nhưng anh lặp lại cũng cùng câu truyện ấy, và chỉ có vài
người cười. Xong, anh tiếp tục kể lại một lần nữa, lần này thì ai cũng im lặng. Đến
khi anh lặp lại thêm lần nữa thì bắt đầu có nhiều người lộ vẽ khó chịu và bực
mình.
Anh ta im lặng một lúc rồi nói, "Quý vị thấy lạ không, một câu truyện dầu vui
hay thú vị đến đâu mà khi mình cứ lặp đi, lặp lại mãi rồi thì nó cũng trở thành
nhàm chán và vô duyên. Thế nhưng chúng ta có những câu chuyện buồn, hay nỗi
phiền giận, mà mình cứ lặp đi lặp lại mãi, và kể cho nhau nghe hoài, mà vẫn
không bao giờ cảm thấy chán!"
Ví dụ của câu truyện trên cũng có phần nào đúng phải không bạn. Vì dường như
trong đời sống, chúng ta lại thường ôm giữ những việc đau buồn trong quá khứ, mà
những chuyện vui thì ít khi mình lại nhớ đến.
Vì tâm ta dễ tương ứng
với tham sân
Trong quyển “Thiền quán, Con đường hạnh phúc”, bà Sylvia
Boorstien có chia sẻ một câu chuyện. Bà có một chị bạn, bà Ngoại của chị
ta giận Mẹ chị, và hai mẹ con đã không còn nói chuyện với nhau nữa. Khi bà
Ngoại của chị bệnh nặng sắp mất, chị có đến thăm, bà nắm tay chị và hỏi "Cháu có
biết ta giận Mẹ con về chuyện gì không?" Cô biết, nhưng trả lời "Dạ cháu
không nhớ nữa Ngoại!" Bà nhìn xa xôi rồi nói, "Thật ra bây giờ Ngoại cũng không
nhớ là việc gì nữa, nhưng ta chỉ biết là ta giận Mẹ con lắm thôi."
Và đôi khi chúng ta cũng giống như bà ấy, có những muộn phiền mà mình cứ giữ
chặt mãi trong lòng, như đó là một việc tất nhiên, dù biết rằng chúng không còn
cần thiết hay ích lợi gì cho ai nữa...
Tôi có được nghe một vị thiền sư dạy rằng, sở dĩ chúng ta hay nhớ nghĩ đến những
việc đau buồn, là vì trong giờ phút hiện tại này tâm chúng ta rất dễ tương ứng
với những tham sân si, hơn là những vô tham, vô sân và vô si trong ta. Và nếu
như ta chỉ cần biết chú tâm, quan sát, thì tâm mình chắc chắn sẽ nhớ đến hiện
tại trong niềm hoan hỷ. Thật ra những buồn phiền đó cũng có một ích lợi,
là nó chỉ cho ta thấy được những gì mình còn dính mắc để mà buông bỏ.
Buông bỏ là để trong
sáng tự nhiên
Mà bạn biết không, thật
ra muốn buông bỏ, chúng ta cũng không cần phải làm gì nhiều lắm đâu. Ôm
giữ và mang vác thì phải cần đến sự tính toán và tạo tác này nọ, chứ buông thả
ra thì càng ít dụng công bao nhiêu lại càng hiệu quả bấy nhiêu.
Bà Sharon Salzberg có kể, vài năm trước trong lúc
đang đứng trong chiếc thang máy ở một khách sạn tại thành phố New York, bà chợt
ý thức rằng mình vẫn còn đang mang vác chiếc hành lý rất nặng trên vai. "Và tôi
chợt nghĩ đến điều này", bà nói, "Tại sao mình lại không đặt chiếc hành lý nặng
này xuống đi, và để cho chiếc thang máy tự nó mang lên chứ?"
Bà chia sẻ, mỗi giây phút của cuộc sống là một cơ hội mới để ta buông xuống
những nặng nhọc của mình - ta không cần bắt mình phải trở thành một cái gì tốt
hơn, cố tập luyện để đạt đến một trạng thái nào cao hơn, hay để vượt qua một khó
khăn nào đó, và ta cũng không cần thực tập miên mật với một thái độ mong cầu nào
khác. Chúng ta chỉ cần biết buông bỏ mà thôi, trong giây phút này sang giây
phút kế.
Bà Sharon nói, tuy phương pháp bà dạy học trò mình là thực tập có ý thức về hơi
thở, nhưng điều bà luôn nhấn mạnh là chúng ta bao giờ cũng có thể trở về với
thực tại, dù bất cứ đang ở trong hoàn cảnh hay tình trạng nào. Và giây phút bắt
đầu mới ấy chính là sự buông bỏ với một tâm từ, biết chấp nhận và tha thứ. Buông
bỏ cũng có nghĩa là tiếp xúc với thực tại này với một tâm rộng mở, để cho sự
việc được trong sáng tự nhiên.
Để làm gì?
Tôi nhớ câu chuyện về vị thiền sư người Nhật, ngài Đạo Nguyên,
trong thời gian ông sang Trung Hoa tầm đạo. Một hôm vị thầy của Đạo Nguyên
thấy ông đang ngồi học kinh, Ngài hỏi ông học kinh để làm gì. Đạo Nguyên
đáp, "Dạ, con học kinh vì muốn biết các thầy tổ ngày xưa đã tu tập như thế nào."
Vị Thầy hỏi, "Chi vậy?" Đạo Nguyên đáp, "Vì con muốn được giải thoát khỏi
khổ đau như các vị ấy." Vị thầy lại hỏi, "Chi vậy?" "Và vì con cũng muốn
cứu giúp chúng sinh có quá nhiều khổ đau!" "Chi vậy?" Thầy ông lại hỏi
tiếp, "Rồi một ngày nào đó con muốn sẽ được trở về quê hương, giúp dân làng của
con." "Chi vậy?" Cuối cùng, Đạo Nguyên lặng thinh, ông không còn gì để
trả lời nữa hết.
Bạn nghĩ sự thinh lặng của ngài Đạo Nguyên ấy là gì? Có lẽ vị thầy đã giúp ông
trở về tiếp xúc lại với cái nguyên nhân sâu xa nhất của mình. Và cái nguyên
nhân ấy, thật ra ta không thể dùng một lý do nào để diễn đạt được hết, vì mọi ý
niệm đều không đúng với sự thật. Sự tu tập của ta chỉ có thể là để giúp mình
thật sự có mặt trong giây phút hiện tại này, và buông bỏ hết mọi ý niệm mong cầu
nào khác.
Cũng như ngài Đạo Nguyên, chúng ta có thể đặt ra những mục tiêu cho sự tu tập
của mình như là để được giải thoát khổ đau, để được an lạc hơn, hoặc để giúp ích
người khác... Nhưng đôi khi chính những ý niệm ấy lại mang đến cho ta, và người chung quanh,
những khổ đau không cần thiết. Chúng có thể dẫn ta đi xa khỏi một thực tại linh
động và trong sáng đang hiện hữu ngay trước mắt mình.
Việc ấy có thể được
Bạn biết không, dầu bất cứ đang ở nơi đâu, hay trong hoàn cảnh nào,
ta đều cũng có thể bắt đầu lại từ đầu. Ta bắt đầu lại bằng cách buông bỏ
những gánh nặng, lo âu, muộn phiền của quá khứ. Ngày xưa khi học thiền,
trước mỗi thời công phu, tôi thường được dạy niệm thầm một lời nguyện ngắn: "Trong quá khứ, vì vô tình hay cố ý, nếu như tôi
có đã lỡ gây khổ đau cho ai, tôi xin người ấy tha lỗi cho tôi. Trong quá
khứ nếu như, vì vô tình hay cố ý, có ai lỡ gây khổ đau cho tôi, tôi xin được tha
thứ cho người ấy."
Đó là sự buông bỏ của một tâm từ, ta tử tế với những muộn phiền của mình. Và
bạn biết không, một tâm ý thiện lành nhỏ cũng có công năng chuyển hóa rất lớn. Mà
vấn đề buông bỏ những khổ đau của mình, việc ấy có thể thực hiện được không bạn
hả? Hay đó chỉ là một lý thuyết hay đẹp suông mà thôi? Tôi nhớ lời dạy của
Phật,
"Này các thầy,
hãy buông bỏ những gì là bất thiện! Này các thầy, ta có thể buông bỏ những gì
là bất thiện, nếu như việc ấy không thể thực hiện được, thì tôi đã không khuyên
bảo các thầy mà làm chi.
Nếu như buông
bỏ những điều bất thiện sẽ mang lại cho ta khổ đau, tôi đã không khuyên bảo các
thầy mà làm gì. Nhưng vì sự buông bỏ ấy mang lại hạnh phúc và nhiều lợi lạc mà
tôi mới nói với các thầy 'hãy buông bỏ những gì là bất thiện' "
Tăng Chi Bộ Kinh (Anguttara-Nikaya)
Nguyễn Duy Nhiên