14/12/2012 18:07 (GMT+7)
Số lượt xem: 115220
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi viên tịch, vị sư nữ Thích Đàm Thìn đã để lại cho đời 108 viên xá lợi(?). Nếu đúng, đây quả là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam.


Thực hư về 108 viên xá lợi của nữ cao tăng

Thông tin chùa Quan Nhân (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) đang lưu giữ 108 viên xá lợi của sư thầy Thích Đàm Thìn thôi thúc chúng tôi lên đường tìm hiểu. Nếu điều này là sự thật thì đây là một kỷ lục chưa từng có trong lịch sử Phật giáo Việt Nam. Bởi trước đây, xá lợi được phát hiện đa số của những các vị nam chân tu.

Vòng quanh các ngõ nhỏ của khu phố Quan Nhân, phải rất nhiều lần hỏi thăm, chúng tôi mới đến được chùa Quan Nhân, nơi sư thầy Thích Đàm Thìn từng tu hành. Cảm nhận đầu tiên về ngôi chùa này là sự khang trang, thanh tịnh. Nhiều người dân nơi đây giới thiệu, công trình kiến trúc tôn giáo này đã được cấp bằng di tích lịch sử văn hoá. Một thời, đây từng là nơi che giấu cho nhiều chiến sĩ cách mạng hoạt động bí mật. Các tăng ni của chùa nhiều người đã anh dũng hi sinh và có công trong sự nghiệp kháng chiến chống Pháp.

Thật may mắn khi đến đây, chúng tôi được đích thân sư thầy Thích Đ.H. - trụ trì chùa Quan Nhân tiếp đón. Được biết, vị sư thầy này chính là đệ tử cận kề với sư thầy Thích Đàm Thìn. Chính vì vậy, thông tin xung quanh 108 viên xá lợi của sư thầy Đàm Thìn cũng như cuộc đời tu hành khổ hạnh của vị nữ chân tu này được trụ trì chùa Quan Nhân biết rõ nhất. Thầy Thích Đ.H. khẳng định, câu chuyện về 108 viên xá lợi trong di cốt của sư thầy Thích Đàm Thìn là có thật.

Theo trụ trì chùa Quan Nhân, việc phát hiện ra 108 hạt xá lợi không phải chủ ý của nhà chùa mà do chính các Phật tử phát hiện. Đây là cơ duyên khó có thể lý giải tường tận nhưng có lẽ đã được sắp đặt sẵn từ trước. Theo hồi ức của vị sư trụ trì, vào thời điểm giữa năm 2010, nhà chùa làm lễ chuẩn bị đưa di cốt sau khi hoả táng của sư thầy Đàm Thìn về chùa an táng. Đây là công việc được nhà chùa giữ bí mật tuyệt đối. Tuy nhiên, sáng hôm đi rước di cốt của nữ sư thầy này về có hai cụ già tóc trắng như cước, ăn mặc chỉnh tề đợi sẵn trước cổng chùa. Họ nằng nặc đòi đi theo đám rước.

Sư thầy Thích Đ.H. kể lại: "Lúc ấy, tôi cứ nghĩ hai cụ già vì kính mến sư thầy Thích Đàm Thìn nên đồng ý cho họ đi theo. Tuy nhiên, khi tiến hành vào làm lễ nhận tro cốt của sư phụ, hai cụ nằng nặc đòi mở ra bằng được để xem bên trong". Theo sư thầy Thích Đ.H., người tu hành xem đây là một việc tối kỵ và những người làm công tác bàn giao hài cốt cũng không đồng ý để hai cụ già trên làm việc ấy. Tuy nhiên, hai cụ già này một mực đòi làm bằng được.

Sự việc này xuất hiện trái ngược hoàn toàn với ý định ban đầu của nhà chùa. Nhưng việc hai cụ già "sống chết" đòi mở hộp tro cốt của nữ chân tu khiến nhiều người nghĩ đó là một điềm lạ. Sau khi suy nghĩ kỹ lưỡng, cuối cùng nhà chùa đành đồng ý cho hai bà cụ mở hộp. "Đây là quyết định khó khăn với bản thân tôi. Vì mọi việc đã được chuẩn bị và sắp đặt kỹ lưỡng, chu tất từ trước. Khi chúng tôi chấp thuận cho hành động có phần lạ lùng của hai cụ già này đồng nghĩa thay đổi tất cả kế hoạch", sư thầy Thích Đ.H. chia sẻ.

Ảnh minh họa

Khi mọi người mở di cốt của sư thầy Đàm Thìn ra, hai cụ bà này chủ động đặt hộp lên một tấm vải trắng và rồi cùng nhau lục tìm trong đống tro. Mọi người chứng kiến lúc này đều bất ngờ vì trước mắt xuất họ xuất hiện rất nhiều hạt nhỏ ly ti, màu sắc đa dạng, phát ra ánh hào quanh lấp lánh mà trước đây chưa có ai từng thấy trong đời. Hai cụ bà lạ lùng này đã cẩn trọng nhặt từng viên xá lợi và cho vào một hộp nhỏ. Cuối cùng đã đếm được 108 viên.

Chân dung vị thiền sư đắc đạo

Trong cuộc chuyện trò với vị sư trụ trì chùa Quan Nhân, chúng tôi có hỏi đến cuộc đời tu hành của sư thầy Thích Đàm Thìn. Có lẽ, chính điều này sẽ giải thích vì sao di cốt của vị thiền sư này lại có nhiều xá lợi như vậy. Bởi theo cách hiểu của chúng tôi, chỉ có những vị chân tu mới để lại xá lợi sau khi viên tịch.

Hiểu ý chúng tôi, sư thầy Thích Đ.H. kể lại, nữ chân tu Thích Đàm Thìn vốn sinh ra trong gia đình nông dân nghèo. Đến năm 17 tuổi, sư thầy đột nhiên bỏ nhà lên chùa đi tu mà không ai biết lý do. Sau này, nhiều người nói rằng, có thể vì thầy muốn đi theo con đường của người bà cô mình. Cũng có ý kiến cho rằng, sư phụ lên chùa là do duyên số.

Để lý giải cho điều này, sư thầy Thích Đ.H. đưa chúng tôi về những câu chuyện liên quan đến cuộc đời tu hành của sư thầy Thích Đàm Thìn. Theo lời của vị sư trụ trì: “Thầy Thích Đàm Thìn là một người phụ nữ rất đẹp. Đến tuổi 17 xuân xanh, nhan sắc của bà như bông hoa sen đang hé nụ. Thậm chí, ngoài 30 tuổi, vẻ đẹp của sư thầy Đàm Thìn vẫn khó có ai sánh bằng. Cũng vì vẻ ngoài này mà cuộc đời tu hành của sư phụ tôi gặp nhiều chuyện hết sức phiền phức".

Sự thể là, nhiều người vì thấy ngoại hình của sư thầy Đàm Thìn quá hoàn hảo nên đặt điều ác ý. Họ đồn rằng, giữa sư thầy Đàm Thìn và lý trưởng của làng Quan Nhân ngày ấy có tình ý với nhau. Thông tin này ngày càng được lan truyền khiến người dân trong làng tỏ ra bất bình. Thậm chí, có người đã âm mưu hãm hại nữ tu sĩ này để đuổi bà ra khỏi chùa.

Chùa Quan Nhân nơi sư thầy Thích Đàm Thìn tu hành.

Để mình chứng cho điều này, sư thầy Thích Đ.H. nhớ lại một câu chuyện đau lòng. Một lần, sư thầy Thích Đàm Thìn đi cấy ngoài ruộng của chùa cùng với một phụ nữ đang mang bầu. Có người đã độc ác, lén lút dùng thuốc độc bỏ vào cơm đưa ra đồng cho sư thầy ăn. Nhưng vì thương người phụ nữ mang bầu chưa có cơm ăn, vị nữ chân tu đã nhường suất cơm của mình. Nhưng đau đớn thay, sau khi ăn cơm, người phụ nữ này đã chết ngay tại chỗ.

Theo vị trụ trì của chùa Quan Nhân, sau khi sự kiện này, thầy Thích Đàm Thìn rất buồn. Bà có ý bỏ chùa tìm nơi khác để tu hành. Nhưng mỗi lần xách đồ bỏ chùa ra đi thì trong đầu của sư thầy lại văng vẳng tiếng gọi quay về. Một thời gian sau, dân làng Quan Nhân cũng hiểu được "chuyện tình lén lút với ông lý trưởng" là sự đặt điều ác ý.

Trong kháng chiến, giặc Pháp phát hiện ngôi chùa Quan Nhân che giấu cán bộ cách mạng nên quyết phá chùa. Các sư thầy và tăng ni trong chùa đành bỏ chùa ly tán khắp nơi. Một số người đã trở về nhà mình và hoàn tục. Tuy nhiên, riêng sư thầy Thích Đàm Thìn nhất quyết không về nhà. Ngày đi cấy thuê, tối thầy đi tìm những ngôi nhà trống vắng không ai ở  để lẩn trốn.

Ngày Hà Nội được giải phóng, sư thầy Thích Đàm Thìn quay về chùa Quan Nhân, tiến hành  phục dựng và duy trì sự tồn tại của ngôi chùa này. "Tôi đến chùa và được sư phụ tôi trực tiếp truyền đạo, kèm cặp. Hàng này, tôi chứng kiến cảnh sư phụ trên tay nâng niu chuỗi hạt và tụng kinh niệm Phật. Một thời gian sau, chuỗi hạt của sư phụ tôi nhẵn bóng hiếm có", sư thầy Thích Đ.H. tâm sự.

Ánh hào quang từ di hài nữ tu sĩ đắc đạo

Những ngày cuối đời, khi sư thầy Thích Đàm Thìn đã yếu, chính sư thầy Thích Đ.H. đã mời gần 40 nhà sư khắp các chùa miền Bắc về niệm Phật trợ duyên cho cụ. Nhớ lại thời điểm đó, sư thầy Thích Đ.H. kể rằng: "Căn phòng nơi sư phụ tôi nằm luôn túc trực gần 18 nhà sư tụng kinh trợ duyên. Mỗi tốp tụng kinh kéo dài 4 tiếng. Việc này kéo dài suốt một tuần cho đến khi sư phụ tôi viên tịch". Nói đến điều này, sư thầy Thích Đ.H. cho biết thêm, có nhiều người đã nhìn thấy ánh hào quang toát ra từ di hài của sư thầy Thích Đàm Thìn trước khi sư thầy về với cõi Phật.

Theo Trinh Phúc - Anh Đức - NĐT


Âm lịch

Ảnh đẹp