16/11/2012 07:38 (GMT+7)
Số lượt xem: 53818
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Xuất thân từ thị tứ Campa, trong dòng dõi của một nhà đại phú, do thiện duyên đẩy đưa, thanh niên Sona Kolivisa được vua Seniya Bimbisāra xứ Magadha hướng dẫn, diện kiến Đức Phật.




Sau khi gặp Phật, thanh niên Sona Kolivisa phát tâm xuất gia và tinh tấn hành trì theo những pháp hành sơ khởi, mà Đức Phật đã tùy thuận thuyết giảng trong buổi gặp gỡ ban đầu. Trong những pháp môn được dạy, với sơ tâm mạnh mẽ ban đầu, Tỳ-kheo Sona chọn pháp khổ hạnh, hành trì rất mực tinh tấn. Từ một công tử được cưng chiều đúng mực, thầy trải nghiệm đời sống xuất gia với y áo đơn sơ, đầu đội trời chân đạp đất. Con đường kinh hành lởm chởm những đá nhưng thầy vẫn đi chân không. Với niệm trước mặt, bàn chân thầy toe máu nhưng vẫn thong thả bước, không biểu lộ một chút khổ đau. Sau một thời gian hành trì, đường kinh hành của Tỳ-kheo Sona vấy máu như chỗ giết trâu, bò. Thầy kiên trì đến độ gần kiệt sức. Với sức lực ngày càng suy giảm, các tập khí được chôn vùi có cơ hội khởi lên. Trong một lần thiền tọa, một ý nghĩ chợt lóe lên trong đầu thầy: Hay là ta nên quay về đời sống thế tục? Vừa nhàn hưởng lạc thú thế gian vừa có thể phát tâm làm các thiện sự?

Biết được suy tầm của Tỳ-kheo Sona, cảm thương cho sự nỗ lực quá độ của một Tỳ-kheo sơ tâm, Đức Phật từ núi Gijjhakūta đến khu rừng Sīta, nơi Tỳ-kheo Sona tu tập. Rất mừng vì được Phật ghé thăm, Tỳ-kheo Sona theo pháp đảnh lễ, thiết trí chỗ ngồi thỉnh Phật an tọa. Phật dạy:
- Này Sona, có phải trước đây ông vốn rành rẽ về âm điệu cũng như kỹ thuật đánh đàn Tỳ-bà?
- Bạch Thế Tôn, đúng vậy.
- Khi dây đàn lên quá căng, thì có phù hợp để sử dụng không?
- Dạ không, vì dây dễ đứt và phát ra tiếng chát chúa.
- Nếu dây đàn chùng quá thì có sử dụng được không?
- Dạ không, dây quá dùng thì không thể phát ra âm thanh được ạ.
- Cũng như vậy, hỡi Tỳ-kheo Sona Kolivisa. Khi ông tinh tấn quá độ thì dễ gây ra sự loạn động, căng thẳng trong tâm. Khi nỗ lực của ông vượt quá sức chịu đựng của thể xác thì cũng giống như dây đàn lên quá căng, khó có thể hòa điệu một bản nhạc hay, đôi khi còn gặp họa đứt dây giữa chừng. Khi cơ thể của ông quá suy kiệt thì cũng dẫn đến sự uể oải lười nhác, làm nhân duyên cho ý nghĩ bỏ cuộc, thối lui. Cũng giống như cây đàn chùng dây, không thể trình bày bất cứ một nhạc khúc nào cả.
Thẩm sát sâu xa lời huấn thị của Đức Phật, Tỳ-kheo Sona đã vận dụng nhuần nhuyễn sự cân bằng trong pháp tu và không lâu sau, thầy đắc Thánh quả A-la-hán.
(Thuật lại theo kinh Tăng chi, chương 6 pháp, Đại phẩm, kinh Sona; Xem thêm, Mahavagga tập 2, chương Da thú, thứ Năm, Thanh niên Sona Kolivisa xin xuất gia, Ví dụ về dây đàn, đoạn 2.)


Bàn thêm:

Tinh tấn là động lực mở ra cánh cửa giải thoát; tinh tấn là thiện pháp cần có trong mọi pháp hành. Không có tinh tấn thì không có lối về trên mọi ngã đường tu tập. Trong Ba mươi bảy phẩm trợ đạo thì Tứ chánh cần đóng một vai trò quan trọng. Chính vì vậy tinh tấn luôn được ca ngợi, vinh danh ở mọi pháp hành.
Tuy nhiên, sự siêng năng quá mức, sự tinh tấn cùng tột bất chấp khả năng chịu đựng của thể xác là điều không được Đức Phật ca ngợi, khuyến khích. Vì tinh tấn như thế sẽ đưa đến sự hủy diệt, tiêu vong. Đọc lại lịch sử của các vị thánh tăng thời Phật, cũng như trong quá trình phát triển của Phật giáo ở các thời kỳ, đã có những trường hợp rơi vào bối cảnh tương tự. Tâm muốn học đạo, nhưng thân đã không còn. Nguyên nhân do bởi không nhận ra yếu tính căn bản của pháp Phật, là con đường trung đạo. Từ trải nghiệm bản thân trong sáu năm khổ hạnh, Đức Phật đã xác quyết rằng, không thể có một trí lực minh mẫn trong một thể xác suy kiệt.

Ở phương diện ngược lại, Đức Phật đã thống trách các đệ tử vốn xuất thân từ dòng dõi quý tộc, và ngay cả hạng thứ dân, tuy đã vào dòng Thích tử nhưng chưa từ bỏ được lối sống xa hoa. Sa đà trong thói quen thụ hưởng thì sẽ quên mất chí nguyện cao cả của đạo Bồ-đề. Ngay từ thuở xưa, Đức Phật đã đưa ra những tín hiệu mang tính dự báo về một tương lai u ám của Phật giáo. Đó là khi các đệ tử của Như Lai không thoát ra khỏi ảnh hưởng của hấp lực dục vọng. Dự báo này càng có cơ sở, khi đời sống vật chất của người cư sĩ được vững chãi, sự phát tâm, hỗ trợ cho người xuất gia của họ ngày càng nhiều, và không có một sự định hướng đúng mức, như pháp, từ người xuất gia.

Là một nghệ sĩ bậc thầy, thì phải biết cách cân chỉnh nhạc cụ của mình như thế nào là hợp lẽ, để tạo ra được những hợp âm huyền diệu cho một buổi đại nhạc hội sắp diễn ra. Cũng vậy, tâm hành người xuất gia phải khoáng đạt thong dong, nói theo thuật ngữ Phật học là phải biết vận dụng tinh thần trung đạo trong bước đường tu tập của mình, tức là không rơi vào tinh tấn thái quá hay đam mê thọ hưởng dục vọng. Vì cả hai thái cực vừa nêu đều dẫn đến thất bại, khổ đau. 

* A Lan Nhã (NSGN - số 200)

Âm lịch

Ảnh đẹp