Pháp môn Niệm Phật chẳng có gì là lạ lùng, đặc biệt cả. Chỉ cốt
yếu là tin sâu, tận lực hành trì mà thôi. Phật dạy: “Nếu ai chỉ niệm A
Di Ðà Phật thì gọi là vô thượng thâm diệu thiền”. Ngài Thiên Thai nói:
“Bốn thứ tam muội, cùng tên Niệm Phật, Niệm Phật Tam Muội là vua trong
các tam muội”.
Ngài Vân Thê nói: “Một câu A Di Ðà bao trùm tám giáo,
nhiếp trọn năm tông”.
Tiếc rằng người đời nay nghĩ pháp Niệm Phật
là tầm thường, thiển cận, cho là công phu của hạng ngu phu, ngu phụ. Ðó
là vì tín chẳng sâu, hành cũng chẳng tận sức, suốt ngày lơ là, tịnh
nghiệp chẳng hề đạt được. Dù có ai khéo bày phương tiện, muốn cho họ
hiểu rõ môn tam muội này, nhưng cứ hễ động tới, họ liền cho rằng tham
cứu chữ “ai” (ai là người niệm Phật) mới là hướng thượng, nào biết đâu
cái tâm năng niệm – sở niệm hiện tiền vốn tự vượt khỏi những đối đãi,
phân biệt, chẳng mảy may tác ý rời lìa hay tuyệt dứt cái gì. Tức là một
câu Phật được ta niệm này đây cũng vốn tự vượt ngoài tình thức, lìa khỏi
mọi phân biệt, phán đoán, nào phải còn nhọc nhằn đàm huyền thuyết diệu
nữa ư?
Cốt sao tin cho đến nơi, giữ cho ổn, thẳng một bề mà niệm. Hoặc là
suốt ngày đêm niệm mười vạn, hoặc năm vạn, ba vạn, lấy số câu quyết định
chẳng thiếu làm chuẩn. Trọn cả đời này, thề chẳng biến cải. Nếu chẳng
được vãng sanh thì tam thế chư Phật đều là nói dối. Một phen được vãng
sanh sẽ vĩnh viễn chẳng thoái chuyển; các thứ pháp môn đều được hiện
tiền.
Kỵ nhất hôm nay Trương Tam, ngày mai Lý Tứ. Gặp người bên
Giáo, bèn toan tầm chương trích cú. Gặp kẻ bên Tông những mong tham cứu
vấn đáp. Gặp người trì luật bèn toan đắp y, trì bát. Ðấy chính là kẻ
chẳng hiểu mối đầu, chẳng tường gốc ngọn. Ðâu biết rằng niệm A Di Ðà
Phật đến thuần thục thì những giáo lý chí cực của Tam Tạng mười hai bộ
kinh cũng đều nằm trong ấy cả. Một ngàn bảy trăm công án, mấu chốt hướng
thượng cũng nằm trong ấy cả. Ba ngàn oai nghi, tám vạn tế hạnh, Tam Tụ
Tịnh Giới đều nằm trong ấy cả.
Chân thật niệm Phật, buông bỏ thân
tâm, thế giới xuống, chính là Ðại Bố Thí. Chân thật niệm Phật, chẳng
khởi tham, sân, si nữa, chính là Ðại Trì Giới. Chân thật niệm Phật,
chẳng quản thị phi, nhân ngã, chính là Ðại Nhẫn Nhục. Chân thật niệm
Phật, chẳng mảy may gián đoạn, lai tạp, chính là Ðại Tinh Tấn. Chân thật
niệm Phật, chẳng đuổi theo vọng tưởng nữa, chính là Ðại Thiền Ðịnh.
Chân thật niệm Phật, chẳng bị lầm lạc bởi những trò ngoắt ngoéo của
người khác, chính là Ðại Trí Huệ.
Hãy thử kiểm điểm: Nếu còn chưa
thể buông thân tâm, thế giới xuống, tham – sân – si vẫn còn tự hiện
khởi, thị phi – nhân ngã vẫn còn tự ôm giữ, gián đoạn – lai tạp còn chưa
trừ sạch, chưa vĩnh viễn diệt hết chuyện rong ruổi theo vọng tưởng, các
thứ trò ngoắt ngoéo của người khác vẫn còn lung lạc được mình thì chưa
phải là niệm Phật chân thật.
Muốn đạt đến cảnh giới Nhất Tâm Bất
Loạn thì cũng không có thuật chi khác. Cách hạ thủ ban đầu hết là phải
dùng xâu chuỗi để nhớ số cho phân minh; khắc định khóa trình, quyết định
chẳng thiếu. Nếu là kẻ Sơ Tâm mà thích bàn chuyện Khán Thoại Ðầu, muốn
chẳng chấp tướng, muốn học viên dung tự tại thì nói chung là hạng tin
chẳng sâu, hành chẳng tận sức. Dù có giảng được mười hai phần giáo, hạ
được một ngàn bảy trăm câu Chuyển Ngữ cũng chỉ là chuyện bên bờ sanh tử;
đến lúc lâm chung, hoàn toàn vô dụng. Hãy trân trọng!
Trích: Ngẫu Ích Đại Sư Pháp Ngữ - Đường Về Cói Tịnh
http://www.thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=6133