16/12/2012 18:00 (GMT+7)
Số lượt xem: 103631
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bạn tu có thích nghe tui niệm Phật không? Giọng của tui ngân vang cao lắm! Cho nên tui thường hay tụng “tiếp hơi” cho bác chủ lễ.
Chúng tôi thường xưng hô hai tiếng “bạn tu” khi nói chuyện điện thoại với nhau. Đó là sáng kiến của cô bạn Phật tử của tôi, nghe ra cũng thấy hay hay.

 - Này, đang nói chuyện di động đó bạn tu à! Mai mốt gặp nhau rồi tha hồ mà niệm Phật.

- Đừng vòng vo! Lắng nghe đây: Nam-mô A Di Đà Phật, Nam-mô…

Thật ngạc nhiên, quả không sai, cô bạn tui niệm Phật qua điện thoại di động nghe như là đang hát kinh, không thua gì máy niệm Phật! Giọng cô ấy lên xuống trầm bổng du dương cao vút, hèn chi đạo tràng của cô ai cũng khen cô có giọng tụng kinh hay đáo để. Dù mới tụng kinh niệm Phật ba năm nay thôi mà cô đã có khả năng nghe được âm thanh tiếng niệm Phật của cô phát ra từ sau gáy. Cô lấy làm lạ bèn đi hỏi thầy, được thầy cho biết trong đạo tràng này gồm khoảng 30 Phật tử thường xuyên đi chùa tụng kinh từ mấy năm nay, nhưng hiếm người có khả năng đó. Cô là người thứ hai có khả năng này do sự tín tâm niệm Phật A Di Đà rất nhiều, rất nhiều. Cho nên danh hiệu Phật được ghi lại trong bộ nhớ đặc biệt của cô và khi cô ngồi yên chỉ cần nghĩ về sáu chữ của câu niệm ấy, tức thì sáu chữ ấy vọng lên bên tai.

Như vậy, nhờ vào sự hành trì siêng năng tinh tấn mà cô bạn tôi đã có bước đầu thành tựu rất đáng kính nể. Bản thân tôi học Phật thâm niên hơn cô ấy rất nhiều, nhưng việc niệm Phật chưa có thành tựu gì đặc biệt, sự hiểu biết của tôi về đạo chưa có nhiều và sự thực hành cũng chưa được tinh tấn thiết thực bằng cô ấy. Nhưng tôi cũng có được một điều như cô bạn tu ấy. Đó là khi niệm Phật trong miệng tiết ra chất dịch vị ngọt hơn bình thường, cho nên dù niệm Phật to tiếng suốt cả thời kinh không uống nước cũng không cảm thấy khát nước và không khan giọng, tôi có cảm giác như là lục phủ ngũ tạng và hàng tỉ tỉ tế bào khi nghe niệm danh hiệu A Di Đà Phật thì tất cả đều rất hoan hỷ và hưng phấn.

Không có ai quy định mỗi ngày niệm Phật bao nhiêu là đủ, nhưng với tôi từ khi chọn lựa pháp môn Niệm Phật để tu tập, tôi tự thấy rất phù hợp. Tôi niệm Phật trong các thời kinh, niệm Phật bất kỳ ở nơi đâu khi cần thiết để vượt qua mọi lo âu phiền muộn. Và tôi cảm thấy khi niệm Phật thì thân tâm thật sự sảng khoái, thư thái, như thiết lập được sự bình an vô ngại. Làn sóng tâm niệm Phật và âm thanh niệm Phật truyền độ rung động đến toàn thân một cách vi diệu, tác động rất tinh tế và nhẹ nhàng vào tất cả tế bào khiến rất dễ chịu có thể phát huy công năng tốt nhất, chỉ khi nào thân tâm buông thư mới có thể nhận ra được cảm giác dễ chịu này.

 Trong những năm gần đây, người ta đã nghiên cứu việc dùng âm nhạc để trị bệnh. Từng loại nhạc có khả năng trị liệu khác nhau, đó là điều mà các nhà khoa học đã chứng minh được qua thực tế lâm sàng. Ni sư Đạo Chứng, là một vị bác sĩ Tây y, cho rằng, so với âm nhạc thì việc niệm Phật được thực hành khi chúng ta mở rộng lòng từ, toàn thân buông thư niệm Phật theo âm vận nhất định thì tôi tin rằng còn hiệu quả hơn so với âm nhạc bình thường, bởi vì trong danh hiệu Phật đã hàm chứa tâm từ bi vĩ đại và trí tuệ thâm sâu cứu độ chúng sanh của Đức Phật. Đồng thời danh hiệu Phật cũng khai phát ánh sáng và năng lực công đức Phật tánh vốn có bên trong của chúng ta! Năng lực công đức này đương nhiên cũng bao gồm năng lực trị liệu tâm bệnh cả thân bệnh.

Đức Phật là người đã khám phá ra năng lượng Phật tánh của mình đến mức viên mãn. Khi chúng ta niệm danh hiệu Phật, Ngài cũng sẽ theo bản thệ nguyện của mình mà đến hướng dẫn giúp chúng ta diệt khổ để đạt đến cảnh giới an vui.

Cô bạn tu của tôi là một người đã từng đau khổ nhất khi chồng mất, trải qua một năm dài chìm sâu xuống đáy sâu tuyệt vọng tưởng như chỉ có cái chết mới có thể chấm hết được khổ đau. Nhưng thật may, người anh bên chồng đã giúp cô ấy vượt qua được bằng con đường hành trì niệm Phật. Tối nào cô cũng cầu siêu cho chồng ở chùa hoặc ở nhà riêng, cô đã niệm Phật A Di Đà không biết bao nhiêu biến, nhiều lắm! Trong các thời kinh Cầu siêu, kinh A Di Đà, kinh Địa Tạng, Lương Hoàng sám, v.v… cô đã rút ra được một điều:

“Muốn tâm của mình bình tĩnh, cách tốt nhất là niệm Phật, không rời câu niệm A Di Đà Phật. Không kể là gặp phải bất cứ sự đau khổ hay sung sướng như thế nào, cũng phải nên niệm A Di Đà Phật. Đây là phương pháp đơn giản dễ dàng thực tập, lại nhanh chóng giúp chúng ta bình tâm trở lại. Chúng ta quán tưởng ánh sáng từ bi và trí tuệ của Đức Phật chan hòa tràn đầy khắp thân tâm của mình thì sớm muộn gì sự đau khổ cũng sẽ biến mất. Quá khứ đã qua rồi/Tương lai thì chưa đến/A Di Đà trì niệm/ Hiện tại nhất định vui”.

Bước vào tuổi 57 mới học Phật, nhờ cái duyên lành gặp đạo, cô đã chuyển hóa được khổ đau phiền não thành an vui trong thời gian rất ngắn hành trì niệm Phật. Hàng ngày cô chăm chút vườn lan đến cả nghìn chậu, vừa chăm bón, cô vừa hát kinh bằng câu niệm A Di Đà Phật trầm bổng rất hay và thỉnh thoảng còn ngâm câu thơ nhại theo của ai đó: “Giả sử ngày mai tận thế/Đêm nay lan vẫn nuôi trồng/Bình tâm ngắm ánh trăng trong/Hát kinh A Di Đà Phật”. Cô bạn tu nói là rất tiếc không tu sớm. Người đời có câu “Tu mau kẻo trễ!” nhưng không sao, vấn đề không ở chỗ là sớm hay muộn, mà khi bạn gặp phải khổ đau chướng ngại, bạn có gặp được thầy dạy cho cách “Đập nát hư không tìm lối thoát/Cài then mộng mị tỏ đường về”.

Lối thoát đó là đường trở về với Bụt, con đường có hương hoa thơm ngát. Để không phải lạc lối giữa bể khổ trần gian này thì người con Phật luôn gọi đúng danh hiệu Ngài. A Di Đà Phật, âm ba vi diệu nhất.

 

Lê Đàn

http://giacngo.vn/tuvansongdao/songdao/2012/12/16/3BC210/

Âm lịch

Ảnh đẹp