Thỏa mãn ham muốn cũng là một dạng hạnh phúc,
nhưng chóng tàn và khó đạt đến, vì không phải lúc nào ta cũng đạt được những
ham muốn. Hơn nữa ham muốn này đạt được, sẽ nảy sinh ham muốn khác, đó là quy
luật của tâm lý, mải chạy theo ham muốn không có điểm dừng. Tìm hạnh phúc bằng
cách giới hạn các ham muốn chính là pháp thiểu dục tri túc của nhà Phật.
Thiểu dục tri túc, theo nguyên nghĩa, là ít
ham muốn - biết đủ. Pháp này thuộc lĩnh vực đạo đức, lối sống, là quá trình
thực nghiệm sâu xa của Đức Phật.
Trải qua sáu năm tu khổ hạnh bất thành, Ngài
đã từ bỏ, chuyển sang lối sống mới, không quá khắc khổ với bản thân, cuối cùng
chứng được Tam minh, giác ngộ thành Phật. Sự giác ngộ này về mặt nhận thức, là
xác chứng nguyên lý duyên khởi hình thành nên vũ trụ vạn tượng; về mặt giới
đức, là từ bỏ hai hình thái sống đam mê thác loạn trong dục vọng và khắc khổ
hủy hoại bản thân. Do đó, thiểu dục tri túc trước hết không phải là một chủ
trương mang tính khổ hạnh ép xác như có người lầm tưởng, mà chỉ là sắc thái sống,
hoàn toàn không phải giáo điều cứng nhắc trói buộc con người, vì nói biết đủ
chứ không nói bao nhiêu là đủ, cũng như nói ít ham muốn chứ không nói chừng nào
mới ít ham muốn. Cho nên thiểu dục tri túc là nhắm đến suy nghĩ bên trong chứ
không dựa vào hình thức vật chất bên ngoài.
Ít ham muốn, biết đủ là tùy hoàn cảnh và khả
năng của mỗi người. Chúng ta có khả năng chừng nào thì hãy bằng lòng với khả
năng đó. Ví dụ ta chỉ có khả năng mua được chiếc xe gắn máy, ta vui vẻ sử dụng
nó. Nếu ta ham muốn vượt quá khả năng của mình, sẽ tạo nên bất mãn. Vì vậy mỗi
người phải biết lượng tài sức của mình để quyết định ước muốn nhiều hay ít. Nếu
sức lực của mình không đủ mà suốt ngày cứ loay hoay đeo đuổi những mơ tưởng
điên rồ thì chắc chắn sẽ chuốc lấy những khổ não.
Tham muốn tạo điều kiện căn bản cho sự bất
mãn, vì dù đã có nhiều bao nhiêu đi nữa, ta vẫn luôn tìm cầu cho được nhiều
hơn, tốt hơn. Xã hội hiện đại chuyên khai thác lòng tham muốn và sự không thỏa
mãn này, và ta luôn nghe rằng các mốt thời trang năm trước đã lỗi thời, các vật
dụng năm trước đã lạc hậu. Nhưng chẳng mấy ai có khả năng mua được những thứ mà
họ nghĩ mình phải có. Ngay cả khi ta đã mua về rất nhiều thứ, nhưng rồi chúng
sẽ trở nên cũ kỹ hay hư hỏng. Hoặc đôi khi thấy người khác có cái này cái nọ,
ta cũng đua đòi cho “bằng chị bằng em”. Điều này có thể khiến cho ta phải luôn
bất ổn.
Trái lại, nếu ta tự nhủ, “những gì ta hiện có
đã là tốt lắm rồi”, thì trong lòng ta sẽ được thanh thản. Điều này không có
nghĩa là ta sẽ không bao giờ mua thêm những vật dụng mới hay là xã hội không
cần cải thiện về mặt công nghệ kỹ thuật nữa. Nếu ta có nhu cầu về một cái gì đó
hoặc kiểu vật dụng mới mang lại hiệu quả cao hơn, thì việc mua sắm chẳng có gì
là sai trái cả, miễn là ta có đủ tiền để mua. Nhưng dù ta có mua sắm được hay
không thì trong lòng ta vẫn thanh thản, vì ta sẽ luôn hài lòng với những gì
mình đang có.
Nếu có khả năng ta cứ tiêu xài theo nhu cầu
của mình, miễn đừng phung phí. Tiết kiệm cũng là cách sống thiểu dục tri túc.
Chúng ta mua sắm những gì thực sự thiết yếu, không mua sắm vì đua đòi, vì
để hơn người hay vì để khoe khoang. Khi
tiêu xài cái gì, hãy nghĩ đến những người đang còn khó khăn và thiếu thốn, để
tiết chế hành động phung phí của mình.
Có lần Đức Phật nhận lời mời về thọ trai tại
tư gia của một vương tử giàu có, ông tên Bồ-đề (Bodhi). Bồ-đề sung sướng, dọn
dẹp nhà cửa sạch sẽ và trang hoàng thật lộng lẫy. Ông trải một tấm vải trắng từ
trong nhà ra ngoài ngõ để cung đón Đức Phật. Khi Ngài đến, đích thân vương tử
Bồ-đề ra nghinh đón, nhưng đến trước tấm vải, Đức Phật dừng lại, ba lần Bồ-đề
thỉnh Ngài bước vào, Ngài đều im lặng đứng yên, mắt nhìn Tôn giả A-nan. Hiểu ý
Phật, Tôn giả A-nan đến nói với vương tử Bồ-đề xin cuốn tấm vải cất đi. Đức
Phật không bước lên vì Ngài nghĩ về những người nghèo khó, thiếu ăn thiếu mặc.
Hành động cao cả này của Đức Phật dạy cho ta bài học về tránh lãng phí.
Biết hài lòng với những gì mình đang có là
một phẩm chất không thể thiếu trong cung cách sống yêu thương, san sẻ mình vì
mọi người. Khi tham muốn thôi thúc, ta không có tinh thần vị tha đích thực, đơn
giản vì ta không thể chia sẻ điều mình ước muốn cho người khác. Ví dụ tham muốn
có chiếc ô-tô, cố sức gom góp cho đủ tiền, thì khi gặp mối lợi lộc, ta khó chia
sẻ cho người khác, vì ước muốn có chiếc xe thôi thúc ta phải tích cóp cho đủ số
tiền càng nhanh càng tốt. Vậy nên ở đâu có tham muốn, ở đó có ích kỷ. Ở đâu
không có tham muốn ở đó có vị tha. Với tâm tham muốn ích kỷ, bạn đang trải
nghiệm khổ đau và gây ra khổ đau. Với tâm hài lòng biết đủ, bạn đang trải nghiệm
hạnh phúc và trao tặng hạnh phúc.
Xã hội luôn ngợi ca, vinh danh những người có
ý chí phấn đấu và khát vọng làm giàu. Điều này hoàn toàn không trái ngược với
tinh thần thiểu dục tri túc, vì đây là những khát vọng, ước muốn tích cực, làm
giàu bằng sự vượt khó, cần cù, thông minh và sáng tạo. Trong kinh Tăng Chi,
Đức Phật khuyến khích chúng ta làm giàu với bốn lý do cao thượng: Tạo sung túc
cho bản thân và gia đình, giúp đỡ người thân và bạn bè, hỗ trợ những người khó
khăn bất hạnh, cúng dường các vị tu hành.
Như vậy, nỗ lực làm giàu không những mang lại
lợi ích cho bản thân mà còn góp phần tạo phúc lợi cho xã hội. Thực tế những
doanh nhân là những người đóng vai trò chính trong việc tạo ra phúc lợi xã hội,
họ còn tạo ra công ăn việc làm cho nhiều người, góp phần thúc đẩy xã hội phát
triển giàu mạnh.
Trong cuốn Câu chuyện nhỏ, đạo lý lớn,
có câu chuyện thế này:
Một người chủ giàu có nhìn thấy một thợ câu
cá đang nằm lười biếng cạnh thuyền câu, mồm ngậm tẩu thuốc. Người chủ hỏi:
- Tại sao anh không làm việc?
- Vì tôi đã câu đủ cho hôm nay rồi.
- Thế tại sao anh không câu thêm vài con nữa?
- Câu thêm thì tôi sẽ làm gì với chúng?
- Anh có thế kiếm thêm tiền, với số tiền đó,
anh có thể mua một cái động cơ mới cho chiếc thuyền của mình, rồi đi đánh cá ở
vùng biển xa hơn. Anh sẽ đánh bắt được nhiều cá hơn và kiếm nhiều tiền hơn nữa.
Sau đó, anh có thể mua thêm một chiếc thuyền nữa, thuê một đội đánh bắt đi theo
mình. Và anh sẽ trở nên giàu có, giống tôi.
- Và, khi đó tôi sẽ làm gì?
- Anh có thể thảnh thơi tận hưởng cuộc sống,
làm những gì mà anh yêu thích.
- Vậy, ông nghĩ tôi đang làm gì đây? - Người
thợ câu ngước nhìn và hỏi.
Câu chuyện thường được trích dẫn để nói lên
tinh thần thiểu dục tri túc, nhưng tôi nghĩ chưa phải là tinh thần tri túc toàn
hảo, đó chỉ là phiến diện và có tính cực đoan, vì thiểu dục tri túc không cổ vũ
cho sự ích kỷ, chỉ nghĩ đến hưởng thụ bản thân. Thiểu dục tri túc cũng không
đồng nghĩa với lười biếng, thiếu nỗ lực phấn đấu. Nếu ta cảm thấy đủ cho bản
thân thì vẫn phấn đấu vì những mục đích cao thượng khác là giúp đỡ người thân
và bè bạn, hỗ trợ những người khó khăn bất hạnh, cúng dường các vị tu hành như
bài kinh ta vừa đề cập ở trên.
Nỗ lực làm giàu bằng đôi tay và khối óc với
những mục đích cao thượng như thế đáng để vinh danh và ca ngợi. Điều đáng nói
là có những người dư thừa mọi thứ nhưng lại luôn cau có lo âu, lắm khi lại than
thở, cầu cạnh người khác để cầu xin thêm. Đêm ngày không ngủ được, lo nghĩ đến
trăm mưu ngàn kế để đạt cho được điều đã ước mong, có rồi còn ưng có thêm, mong
cầu này dù có đạt được lại kéo thêm mong muốn mới, một sinh hai rồi sinh ba,
sinh bề bộn tạo nên tâm trạng rối bời. Người tham lam như vậy làm sao an tịnh
được tâm hồn để vui hưởng cuộc sống, hướng đến tha nhân?
Có đôi vợ chồng ở dưới núi Phổ Đà làm nghề
đốn củi, cuộc sống rất nghèo khó. Một hôm người chồng đào được ở dưới gốc cây
một tượng La-hán bằng vàng! Gia đình ông trở nên sung túc giàu có.
Thế nhưng ông vẫn chưa thỏa mãn, suốt ngày
cau có buồn bã, người vợ thấy vậy bèn hỏi: Bây giờ cái ăn, cái mặc chúng ta đã
không thiếu lại có vườn tược tốt và nhà cao cửa rộng, sao trông ông lại còn
buồn bã như vậy?
Người chồng bực tức quát: Bà là đàn bà biết
gì chứ! Mười tám tượng La-hán mà tôi chỉ lấy được có một tượng mà thôi. Vậy
mười bảy tượng La-hán còn lại được cất giấu ở đâu? Làm sao tôi có thể an tâm
được chứ?
Người chồng tham lam cuối cùng sinh bệnh và
chết với nỗi buồn đó. (Câu
chuyện nhỏ, đạo lý lớn của Nguyệt Hòa)
Nếu không biết hài lòng với những gì mình đang có, chúng ta không có khả
năng sống hạnh phúc trong hiện tại. Frederick Koening nói: “Chúng ta thường hay
quên rằng hạnh phúc không phải do ta đạt được cái chúng ta không có, mà đúng
hơn là do ta nhận biết và trân trọng những gì chúng ta đang có”. Hãy quay về
với hiện tại và biết bằng lòng với những gì mình đang có là pháp sống mang lại
hạnh phúc đích thực!