Một trong những pháp môn căn bản của người phật tử là lạy Phật.
Lạy Phật thành ra bản tánh tự nhiên của người Phật tử. Cử chỉ
ấy tạo thành nếp sống tâm linh của họ.
Năm 2008, có vị sư Thái Lan đến Tàng Kinh Các chùa
Phước Duyên Huế, thăm tôi và xin tôi chia sẻ pháp hành. Tôi không chia sẻ Thiền
tập Vipassana, hay Thiền tập Tứ niệm xứ, vì tôi biết những pháp môn nầy là căn
bản hành trì của Phật giáo Miến Điện, Thái Lan, Tích
Lan, Lào và Khờ Me, nên tôi chỉ chia sẻ pháp môn lạy phật toàn thân mà tôi
thường hành trì đến với vị sư nầy.
Tôi chia sẻ rằng: “Lạy Phật toàn thân là lạy Phật một cách trọn vẹn cả thân và
tâm. Đối với thân thì trán, hai tay và hai chân đều rạp
xuống sát đất. Nghĩa là khi ta lạy hai đầu gối sát đất, hai khủy tay sát đất và hai bàn tay ngữa ra duỗi thẳng quá trán, và
đỉnh đầu của ta chạm xuống sát đất. Đối với tâm phải có nội dung của năm căn bản
là Tín, Tấn, Niệm, Định và Tuệ. Tín là niềm tín kính đối với
Tam bảo. Tấn là nỗ lực biểu hiện niềm tín kính đối với Tam bảo trở thành hiện
thực trong khi lạy, cũng như trong đời sống. Niệm là duy trì sự tín kính
Tam bảo có mặt một cách rõ ràng trong từng động tác lạy. Định
là lạy Phật với thân tâm nhất như. Tuệ là quán chiếu
nhân hạnh tu hành của Phật và quả vị viên thành của Ngài, để soi chiếu vào nhân
và hạnh tu tập của ta trong khi lạy. Và tuệ là quán chiếu
chư Phật trong ba đời và mười phương đang có mặt hiện tiền cho ta kính
lạy, và mỗi lạy của ta đều chạm tới nhân địa và hạnh nguyện tu hành của các Ngài.
Đồng thời mỗi lạy của ta, cũng chạm tới được tự tánh thanh tịnh nơi ta, khiến tự
tánh ấy sáng lên nơi tâm ý của ta.
Lạy Phật sát đất với năm bộ phận của cơ thể và với tâm có năm nội dung như vậy,
là để nhiếp phục tâm kiêu mạn nơi ta và tỏ lòng thành kính của ta đối với công
hạnh tu tập của chư Phật và tôn trọng Phật tính nơi ta.
Lạy Phật như vậy, ta có thể thực tập mỗi ngày và mỗi lần thực tập
lạy Phật, những hạt giống chấp ngã, kiêu ngạo nơi ta sẽ tự rơi rụng. Ta sẽ đi tới được với
mọi người và muôn loài bằng tâm tín kính của ta.
Tại sao lạy Phật mà tâm chấp ngã, kiêu ngạo nơi ta bị rơi rụng và
ta có thể đi tới được với mọi người và có thể đi vào được biển cả giác ngộ? Vì tâm chấp ngã, khiến
ta không đi tới được với mọi người; vì tâm kiêu ngạo, nên ta mất hết niềm tin
đối với tất cả. Nên, lạy Phật là ta lấy lại niềm tin cho ta và khiến ta có khả
năng sống vô ngại với mọi người. Một trong những đặc tính của
biển là không dung tử thi, cũng vậy một trong những đặc điểm của biển cả giác
ngộ là không dung tâm kiêu mạn và chấp ngã.
Hễ còn tâm kiêu mạn và chấp ngã dưới bất cứ hình thức nào, thì
ta cũng không thể vào được với biển cả giác ngộ. Nên,
lạy Phật với tín tâm thanh tịnh, thì trước sau gì, những hạt giống kiêu mạn,
chấp ngã nơi tâm ta cũng tự rơi rụng, khiến biển cả giác ngộ nơi tâm ta hiện ra
cho ta.
Vì
vậy, Phật thì không cần ta lạy, nhưng ta cần lạy Phật là để nuôi lớn niềm tin
trong ta và niềm tin trong tất cả mọi người và muôn loài.
Khi ta lạy Phật có niềm tin, có chánh niệm tỉnh giác, có hạnh và nguyện, thì gối
chân phải ta chạm xuống sát đất, tâm ta liền khởi lên nguyện rằng: “Nguyện cho
hết thảy chúng sanh đều chạm vào được con đường giác ngộ”. Khi gối chân trái
chạm xuống sát đất, tâm ta liền khởi lên nguyện rằng: "Nguyện cho hết thảy chúng
sanh an trú ở trong chánh đạo, không bị rơi vào tà kiến”.
Khi tay phải chạm xuống sát đất, tâm ta liền khởi lên nguyện rằng:
“Nguyện cho chúng sanh đều được như Thế Tôn, ngồi vào tòa kim cương, đại địa
chấn động, tướng tốt hiển bày, chứng nhập đại bồ đề”. Khi tay trái chạm xuống sát đất, tâm ta liền khởi lên nguyện rằng:
“Nguyện thành tựu Tứ nhiếp pháp, nhiếp phục hết thảy chúng sanh vào đạo bồ đề”.
Khi đỉnh đầu chạm xuống sát đất, tâm ta liền khởi lên nguyện rằng: “Nguyện cho
hết thảy chúng sanh buông bỏ tâm kiêu mạn, thành tựu Vô kiến đỉnh tướng”.
Sau khi chia sẻ với vị sư ấy xong, cả hai chúng tôi đều thực tập
phương pháp lạy nầy và cảm thấy thân tâm nhẹ nhàng, hạnh phúc.
Nếu ta không có duyên thực tập thiền quán, thì khi ngồi yên lặng
chỉ vài phút là ta đã không làm nổi, chứ nói gì đền vài giờ. Nếu
ta không có duyên lạy Phật, thì dù lạy một lạy đã khó, chứ nói gì lạy Phật mỗi
ngày khiến phiền não rụng rơi. Nếu ta không có duyên với ăn chay, thì ăn
một bữa đã khó thực hành, chứ nói gì ăn chay tháng sáu ngày, mười ngày, hay ăn
chay trường. Nhưng khi ta đã có đủ duyên với pháp môn nào, thì
việc ta hành trì pháp môn ấy rất dễ dàng đối với ta.
Lạy cha mẹ Tổ tiên huyết thống hay lạy Tổ tiên tâm linh, mà ta
chưa có đủ khả năng để lạy, thì làm sao ta có thể lạy được một lạy đối với người
ghét mình, đối với người khinh mình?
Kinh Pháp Hoa đã ghi lại sự kính lễ của Bồ tát Thường bất khinh
đối với những kẻ khinh mình và những kẻ ghét mình. Ghét mình và khinh
mình là chuyện của những người tâm đầy cao ngạo, tâm đầy tăng thượng mạn và thù
hận, nhưng Bồ tát Thường bất khinh, thì không thù hận với ai, không kiêu ngạo
với ai và cũng không hề tăng thượng mạn với bất cứ pháp môn nào do mình hành trì,
ngay cả pháp môn mà Bồ tát đang thực hành là kính lạy những người chống đối mình.
Nhờ thực hành pháp môn kính lễ chư Phật, mà Bồ tát Phổ hiền năng, sở đều rỗng
không, khiến Bồ tát đi vào được biển cả giác ngộ của chư Phật; và nhờ kính lễ
những người chống đối, phỉ báng mình với tâm rỗng lặng, năng sở tiêu dung, mà Bồ
tát Thường bất khinh chứng nhập biển hoa sen thanh khiết vô nhiễm.
Vì
vậy, pháp môn lễ Phật là pháp môn vừa căn bản, vừa sâu thẳm vi diệu, nên nếu là
con Phật thì chúng ta không thể không thực hành mỗi ngày, để cho cái lạy của ta
từ cạn tới sâu, từ thô đến tế, từ hẹp tới rộng, từ hữu hạn đến vô cùng và từ
trắc lượng đến chỗ bất khả tư nghị…
http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=4406&SubID=4&ID=2