây Lĩnh hắt hiu chiều gió bấc,

tưởng hồn chiến sĩ ngậm ngùi thương;

Dòng Côn giang lai láng bóng trăng khuya,

xui dạ hoài nhân chan chứa lệ!

Vân vân…

Chẳng những bên nam giới mới nặng tình với sông Côn.

Tình phái nữ giới đối với sông Côn cũng rất đằm thắm. Trong văn thơ của họ thường in đậm bóng dáng sông Côn, nhất là khúc sông có trăng Non Hương, mây Non Hương lồng bóng.

Như trong hai bài đã đăng ở tạp chí Lành Mạnh năm trên. Một của Mộng Hoa, nhan đề là:

Niềm Mía Lúa

Em là gái sông Côn

Không lòng khe giặt lụa.

Em là gái hương thôn,

Lòng đơn sơ mía lúa.

Mía ngọt đời văn chương,

Lúa thơm tình đất nước.

Tin sương sóng trùng dương

Không bận lòng chim thước.

Rồi một hôm anh về:

Ánh phiền ba nắng nhuộm,

Xui hương nở đồng quê,

Mộng vàng vương cánh bướm!

Nhưng vầng trăng Non Hương

Thầm nhắc niềm nguyện ước:

Mía ngọt đời văn chương,

Lúa thơm tình đất nước.

Và một của Chức Thành, nhan đề là:

Sông Côn Giặt Sợi

Hanh hanh nắng vàng

Trên dòng Côn giang

Em ngồi giặt sợi

Nước trời mênh mang…

Nước loáng màu ngân,

Sợi ngời ánh tuyết.

Tay em mãi miết

Phăn tình cố nhân.

Gió thổi tình vương

Mây triền non Hương

Bay vào tay sợi

Kết niềm yêu đương,

Kết niềm nhớ thương,

Dệt thành bức gấm

Tặng đời văn chương.

Những bài trích dẫn trên đây là những mảnh lòng của những người chịu ảnh hưởng sâu đậm của nước non Bình Định, nhất là của dòng sông Côn. Những người ở xa mà nặng tình non nước, dù mắt chưa thấy, xem những vần trên cũng biết qua được phong vị của sông Côn.

Phong cảnh và khí vị của sông Côn, từ Phú Phong đến An Thái, đại để là như thế.

Xuống khỏi An Thái chừng nửa cây số, sông Côn chia làm hai nhánh, một chảy vào Đông Nam, gọi là Nam Phái, một nhánh chảy ra Đông Bắc, gọi là Bắc Phái.

Nam Phái chảy được chừng một cây số đến gần Phụng Ngọc, Quan Quang lại phân làm đôi. Một chạy dọc theo quan quang chảy thẳng xuống Đông, qua hết địa phận An Nhơn đến địa phận Tuy Phước, rồi chảy ra đầm Thị Nại. Nhánh này gọi là Trung Phái. Còn nhánh kia chảy vào Phụng Ngọc rồi thẳng đường chảy vào Đông Nam, chừng vài cây số nữa, thì trở xuống Đông, qua trước cửa Tiền Thành Bình Định. Do đó mệnh danh là sông Cửa Tiền.

Sông Trung Phái cạn, mùa nắng thường bị mưa nhiều chặng. Chạy giữa đồng ruộng mênh mông, phong cảnh ít thay đổi. Đông cũng như Tây, Nam cũng như Bắc, đâu cũng lúa xanh cò trắng, vàng sớm hồng chiều. Cho nên thuyền du tử ít hay lên xuống.

Sông Cửa Tiền khi gần đến thành Bình Định thì tiếp nhận nước sông An Tượng từ Tây Nam chảy ra. Nhờ vậy mà từ đó trở xuống lưu lượng gia tăng gấp bội. Hành khách đi trên Q.L. số 1, qua cầu Tân An là cầu bắc ngang sông cửa Tiền, lúc nào cũng thấy sông xanh lục lìa và nước chảy cuồn cuộn. Khi xuống đến Tuy Phước, sông chia làm nhiều nhánh nhỏ chảy ra đầm Thị Nại.

Trên con sông Cửa Tiền cũng không có gì đặc biệt để thưởng ngoạn. Duy ở trước cửa thành Bình Định, có một bến đò quang cảnh và phong vị phảng phất Bến My Lăng của nhà thơ Yến Lan:

Bến My Lăng nằm không, thuyền đợi khách,

Rượu hết rồi ông lái chẳng buồn câu.

Trăng thì đầy rơi vàng trên mặt sách,

Ông lái buồn để gió lén mơn râu.

Ông không muốn run người ra tiếng địch,

Chở mãi hồn lên tắm bến trăng cao.

Vì đìu hiu, đìu hiu trời tĩnh mịch,

Trời võ vàng, trời thiếu những vì sao!

Trôi quanh thuyền những lá vàng quá lạnh,

Tơ vương trời, nhưng chỉ giải tơ trăng…

Chiều nghi ngút dài trôi về nẻo quạnh,

Để đêm buồn vây phủ bến My Lăng.

Nhưng đêm kia đến một chàng kỵ mã,

Nhúng đầy trăng màu áo ngọc lưu ly.

Chàng gọi đò, gọi đò như hối hả,

Sợ trăng vàng rơi khuất lối chưa đi.

Ông lão vẫn say trăng nằm gối sách,

Để thuyền hồn bơi khỏi bến My Lăng.

Tiếng gọi đò, gọi đò như oán trách,

Gọi đò thôi run rẩy cả ngàn trăng.

Bến My Lăng còn lạnh, bến My Lăng,

Ông lái buồn đợi khách suốt bao trăng!

Cửa Tiền và Cửa Đông vốn không xa cách, mà tác giả “Bến My Lăng” lại là người ở Cửa Đông, cho nên những khách yêu thơ yêu cảnh thường gọi bến Cửa Tiền là bến My Lăng.

Sông Cửa Tiền dài độ chừng 25 cây số kể cả khúc quẹo, đường cong.

Còn dòng Trung Phái thì ngắn thua chừng một mười một tám.

Đó là Nam Phái.

Còn Bắc Phái từ chỗ phân lưu chảy xiêng xiêng ra Đông Bắc, chừng ba cây số đến Thị Lựa, thì chia làm hai:

Một nhánh gọi là sông Thạch Yển, tức sông Đập Đá, chảy vào Đông Nam chừng ba cây số đến Thanh Danh, thì trở ra Đông Bắc. Chạy chừng năm sáu cây số, đến trước hòn Mò O, thì dừng lại tại đập Lý Nhơn.

Hai nhánh Thạch Yển và La Vỹ chảy ra Gò Găng rồi chảy xuống Lý Nhơn để hợp thành sông Thạch Yển. Nhánh này dài độ sáu bảy cây số.

Hai nhánh Thạch Yển và La Vỹ phân nhau ở phía Tây thành Đồ Bàn cũ và hợp nhau ở phía Đông, thành một vòng đai bao quanh một vùng rộng, dáng tròn tròn, gồm các vùng Thập Tháp, Thành Cũ (Đồ Bàn), Vân Sơn, Nhạn Tháp, Đập Đá. Ở trên ngó xuống phảng phất giống một quả bầu ve để nằm, đầu day xuống phía Đông, đập Lý Nhân là cuống.

Hai nhánh Bắc Phái hợp nhau ở Lý Nhân rồi lại chia làm hai một lần nữa. Một chảy cong cong xuống Đông Bắc rồi lại quẹo vào Đông Nam để vào đầm Thị Nại. Một chạy thẳng xuống đầm Thị Nại, cũng chạy vào một cửa cùng nhánh kia. Trên cao nhìn xuống, hai nhánh sông này trông giống một cây cung, mà dây là hai nhánh phái trong bị dùn, cần là nhánh phía ngoài bị vẹo vọ. Bề dài của hai nhánh từ Lý Nhơn đến Thị Nại chỉ trong vòng mười hai đến mười bốn cây số.

Ngày xưa Bắc Phái chỉ có một dòng là sông Thạch Yển, chạy từ Thị Lựa đến Thị Nại.

Sông La Vỹ do vua Thái Đức mới đào sau.

Truyền rằng:

Phá long mạch của Hoàng Sơn xong thầy Địa thấy vượng khí đất Tây Sơn vẫn còn thạnh, vì còn long mạch của Trung Sơn. Long mạch này chạy thẳng xuống hòn Mò O, qua Kỳ Đồng và gò Thành Cũ. Thầy Địa bèn khuyên Nguyễn Nhạc tạo cho Hoàng Thành (tức thành Đồ Bàn vừa kiến thiết lại) cái thế “Tứ thủy triều qui” để trước thêm tú khí cho Hoàng Thành, sau thêm rào dậu để phòng địch. Nhà vua nghe theo, cho đào sông La Vỹ: long mạch bị thương đến hai nơi, một ở dưới chân hòn Kỳ Đồng phía trên Thành Cũ, một ở chân hòn Mò O phía Đông Thành Cũ!

Sông La Vỹ vừa đào xong thì lụt làm lở phía Đông, tức là phía thành Đồ Bàn. Nhà vua liền cho đắp một bờ đê hình quai vạc gọi là Đỉnh Nhĩ Đê, để giữ nước. Do đó sông La Vỹ mang thêm một tên nữa là sông Quai Vạc.

Sông La Vỹ hết bị lụt lở ở Đông thì sông Thạch Yển bị bồi lần lần, mùa nắng nước không xuống được thấu hạ bạn. Nhân dân ta thán! Kế đó vua Thái Đức băng hà, con là Nguyễn Bảo bị truất ngôi. Tiếp đến nhà Nguyễn trung hưng, nhà Tây Sơn bị diệt vong…Nhân dân không mấy lúc được an cư lạc nghiệp. Hết chạy giặc đến đi lính, không còn thì giờ để lo việc đào cát vét sông.

Mãi đến cuối đời Gia Long (1802-1820) hai nhà phú hào ở thôn Háo Đức là họ Châu và họ Trần xuất tiền mua đất, đào lại con sông Thạch Yển. Nhân dân địa phương cảm đức, lập đền thờ. Vua Minh Mạng phong thần và sắc tứ:

- Châu Thị Ngọc Mã,

- Trần Thị Ngọc Lân.

Đến năm Bính Thìn (1916), triều Khải Định, Hội Bảo Nông Bình Định do bá hộ Nguyễn Cẩn, bá hộ Lâm Thanh Cẩn, phú hộ Ôn Huỳnh Châu đứng ra cổ động góp cổ phần, xây đập đá tại thôn Phương Danh, để dẫn thủy nhập điền.

Từ khi được hai họ Châu, Trần xây lại và nhất là sau khi đập đá ở Phương Danh xây xong, sông Thạch Yển trở thành nhánh sông quan trọng. Ghe thuyền lên xuống mỗi ngày mỗi thêm đông. Các vùng lân cận đã nhờ nước đầy đủ trở nên phì nhiêu, dâu lúa được mùa, mà còn nhờ sự buôn bán với ghe thuyền, mà thêm trù phú.

Rồi tên Thạch Yển (nghĩa là đập đá) lần lần ít nghe nói đến, và tên Đập Đá (nghĩa là Thạch Yển) càng ngày càng nổi như cồn.

(Còn nữa)

———————————————————————————————————–

Nguồn: Nước non Bình Định – Quách Tấn

Online: http://www.baobinhdinh.com.vn


Tiêu điểm:

Âm lịch

Ảnh đẹp