16/06/2011 22:18 (GMT+7)
Số lượt xem: 1992
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chùa Bửu Minh - Gia Lai
I. NGÔI CHÙA PHẬT GIÁO Trên những nẻo đường đất nước, từ miền núi cao, đảo xa đến vùng đồng quê hiền hòa hay chốn thị thành huyên náo, hình ảnh ngôi chùa - ngọn tháp đã trở nên thân quen với mọi người.


 

Từ điển Tiếng Việt định nghĩa chùa là công trình kiến trúc làm nơi thờ Phật. Theo chúng tôi nghĩ, cần mở rộng khái niệm chùa hơn, vìnơi thờ Phật mới chỉ là ngôi tinh xá hay chánh điện.

Ngôi chùa ở Việt Nam là công trình kiến trúc để thờ chư Phật, Bồ tát, Thiên Thần, Hộ Pháp... ; là nơi thờ các vị tổ sư, các vị trụ trì quá cố..., nơi thờ linh cốt của quý Phật tử... Ngôi chùa còn là nơi cư ngụ, tu hành, học tập, nghiên cứu giáo lý Phật giáo... của các Tăng, Ni ; là nơi hành lễ của Tăng, Ni, Phật tử. Nhiều chùa là nơi di dưỡng tinh thần, là thắng cảnh du lịch, là trung tâm hoạt động lễ hội, là bảo tàng nghệ thuật dân tộc ; nhiều chùa là cơ sở giáo dục, hoằng pháp, kinh tế, xã hội, y tế...

Chùa chiền ngày trước thường là những thảo am do các thiền sư dựng lên để tu hành. Có những ngôi chùa do vua, chúa, quan lại... xây dựng ; có những ngôi chùa do dân làng xây dựng ; lại có những ngôi chùa tư do một tín chủ hay một số tín chủ cúng tiền xây dựng v.v...

Tự viện Phật giáo ngày nay được Giáo hội Phật giáo Việt Nam xác định bao gồm: chùa, tu viện, thiền viện, tịnh xá, tịnh thất và niệm Phật đường.

II. NGÔI CHÙA TRONG LỊCH SỬ PHẬT GIÁO VIỆT NAM

1. Từ đầu Tây lịch đến thế kỷ IX

Đạo Phật du nhập vào Việt Nam từ rất sớm, nhiều học giả hiện nay đều phỏng định vào khoảng đầu Tây lịch. Nước Việt lúc bấy giờ là Giao Châu, một trong những địa điểm mà các thương nhân hàng hải của Ấn Độ đến miền Viễn Đông để mua các thứ gia vị, hương liệu, gỗ, trầm hương... Những nơi thờ tự được tạo lập để thỏa mãn yêu cầu tín ngưỡng của họ.

Trung tâm Phật giáo ở Luy Lâu đã xuất hiện. Những ngôi chùa nổi tiếng bấy giờ là: Chùa Dâu, chùa Đậu, chùa Dàn, chùa Tướng thờ các Nữ thần Pháp Vân, Pháp Vũ, Pháp Lôi, Pháp Điện.

Đạo Phật phát triển mạnh vào các thế kỷ V, VI, VII. Mật tông, Tịnh Độ tông, Thiền tông đã được người dân tiếp nhận. Cư dân nông nghiệp bấy giờ tin nhiều vào phép lạ thần thông của các vị sư như Ma Ha Kỳ Vực, Khâu Đà La v.v... Đàm Hoằng, người Trung Quốc đến Việt Nam vào thế kỷ V, truyền bá Tịnh Độ tông với pháp môn niệm Phật A Di Đà cầu vãng sinh, được lớp bình dân tin theo. Còn Khương Tăng Hội, người mang Thiền tông vào Việt Nam trong giai đoạn đầu cũng được các vị sư và lớp trí thức chấp nhận, tuy nhiên, Thiền vẫn còn phôi thai.

Đến năm 580, Thiền sư Tì Ni Đa Lưu Chi đến Giao Châu, trụ trì chùa Dâu, mới mở ra Thiền phái thứ nhất ở Việt Nam, truyền thừa 19 đời, đến thế kỷ XIII. Thiền phái này coi trọng việc tham thiền, tu định, hoằng hóa độ sanh, có ảnh hưởng đến dân chúng mộ đạo.

Vị Thiền sư kế tiếp có ảnh hưởng rộng lớn trong dân chúng là Pháp Hiền. Ngài tu ở chùa Chúng Thiện, dạy dỗ, giáo hóa tăng chúng có hơn 300 người.

Cũng vào thế kỷ VI, chùa Khai Quốc được Vua Lý Nam Đế (541 – 547) cho xây dựng sau khi giành lại nền độc lập cho đất nước.

Năm 820, Thiền sư Vô Ngôn Thông, người Trung Quốc, sang ở chùa Kiến Sơ, lập ra Thiền phái thứ hai ở Việt Nam. Thiền phái Vô Ngôn Thông truyền thừa 15 đời, đến thế kỷ XIII. Tư tưởng thiền học của Vô Ngôn Thông là thiền đốn ngộ và vô đắc của phương Nam Trung Quốc. Thiền có khuynh hướng biệt truyền, chú trọng đốn ngộ tâm địa. Nhưng khi truyền vào Việt Nam, Thiền phái này không quá thiên về bí hiểm, trầm tư mặc tưởng, mà rất gần gũi với đời sống xã hội, hòa vào tinh thần nhập thế.

2. Từ thế kỷ X đến thế kỷ XIV

Sau chiến thắng Bạch Đằng năm 938, nước ta bước vào kỷ nguyên độc lập và phát triển. Trong buổi đầu của nhà nước phong kiến tự chủ, đạo Phật phát triển mạnh. Đây là thời kỳ hoàng kim của Phật giáo trong lịch sử dân tộc. Những trung tâm Phật giáo như Luy Lâu, Kiến Sơ có ảnh hưởng toàn vùng. Nhiều chùa mới được tạo lập. Một số trung tâm Phật giáo mới xuất hiện, đó là: Trung tâm Đại La (từ thời Lý là Thăng long) và Trung tâm Hoa Lư trong dãy núi đá vôi Trường Yên, tỉnh Ninh Bình.

Ở thời Lý (1010 – 1225), Nho giáo phát triển, còn Phật giáo thì đạt đến độ cực thịnh.

Các vua nhà Lý đều tôn sùng đạo Phật. Vua Lý Thái Tổ thuộc thế hệ thứ 7 Thiền phái Vô Ngôn Thông. Nhiều nhà sư xuất thân từ tầng lớp quý tộc, như Thiền sư Viên Chiếu (999 – 1090), Thiền sư Mãn Giác (1052 – 1096), Ni sư Diệu Nhân (1042 – 1113) v.v... Một số nhà sư được phong làm Quốc sư, như Thiền sư Viên Thông (1080 – 1151), Thiền sư Minh Không (1099 – 1174).

Trong thời kỳ này, Thiền sư Thảo Đường ở chùa Khai Quốc lập Thiền phái Thảo Đường. Vua Lý Thánh Tông, Thiền sư Bát Nhã, Thiền sư Không Lộ, Vua Lý Anh Tông, Vua Lý Cao Tông v.v… đều thuộc Thiền phái này.

Các danh lam thời Lý phần lớn do nhà vua hay các quan cho xây dựng. Vị vua nhà Lý nào cũng có xây chùa dựng tháp. Năm 1010, vừa dời đô về Thăng Long, Vua Lý Thái Tổ đã cho dựng các chùa ở trong và ngoài kinh thành.

Vua Lý Thái Tông lên ngôi năm 1031, cho dựng 150 chùa thờ Phật và quán Đạo giáo. Năm 1049, vua cho dựng chùa Diên Hựu ở Thăng Long.

Vua Lý Thánh Tông cho xây chùa Sùng Khánh Báo Thiên, chùa Thiên Phúc, chùa Thiên Thọ, tháp Báo Thiên, tháp Tường Long, chùa Sùng Nghiêm Báo Đức, chùa Nhị Thiên Vương...

Dưới đời Vua Lý Nhân Tông, nhiều chùa tháp lớn được xây dựng.

Các vua nhà Lý đời sau cũng cho xây dựng và trùng tu nhiều chùa tháp. Ngoài ra, có rất nhiều chùa tháp được xây dựng ở nhiều địa phương trong nước, như chùa Linh Xứng (Thanh Hóa) được Thái úy Lý Thường Kiệt cho xây năm 1126, chùa Sùng Nghiêm Diên Thánh (Thanh Hóa) xây năm 1117, chùa Bảo Ninh Sùng Phúc (Tuyên Quang) xây năm 1107, chùa Tự Già Báo Ân (Vĩnh Phú) xây năm 1209… Bấy giờ cũng đã có ni viện, như ni viện Hương Hải ở Phù Đổng (ngoại thành Hà Nội ngày nay).

Vào thời Lý, mỗi làng đã có một hoặc vài ngôi chùa.

Chùa nhiều nên Tăng, Ni phải đông. Các vua đã nhiều lần xuống chiếu độ dân làm Tăng. Các chùa thường có nhiều ruộng đất do vua ban hoặc giới quý tộc cúng để có điều kiện kinh tế, phát triển, hoằng pháp và nuôi Tăng, Ni.

Chùa được chia làm ba loại: đại danh lam, trung danh lam và tiểu danh lam.

Đến thời Trần, Phật giáo tiếp tục phát triển rực rỡ trong sự dung hợp với Nho giáo. Các Thiền phái Tì Ni Đa Lưu Chi, Vô Ngôn Thông và Thảo Đường vẫn phát triển cho đến lúc vua Trần Nhân Tông xuất gia năm 1299, lấy pháp hiệu là Trúc Lâm Đại Sĩ, lập ra Thiền phái Trúc Lâm – Yên Tử, thống nhất tổ chức Phật giáo trong cả nước.

Đặc điểm của Phật giáo thời Trần là tinh thần độc lập, tự cường, tinh thần nhập thế hành động, tinh thần phóng khoáng tự do. Quan điểm của Trúc Lâm Đại sĩ là Phật tức tâm, chẳng cần tìm cầu Phật bên ngoài.

Các Vua Trần Thái Tông, Trần Thánh Tông, Trần Nhân Tông vừa có kiến thức thế học vững chắc lại có trình độ Phật học uyên thâm. Các vị đã dùng đạo Phật để phục vụ cho mục đích chính trị, đó là một nền chính trị nhân bản, lấy con người làm trung tâm điểm.

Các ngôi chùa nổi tiếng thời Trần là chùa Phổ Minh được xây năm 1262 ở phủ Thiên Trường (ngoại thành Nam Định ngày nay), chùa Quỳnh Lâm ở Đông Triều (Quảng Ninh), chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang (Bắc Giang) và các chùa tháp ở Yên Tử (Quảng Ninh), một trung tâm của Thiền phái Trúc Lâm.

Nhiều chùa tháp đã được xây dựng trong thời Thiền sư Pháp Loa đứng đầu Giáo hội. Năm 1308, Trúc Lâm Đại Sĩ viên tịch, Thiền sư Pháp Loa nối pháp, trụ trì ở chùa Siêu Loại. Phật giáo đã phát triển rất mạnh. Chùa Vĩnh Nghiêm ở Lạng Giang được chọn làm trụ sở trung ương của Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm, lưu giữ hồ sơ Tăng, Ni cả nước. Đến năm 1329, số Tăng, Ni xuất gia trên 15.000 vị. Các tự viện được kiểm kê, ghi vào sổ bộ. Ngài đã xây dựng hai khu chùa lớn là Báo Ân và Quỳnh Lâm, 5 ngọn tháp và 200 tăng đường.

Thiền sư Pháp Loa đã khai sơn các thắng cảnh ở Côn Sơn và Thanh Mai Sơn. Ngài lại lo thiết kế việc thờ tự trong chùa. Được sự ủng hộ tích cực của giới quý tộc đương thời, ngoài việc dựng chùa, Ngài đã cho đúc hơn 1.300 pho tượng đồng lớn nhỏ, đắp hơn trăm pho tượng đất. Đặc biệt là Ngài cho đúc pho tượng Phật Di Lặc lớn ở chùa Quỳnh Lâm năm 1327.

Pháp Loa còn cho mở các hội giảng kinh, ấn loát các tài liệu Phật giáo, nhất là việc tiếp tục in kinh Đại Tạng vào năm 1311. Ngài là vị Tổ sư thứ hai trong Trúc Lâm Tam Tổ.

Nối tiếp Thiền sư Pháp Loa là Thiền sư Huyền Quang. Ông đã làm quan 30 năm (1275-1305) rồi mới xuất gia, trụ trì chùa Vân Yên (núi Yên Tử, Quảng Ninh), sau về trụ trì chùa Côn Sơn (Hải Dương). Ngài là vị Tổ sư thứ ba trong Trúc Lâm Tam Tổ.

Kể từ vua Trần Anh Tông về sau, Phật giáo bị pha lẫn phần nào Đạo giáo. Nho giáo tạo được nhiều thế lực. Năm 1381, đời vua Phế Đế, triều đình sắc Thiền sư Đại Nam thống xuất tăng chúng trong nước đi đánh giặc Chiêm. Đến cuối thế kỷ XIV, ở thời Hồ, Hồ Quý Ly bắt các tăng sĩ dưới 40 tuổi phải hoàn tục. Phật giáo bước vào giai đoạn suy yếu.

3. Từ thế kỷ XV đến thế kỷ XVIII

Sau khi nghĩa quân Lê Lợi thắng quân Minh, triều Lê Sơ (1428-1527) được thiết lập. Phật giáo ở thời kỳ này không còn khởi sắc như trước nữa. Một phần do thiết chế và quy định thi cử chặt chẽ của triều đình, thêm vào đó, chùa chiền bị hư hỏng nhiều qua chiến tranh.

Tình hình này kéo dài một thời gian. Đến khi xảy ra cuộc chiến tranh Lê - Mạc rồi phân tranh Trịnh - Nguyễn, các chúa tỏ ra hâm mộ đạo Phật, Phật giáo có cơ phục hưng. Ngoài Thiền phái Trúc Lâm, có thêm mấy phái Thiền và nhiều Thiền sư danh tiếng.

Ở Đàng Ngoài, chúa Trịnh đã cho tu bổ nhiều ngôi chùa và tạo lập nhiều chùa mới với quy mô lớn. Năm 1648, chúa Trịnh Tráng lập chùa Phúc Long ở làng Lãng Ngâm; năm 1727, chúa Trịnh Cương lập chùa Thiền Tây ở làng Sơn Đình; năm 1730, chúa Trịnh Giang trùng tu chùa Quỳnh Lâm, chùa Sùng Nghiêm v.v…

Phật giáo thời kỳ này còn được phát triển qua sự du nhập và truyền bá của các phái Thiền Lâm Tế và Tào Động từ Trung Quốc cùng phái Thiền Liên Tôn ở Việt Nam.

Năm 1630, Thiền sư Chuyết Chuyết (1590–1644) cùng đệ tử dùng thuyền qua Việt Nam, đến Chân Lạp rồi Chiêm Thành. Sau, Ngài ra Đàng Ngoài, hoằng hóa tại chùa Thiên Trượng (Nghệ An) và chùa Trạch Lâm (Thanh Hóa). Năm 1633, Thiền sư ra ở chùa Khán Sơn (Thăng Long) rồi về chùa Phật Tích (Bắc Ninh). Ngài được Chúa Trịnh Tráng hâm mộ. Thiền sư có hai đệ tử xuất sắc là Minh Hành (người Hoa) và Minh Lương (người Việt). Đệ tử của Thiền sư Minh Lương là Thiền sư Chân Nguyên (1647–1726) truyền xuống Như Trừng – Lân Giác tức Vương công Trịnh Thập. Thiền sư Như Trừng – Lân Giác là khai tổ Chi phái Thiền Liên Tôn ở chùa Liên Phái (Hà Nội).

Thiền sư Thủy Nguyệt (1634 – 1704) người Thái Bình đến Trung Quốc cầu đạo Thiền sư Nhất Cú – Tri Giáo và du nhập Thiền phái Tào Động vào Việt Nam năm 1667. Chùa Hòe Nhai (Hà Nội) là ngôi chùa Tổ đình của Thiền phái này.

Ở thế kỷ XVIII, có hai ngôi chùa đặc sắc về kiến trúc và điêu khắc là chùa Kim Liên (Hà Nội) và chùa Tây Phương (Hà Tây). Công việc xây dựng và trùng tu chùa chiền vẫn được các chúa Trịnh quan tâm. Đến giữa thế kỷ XVIII, việc xây dựng này có bị dừng lại do phong trào nông dân nổi dậy lan rộng khắp nơi.

Ở Đàng Trong, ngay từ thế kỷ XIII, XIV, đã có nhiều ngôi chùa Khmer trên đất Nam Bộ hiện nay, như các chùa Samrông Ek, chùa Ông Mẹk ở Trà Vinh, chùa Vũng Liêm ở Vĩnh Long v.v...

Chămpa đã có thời chịu ảnh hưởng Phật giáo. Các nhà khảo cổ đã tìm thấy dấu tích một tự viện và tượng Phật bằng đồng ở Đồng Dương (Quảng Nam) thế kỷ IX, X, nhưng Phật giáo không duy trì lâu ở đây.

Phật giáo phát triển mạnh ở xứ Đàng Trong từ khi chúa Nguyễn Hoàng vào trấn đất Thuận Hóa. Trong hơn 200 năm, các chúa Nguyễn hết lòng sùng mộ đạo Phật.

Nhiều chùa chiền đã được xây dựng ở vùng đất mới. Năm 1601, chúa Nguyễn Hoàng cho trùng tu chùa Thiên Mụ trên đồi Hà Khê (Huế). Sau đó, chúa cho dựng chùa Sùng Hóa (Phú Vang), chùa Bảo Châu (Quảng Nam), chùa Kính Thiên (Quảng Bình) v.v…

Chùa Thiên Mụ được các chúa Nguyễn quan tâm nhất. Các chúa tiếp nối cho trùng tu, xây dựng ngôi chùa này trở thành nguy nga, tráng lệ; cho đúc đại hồng chung nặng 3.285 cân, thỉnh kinh Đại Tạng ở Trung Quốc về lưu giữ ở chùa.

Ở thế kỷ XVII, nhiều vị Thiền sư từ Trung Quốc đem hai Thiền phái Lâm Tế và Tào Động truyền vào Đàng Trong làm Phật giáo ở đây thêm khởi sắc.

Hai Thiền sư nổi tiếng của phái Thiền Lâm Tế là Thiền sư Nguyên Thiều (1649 – 1729) người Trung Quốc và Thiền sư Liễu Quán (? – 1742), người Phú Yên, Việt Nam.

Thiền sư Nguyên Thiều theo thuyền buôn đến Việt Nam vào năm 1677 đời chúa Nguyễn Phúc Tần. Ngài dựng chùa Thập Tháp Di Dà (Bình Định), chùa Hà Trung, chùa Vĩnh Ân (tức chùa Quốc Ân) và dựng tháp Phổ Đồng (Thừa Thiên – Huế). Thiền sư đã theo yêu cầu của chúa Nguyễn Phúc Thái về Trung Quốc thỉnh nhiều tượng Phật, pháp khí và thỉnh các danh tăng để lập đại giới đàn tại chùa Thiên Mụ. Sau đó, Ngài về trụ trì chùa Hà Trung. Ngài là Tổ sư phái Thiền Lâm Tế ở Đàng Trong.

Các thiền sư khác người Trung Quốc đã dựng chùa trong thời gian này là Thiền sư Giác Phong dựng chùa Thiên Thọ (tức chùa Báo Quốc) trên đồi Hàm Long, Thiền sư Minh Hoằng - Tử Dung dựng chùa Ấn Tôn (tức chùa Từ Đàm), Thiền sư Từ Lâm dựng chùa Từ Lâm (Thừa Thiên – Huế); Thiền sư Minh Hải – Pháp Bảo dựng chùa Chúc Thánh (Quảng Nam); Thiền sư Đức Sơn dựng chùa Long Khánh (Bình Định) v.v…

Thiền sư Liễu Quán quê ở Phú Yên, thuộc đời thứ 35 phái Thiền Lâm Tế, khai sơn chùa Thiền Tôn (Huế). Ngài được các chúa Nguyễn Phúc Thụ (Ninh Vương) và chúa Nguyễn Phúc Khoát (Võ Vương) mến phục đạo hạnh. Cũng như Thiền sư Chân Nguyên ở Đàng Ngoài, vào thế kỷ XVIII, Thiền sư Liễu Quán – một danh tăng người Việt – với Chi phái Thiền Liễu Quán, là người có công lao to lớn trong việc phục hưng và phát triển Phật giáo Đàng Trong.

Thiền sư Thạch Liêm tức Thích Đại Sán, thường gọi là Thạch Đầu Đà, người Chiết Tây, Trung Quốc, thuộc phái Thiền Tào Động, được Thiền sư Nguyên Thiều mời sang Việt Nam lập đại giới đàn ở chùa Thiên Mụ. Ngài được chúa Nguyễn mời làm trụ trì chùa Thiên Mụ. Ngài khai sơn chùa Khánh Vân (Huế). Năm 1696, trước khi lên đường về nước, Ngài đã truyền giới Bồ tát cho chúa Nguyễn Phúc Chu (Chúa Quốc), ban đạo hiệu là Thiên Túng Đạo Nhân, nối pháp đời thứ 30 Tào Động chánh tông. Thiền sư là người có công truyền bá phái Thiền Tào Động ở Đàng Trong.

Vào cuối thế kỷ XVIII, khi triều đại Tây Sơn được thành lập, Phật giáo vẫn tiếp tục phát triển. Rất nhiều ngôi chùa đã được xây dựng, kể cả chùa Khmer.

4. Từ thế kỷ XIX đến năm 1920

Năm 1802, Nguyễn Phúc Ánh thắng triều Tây Sơn, lên ngôi Hoàng đế, lấy niên hiệu là Gia Long, đóng đô tại thành Phú Xuân (Huế).

Nhìn chung, nhiều vua nhà Nguyễn không sùng thượng đạo Phật như nhiều chúa Trịnh và chúa Nguyễn.

Vua Gia Long đã ban sắc trùng tu chùa Thiên Mụ năm 1815. Vua đã triệu ngài Mật Hoằng ở Gia Định về kinh làm Tăng cang chùa Thiên Mụ, về sau làm trụ trì chùa Quốc Ân (Huế). Năm 1826, vua Minh Mạng sắc lập lại chùa Thánh Duyên ở núi Túy Vân (Thừa Thiên - Huế). Năm 1844, vua Thiệu Trị cho xây tháp Từ Nhơn (tháp Phước Duyên ngày nay) tại chùa Thiên Mụ và sắc lập chùa Diệu Đế (nguyên là phủ của vua). Vua Thiệu Trị còn tiếp tục công việc chu cấp tài sản cho chùa, đúc chuông, làm thơ vịnh ca ngợi cảnh chùa v.v… Năm 1853, Vua Tự Đức sắc cấp công điền cho các nhà chùa tại kinh như chùa Thiên Mụ, chùa Diệu Đế, chùa Thánh Duyên, chùa Linh Hựu, chùa Long Quang và các chùa ngoài kinh như chùa Tam Thai, chùa Ứng Chân (Đà Nẵng), chùa Khải Tường (Gia Định) v.v…

Nhiều quan lại nhà Nguyễn đã tham gia xây dựng nhiều chùa chiền. Ngài Nguyễn Khoa Luận tức Đại sư Viên Giác dựng chùa Ba La Mật ở Vỹ Dạ (Huế), thượng thơ Thái Văn Toàn lập chùa Quy Thiện, các quan Thái giám góp tiền xây chùa Từ Hiếu năm 1848, thượng thơ Nguyễn Đăng Giai cũng tổ chức trùng tu nhiều chùa, soạn nhiều bài văn bia ở chùa v.v…

Trong dân chúng, việc xây chùa, tạc tượng, đúc chuông, khắc in kinh điển vẫn được tiếp tục. Đến thời kỳ này, từ Bắc đến Nam, hầu như làng nào cũng có ít nhất là một ngôi chùa.

Nhiều Thiền sư trong thời kỳ này đã có công truyền bá rộng rãi đạo Phật. Một số Thiền sư được nhà vua phong Tăng cang và cấp giới đao độ điệp. Một số Thiền sư khác nhờ giới đức, kiến thức giáo lý và xây dựng, tổ chức giáo phái, đã có ảnh hưởng, uy tín trong tăng ni và quần chúng. Ở Bắc, có các Hòa thượng Phúc Điền (chùa Liên Tôn, Hà Nội), Thanh Đàm (chùa Bích Động, Ninh Bình v.v… Ở Trung, có các Hòa thượng Nhất Định (chùa Báo Quốc, Huế), Diệu Giác (chùa Diệu Đế, Huế), Liễu Triệt (chùa Quốc Ân, Huế) v.v… Ở Nam, có các Hòa thượng Viên Quang (chùa Giác Lâm, Gia Định), Viên Ngộ (chùa Lan Nhã tức chùa Tôn Thạnh, Long An), Mật Hoằng (chùa Đại Giác, Đồng Nai) v.v…

Các nhà thơ lớn, tuy xuất thân từ Nho học, nhưng cũng không khỏi không ảnh hưởng Phật giáo. Ôn Như Hầu Nguyễn Gia Thiều vớiCung Oán Ngâm khúc nói đến nỗi khổ đau, vô thường trong cuộc đời. Ảnh hưởng bởi đức từ bi của Phật giáo, Nguyễn Du đã dựa vào giáo lý nhà Phật để viết Văn tế thập loại chúng sanh. Còn Nguyễn Công Trứ trong bài Vịnh Phật, vừa theo Nho lại vừa tin Phật. Nhà thơ Chu Mạnh Trinh đến với cảnh chùa qua bài thơ Phong cảnh Hương Sơn.

5. Từ năm 1920 đến nay

Trong thời gian thuộc Pháp, từ nửa cuối thế kỷ XIX đến nửa đầu thế kỷ XX, trong tổ chức Phật giáo đã có những quan điểm không thống nhất trước thời cuộc, nhưng nổi bật là khuynh hướng nhập thế và chấn hưng để góp phần vào sự nghiệp chung của dân tộc. Một số tổ chức tôn giáo mới được tách ra từ đạo Phật truyền thống. Cuộc vận động chấn hưng Phật giáo ở Trung Quốc, Nhật Bản đã là nguyên nhân của phong trào chấn hưng Phật giáo Việt Nam vào năm 1920.

Ở miền Bắc, Tổng hội Phật giáo ra đời năm 1934, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, xuất bản tạp chí Đuốc Tuệ. Ở miền Trung, Hội An Nam Phật học cũng ra mắt và đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm, xuất bản tạp chí Viên Âm (1934), mở Phật học đường Báo Quốc và Kim Sơn, Phật học đường Trúc Lâm và Tây Thiên. Ở Bình Định, có Hội Phật học Bình Định. Ở Đà Nẵng, có Hội Phật học Đà Thành, ra tạp chí Tam Bảo. Ở miền Nam, Hội Lục Hòa được thành lập từ năm 1920 để vận động phong trào chấn hưng Phật giáo. Năm 1931, Hội nghiên cứu Phật học Nam Kỳ ra đời, đặt trụ sở tại chùa Linh Sơn, xuất bản tạp chí Từ Bi Âm (1932). Năm sau, Liên đoàn Học Xã ra đời. Năm 1934, Hội Phật học Lưỡng Xuyên ra đời, xuất bản tạp chí Duy Tâm Phật Học và mở Phật học đường Lưỡng Xuyên.

Về Phật giáo Nam Tông, có hai phái. Một phái của người Việt gốc Khmer gọi là Thêravađa, có từ lâu đời, với khoảng 500 ngôi chùa ở khắp các tỉnh miền Nam, tập trung nhiều chùa ở các tỉnh Vĩnh Long, Trà Vinh, Sóc Trăng, Kiên Giang v.v… Một phái do các Hòa thượng Thiện Luật, Hộ Tông qua học ở Campuchia rồi trở về truyền bá tại Việt Nam vào khoảng năm 1940, lập Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam do Hòa thượng Bửu Chơn làm Tăng thống, trụ sở đặt tại chùa Kỳ Viên (TP. Hồ Chí Minh ngày nay).

50 năm của phong trào chấn hưng Phật giáo (1920 – 1970) đã có những kết quả sâu rộng. Đội ngũ Tăng, Ni được đào tạo qua nhiều trường lớp và phát triển ở các tỉnh, thành phố. Chùa chiền được xây dựng khắp nơi, nhất là hệ thống chùa Phật học ở các thành thị. Nhiều ngôi chùa ở làng, xã được trùng tu và có chư tăng, ni trụ trì.

Bên cạnh đó, có nhiều hệ phái, tông phái Phật giáo ra đời, như Giáo phái Khất sĩ Việt Nam, Thiên Thai giáo quán tông v.v… Một yêu cầu thống nhất Phật giáo được đặt ra. Năm 1951, Giáo hội Tăng già toàn quốc được thành lập, đặt trụ sở tại chùa Quán Sứ, suy tôn Hòa thượng Tuệ Tạng làm Thượng thủ. Tổng hội Phật giáo Việt Nam được thành lập tại Huế, đặt trụ sở tại chùa Từ Đàm, Hội chủ là Hòa thượng Thích Tịnh Khiết. Đến năm 1963, một Đại hội Phật giáo được tổ chức tại chùa Xá Lợi, thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (ở Miền Nam).

Đến tháng 11 năm 1981, một hội nghị 165 đại biểu của 9 tổ chức Giáo hội, hệ phái cả nước: Hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phật giáo miền Bắc), Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất (Phật giáo miền Nam), Giáo hội Phật giáo Cổ truyền Việt Nam, Ban Liên lạc Phật giáo yêu nước Thành phố Hồ Chí Minh, Giáo hội Tăng già Nguyên thủy Việt Nam, Hội Sư sãi yêu nước Miền Tây Nam bộ, Giáo phái Khất sĩ Việt Nam, Giáo hội Phật giáo Thiên Thai giáo quán tông, Hội Phật học Nam Việt đã họp tại chùa Quán Sứ (Hà Nội) thành lập Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Từ đây, sau hai mươi thế kỷ du nhập và truyền bá, có lúc thịnh, lúc suy; có lúc thống nhất, có lúc phân tán do nhiều nguyên nhân, Phật giáo Việt Nam đã được thống nhất từ Bắc vào Nam. Các hệ phái Phật giáo vẫn được bảo lưu, nét đặc trưng trong pháp môn tu hành vẫn được tôn trọng. Hệ thống chùa chiền, tăng ni đã được thống kê, quản lý thống nhất. Số thống kê của Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công bố trong Hội nghị thường niên Hội đồng Trị sự Trung ương các ngày 26 và 27-12-2003 được tổ chức tại Thiền viện Quảng Đức (TP. Hồ Chí Minh) là : 14.401 ngôi tự viện (12.036 chùa Bắc tông, 539 chùa Nam tông Việt và Nam tông Khmer, 361 tịnh xá Khất sĩ, 467 tịnh thất, 998 niệm Phật đường) với 38.866 tăng, ni (28.365 thuộc Bắc tông; 512 thuộc Nam tông Việt, 7.635 thuộc Nam tông Khmer và 2.354 thuộc Khất sĩ) đang tu học.  

Võ văn Tường


Âm lịch

Ảnh đẹp