06/12/2013 17:10 (GMT+7)
Số lượt xem: 2265
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Sinh tiền, Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh đã thu nhận rất nhiều đệ tử xuất gia. Trong đó có chín vị cao đệ mà sau nầy trở thành những cao Tăng kỳ vĩ, trứ danh một thời tại thiền môn xứ Huế với “Cửu Giác chốn thiền kinh”.

 

 1. Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980)
 2. Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979)
 3. Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936)
 4. Trừng Huệ Giác Viên (1883-1942)
 5. Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938)
 6. Trừng Thanh Giác Bổn ( ? -1949)
 7. Trừng Ba Giác Ngạn ( ? - ? )
 8. Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981)
 9. Trừng Nguyên Giác Thanh (1905-1992)  (tự Đôn Hậu)

Thời gian quý Hòa thượng xuất gia, thọ giới cũng là thời kỳ đất nước đang đắm chìm trong nô lệ. Các thế lực ngoại đạo đang bành trướng mạnh mẽ khắp mọi nơi. Nền văn hóa và niềm tín ngưỡng tâm linh rạng rỡ của dân tộc đang dần dần bị mất gốc bởi sự xâm lấn của nền văn hóa ngoại lai. Trong khi đó thì tinh thần tu tập, hành trì giáo pháp của một số đông Tăng, tín đồ Phật giáo lại đang đi dần đến chỗ trì trệ, tha hóa.

Mặc dầu tình trạng trì trệ, tha hóa diễn ra khắp nơi, nhưng trong các Thiền môn thanh tịnh, nhiều bậc Cao tăng, thạc đức ngày đêm vẫn thường quan tâm lo lắng đến tiền đồ hưng vong của Đạo pháp, quý ngài vẫn không ngừng nỗ lực tìm phương kế để đào tạo Tăng tài, xiển dương Chánh pháp, nhằm củng cố niềm tin và đánh thức tinh thần đang sa sút của đông đảo Tăng, tín đồ. Nhờ sự tận tụy và dày công giáo dưỡng của quý ngài nên trong giai đoạn Đạo pháp nhiễu nhương này đã có một thế hệ Tăng đồ đạo cao, đức trọng, trí tuệ và tài năng lỗi lạc xuất hiện. Trong đó, có Chín bậc Cao tăng kỳ vĩ của chùa Tây Thiên.

Tuy nhiên, khi quý ngài xuất hiện, mặc dầu chư tôn đức Cao tăng tiền bối đã có nhiều cố gắng để chấn chỉnh Tông môn, tô bồi mạng mạch cho nền Phật giáo nước nhà, nhưng sự cố gắng của quý ngài cũng chưa có cơ duyên bao quát để khởi động cho tinh thần và sự sinh hoạt của Tăng, tín đồ phát triển rộng rãi đến mức khả quan.

Mãi cho đến khi cao trào phục hưng Phật giáo tại chính quốc Ấn Độ, Tích Lan (Sri Lanka), nhất là tại đất nước Phật giáo Đại thừa Trung Hoa diễn ra rầm rộ, thì âm vang hùng tráng của các cao trào này mới thực sự góp phần đánh thức tinh thần và trách nhiệm của đông đảo Tăng, tín đồ Phật giáo Việt Nam.

Thế hệ quý ngài xuất hiện, hiệp cùng các bậc long tượng Tăng già trong Sơn môn, cùng rất nhiều cư sĩ thiện tri thức giàu tâm huyết đã dung nhiếp và kết hợp hài hòa mọi năng lực, đã chuyển hóa tinh thần rã rời, sa sút thành một cao trào phục hưng Phật giáo mạnh mẽ khắp cả ba miền Bắc Trung Nam Việt Nam.

Trí tuệ, tài năng và chí nguyện cao cả của quý ngài cùng với cơ duyên thuận lợi này, từ đó đã mở ra cho Phật giáo Việt Nam một thời kỳ hưng thịnh và kéo dài mãi đến ngày nay.

Để được rõ hơn công nghiệp và hạnh nguyện kỳ vĩ của quý ngài, chúng tôi xin trình bày sơ lược vài nét chính yếu trong phần tiểu sử:

Thứ nhất : Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên (1877-1980)


Hòa thượng thế danh là Đặng Ngộ, sinh năm Đinh Sửu, 1877, tại xã Phủ Trung, huyện Tuy Phước, tỉnh Bình Định.

Năm 6 tuổi, cha mẹ đều mất, được bà cô ruột nuôi dưỡng; sau đó, lại được Thái giám Nguyễn Đình Huề xin đem về Huế, nuôi cho ăn học, rồi đổi ra họ Nguyễn Đình.

Năm 14 tuổi (Tân Mão, 1891), xin đầu sư với Hòa thượng Hải Thiệu Cương Kỹ tại chùa Từ Hiếu. Năm 19 tuổi (Bính Thân,1896), thọ Sa-di giới với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh, được đặt pháp danh là Trừng Văn, pháp tự là Chí Ngộ. Năm 29 tuổi (Bính Ngọ, 1906), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Cũng trong năm này, Hòa thượng đắc pháp, được ban pháp hiệu là Giác Nguyên.

Năm Mậu Thìn, 1928, Tổ Tâm Tịnh viên tịch, Hòa thượng kế thế trú trì chùa Tây Thiên.

Năm Ất Hợi, 1935, Hòa thượng là người trợ duyên đắc lực nhất cho chư Hòa thượng trong Sơn môn Thừa Thiên và cư sĩ thiện tri thức trong An Nam Phật học hội, thành lập một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên.

Năm Tân Mão, 1951, “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” tại chùa Từ Đàm, Huế, cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh tối cao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam.

Năm 86 tuổi (Quý Mão, 1963), ngài cùng chư Đại lão Hòa thượng trong Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già Trung Phần, chống gậy dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế, để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo trong thời kỳ chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.

Năm Đinh Mùi, 1967, Hòa thượng tổ chức và chứng minh “Tịnh nghiệp Đạo tràng” tại chùa Tây Thiên.

Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị lỗi lạc như Hòa thượng Tâm Thọ Thiện Hỷ (1914-1969), Hòa thượng Tâm Khai Trí Ấn Nhật Liên…

Ngày mồng Một Tết nguyên đán năm Canh Thân (16.02.1980), ngài an nhiên thị tịch, sau 52 năm kế thế trú trì và cống hiến nhiều công sức cho công cuộc xây dựng một Phật học viện lừng danh tại chùa Tây Thiên.

Thứ hai : Hòa thượng Trừng Thủy Giác Nhiên (1878-1979)


Hòa thượng thế danh là Võ Chí Thâm, sinh năm Mậu Dần, 1878, tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 18 tuổi (Bính Thân, 1896), ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 20 tuổi (Mậu Tuất, 1898) thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh Trừng Thủy, tự Chí Thâm. Năm 28 tuổi (Bính Ngọ, 1906), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Năm Đinh Mùi, 1907, Hòa thượng đắc pháp, được Bổn sư ban pháp hiệu là Giác Nhiên. Sau khi thọ Đại giới, Hòa thượng vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định, xin cầu pháp với Hòa thượng Phước Huệ, được một thời gian rồi ra Huế tham học với Hòa thượng Thanh Tú Tuệ Pháp tại chùa Thiên Hưng.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng cùng năm vị Tăng già trong Sơn môn và 17 vị cư sĩ thiện tri thức ở Huế sáng lập An Nam Phật học hội.
Năm Quý Dậu, 1933, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Giác Tiên vận động thành lập và xuất bản Tạp chí Viên Âm để làm cơ quan hoằng pháp cho Hội.
Năm Giáp Tuất, 1934, Bộ Lễ của triều đình Huế cử Hòa thượng về trú trì Quốc tự Thánh Duyên. Đến năm Bính Tý, 1936 lại có sắc chỉ lên giữ chức Tăng cang.
Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên thành lập, An Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng chứng minh và làm Giám đốc Phật học viện danh tiếng này.

Năm Mậu Dần, 1938, Sơn môn Tăng già Thừa Thiên công cử Hòa thượng lên trú trì Tổ đình Thuyền Tôn. Đến năm Canh Thìn, 1940, Hòa thượng vận động đại trùng tu Tổ đình này.

Năm Tân Mão, 1951, “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” họp tại chùa Từ Đàm, Huế cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh tối cao cho Tổng Hội Phật giáo Việt Nam, cùng với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Văn Giác Nguyên.

Năm Bính Thân, 1956, Tổng trị sự Hội Việt Nam Phật học quyết định sáp nhập Tăng học đường Khánh Hòa (Nha Trang) và Phật học viện Bảo Quốc (Huế) thành “Phật học viện Việt Nam tại Trung Việt” và cung thỉnh Hòa thượng làm Viện trưởng Phật học viện này. (Về sau, mới đổi lại là Phật học viện Hải Đức, Nha Trang).

Năm Mậu Tuất, 1958, cho đến năm Nhâm Dần, 1962, liên tiếp trong 4 niên khóa, Hòa thượng đảm nhận trọng trách Chánh Hội trưởng Tổng trị sự Hội Phật giáo Việt Nam tại Trung Phần.

Năm 85 tuổi (Quý Mão, 1963), ngài cùng chư Đại lão Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Thích Giác Nguyên, Thích Giác Hạnh, cùng quý ngài trong Giáo hội Tăng già Thừa Thiên chống gậy dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế để đòi hỏi tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo, trong thời kỳ chế độ Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo tại Việt Nam.

Năm Quý Sửu, 1973, Đức Đệ nhất Tăng Thống viên tịch, Hội đồng Lưỡng viện long trọng cung thỉnh ngài lên ngôi vị Đệ nhị Tăng Thống GHPGVNTN.

Năm Giáp Dần, 1974, cuộc chiến tranh giữa hai miền Nam Bắc đang còn tiếp diễn, nhân danh Đức Tăng Thống, ngài gởi Thông điệp kêu gọi chấm dứt chiến tranh và lập lại hòa bình trên toàn lãnh thổ Việt Nam. Một năm sau (năm 1975) cuộc chiến kết thúc.

Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị rất xuất sắc như Hòa thượng Tâm Thị Thiện Minh (1922-1978), Hòa thượng Tâm Phật Thiện Siêu (1921-2001), Hòa thượng Thiện Bình…

Ngày mồng 6 tháng Giêng năm Kỷ Mùi (02.02.1979), ngài thị tich, sau 41 năm làm trú trì Tổ đình Thuyền Tôn, 6 năm ở ngôi vị Tăng Thống và suốt cả cuộc đời đã cống hiến cho sự tồn vong của Đạo pháp.

Thứ ba : Hòa thượng Trừng Thành Giác Tiên (1880-1936)


Hòa thượng họ Nguyễn (hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy có sử liệu nào ghi thế danh của ngài), sinh năm Canh Thìn, 1880, tại làng Dạ Lê, huyện Hương Thủy, tỉnh Thừa Thiên.

Năm 14 tuổi (Giáp Ngọ, 1894), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.
Năm 20 tuổi (Canh Tý, 1900), thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Thành, pháp tự Chí Thông.
Năm Nhâm Dần, 1902 theo thầy về ấp Thuận Hòa, làng Dương Xuân hạ, huyện Hương Thủy, phụ giúp thầy lập thảo am Thiếu Lâm trượng thất.

Năm Quý Mão, 1903, thể theo lời cung thỉnh của tỳ-kheo ni Thanh Linh Diên Trường và được sự chấp thuận của Bổn sư, Hòa thượng lên khai sơn và trú trì chùa Trúc Lâm Đại thánh. (5)

Năm Canh Tuất, 1910, thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Đến năm Bính Thìn, 1916, được Tổ truyền tâm ấn, phú pháp kệ và ban hiệu là Giác Tiên.

Năm Ất Sửu, 1925, hợp lực cùng Hòa thượng Trừng Hương Tịnh Hạnh (bào huynh của Hòa thượng Trừng Thông Tịnh Khiết) tăng bổ và khắc bản Pháp Bảo đàn kinh. Đây là khắc bản duy nhất tại kinh đô Huế.

Năm Bính Dần, 1926, được chỉ chuẩn của vua Bảo Đại, Hòa thượng về trú trì Quốc tự Diệu Đế, Huế.

Năm Canh Ngọ, 1930, nhận thấy tinh thần tu học của đông đảo Tăng đồ ngày càng sa sút, Hòa thượng tổ chức “Sơn môn Phật học đường Trúc Lâm” và vào Tổ đình Thập Tháp ở Bình Định, cung thỉnh Hòa thượng Phước Huệ ra chủ giảng cho Phật học đường này.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng khởi xướng và vận động chư tôn Hòa thượng trong Sơn môn, cùng nhiều cư sĩ thiện tri thức ở Huế thành lập An Nam Phật học hội.

Năm Quý Dậu, 1933, cùng với Hòa thượng Giác Nhiên, Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám, ngài lại khởi xướng việc xuất bản Tạp chí Viên Âm để làm cơ quan hoằng pháp cho Hội.

Năm Ất Hợi, 1935, Hòa thượng lại nỗ lực vận động thành lập một Phật học viện rất qui mô tại chùa Tây Thiên, nhằm xúc tiến công cuộc đào tạo Tăng tài cho Phật giáo tại miền Trung.

Hòa thượng là vị Bổn sư có nhiều đệ tử xuất gia xuất sắc như: Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế (1904-1935), Tâm Nhất Mật Thể (1912-1961), quý Hòa thượng Tâm Hương Mật Hiển (1907-1992), Tâm Như Mật Nguyện (1911-1973), Sư bà Ni trưởng Tâm Hảo Diệu Không (1905-1997), cùng nhiều đệ tử tại gia cũng vô cùng xuất sắc như Bác sĩ Tâm Minh Lê Đình Thám (1897-1969), vợ chồng Bác sĩ Trương Xướng…

Ngày mồng 4 tháng 10 năm Bính Tý (17.11.1936), ngài thị tịch, sau 33 năm làm trú trì và không ngừng nỗ lực đào tạo Tăng tài, chỉnh đốn môn qui. Hòa thượng là vị Tăng già tiên phong và lỗi lạc bậc nhất trong cao trào chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

Thứ tư : Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên (1883-1942)

Hòa thượng thế danh là Đỗ Khắc Dụng, sinh năm Quý Mùi, 1883, tại làng Bích Khê, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 14 tuổi (Đinh Dậu, 1897), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.
Năm 19 tuổi (Nhâm Dần, 1902), thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Huệ, pháp tự Chí Lâm.

Năm 27 tuổi (Canh Tuất, 1910), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Hòa thượng đắc giới Thủ Sa-di trong Đại giới đàn này. Một năm sau, ngài đắc pháp, được Tổ ban pháp hiệu là Giác Viên.

Năm Tân Hợi, 1911, Hòa thượng xin phép Bổn sư lên làng Dương Xuân thượng lập thảo am Thệ Đa Lâm. Đến năm Giáp Tuất, 1934, vì lụt lội, Hòa thượng lại dời thảo am lên ngọn đồi gần đó rồi đổi tên là “Hồng Khê tự” cho đến ngày nay.

Hòa thượng là vị Cao tăng uyên thâm Tam tạng giáo điển và tinh thông Hán học, nên thường được cung thỉnh làm Tuyên Luật sư tại các Đại giới đàn. Hòa thượng còn là một vị Pháp sư danh tiếng tại Đạo tràng Trường Kỳ, Bạch Sa ở tỉnh Quảng Ngãi và Đạo tràng Phật học ở chùa Đại Bi, tỉnh Thanh Hóa.

Đệ tử xin theo học với ngài rất đông, trong đó có vị pháp đệ lừng danh là Hòa thượng Trừng Nguyên Giác Thanh (tự Đôn Hậu) (1905-1992), cùng quý Hòa thượng Thị Chí Phúc Hộ (1904-1985) ở chùa Sắc tứ Từ Quang, Phú Yên, Hòa thượng Tâm Như Trí Thủ (1907-1984) ở chùa Bảo Quốc, Hòa thượng Huyền Không ở chùa Quốc Ân, Huế…

Đệ tử xuất gia thọ giáo với ngài không nhiều, nhưng trong đó cũng có vị xuất sắc như Hòa thượng Tâm Lượng Diệu Hoằng ở chùa Diệu Đế và chùa Kim Quang, Huế.

Ngày 18 tháng 6 năm Nhâm Ngọ (30.7.1942), ngài thị tịch, sau 31 năm làm trú trì chùa Thệ Đa Lâm rồi Hồng Khê và là vị Hòa thượng đã cống hiến nhiều công sức vào sự nghiệp đào tạo Tăng tài cho Phật giáo tại miền Trung.

Thứ năm : Hòa thượng Trừng Nhã Giác Hải (1882-1938)


Hòa thượng thế danh là Nguyễn Văn Cẩm, sinh năm Nhâm Ngọ, 1882 tại làng Trung Kiên, tổng Bích La, huyện Đăng Xương, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 14 tuổi (Mậu Tuất, 1898), xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Từ Hiếu.

Năm 19 tuổi (Tân Sửu, 1901) thọ Sa-di giới, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Nhã, pháp tự là Chí Thanh. Năm 27 tuổi (Canh Tuất, 1910) thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam. Sau đắc pháp với Tổ, được ban pháp hiệu là Giác Hải.

Ngài là vị Hòa thượng tinh thông giáo điển, nên vào năm Canh Thân, 1920 khi Tổ Tâm Tịnh lập Đạo tràng để đào tạo Tăng tài tại chùa Tây Thiên, ngài đã trợ duyên đắc lực cho Tổ trong việc giảng dạy và duy trì Đạo tràng này suốt một thời gian dài.

Sau khi Tổ Tâm Tịnh viên tịch (Mậu Thìn, 1928), Hòa thượng xin các pháp huynh về làng An Cựu tây, xã Thủy An, huyện Hương Thủy lập thảo am Duy Tôn để làm cơ sở tịnh tu và hoằng dương Chánh pháp. Cũng trong năm này, Đại giới đàn tại chùa Từ Vân, Quảng Nam cung thỉnh Hòa thượng làm Đệ lục tôn chứng. Qua năm Kỷ Tỵ, 1929, chùa được xây dựng qui mô và Hòa thượng đổi tên thành “Giác Lâm tự” cho đến ngày nay.

Đệ tử xuất gia của ngài không nhiều, hiện tiền chỉ còn có vị Trưởng tử của ngài là Hòa thượng Tâm Hiểu Khả Tấn kế thế trú trì.

Ngày 13 tháng 02 năm Mậu Dần (14.03.1938), ngài thị tịch, sau một thời gian dài tích cực trợ duyên cho Bổn sư trong sự nghiệp đào tạo Tăng tài, chấn chỉnh tông môn trong giai đoạn tiền chấn hưng Phật giáo và gần 10 năm khai sơn, trùng tu và trú trì chùa Giác Lâm.

Thứ sáu : Hòa thượng Trừng Thanh Giác Bổn ( ? - 1949)


(Hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy có sử liệu nào ghi Thân thế và hạnh nguyện của ngài. Tại chùa Từ Quang, Huế nơi ngài trú trì nhiều năm, quý Thầy cũng không lưu giữ được một chút tư liệu nào, ngoài mấy dòng chính yếu khắc trên long vị và bảo tháp của ngài. Chỉ có một vài chi tiết khá quan trọng sau đây, cho biết như sau:

“Hòa thượng họ Hoàng (không rõ thế danh và năm sinh), người làng An Xuân, xã Quảng An, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên.

Không rõ ngài xuất gia thọ giáo với Tổ Tâm Tịnh năm nào, nhưng đã được Tổ đặt pháp danh là Trừng Thanh, pháp tự Diệu Nguyện. Sau khi thọ Cụ túc giới một thời gian Hòa thượng đắc pháp, được Tổ ban pháp hiệu là Giác Bổn.

Hòa thượng không chỉ tinh thông Hán học mà còn rất giỏi thi văn. Ngài là vị pháp lữ vô cùng thân thiết và rất tâm đắc với Đại sư Chân Đạo Chánh Thống (thường tôn xưng là Ôn Quy Thiện), một vị Thiền sư lỗi lạc và là một thi sĩ tài hoa của chốn Thiền môn lúc bấy giờ. Qua bài thơ : “Xuân nhật truy điệu Giác Bổn thượng nhân” của Đại sư Chân Đạo Chánh Thống, đã thể hiện sâu sắc điều tâm đắc giữa quý ngài.

Để được rõ hơn, chúng tôi xin phụ lục bài thơ này, qua bản Việt dịch của Giáo sư Tiến sĩ Lê Mạnh Thát, như sau:

Trên trời dẫu bực xuân yên vắng
Cõi thế đâu còn quỷ ghẹo lôi
Chỉ nên một niệm thành hay cảm
Đổi hết ba ly việc khác rồi”).
(trích Chân Đạo Chánh Thống toàn tập)
 
Ngoài ra, trên một số sử liệu liên quan đến sự nghiệp của ngài trong suốt những năm đầu thế kỷ XX, cho đến năm ngài viên tịch (Kỷ Sửu, 1949) còn ghi rõ:
Năm Nhâm Thân, 1932, sau khi thành lập, An Nam Phật học hội đã “cung thỉnh Hòa thượng, cùng quý Hòa thượng Giác Nhiên, Giác Tiên và Giác Hạnh vào Hội đồng chứng minh Đại đạo sư”.

Năm Quý Dậu, 1933, Tạp chí Viên Âm ra đời, Hòa thượng cùng với Hòa thượng Giác Hạnh là hai bậc “kinh tài” đắc lực cho mọi hoạt động của tạp chí Viên Âm.

Năm Mậu Dần, 1938, trong thời gian An Nam Phật học hội xây dựng chùa Hội Quán, trên nền ngôi chùa Ấn Tôn-Từ Đàm, Hòa thượng đã nhượng chùa Từ Quang để Hội đặt trú sở tạm trong thời gian xây dựng chùa. Suốt thời gian này, Hòa thượng cũng không ngừng nỗ lực trợ duyên cho mọi hoạt động của Hội.
Đệ tử xuất gia của ngài có nhiều vị xuất sắc như Hòa thượng Tâm Thống Quảng Nhuận (kế thế trú trì chùa Từ Quang), Tâm Thông Quảng Huệ (1904-1950) (trú trì chùa Thiên Minh, Huế) Tâm Giải Tương Ưng (1912-1994) (trú trì chùa Từ Quang, Huế)…

Ngày 24 tháng 10 năm Kỷ Sửu (13.12.1949), ngài thị tịch. Mặc dù các sử liệu chưa sưu tập được nhiều, nhưng qua vài chi tiết nổi bật nêu trên, cũng cho thấy Hòa thượng là người đã tích cực đóng góp nhiều công sức cho sự phát triển của An Nam Phật học hội trong suốt thời kỳ Phật giáo chấn hưng.

Thứ bảy : Hòa thượng Trừng Ba Giác Ngạn ( ? - ? )

Về thân thế, hạnh nguyện của Hòa thượng, hiện tại chúng tôi chưa tìm thấy được nhiều sử liệu, chỉ thấy trên bảng Danh tính phụng thờ ở bàn Tự chúng tại Tổ đình Tây Thiên, có ghi pháp hiệu của ngài với đề khoản: “Tỳ-kheo Trừng Ba hiệu Giác Ngạn Đại sư giác linh”. Ngoài ra, chẳng còn tư liệu nào khác.

Gần đây, sau khi chư vị tôn túc trong môn phái chùa Tây Thiên phát hiện được một ngôi mộ đất nhỏ, nằm ở gò nghĩa địa sau lưng chùa, về phía trái cạnh lối vào chùa. Nơi nấm mộ đất này có chôn tấm bia xi măng, khắc sơ lược dòng chữ bằng tiếng Việt như sau: “Lâm Tế tứ thập nhị thế Sa môn Trừng Ba tự Chí Tân hiệu Giác Ngạn Nguyễn công giác linh”. Lạc khoản đề : “Môn đồ pháp lữ phụng lập năm Giáp Thìn, 1964”.

Qua dòng chữ trên bia, thì rõ đó là mộ phần của Hòa thượng Trừng Ba Giác Ngạn. Nội dung văn bia còn cho biết thêm:

Hòa thượng họ Nguyễn (không rõ thế danh). Ngài xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Tâm Tịnh, sau khi thọ Sa-di giới được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Ba, pháp tự là Chí Tân. Đến khi thọ Cụ túc giới và đắc pháp lại được Bổn sư ban pháp hiệu là Giác Ngạn.

Chúng tôi nhớ, vào khoảng thập kỷ 50, 60 của thế kỷ trước, thỉnh thoảng vẫn được nghe quý Ôn, quý Thầy nhắc đến pháp hiệu của ngài với lời xưng tán: “Hòa thượng là một vị Thiền sư sống rất tĩnh lặng, thanh thoát, ngài thường đi du hóa khắp nơi, không an trú ở một phương sở nào. Chỉ có một thời gian ngài lên trú trì chùa Kim Đài ở làng Châu Chữ, xã Thủy Bằng, huyện Hương Thủy (gần lăng vua Khải Định), rồi sau đó ngài đi đâu không rõ”.(tại chùa Kim Đài hiện cũng không thấy long vị thờ ngài và cũng không còn dấu tích gì của ngài lưu lại).

Ngày nay, dẫu sao thì phần tiểu sử của ngài vẫn chưa được sưu tập đầy đủ, sự viên tịch của ngài vẫn đang là một ẩn số, nhưng việc phát hiện được ngôi mộ của ngài vừa qua cũng là điều vô cùng quý báu. Quý báu hơn nữa là đầu mùa thu năm Bính Tuất, 2006 chư tôn túc Môn phái Tổ đình Tây Thiên đã xây dựng bảo tháp và long trọng cung táng nhục thân của ngài. Việc làm này đã thể hiện tấm lòng ngưỡng vọng của thế hệ chư Tăng hậu thế đối với ân đức và hạnh nguyện của một vị Cao tăng trong hàng Chín bậc Cao tăng kỳ vĩ của chùa Tây Thiên.

Thứ tám : Hòa thượng Tâm Cảnh Giác Hạnh (1880-1981)

Hòa thượng thế danh là Nguyễn Đức Cử, sinh năm Canh Thìn, 1880, tại làng Ái Tử, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.
Năm 17 tuổi (Đinh Dậu, 1897), xin xuất gia tại chùa Từ Hiếu.

Năm 19 tuổi (Kỷ Hợi, 1899), thọ Sa-di giới với Hòa thượng Trừng Chiêm Huệ Nhật, tri sự chùa Từ Hiếu, được Bổn sư đặt pháp danh là Tâm Cảnh, pháp tự Thiện Quyên. Năm Canh Tuất, 1910 thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Phước Lâm, Quảng Nam.

Năm Ất Mão, 1915 được sự chấp thuận của Bổn sư, Hòa thượng về trú trì Phổ Phúc am. Am này, do Hiệp tá Đại học sĩ Nguyễn Đình Hòe xây dựng trên ngọn đồi Bình An (gần con đường Nam Giao cũ, nay là đường Điện Biên Phủ). Khi về trú trì, ngài nhận thấy cách thờ tự và sinh hoạt của Phổ Phúc am có nhiều sắc thái mê tín, dị đoan, nên Hòa thượng đã dành nhiều thì giờ để chỉnh đốn cho phù hợp với tinh thần chấn hưng của Phật giáo lúc bấy giờ.

Năm 46 tuổi (Bính Dần, 1926), Hòa thượng đắc pháp với Tổ Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên và được ban pháp hiệu là Giác Hạnh. Cũng trong năm này, Hòa thượng trùng kiến Phổ Phúc am rồi đổi tên thành “Vạn Phước Di Đà tự”, ngày nay thường gọi là chùa Vạn Phước.

Năm Nhân Thân, 1932, An Nam Phật học hội thành lập đã cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng chứng minh Đại đạo sư.

Năm Quý Dậu, 1933, An Nam Phật học hội xuất bản Tạp chí Viên Âm, Hòa thượng là vị kinh tài đắc lực và lâu dài cho mọi hoạt động của tạp chí này.Cũng trong năm này, được sự trợ duyên mạnh mẽ của Thượng tọa Tâm Địa Mật Khế, Hòa thượng tổ chức và khai giảng Trường Sơ cấp Phật học tại chùa Vạn Phước, cho đến năm Ất Hợi, 1935 mới chuyển lên sáp nhập vào Phật học viện Tây Thiên.

Năm Quý Mão, 1963, trong cuộc đàn áp Phật giáo của chế độ Ngô Đình Diệm, Hòa thượng cùng chư vị Đại lão Hòa thượng trong Tổng Hội Phật giáo Việt Nam và Giáo hội Tăng già dẫn đầu đoàn tuần hành tại Huế để tranh đấu cho tự do tín ngưỡng và bình đẳng tôn giáo tại Việt Nam.

Năm Ất Tỵ, 1965, ngài giao nhiệm vụ trú trì cho Hòa thượng Tâm Hướng để dành thì giờ tịnh tu và an dưỡng tuổi già.

Năm Quý Sửu, 1973, Hội đồng Lưỡng Viện cung thỉnh Hòa thượng vào Hội đồng Trưởng lão Viện Tăng Thống.

(Theo Thiền phổ, chúng tôi thấy Hòa thượng không có vị đệ tử nào, năm Ất Tỵ, 1965, Hòa thượng Nguyên Nguyện Tâm Hướng được giao nhiệm vụ trú trì, cũng như Hòa thượng Nguyên Truyền Tâm Thọ đang trú trì chùa Vạn Phước hiện nay, đều là đệ tử của Hòa thượng Tâm Trì Chánh Nguyên, trú trì chùa Thiên Hưng).

Ngày 10 tháng 7 năm Tân Dậu (09.8.1981), ngài thị tịch, sau 50 năm làm trú trì và chung vai gánh vác nhiều Phật sự cho đại cuộc chấn hưng Phật giáo tại miền Trung.

Thứ chín : Hòa thượng Trừng Nguyên Giác Thanh (1905-1992) (6)


Hòa thượng thế danh là Diệp Trương Thuần, sinh năm Ất Tỵ, 1905 tại làng Xuân An, tổng An Đôn, phủ Triệu Phong, tỉnh Quảng Trị.

Năm 17 tuổi (Nhâm Tuất, 1922) xuất gia thọ giáo với Hòa thượng Thanh Ninh Tâm Tịnh tại chùa Tây Thiên.

Năm 18 tuổi (Quý Hợi, 1923), thọ Sa-di giới tại giới đàn chùa Thuyền Tôn, được Bổn sư đặt pháp danh là Trừng Nguyên, pháp tự là Đôn Hậu. Năm 19 tuổi (Giáp Tý, 1924), thọ Cụ túc giới tại giới đàn chùa Từ Hiếu, Thừa Thiên.

Năm Bính Dần, 1926, Hòa thượng được Bổn sư cho qua chùa Thệ Đa Lâm (tức chùa Hồng Khê) tham học với pháp huynh là Hòa thượng Trừng Huệ Giác Viên.
Năm Đinh Mão, 1927, lại được pháp huynh chuyển vào Tổ đình Thập Tháp, Bình Định xin theo học với Hòa thượng Như Trí Phước Huệ.

Năm Nhâm Thân, 1932, Hòa thượng trở về Huế liền được An Nam Phật học hội mời làm Giảng sư nòng cốt của Hội, liên tiếp trong 10 năm.

Năm Ất Hợi, 1935, Phật học viện Tây Thiên khai giảng, Hòa thượng tiếp tục theo học lớp Cao đẳng. Năm Bính Tý, 1936, lớp Cao đẳng tại Phật học viện Tây Thiên được đổi tên thành “Xuân Kinh Đại Phật học tràng”. Năm Mậu Dần, 1938, Hòa thượng tốt nghiệp chương trình Đại học Phật giáo với hạng Ưu.

Năm Canh Thìn, 1940 và Nhâm Ngọ, 1942, Hòa thượng sang thăm và thuyết pháp cho Phật tử Việt kiều tại Vương quốc Lào. Cũng trong năm 1942, Sơn môn Tăng già cung cử Hòa thượng về trú trì quốc tự Diệu Đế, Huế.

Năm Ất Dậu, 1945, Việt Nam Phật học hội cung thỉnh Hòa thượng đảm nhận chức vụ Chánh Hội trưởng. Cũng trong năm này, Sơn môn Tăng già lại công cử Hòa thượng lên trú trì quốc tự Linh Mụ.

Năm Bính Tuất, 1946, cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp bùng nổ, Hòa thượng được mời giữ chức vụ Chủ tịch Hội Phật giáo Liên hiệp Trung Bộ và Thành viên Ban chấp hành Hội Phật giáo Cứu quốc Thừa Thiên, Huế.

Năm Đinh Hợi, 1947, Hòa thượng bị thực dân Pháp bắt giam và có lệnh xử bắn, nhờ sự can thiệp kịp thời của bà Từ Cung, Hòa thượng mới được tha về.

Năm Mậu Tý, 1948, Phật học đường Bảo Quốc và Ni viện Diệu Đức tái khai giảng, đã cung thỉnh Hòa thượng làm Giáo thọ cho cả hai Học viện này.

Năm Tân Mão, 1951, Hòa thượng tham dự “Hội nghị Phật giáo toàn quốc Việt Nam” tại chùa Từ Đàm, Huế. Cũng trong năm này, Hòa thượng xin thôi giữ chức vụ Chánh Hội trưởng Hội Việt Nam Phật học, để đảm nhận trọng trách Giám luật Giáo hội Tăng già Trung Việt, rồi Giám luật Giáo hội Tăng già Việt Nam.
Năm Bính Thân, 1956, Giáo hội Tăng già Trung Việt kính thỉnh Hòa thượng làm Chủ nhiệm Liên Hoa Văn tập. Qua năm Mậu Tuất, 1958, Liên Hoa Văn tập đổi thành Liên Hoa Nguyệt san và nâng lên làm cơ quan Hoằng pháp của Giáo hội Tăng già Việt Nam, Hòa thượng vẫn giữ trọng trách Chủ nhiệm.

Năm Quý Mão, 1963, cuộc đấu tranh của Phật giáo Việt Nam với chính quyền Ngô Đình Diệm phát khởi. Sau Hội nghị khẩn cấp tại Tổ đình Từ Đàm, Huế, Năm Cấp Trị sự công cử Hòa thượng vào Ban Lãnh đạo phong trào. Hòa thượng ra chỉ đạo phong trào đấu tranh tại tỉnh Quảng Trị, rồi trở về Huế chỉ đạo phong trào tại chùa Diệu Đế, Huế, được một thời gian thì bị chính quyền Ngô Đình Diệm bắt giam vào đêm 20.8.1963.

Năm Giáp Thìn, 1964, Viện Hóa Đạo bổ nhiệm Hòa thượng giữ trọng trách Chánh Đại diện Miền Vạn Hạnh kiêm Chánh Đại diện Giáo hội Phật giáo tỉnh Thừa Thiên và thị xã Huế...

Ngày 21 tháng 3 năm Nhâm Thân (23.4.1992), ngài thị tịch, sau gần 70 năm không ngừng xả thân cho sự nghiệp hoằng dương Chánh pháp.

***

Trải qua gần một trăm năm, công nghiệp và chí nguyện cao cả của quý ngài, không chỉ cống hiến cho sự phát triển rực rỡ của nền Phật giáo Việt Nam nói chung và Phật giáo tại miền Trung nói riêng, mà còn tiêu biểu xứng đáng cho một thế hệ Tăng già đạo phong thanh thoát, giới hạnh tinh nghiêm. Trí tuệ và tài năng lỗi lạc của quý ngài mãi mãi còn rạng ngời trong dòng lịch sử Phật giáo Việt Nam, mãi mãi là những tấm gương đức hạnh cao vời cho các thế hệ Tăng Ni, Phật tử noi theo để tu tập, hành trì.

Quý ngài không những đã kế thừa truyền thống Tông môn “Thiền Tịnh song tu” của Bổn sư một cách sâu sắc, mà quý ngài cũng đã làm cho mạng mạch truyền thừa của thiền môn xứ Huế ngày càng thêm rạng rỡ.

T.N

http://www.lieuquanhue.vn/thien-mon-xu-hue/danh-tang-ni-nhan-si/7601-ch%C3%ADn-b%E1%BA%ADc-cao-t%C4%83ng-k%E1%BB%B3-v%C4%A9-ch%E1%BB%91n-thi%E1%BB%81n-m%C3%B4n-x%E1%BB%A9-hu%E1%BA%BF.html


Âm lịch

Ảnh đẹp