Thiền Phật giáo là gì ?


Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 48 | Lời Phật trong đời sống | Hoang Phong
11/10/2017 16:25 (GMT+7)
Số lượt xem: 1990
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


thien-phat-giao

Chắc chắn bài viết ngắn này không thể nào giải đáp thỏa đáng cho câu hỏi Thiền Phật giáo là gì, và cũng không đủ để tóm lược, dù thật đơn giản, các phương cách tu tập tâm linh thâm sâu và bao quát của Phật giáo. Bài viết chỉ nêu lên vài định nghĩa sơ lược và một vài nét chính giúp tìm hiểu Thiền Phật giáo…

 

Ngữ pháp và định nghĩa của Thiền

Thiền, gốc tiếng Phạn và Pàli là Bhavana, có nghĩa là “sự luyện tập”. Kinh sách gốc Hán và Hán-Việt dịch khá đúng chữ Bhavanalà Tu hay Tu tậpBhavana dịch sang tiếng Tây Tạng là “tập cho quen dần”. Kinh sách Tây phương lại dịch chữ này là Meditation, có nghĩa là “suy tư” “trầm tư”, quả thật không sát nghĩa chút nào cả. Kinh sách gốc tiếng Việt và Hán thường nhầm lẫn Bhavana với Dhyana(tiếng Phạn) và Jhana (tiếng Pàli). Dhyana và Jhana có nghĩa là định, nhất tâm, hoặc còn dịch âm là thiên-na…

Do cách dịch không sát nghĩa và lầm lôn với các chữ khác làm cho Thiền, đối với một số người, đôi khi trở thành một thứ gì thật khó hiểu và bí hiểm (?). Một cách vắn tắt, nên hiểu Thiền là sự tu tập, tập luyện. Nhưng tập luyện cái gì? Tập luyện tâm thức. Đó là cách nhìn về bên trong, giúp tìm hiểu bản chất đích thực của tâm thức để điều chế tâm thức, đi xa hơn một chút là nhìn thấy bản thể đích thực của hiện thực để đi đến Giác ngộ.

Tại sao lại phải điều chế tâm thức? Vì tâm thức luôn luôn bị kích động bởi những cảm nhận là những xúc cảm phát sinh từ vô minh. Cảm nhận và xúc cảm chuyển thành ngôn ngữ và hành vi. Ngôn ngữ và hành vi có tác ý tạo ra nghiệp. Trên đây là tóm lược cái vòng luẩn quẩn của Thập nhị nhân duyên trói buộc chúng sinh trong luân hồi. Khắc phục tâm thức đòi hỏi sự tập luyện hay tu tập lâu dài. Tu tập hay tập luyện để tịnh hóa tâm thức, hóa giải những tư duy xúc cảm bấn loạn và những cảm nhận sai lầm về mọi hiện tượng và biến cố chung quanh. Tu tập hay tập luyện như thế gọi là Thiền. Thiền để nhìn thấy tính cách vô ngã của tâm thức (tánh Không), nhìn thấy tính cách biến động (vô thường) của mọi vật thể và biến cố, nhìn thấy dạng thể trói buộc và lệ thuộc của mọi hiện tượng (duyên sinh, duyên khởi) qua bản chất tương liên, tương tục của chúng (tánh Không).

Nhìn thấy ở đây có nghĩa là nhìn thấy tánh Không của tâm thức, nhìn thấy mọi vật thể và mọi biến cố không hàm chứa bất cứ một hiện hữu nội tại hay tự tại nào cả, chúng chỉ hiện hữu bằng cảm nhận quy ước, xuyên qua hiện tượng tương liên, tương tác giữa các nguyên nhân và điều kiện. “Nhìn thấy” như vậy là kết quả do tu tập và tập luyện tâm thức đem đến, tức là kết quả của Thiền. Kết quả đó chính là sự Giác ngộ.

Chỉ có vậy, nhưng kinh sách cũng nhắc nhỡ ta rằng Giác ngộ, phải vượt hết “ba thời gian vô tận và vô biên” cần thiết cho việc tu tập. Lời nhắc nhở ấy có nghĩa là gì? Nó gián tiếp cho ta biết là con đường tu tập tâm linh rất dài và rất cam go, đừng tưởng rằng khi thiền định ta quán nhận được một vài ảo giác nào đó có nghĩa là ta đã “giác ngộ”.thien-phat-giao-

Vị trí của Thiền trong các học phái Phật giáo

Hầu hết các tông phái và học phái Phật giáo đều dùng Thiền làm căn bản cho việc tu tập. Chỉ trừ một vài tông phái như Tịnh Độ nhấn mạnh vào tín tâm (tín, hạnh, nguyện) và phương thức trì tụng làm căn bản. Tịnh Độ  phát triển trong các vùng Viễn Đông như Nhật Bản, Trung Quốc và Việt Nam, người tu tập đặt hết lòng tin nơi vị cứu khổ là Đức Phật A Di Đà, ngự ỏ Tây phương Cực lạc. Ngài cứu độ và tiếp dẫn chúng sinh đến mảnh đất phúc hạnh của Ngài.

Các học phái Phật giáo khác, từ Nam tông, Bắc tông cho đến Kim Cương thừa đều hướng sự tu tập vào con đường cải thiện tâm linh, con đường ấy gồm có ba khía cạnh hay ba chặng đường xếp theo thứ tự rõ rệt như sau: tu tập về đạo hạnh (Tu hạnh= shila), tu tập để phát huy sự tập trung tâm thức (Tu định, Nhất tâm, Thiền na= dhyana) và sau hết là tu tập để quán thấy quá trình chi phói sự hiện hữu của ta (Tu tuệ=prajna). Sự quán thấy này không phải đơn giản chỉ là sự hiểu biết, nhưng đúng hơn là cách cảm nhận trực tiếp bằng trực giác, không xuyên qua sự suy luận, lý trí và tri thức. Sự cảm nhận ấy còn gọi là tuệ giác, và tuệ giác là mụcđích tối thượng của việ tu tập.

Một vài hiểu biết sai lầm hay khiếm khuyết thường gặp về Thiền ở Tây phương

Trong lịch sử, người Tây phương thường hiểu sai về Thiền, họ xem Thiền là phương cách để trút bỏ tất cả những gì trong đầu, trút bỏ mọi bấn loạn và tư duy, tạo ra sự trống không trong tâm thức. Theo họ, Thiền là cố gắng lắng sâu vào một cảnh hư không của nội tâm, vượt thoát khỏi thế giới biến động chung quanh. Khái niệm về trống không trên đây dẫn đến một cực đoan tức là chủ nghĩa hư vô, hoàn toàn không phải là đạo Phật. Một vài triết gia Tây phương thuộc thế kỷ XIX và cả hiện nay đã hiểu phiến diện các khái niệm của Phật giáo về tánh Không của tâm thức (vô ngã của cái Tôi) và của mọi vật thể và biến cố (vô ngã của mọi hiện tượng) để dẫn đến những suy diễn lệch lạc. Thiền không phải là cách trút bỏ những gì trong đầu để tạo ra một khoảng trống không cho tâm thức. Chuyện đó không thể thực hiện được, tâm thức là một chuỗi dài liên tục của những khoảnh khắc đơn vị thời gian nối tiếp nhau không gián đoạn và ngưng nghỉ. Thiền là cách tìm hiểu và xử lý tư duy cũng như những xúc cảm bấn loạn hiển hiện trên dòng tiếp nối liên tục đó, để đạt đến một thể dạng trong sáng của tâm thức giúp thực hiện sự hiểu biết siêu nhiên về bản thể đích thực của vạn vật, vượt lên trên những cảm nhân nhị nguyên và quy ước thông thường.

Một số người Tây phương cũng hiểu lầm Thiền là một phương pháp đem đến sự an bình, tạo ra một không gian bình lặng cho tâm thức giữa những tranh chấp và biến động của thế giới ngày nay, họ xem Thiền như một viên thuốc mầu nhiệm làm hạ bớt những bấn loạn trong tâm thức, giống như một viên thuốc aspirine làm hạ cơn sốt và giảm đau tạm thời. Đây là một cách hiểu hạn hẹp và thiển cận. Nên hiểu rằng mục đích tối thượng của Phật giáo là đưa con người và tất cả chúng sinh đến Giác ngộ và Giải thoát, không có một học phái nào hay một tông phái nào của Phật giáo chủ trương cách thức tu tập làm tê liệt tâm thức,. làm cho tâm thức trở nên bất động và vô cảm. Trái lại Phật giáo khuyến khích phát huy một tâm thức tích cực, bén nhạy, trong sáng và cường lực để quán thấy bản chất của hiện thực.

Thân thể và tâm thức

Thân thể giữ một vai trò then chốt trong việc thiền định. Mặc dù Thiền là một cách tu tập nội tâm, nhưng lại dựa vào một tư thế đặc biệt của thân thể, gọi là tư thế ngồi thiền. Tư thế thông thường nhất là tư thế kiết già hay còn gọi là tư thế hoa sen: hai chân chéo vào nhau, bàn chân này gác lên đùi của chân kia và ngược lại. Nếu không ngồi tréo chân được nhưthế, thì chỉ cần một bàn chân gác lên đùi của chân kia cũng được, tư thế này gọi là bán già. Lưng giữ thẳng, hai bàn tay để giữa ở vị trí trước bụng nơi chỗ trũng giữa bụng và hai chân, bàn tay phải đặt trên bàn tay trái, hai ngón cái chạm nhẹ vào nhau. Hai vai ở tư thế tự nhiên, không rút lên cổ cũng không buông thõng, mặt hơi nhìn xuống, mắt hé mở. Tư thế đó giúp người hành thiền ngồi được lâu trog tư thế bất động, không phải cố gắng nhiều. Hãy quan sát một bức tượng Phật sẽ thấy rõ tư thế vừa mô tả. Tâm thức dao động và biến đổi không ngừng, năng động hơn thân thể, nếu không đủ sức giữ cho thân bất động thì làm sao kiểm soát được tâm thức. Tâm thức và thân thể luôn luôn tương tác với nhau. Khi ngồi thiền, tâm thức không phóng ra bên ngoài mà hướng vào bên trong.

Tư thế ngồi thiền như thế đã có từ rất lâu đời, trước khi có Phật giáo, nhiều bức tượng nhỏ trong thế ngồi tréo chân đã được các nhà khảo cổ tìm thấy ở Ấn Độ, dọc theo con sông Indus, những bức tượng nhỏ đó thuộc những nền văn minh rất cổ, cách nay đã ba nghìn năm. Tư thế ngồi thiền như thế không thay đổi cho đến ngày nay, các nhà sư trên Hy Mã Lạp Sơn, nơi quần đảo Nhật Bản cho đến các quốc gia Đông Nam Á, đều giữ nguyên tư thế thiền định đó. Ngày nay, người Tây phương cũng ngồi thiền, con số này càng ngày càng đông.

Rất nhiều trường phái Phật giáo cũng chủ trương tập thiền bằng cách đi, còn gọi là thiền hành. Nhiều di tích tu viện Phật giáo được các nhà khảo cổ khám phá gần đây ở Ấn Độ cho thấy những khu vực được dành riêng để thiền hành. Tuy nhiên không phải luyện tập tâm thức bằng cách ngồi và cách đi mới gọi là Thiền; nếu xem Thiền là một phương cách chú tâm cao độ giúp đạt được sự quán thấy siêu nhiên, thì Thiền có thể thực thi bất cứ lúc nào, bất cứ ở đâu và bất cứ đang làm việc gì. Thiền ở dạng thể này giúp duy trì tâm thức trong khoảnh khắc hiện tại, không thả lỏng tâm thức để quay ngược về quá khứ, cũng không phóng nhìn về tương lai. Dù sao tư thế ngồi vẫn là tư thế tốt nhất.

Thiền và tâm thức

Chủ trương của Phật giáo là tìm hiểu bản chất của tâm thức và thực thể của vạn vật để tu tập nhằm giải thoát và giác ngộ. Bản chất của tâm thức và thực thể của vạn vật là vô ngãcủa con người và vô ngã của vạn vật, tức tánh Không. Muón đạt được sự hiểu biết này phải tu tập cùng lúc vừa tâm thức và thân xác. Chỉ có sự phối hợp giữa tâm thức và thân xác mới có thể đạt được sự quán thấy bàng trực giác, tức quán thấy một cách trực tiếp và phi lý luận về thực tại, vượt lên trên lý trí và mọi phán đoán.

Cách tập luyện chú tâm vào hơi thở là cách tập luyện lâu đời và xưa nhất, trước cả Phât giáo. Nhiều truyền thống ngoài Phật giáo cũng sử dụng cách tập luyện này. Người tu tập chú tâm vào sự chuyển động của hơi thở: thở vào, thở ra. Chỉ cần theo dõi, quan sát hay đếm và ghi nhận trong tâm thức hơi thở khi hít vào và khi thở ra. Sự chú tâm vào một chức năng sinh lý đơn giản như thế cũng đủ giúp người hành thiền quay trở về với chính họ, không để cho tâm thức bị xé nát và phân tán bởi những xúc cảm bấn loạn đủ loại.

Tại sao lại chú tâm vào hơi thở? Vì hơi thở là một biểu hiện sinh lý dễ nhận biết nhất của cơ thể, nếu tâm thức bị phân tán, người hành thiền có thể trở về với hơi thở một cách dễ dàng, vì hơi thở lúc nào cũng sẵn sàng và thường trực. Sau đó, sự tu tập về chú tâm có thể trải rộng hơn bằng cách ghi nhận sự tương tục của các niệm trong tâm thức, những cảm nhận v.v…

Chú tâm, canh chừng, phân tích những thứ ấy để nhận ra quá trình vô thường của chúng, tức tính cách cấu hợp, biến dạng và tan rã liên tục của chúng, đồng thời người hành thiền cũng bất chợt nhận ra sự tham dự trực tiếp của chính tâm thức họ và những xúc cảm của họ vào những quá trình đó. Khi nhận thức được như thế, người hành thiền sẽ không tham dự vào những thứ ấy nữa, không để cho tâm thức và cả thân xác mình biến thành con mồi hay món đồ chơi cho những biến động đó, họ đứng ra bên ngoài những quá trình của vô thường. Tóm lại, như thế gọi là Thiền và người hành thiền sống trong một dạng thể tỉnh thức, cởi bỏ mọi trói buộc của vô minh, tức các thể dạng u mê, vô tâm hay ý thức về hiện thực.

Thay lời kết

Bài viết này không có lời kết, mục đích chỉ gửi gắm một lời nhắc nhở thật nhỏ nhoi. Nếu ta tự cho là một người tu tập Phật pháp, nhưng không bao giờ Thiền, có nghĩa là ta đang tu tập bên cạnh, nếu không muốn nói là bên ngoài Phật pháp. Dù là trường hợp của một cư sĩ hay một Tỳ kheo, nếu họ không hiểu và chưa bao giờ biết Thiền là gì thì những danh xưng cư sĩ hay Tỳ kheo của họ không có ý nghĩa gì cả. Nếu họ tự nhận là Phật tử, thì ta nên nhìn họ với lòng từ bi bao la.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 48 | Lời Phật trong đời sống |  Hoang Phong


Âm lịch

Ảnh đẹp