25/11/2018 15:12 (GMT+7)
Số lượt xem: 1585
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Đa số chúng ta bước chân vào con đường tu học là vì muốn tìm một sự giải thoát nào đó, có thể là để chuyển hóa những khó khăn, khổ đau, hay có được một sự an lạc.


Nhưng thật ra, theo lời Phật dạy, thì những việc ấy chỉ là vấn đề phụ thuộc, có được một cái thấy sáng tỏ và như thực mới là điều quan trọng, còn vấn đề giải thoát hay chuyển hóa khổ đau chỉ là việc xảy ra theo luật tự nhiên. Như khi mặt trời mọc thì bình minh cũng sẽ xuất hiện thôi. Đức Phật gọi cái thấy như thực đó là chánh kiến.

Bản chất của hạt giống

Trong Tăng Chi Bộ Kinh, Phẩm Chủng Tử, có viết:

Ðối với người có cái thấy sai lầm, phàm mọi hành động của thân… mọi hành động của khẩu... mọi hành động của ý… đều được thực hiện theo cái thấy sai lầm ấy. Dầu có tư tâm sở nào, có quyết định nào, có ước nguyện nào, và có bất cứ hành động nào, tất cả pháp ấy sẽ đưa đến không được đón nhận, không khả ý, không hoan hỷ, đưa đến bất hạnh, đau khổ. Vì cớ sao? Vì đó là tánh bất thiện của tà kiến.

    Ví như, hột giống cây mướp đắng… được gieo vào đất ướt. Bất cứ vị gì nó lấy lên từ đất, bất cứ vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh đắng, tánh cay, tánh không lạc của nó. Vì cớ sao? Vì đó là tánh chất bất thiện của hột giống.

    Ðối với người có cái thấy chân thật, phàm mọi hành động của thân… mọi hành động của khẩu... mọi hành động của ý… đều được thực hiện theo cái thấy theo cái thấy chân thật. Dầu có tư tâm sở nào, có quyết định nào, có ước nguyện nào, và có bất cứ hành động nào, tất cả pháp ấy sẽ đưa đến được đón nhận, khả ý, hoan hỷ, đưa đến hạnh phúc, an lạc. Vì cớ sao? Vì đó là tánh hiền thiện của chánh kiến.

    Ví như, hột giống cây mía… được gieo vào đất ướt. Bất cứ vị gì nó lấy lên từ đất, Bất cứ vị gì nó lấy lên từ nước, tất cả vị ấy đều đưa đến tánh ngọt, thích ý, tánh ngon ngọt của nó. Vì cớ sao? Vì đó là tánh hiền thiện của hột giống.

Với một thái độ hoan hỷ và rộng mở.

 

Đức Phật đưa ra hình ảnh của một hạt giống để ví dụ về chánh kiến, một cái thấy chân chánh trên con đường tu học. Hình ảnh về hạt giống này rất hay. Hướng đi của ta, những bước chân của mình, con đường ta đi, nơi ta đến, tất cả đều được hướng dẫn bằng chính cái thấy ấy. Hạt giống cây mướp đắng thì gieo vào bất cứ nơi đâu, dầu thửa đất có tốt đến đâu, nó cũng sẽ chỉ thu nhận và phát huy những gì hợp với tánh đắng chát của nó. Và hạt giống của cây mía, thì trong hoàn cảnh, môi trường nào, nó cũng sẽ chỉ tiếp nhận những gì đưa đến sự ngọt lành mà thôi.

    Thật ra, chữ “chánh” ở đây không có nghĩa là đúng sai, mà thật ra có ý nói đến một cái thấy toàn vẹn (whole), quân bình (balanced), thích hợp (appropriate). Tôi nhớ có vị thiền sư dạy rằng nếu như ta nhìn thấy không rõ ràng và biết là mình thấy nhưng không rõ ràng, thì đó cũng vẫn là chánh kiến.

    Nếu như ta muốn đi tìm giải thoát, an lạc, hoặc muốn trở về với thực tại, nhưng ta thật sự không thấy rõ chúng là gì, và rồi cố gắng tạo nên một khuôn mẫu nào đó để đạt đến, đôi khi ta lại vô tình bị vướng mắc vào một cái thấy chủ quan và giới hạn. Dầu cho đó có thể là một khuôn mẫu rất đẹp.

    Tôi nghĩ, một cái thấy trong sáng bắt đầu bằng một thái độ hoan hỷ và cởi mở. Bạn còn nhớ về câu truyện của những người mù rờ voi trong kinh kể? Câu truyện ấy không phải nói rằng, vấn đề là do ở cái thấy của chúng ta bị giới hạn và sai lầm, nhưng vấn đề khởi lên là vì ta không thấy được điều ấy. Trong cuộc sống chắc chắn chúng ta cũng sẽ có một quan điểm, một nhận thức, một cái nhìn nào đó về vấn đề. Tôi nghĩ có lẽ Phật cũng không cấm chúng ta điều ấy. Nhưng khổ đau bắt đầu sinh khởi khi chúng ta cho rằng chỉ có cái thấy của mình mới là đúng và là duy nhất mà thôi.

Mặt trời tỉnh thức

 

Vì vậy, vấn đề không phải ở cái thấy của ta là “đúng” hay “sai”, nhưng ta cần ý thức rõ rằng cái thấy, quan niệm của ta đang ảnh hường đến lời nói, việc làm và kinh nghiệm sống của ta như thế nào? Chúng có giúp ta khám phá ra những gì là thực đang có mặt không, hay chúng chỉ là sự lặp lại theo những quan điểm hoặc thành kiến sẵn có?

    Trong kinh có câu truyện về một người thương gia có một đứa con duy nhất, và ông rất yêu thương. Trong một chuyến đi buôn bán xa, ông để đứa con nhỏ ở nhà một mình. Không may có một toán cướp vào lấy hết gia sản và đốt luôn căn nhà của ông. Khi ông trở về thì thấy một xác trẻ bị cháy đen. Ông tin chắc rằng đây là đứa con mình, ông đem thiêu và lấy tro bỏ vào một túi gấm, lúc nào cũng giữ bên mình. Nhưng thật ra đứa con ông vẫn còn sống. Một hôm nó thoát được và về lại căn nhà xưa. Đứa con đúng ngoài gõ cửa nhưng người cha không mở, ông không tin đó là đứa con yêu dấu của mình, và chỉ ôm chặt túi tro kia. Cuối cùng người con đành phải bỏ đi. Thật vậy, khi ta ôm chặt và cho một cái gì đó là sự thật rồi, thì dù chân lý có đến gõ cửa, ta cũng sẽ không cho vào.

    Con đường đức Phật chỉ cho ta để có một lối sống tự tại và an vui, được bắt đầu bằng một cái thấy chân thật. Nếu như ta có một cơn giận, một tham ái trong tâm, hoặc cảm giác khó chịu khi đối diện với một hoàn cảnh khó khăn... ta cần phải nhận thức được sự có mặt của chúng. Chúng đang ảnh hưởng đến ta như thế nào? Ta đang bị chúng sai xử ra sao? Chánh kiến là thấy rõ được những gì đang thật sự có mặt trong thân tâm ta.

    Và cái thấy như thật ấy sẽ đưa ta đến những bước kế tiếp, giúp ta suy nghĩ đúng với sự thật hơn, lời nói của ta được hay đẹp hơn, việc ta làm sẽ thiện lành hơn, và tâm ta cũng sẽ tự nhiên được an tĩnh hơn. Cái thấy ấy không phải là một thái độ thụ động, mà như mặt trời lên cao và tỏa sáng, với năng lượng của nó, những đóa hoa sẽ nở ra một cách tự động và tự nhiên.

Nguyễn Duy Nhiên

Âm lịch

Ảnh đẹp