24/04/2012 21:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 104238
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 Nhẫn là một trong sáu Ba-la-mật, nhưng cũng hàm chứa trong các Ba-la-mật kia. Không có Nhẫn thì không thể thực hành trọn vẹn hạnh Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Ngài Marpa, thầy của Milarepa, nói rằng Nhẫn là Ba-la-mật lớn lao và khó khăn nhất.


Nhẫn: Một nhu cầu của thời đại

Đọc tin tức hàng ngày, chúng ta thấy không hiếm những chuyện dường như không đáng đã đưa đến những hậu quả nghiêm trọng ngoài ý muốn, có khi làm sụp đổ cả tương lai đáng lý tươi sáng của một người hay nhiều người, tạo nên sự bứt rứt ở lòng người và nỗi bất an trong xã hội. Một cái nhìn bị cho là “đểu”, một phút hờn ghen, một cái nói thật lòng cũng có thể nảy sinh hiềm khích đưa đến đâm chém, sát hại lẫn nhau.

Chúng ta đang sống trong một thế giới vội vã, thúc bách, đòi hỏi sự phấn đấu và cạnh tranh cao độ để sinh tồn. Mỗi ngày đều có những sự việc xảy ra làm cho chúng ta căng thẳng, đưa đến tâm trạng muốn gây hấn. Ở sở thì bị sức ép của công việc, của đồng nghiệp, của khách hàng. Ra ngoài thì tranh nhau từng tấc đường, chịu đựng những tiếng còi, tiếng động chói tai trong môi trường nóng nực, bụi bặm, với những cảnh tượng không thuận mắt… Về nhà thì quần quật với việc nhà, với con cái, có khi còn mang theo công việc từ sở về để giải quyết… Dù được trang bị với những phương tiện nhanh chóng chưa từng thấy trong quá khứ, đời sống của con người ngày nay lại bận rộn hơn lúc nào hết.

Nói chung, chúng ta đang sống trong một thế giới không có sự dừng nghỉ. Một năm mấy tuần phép cũng chưa chắc hoàn toàn thuộc về chúng ta. Tâm tư chúng ta hầu như không có được phút giây hoàn toàn xả bỏ, hoàn toàn buông gánh. Sự nóng nảy, tâm gây hấn dường như nằm sẵn đâu đó trong chúng ta, chờ có dịp là bung ra. Và đó cũng là nguyên nhân lớn nhất đem đến những hậu quả không vui, có khi nghiêm trọng, cho chúng ta và cho người khác.

Ông bà ta xưa thường nói “sai một ly đi một dặm”. Và trong cuộc sống chạy đua với thời gian như ngày nay, cái “sai một ly” kia rất dễ xảy ra. Do đó, Nhẫn là một đức tính rất cần thiết trong môi trường sống ngày nay, chẳng riêng trên một đất nước nào. Hiện tại ở các nước phương Tây, những chương trình về kiểm soát nóng giận (anger management) đang rất được quan tâm. Và phương Đông đã đem đến cho họ những phương pháp hiệu nghiệm, được họ hưởng ứng mạnh mẽ, đặc biệt là Yoga và Thiền chánh niệm, mặc dù mục đích của Yoga và Thiền không phải chỉ dừng lại ở chỗ giải quyết nóng giận, căng thẳng.

Nhẫn trong văn hóa và cách sống người Việt

Thật ra, đức Nhẫn không xa lạ trong truyền thống ứng xử của người Việt chúng ta. Từ xưa, các đức tính như cần cù, nhẫn nại, hy sinh, chịu thương chịu khó, ôn hòa khiêm cung, cởi mở, bao dung… đã được coi là những đức tính trân quý của người Việt. Không người Việt nào lại không cảm thấy gần gũi với hình ảnh “thân cò lặn lội bờ sông của những người mẹ, người vợ, người cha. Những hiền phụ như cụ bà Thái Thị Huyền, vợ của cụ Phan Bội Châu, được nhắc đến trong bức thư cụ Phan gởi cho con, chắc chắn không phải là hiếm trong xã hội của ta xưa. Những câu cách ngôn, tục ngữ như “Một câu nhịn, chín câu lành”, “Lời nói không mất tiền mua, lựa lời mà nói cho vừa lòng nhau”… đã trở thành những nguyên tắc ứng xử phổ biến trong xã hội. Và con em người Việt ngày nay thành công trên khắp thế giới trong nhiều lĩnh vực phần lớn là nhờ ý chí vượt khó, tính nhẫn nại, cần cù, chịu đựng có sẵn trong huyết quản.

Ông cha ta thấy rất rõ tầm quan trọng của Nhẫn trong đời sống. Cho dù những người gần gũi, thân mật nhất như vợ chồng cũng cần giữ đức Nhẫn trong cuộc sống chung. Chữ “nhẫn” được dùng để đặt tên cho vật làm tin trong hôn nhân, nói lên việc coi cách ứng xử xây dựng trên tinh thần Nhẫn là nền tảng trong việc giữ gìn hòa khí, tạo lập một gia đình yên vui, hạnh phúc, cơ sở cho một xã hội ổn định và vững mạnh.

Nói chung, Nhẫn là một tính cách đã ăn sâu trong đời sống của người Việt tựu thành qua nhiều ngàn năm. Và điều đáng nói là đức Nhẫn này đã làm cho đời sống trở thành có ý nghĩa và đáng sống hơn. Nhẫn, xa hơn sự chịu đựng để thắng vượt những khó khăn, còn là cách sống đẹp và chất liệu tạo ra cái đẹp cho đời sống. Nó đã tạo ra phong cách sống an nhiên, tự tại mà chúng ta thấy nhiều qua các bậc cha ông. Dù nơi một vị tướng năng động như cụ Nguyễn Công Trứ, nhà chính trị kiệt xuất như cụ Nguyễn Trãi, đến bậc thi sĩ tài hoa và đa đoan như cụ Nguyễn Du, chúng ta cũng không thể không nhìn ra tính chất an nhiên, lắng đọng trong đời sống của các cụ.

Đức Nhẫn của dân tộc ta có lẽ đã được tựu thành từ đời sống nông nghiệp cộng với niềm tin nhân quả và tinh thần giải thoát của đạo Phật. Sống thuận theo sự tuần hoàn thay đổi của thiên nhiên và luật nhân quả, những quy luật khách quan của vũ trụ mà ông cha ta gọi chung là trời, đã tạo cho người Việt một triết lý sống an nhiên, khế hợp với tinh thần an hòa và giải thoát của đạo Phật.

Nhẫn trong đạo Phật

Đạo Phật đã đến với đất nước chúng ta từ rất sớm và hạnh Nhẫn của đạo Phật vì vậy cũng được đem đến cho dân tộc ta rất sớm. Theo đạo Phật, Nhẫn là một trong sáu hạnh của Bồ-tát, những người có nguyện lớn làm lợi ích cho tất cả chúng sanh trên con đường tiến đến giải thoát cứu cánh, tức quả vị Phật.

Hạnh Nhẫn này đã được giới thiệu để định hướng nếp sống, vẽ ra mẫu mực đạo đức cho xã hội của chúng ta được thể hiện trong Lục Độ Tập kinh ra đời cách nay gần hai ngàn năm.

Trong Lục Độ Tập kinh, Nhẫn được diễn tả như sau:

“Thà chịu nước sôi lửa bỏng, tàn khốc, băm làm mắm đau khổ, chứ không sân giận gây thiệt hại cho chúng sanh. Phàm nhẫn điều không thể nhẫn là gốc của muôn phước. Từ khi hiểu biết như vậy về sau, đời đời thường làm nhân từ” (Lê Mạnh Thát – Khương Tăng Hội toàn tập)

Cũng trong sách này, ở truyện 48, chúng ta được đọc bài kệ nói về đức Nhẫn:

Tham dục là người điên

Nào có lòng nhân nghĩa

Ghét ghen muốn hại thánh

Chỉ lặng nhẫn là yên

Ai phi pháp chẳng tuân

Trong lòng chẳng xót thương

Keo ác hại bố thí

Chỉ lặng nhẫn là yên

Người phóng dật không giới

Khốc hại ôm lòng giặc

Không vâng thuận đạo đức

Chỉ lặng nhẫn là yên

Quên ăn không đáp trả

Giả bộ làm dối nịnh

Ấy là rất ngu xuẩn

Chỉ lặng nhẫn là yên.

Bài kệ trên nêu lên những phẩm hạnh được cho là thiện và không thiện trong xã hội Việt Nam xưa. Tham dục, ganh ghét, làm việc phi pháp, ích kỷ, phóng dật, tàn hại, quên ân, dối nịnh thuộc về ác. Đối trước những cái ác đó nhắm vào mình, tâm người nhẫn không dao động, an nhiên chấp nhận. Và thực hành Nhẫn là thực hành tâm Từ. Tâm Từ là tâm bình đẳng và tương lân đối với mọi người, mọi loài.

Nhẫn, tiếng Sanskrit là kshanti, rất gần với chữ shanti, có nghĩa là an bình, an hòa. Theo đạo Phật, Nhẫn là một hạnh được thực hành qua nhiều kiếp sống để tiến tới sự giác ngộ, trạng thái an vui của Niết-bàn. Nó cũng là trạng thái an định, vững chải trên con đường tiến tới Niết-bàn đó.

Nhẫn là một trong sáu Ba-la-mật, nhưng cũng hàm chứa trong các Ba-la-mật kia. Không có Nhẫn thì không thể thực hành trọn vẹn hạnh Bố thí, Trì giới, Tinh tấn, Thiền định và Trí tuệ. Ngài Marpa, thầy của Milarepa, nói rằng Nhẫn là Ba-la-mật lớn lao và khó khăn nhất.

Nhẫn chẳng những tạo sức mạnh cho một chúng sanh vượt qua mọi khó khăn để đạt đến quả vị Phật, nó còn có sức mạnh cảm hóa lớn lao đối với người khác. Sự an tĩnh trên khuôn mặt của các hình tượng Phật, Bồ-tát toát lên đức Nhẫn vô biên, làm cho chúng ta cảm thấy ấm áp, an lành và tin cậy. Sự cảm hóa thú dữ và ác đảng của các vị cao tăng cũng được ghi lại nhiều trường hợp trong sử sách.

Thực hành Nhẫn trong đời sống hàng ngày

Trước sự leo thang hiềm khích trong thế giới ngày nay, Nhẫn sẽ giúp ích rất nhiều cho cá nhân cũng như xã hội. Cái đẹp của Nhẫn cần làm sáng lại trong văn hóa ứng xử của chúng ta bằng cách ca ngợi, tuyên dương, tạo điều kiện tiếp cận, thực tập.

Có nhiều người cho rằng Nhẫn là một đức tính không thể thực hiện trong thời buổi này, thời buổi chạy đua với thời gian, cạnh tranh để sinh tồn. Tuy nhiên, khi truyền bá vào phương Tây, đạo Phật đã chứng tỏ khả năng giúp cho người phương Tây biết cách dừng lại một cách năng động. Có nhiều người khi áp dụng phương pháp quán chiếu nội tâm, một thực hành liên quan đến Nhẫn, họ nhận được kết quả là sức sáng tạo mạnh hơn, giải quyết vấn đề bình tĩnh và sáng suốt hơn, đạt hiệu quả cao và tốt đẹp hơn trong cuộc sống.

Thế giới, nhất là thế giới hôm nay, như luôn luôn muốn thử thách chúng ta về hạnh Nhẫn. Trong đời sống, hết việc không vừa ý này đến việc không vừa ý khác xảy ra cho chúng ta. Đó là tình trạng không thể thay đổi của đời sống. Và cách duy nhất để cho chúng ta sống an vui và tiến bộ là nhận môi trường chung quanh như vị thầy hay phương tiện để thực hành hạnh Nhẫn.

Ý nghĩa của Nhẫn rất rộng. Nó không phải chỉ là một hành động đối phó cấp thời, nhưng phải là một hoạt động thường xuyên để cho tâm của chúng ta bớt hay không còn rơi vào trạng thái tiêu cực. Do đó, Nhẫn trong ý nghĩa chân thật nhất của nó phải đi đôi với Chánh niệm.

Một hiện tượng rất đáng phấn khởi trong xã hội hiện tại là việc đưa phương pháp Yoga và Thiền chánh niệm vào học đường. Ở Bắc Mỹ đã có nhiều trường học đưa Yoga và phương pháp đi bộ vào chương trình sinh hoạt cho học sinh. Đó là những cách rèn luyện khả năng kiểm soát thân và tâm, rèn luyện đức Nhẫn và sự kết nối ngay từ tuổi trẻ. Nếu các cơ sở giáo dục ở nước ta có thêm những sinh hoạt như vậy, chúng ta tin rằng những vấn nạn lớn của xã hội hiện nay như vấn đề bạo lực học đường và những trường hợp bạo động khác sẽ có khả năng giải quyết được.

Đối với đạo Phật, Nhẫn chỉ được thực hiện trọn vẹn và hoàn hảo khi đi chung với Từ Bi Hỷ Xả và năm Ba-la-mật kia. Tuy nhiên, trên con đường dài hoàn thiện nhân cách, chúng ta nên bước từng bước một.

Một cách đơn giản nhất, Nhẫn là sự dừng lại để theo dõi và kiểm soát những cảm xúc khởi lên trong tâm, không cho chúng có đủ sức mạnh và sự tự do làm lung lạc cách ứng xử của chúng ta.

Chúng ta có thể chia việc thực tập Nhẫn theo ba mức độ hay ba bước, từ dễ đến khó, từ cạn đến sâu như sau:

1- Tập thói quen kiểm soát khi có chuyện không vừa ý hay nóng giận. Lúc sự kiểm soát này đã trở thành thói quen, nó sẽ tự động xuất hiện như là một phản ứng tự nhiên khi sự không vừa ý xảy ra. Trước hết, chúng ta cần nhận thức rõ những hậu quả tai hại của sự nóng giận và những cảm xúc bùng vỡ đột ngột không được kiểm soát. Chúng ta có thể tập thói quen tự chủ khi có sự nóng giận khởi lên bằng cách chẳng hạn như hít một hơi thở dài sâu và đếm từ 1 đến 10, miệng điểm một nụ cười. Chúng ta thấy các thầy, cô và ngay cả một số quý vị Phật tử thường niệm “Mô Phật” hay “A Di Đà Phật” như một thói quen để dừng lại những phản ứng tiêu cực có thể xảy ra và đồng thời phát khởi tâm Từ

2- Tập đối mặt với những khó khăn, can đảm chấp nhận những tình cảnh khó khăn xảy đến cho mình. Theo lời dạy của Đức Phật, chúng ta biết rằng đời là khổ, do đó chấp nhận những khó khăn như là một việc đương nhiên của đời sống. Chấp nhận những khó khăn của đời sống không có nghĩa là đầu hàng, tê liệt trước những sự việc xảy ra, tránh né trách nhiệm đối với mình, với người. Chấp nhận sự khó khăn là cố gắng vượt qua nó, không phải trốn tránh đợi nó đi qua. Đó là tìm thấy ánh sáng giữa bóng tối như ngài Shantideva dạy rằng kẻ thù là vị thầy vĩ đại nhất của chúng ta. Qua những khó khăn, lòng kiêu mạn được giải trừ, nghiệp được thanh tịnh, sức mạnh nội tâm tăng trưởng, tâm xả mở rộng.

3- Chấp nhận sự thật, đối diện một cách khách quan trước sự việc xảy ra dù không hợp với ý muốn, kỳ vọng của mình. Nhìn sự việc trong thực tại trần truồng của nó, không nhuốm một chút nào ý chí riêng tư. Đó là thực tại tánh Không được nhìn thấy một cách rõ ràng, trong suốt với con mắt không thành kiến và trái tim mở rộng.

Ba mức độ Nhẫn trên đều được đặt trên một nền tảng chung là sự tỉnh táo và cảnh giác của tâm. Do đó, để ba mức độ Nhẫn đó phát triển một cách bền vững và tự nhiên, chúng ta có thể cần một nền tảng bên trong là chánh niệm như đã nói. Có chánh niệm, chúng ta sẽ nhìn thấy sự việc một cách rõ ràng và bình tĩnh.

Ở đây, chúng ta có thể tham khảo thêm lời khuyên của bà Susan Chapman, một nhà cố vấn về hôn nhân và gia đình, trong việc áp dụng những chân lý về chánh niệm trong đối thoại, quan hệ và cộng đồng.

Theo bà Chapman, để tiến hành một cuộc đối thoại, tạo mối quan hệ có hiệu quả, chúng ta có thể áp dụng phương pháp đèn đường: Dừng, Chuẩn bị và Khởi động (Đỏ, Vàng, Xanh) . Khi chúng ta còn đang trong tư thế phòng ngự, khép kín, sự trao đổi có thể dẫn đến những phản ứng bất lợi. Do đó, trong tư thế tâm thức này, chúng ta hãy dừng lại để chờ đợi, giống như khi gặp đèn đỏ. 2. Khi tâm thức chúng ta bước vào tình trạng lấp lửng giữa khép và mở, chúng ta có thể chuẩn bị cho cuộc trao đổi, nhưng chưa vội tiến hành. Dừng lại, suy nghĩ, nấn ná ở đó và chờ đợi trong khi tìm cách giải tỏa bớt những khúc mắc trong tâm. Đó là tình trạng đèn vàng. 3. Khi trạng thái tâm hồn mở rộng, cảm thấy thoải mái trong việc tìm đến sự kết nối với người khác, chúng ta có được trạng thái đèn xanh. Tiến hành đối thoại trong trạng thái tinh thần này là thuận lợi nhất.

Sau cùng, có một phương pháp giải tỏa bớt những áp lực của đời sống có thể có ích cho một số người. Chúng ta biết rằng những áp lực của đời sống càng đè nặng chúng ta hơn khi chúng ta ít nhận biết về chính mình. Khi mới đến định cư ở Canada, người viết đã được cô giáo dạy tiếng Anh hướng dẫn một phương pháp là thường xuyên tự đặt câu hỏi “How do I feel? What do I need?” (Tôi đang cảm thấy thế nào và tôi cần điều gì?) và quán sát xem trong giờ phút đó tâm trạng mình đang như thế nào và điều gì mình đang thực sự cần. Nếu tôi đang cảm thấy đói bụng thì nhu cầu của tôi là ăn.

Nếu tôi đang cảm thấy chán nản mà tôi lại giải quyết bằng cách tìm một thứ gì để ăn là không thích hợp. Và nhiều khi chúng ta cảm thấy muốn ăn nhưng thật ra không phải do sự đòi hỏi thực sự của cơn đói mà do một sự chưa thỏa mãn nào khác… Tập thói quen tự truy vấn về mình như vậy có thể sẽ làm cho chúng ta sống chậm lại một cách khôn ngoan, giải quyết được nhiều vấn đề trong đời sống đúng căn nguyên và hợp lý.

Nguồn: Tạp chí Văn Hóa Phật Giáo - Đạo Phật Ngày Nay

Âm lịch

Ảnh đẹp