19/10/2013 13:44 (GMT+7)
Số lượt xem: 1123
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Khi   nói đến sự giàu có, người ta liền hình dung ra cảnh nhà cao cửa rộng đầy đủ tiện nghi, biệt thự, xe hơi, tài khoản lớn trong ngân hàng v.v..


 Cuộc sống giàu sang là cuộc sống mà mọi người luôn hướng đến vì giàu sang  được xem như gắn liền với hạnh phúc. Tuy nhiên, trên thực tế nhận định đó cần xem xét lại.

Đời sống con người gồm có hai phần : đời sống vật chất và đời sống tinh thần, bởi tự thân con người gốm có hai phần là tâm hồn và thể xác. Sự giàu có đầy đủ của đời sống phải là sự giàu có cả hai phương diện vật chất lẫn tinh thần. Có người nhiều tiền bạc của cải, đời sống vật chất dồi dào nhưng tâm hồn nghèo nàn. Ngược lại có người cuộc sống nghèo nàn, nhưng tâm hồn phong phú. Vậy thực tế có mấy ai là người giàu sang thực sự. Khi nói đến giàu có, hãy xem đó là sự giàu có vật chất hay tâm hốn.

Hạnh phúc có gắn liền với sự giàu có hay không? Chắc chắn là có. Nhưng điều đó còn tùy thuộc vào  cách tiếp nhận của mỗi người. Sự giàu có về vật chất lẫn tâm hồn mang lại hạnh phúc to lớn hơn. Con người luôn hướng đến đời sống thụ hưởng những giá trị vật chất nhiều hơn là thụ hưởng nhũng giá trị tinh thần, do đó, thường dẫn đến sự mất quân bình trong đời sống, vì vậy hạnh phúc cũng không trọn vẹn, không bền vững. Sức lôi cuốn, hấp dẫn của đời sống vật chất mạnh đến độ người ta lầm tưởng đó là yếu tố duy nhất đưa đến hạnh phúc. Có nghĩa là người ta cho rằng đời sống thụ hưởng vật chất càng nhiều càng có nhiều phương tiện, tiện nghi trong đời sống thì càng thoải mái, càng có niềm vui, càng có nhiều hạnh phúc. Rất ít người dược biết rằng những thụ hưởng tinh thần cũng mang lại nhiều niềm vui, niềm hạnh phúc đặc thù không thua kém những thụ hưởng vật chất. Ví dụ người làm văn hóa nghệ thuật như nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ…họ cảm nhận niềm vui, hạnh phúc từ sự thụ hưởng tinh thần nhiều hơn từ vật chất. Có thể đời sống vật chất của họ rất nghèo nàn (cái ăn, cái mặc thiếu thốn, không có nhiều điều kiện hưởng thụ vật chất), nhưng họ vẫn có nhiều niềm vui từ quá trình lao động sáng tạo nghệ thuật, từ những thành quả họ làm ra. Hoặc những nhà tu hành không thể quan tâm đến sự thụ hưởng vật chất nhưng họ có được hạnh phúc từ sự bình an và thanh thản của tâm hồn, họ không lo âu phiền muộn, không thất vọng khổ đau, không ray rức lương tâm, không băn khoăn trăn trở, không oán ghét hận thù. Những người như thế, đời sống vật chất của họ nghèo nàn, nhưng đời sống tâm hồn giàu có. Ngược lại, có nhiều người tuy đời sống  vật chất sung mãn, dồi dào nhưng tâm hồn  nghèo nàn khánh kiệt, vô hồn vô cảm, không biết yêu thương, nghèo nàn cảm xúc…

Theo điều tra nghiên cứu mới đây của Công ty Nielsen, người  nghèo thường cảm nhận hạnh phúc nhiều hơn người giàu. Và phụ nữ hạnh phúc hơn nam giới. Phó chủ tịch phụ trách nhu cầu tiêu thụ của Công ty cho biết: “Sở dĩ phụ nữ  hạnh phúc hơn nam giới là vì nhân tố khiến họ hạnh phúc không gắn liền với kinh tế”. Phụ nữ cảm thấy hạnh phúc trong các mối quan hệ tốt đẹp với gia đình, với bạn bè với đồng nghiệp và với người khác phái trong khi nam giới tìm hạnh phúc ở tiền tài  danh vọng địa vị.

GIÀU MÀ NGHÈO, NGHÈO MÀ GIÀU

Giàu mà nghèo là đối tượng chiếm phần lớn trong xã hội hiện đại. Xã hội hiện đại là xã hội mà trong đời sống  vật chất được nâng cao, con người có nhiều điều kiện để hưởng thụ, phương tiện đời sống dồi dào… dù vậy con người vẫn khổ, vẫn nhọc nhằn tâm trí, chỉ vì con người không thể đủ, không biết mãn nguyện với những gì mình đang có. Con người chạy theo vật dục, sống đời sống thụ hưởng, tham đắm không dừng, không lúc nào thấy đủ, mải lo tìm kiếm những thù hưởng thụ, tìm cách thỏa mãn ham muốn dục vọng của con người không cùng tận nên không bao giờ có sự thỏa mãn, do đó thường sống trong thất vọng, khỗ não, tuy giàu có mà vẫn thấy thiếu thốn, nghèo nàn. Điều này đúng như lời Phật dạy: “Người biết đủ tuy nghèo mà giàu, người không biết đủ tuy giàu mà nghèo. Người không biết đủ thường bị ngũ dục sai khiến” hay “người sống biết đủ nằm trên đất cũng thấy an vui, người không biết đủ tuy ở thiên đường cũng không vừa ý”(Kinh Di Giáo).

Còn có một hạng người “giàu mà nghèo” khác. Những người suốt đời chỉ biết tính toán hơn thiệt, đầu cơ tích trữ, vơ vét vu quén cho bản thân nhưng không biết yêu quý cho bản thân và người khác. Họ sẵn sàng bỏ ra thời gian, công sức lao tâm khổ trí để tạo ra tài sản, bạc tiền nhưng lại tham lam ich kỷ, tuy giàu có mà giống như người bần tiện, họ sống khắc khổ, không dám ăn, không dám mặc, không dám sử dụng đồng tiền họ làm ra , cũng không muốn chia sẻ cho ai, không muốn làm những việc có ích cho cộng đồng, xã hội. Hạng người này tuy giàu có nhưng đời sống lại khổ sở hơn cả người nghèo.

Người ta thường nghĩ đến sự giàu có của cải bạc tiền hơn là sự giàu có khác. Ít ai quan tâm đến việc làm giàu tri thức, làm giàu đạo đức, làm giàu tình cảm, làm giàu tâm hồn…Nhưng nền tảng vững chắc để xây dựng gia đình, xây dựng xã hội phát triển vững mạnh lâu bền phải là  sự giàu có nhiều phương diện chứ không phải chỉ của cải bạc tiền. Nếu không có sự giàu có tri thức,  tình cảm, đạo đức, không có sự giàu có trong tâm hồn, đời sống tinh thần nghèo nàn thì những sự giàu có khác dễ dàng sụp đổ và con người cũng không hạnh phúc . Nhiều người mãi lo làm giàu mà quên cả việc chăm sóc bản thân, chăm sóc gia đình, đến khi kiếm được nhiều tiền có địa vị trong xã hội thì sức khỏe  cũng không còn, bệnh tật phát sinh, hạnh phúc gia đình cũng mất vì quan hệ tình cảm giữa các thành viên trong gia đình đổ vỡ. Người ta dễ dàng thành đạt trong xã hội, nhưng thất bại trong chính ngôi nhà của mình, thất bại trong việc xây dựng mái ấm gia đình, xây dựng trong các mối quan hệ tình cảm: vợ chồng, cha mẹ và con cái, anh chị em với nhau.

Muốn xã hội phát triển vững mạnh, cần phải làm giàu tri thức và đạo đức. Tri thức giúp xây dựng và phát triển xã hội, đạo đức giúp bảo vệ , giữ gìn những thành quả làm ra. Tri thức và đạo đức là nền tảng vững chắc của xã hội. Những nhà lãnh đạo, nhà quản lý, đội ngũ cán bộ , công nhân thợ thuyền v.v.. nếu không có tri thức, dốt nát thì làm được gì? Nếu không có đạo đức thì phát sinh tiêu cực, tệ nạn. Con người dễ dàng tha hóa nếu như không biết trau dồi nhân phẩm, đạo đức, vì thế việc quan tâm làm giàu đạo đức trong mỗi con người là điều hết sức quan trọng. Vì con người là chủ của xã hội, sự bình an, sự thịnh vượng, hạnh phúc của xã hội là do con người quyết định.

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 112 | PHAN MINH ĐỨC

Âm lịch

Ảnh đẹp