Pháp thoại dưới đây, Thế Tôn đã dùng một bài kệ làm thức tỉnh tâm người con bất hiếu biết phục thiện, hiếu kính với cha mẹ.
“Một thời, Đức Phật ở tại vườn Cấp Cô Độc, cây Kỳ-đà, Xá-vệ. Bấy giờ, vào buổi sáng, Đức Thế Tôn đắp y mang bát vào thành Xá-vệ khất thực. Lúc ấy, có Bà-la-môn tuổi già sức yếu, chống gậy, cầm bát, đi khất thực từng nhà một. Bấy giờ, Đức Thế Tôn bảo Bà-la-môn:
- “Nay ông đã tuổi già sức yếu rồi, sao lại còn phải chống gậy cầm bát đi khất thực từng nhà?”.
Bà-la-môn bạch Phật:
- “Bạch Cù-đàm, bao nhiêu tài vật có được ở trong nhà
tôi, tất cả đều giao cho con trai, cưới vợ cho con trai. Nhưng sau đó
chúng lại đuổi ra khỏi nhà, nên phải chống gậy, cầm bát đi khất thực từng nhà”.
Phật bảo Bà-la-môn:
- “Ông có thể học thuộc lòng một bài kệ của Ta, rồi trở về nhà, ở giữa mọi người Bà-la-môn, đọc cho con trai của ông nghe được không?”.
Bà-la-môn bạch Phật:
- “Bạch Cù-đàm, có thể được”.
Bấy giờ, Đức Phật liền nói bài kệ: Sanh
con lòng vui mừng/ Vì con tích chứa của/ Rồi cưới vợ cho con/ Nhưng
mình phải bỏ nhà/ Đứa con quê mùa kia/ Nghịch, phụ ân cha mẹ/ Thân
người, tâm La-sát/ Xua đuổi bậc già cả/ Như ngựa già vô dụng/ Bị cướp mất thóc lúa/ Con trẻ mà cha già/ Phải xin ăn từng nhà/ Gậy cong này hơn hết/ Ân ái hơn con đẻ/ Vì ta ngừa trâu dữ/ Tránh đất hiểm, được an/ Xua đuổi loài chó dữ/ Giúp ta qua chỗ tối/ Tránh hầm sâu, giếng thẳm/ Cây cỏ và gai góc/ Nhờ sức oai cây gậy/ Đứng vững không té ngã.
Sau khi nhận bài kệ từ Đức Thế Tôn, người Bà-la-môn liền trở về giữa đám đông Bà-la-môn, đọc lại cho con trai nghe. Trước hết ông cáo bạch mọi người: “Hãy nghe tôi nói”. Sau đó ông đọc lại bài kệ như trên. Người con trai vừa xấu hổ vừa sợ hãi, liền ôm choàng người cha mình đưa vào nhà, tắm rửa lau mình, mặc áo quần sạch sẽ và lập làm gia chủ.
Rồi thì, Bà-la-môn tự nghĩ: “Ta có được dòng họ tôn quý như hôm nay, là nhờ ân đức của Sa-môn Cù-đàm. Như kinh điển của ta đã dạy: ‘Là thầy thì cúng dường như bậc thầy; là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng. Những gì ta đã được hôm nay đều nhờ vào oai lực của Sa-môn Cù-đàm, Ngài là thầy của ta. Hôm nay ta sẽ đem chiếc y quý giá tốt đẹp nhất cúng dường cho Cù-đàm”.
Bấy giờ, Bà-la-môn đem chiếc y quý giá nhất đến chỗ Đức Thế Tôn. Trước mặt Thế Tôn, cùng thăm hỏi sức khỏe rồi, sau đó ngồi lui qua một bên, bạch Phật rằng:
“Bạch Cù-đàm, ngày nay gia cư của con được thành tựu là nhờ vào oai lực của đức Cù-đàm. Như kinh điển bên con đã dạy: “Là thầy thì cúng dường như là bậc thầy, là Hòa thượng thì cúng dường như là Hòa thượng”. Ngày nay Cù-đàm là thầy của con, xin thương xót con mà nhận chiếc y này”.
Vì thương xót mà Đức Thế Tôn đã nhận chiếc y.
Bấy giờ, Đức Thế Tôn vì Bà-la-môn mà nói đủ các pháp, chỉ dạy, làm sáng tỏ, làm cho vui mừng. Bà-la-môn nghe những gì Đức Phật đã dạy, tùy hỷ hoan hỷ, làm lễ cáo lui.
(Kinh Tạp A-hàm, kinh 96)
Suy cho cùng, vì tham sân si che lấp mà con cái bất hiếu với cha mẹ. Ngẫm sâu hơn nữa, đó còn là nhân quả nhiều đời của cha mẹ còn đeo đẳng nên mới sinh con bất hiếu, tạo cộng nghiệp khổ đau. Thế nên, chữ hiếu cần được nhìn nhận trong quan hệ duyên sinh, tương tác mà không phải chỉ một chiều dưới phải kính trên. Thành ra, con cháu và ông bà cha mẹ cần được tu tập chuyển hóa, cả nhà phải có mối tương duyên hiếu-dưỡng-kính-thuận không chỉ trong hiện tại mà cả nhiều đời mới có thể cùng nhau xây dựng một gia đình hạnh phúc, kiến tạo một cộng nghiệp thiện lành, hòa hiếu an vui.
Quảng Tánh