TÂM HOANG VU


Nguyên Cẩn
29/06/2018 16:20 (GMT+7)
Số lượt xem: 1695
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng




tam hoang vu

…/…

Khi tâm hồn bị “sa mạc hóa

Trừ những nơi đang xảy ra chiến tranh, có lẽ không ở đâu như trong xã hội ta hiện nay, tình trạng bạo lực đang diễn tiến hết sức đáng lo ngại. Đã có nhiều cuộc hội thảo, tranh luận, bàn cãi xoay quanh chủ đề bạo lực học đường, bạo lực xã hội… Chưa bao giờ người ta lại giết nhau đơn giản đến thế. Một vụ va quẹt sơ sịa, một vài câu nói vu vơ, thậm chí chỉ một cái nhìn nhưng bị diễn dịch cố ý thành ‘nhìn đểu’, cũng đủ để loại một người ra khỏi đời sống. Nhiều bậc phụ huynh đâm ra sợ khi đưa con mình đến trường vì nơi đó không còn bình yên, không chỉ có “hoa vàng cỏ xanh” mà có cả máu và dao… và nguy hại thay, hiểm nguy luôn rình rập.

Nhìn rộng ra, có thể thấy cái ác đã hiện diện ngay dưới khuôn mặt trẻ thơ, trong sân trường, .. và chung quanh chúng ta. Cái ác đến từ chuyện hàng xóm gây gổ liên quan tiếng ồn do việc mở nhạc với âm lượng quá lớn, từ anh xe ôm giành mối, anh xe tải giành đường… thậm chí từ người vợ đã có cả hàng chục năm chung sống… Cái ác lẩn khuất trong bó rau nhiễm thuốc trừ sâu hay nhiễm nhớt thải mang mầm bệnh; cái ác nhào trộn trong sữa nhiễm melamine gây sỏi thận và nguy cơ tử vong ở trẻ em… Cái ác không lộ diện. Cái ác không công khai tuyên chiến. Cái ác nhiều khi bùng phát ngẫu nhiên như ung nhọt nẩy sinh ngay từ trong huyết mạch của con người.

Vì đâu nên nỗi?

Có thể thấy nguyên nhân sâu xa của cái ác nằm ở chỗ lòng tham dục đang được kích hoạt hết cỡ, điều mà một vị quan chức thuộc Viện Khoa học Xã hội Việt Nam khi bình luận về vụ án nhà báo Hoàng Hùng bị chính vợ mình lập mưu đốt chết đã khái quát hóa thành ‘động cơ sống’, rằng “Khi con người quay cuồng, đảo điên với hàng loạt các vấn đề về sự hưởng thụ, ích kỷ, thì họ có thể trở nên toan tính, lạnh lùng hơn và dễ tạo nên những tội ác”.

Suy cho cùng, mọi cái ác đều xuất phát từ lòng ham muốn thỏa mãn những dục vọng của con người. Nhiều khi ranh giới giữa thiện và ác hết sức nhỏ nhoi và mong manh. Tâm thiện và tâm ác tồn tại song song ngay trong chính mỗi con người; và cái ranh giới thiện ác ấy mong manh đến mức chính những kẻ đã vượt qua ranh giới ấy cũng chưa biết mình vừa đặt chân vào cõi ác. Nhiều khi con người thực hiệncái ác mà không ý thức được hậu quả khôn lường từ hành vi gieo mầm ác của mình. Chính vì vậy, việc tiêu diệt cái ác lại càng khó khăn hơn. Cái ác không những được che đậy tinh vi hơn mà nhiều khi còn bùng phát bất thường từ chính những con người vốn được xem là lương thiện.

Có những người bi quan không tin rằng có thể có những biện pháp diệt trừ mầm ác trong một xã hội mà chủ nghĩa vật chất ăn quá sâu vào suy nghĩ của từng con người. Khi một đứa trẻ thấy cha mẹ nó được người ta xưng tụng vì tiền, vì quyền; mặt khác, cha mẹ nó bị người khác mua chuộc, lung lạc cũng bằng tiền, thì rất khó để đứa trẻ đó tin vào những giá trị tinh thần khác. Khi tình yêu có thể được cân đong bằng phép định lượng từ nhà cửa, xe cộ, giá trị cổ phiếu… thì khó có thể hình dung chuyện ‘túp lều tranh, hai quả tim vàng’, trừ khi tim làm bằng... vàng ‘bốn số 9’.

Phật dạy về tâm hoang vu

Hơn hai ngàn năm trăm năm trước, Đức Phật đã ân cần vạch ra sự nguy hiểm của dục:

“Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nguyên nhân, do chính dục làm nhân, vua tranh đoạt với vua, Sát-đế-lị tranh đoạt với Sátđế-lị, Bà-la-môn tranh đoạt với Bà-la-môn, gia chủ tranh đoạt với gia chủ, mẹ tranh đoạt với con, con tranh đoạt với mẹ, cha tranh đoạt với con, con tranh đoạt với cha, anh em tranh đoạt với anh em, anh tranh đoạt với chị, chị tranh đoạt với anh, bạn bè tranh đoạt với bạn bè. Khi họ đã dấn mình vào tranh chấp, tranh luận, tranh đoạt; họ công phá nhau bằng tay; họ công phá nhau bằng đá; họ công phá nhau bằng gậy; họ công phá nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục.

Lại nữa, này các Tỷ-kheo, do dục làm nhân... do chính dục làm nhân, họ cầm mâu và thuẫn, họ đeo cung và tên, họ dàn trận hai mặt, và tên được nhắm bắn nhau, đao được quăng ném nhau, kiếm được vung chém nhau. Họ bắn đâm nhau bằng tên, họ quăng đâm nhau bằng đao, họ chặt đầu nhau bằng kiếm. Ở đây họ đi đến tử vong, đi đến sự đau khổ gần như tử vong. Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục... là nguyên nhân của dục… Này các Tỷ-kheo, như vậy là sự nguy hiểm các dục, đưa đến đau khổ tương lai, là khổ uẩn, do dục làm nhân, do dục làm duyên, do dục làm nhân duyên, do chính dục làm nhân. (Phẩm Tiểu kinh Khổ uẩn, Kinh Trung Bộ. HT Thích Minh Châu dịch)

Như vậy Đức Phật đã nhìn ra nguyên nhân của mọi nguyên nhân gây nên tội ác: đó chính là Dục. Cũng nên lưu ý rằng dục được nói tới trong đoạn kinh nêu trên là ác dục, là những mong muốn thỏa mãn mọi lạc thú ở đời, khác với lòng mong muốn trong Dục như ý túc, một sự khao khát hướng thượng. Giáo pháp của Đức Phật chỉ ra cho con người thấy cần phải diệt trừ những mong muốn thỏa mãn lạc thú chỉ gây nên tội lỗi mà phải nhắm đến những khao khát hướng thiện để giải thoát khỏi những nỗi khổ trói buộc con người. Nhưng Đức Phật cũng chỉ ra rằng nếu hành giả không đoạn tận năm tâm hoang vu thì không thể nào hướng tới những khao khát hướng thượng trong Dục như ý túc. Kẻ có tâm hoang vu là kẻ vẫn nghi ngờ bậc Đạo sư, nghi ngờ Chánh pháp của Đức Phật, có tâm do dự, không quyết đoán, không có tịnh tín, lại sinh tâm phẫn nộ với những người giữ giới và những người có tín tâm. Một kẻ như vậy sẽ không tin rằng có thể diệt trừ mầm ác trong xã hội. Cho nên, trước hết, xã hội phải ngăn ngừatình trạng sa mạc hóa tâm hồn, bằng cách xây dựng niềm tin vào Tam bảo.

Làm thế nào để khắc chế hay tiết giảm tầm nguy hại của lòng tham muốn: muốn ăn ngon mặc đẹp, muốn nổi tiếng, muốn vui chơi, muốn có những gì mình muốn mà không cần lao động, không cần cố gắng…? Phải bắt đầu từ giáo dục, từ gia đình, từ người lớn. Trẻ em cần phải thấy sự gương mẫu của cha anh, nhân dân phải thấy sự gương mẫu của quan chức, công bộc của dân… người dưới nhìn kẻ trên… Chừng nào thiếu những tấm gương ấy thì xã hội còn tao loạn, lòng người vẫn nhiễu nhương và cái Ác không thể đoạn trừ!

Hãy bắt đầu ngay nếu không thì quá muộn!

Nguyên Cẩn | Trích đoạn TC Văn Hóa Phật Giáo số 127


Âm lịch

Ảnh đẹp