04/10/2010 10:11 (GMT+7)
Số lượt xem: 5514
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Ở độ cao trung bình 3500m, thủ phủ Lhasa quả không phải là nơi để khách phương xa dễ dàng thích nghi, chưa kể thời tiết tháng 6 là nóng nhất trong năm (~ 23 độ C ngoài trời), chưa đến 7h sáng mà ánh nắng đã chan hoà trên những rặng núi cao và lan dần vào thành phố.

Ấn tượng đầu tiên khi đi dạo phố ở Lhasa là người dân ở đây dậy rất sớm, có lẽ bởi mặt trời ló dạng đằng Đông sớm hơn các vùng khác. Trên đường phố ở đâu cũng bắt gặp đoàn người hành hương và người bản xứ đang cùng song hành hướng về một phía – chắc bạn đọc cũng đoán ra – quảng trường Potala. Không khí ban mai của thủ đô trong lành, mát mẻ, có phần se se lạnh. Trời tuy nắng nhưng gần như không thấy ai mặc áo ngắn tay. Lòng vòng trong những con đường tắm nắng, ngắm nghía những ngôi nhà, góc phố, cùng người dân Tạng, du khách có thể thoải mái chụp ảnh!

 

Một vài hình ảnh về buổi sáng thường nhật nơi đây:

Nét cũ mới chen nhau ở Lhasa chắc không còn xa lạ gì trong những thập kỷ gần đây. Những khung cửa sổ trang trí mandala nhiều tuổi kế cận với những ngôi nhà người Hán mới xây càng minh chứng rõ ràng hơn cho cuộc sống đa sắc tộc trong lòng Lhasa:

Chúng tôi vào thăm một tự viện nhỏ nằm kín đáo bên trong các ngõ hẻm của khu chợ Bakhor, vì tự viện không cho chụp ảnh nên chỉ có vài hình ảnh phía ngoài chia sẻ cùng bạn đọc:

Sáu chiếc kinh luân (pháp khí của Mật tông) ứng với Lục Tự Đại Minh Chú – Om Mani Padme Hum:

Người Tạng mua những túi cây khô như thế này để đốt, khói trắng từ stupa lan toả trên nền trời xanh thẳm:

Nụ cười người Tạng: tay phải là chiếc chuyển kinh luân xoay theo chiều kim đồng hồ (nhìn từ trên xuống), tay trái là bọc tiền lẻ Nhân Dân Tệ. Tôi mất 1 RMB để chụp được bức ảnh này, tuy nhiên không nên lấy đó làm lạ, cũng chẳng hoài công xét đoán làm gì! Có chăng lại nhớ câu chuyện 2 vị tôn giả A Nan, Ca Diếp xưa cũng từng đòi Đường Tăng phải đổi bát tộ vàng thì mới trao cho Kinh pháp; nhìn theo góc độ học đạo thì đạo pháp không thể truyền thụ dễ dàng cho nên kẻ muốn thọ giáo phải đánh đổi. Có thực mới vực được đạo, cái sự tưởng chừng như đơn giản mà khó lãnh hội biết bao! Câu chuyện cũ lướt qua trong tôi giây lát, rồi lại về với thực tại phố phường Bakhor:

Rời tự viện, chúng tôi rảo bước trên con đường dẫn đến Đại Chiêu Tự. Trong tiếng Tạng, Bakhor Square có nghĩa là Bát Giác Nhai, nơi đây lấy Jokhang Temple làm tâm điểm, là nơi nhộn nhịp thứ nhì trong trung tâm Lhasa, chỉ sau quảng trường Potala. Đường đến Jokhang đầy nắng và gió, hai bên đường là các quầy hàng bán đồ lưu niệm Tây Tạng sặc sỡ sắc màu: 

Những người dân Tạng đi vòng quanh Đại Chiêu Tự theo chiều kim đồng hồ, coi đó là vòng Kora khổng lồ bao ngoài tự. Ngay trước cửa Jokhang Temple là 2 cây cột lớn quấn kỳ ngũ sắc của Phật giáo. Những nơi nào có 2 cột lớn như vậy là biểu trưng thánh địa được Phật giáo hộ trì, bên trong sẽ thờ tượng Đức Phật cùng chư vị Bồ Tát và các Hộ Pháp nhà Phật:

Ngay bên ngoài Jokhang Temple, ở hai phía tả hữu là dòng người hành hương mộ đạo làm lễ ngũ thể nhập địa tiêu biểu nhất trong các nghi lễ bái Phật của Tây Tạng: trước tiên là 2 tay chụm lại làm thành hình như búp sen chưa nở, sau đó chạm lên đầu, chạm xuống phía dưới cằm, rồi chạm xuống ngực, thân hình theo đó mà cúi thấp xuống, 2 tay đưa về phía trước rồi đầu gối quỳ xuống cho đến khi chạm toàn thân xuống đất, khi đã nằm song song với mặt đất thì 2 tay lúc này ở phía trên đầu, ngón tay có thể lần 1 hạt trong tràng hạt hoặc bấm vào 1 máy nhỏ đeo ở cổ tay; như vậy là làm xong 1 lần lễ. Người Tạng đến Đại Chiêu Tự bày tỏ lòng thành bằng hình thức bái lạy như thế, ít nhất là lần hết 108 hạt trong tràng hạt hoặc lễ bái đến 10,000 lần! (có sự tích đằng sau con số 10,000 này mà người viết sẽ chia sẻ với bạn đọc trong những bài viết tiếp theo)…

Như đã có dịp điểm qua với bạn đọc, Đại Chiêu Tự được xây vào giai đoạn 642 sau Công nguyên bởi vua Tùng Tán Cương Bố (Songtsen Gampo). Thực ra ban đầu chùa được vua dựng để thờ tượng Phật mà công chúa Nepal Ba Lợi Khố Cơ mang vào Tây Tạng, nhưng sau tượng này được chuyển sang Tiểu Chiêu Tự còn Đại Chiêu Tự lúc đó bắt đầu thờ tượng Đức Phật Thích Ca Mâu Ni Thập Nhị Tuế Đẳng (Twelve-years old Shakyamuni, hay Jowo Rinpoche) do công chúa Đường quốc Văn Thành mang vào Tây Tạng từ thế kỷ thứ 7.

Bước vào sân chùa Đại Chiêu, du khách sẽ bị cuốn hút bởi sự trang nghiêm toát lên từ kiến trúc rực rỡ pha trộn tinh hoa Ấn Độ, Nepal, Tây Tạng, và cả nhà Đường của Trung Hoa. Màu sắc mỗi cây cột dọc hay xà ngang càng nổi bật hơn khi có ánh nắng chiếu vào. Trên đầu mỗi cột đều có hình Đức Phật Thích Ca với các tư thế toạ thiền và tay ấn khác nhau, còn trên các xà con giữa các thân cột là những câu kinh Tạng:

Trước cửa của chính điện Jokhang là tấm màn che lớn có hình ảnh quen thuộc của Phật giáo: Bánh Xe Pháp Luân – tượng trưng cho Phật giáo muôn đời (Buddhism Forever), 2 con hươu trong truyền thuyết Phật Thích Ca thuyết giảng nơi vườn Lộc Uyển (Sarnath), và ngoài cùng là tháp Bồ Đề Đạo Tràng (Bodh Gaya) nơi Đức Phật giác ngộ và giải thoát. Những hình ảnh này còn được tạc thành tượng vàng đặt ngay trên nóc chính điện của chùa. Dưới mặt đất là chữ Vạn (Svastika) bằng đá lớn xoay theo chiều kim đồng hồ mà người Tạng tin rằng sè mang đến phúc lộc an khang:

Chùa Đại Chiêu xây theo hướng Tây, cao 4 tầng và rộng tổng cộng 25km2; bên trong chùa ngoài tượng Đức Phật Thích Ca dát vàng được bảo vệ cẩn mật, còn có các bức tượng và gian điện thờ sư tổ Hoàng Mạo Giáo – đại sư Tông Khách Ba (Tsongkhapa) cùng các đại đệ tử, tượng các Tạng Vương Thổ Phồn, tượng các Hộ Pháp của phái Cách Lỗ (Gelugpa Sect) có kích cỡ bằng người thật …

Đại Chiêu Tự có rất nhiều phòng như thế này được giăng lưới sắt để bảo vệ, bên trong là những pho tượng lâu đời quý hiếm nhất của toàn Tây Tạng:

Ánh sáng bên trong chùa lấy ánh sáng tự nhiên là chính, kết hợp với những ngọn đèn nến làm từ mỡ bò Yak khiến màu sắc bên trong chùa lung linh huyền ảo hơn. Khác với chùa của Trung Quốc hay Việt Nam, các chùa ở Tây Tạng không nghi ngút khói hương, thay vào đó là mùi nồng nồng của mỡ bò bởi theo người Tạng, mỡ bò Yak khi đốt không tạo ra khói nhờ đó không gây hư hại đến các bức tượng hay tranh thangka treo trong chùa, ngược lại, mỡ bò Yak như phủ một lớp bóng đặc trưng lên các pho tượng. Những người hành hương mộ đạo khi vào lễ bái các tu viện và chùa chiền đều không quên mang theo một chiếc phích chứa mỡ bò Yak mà họ sẽ thành kính rót vào các lư đèn như một sự dâng hiến nhỏ vinh danh Phật pháp:

 

Vì là chùa linh thiêng nhất và lâu đời nhất trong Lhasa, Jokhang Temple như bị bao vây bởi đoàn người hành hương cũng như khách du lịch tứ phương kéo về, sức chen lấn cũng không kém gì hội chùa Hương! chỉ khác là không ai mang lễ vật hương hoa; riêng người Tạng thì mỗi bước đi đều lẩm nhẩm câu kinh Phạn-Tạng, khiến cho bầu không khí tuy đông nhưng hết sức thâm nghiêm. Nếu nhắm mắt mà tưởng tượng, người ta có thể nghe thấy bài ca tôn giáo nghìn lời hoà chung đang ngân nga dưới mái chùa Đại Chiêu trong ánh nắng vàng tưởng chừng như vô tận của Lhasa; bài ca đó thay tiếng trống chiêng, thay âm chuông mõ, cứ ngân nga nhịp nhàng đều đặn, mới đó mà đã 1300 năm rồi … bao nhiêu triệu triệu con tim đã đến rồi đi, ai cũng để lại Jokhang một chút hồng trần và mang đi một phần thanh tịnh …

Đi hết 1 vòng Đại Chiêu Tự, chúng tôi trở ra ngoài, quay lại chợ Bakhor để hướng về quảng trường Potala. Lúc này trời đã sắp sang trưa.

Lê Minh Hưng - (Nguồn: tổng hợp icouple.sg)


Nguồn: Đăng lại từ http://chuaminhthanh.com/web/mattong/p2_articleid/340


Âm lịch

Ảnh đẹp