10/10/2017 14:08 (GMT+7)
Số lượt xem: 1060
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng


Con Đường Thực Nghiệm Tâm Linh

                                  

Ý Nghĩa Tổng Quát

Con đường thực nghiệm tâm linh dẫn đến đời sống giải thoát và giác ngộ đã được đức Phật giảng dạy ở trong cáckinh điển, từ cô đọng đến khai triển, từ hẹp đến rộng, từ cạn đến sâu, từ phương tiện đến cứu cánh, qua các văn hệkinh điển từ A hàm đến Đại thừa với nhiều thính chúng và nhiều căn cơ khác nhau.

Đạo đế ở trong Tứ Thánh đế được các kinh điển Phật giáo nhấn mạnh là con đường diệt tận khổ đau và thành tựucác thánh quả giải thoát cho những ai có tín căn và nỗ lực thực hành.

Tín căn là căn bản của đức tin được thiết lập trên nền tảng của Phật Pháp Tăng và Giới.

Tín căn là yếu tố đầu tiên của Ngũ căn. Ngũ căn là con đường thực nghiệm đời sống tâm linh, dẫn ta đi tới với Thánh đạo và Phật đạo. Ngũ căn gồm có: Tín căn, tấn căn, niệm căn, định căn và tuệ căn.

Ngũ lực là từ nơi Ngũ căn mà sinh khởi. Ngũ lực gồm có: Tín lực, tấn lực, niệm lực, định lực và tuệ lực. Nhờ các pháp hành căn bản này mà đưa ta đi vào được ở trong Thánh đạo và Phật đạo.

Ngũ căn và Ngũ lực thuộc về Đạo đế ở trong Tứ Thánh đế, do đức Phật chuyển vận pháp luân đầu tiên tại vườn Nai, cho năm anh em Kiều Trần Như, sau khi Ngài thành đạo.

 

Phương Pháp Thực Hành

 

1-     Thực hành Tín căn và Tín lực

Tín căn là căn bản của đức tin.Căn bản đức tin của người Phật tử là dựa vào đâu?

Căn bản đức tin của người Phật tử là dựa vào nền tảng của Phật Pháp Tăng và Giới. Nếu người Phật tử không thiết lập sự tu học của mình trên nền tảng Phật Pháp Tăng và Giới, thì không thể gọi là Phật tử và không bao giờ trở thànhPhật tử.

Vì vậy, người Phật tử là phải thiết lập sự tu học của mình trên nền tảng Phật Pháp Tăng và Giới. Đức tin của ngườiPhật tử được thiết lập trên nền tảng Phật Pháp Tăng và Giới, gọi là tín căn và thực tập làm cho đức tin ấy lớn mạnhtrong đời sống,gọi là tín lực.

 

Trong đời sống hàng ngày, nếu đức tin của ta không có gốc rễ và không bám lấy gốc rễ, thì ta sẽ không có sức mạnhcủa đức tin. Không có sức mạnh của đức tin đối với Phật Pháp Tăng và Giới, ta sẽ không có khả năng chấm dứt các điều xấu ác và thực hành những điều tốt đẹp. Không có đức tin đối với Phật Pháp Tăng và Giới, ta sẽ không có đủ khả năng làm cho mình thanh tịnh được tâm ý. Không có đức tin đối với Phật Pháp Tăng và Giới, ta sẽ không có khả năng chấm dứt những khổ đau do sinh tử đem lại. Không có đức tin đối với Phật Pháp Tăng và Giới, ta sẽ không cóđủ khả năng để phát khởi tâm bồ đề và không có đức tin đối với Phật Pháp Tăng và Giới, ta không có đủ khả năngnuôi lớn tâm bồ đề nơi ta và làm thiện tri thức đối với mọi người và muôn loài, để khiến cho tất cả đều biết được chính họ đang có tâm bồ đề và có đủ khả năng phát khởi tâm ấy đến chỗ hoàn mãn. Không có tâm bồ đề, ta không có đủ khả năng thương yêu và phục vụ mọi người, cũng như chúng sanh bằng những nghĩa cử cao quý, bất vụ lợi.

Nên tất cả những nghĩa cử tốt đẹp, cao thượng của người Phật tử là do thực hành tín căn và tín lực đem lại. Nhữngnghĩa cử tốt đẹp và cao thượng ấy của người Phật tử là có thật, vì chúng là những sinh chất được sinh khởi và nuôi dưỡng từ đức tin của người Phật tử đối với Phật Pháp Tăng và Giới.

 

2-     Thực hành Tấn căn và Tấn lực

Tín lực từ nơi tín căn mà sinh khởi và khi ta có tín lực rồi, thì ta phải thực hành tấn căn và tấn lực. Thực hành tấn căntức là talàm cho tín căn có mặt ở trong đời sống của ta. Thực hành tấn lực là ta nỗ lực làm cho Phật Pháp Tăng vàGiới không những có mặt nơi ta mà còn làm cho lớn mạnh và phát triển toàn thể trong đời sống hàng ngày của ta.

 

Vì vậy có nhiều người cho rằng, đạo Phật không đơn thuần là tín ngưỡng cầu nguyện, không đơn thuần là một tôn giáo nhấn mạnh và rao giảng đức tin là nhờ họ nhận ra rằng, trong đạo Phật có yếu tố tấn căn và tấn lực này.

 

Các tôn giáo khác nhấn mạnh đức tin, trong lúc đó Phật giáo không những nhấn mạnh đức tin mà còn nhấn mạnh sựcụ thể hóa và thực tiễn hóa đức tin, bằng đời sống qua tấn căn và tấn lực. Tấn căn, tấn lực là cụ thể, thực tiễn hóa tín căn và tín lực, khiến tín căn và tín lực sinh khởi và lớn lên ngay nơi cuộc sống con người.

Thực hành tấn căn và tấn lực là ta có khả năng làm cho đời sống của ta vươn lên đời sống của đức Phật và biến những chất liệu giác ngộ của đức Phật có mặt ngay trong đời sống của chính mình và trở thành đời sống của chính mình.

 

Thực hành tấn căn và tấn lực là ta có khả năng làm cho đời sống của ta vươn lên và gắn liền với chánh pháp, gắn liền với Phật pháp. Phật pháp và ta không còn là hai thực thể cá biệt, mà Phật pháp có mặt trong ta và ta có mặt ở trongPhật pháp, khiến cho đời sống của ta là đời sống của Phật pháp.

Thực hành tấn căn và tấn lực là ta có khả năng làm cho đời sống của ta vươn lên và gắn liền với bản thể thanh tịnh vàhòa hợp của Tăng, khiến đời sống thanh tịnh và hòa hợp của Tăng có mặt và lớn mạnh trong đời sống của ta và đời sống thanh tịnh, an hòa của ta có mặt ở trong sự thanh tịnh và hòa hợp của Tăng.

Thực tập tấn căn và tấn lực là ta có khả năng chặt đứt mọi hệ lụy của phiền não sinh tử để vươn tới bản chất giải thoát của giới, khiến cho đời sống của ta không bị tỳ vết bởi các dục, khiến cho các thiện pháp trong đời sống của ta, mỗi ngày đều được thăng tiến đến chỗ viên mãn tốt đẹp. 

Người Phật tử tin Phật có tấn căn và tấn lực, nên không phải chỉ biết chắp tay cầu nguyện đức Phật phù hộ cho mình, mà còn biết biến những chất liệu của Phật trở thành chất liệu của mình và mình cũng có thể trở thành một vị Phật trong tương lai.

Người Phật tử tin Pháp có tấn căn và tấn lực, nên không phải là đức tin thiếu thực tế, thiếu ứng dụng, mà phải biếtứng dụng chánh pháp vào trong đời sống thực tế, khiến cho tự thân của đời sống phàm tục thay đổi.

Người Phật tử tin Tăng có tấn căn và tấn lực, nên không phải kính Phật trọng Tăng một cách mơ hồ, thiếu thực tế, mà phải biết ứng dụng đức thanh tịnh và hòa hợp của Tăng vào trong đời sống thực tế của chính mình, khiến cho sự tịnhhóa thân tâm và an hòa trong cuộc sống của người Phật tử thực sự có mặt để hộ trì Tam Bảo.

Người Phật tử tin giới có tấn căn và tấn lực, khiến cho họ không những có khả năng phòng hộ những điều xấu ác từ bên ngoài, mà còn có khả năng phòng hộ những điều xấu ác như tham, sân, si, kiêu mạn từ nội tâm và phát triển bồ đề tâm, bồ đề nguyện, bồ đề hạnh đến chỗ viên mãn.

Người Phật tử thực tập như vậy, gọi là thực tập tấn căn và tấn lực. Thực tập tấn căn, tấn lực là nỗ lựcbiến tín căn, tín lực trở thành đời sống của tự thân. Thực tập tấn căn, tấn lựclà làm cho tín căn, tín lực có mặt liên tục không gián đoạnở trong đời sống của ta đối với mọi thời gian và đối với mọi không gian.

 

3-Thực tập niệm căn và niệm lực

 

Muốn duy trì sự không gián đoạn của tín căn và tín lực, thì ta phải thực tập niệm căn và niệm lực.

Tin và biến đức tin trở thành hiện thực trong đời sống của mình là tấn. Duy trì đức tin có mặt trong ý thức của mình, quaăn uống, ngủ nghỉ, đi đứng, nằm ngồi, làm việcthì đó là niệm căn. Niệm lực là từ nơi niệm căn mà sinh khởi.

Cho nên, căn bản của niệm căn là niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng và niệm Giới.

Niệm lực là sức mạnh của niệm,do thực tập niệm căn mà sinh khởi, khiến cho Phật Pháp Tăng và Giới được duy trìtrong ý thức của mình một cách thường trực. Khi một Phật tử đã duy trì được Phật Pháp Tăng và Giới có mặt thường trực ở trong ý thức của mình, thì vị đó không bao giờ lạc vào đường tà; vị đó không bao giờ quy y trời, thần, quỷ, vật; vị đó không bao giờ quy y ngoại đạo tà giáo và vị đó không bao giờ bị xu hướng khuynh tả hay khuynh hữu chi phối.

Một người Phật tử có thể bỏ Phật, vì họ bỏ quên thực tập niệm căn và niệm lực hoặc do họ không hề thực tập niệm căn và niệm lực. Còn nếu họ luôn luôn thực hành niệm căn và niệm lực, thì Phật Pháp Tăng và Giới luôn luôn có mặthiện tiền trong ý thức của họ, khiến họ không bao giờ rời bỏ Phật PhápTăng và Giới.

Một Phật tử thực tập niệm căn và niệm lực như vậy, đời sống của họ không bao giờ bị rơi vào tà kiến, tà tư duy, tà ngữ, tà nghiệp, tà mạng, tà tinh tấn, tà niệm và tà định.

Thực tập niệm căn và niệm lưc, khiến cho những phẩm chất của Phật Pháp Tăng và Giới có mặt hiện tiền ở nơi tâm của mình, ở nơi ý thức của mình và làm cho những phẩm chất của Phật Pháp Tăng và Giới, tăng trưởng lớn mạnh ở nơi ý thức của mình, cũng như ngay nơi những hành hoạt của mình, gọi là niệm lực.

Khi niệm căn trở thành niệm lực, thì đời sống của mình thanh thoát, nhẹ nhàng, các phiền não không còn chi phối đời sống của mình nữa, mà mình sẽ đi đúng hướng và đúng chánh đạo, không rơi vào tà đạo, tà kiến.

Tà kiến thì không còn là Phật tử. Tại sao? Vì nơi đời sống của họ, Phật Pháp Tăng và Giới đã thật sự vắng mặt.

Tà kiến là cái nhìn bị thiên lệch, không trung chính. Cái nhìn bị mắc kẹt về một phía, gọi là tà kiến. Nghĩ về một phía, gọi là tà tư duy. Nói theo luận điểm một chiều, gọi là tà ngữ. Hành hoạt nghiêng về một phía, gọi là tà nghiệp. Nuôi dưỡng đời sống bằng tà ngữ, tà nghiệp gọi là tà mạng. Nhớ nghĩ và duy trì luận điểm một chiều trong tâm, gọi là tà niệm và tập trung tâm ý vào nơi luận điểm một chiều, gọi là tà định.

Niệm căn và niệm lực là duy trì Phật Pháp Tăng và Giới có mặt và lớn mạnh nơi sáu quan năng của mình. Khi sáu quan năng của mình đã được Phật Pháp Tăng và Giới phòng hộ và tịnh hóa từ nơi tâm ý, thì mình có thân tâm an lạc. Bấy giờ các loại sắc, thanh, hương, vị, xúc và pháp, không còn xâm nhập sáu căn để đi vào nội tâm của mình một cách tự do, vì sao? Vì chúng đã bị giám sát và gạn lọc bởi sức mạnh của các niệm thuộc về Phật Pháp Tăng và Giới.

Khi sáu căn đã được phòng hộ và tịnh hóa, thì giặc bên ngoài không thể xâm nhập vào thân và tâm của ta được nữa. Giặc phiền não trong tâm của ta càng ngày càng bị cô lập và bị tê liệt dần.

Bởi vậy, ta tu tập không thành công là vì không có Phật Pháp Tăng và Giới phòng hộ và gia trì cho ta.

Ta tu tập không thành công là do ta không thực hành niệm căn và niệm lực. Thực tập niệm căn, niệm lực, giúp ta thắng được các loại giặc bên ngoài để tự thắng lấy giặc bên trong của chính mình. Giặc bên trong là những bận rộn trong tâm, những suy nghĩ không chính đáng ở trong tâm ta. Muốn thắng giặc bên trong, ta phải biết thực tập niệm căn và niệm lực để phong tỏa và phòng hộ các tạp trần từ bên ngoài.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi mắt nhìn các đối tượng thuộc về sắc, ta phải biết nhìn trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các tạp sắc và sắc ô nhiễm bị loại trừ.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi tai nghe các đối tượng thuộc về âm thanh, ta phải biết nghe trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các tạp thanh và thanh ô nhiễm bị loại trừ.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi mũi ngửi các đối tượng thuộc về hương, ta phải biết ngửi ở trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các loại tạp hương và hương ô nhiễm bị loại trừ.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi lưỡi nếm các đối tượng thuộc về mùi vị, ta phải biết nếm ở trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các loại tạp vị và vị ô nhiễm bị loại trừ.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi thân tiếp xúc với các đối tượng thuộc về xúc giác, ta phải biết xúc chạm ở trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các loại tạp xúc và xúc ô nhiễm bị loại trừ.

Thực tập niệm căn và niệm lực là khi ý căn tiếp xúc với các đối tượng thuộc về tâm ý, ta phải biết tiếp xúc ở trong sự lắng yên để lọc, khiến cho các tạp loại ảnh tượng và các loại ảnh tượng ô nhiễm bị loại trừ.

Trong các phương pháp gạn lọc ấy, quan trọng nhất là phương pháp gạn lọc tâm ý. Ta gạn lọc các cách nhìn, nghe, ngửi, xúc chạm là để hỗ trợ cho cách gạn lọc tâm ý của ta có hiệu quả. Khi các quan năngtiếp xúc với sáu trần đã đượclọc kỹ rồi, thì việc lọc tâm ý hay tự tịnh kỳ ý không còn là việc khó.Nếu tâm ý ta không lọc được là vì ta không lọc được từ các cách nhìn, nghe, ngửi, nếm và xúc chạm của ta đối với các đối tượng của nhận thức.

Thực tập niệm căn và niệm lực có tác dụng làm cho Phật Pháp Tăng và Giới luôn luôn có mặt hiện tiền trong các quan năng nhận thức của ta, khiến cho mọi nhận thức của ta đều được gạn lọc, để trở thành sáng trong thuần tịnh ở trong an tịnh.

 

4-Thực tập định căn và định lực

Khi ta thực tập niệm căn và niệm lực đến chỗ thuần thục,thì định căn và định lực sẽ sinh khởi trong ta.

Định căn là căn bản của thiền định, ấy là thiền định thiết lập trên niệm căn và niệm lực. Nếu không có thực tập niệm căn và niệm lực thì định căn và định lực sẽ không có cơ sở để sinh khởi.

Cho nên, muốn đi tới định căn và định lực là ta phải thực tập niệm căn và niệm lực. Thực tập niệm căn và niệm lực là làm cho ý thức tỉnh giác có mặt hoàn toàn ở trong mỗi động tác của mình: đi, đứng, nằm, ngồi, nói năng, ăn uống đều ở trong tỉnh giác. Thức hay ngủ đều ở trong tỉnh giác và làm cho tỉnh giác tăng trưởng lên, lớn mạnh lên, thấm sâu và kết thành một khối năng lượng tỉnh giác duy nhất, vững chãi và bất động, ấy là định căn và từ định căn sinh khởi định lực.

Do đó, niệm căn và niệm lực kết thành khối, tạo ra định căn và định lực. Định căn và định lực là kết quả tất yếu từniệm căn và niệm lực dẫn sinh, khiến mọi hành hoạt của ta làm cho tâm ta sinh khởi bốn đức tính.

- Trí đức là đức của trí do thiền định làm sáng lên ở nơi tâm ta. Trí đức từ nơi thiền định sáng lên nơi tâm ta, nó sinh khởi từ nơi quá trình thực tập tín căn - tín lực, tấn căn - tấn lực, niệm căn – niệm lực, định căn – định lực của ta đối với Phật.

- Minh đức là đức sáng suốt sáng, sáng lên nơi tâm ta. Minh đức từ nơi thiền định sáng lên nơi tâm ta, nó sinh khởi từ nơi quá trình thực tập tín căn – tín lực, tấn căn – tấn lực, niệm căn – niệm lực, định căn – định lực của ta đối với Pháp.

- Tịnh đức là đức thanh tịnh, sáng lên nơi tâm ta. Tịnh đức từ nơi thiền định sáng lên nơi tâm ta, nó sinh khởi từ nơi quá trình thực tập tín căn – tín lực, tấn căn – tấn lực, niệm căn – niệm lực, định căn – định lực của ta đối với Tăng.

- Giải thoát đức là đức giải thoát, sáng lên nơi tâm ta. Giải thoát đức là đức từ nơi thiền định sáng lên nơi tâm ta, nósinh khởi từ nơi quá trình thực tập tín căn – tín lực, tấn căn –tấn lực, niệm căn – niệm lực, định căn – định lực của ta đối với Giới.

Bốn đức tính của Phật Pháp Tăng và Giới ngời sáng lên trong tâm ta, trong đời sống của ta là nhờ ta thực tập gắn liềnđời sống của ta với Phật Pháp Tăng và Giới qua tín; nỗ lực làm cho Phật Pháp Tăng và Giới trở thành cụ thể trong đời sống của ta qua tấn; duy trì sự có mặt của Phật Pháp Tăng và Giới thường trực nơi ý thức của ta và trong mỗi hành hoạt của ta qua niệm và làm cho các đức tính của Phật Pháp Tăng và Giới tụ lại thành khối, tinh kết bất động và sáng lên trong tâm ta, trong đời sống của ta qua định.

Với năng lượng của thiền định ấy, nó có năng lực hộ trì đời sống của ta, khiến cho các phiền não vĩnh viễn không sinhkhởi trở lại nơi tâm ta. Ta có khả năng bất động đối với hết thảy các loại phiền não.

 

5- Thực tập tuệ căn và tuệ lực

Khi niềm tin tu học của ta đã tăng trưởng thành một khối bất hoại, bấy giờ Phật  Pháp Tăng và Giới, trở thành tinh chất trong đời sống của ta và tinh chất đó sẽ sáng lên thành tuệ căn.Tuệ lực từ nơi tuệ căn mà sinh khởi.

Một khi tuệ lực viên mãn sẽ đẩy ta đi tới với chánh kiến. Khi thành tựu chánh kiến,ta thấy rõ sự thật của khổ; thấy rõ những tập khởi hay tác nhân của khổ; thấy rõ sự thật của hạnh phúc hay sự vắng mặt hoàn toàn của khổ đau; và thấy rõ con đường chân thật diệt tận khổ đau.

Khi ta có cách nhìn của chánh kiến từ tuệ căn và tuệ lực sinh khởi, ta thấy rõ sự thật của mọi sự hiện hữu ở trong thế gian là do tương quan sinh khởi, nên chúng là vô thường, trống rỗng nội dung và không có ngã thể.Và thể tính rỗng không nơi mọi sự đang hiện hữu làm bản thể cho mọi sự thể, mọi hình thể, khiến chúng biểu hiện qua nhiều hình thứckhác nhau.

Chánh kiến là thấy khổ đúng sự thật của khổ; thấy tập đúng sự thật của tập; thấy  diệt đúng sự thật của diệt và thấy đạo đúng sự thật của đạo. Và nhờ có chánh kiến, mới thấy được mọi sự hiện hữu do duyên sinh khởi, chúng đều hiện hữu như hư huyễn, như giấc mộng, như bọt nước, như ảnh tượng, như sương mai, như điện chớp… Tuy, hư huyễn, nên chúng không phải là thường và tuy vô thường, nhưng do chúng quan hệ tương tục với nhau trong tương quannhân quả và duyên khởi, nên không phải bị diệt mất.

Nhờ có chánh kiến, ta mới thấy rõ ta có Phật tính và hết thảy chúng sinh đều có Phật tính để tin yêu và tu tập, để giúp nhau hướng thượng và hướng thiện.

Nhờ có chánh kiến, ta mới thấy rõ mọi phẩm giá của chính mình để tôn trọng và hướng thượng và nhờ thấy rõ hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, nên mới khởi tâm từ bi yêu quý chúng sanh và tạo điều kiện để tâm bồ đề hay Phật tính nơi tâm của chúng sanh được hiển lộ.

Ta khởi tâm yêu quý chúng sanh và tôn trọng Phật tính nơi hết thảy chúng sanh, nhưng chúng sanh chưa chắc họ đãhạnh phúc mà chất liệu khiêm ái nơi ta đã sinh khởi và hạnh phúc nơi ta đã tròn đầy.

Đức tin của các bậc thượng nhân là tin mình có Phật tính và khi có đủ nhân duyên, thì Phật tính nơi tâm mình cũng sẽ hiện khởi để thực hiện hạnh từ bi giúp đời. Và tin hết thảy chúng sanh đều có Phật tính, nên phát khởi đại nguyện từ bi, sử dụng vô số phương tiện thiện xảo, để giúp chúng sanh giác ngộ Phật tính và biểu hiện Phật tính trong cuộc sống.

Giác ngộ Phật tính và ứng dụng Phật tính vào trong đời sống hàng ngày, bằng sự chánh niệm, tỉnh giác, khiến các oai nghi đi đứng nằm ngồi nơi ta, biếu hiện một cách tự nhiên. Mỗi bước đi ở trong chánh niệm tỉnh giác, đều có khả năngdiệt trừ cho ta vô lượng vọng niệm; mỗi cách đứng của ta ở trong chánh niệm tỉnh giác, có khả năng diệt trừ cho ta vô lượng niệm tưởng mắc kẹt; mỗi cách ngồi của ta ở trong chánh niệm tỉnh giác có khả năng trừ diệt cho ta vô lượngvọng tưởng chấp thủ, vọng cầu.

 

Điểm Đến Của Con Đường

Với sự thực tập ngũ căn và ngũ lực, và kết quả do pháp hành này đem lại, ta có thể bảo rằng, đạo Phật cũng là tín ngưỡng, cũng là tôn giáo, cũng làtriết học, cũng là khoa học, cũng là khoa học ứng dụng hay là con đườngthực nghiệm tâm linh, con đường của trí tuệ và từ bi. Nhưng, đạo Phật không phải là những tên gọi ấy.Đạo Phật, chỉ là đạo Phật thôi.

Với con đường thực nghiệm này, đạo Phật không những giúp cho ta thấy rõ sự thật về mình, thấy rõ sự thật về người, mà còn giúp cho ta thấy rõ sự thật không phải là ta, sự thật không phải là người, sự thật không phải là chúng sanh vàsự thật không phải là phi chúng sanh. Không những vậy, còn giúp cho ta, thấy rõ sự thật vềthế giới, thấy rõ sự thậtkhông phải thế giới, thấy rõsự thật cái tạo nên thế giới, thấy rõ sự thật cái không phải tạo nên thế giới;thấy rõ sự thậtcủa khổ và thấy rõ sự thật của con đường thoát khổ.

Thực tập tuệ căn, tuệ lực đến chỗ viên mãn thành tựu chánh đạo, các phiền não nơi tâm ta hoàn toàn bị nhiếp phục,thành tựu chánh kiến, khiến cái nhìn của ta xuyên suốt nhân duyên khắp cả mười phương và xuyên suốt nhân quả ba đời, thính giác không bị chướng ngại bởi các âm thanh, sự an lạc không bị chướng ngại bởi các khổ sanh già bệnh chết và tâm thanh tịnh không bị chướng ngại bởi hết thảy phiền não.

Thực tập Ngũ căn, Ngũ lực là ta luôn nhớ mọi sự hiện hữu ở thế gian này là vô thường, không có ngã tính.Mọisự hiện hữu là để yểm trợ cho nhau và cùng giúp nhau hiện hữu.Từ đó, ta có thể buông bỏ tính chấp ngã, tính ích kỷ nơi ta một cách nhẹ nhàng.Buông bỏ được tính chấp ngã và ích kỷ nơi ta, thì ta đứng ở đâu, sống với ai, làm việc gì ta cũngcảm thấy dễ chịu và hạnh phúc.

Ta không thể rao giảng đức tin cho người khác, nếu ta không có đức tin. Ta không thể truyền giảng Phật pháp cho người khác, nếu ta không có đức tin đối với Phật pháp từ sự thực nghiệm tâm linh của ta.

Ta lạy Phật là ta lạy hết lòng, xung quanh ta có ai biết hay không là chuyện của người khác, không phải là chuyện của ta; chuyện của ta là đem hết lòng thành để lạy Phật trong giờ phút đó, và trong giờ phút đó, Phật liền có mặt một cáchtrọn vẹn và hoàn hảo  cho ta kính lễ.

Như vậy, ta thực tập lạy Phật có nội dung của Ngũ căn, Ngũ lực, ta thực tập thiền quán có nội dung của Ngũ căn, Ngũ lực; ta ăn chay có nội dung của Ngũ căn, Ngũ lực… thì nhất định hoa trái hạnh phúc và an lạc sẽ sinh ra trong đờisống của ta.

Cho nên, nếu ta thực tập Ngũ căn, Ngũ lực một cách trọn vẹn, ta sẽ biết ta là ai? Ta sẽ biết ta từ đâu mà đến đây, đến đây để làm gì và sau khi chết ta sẽ đi về đâu?

Nếu ta thực tập Ngũ căn, Ngũ lực một cách toàn hảo, thì ta cũng sẽ giữ gìn thành tựu năm giới quý báu của ngườicận sự một cách toàn hảo. Không những vậy mà các giới pháp của người xuất gia, cho đến các giới pháp Bồ tát Đại thừa ta cũng có thể thọ trì và giữ gìn một cách toàn hảo. Giữ gìn giới pháp có nội dung của Ngũ căn, Ngũ lực không phải chỉ để hoàn hảo cho tự thân mà còn giúp cho người khác hoàn hảo, và giúp cho cả thế giới của chúng sanh đều trở nên hoàn hảo.

Ta thực tập và nhìn sâu vào năm giới quý báu của người cận sự, các giới pháp của người xuất gia và các giới phápthuộc Đại thừa Bồ tát, đều chuyển tải nội dung của Ngũ căn và Ngũ lực.

Vì vậy, thực tập Ngũ căn, Ngũ lực là ta biết rằng, ta đang đứng ở đâu trên con đường thực nghiệm tâm linh và điểm đến của con đường ấy là ở đâu, trên con đường tâm linh mà ta đang thực tập và bước tới.

 

                                                                                                         Thích Thái Hòa

Âm lịch

Ảnh đẹp