GN
- Nhìn trên lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng
ta hãnh diện rằng đất nước mình có những người tu rất là xứng đáng. Sau
khi đi tu rồi Ngài tuyên bố “Kể từ đây không đi thuyền rồng, không cỡi
ngựa”...
Tượng Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông bằng đồng trên đỉnh Yên Tử
“Với
trí tuệ và đạo lực của vị Thiền sư đắc đạo, trong công cuộc xây dựng và
phát triển đất nước, Đức vua Trần Nhân Tông (1258-1308) đã thành công
trong việc thống nhất thể chế chính trị theo hình thức Trung ương tập
quyền. Ngoài ra đối với đạo pháp, Ngài cũng hoàn thành một Phật sự vô
cùng đặc biệt, đó là sự thống nhất các hệ phái Phật giáo có trước và
khai sáng dòng thiền Trúc Lâm Yên Tử.
Trong
lịch sử Phật giáo Việt Nam, đây là lần đầu tiên Phật giáo thời nhà Trần
đã thống nhất được Phật giáo và thành lập một Giáo hội duy nhất với một
thiền phái duy nhất của người Việt Nam là thiền phái Trúc Lâm Yên Tử.
Giáo hội Phật giáo Trúc Lâm duy nhất đã phát triển đến đỉnh cao mang đậm
nét bản địa của Phật giáo Việt Nam, nhiều chùa tháp của Giáo hội Trúc
Lâm được xây dựng, tinh thần học Phật lên cao, người xuất gia tăng
nhiều, trong đó có nhiều người thuộc giới quyền quý và hàng cư sĩ quy y
Tam bảo cũng nhiều hơn và nhất là ấn hành được Đại tạng kinh…
Thành
quả thống nhất đối với đất nước và đạo pháp của Đức vua Phật hoàng Trần
Nhân Tông gợi cho chúng ta liên tưởng đến điểm tương đồng với Giáo hội
Phật giáo Việt Nam ngày nay. Năm 1975, khi nước nhà được độc lập và
thống nhất, thì đến năm 1981, sinh hoạt của Phật giáo Việt Nam chúng ta
cũng được chư tôn thiền đức của ba miền đồng lòng thống nhất trong một
Giáo hội Phật giáo Việt Nam duy nhất.
Có
thể nói rằng Phật giáo Việt Nam ngày nay đã kế thừa sự nghiệp Phật giáo
của Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông 700 năm trước, nghĩa là thể hiện
nét son truyền thống của Phật giáo bản địa, Phật giáo Việt Nam của người
Việt Nam và do người Việt Nam lãnh đạo.
Đức
vua Phật hoàng Trần Nhân Tông là tấm gương sáng ngời của một bậc minh
quân lỗi lạc, một vị Tổ sư đắc đạo đầy đủ tài đức, Ngài đã lưu lại những
trang sử hào hùng cho đất nước Việt Nam cũng như để lại sự nghiệp vẻ
vang cho Phật giáo Việt Nam.
Ngày
nay, Phật giáo Việt Nam chúng ta được phước duyên kế thừa trí giác và
đạo hạnh của một vị Tổ sư khai sáng và phát triển dòng thiền Trúc Lâm
Yên Tử, kế thừa một Giáo hội duy nhất hiện hữu từ thời Trần đã lưu dấu
ấn vàng son trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Vì vậy, thiết nghĩ chúng
ta tôn thờ Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông là vị Tổ sư đắc đạo của Phật
giáo Việt Nam là điều đúng đắn hoàn toàn và rất cần thiết”.
HT.Thích Trí Quảng
(theo Đức vua Phật hoàng Trần Nhân Tông,
vị Tổ người Việt của Phật giáo Việt Nam)
“Nhìn
trên lịch sử dân tộc cũng như lịch sử Phật giáo Việt Nam, chúng ta hãnh
diện rằng đất nước mình có những người tu rất là xứng đáng. Sau khi đi
tu rồi Ngài tuyên bố “Kể từ đây không đi thuyền rồng, không cỡi ngựa”.
Từ thành Thăng Long lên núi Yên Tử mấy trăm cây số mà Ngài vẫn đi bộ,
nhất quyết không dùng ngựa không dùng thuyền. Đó là tinh thần tu khổ
hạnh, vì vậy Ngài lấy hiệu là Trúc Lâm Đại-đầu-đà. Chữ Đầu-đà là âm
tiếng Phạn, dịch nghĩa là khổ hạnh. Trúc Lâm là rừng trúc. Nghĩa là Ngài
tu khổ hạnh trong rừng Trúc trên núi Đông Cứu.
Chính
trong thời gian tu này, Ngài đã ngộ đạo và chỉ dạy lại cho mọi người,
lập thành hệ phái thiền Trúc Lâm - Yên Tử thuần túy Việt Nam. Đây là
phái thiền cô đọng những tinh ba của các phái thiền Tỳ Ni Đa Lưu Chi, Vô
Ngôn Thông, Thảo Đường, Lâm Tế kết tụ thành. Như vậy thiền Trúc Lâm Yên
Tử là phái thiền do Thiền sư Việt Nam, một ông vua đi tu sáng lập. Vì
thế nên các vua Trần được người sau ngợi khen xem ngai vàng như dép
rách, không có gì quan trọng hết.
Sau
khi thành lập hệ phái thiền Trúc Lâm Yên Tử rồi, từ đó Tăng chúng các
nơi tụ hội về tu hành đông đảo và Ngài luôn luôn đi trong nhân gian,
giáo hóa dạy cho cư sĩ giữ năm giới, tu Thập thiện v.v...”.
HT.Thích Thanh Từ
(trích Sơ tổ Trúc Lâm Yên Tử trọn đời vẹn đạo)
Tháp Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông tại chùa Hoa Yên
“Có
nhiều chuyện để nói và nhiều người đã nói và nói nhiều rồi. Vấn đề là
làm sao nói cho thật hay. Có lẽ tôi đọc khá nhiều về sử các nước trên
thế giới nhưng chưa tìm thấy lịch sử nước nào có một người đặc biệt như
Trần Nhân Tông ở Việt Nam. Người (tôi mở ngoặc chữ Người phải viết hoa
chữ N) đặc biệt ở chỗ nào?
Tại
nước Tàu lúc bấy giờ triều đình nhà Tống rất hùng mạnh nhưng quân
Nguyên Mông đã tràn xuống đánh thắng thần tốc, đến nỗi vua quan nhà Tống
phải chạy ra biển và nhảy xuống biển tự vẫn. Tại Tây Á, Trung Á và một
phần châu Âu cũng thua thảm hại, đến nỗi Giáo hoàng La Mã cũng lên tiếng
sợ hãi.
Trong
lúc ấy Việt Nam so với phương Bắc thì quá nhỏ bé và quá nghèo yếu, thế
mà Người dám không cho Nguyên Mông mượn đường xâm lược Chiêm Thành. Lại
còn đánh bại ba lần Nguyên Mông xâm lược. Sau khi thắng giặc, Người lại
lên núi sống. Người dám nghĩ, dám làm những việc không ai dám nghĩ chứ
đừng nói đến làm!”.
GS.Trần Văn Giàu
(trích Những lời dạy về Phật của Trần Nhân Tông)
“Đối
với Trần Nhân Tông, Phật giáo là cuộc sống, không có sự cách ly phân
biệt, bởi vì Phật giáo là gì, nếu không phải đó là một quá trình đi tìm
chân lý. Mà chân lý thì không nằm trong Phật giáo, mà nằm chính ngay ở
giữa lòng cuộc sống. Nói một cách hình ảnh như trong kinh Kim cương, mà
Phật giáo đời Trần coi như một bộ kinh cơ bản, thì giáo lý Phật giáo như
ngón tay chỉ mặt trăng, như chiếc bè đưa người sang sông. Cho nên, ngay
cả giáo lý Phật cũng phải buông bỏ, mới có thể giác ngộ được. Và cũng
chính kinh này đã nhấn mạnh đến tư tưởng “tất cả pháp đều là Phật pháp”.
Từ đó, ta không ngạc nhiên với chủ trương Cư trần lạc đạo (ở đời mà vui
đạo) của vua Trần Nhân Tông”.
GS.TS Lê Mạnh Thát
(trích Trần Nhân Tông toàn tập)
https://giacngo.vn/lichsu/nhanvat/2018/12/19/7666C2/