05/11/2010 20:22 (GMT+7)
Số lượt xem: 4608
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong khoảng thời gian giảng dạy triết lý Phật Học tại đại học Muenchen, cứ mỗi khóa học tôi thường tổ chức một khóa thiền cho sinh viên Đức vào cuối tuần.

 Cứ một năm hai kỳ, một vào mùa hạ, một vào mùa đông -nay đã tròn được hai mươi năm- hơn mười năm đầu chúng tôi mời Thầy Thiện Châu (mấy năm sau thầy bị tai biến nên không đi lại thường xuyên được nên thôi không mời Thầy) sang hướng dẫn một buổi tọa thiền cho các sinh viên người Đức trẻ. Những năm ấy một thầy một trò người Việt khăn gói lên đường đi đến một làng nhỏ hẻo lánh hay trong vùng núi xa, hoặc cạnh một cảnh hồ yên vắng của vùng Nam nuớc Đức xa xôi, để chỉ cách cho những thanh niên thiếu nữ Tây Phương -mắt xanh mũi lỏ tóc vàng như các cụ xưa thường gọi- tập ngồi yên như Phật trong suốt hai ngày. Những khóa thiền ấy đối với tôi đã thành một buổi học hai chiều, tôi học ở Thầy Thiện Châu khi Thầy giảng và trả lời và tôi học nơi các sinh viên vốn có truyền thống văn hoá Ky Tô khác hẳn với ta, khi họ háo hức tìm tòi, thắc mắc, đặt thật nhiều câu hỏi, đưa ra thật nhiều vấn nạn về lời dạy của Đức Phật, về phương pháp ngồi Thiền cho đến khi họ ngồi yên được.

 

Những buổi học này nếu viết lại thì e là tốn quá nhiều giấy mực. Thầy Thiện Châu cũng thường hay nhắc tôi phải viết lại về các khóa Thiền để đăng báo, nhưng thật tình xét cho kỹ thì tạm thời tôi có thể gán cho mình hai chữ ham học, nhưng làm một nhà khoa học như kiểu các Bác Sĩ người Tây Phương sang Miến Điện để ghi lại không thiếu một mảy may chi tiết về những buổi quán tưởng (thở vào bao nhiêu phút, thở ra bao nhiêu phút, mạch đập trong lúc tọa thiền nhanh hay chậm) với một thiền sư thì tôi chắc chắn là không. Có lẽ thầy đã thất vọng vì cái chứng làm biếng viết lách của tôi. Nhưng

Trăng trên trời tròn như rứa viết làm sao được?

Nước trong hồ yên rứa mà tả răng cho xong?

Lá cây xanh non mỏng hơn cả hơi thở thì nói sao cho vừa?

Núi trong rừng đứng yên hơn bàn thạch thì sức hét nào chẻ được làm hai?

Khi Thầy vừa ngã bịnh không thể sang Đức hướng dẫn khóa Thiền, Thầy bảo trong điện thoại, những buổi ngồi Thiền với sinh viên Đức tựa như những giây phút bay lên niết bàn.

Hôm nay nhân ngày Phật Đản, ngồi yên quán tưởng Phật, nhớ đến những khóa thiền với Thầy Thiện Châu, nhờ Thầy mà tôi và sinh viên Đức đã đến gần được Đức Phật, đã biết lắng nghe tâm, xin gửi mấy bài thơ nhỏ làm lén trong lúc hay sau lúc tọa thiền, viết bằng tiếng Đức:

 

Quán tưởng 1

Sấm chớp

Chòng chành như lá sen

choàng tỉnh

giọt nước mưa tái sinh

long lanh.

Khóa Thiền 1

Đàm thoại

(Sau buổi ngồi Thiền im lặng, cùng sinh viên đi dạo trong rừng tuyết, sinh viên ném banh tuyết đùa vui, tiếng cười nói ròn rã, xóa hẳn sự ngỡ ngàng ban đầu của buổi tọa Thiền)

Trên cầu tuyết

những banh tuyết

tới tấp thành lời

Dạo đêm nhớ Hàn Mặc Tử

(Đêm đông lạnh buốt, trăng sáng ngời đến vỡ thủy tinh)

Ngay cả trong đêm đông

ả Hằng

vẫn đi tắm trần

nơi thác nước.

Suối mùa đông

Đừng để đóng băng

suối mãi miết

bỏ bờ tuyết giá

chảy mau.

Công án

Bờ rong rêu

nỗi lòng suối chảy

tuyết

trinh bạch

nằm nghe.

Quán tưởng 2

Mặt hồ ban mai

thở nhẹ

trong giờ tọa Thiền

bóng người và núi

chung nhau.

Viết về Thiền

ở nơi Người

cô đơn

trở thành

dược đơn

Cái ấy là

Chẳng

Thiền!

Trở  về với Thiền

chết khát vì ước ao

hao mòn vì tham ái

héo hon vì tình đời

tác hại và dại điên

ta trở lại

với Người

hớp ngụm

trà xanh.

Tọa Thiền khóa 2

Mặt trời thủy tinh

của mùa đông băng giá này

làm chín

cành tuyết nở hoa năm ngoái

thành

quá kim cương.

Dịch thơ này để tặng độc giả Chuyển Luân

Thái Kim Lan

[]

 

Nguon: http://chuyenluan.net/index.php?option=com_content&view=article&id=4825:ngoi-thien-voi-thay-thien-chau&catid=33:cl-s-17&Itemid=43


Âm lịch

Ảnh đẹp