07/06/2013 19:14 (GMT+7)
Số lượt xem: 163319
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Chỉ có cách cạo đầu từ chức, đi hành hương tại Ấn Độ để nguyện cầu cho đạo Pháp, cho tự do tín ngưỡng và dân tộc đoàn kết. Ba giờ rưỡi chiều, tôi đến tiệm hớt tóc để cạo đầu. Sau khi ở tiệm hớt tóc về bộ, tôi đã thảo đơn từ chức gửi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm.


Đây là hồi ký của cố Giáo sư Vũ văn Mẫu (1914-1998) về những diễn biến tại miền Nam Việt Nam từ vụ triệt hạ cờ Phật giáo tại Huế (8/5/1963) đến ngày đảo chính 1/11/1963 lật đổ chế độ Ngô Đình Diệm. Ông sinh năm 1914 tại Hà Đông, Bắc Việt Nam, tốt nghiệp Thạc sĩ Luật khoa Đại học Paris, Pháp. 

Về nước ông làm giáo sư tại Đại học Luật khoa Sài Gòn và giữ chức vụ Bộ trưởng Ngoại giao VNCH từ năm 1955 đến 1963. Sau đó ông là Đại sứ tại Anh, Bỉ và Hà Lan từ 1964 đến 1972, trước khi đắc cử vào Thượng nghị viện Sài Gòn, liên danh Hoa Sen. Hồi ký được in Ronéo trong nước vào năm 1984, Giao Điểm in lại năm 2003 tại Hoa kỳ - PO BOX 2188, Garden Grove, CA 92842 - sách dày 505 trang.

Giáo sư Vũ văn Mẫu đã gây tiếng vang lớn trong và ngoài nước khi cạo trọc đầu và đệ đơn từ chức Bộ trưởng Ngoại giao để phản đối hành động tấn công các chùa đêm 20/8/63 và xin đi hành hương Phật tích tại Ấn Độ.
 Gs Vũ Văn Mẫu (1914-1998), link: http://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_V%C4%83n_M%E1%BA%ABu

Trong lời nói đầu , tác giả viết: “Mặc dù báo chí ngoại quốc và quốc nội đã đề cập sâu rộng đến những vấn đề xoay quanh 6 tháng Pháp nạn, nhưng có thể nói rằng một tấm màn bí mật vẫn còn bao phủ nhiều biến cố quan trọng và bao nhiêu thắc mắc cùng hoài nghi vẫn còn đè trĩu trên dòng lịch sử…Dân tộc ta đã trãi qua một cơn ác mộng hãi hùng. Chúng ta bị dồn đến bước hiểm nghèo mà may thay đã tránh được không sa vào vực thẳm của sự chia rẽ tôn giáo. Sau phút hiểm họa, toàn dân vẫn đoàn kết, triệu người như một, không phân biệt tôn giáo và tín ngưỡng. Đó là một điều vinh hạnh cao qúy cho nền văn minh dân tộc đã tiếp nối truyền thống tự ngàn xưa tôn trọng quyền căn bản của con người, trong đó có quyền tự do tín ngưỡng. Ghi chép lại các biến cố trong Pháp nạn năm 1963, tác giả không ngoài ý nghĩ nêu lên một vết xe đổ, để bước đường nguy hiểm không còn ai dẫm phải trong tương lai”.

Trong chương Một, tác giả đề cập đến chính sách thiên vị Thiên Chúa giáo của chế độ Ngô Đình Diệm trên phương diện pháp lý và tinh thần (dụ số 10, Hiến pháp 1956) cũng như trong các lĩnh vực hành chính, xã hội và kinh tế (chương trình di cư và định cư, chương trình Dinh diền và Khu trù mật, quốc sách Ấp chiến lược).

Trong chương Hai, tác giả đã đưa ra những tài liệu khác nhau về vụ triệt hạ cờ Phật giáo tại Huế và thảm sát tại đài Phát thanh Huế đêm 8/5/63, về quan điểm của Tổng Giáo hội Phật giáo Việt Nam được trình bày trong Tâm thư ngày 9/5/1963, bản tuyên ngôn ngày 10/5/63 và các bản Phụ đính; Quan điểm của chính quyền được phản ảnh trong hai tài liệu đề ngày 9/5/1963 trong Thông cáo của Tòa Hành chính tỉnh Thừa Thiên và bản phúc trình của ông Ngô Ganh, Quản đốc đài Phát thanh Huế. Sau khi phân tích các lời tường thuật của các nhân chứng như Tổng Giám mục Ngô Đình Thục, bác sĩ Erich Wulff, Linh mục Cao Văn Luận (Viện trưởng Viện Đại học Huế), ông Nguyễn khắc Từ, một huynh trưởng Gia đình Phật tử, tác giả đã nêu ra câu hỏi: Đâu là sự thực? Thực sự ai là người có trách nhiệm chính trong việc gây ra vụ thảm sát. 

Tác giả đã đưa ra chứng từ của ông Trần hữu Thế (nguyên Bộ trưởng Giáo dục) về trách nhiệm của TGM Thục như sau:

“Chính tối hôm Phật đản cũng đã có một bữa tiệc tại nhà Ngô Đình Cẩn với sự hiện diện của TGM Thục, một số bộ trưởng và nhiều nhân vật cao cấp trong chính phủ. Đang giữa bữa ăn thì Tỉnh trưởng Nguyễn Văn Đẳng và Phó Tỉnh trưởng Đặng Sĩ hốt hoảng xin vào trình bày tình hình rất căng thẳng vì mấy ngàn phật tử đang tụ họp trước Đài Phát thanh. Vì phụ trách các vấn đề an ninh, Thiếu tá Đặng Sĩ xin chỉ thị để đối phó.

Ngô Đình Cẩn ngồi yên không nói gì, hay không muốn nói có lẻ vì đã đoán trước được ý kiến của ông anh Ngô đình Thục thế nào cũng chống đối thái độ hòa hoãn của ông ta trong vụ này. Sau báo cáo của Đặng Sĩ, TGM Ngô đình Thục đang ăn bổng ngưng lại, giơ tay ra hiệu cho Thiếu tá Đặng Sĩ “Dẹp…!”. Tỉnh trưởng và Phó Tỉnh trưởng lãnh chỉ thị lui ra. Sau đó thì các sự việc xãy ra như bác sĩ Erich Wulff đã tường thuật rõ ràng các điều mắt thấy tai nghe tại chỗ” (tr.215-216).

Trong chương Ba, tác giả đề cập đến cuộc tranh đấu của Phật giáo và sự thành lập Ủy ban Liên phái, ngọn lửa Bồ tát Thích Quảng Đức và việc ký Thông cáo chung ngày 16/6/63. Về việc này, tác giả cho biết (trang 278-279) : “1 giờ 30 sáng ngày 16/6/63, sau khi bản Thông cáo chung được ký kết, vì đã lấy chữ ký của Hòa thượng Thích Tịnh Khiết, Hội chủ Tổng hội Phật giáo Việt Nam, Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ đem ngay vào dinh Gia Long để lấy chữ ký của Tổng thống Ngô Đình Diệm thì một khó khăn bất ngờ khiến ông Nguyễn Ngọc Thơ phải thất vọng. Đọc đi đọc lại bản Thông cáo mà chính ông trước đây đã chấp thuận từng điểm trong mỗi giai đoạn thương thuyết, ông Diệm, chẳng hiểu chuyện gì đã xãy ra trong thâm tâm, bổng không chịu ký nữa. Đến 5 giờ sáng, ông Diệm nói với ông Nguyễn Ngọc Thơ cứ để hồ sơ lại rồi về nhà nghỉ.

Sau khi ông Thơ ra về, trong dinh Gia Long đã có một ‘Hội đồng gia đình’ bàn về vấn đề này gồm có ông Diệm và hai vợ chồng ông Nhu. Cuối cùng, sau khi cả gia đình suy tính kỹ, bà Nhu đã khuyên ông Tổng thống: “Không ký ngang hàng với Hòa thượng Thích Tịnh Khiết mà ký ngay ở trên góc trái, ngay trang đầu của bản Thông cáo chung và thêm vào một câu trên chữ ký: “Những điều được ghi trong Thông cáo chung này thì đã được tôi chấp thuận nguyên tắc ngay từ đầu”. Ông Diệm đã nghe theo lời khuyên này và ký ở trang đầu của bản Thông cáo với câu ghi trên.

Tại sao bà Ngô Đình Nhu lại có quyết định như vậy? Theo ý kiến của bà Nhu, ký ở trên đầu trang là tỏ rằng Tổng thống Diệm ở trên hết. Còn câu ghi trên đây có hai ý nghĩa: theo nghĩa đen, câu đó tỏ rằng các nguyện vọng của Phật giáo không có chủ đích, vì đều đã được Tổng thống chấp thuận nguyên tắc ngay từ đầu; nhưng theo nghĩa bóng, thì bản Thông cáo chung sẽ không được thực thi vì Tổng thống chỉ chấp nhận nguyên tắc mà thôi. Hậu ý phá hoại việc thi hành bản Thông cáo chung ngày 16/6/1963 đã nẩy ra trong thâm tâm vợ chồng Ngô Đình Nhu ngay từ lúc chữ ký của Tổng thống Diệm trên bản Thông cáo chung còn chưa ráo mực”.

Trong chương Bốn, tác giả đề cập những diễn biến từ lúc bản Thông cáo chung được công bố cho đến vụ tấn công các chùa đêm 20/8/1963 và các hậu quả sau đó. Tác giả cho biết trong Tiết 1, dưới sự điều động của vợ chồng Ngô đình Nhu, nhà cầm quyền đã tổ chức một Tổng hội Phật giáo Cổ sơn môn để chống lại phong trào đấu tranh của phật tử, dùng đoàn thể Thương phế binh giả và Thanh niên Cộng hòa để yêu cầu duyệt lại bản Thông cáo chung cũng như kế hoạch tiêu diệt Phật giáo đến tận gốc của Ngô Đình Nhu (Kế hoạch Nước Lũ, Kế hoạch đảo chính giả). Trong Tiết 2, tác giả ghi lại hai giai đoạn sôi nổi nhất vào dịp kỷ niệm một tháng ngày Ký Thông cáo chung và lễ Chung thất (49 ngày) của HT.Thích Quảng Đức. Trong tiết 3, tác giả nhắc lại các biến cố tại Huế sau cuộc tự thiêu của TT.Thích Tiêu Diêu, việc các Giáo sư Đại học Huế từ chức để phản đối LM Cao Văn Luận bị cách chức Viện trưởng.

Thuật lại buổi bàn giao chức vụ cho tân Viện trưởng là ông Trần Hữu Thế, tác giả cho biết (trang 386-387): “Linh mục Cao Văn Luận nói: ‘Lúc này, muốn làm văn hóa đắc lực, người lãnh đạo Viện Đại học phải là người có cái THẾ chính trị. Về phương diện này, thiết tưởng không ai hơn ông tân Viện trưởng Trần Hữu Thế, là người như tên đã định, có thế hơn ai hết, vừa có thế của Tổng thống tức là thế của chính phủ, vừa có thế của Tổng Giám mục Huế tức là thế của mấy trăm ngàn giáo dân, Viện Đại học Huế nhờ vậy sẽ có một tương lai vô cùng tốt đẹp!’. Ông Thế mặt tái xanh, nhưng cũng gượng đứng dậy đáp từ cho biết đã cố gắng xây dựng ngay từ khi còn làm Bộ trưởng Giáo dục (trước ông Nguyễn Quang Trình)…

Sau buổi lễ bàn giao, ông Trần Hữu Thế đã thấy bị đặt vào một tình thế vô cùng khó khăn. Ông đã nhờ người đưa đi thăm chùa Từ Đàm và đã được chứng kiến tinh thần tranh đấu của phật tử rất cao, ông càng hoảng sợ. Ngày 19/8, khi ông Trần Hữu Thế đến Viện Đại học, tất cả sinh viên đã tề tựu, đứng chờ đợi im lặng trong sân. Bác sĩ Lê Khắc Quyến, đại diện giáo sư Đại học, vào phòng Viện trưởng đưa cho ông Thế đơn từ chức của các giáo sư Đại học. Sau đó, một đại diện sinh viên trình ông Thế một bức Tâm thư yêu cầu ông Thế từ chối chức vụ tân Viện trưởng Viện Đại học Huế. Ông Thế đáp: “Tôi xin nhận thư này và tôi sẽ chuyển lên cấp trên”. Sau đó, quá hoảng sợ, ông Thế đã muốn rút lui bằng ngõ sau. Nhưng ông Âu Ngọc Hồ, Tổng Thư ký Viện khuyên ông nên đi ngõ trước để giữ thể diện Viện trưởng. Ông đành nghe theo và sinh viên đã rẽ ra để dành đường cho ông rời khỏi Viện. Sau đó, ông Trần Hữu Thế hiểu rõ không thể nào tuân theo lệnh ông Ngô Đình Thục để giữ chức Viện trưởng tại Huế, đã lẻn về Sài gòn và đến cầu cứu tôi xin chiếu khán xuất ngoại để trở về ngay Manille, không dám lại cáo biệt cả Tổng thống Ngô Đình Diệm”.

Sau khi đề cập vụ tấn công chùa Xá lợi và các chùa khác trong đêm 20/8/63, tác giả đã thuật lại phiên họp nội các lúc 5 giờ rưỡi sáng ngày 21/8/63 và quyết định từ chức như sau: 

“Đúng 11 giờ sáng ngày 22/8/63, tại dinh Gia Long đã diễn ra lễ trình ủy nhiệm thư của Đại sứ Anh. Tôi đứng cạnh Tổng thống Diệm trong buổi lễ một cách điềm nhiên, không một ai có thể đoán được sau buổi lễ này, trưa hôm ấy, tôi sẽ cạo đầu và từ chức vào buổi chiều. Tôi đã nhận thấy cần phải từ chức vào ngay chiều ngày 22/8/63, trước khi tân Đại sứ Hoa kỳ Cabot Lodge tới, anh em ông Diệm sẽ xuyên tạc sự thật và tuyên truyền rằng tôi chỉ là một con bài của Mỹ và sự từ chức của tôi là do Mỹ xúi, có tính cách hoàn toàn chính trị chứ không phải vì vấn đề bảo về đạo Pháp.”

Tác giả cho biết (trang 408-409): “Từ chức là một quyết định đã đến với tôi từ sáng ngày 21/8, sau buổi họp Hội đồng Nội các. Nhưng tôi đã suy nghĩ về một vấn đề tế nhị: cần từ chức dưới một hình thức nào để vượt các khó khăn về sau.

a. Tổng thống Diệm có rất nhiều cảm tình đối với tôi, là nhân viên cũ duy nhất còn lại trong chính phủ sau bao nhiêu lần thay đổi nội các trong chín năm vừa qua. Trong cơn khủng khoảng chính trị đang diễn ra vào tháng 8 này, chắc chắn Tổng thống Diệm càng kiếm cách giữ tôi lại để vượt qua những phút khó khăn do vụ tấn công chùa chiền gây ra.

b. Cần phải tìm một hình thức từ chức thế nào để có thể nói rõ lên được mục đích là để bảo vệ Phật pháp và phản đối chính sách kỳ thị và đàn áp Phật giáo. Cần cho dư luận trong nước và dư luận quốc tế không bị Chính phủ Ngô Đình Diệm lừa dối bằng cách xuyên tạc mục đích của sự từ chức với các mánh khóe gian xảo trăm khôn nghìn khéo!

May thay, ngọn lửa thiêng của đạo Pháp soi sáng tâm trí của tôi trong giờ phút nghiêm trọng và gấp rút này, để nhìn thấy ngay hình thức từ chức tốt nhất: Chỉ có cách cạo đầu từ chức, đi hành hương tại Ấn Độ để nguyện cầu cho đạo Pháp, cho tự do tín ngưỡng và dân tộc đoàn kết.
Ba giờ rưỡi chiều, tôi đến tiệm hớt tóc để cạo đầu. Sau khi ở tiệm hớt tóc về bộ, tôi đã thảo đơn từ chức gửi đến Tổng thống Ngô Đình Diệm.”

GS Vũ Văn Mẫu xuống tóc tranh đấu cho Hoà Bình, Dân Chủ, Tự Do. Link: tp://vi.wikipedia.org/wiki/V%C5%A9_V%C4%83n_M%E1%BA%ABu

Sau khi tiếp các Đại sứ các nước Phật giáo châu Á, tác giả đã họp toàn thể nhân viên trong Bộ Ngoại giao cũng để giải thích về ý nghĩa quyết định từ chức. Tin tác giả cạo đầu từ chức đã bay khắp Sài Gòn như làn gió mạnh. Nguyên cả tối 22/8, nhiều nhân viên cao cấp của chính quyền và ngay chính ông Ngô Đình Diệm đã điện thoại để cố thuyết phục tác giả không từ chức hay ít nhất hoãn vài tháng. Sáng thứ Bảy ngày 24/8, sinh viên hội họp tại trường Luật để tiếp đón tác giả. Vào lúc 9 giờ, Gs Vũ Văn Mẫu vừa bước xuống xe hơi là được sinh viên công kênh lên vai. Trong sân trường Đại học, sinh viên ngồi xúm xít dưới đất để nghe ông nói: “Tôi đến đây với các anh em không nhân danh là Bộ trưởng Ngoại giao vì chức vụ đó tôi đã chấm dứt bằng cái cạo trọc đầu của tôi rồi. Tôi đến đây nhân danh là một người bạn để cùng với các anh em khơi nguồn lửa thiêng chiến đấu, bảo vệ những quyền thiêng liêng nhất của con người...” Ngay trưa hôm đó, tác giả đã bị giam lỏng tại nhà và ông Ngô Đình Nhu gọi điện thoại với giọng hằn học và doạ nạt, khuyên nên ở nhà, không được ra trường Luật nữa.

Cố vấn Ngô Đình Nhu

Chiều ngày 26/8, tác giả đã bị chận lại không cho ra phi trường để lấy máy bay sang Ấn Độ hành hương. Sau này tác giả mới biết được lý do như sau (trang 420-421): “Mãi đến năm 1964, khi tôi làm Đại sứ Việt Nam tại Anh quốc, tôi có dịp được tiếp Tổng Giám mục Asta – vào năm 1963 giữ chức Khâm Mạng đại diện Tòa thánh Vatican tại Sài Gòn - Tổng Giám mục mới cho biết những việc đã xảy ra chiều ngày 26/8/63. Nguyên ngày hôm nay đó, biết được tin tôi lên đường, Ngoại giao đoàn đã tới đông đủ tại phi cảng Tân Sơn Nhất để tiễn tôi đi hành hương sang Ấn Độ, nhưng chờ mãi đến giờ phi cơ cất cánh mà cũng vẫn không thấy tôi tới, đột nhiên, có một phóng viên ngoại quốc từ Sài Gòn đến phi cảng và cho biết tin tôi bị bắt đưa đi đâu không biết. Ngoại giao đoàn khi đó rất xúc động và đồng ý cử Niên trưởng là ông Viên Tử Kiên (Yuen Tse Kien), Đại sứ của Trung hoa dân quốc, đến gặp Tổng thống Diệm để thỉnh cầu trả lại tự do cho tôi. Khi ấy, TGM Asta đã lanh lẹ đề nghị nhận trách nhiệm tế nhị này thay cho ông Niên trưởng Viên Tử Kiên. Ngoại giao đoàn đồng ý vì TGM Asta là đại diện của Giáo hoàng, lời thỉnh cầu chắc chắn có hiệu quả hơn đối với một người ngoan đạo như Tổng thống Diệm. TGM Asta đã trở về dinh Gia Long và gặp ngay Tổng thống Diệm. Và chính nhờ cuộc gặp gỡ với TGM Asta, tôi mới hiểu rõ tại sao tôi được trả tự do nhanh chóng như vậy”.

Sau đó tác giả được loan báo là có thể khởi hành cùng với gia đình sang Ấn độ bằng chuyến máy bay Air France chiều ngày 29/8. Trước khi rời đất nước, tác giả đã đến cáo biệt Tổng thống Diệm và Cố vấn Ngô Đình Nhu: “Gặp Ngô Đình Nhu, tôi vẫn giữ vẻ thản nhiên, chỉ chào từ biệt mà không nhắc gì đến việc cảnh sát đã bắt đưa tôi về trại Lê Văn Duyệt hôm 26/8, nhưng Ngô Đình Nhu đã không dấu được sự ngượng ngập, và chính Nhu đã nói đến vấn đề này, như xin lỗi một cách gián tiếp: ‘Câu chuyện xảy ra hôm 26/8 là do một sự hiểu lầm. Người ta đã báo cáo lên Tổng thống rằng anh xuất ngoại mà không có chiếu khán xuất cảnh’…Trong cuộc yết kiến Tổng thống Diệm, ông Diệm không dấu được sự xúc động, lấy tay áo quẹt mắt rớm lệ và nói: “Xin đừng quên nhau”. Rồi tôi đến chào Phó Tổng thống Nguyễn Ngọc Thơ. Ông Thơ lắc đầu nói, xin đừng quên nhau, ông Già nói chi mà gở vậy! Anh nhớ hôm lễ Song Thất 7/7/63, lễ kỷ niệm ngày ông Diệm về chấp chính, ông Già cũng nói những câu gở không? Tôi cũng chợt nhớ lại câu ông Diệm nói hôm đó làm hai chúng tôi rất ngạc nhiên: “Chẳng lẽ công trình xây dựng trong bao lâu, bỗng chốc biến thành mây khói!” Tôi bắt tay ông Thơ ra về, cả hai ngậm ngùi. Kẻ ở người đi, chưa biết khi nào sẽ có dịp tái ngộ.”

Ngày 29/8/63, GS Vũ Văn Mẫu đáp chuyến bay Air France tại Tân Sơn Nhất để đi hành hương. Cùng đi chuyến bay này có GS Bửu Hội, được nhân viên chính phủ tiễn đưa sang Mỹ để bênh vực trước Liên hiệp quốc về lập trường của chính phủ Ngô đình Diệm trong vấn đề đàn áp Phật giáo. Một chuyến tàu, hai con đường khác… Tại Ấn độ, GS Vũ văn Mẫu đã được tiếp đón trọng thể và nồng hậu, có các cuộc hội kiến với Tổng thống Ấn độ Radhakrishnan, Thủ tướng Nehru và Bộ trưởng Ngoại giao bà Lakshmi Menon. Sau đó một chương trình hành hương các thánh địa Phật giáo đã được hoạch định như Bénarès, Sarnath, Bodhigaya, Sanchi, Ajanta, Ellora… Tác giả bày tỏ nỗi vui mừng khôn tả khi đến Bồ đề đạo tràng (Bodhigaya) nơi Đức Thế Tôn thành đạo dưới gốc Bồ Đề. Tại đấy, bất ngờ tác giả lại được hạnh ngộ với các Thượng tọa Thích Minh Châu, Thích Thiện Châu và Thích Huyền Vi khi ấy đang ở Ấn độ. (Xin xem bài tường thuật của TT.Thích Thiện Châu được tác giả trích đăng lại trong hồi ký từ trang 428-436 và trang nhà Khuông Việt số 8, Mừng Xuân Giáp Thân phổ biến lại theo địa chỉ www.khuongviet.com). 

Ngày Chủ nhật 15/9/63, sau khi hoàn tất cuộc hành hương, tác giả rời Ấn Độ sang Pháp. Trước khi rời Ấn Độ, tác giả đã gửi thư về cho Tổng thống Diệm xác định dứt khoát quyết tâm từ chức. Nội dung bức thư như sau:

“New Delhi, ngày 15 tháng 9 năm 1963.

Vũ Văn Mẫu, Bộ trưởng Ngoại giao hiện nghỉ phép.

Kính đệ Tổng thống Việt Nam Cộng hòa, Sài Gòn.

Kính thưa Tổng thống, Sau khi đi hành hương chiêm bái các nơi Phật tích ở Ấn Độ và thấu hiểu thêm được đạo lý, chúng tôi trân trọng xin Tổng thống chấp thuận cho chúng tôi từ nay được từ chức. Chúng tôi lúc nào cũng cầu nguyện cho toàn dân được hòa bình và nhất trí đoàn kết. Chúng tôi xin Tổng thống nhận nơi đây lòng thành kính của chúng tôi.

Ký tên: Vũ Văn Mẫu”.

Trong chương 5, tác giả đề cập đến dư luận và ủng hộ của Tòa thánh Vatican, của các nước theo Phật giáo và các chính phủ Âu Mỹ. Trong chương cuối, tác giả tổng kết như sau (trang 489-491): “Ba nhân tố chính yếu đã đưa chế độ đến sự suy tàn:

1. Ngô Đình Diệm đã quá nhu nhược trước các hành động thao túng của gia đình, từ Ngô đình Thục đến vợ chồng Ngô đình Nhu và Ngô đình Cẩn, dung túng gia đình lạm dụng quyền thế, bóc lột tài nguyên quốc gia, đàn áp tàn bạo những phần tử yêu nước phản đối các hành vi bất chính.

2. Ngô Đình Thục quá thiết tha với tham vọng làm Hồng Y giáo chủ và mang ảo vọng muốn biến Việt Nam thành một nước hoàn toàn theo Thiên Chúa giáo.

3. Vợ chồng Ngô đình Nhu nung nấu tham vọng kế vị Ngô Đình Diệm và không sờn lòng lùi bước trước bất cứ hành vi và mưu kế tàn bạo nào để thực hiện cho được mưu đồ ấy.

Thu thập một số tài liệu lịch sử trong vụ Pháp Nạn này, từ nguyên nhân đến quả báo, chúng tôi nhắm một mục đích duy nhất: Nêu lên một cây tiêu để đánh dấu vết xe đổ và tha thiết ước mong – như chúng tôi đã cầu nguyện 20 năm trước tại Bồ Đề đạo tràng trước Đài Kim Cương, nơi đức Thế Tôn thành đạo, rằng trong tương lai không bao giờ còn có một chính phủ nào nghĩ đến sự đàn áp tôn giáo, và không bao giờ quốc dân còn bị chia rẽ vì tôn giáo. Tôn trọng các tôn giáo trên căn bản tự do tín ngưỡng và công bằng xã hội là tôn trọng các quyền linh thiêng nhất của con người mà bản tuyên ngôn Nhân quyền quốc tế của tổ chức Liên hiệp quốc đã xác nhận. Vi phạm vào các quyền này là chà đạp lên nhân phẩm, dấn thân vào con đường phân hóa quốc dân và phản bội lại truyền thống cao quý của dân tộc.

Bến Nghé, ngày Khánh đản 15/4 năm 2525 Phật lịch (15/5/1984), Minh Không Vũ Văn Mẫu”

Trong lời giới thiệu cuốn Hồi ký, Hoà thượng Thích Mãn Giác, Los Angeles, Hoa kỳ viết về Giáo sư Vũ Văn Mẫu như sau: “Trong mắt tôi, ông là một kẻ sĩ khí phách hiếm hoi của miền Nam, một người làm chính trị chân thực và có lòng, một nhà mô phạm chừng mực và trong sáng, một phật tử hộ Đạo thiết tha. Toàn thể con người đó ảnh hiện trong lời trong chữ của tập sách cuối đời phản ảnh một giai đoạn trầm trọng của sự nghiệp riêng và của đất nước chung.”

Hoà thượng cũng cho biết thêm rằng, năm 1988, trước khi rời Việt Nam đi Pháp, Giáo sư Vũ Văn Mẫu đã đích thân mang tặng Hoà thượng Thiện Siêu ở chùa Từ Đàm Huế một tập với lời dặn dò “xin Chùa tuỳ nghi sử dụng trong việc giữ gìn và phổ biến tác phẩm nầy cho thế hệ tương lai”. 

Với bản in này được phổ biến rộng rãi tại hải ngoại, thiết nghĩ ý nguyện đó của Giáo sư được thực hiện trọn vẹn. 

Xin trân trọng giới thiệu đến quý vị độc giả gần xa.

Minh Nguyện - tháng 1/2004; bổ túc tháng 5/2013.


Âm lịch

Ảnh đẹp