28/07/2011 19:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 97125
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tượng thờ Lý Chiêu Hoàng
(ĐVO) Trong chính sử, Lý Chiêu Hoàng được miêu tả như một nữ hoàng dâm cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, không còn trinh tiết, mới 6 tuổi đã có tình ý với Trần Cảnh...





.
Lý Chiêu Hoàng (1218-1278) là vị vua thứ 9 và là cuối cùng của nhà Lý (Việt Nam) từ năm 1224 đến năm 1225, đồng thời là nữ hoàng duy nhất trong lịch sử Việt Nam. Bà là con thứ của vua Lý Huệ Tông, tên húy là Phật Kim, tước hiệu là Chiêu Thánh công chúa.

Cả cuộc đời 61 năm của bà có thể nói là sự nối tiếp của những chuỗi dài trầm luân vinh nhục, bắt nguồn từ tình yêu, hôn nhân bị chi phối bởi những mưu đồ tối tăm của các thế lực, phe phái chính trị trong hoàng cung thời đó. 

Màn kịch tình yêu và hôn nhân trong cung cấmNăm 1224, Trần Thủ Độ chuyên quyền, ép cha của công chúa Chiêu Thánh là vua Lý Huệ Tông đi tu. Lý Huệ Tông không có con trai, ông phải lập Chiêu Thánh làm Thái tử, rồi truyền ngôi, gọi là Lý Chiêu Hoàng. Lúc đó, Chiêu Hoàng mới 6 tuổi.

Đi thành công nước cờ đầu tiên trong mưu đồ tiếm ngôi, Trần Thủ Độ tiếp tục đưa Trần Cảnh là cháu họ, 8 tuổi, vào cung hầu hạ Lý Chiêu Hoàng, thực ra là lấy cớ để dựng nên cuộc hôn nhân giữa Lý Chiêu Hoàng và Trần Cảnh rồi chuyển giao triều chính bằng cách để Lý Chiêu Hoàng nhường ngôi cho chồng chứ ai cũng hiểu một cậu bé 8 tuổi làm sao có thể hầu hạ được một cô bé cùng trang lứa.

Mặc dù ngồi ở ngôi cao nhất thiên hạ nhưng Chiêu Hoàng vẫn chỉ là một đứa trẻ non dại. Sống trong cung cấm từ nhỏ và được bao bọc bởi hành nghìn hàng vạn điều cấm kỵ, Chiêu Hoàng gặp được Trần Cảnh thì vui thích vì có người bầu bạn chứ làm sao đã biết đến chuyện ái tình nam nữ. Nhưng cả Đại Việt Sử ký Toàn thư và Đại Việt sử lược đều ghi rằng Trần Cảnh được Chiêu Hoàng gần gũi, yêu mến, hay trêu đùa: "... Một hôm, Cảnh bưng nước rửa, nhân thế vào hầu bên trong. Chiêu Hoàng trông thấy làm ưa, mỗi khi chơi đêm cho gọi Cảnh đến cùng chơi, thấy Cảnh ở chỗ tối thì thân đến trêu chọc, hoặc nắm lấy tóc, hoặc đứng lên bóng. Có một hôm, Cảnh bưng chậu nước hầu, Chiêu Hoàng rửa mặt lấy tay vốc nước té ướt cả mặt Cảnh rồi cười trêu… đến khi Cảnh bưng khăn trầu thì lấy khăn ném cho Cảnh... Cảnh xin tha tội thì cười mà rằng: "Nay ngươi đã biết khôn rồi đó". Cảnh không dám nói gì, về nói ngầm với Thủ Độ… Thủ Độ bấy giờ sợ việc bị tiết lộ thì cả nhà bị giết, mới tự đem gia thuộc thân thích vào trong cung cấm rồi loan báo: "Bệ hạ đã có chồng rồi”. 

Những ghi chép của các sử thần này thực hư ra sao hậu thế không rõ, nhưng chủ ý thì đúng là cho rằng Chiêu Thánh từ nhỏ đã biết chuyện bướm ong, gợi ý tư tình đối với Trần Cảnh. Thực ra cũng chỉ là một chiêu Trần Thủ Độ hợp lý hóa việc Chiêu Thánh lấy Trần Cảnh và nhường ngôi.

Ngày mồng 1 tháng Chạp năm 1225, Chiêu Hoàng trút bỏ hoàng bào mời Trần Cảnh lên ngôi Hoàng đế, hiệu là Trần Thái Tông, chấm dứt thời kỳ trị vì của nhà Lý, dựng lên nhà Trần. Năm đó, Chiêu Thánh mới 7 tuổi và cũng là lúc khởi đầu quãng đời đầy sóng gió vinh nhục của người phụ nữ bất hạnh này.

Nhường ngôi và bị phế truất

Nhường ngôi cho chồng, Lý Chiêu Hoàng được phong Chiêu Thánh hoàng hậu và chung sống hạnh phúc với chồng bấy giờ là Trần Thái Tông được gần 10 năm, tình cảm cũng khá sâu sắc. Những tưởng được đền bồi vì đã an phận không làm vua nữa thì đã có chồng làm vua, nếu sinh được con trai, thì con bà cũng lại tiếp tục kế nghiệp của nhà Trần, cũng an ủi được phần nào đối với vương triều nhà Lý. Nhưng 7 năm sau (1232), Chiêu Thánh 14 tuổi, hạ sinh con trai là thái tử Trịnh nhưng không may Trịnh mất ngay. Từ đó, Chiêu Thánh đau ốm liên miên, không sinh được người con nào với Trần Thái Tông nữa.

Đến năm 1237, Trần Thủ Độ và vợ là công chúa Thiên Cực (tức Trần Thị Dung - vợ cũ vua Lý Huệ Tông, mẹ của Chiêu Thánh) ép Trần Cảnh phải bỏ Chiêu Thánh để lấy chị dâu (vợ Trần Liễu, chị gái Chiêu Thánh) là công chúa Thuận Thiên đang có thai 3 tháng. Trần Cảnh lúc đầu phản đối, bỏ ngôi vua lên chùa Phù Vân ở Quảng Yên. Trần Thủ Độ vừa dỗ vừa gây sức ép, cuối cùng cũng phải chịu nghe theo. Không còn chỗ bấu víu, Chiêu Thánh bị giáng xuống làm công chúa.

Mới 19 tuổi, Chiêu Thánh đang từ ngôi cao hạnh phúc lâm vào cảnh mất ngôi, mất chồng, không con cái, bị chính người mẹ dứt ruột đẻ ra thông đồng với Trần Thủ Độ ép uổng, nặng nề hơn là mang trọng tội không giữ được ngôi vua mà dòng họ Lý gìn giữ hơn 200 năm qua. Lúc này bà mới ngộ ra mình chỉ là con rối trong tay những người thân thích bị thế quyền làm mờ mắt.

Xuất gia tu hành nhưng vẫn bị chồng cũ gả bán

Những biến cố lớn của cuộc đời dồn dập xuống khiến Chiêu Thánh quá buồn và chán nản, không chịu được cảnh ngột ngạt trong cấm cung, bà xin với triều đình cho xuất gia đi tu. Những tưởng đã dứt phàm trần, vài năm sau, cuộc đời người phụ nữ này lại bị khuấy đảo dữ dội chính bởi sự phũ phàng, tệ bạc của người chồng cũ. Năm 1258, Chiêu Thánh bị Trần Thái Tông gả cho Lê Phụ Trần để thưởng công ông ta đã giúp vua thoát chết trên sa trường. Đây cũng chính là những chuyện khiến người đời sau mỗi khi nói đến đời vua Trần Thái Tông thường chê trách vì coi thường đạo vợ chồng, phạm luân thường đạo lý…

Chiêu Thánh trở thành phu nhân cuả Lê Phụ Trần và đã sinh cho Phụ Trần hai người con, trai là Thượng Vị hầu Tông, gái là Ứng Thụy công chúa Khuê. Việc sinh con đã mang lại niềm hạnh phúc được làm mẹ cho Chiêu Thánh, là niềm an ủi lớn lao cho quãng đời còn lại của bà.

Đến năm 1277, nghe tin chồng cũ là Thượng hoàng Thái Tông qua đời, quá khứ đau thương sống lại dày vò Chiêu Thánh khiến bà mang tâm bệnh rồi một năm sau trẫm mình dưới sông tìm đến sự giải thoát, thọ 61 tuổi. Bà mất đi nhưng những thành kiến khắc nghiệt của các sử thần Nho giáo vẫn không chịu buông tha. Việt Sử Tiêu Án viết: Hiện nay ở tỉnh Bắc Giang có đầm Minh Châu, giữa đầm có phiến đá to, người ta truyền lại rằng: Bà Chiêu Thánh cắp hòn đá nhảy xuống đầm mà chết, trên đầm có miếu Chiêu Hoàng, đó là thổ dân nơi đó bênh vực hồi mộ cho bà Chiêu Thánh mà đặt ra thuyết ấy. Bà Chiêu Hoàng nhất sinh là người dâm, cuồng, lấy chồng không vừa lứa đôi, đâu còn trinh tiết như lời người ta truyền lại. 

Lúc còn sống, bà đã phải chịu nhiều đau khổ và búa rìu dư luận, nhưng sau khi chết đi rồi, tuy là một vị vua chính thức của vương triều nhà Lý nhưng Lý Chiêu Hoàng đã không được sử sách công nhận một cách công bằng. Nhà Lý có 9 vị vua, nhưng chỉ có 8 vị trước Lý Chiêu Hoàng (từ Lý Thái Tổ tới Lý Huệ Tông) được thờ tại Đền Đô, còn riêng bà Chiêu Hoàng thì lại thờ riêng tại một khu vực khác, gọi là Đền Rồng.

Lý Chiêu Hoàng dù xuất thân hoàng tộc cao quý nhưng cuộc đời đầy sóng gió, đau thương, chính là nạn nhân tiêu biểu của những thế lực chính trị muốn chiếm đoạn ngai vàng lúc bấy giờ. Bà không khác gì con rối bị lợi dụng trong bối cảnh rối ren và tàn độc của thế quyền. Chưa hết, hàng trăm năm sau khi mất, bà vẫn là nạn nhân của của những quan niệm khắc nghiệt của chế độ phong kiến Việt Nam và hệ tư tưởng Nho giáo.

Bình Minh (tổng hợp

Nguon: http://www.baomoi.com/Home/TinhYeu/www.baodatviet.vn/Chuyen-nu-hoang-duy-nhat-cua-VN-bi-chong-ga-ban/6709204.epi


Âm lịch

Ảnh đẹp