KHÉO LẮNG NGHE


Ajaan Fuang Jotiko Diệu Liên Lý Thu Linh
14/10/2018 14:27 (GMT+7)
Số lượt xem: 1584
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng



 
Khéo Lắng Nghe
Đây là pháp thoại dành cho gia đình nữ cư sĩ Choop Amorndham, bao gồm các con và các cháu của bà vào tháng 1, 1984.  Do tỳ kheo Thanissaro dịch từ tiếng Thái sang Anh.

***


Làm sao khiến tâm tĩnh lặng? Chúng ta đã biết cúng dường.   Đã giữ giới: không sát hại, không trộm cắp, không tà dâm, không nói dối, không sử dụng các chất gây nghiện.  Giờ thì tùy chúng ta có muốn tiếp tục giữ giới hay không.  Quả của việc giữ giới, quý vị biết không, đưa ta đến tận niết bàn.  Được sinh trở lại làm người, hay làm chư thiên, hay đạt niết bàn, tất cả đều là quả của việc giữ giới.  Đó là những điều ta đã được dạy. Chúng ta được dạy, nếu khéo lắng nghe, ta sẽ được trí tuệ.  Nếu không biết lắng nghe, ta sẽ không được gì cả.  Theo giáo lý của Đức Phật, khéo lắng nghe có nghĩa là tâm phải tập trung và có chủ đích.  Việc lắng nghe có thành công hay không tùy vào chủ đích của ta.  Nếu không có sự chủ ý, sẽ không có sự thành tựu–chúng ta không thể thành tựu đạo quả dẫn đến niết bàn như chư vị thánh tăng trong quá khứ.  Trong quá khứ, các vị này chỉ nghe qua một điều gì đó là đạt được niết bàn.  Tại sao vậy?  Vì họ đã khéo lắng nghe.  Vì họ đã có trí tuệ.  Họ hiểu.  Nói cách khác, họ đã khắc cốt ghi tâm.  Còn chúng ta ngày nay, học đủ mọi điều- kể cả ra nước ngoài du học; học rất nhiều thứ, nhiều lãnh vực của tri thức- nhưng chúng không giúp ta thoát khổ.  Chúng chỉ đưa ta trở lại với nhữngsự thật sáo mòn, quẩn quanh như thế.  Chúng ta đã biết quá nhiều thứ, nhưng muốn khéo lắng nghe, để được có trí tuệ, tâm ta phải tĩnh lặng.

Tiếp đến là việc hành thiền, giúp tâm tập trung, an trụ vững chải.  Đó là bổn phận của tất cả mỗi cá nhân chúng ta.  Ta phải nỗ lực kiểm soát tâm.  Nó rất vi tế, không tầm thường chút nào.  Nó vi tế -nhưng nó nằm trong ta.  Nhiều vị thầy đã đến đây dạy ta phải niệm Phật, niệm Pháp, niệm Tăng.  Quý vị phải quán niệm về những thứ đó cho đến khi nhiếp tâm.  Lý do khiến tâm chưa được trụ vững trong thiền là vì ta đem đặt tâm ra ngoài.  Nó chỉ ở bên trong được một chút, rồi phóng ra ngoài.  Nó không trụ lại bên trong lâu.  Và khi điều đó xảy ra, ta sẽ khó lắng nghe tốt.  Vì thế ta phảicố gắng lắng nghe kỹ.  Phải khiến tâm tập trung vững chải.  Phải nghe bằng tâm, không chỉ bằng tai.  Phải khéo lắng nghe bằng tâm.  Khi tâm tập trung vững chải, ta sẽ có được trí tuệ.  Hiểu biết.  Cái hiểu toàn vẹn.  Thuở xưa, các vị thánh chỉ nghe một ít và hiểu.  Họ đạt các quả vị dự lưu, nhất lai, bất lai và a-la-hán.

Vì thế hãy nhiếp tâm thiền định.  Khiến cho tâm tĩnh lặng. Hãy để tâm lắng đọng, tách rời khỏi những khuấy động từ bên ngoài.  Chúng ở khắp quanh ta.  Hãy để tai, và mắt được yên.  Tai cứ phải nghe, thì làm sao chúng yên tĩnh?  Chúng ta là người không thể yên tĩnh.  Chúng ta cứ chạy theo những thứ đi vào mắt, chảy vào tai ta.  Ta cứ tiếp nhận, xúc chạm.  Nên ta được dạy phải giữ cho tâm yên.  Khiến nó tập trung.  Ta phải chánh niệm, giữ chánh niệm trên hơi thở. 

Vì thế, ngay bây giờ hãy ngồi xuống chiếu thiền.  Tập trung vào hơi thở.  Nhắm mắt lại và tập trung vào hơi thở.  Nhắm mắt lại và nghĩ bud- khi thở vào, dho khi thở ra.  Bud vào dho ra.  Luyện tâm.  Và lắng nghe.  Nếu ta chỉ lắng nghe mà không thực hành, không rèn luyện, thì không có gì phát triển.  Không phải chỉ lắng nghe, thế là chấm hết.  Ta phải lắng nghe và thực hành nữa.  Điều đó có nghĩa là khi đã lắng nghe, ta phải thực hành ngay khi ấy thì hành động nghe đó mới có được lợi ích.  Chỉ khi đó, ta mới có được cái khả năng mình mong muốn.  Khi tâm tập trung và ta có hiểu biết, sẽ đưa đến thành tựu khả năng và công đức.  Khi tâm đã lắng động, ta sẽ hiểu thế nào là ‘công đức’, và thế nào là đạt được “công đức” ấy.  Không có gì khó khăn cả.  Nó chỉ khó khi tâm không tập trung.  Vì thế hãy trụ tâm vững chải chỉ trên hơi thở vào và ra.  Quán sát hơi thở.  Có hơi thở vào không?  Hay hơi thở ra không?  Đó là thứ mà tất cả chúng ta đều sở hữu.  Kho báu đó đã có sẵn.  Hơi thở vào đã có đó.  Hơi thở ra đã có đó.  Nên ta chỉ cần mang sức mạnh của sự quánsát vào trong thân.  Hãy giữ hơi thở trong tâm. Đừng lang thang đây đó.  Hãy xem ta đã có sẵn những gì ở bên trong.  Ta đã có một kho báu giá trị bên trong –kho báu của việc được làm người.  Vì thế ta phải gìn giữ kho báu này cho đến khi nó trở nên tròn đầy, cho đến khi nó trở thành kho báu của các cõi phạm thiên, kho báu của niết bàn.  Hãy gìn giữ kho báu này.  Nhưng thật khó gìn giữ, nếu ta không biết cách sử dụng nó, không biết cách bảo vệ nó.  Nếu thiếu trí tuệ, kho báu này lại trở thành của nợ -chắc chắn là như thế.  Vậy ta có thể làm gì khi chưa đạt được trí tuệ?  Có đủ thứ hiểm nguy khiến ta đánh mất kho báu này.  Đó là lý do vì sao ta phải phát triển khả năng cần có để gìn giữ nó –nói cách khác đó là việc giữ năm giới và dán chặt tâm vào hơi thở vào ra.  Hãy giữ tâm tập trung vững chải.  Hãy quán sát hơi thở không dừng dứt.  Theo dõi nó luôn, bảo đảm làhơi thở vào dễ chịu, hơi thở ra dễ chịu.  Khi làm được thế là ta đang gìn giữ kho báu của mình.  Khi ta chăm lo cho nó một cách chánh niệm, không có gì đe dọa được nó.  Nếu có bất cứ việc gì sắp xảy ra, ta sẽ biết trước.  Ta sẽ có thể chăm sóc cho kho báu của mình suốt đời như thế.  Hoặc có thể phát triển nó, thêm vào đó, để nó trở thành kho báu của các cõi phạm thiên, kho báu của niết bàn.  Tất cả đều đến từ ngay điểm này.  Từ hơi thở.  Nếu ta có thể chăm sóc hơi thở, khiến nó luôn vững chải, nó sẽ đưa ta đến kho báu của loài người, kho báu của phạm thiên, và đến tận kho báu của niết bàn.

Dĩ nhiên để được những điều như thế, đòi hỏi ta phải có sự quyết tâm.  Nỗ lực.  Kiên trì và chịu đựng.  Có thế ta mới mong đạt được mục đích của mình.  Nếu ta siêng năng, kiên trì, chắc chắn là ta sẽ thành công, giống như các vị thánh a-la-hán, giống như Đức Phật.  Các ngài đã đạt được đạo quả, đưa đến niết bàn bằng sự tinh tấn, kiên trì, kham nhẫn.  Đó là cách Đức Phật trở thành vị Phật mà ta cung kính, lễ bái hằng ngày.  Tại sao ta phải lễ bái trước Ngài?  Vì Ngài đã thể hiện được sựnỗ lực, kiên trì ba-la-mật, nhờ đó Ngài đạt được sự toàn giác, trở thành chỗ nương tựa cho mọichúng sanh, người hay chư thiên.

Quy luật đó cũng đúng cho ta.  Một khi ta đã quyết tâm phát triển kho báu của mình –tài sản cao quý, tài sản nội tại cũng như ngoại tại- là ta phải biết chăm lo ngay điểm này: hơi thở này.  Chúng ta phải rèn luyện tâm để nó trụ vững chải, và tập trung.  Ta phải luôn dõi theo hơi thở suốt ngày.  Đúng ra, hơi thở đã có luôn có mặt.  Nếu không, ta đã chấm dứt, hết đời.  Hơi thở đã ở bên chúng ta kể từ ngày ta có mặt trên đời, nhưng ta không hề quan tâm đến nó, không hề biết chăm sóc nó.  Nói cách khác, ta không hề biết chăm lo cho người bảo vệ của mình, không hề làm quen với ngườibảo vệ mình từ khi mới ra đời.  Người bảo vệ này đã luôn chăm lo cho ta, từ lúc ta vừa lọt lòng mẹcho đến tận ngày nay.  Nếu người bảo vệ này không chú tâm chăm sóc ta, ta đã chết mất rồi.  Đãchấm dứt.  Vì thế, ta chớ nên quên những điều tốt lành người đó đã làm cho ta.  Hãy quán sát xem người đó như thế nào: Hình dáng ra sao?  Có những đặc điểm gì?  Người đó thân mật hay lạnh lùng?  Cao hay thấp?  Tập trung vào việc xét xem người đó thuộc loại người gì, xét xem tại sao người đó quá tốt bụng.  Người đó đã tận tụy chăm sóc từ lúc ta mới sinh ra cho đến ngày hôm nay, dù ta không hề để ý đến, không hề muốn làm quen, làm thân, không hề quan tâm xem người đó cần gì, có hạnh phúc hay không.  Chúng ta hoàn toàn bỏ quên người đó.  Vì thế giờ ta hãy nghĩ đến người đó một chút.  Xem người đó ra sao khi xuất hiện hay khi biến đi.  Hãy theo dõi người đó.  Hãy để ý đến người đó.  Tập quán sát.  Quán tưởng về những gì mình đã thấy.  Như thế ta sẽ thấy hơi thở vào có mặt, hơi thở ra có mặt.  Sau đó thì tùy ta: ngồi xuống và duy trì sự ý thức đó.  Giữ cho hơi thở vào ra nhẹ nhàng.  Hãy nhận biết: hơi thở vào có dễ chịu không?  Hơi thở ra có dễ chịu không?  Nếu hơi thở vào và hơi thở ra dễ chịu, hãy giữ chúng như thế.  Nếu không, ta có thể thay đổi chúng.  Ta có thể thử hít vào dài, thở ra ngắn, tùy vào cảm nhận của mình.  Nếu thấy khó chịu với hơi thở dài, có thể đổi thành ngắn, hay ngược lại.  Nói cách khác, hãy làm quen với việc chỉnh sửa sao để ta thấy dễ chịu với hơi thở vào, ra.  Nếu ta khá quen thuộc với hơi thở của mình, ta có thể chỉnh sửa chúng.  Nếu không, làm sao ta có thể chỉnh sửa chúng?

Vì thế, trước tiên ta phải làm quen với hơi thở vào, ra của mình, để xem các đặc điểm của hơi thởvào ra ở cơ thể.  Hơi thở vào như thế nào?  Hơi thở ra như thế nào?  Khi ta có thể quán sát nó rõ ràng, biết nó dễ chịu, thì ta giữ nó như thế, theo dõi nó liên tục.  Ta sẽ thấy là người bảo vệ cho ta ngày càng tử tế, tốt bụng hơn.  Khi người bảo vệ ta tốt bụng, thì tâm ta cũng tốt lên.  Tại sao vậy?  Vì cũng giống như khi ta sống với người tốt bụng, tâm ta cũng sẽ cố tốt lên.

Đức Phật đã dạy, asevanā ca bālānapaṇḍitānañca sevanā: khi thân cận với kẻ ngu…  Khi tâm ta xấu ác, cũng giống như ta đang thân cận với kẻ ngu- kẻ ngu ở bên trong ta.  Khi tâm ta an bình, đó là vì ta có bạn tốt - paṇḍitānañca- ở bên trong.  Khi tâm có bạn tốt là người bảo vệ ở bên trong, nó sẽ trở nên cởi mở, tươi mới và sáng lạn.  Tâm sẽ đạt được chánh niệm và trí tuệ.  Bất cứ điều gì ta dự định làm, đều không có mục đích làm hại mình, hại người.  Nên, hãy giữ tâm trụ vững chải như thế, vì ta đã có bạn lành, người bảo vệ luôn cho ta những lời khuyên hữu ích.  Tâm đó sẽ trải nghiệm được sự sáng lán, rõ ràng xuyên suốt những ngày, những tháng, năm, đến tận lúc ta không còn hơi thở vào, ra.  Vì thế hãy chăm sóc người bảo vệ cho đến hơi thở sau cùng.  Nếu tâm ta thực sự tốt đẹp, ta sẽ đi đến tận niết bàn.

Nếu đó là ước nguyện của ta, ta phải nỗ lực học pháp, thực hành miên mật, duy trì sự thực hành, vì đó là khả năng chỉ phát triển từ bên trong ta.  Nó hoàn toàn nương tựa nơi ta.  Để có được khả năng này, ta chỉ có thể dựa vào chính mình.  Đức Phật đã dạy ta cách huấn luyện bản thân, rằng ta phải nghiêm khắc với bản thân.  Cha mẹ, anh chị em, thầy ta: chỉ là những người ta liên hệ trong một thời gian ngắn.  Nhưng nếu ta thực sự thành tâm, thực sự quyết chí, ta phải dựa vào chínhbản thân.  Đó là điều Đức Phật đã dạy.  Khi Ngài dạy chúng sanh phải nương tựa vào bản thân, đó là Ngài đã dạy họ con đường đi đến đạo quả, niết bàn.  Khi Ngài dạy họ, họ đem những lời dạy của Ngài vào bên trong- opanayiko- để quán chiếu rồi thực hành, để thấy đúng Pháp.

Vì thế chúng ta phải tự rèn luyện bản thân ngày càng tốt hơn, qua mỗi ngày, mỗi đêm, vì đây là công việc của chúng ta.  Ta có thể nói là việc thực hành Pháp quá khó, và đúng vậy.  Mà ta cũng có thể nói nó dễ, thì cũng đúng vậy, vì hơi thở ở ngay bên trong ta.  Nó là công việc của chínhchúng ta.  Nên tất cả tùy thuộc vào việc ta có muốn thực hành hay không.  Nếu ta không tự rèn luyện mình, không nghiêm khắc với bản thân, thì ta sẽ không tiến tới đâu.  Nếu ta rèn luyện bản thân, nghiêm khắc với bản thân, thì ta sẽ thực hành –mỗi ngày, mỗi đêm.  Ta bắt đầu học từ cha mẹ, thầy cô.  Họ đã dạy ta cách nói năng, ăn uống, cách ngồi làm sao, đi thế nào, rất nhiều thứ, kể từ khi ta cất tiếng chào đời.  Đã bao lâu rồi nhỉ?  Họ đã huấn luyện ta năm này qua tháng nọ, và vẫn tiếp tục công việc đó.  Ta phải dựa vào cha mẹ để được dạy dỗ.  Ta không biết ngồi, không biết đi, không biết nói, nên họ phải dạy ta phương cách. Dần dần, ta trở nên thiện xảo hơn, thông minhhơn.  Ta phải dựa vào cha mẹ, là những vị thầy đầu tiên dạy dỗ ta cho đến khi khôn lớn.  Giờ đó là bổn phận của chính ta.  Ta đã là người  trưởng thành.  Ta phải có bổn phận tự huấn luyện mình, tựnghiêm khắc với bản thân.  Tất cả tùy thuộc vào chỉ mình ta.  Dầu tốt hay xấu, thành hay bại, tất cả đều tùy thuộc vào ta.  Nếu ta không tự rèn luyện bản thân, cứ để mọi sự diễn ra như thế nào cũng được, thì ai sẽ là người chịu khổ?  Chính ta chứ ai.

Tất cả những gì ta cần để thực hành đều ở bên trong ta.  Nên ta cần quán xét tâm cẩn thận để khiến nó tập trung vững chải ở bên trong.  Chúng ta phải ý thức rằng ta đã sẵn có gia tài.  Chúng ta đang được làm người.  Aggahāna manussesu: bản thể cao thượng nhất là của loài người.  Được có bản thể cao thượng này không phải dễ.  Được sinh làm người và được gặp Phật pháp là điều khó.  Có biết bao chúng sanh không được có mặt ở nơi này.  Nên ta đã sẵn có kho báu, ta đã sẵn có tài sản.  Giờ là tùy chúng ta có biến được kho báu đó thành kho báu của các cõi phạm thiên, kho báu của niết bàn.  Không phải quá khó đâu.

Đối với những kẻ không có kho báu này –các vong linh, quỷ dữ, quỷ đói- thì thật khó.  Họ có muốn làm tốt, cũng không thể.  Tại sao không?  Vì họ không có thân.  Họ không có tài sản gì.  Họ cũng muốn làm tốt như bao người, nhưng họ không thể.  Vì thế họ phải vất vưởng, lang thang, van xinngười nọ, người kia, cố gắng truyền tải một thông điệp bằng cách nhập vào người nọ, người kia, bảo họ phải làm điều thiện.  Bản thân họ muốn làm tốt nhưng không được.  Vì trước đây khi được làm người, họ không muốn làm điều tốt.  Lúc có thân người, họ lười biếng, chỉ lo ăn, ngủ, ngủ ăn, để ngày tháng qua đi.

Vì thế mỗi ngày ta phải dành thời gian để làm cho cuộc sống của mình có giá trị.  Nếu con ngườibiết cách tạo ra giá trị cho đời sống của họ dầu chỉ một giờ trong ngày, mỗi ngày…  Điều quan trọng là ta không được dễ duôi.  Hãy quyết tâm tăng thêm nỗ lực.  Bất cứ điều thiện gì ta muốn phát triển, muốn thực hiện, muốn làm chủ, muốn toàn hảo: hãy nỗ lực để đạt được điều đó.  Hãy cho tâm có chỗ trụ vào.  Khi tâm đã có điều gì đó vững chắc để bám trụ, nó chẳng sợ khó khăn gì.  Vì thế hãy quyết tâm không dễ duôi.  Đức Phật đã khuyên ta tăng nỗ lực.  Bất cứ điều thiện gì ta chưa hoàn thiện được trong hành động, hãy mạnh dạn phát triển nó.  Bất cứ điều thiện gì ta chưa phát triển được trong lời nói, hãy mạnh dạn phát triển nó.  Bất cứ điều thiện gì ta chưa phát triển được trong tâm, ta cần tăng nỗ lực và tạo dựng nó bên trong như một thứ kho báu ở cõi người.  Được như thế, khi ta ra đi, rời bỏ cõi người, ta không phải van xin ai điều gì, vì ta đã tự chuẩn bị đầy đủ cho bản thân.  Những gì ta có đều hoàn hảo.  Ta không thiếu thốn bất cứ thứ gì.

Đó là lý do tại sao người trí luôn tăng tiến nỗ lực.  Khi được có mặt ở cõi người, là ta được sinh vào một cõi đủ đầy mọi thứ.  Nên khi người trí được sanh vào đó, họ không lãng phí thời gian, mà luôncố gắng để hoàn thiện thêm lên.  Giống như Đức Phật –thử nghĩ xem: trong bốn a-tăng-kỳ kiếp và hàng trăm ngàn ức kiếp, Ngài liên tục trở lại cõi người để hoàn thiện bản thân, liên tục tái sinh, già, bệnh, và chết liên tục.  Bốn.  Không thể đo lường.  Bạn có biết đó là bao nhiêu lâu không?  Hai mươi tám chúng sanh đã hoàn thiện ba-la-mật đến độ họ đã trở thành các vị Phật.  Mỗi sự hoàn thiện của từng vị Phật phải hoàn toàn không tỳ vết dưới mọi khía cạnh.  Nếu ta gom hết các kho báu ở cõi người, chúng cũng không thể sánh với sự hoàn hảo của một vị Phật.  Ngài có mặt ở đời chỉ vì sự hoàn hảo, để tạo dựng sự hoàn hảo của mình.  Đó là mục đích của một vị Phật.  Dầu Ngài sinh ra với thân phận gì, cũng luôn là vì sự  toàn thiện, vì trí tuệ giác ngộ.  Đó là lý do Ngài cứ phải quẩn quanh trong luân hồi, sinh rồi tử, tử rồi sinh, tái đi, tái lại.  Ngài tiếp tục hoàn thiện bản thâncho đến khi thành công trong việc đạt được giác ngộ đúng theo mục đích của Ngài.  Đối với các vị thánh đệ tử của Ngài cũng thế: tất cả đều sinh ra vì mục đích tiếp tục hoàn thiện bản thân.

 Còn chúng ta thì sao?  Chúng ta được sinh ra để hoàn thiện những gì?  Sao ta không tăng tốc trong nỗ lực tiến lên, làm tốt hơn?  Sao ta không hướng tầm nhìn cao xa hơn?  Hãy tự vấn: Mục đích của ta là gì?  Nguyện ước của ta là gì?  Khi có nguyện ước, hãy nỗ lực hoàn thành nó.  Khiến nó trở thành hiện thực đúng như nguyện ước của mình.  Ngay cả khi ta không thành công trong kiếp sống này, ta cũng đang tạo dựng thói quen, tạo ra các điều kiện cần thiết, cho kiếp sống tới, để chúng được chế ngự, được mạnh mẽ, như thế chúng sẽ trở nên cao hơn, tốt hơn sau mỗi kiếp sống –vì ta tiếp tục bồi dưỡng, củng cố chúng trong mọi kiếp sống.  Bằng cách đó, rồi ta cũng sẽthành công.

Khi đến với thế giới này, ta phải tự biết tại sao ta có mặt ở đây.  Ta được sinh ra để làm gì? Ta được sinh ra để củng cố, để kiến tạo sự thiện lành, nên ta phải nhanh chóng phát triển sự thiện lành của mình, khiến cho nó trở thành một thực tại.  Giống như Đức Phật và các vị thánh đệ tử của Ngài: Họ không dễ duôi.  Dầu sinh ở đâu, họ sinh ra vì sự toàn hảo.  Họ không dính mắc với những chuyện về các kho báu thế tục.  Dầu có được hưởng thụ bao dục lạc thế gian, họ cũng không màng.  Ngay khi có cơ hội, họ liền rời bỏ gia đình để sống đời đạo hạnh, hầu tiếp tục bồi đắp sự hoàn hảo của họ đúng như ý nguyện.

Còn chúng ta, ngay khi có được chút dục lạc là ta bấu ngay vào, dính chặt không rời.  Nên ta không muốn đi đâu khác.  Dầu chỉ là chút dục lạc, chúng ta cũng vui nhận.  Các dục lạc này rất nguy hiểm, bạn biết không?  Các dục lạc này giống như ma túy: Chỉ thử một chút và ta đâm nghiện.  Người ta bảo rằng ma túy khó bỏ, nhưng dục lạc thế gian càng khó bỏ hơn.  Chúng ăn sâu vào tận xương tủy ta.  Chúng chính là nguyên do khiến ta có mặt ở nơi này, khiến ta luân hồisinh tử qua bao kiếp.  Không có thuốc chữa nào giúp ta từ bỏ được thói quen này, tẩy sạch nó khỏithân tâm ta, trừ phương thuốc từ những lời dạy của Đức Phật.  Chỉ khi ta biết áp dụng những lời dạy của Đức Phật thì trạng thái mê đắm các dục lạc này mới dần dần bớt đi, dần dần nhẹ hơn, dần dần qua đi.  Chỉ khi đó ta mới được chữa khỏi sức độc hại của loại gây say này.  Đúng nó là thế đó: chất gây say dục lạc.  Chúng ta luôn sống với nó.  Nó vô cùng mãnh liệt.  Nó là cái khiến ta bơi lội giữa dòng tử, sinh.  Hãy quán tưởng về điều đó.  Hãy suy nghĩ về điều đó.  Con người, muôn thú, tất cả chúng ta cùng chung số phận.  Dầu ta sinh ra ở đâu trong cõi dục: ngay cả những ai sinh ra ở cõi phạm thiên cũng bị dính mắc.  Ngay ở các cõi này, họ cũng chưa thoát được.  Ngay khi vừathoát khỏi cõi người, ta sẽ bị dính ở cõi phạm thiên.  Vì thế ngày nào ta còn chưa biết uống thuốc chữa của Đức Phật để cắt đứt cơn nghiện này, để xua đuổi nó ra khỏi thân tâm, ngày đó ta còn bơi lội giữa dòng sinh, tử, đến rồi đi giống như ngay bây giờ, không bao giờ có cơ hội chấm dứt nó.

Đó là lý do tại sao người trí có tai, có mắt, có trí tuệ.  Họ lắng nghe tốt và đạt được trí tuệ.  Đó là lý do tại sao họ nhìn thấu mọi chuyện.  Họ quán chiếu về tất cả những thứ duyên hợp và nhìn xuyên thấu chúng.  Đó là lý do tại sao họ có thể chấm dứt sự hiện hữu, tái sinh, nên họ không còn phải bơi lội giữa dòng tử, sinh.  Họ buông bỏ mọi phiền não, khổ đau, mọi khó khăn, bức bách, và bước vào niết bàn.  Họ từ bỏ mọi giả hợp không để lại dấu vết gì, và tiến thẳng vào niết bàn.  Đức Phậtvà các vị thánh đệ tử của Ngài, tất cả đều đã thành tựu bằng cách đó, tẩy sạch mọi trạng thái của hữu, của sinh, nên họ không còn trở lại để chịu khổ trong thế giới loài người này bao giờ nữa.  Vì thế tất cả chúng ta nên quyết tâm rèn luyện để tâm trở thành một nền tảng vững chắc mà ta có thể bám vào càng chặt càng tốt.  Nếu ta còn chưa nắm giữ được tâm mình, thì bằng mọi cách phải làm cho được.

 

Diệu Liên Lý Thu Linh

(Chuyển ngữ từ bảng tiếng Anh LISTEN WELL, nguồn www.accesstoinsight.org, Metta Forest Monastery, P.O.Box 1409, Valley Center, CA 92082, USA)


Âm lịch

Ảnh đẹp