CON ĐƯỜNG TU TẬP CỦA NGƯỜI BỒ TÁT
Dù cho ta thuộc giống
dân da trắng, da vàng hay da đen, dù cho ta thuộc thành phần xã hội nào và dù
cho ta đang ở vào lứa tuổi nào, tất cả chúng ta đây là những con người, và đối
với thú vật nữa, kể cả những côn trùng nhỏ bé nhất cũng vậy, tất cả đều mang
nặng giác cảm về một « cái ta ». Nếu ta không đủ sức hiểu được bản chất của cái
ta ấy như thế nào, thì ít ra ta cũng có thể nhận ra rằng cái ta ấy đang mong
muốn điều gì : tránh khỏi khổ đau và đạt được hạnh phúc ; ta cảm thấy có quyền
thực hiện điều ấy, và trên thực tế thì ta cũng có cái quyền ấy. Thể dạng của
khổ đau hiển hiện dưới vô số những dạng thể khác nhau, chúng hết sức đa dạng,
và tất cả chúng ta đều tìm cách tự che thân trước những khổ đau đó. Hàng thú
vật cũng muốn làm như thế, và chúng cũng ngang hàng với ta trên bình diện này.
Chỉ khác với ta ở chỗ chúng không đủ khả năng tiên đoán trước và không biết
những phương pháp để lẩn tránh khổ đau. Dù cho căn bản của sự thúc đẩy ấy
– tức lẩn tránh khổ đau và đạt được hạnh phúc – có giống nhau giữa tất cả
chúng ta và muôn thú đi nữa, nhưng những phương tiện của con người dùng để thực
hiện hạnh phúc vẫn phong phú hơn. Những thứ hạnh phúc mà chúng ta tìm kiếm, dù
thể dạng bên ngoài có đa dạng, nhưng đều có một căn bản giống nhau.
Quan niệm về cái « tôi »
của chính chúng ta trải rộng ra hơn : chúng ta muốn cho gia đình chúng ta được
hạnh phúc, cho cái gia đình « của tôi », cho bạn hữu « của tôi» cho tổ quốc «
của tôi ». Và như thế những cái gì mà ta gọi là hạnh phúc và khổ đau lại khoác
thêm một ý nghĩa rộng lớn hơn và sâu xa hơn. Khi những đòi hỏi cấp bách nhất
của con người được thoả mãn, ý niệm về hạnh phúc cũng sẽ biến đổi khác đi và
những phương tiện để đạt được « hạnh phúc » cũng trở nên phức tạp hơn. Sáng tạo
ra ngôn ngữ, chữ viết, nền móng giáo dục và nội dung giảng dạy, các hệ thống xã
hội khác nhau, thủ công nghệ, trường học và bệnh viện, cơ xưởng, các tiến bộ y
khoa, tất cả đều phát sinh từ một ước vọng duy nhất : đạt được hạnh phúc và
tránh khỏi khổ đau. Sự sinh hoạt trên toàn thế giới đều liên đới với sự đòi hỏi
này. Các triết gia tìm kiếm giải đáp cho các câu hỏi mà sự sống nêu lên và còn
tìm cách giải thích tại sao các câu hỏi như thế lại được đặt ra ; các câu hỏi
này nhắm vào chủ đích tìm hiểu bản thể của chúng ta là gì, và cấu trúc của thế
giới này ra thế nào ; với hoài bão khám phá ra nguyên nhân thật của hạnh phúc
và của khổ đau để đi tìm một giải pháp.
Một vài trường phái
triết học gắn liền với hệ thống xã hội và sinh hoạt chính trị. Chủ nghĩa cộng
sản chẳng hạn, cho rằng có thể đạt được hạnh phúc và loại trừ khổ đau bằng một
hệ thống bình đẳng giữa con người, trong đó một thành phần thiểu số ưu thế khai
thác một thành phần đa số, sẽ không còn tồn tại nữa.
Các tôn giáo thì lại cố
gắng giải quyết vấn đề muôn thuở ấy bằng cách giải thích nguyên nhân của nó,
căn cứ trên các quan điểm cá biệt của mỗi tôn giáo. Người ta có thể phân biệt
hai nhóm người : một nhóm dựa vào học thuyết và mưu cầu tìm được một giải đáp
dựa trên nguyên lý về nguyên nhân và hậu quả với tính cách phổ quát ; nhóm thứ
hai phi-học-thuyết, họ tìm kiếm một một giải pháp thực tế trên mặt xã hội và
vật chất. Nếu căn cứ trên bình diện đó, Đạo Pháp của Phật là một học
thuyết.
Ta có thể nhận thấy rằng
khổ đau trên thân xác thường do nơi tâm thức gây ra, hoặc ít ra ta cũng nhận
thấy với cùng một đớn đau trên thân xác như nhau, nhưng một tâm linh an bình và
hạnh phúc cảm nhận sự đau đớn ấy ít hơn hẳn so với một tâm linh giao động và lo
âu. Ta cũng nhận thấy rất nhiều người có gia tài khổng lồ, đầy đủ tất cả mọi
tiện nghi vật chất mong muốn, nhưng họ lại rơi vào tình trạng suy nhược tâm
thần, lo âu và bất hạnh..., trong khi đó đối với những người khác, dù cuộc sống
thực tế của họ vướng mắc đầy dẫy những phiền toái, nhưng tâm linh vẫn
hạnh phúc, trong lòng vẫn an bình, họ biểu lộ một phong cách trong sáng. Một
người có tâm thức minh mẫn, cởi mở, thăng bằng, có thể dự trù cách xử thế của
mình trước những khó khăn không thể tránh khỏi và giữ được an bình kể cả trường
hợp đối đầu với những điều bất hạnh lớn lao xảy ra, trong khi ấy một tâm thức
thiển cận, giao động và lo âu, không biết suy nghĩ, sẽ trở nên bối rối và thiếu
nghị lực trước một việc khó chịu bất ngờ xảy đến, dù cho có nhỏ nhoi đi nữa.
Tâm thức quan trọng hơn thân xác rất nhiều. Vậy, nếu tâm thức có khả năng giúp
ta chịu đựng được khổ đau, cảm nhận được những đớn đau trên thân xác nhiều hay
ít, hoặc quá đáng hoặc đủ sức chịu đựng, thì điều ấy chứng tỏ cho ta hiểu rằng
nên quan tâm nhiều hơn vào cách suy nghĩ của ta. Vậy « Chuẩn bị » cho tâm thức
thật hết sức quan trọng, và tu tập Đạo Pháp là một cách chuẩn bị tuyệt vời. Tạm
thời ta khoan nói đến quy luật về nghiệp và kiếp sống tương lai về sau, và
trong phần này ta chỉ quan tâm đến những hậu quả nào mà việc tu tập Đạo Pháp có
thể mang đến cho ta ngay trong kiếp sống hiện tại. Chính tâm thức ta và nhất là
tâm thức của những kể khác nữa sẽ gặt hái những hậu quả đó. Với một tâm thức
cao cả, tinh khiết và rộng lượng ta trải rộng sư an vui ra chung quanh ta, ta
sẽ cảm nhận trong cử chỉ đó một sự an bình to lớn và ta chia xẻ với kẻ
khác.
Ta hãy cứ nhìn chung
quanh ta về cái thế giới mà ta gọi là « văn minh », cái thế giới đó, từ hơn hai
ngàn năm, đã truy tìm mọi cách để đạt được hạnh phúc và lẩn tránh khổ đau ;
nhưng thế giới đó chỉ xử dụng những phương tiện sai lầm : sự lường gạt, tham
nhũng, hận thù, lạm dụng quyền hành và khai thác con người. Cái thế giới đó chỉ
đi tìm hạnh phúc cá nhân và vật chất, bằng cách xúi giục người này chống đối
với kẻ khác, chủng tộc này với chủng tộc khác, hệ thống xã hội này với hệ thống
xã hội khác ; cái thế giới đó cuối cùng đang bước vào một giai đoạn đầy sợ hãi,
khổ đau, chém giết, đói kém. Tại Ấn độ, Phi châu và các nước bần hàn khác, đói
kém còn ngự trị, nhất định không phải vì tài nguyên thiên nhiên thiếu kém, cũng
không phải không có những phương tiện đem đến tiện nghi. Nhưng chẳng qua để
thực hiện mục tiêu ích kỷ của mình, mỗi người đều tìm cách gom góp lợi lộc
riêng cho họ, không màng đến kẻ khác bị ức hiếp, và từ đó đã sinh ra cái thế
giới khốn cùng và thảm thương này. Cội nguồn của nền văn minh ấy đã thối nát,
thế giới đang khổ đau và, nếu cứ tiếp tục trên con đường đó, thế giới lại càng
phải gánh chịu khổ đau nhiều hơn nữa.
Một số người có vốn
liếng tinh thần và văn hóa cao, họ nhất quyết tin rằng họ có đủ tinh thần rộng
rãi, và họ nghĩ rằng Đạo Pháp chẳng có ích lợi gì cả, họa chăng chỉ cần cho
những nơi nào bán khai và hẻo lánh.
Nhưng thật ra Đạo Pháp
là gì ? Nhất định không phải là khoác lên người một chiếc áo đặc biệt, xây tu
viện và bận rộn trong những nghi lễ phức tạp...Những điều này có thể đi đôi với
việc tu tập Đạo Pháp, nhưng tuyệt nhiên không phải là Đạo Pháp. Tu tập Đạo Pháp
thật sự thuộc về chiều sâu, trong một tâm thức an bình, cởi mở và rộng lượng,
một tâm thức mà ta biết cách khắc phục, một tâm thức hoàn toàn được kiểm soát.
Cả trong trường hợp ta
có thể tụng niệm thuộc lòng cả Tam Tạng Kinh, nhưng nếu ta còn ích kỷ và còn
làm thiệt hại đến kẻ khác, ta vẫn chưa phải là người tu tập Đạo Pháp.
Tu tập Đạo Pháp là tu
tập để trở thành chân chính, trung thành, lương thiện, khiêm tốn..., giúp đỡ và
kính trọng kẻ khác, hy sinh cho kẻ khác. Tìm cách tom góp của cải hoặc chiếm
giữ một địa vị xã hội cao, không đủ tạo ra sự tín nhiệm nơi kẻ khác, cũng không
đưa đến an bình. Đứng trước những kẻ thế lực trong thế gian này, một số người
cúi đầu thật thấp, nịnh hót tối đa, nhưng khi quay lưng thì họ lại chỉ trích và
khinh thường. Những kẻ nào nuôi dưỡng sự thèm muốn, tâm thức của họ thường
không yên tĩnh, họ lo âu, bồn chồn vì sợ mất những gì họ đã đạt được bằng bao
nhiêu khổ nhọc. Khi ta chết, ta sẽ bắt buộc phải bỏ lại tất cả, kể cả những số
tiền đầu tư vững chắc nhất trong ngân hàng, mà có thể trước đây ta đã từng khổ
tâm biết bao nhiêu với chúng. Ta cũng sẽ bỏ lại cả thân thuộc, bạn bè. Nếu ta
từng có một cuộc sống kém lương thiện, cuộc sống đó có thể sẽ làm cho ta hối
hận nhiều, nhưng dù sao đi nữa, ta cũng không thụ hưởng được cái « quả » đem
đến từ sự bất lương thiện của ta. Ta phải bỏ lại xác thân này. Cái xác thân của
tôi đây, của người tên là Tenzin Gyatso, tôi cũng phải bỏ lại, và bỏ lại cả cái
áo nhà sư của tôi nữa, cái áo mà tôi chưa hề bao giờ bỏ nó, dù cho chỉ một đêm
; vậy thì chúng ta sẽ bỏ lại tất cả, và nếu như tất cả những gì ta có, chỉ là
vật chất và ích kỷ, những giây phút cuối cùng còn lại của ta sẽ rất hoang mang
vì lo âu và buồn khổ.
Khắc phục tâm trí, từ bỏ
những gì phù phiếm, sống một cách hài hòa với kẻ khác và với chính ta, sẽ đem
đến cho ta hạnh phúc, dù cho đời sống thường nhật của ta có thấp kém, ngay cả
trường hợp ta rơi vào cảnh bần hàn, sẽ có người khác giúp đỡ ta, vì trước đây
ta đã từng là người tốt và nhân từ : chúng ta đừng quên là những ai dù đồi bại
nhất và hung dữ nhất, nhưng khi nào họ vẫn còn là một con người, thì vẫn còn
một hạt giống nhỏ của yêu thương và từ bi trong lòng họ, để một ngày nào đó sẽ
biến họ thành một vị Phật.
Đến đây, chúng ta cần
nghĩ đến kiếp sống của ta trong tương lai. Luật về nghiệp (karma) không phải dễ
hiểu, sự tái sinh cũng vậy. Nhưng nếu ta phân tích thật sâu xa những sự kiện
trong cuộc sống này, bằng một tâm trí lương thiện và khách quan, ta sẽ có thể
hiểu được. Và từ đó, ta cũng sẽ nhận ra những lời giảng huấn của Phật xác nhận
về sự tái sinh. Tất cả những gì xảy ra cũng đều do nơi luật nhân quả chi phối ;
chúng ta bước theo con đường tốt, quả tốt sẽ đến với ta trong kiếp sau, sự cố
gắng sẽ giúp ta đạt được một tâm linh cao cả và tinh khiết. Sự hiện diện của
quý vị hôm nay, tại nơi này, đã chứng minh cho những lời nói của tôi, quý vị
đến đây để lãnh hội những giáo huấn về Đạo Pháp, và điều đó chứng tỏ Đạo Pháp
có một ý nghĩa nào đó đối với quý vị. Đạo Pháp cũng có giá trị tương
đương với sự cao cả, và vì thế nếu ai gạt bỏ Đạo Pháp có nghĩa là họ không hiểu
được ý nghĩa của Đạo Pháp. Đạo Pháp là phương tiện duy nhất đem lại hạnh phúc.
Mỗi tôn giáo đều có một
Đạo Pháp : trong số này có Đạo Pháp của Phật do Phật Cồ-Đàm[1] ( ) thuyết
giảng. Một ngàn vị Phật sẽ xuất hiện trong kalpa [2]( ) này, Phật Cồ-đàm là vị
Phật thứ tư. Ngài đã sống trong xứ sở mà chúng ta đang sống hôm nay ( )[3] và
cũng chính tại nơi này Ngài đã đạt được Giác ngộ. Sau khi Giác ngộ, Ngài liền «
quay Bánh xe Đạo Pháp » lần đầu tiên tại Lộc Uyển (Sarnath), và Ngài đã tiếp
tục « quay » nhiều lần nữa trước khi nhập Niết bàn. Ngài từng
thuyết giảng trước công chúng gồm những người bình thường có sức hiểu biết giới
hạn, cũng như trước những đồ đệ với tâm linh rộng lớn hơn. Ngài đã giảng dạy
cho đại hội thông thường, cũng như các đại hội kín. Ngài đã giảng dạy cho các
thế giới khác. Ngài giảng dạy cho cả các bậc Déva [4]( ). Sự giáo huấn của Ngài
trải rộng ra theo nhiều cấp bậc, từ những ý nghĩa dễ hiểu cho mỗi người, cho
đến những gì thật thâm sâu và rộng lớn rất khó thấu triệt. Những giáo huấn ấy
gồm có Tiểu thừa (Hînayana) và Đại thừa (Mahâyâna) : Đại thừa cao hơn vì sự
quyết tâm, vì cách thức tu tập cho đến mục đích của trường phái này. Sự quyết
tâm ấy là đem đến hạnh phúc cho tất cả mọi chúng sinh thay vì sự an vui cho
riêng mình. Sự tu tập về sáu hay mười pâramitâ [5]( ) sẽ hỗ trợ cho sự quyết
tâm đó mà mục đích không phải chỉ để tự Giải thoát ra khỏi Samsâra [6]( ) mà
còn nhắm vào việc đạt được ba Kâya [7]( ) :
Nirmânakâya, Shambhogakâya và Dharmakâya.
Đạo Pháp của Đại thừa
gồm có hai đường hướng tu học là Pâramitâyâna [8]( ) và Vajrayâna [9]( ). Con
đường tu học kể sau có nhiều phẩm tính trội hơn so với con đường tu học về
pâramitâ (ba-la-mật-đa), nhưng nếu kết hợp được cả hai thì hết sức là hữu ích.
Chúng ta đặc biệt được
ưu đãi vì Phật giáo được đưa thẳng từ Ấn độ vào Tây Tạng ; vì thế chúng ta được
thừa hưởng một Đạo Pháp chính thống và đầy đủ. Theo như lời tiên tri của Phật,
Đạo Pháp sẽ đi từ phương nam lên phương bắc…Tây Tạng, Mông Cổ, Trung Hoa, Nhật
Bản : có vẻ như hành trình đó đã chấm dứt, tôi không hiểu là còn một phương bắc
nào khác nữa hay chăng ! Suốt trong lịch sử, Phật-giáo – Đạo-Pháp đã từng
có những thời kỳ phồn thịnh, và những thời kỳ gần như biến mất. Trong khoảng
thời gian Đức Phật Cồ-đàm còn tại thế, Tiểu thừa rất phát triển, vì Tiểu thừa
dễ hiểu, nên cũng dễ đem ra giảng dạy cho số đông người nghe. Đại thừa đòi hỏi
phải có một tâm thức đã được chuẩn bị kỹ lưỡng hơn, vì thế có tính cách ít đại
chúng hơn, và chỉ được giảng dạy cho các đệ tử thuộc vào các cấp bậc cao. Do
đó, Đại thừa đã bị chỉ trích, và sự xuất hiện rất sớm của nó, ngay trong những
bước đầu của Phật giáo cũng đã bị nghi ngờ, kể cả ngày nay vài người vẫn còn
hoài nghi như thế. Tuy nhiên, thật sự Đại thừa đã hiện diện ngay từ khi
Phật bắt đầu giảng đạo. Sau khi Phật nhập niết bàn, Đại thừa có vẻ như bị gián
đoạn suốt nhiều thế kỷ. Đại thừa lại bành trướng tở lại
vào thời kỳ Long Thọ (Nâgârjuna)[10] ( ) xuất hiện.
Long Thọ là người tái
lập lại Đại thừa. Sự xuất hiện của Long Thọ đã được Phật tiên đoán trong
nhiều kinh và nhất là trong kinh « Manjushrî Mûla Tantra » [11]( ). Long Thọ
sống sau Phật khoảng bốn trăm năm, và từ thời của Long Thọ trở về sau, Đại thừa
bành trướng rộng rãi, rồi vài thế kỷ tiếp theo sau đó, Đại thừa lại suy vi trở
lại. Trong suốt một khoảng thời gian lịch sử, Phật giáo gần như hoàn toàn biến
mất tại Ấn Độ. Từ khi Phật giáo du nhập vào Tây Tạng, và cho đến gần đây vẫn
còn tồn tại trên xứ sở của chúng ta ; tuy nhiên, nền Phật giáo ấy cũng từng bị
lu mờ dưới thời đại vua Lang-dar-ma trong suốt tám mươi năm, nhưng ngay trong
thời đại này Phật giáo vẫn tồn tại trong các vùng phía tây và phía đông Tây
tạng. Cả về sau này nữa, Phật giáo Tây tạng cũng trải qua những thời kỳ yếu
kém, nhưng người ta có thể nói rằng từ gần một ngàn năm nay, truyền thống tinh
khiết của Đạo Pháp, sự phối hợp giữa Pâramitâyâna [12]( ) và Tantrayâna [13]( )
vẫn tồn tại. Chúng ta có nhiều học phái khác nhau, đôi khi được đặt tên tùy
theo thời gian lịch sử mà các học phái ấy được thành lập (chẳng hạn như học
phái Nyingma-pa), đôi khi lại dựa vào địa điểm nơi xuất phát (chẳng hạn như các
học phái Sakya-pa, Kagyu-pa) hoặc dựa vào người sáng lập, hay phần giáo lý. Tất
cả các học phái đó đều tuân theo một truyền thống duy nhất, ấy là sự phối hợp
giữa Pârâmitâ (Lục độ hay Thập độ) và Tan-tra. Có một ít khác biệt thứ yếu
trong cách diễn đạt các phương pháp và vài cách ứng dụng trong việc tu tập,
nhưng phần tinh túy vẫn là một. Sự tu tập, phương pháp của Đại thừa Tây Tạng,
là những giáo huấn liên kết giữa Su-tra (Kinh điển) và Tan-tra (Mật tông) trong
mục đích đạt được Bodhichitta [14]( ) (tâm thức của Phật [15]( ) ; ước vọng đạt
được Bồ đề tâm là bản thể của Pâramitâyana (Lục độ) và mục đích tối thượng của
nó là Shûnyatâ (Tánh không). Muốn tu tập Tan-tra thừa, tuyệt đối phải có quyết
tâm đạt được tâm thức của Phật. Bồ-đề tâm là động cơ thúc đẩy không thể thiếu
sót để thực hiện sự biến cải tâm linh. « Con đường » đó khởi sự bằng quyết tâm
chối bỏ không chấp nhận thể dạng luân hồi và sau đó phát triển tình thương và
lòng từ bi, giai đoạn này gọi là Bồ-đề tâm tương đối ; tiếp theo nữa là thực
hiện được bản thể tối hậu của mọi vật thể, tức sự thực hiện Tánh không
(Shûnyatâ), hay ít ra cũng phải hiểu được Tánh không là gì trên bình diện quy
ước. Chỉ sau khi đã thực hiện được những điều trên đây ta mới có thể đề cập đến
Tan-tra (Mật tông), con đường Tan-tra gồm có hai giai đoạn, bắt đầu là giai
đoạn « sinh khởi », tiếp theo là giai đoạn « hoàn tất » đem đến « quả » thật sự
cho ta.
Quả chỉ có thể chín sau
khi trải đã qua quá trình trên đây ; nếu thiếu ba cơ sở căn bản (sự chối bỏ,
Bồ-đề tâm, Tánh không), cách thiền định liên quan đến các thần linh (thực chất
của con đường tu tập) và các cách thực tập về nâdî [16]( ) chẳng những không
đem đến ích lợi gì, mà lại còn có thể nguy hiểm nữa, dù cho ta biết cách tu tập
trên mặt kỹ thuật đi nữa.
[1] Cồ-đàm
(Gautama) : là một trong nhiều tên gọi của Phật, đây là tên Thánh của Ngài.
Thích-ca (Sakya) là tên họ thuộc hoàng tộc của vua cha. Khi từ bỏ cung điện đi
vào vùng Hy mã lạp sơn để tu thiền, Ngài lấy tên là Sa-môn Cồ-đàm, sa-môn nghĩa
nguyên thủy là người tu khổ hạnh.
[2] Kalpa : dịch
âm là kiếp hay kiếp-ba, dịch nghĩa là Đại-thời, một khái niệm trong Phật giáo
chỉ một đơn vị thời gian thật dài. Mỗi kiếp chia ra làm bốn giai đoạn : sinh,
thành, hoại, diệt của các thế giới (vũ trụ). Trong giai đoạn một, vi sinh vật
sơ khai phát hiện và sinh sôi nẩy nở trong không gian, giai đoạn hai các thiên
thể (hành tinh) được sinh ra, giai đoạn ba sinh vật phát triển và có đời sống
tập thể, trong giai đoạn ba và bốn các yếu tố như nước lửa và gió sẽ hủy hoại
toàn bộ thế giới (vũ trụ).
[3] Xin nhắc lại
đây là những lời giảng của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cho những người Tây tạng tị nạn
trên đất Ấn độ vào năm 1974
[4] Déva : (dịch
âm là Đề-bà), có nghĩa là Thiên, Thiên nhân, người của cõi thiên.
[5] Pârâmitâ :
dịch âm là Ba-la-mật-đa, dịch nghĩa là Đáo bỉ ngạn (Đến được bờ bên kia). Sáu
pâramitâ (còn gọi là sáu Hạnh) gồm có : a) Bố thí ; b) Trì giới (Giới luật,
những điều không được làm như sát sinh, trộm cắp…) ; c) Nhẫn nhục ; d) Tinh
tiến ; e) Thiền định ; f) Trí tuệ (Giác ngộ). Có khi người ta còn thêm vào bốn
Hạnh nữa và gọi chung là Thập độ : g) Thiện xảo (phương cách của người Bồ-tát
giúp đỡ và giải thoát chúng sinh) ; h) Nguyện ; i) Lực ; j) Trí.
[6] Samsâra :
thế giới Luân hồi
[7] Ba Kâya : là
Tam thân Phật, gồm có : a) Pháp thân (Dharmakâya): được xem như chính là Đạo
Pháp; b) Báo thân (Sambhokâya) : xác thân hiển hiện do thiện nghiệp và sự giác
ngộ ; c) Ứng thân (Nirmânakâya) : thân biến hóa
[8] Ba-la-mật-đa
thừa : Cách tu về Lục độ hay Thập độ, đã ghi chú trên đây
[9] Kim cương
thừa : một Trường phái xuất hiện vào khoảng thế kỷ thứ V và VI ở Bắc Ấn độ,
bành trướng về phương Bắc như Tây tạng, Trung Quốc và Nhật. Trường phái này,
tuy vẫn là Đại thừa, nhưng kèm thêm nhiều phương pháp huyền bí (Mật giáo) gọi
là Tan-tra. Tu tập theo Trường phái này cần phải có một vị Thầy giỏi hướng dẫn.
Trong thời gian đầu Trường phái này chỉ được truyền khẩu, nhưng sau đó, từ thế
kỷ thứ VI đến thế kỷ thứ X, đã được hệ thống hoá một cách rộng rãi và hoàn
chỉnh hơn.
[10] Nâgârjuna :
Long Thọ (còn viết là Long Thụ), sinh vào cuối thế kỷ thứ I (?), sáng lập học
phái Trung Quán. Còn một đại sư nữa trùng tên Long Thọ nhưng sinh rất trễ
sau này.
[11] Có lẽ đây
là bộ Kinh « Văn-thù Sư-lỵ căn bản nghi quỹ » (Arya-Manjurhî-Mûlakalpa).
[12]
Pâramitâyâna : Ba-la-mât-đa thừa (đã được ghi chú trên đây).
[13] Tantrayâna
: Thừa Tan-tra (còn gọi là Mật tông).
[14] Bồ-đề tâm.
[15] Phật tính.
[16] Nâdî : là
các tuyến năng lực trong cơ thể, các năng tuyến, lực tuyến, các tuyến dẫn
truyền (đạo tuyến) qua đó chân khí được truyền đi khắp nơi.
Việc chuẩn bị để phát
huy theo Tan-tra thừa do đó rất quan trọng : chẳng những phải hiểu rõ thế nào
là chối bỏ, thế nào là Bồ-đề tâm và sự thực hiện Tánh không, mà còn phải
suy tư lâu dài về những chủ đề này, làm sao cho chúng thật thấm nhuần và ăn sâu
vào tâm thức ta. Sau đó, con đường tu tập
tan-tra mới có thể đem đến lợi ích. Điều thực hiện tiên quyết chính yếu nhất là
Bồ-đề tâm, và chính vì vậy mà hôm nay tôi sẽ trình bày về những lời giáo huấn
của Đạo sư Thogs-med bzang-po.
Ông là một vị Lạt-ma lỗi
lạc, tràn đầy tình thương và lòng từ bi đối với tất cả chúng sinh, khiêm tốn và
kiên nhẫn. Cạnh ông lúc nào cũng có một con chó sói làm bạn giống như một con
chó nhà trung thành, ông đã biến cải bản chất của con chó sói này ; nói rõ hơn
là con chó sói ấy đã ăn chay ! Và mỗi khi chủ nó giảng về Bồ-đề tâm, sự khổ đau
của chúng sinh hiển hiện ra trong tâm thức nó mãnh liệt đến độ làm cho nó chảy
nước mắt. Ông tu học ở Tu viện Sakya, và mãi về sau ông mới từ bỏ đời sống dân
gian, rút lui vào cảnh cô quạnh để phát động Bồ-đề tâm toàn diện hơn.
Những lời giáo huấn của
ông được Kuondo Lama (Tenzin Gyaltsen) truyền lại cho tôi, về phần vị này, thì
viện trưởng Tu viện Dzog-Tchèn đã truyền lại cho ông.
Phần dẫn nhập của « Ba
mươi bẩy cách Tu tập của người con Phật » (hay là người Bồ-tát) là những lời
tôn vinh Đức Quán Thế Âm Bồ-tát, dưới danh nghĩa là Lokeshvara (1). Ngài là đối
tượng của sự tôn vinh, bởi vì những tiết thơ trình bày về cách tu tập của người
Bồ-tát đều dựa vào lòng từ bi rộng lớn của Quán Thế Âm.
Xin nhắc lại ba « cửa
ngõ » của Phật là Manjushri (2) (trí tuệ), Vajrapani (uy lực) và
Avalokiteshvara (Quán Thế Âm), Quán Thế Âm tượng trưng cho dạng thể gom góp tất
cả lòng từ bi của chư Phật.
Những lời tán tụng này
cũng hướng về Đạo sư nữa, vì Atisha (3) đã từng nói rằng, tất cả những phẩm
tính dù lớn hay
1- Lokeshvara : Thế giới chủ, Thế tự tại vương
hay Tự tại vương, tức danh hiệu chỉ một vị Phật (Thế tự tại vương Phật, Tự tại
vương Phật).
2- Manjushrî :
Văn-Thù Sư-lị, vị Bồ-tát tượng trưng cho Trí Tuệ.
3- Atisha :
(982-1054), dịch âm A-đề-sa, dịch nghĩa « Người xuất chúng » hay « Người phi
thường ». Ngài gốc người Ấn, sáng lập trường phái Kam đan (Kadampa) và rất có
công truyền bá Phật giáo từ Ấn độ sang Tây tạng. Ngài chuyên nghiên cứu các
phương thức tu tập để phát lộ Bồ-đề tâm.
nhỏ đều nhờ nơi người
Đạo sư mà có. Đặc biệt hơn nữa, những phẩm tính Đại thừa đều phát sinh từ người
Đạo sư ; và chỉ từ nơi ông, ta mới có thể tìm thấy những phương pháp thích nghi
cho sự phát triển của chính ta, và cũng vì thế ta « quy y » nơi người Đạo sư.
Sau đây là văn bản :
« Tôn kính Ngài Quán Thế
Âm.
« Trước mặt những ai, dù
đã nhìn thấy tất cả mọi hiện tượng không « đến » cũng chẳng « đi », nhưng vẫn
hiến dâng tất cả nỗ lực của mình cho kẻ khác ; trước mặt những vị Đạo sư tối
thượng đó, và trước mặt Ngài, là Quán Thế Âm, Người Bồ-tát che chở, tôi xin
kính cẩn quỳ lạy để tỏ lòng tôn kính Ngài bằng ba cửa ngõ nơi tôi (thân xác,
ngôn từ, tâm thức).
« Chư Phật Vinh quang
(1), đem đến mọi phúc hạnh và tốt lành, đã đạt được sự thực hiện (2) bằng cách
tu tập Đạo Pháp, sự tu tập đó cũng nhờ vào sự hiểu biết mà ta sẳn có. Tôi sẽ
giải thích sau đây các cách tu tập về Bồ-đề tâm ».
Người Đạo sư được tôn
kính trên đây cùng với Quán Thế Âm không phải là những sinh linh thông thường ;
họ tạo thành « Đối tượng cho sự Quy Y », đối tượng này hàm chứa tất cả mọi sự
thực hiện. Việc loại bỏ không những chỉ áp dụng vào những đam mê và ảo giác, mà
kể cả những vết hằn của chúng đã lắng đọng trong tâm thức, dù cho mỏng manh
cách mấy đi nữa.
Ngay cả các vị Arhats
(3) phi thường cũng chưa nhận thấy đồng loạt cùng một lúc hai Sự Thật :
tương đối và tuyệt đối. Hoặc là họ chìm vào thiền định
trong Tánh không và không nhận ra những hiện tượng một cách minh bạch ; hoặc họ
nhìn thấy hiện tượng, nhưng không « thấy » Tánh không, dù
1- Vinh quang có nghĩa là Chiến thắng Vinh
quang, tức chiến thắng Vô minh và đạt đến Giác ngộ.
2- Sự Giác
ngộ.
3- Arhats :
A-la-hán, theo Phật giáo Nguyên thủy (Tiểu thừa) là một Thánh nhân đã giác ngộ,
trút bỏ được mọi trói buộc của Vô minh.
trước đó họ đã thực hiện
được Tánh không khi thiền định. Chỉ có một sinh linh khi đã đạt đến Bản thể của
Phật mới có thể nhìn cùng một lúc hai sự thật. Muốn thực hiện được điều ấy phải
thành công trong việc trút bỏ tột cùng, đó là sự trút bỏ tất cả các vết hằn
(1). Sinh linh này đã hiểu rằng không có đi, cũng chẳng có đến ; Tánh không tối
hậu là bất động.
Quán Thế Âm có nhiều đức
tính có thể giúp tất cả mọi sinh linh, tùy theo khả năng và mức độ thức tỉnh
của họ, trong mục đích thực hành thiền định, kết hợp giữa sự thực hiện Tánh
không và sự nhận biết tất cả các hiện tượng. Chính vì thế mà tôi xin Quy y nơi
Quán Thế Âm, và tôi xin tôn kính Ngài, không những cho ngày hôm nay mà cho mãi
mãi, một cách toàn diện, bằng ba cửa ngõ của chính tôi.
Cách Tu tập thứ nhất
Đạt được cơ sở con
người, cơ sở đó giống như một cái bình thật quý và hiếm hoi, giúp ta có thể
giải thoát tất cả kẻ khác và cho cả chính ta ra khỏi đại dương của Luân hồi, cơ
sở con người đó giúp ta biết lắng nghe, suy nghĩ và thiền định, cả ngày lẫn đêm
không ngưng nghỉ, đấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Phúc hạnh thật sự chỉ có
thể đạt được nhờ vào đạo đức của nghiệp, tích lũy những hành vi đạo đức sẽ tạo
ra trong tâm thức những « hạt giống » làm nẩy nở khả năng mang đến hạnh phúc.
Phương pháp loại bỏ những sai lầm là cách làm cho phát sinh trong ta tâm thức
của Phật, tức Bồ-đề tâm.
1- Tức là tất cả các nghiệp.
Muốn đạt được thể dạng
của Phật, tức Bồ-đề tâm, phải tu tập về Đạo Pháp, tu tập để biết được « những
gì » phải trút bỏ và « những gì » phải thực hiện ; thân xác quý giá của con
người thật là cần thiết để thực thi điều này. Trong lúc này đây khi tôi đang
giảng huấn, chung quanh chúng ta có vô số sinh vật, trên nguyên tắc, chúng phải
nghe được tiếng tôi giảng, nhưng dạng thể súc vật đã cản trở, không cho phép
chúng hiểu được một điều gì cả. Chúng ta may mắn hơn, có được một cơ sở cần
thiết, đó là sự sống con người. Chúng ta lại có được sự sống đó trong một xứ sở
mà Đạo Pháp nở hoa, chúng ta có khả năng biết đọc, biết nghe, biết suy nghĩ, và
biết cả phân biệt. Vậy ta có tất cả các khả năng cần thiết để tu tập Đạo Pháp.
Nếu trong số quý vị có những người đã già, không biết đọc, cũng chẳng biết
viết, nhưng ít ra cũng nghe được và hiểu được một vài câu về Đạo Pháp. Một thân
xác dù quá già và quá mỏi mòn, nhưng vẫn là thân xác « quý giá » của con người,
vẫn quý giá hơn là thân xác tốt đẹp của một con thú còn trẻ và khoẻ mạnh. Sự
sống con người là một giá trị lớn lao, tuy rằng có đến hàng nhiều triệu con
người trên địa cầu này, nhưng dịp may được làm thân con người quả thật hiếm
hoi. Chúng ta lại đang có nó trong lúc này, và hơn thế nữa, chúng ta đây là
những người Tây Tạng, và một số người khác liên hệ ít nhiều với chúng ta hôm
nay, tất cả được biết đến một thứ Đạo Pháp vẹn toàn nhất, ấy là Đại thừa
tan-tra. Chúng ta đừng đánh mất dịp may đó ; chúng ta có thấy phi lý chăng nếu
một người có nhiều tiền, đi vào một khu chợ đầy rẫy hàng hóa, nhưng khi trở về
thì hai bàn tay trống không. Dù cho ta còn trẻ hay già nua, mỗi người trong
chúng ta cần phải cố gắng để đừng phí phạm sự sống con người « quý giá » này.
Sự sống con người, hết
sức là khó tìm ra nó và cũng hết sức dễ để đánh mất nó, muốn có nó phải có
những hành vi đạo đức từ kiếp trước, nhưng không phải là những hành vi lẻ tẻ và
hời hợt, nhưng là những hành vi thường xuyên và liên tục. Ngay lúc này đây ta
phải tích lũy một số lớn những điều xứng đáng, không được chờ đến ngay mai, hay
về sau này. Những điều xứng đáng ta làm được sẽ bị tiêu hủy nhanh chóng nếu có một
chút lỗi lầm, kiêu ngạo, ác cảm, ích kỷ, đấy là những thứ xúc cảm mà chúng ta
đều có và chúng chỉ chờ bất cứ một dịp thuận tiện nhỏ nhoi nào đó để bất thần
xâm chiếm lấy ta. Vì thế, chắc gì những xứng đáng trong quá khứ, dựa vào
đó ta có được sự sống hôm nay, sẽ vẫn còn nguyên vẹn mãi mãi. Chúng ta hãy đổi
mới chúng, gia tăng thêm và đừng nghĩ đến cái « gia tài » mà ta tự cho rằng đã
có sẵn.
Mỗi người đều có thể tu
tập Đạo Pháp, vì điều này không đòi hỏi phải hy sinh tất cả và phải chui vào
một cái hang để thiền định. Chúng ta có thể tu tập Đạo Pháp trong đời sống hằng
ngày bằng cách vẫn giữ một số sinh hoạt không thuộc thế tục. Cần có tâm linh
cao cả, nhân từ, cởi mở, không giao động, cũng không hiếu chiến, để khi hoàn
cảnh bên ngoài trở nên thuận lợi, sẽ giúp ta thăng tiến nhanh chóng trên Con
Đường. Hãy bắt đầu từ tối hôm nay, đừng trông chờ sau này. Hãy canh chừng những
lỗi lầm nhỏ bé, dù rằng khi thoạt nhìn chúng tỏ ra vô hại ; chẳng hạn canh
chừng cả những chuyện nói dối vặt vãnh : có những kẻ chuyện gì cũng nói dối,
chẳng nghĩ đến và cũng chẳng nhận ra là có hại. Đó là những xu hướng do nghiệp
thúc đẩy ; cần phải tháo gỡ chúng từng tí một và đừng nản chí. Không nên nói :
« Đạo Pháp quá lớn lao đối với tôi, tôi là một kẻ mang đầy tội lỗi ». Tất cả chúng
ta là những người mang đầy tội lỗi, thế nhưng kể từ tối hôm nay, chúng ta thử
thay đổi một chút xem sao. Cả tôi đây, ngay từ lúc này, tôi cũng sẽ tự xét xem
còn những gì sai lầm sót lại trong tôi. Hãy làm như thế và đừng để mọi sự cứ
tiếp tục xảy ra như trước, đễ rồi ta tự đổ thừa là không làm nổi.
Tu tập Đạo Pháp, tức là
loại dần những sai lầm và làm gia tăng các phẩm tính đích thực, để sau cùng đạt
được những gì tối thượng ; chính lúc ấy sự khéo léo của ta trong công tác giúp
đỡ tất cả các sinh linh sẽ trở nên hoàn hảo. Bồ-đề tâm phát sinh từ sự tu tập
Đạo Pháp, và chỉ có thể dạng ấy mới có thể giúp ta tạo ra phúc hạnh tối thượng
và đích thực ; muốn hiểu được cái quả hoàn hảo ấy như thế nào khi biết tu tập
Đạo Pháp, ta cứ nhìn vào các vị Bồ-tát và Phật, ấy là những bằng chứng cho ta.
Nhưng noi theo con đường đó không phải chỉ cần vỏn vẹn một mớ kiến thức thông
thái về Đạo Pháp là đủ ; các phẩm tính cần thiết chỉ có thể phát huy bằng sự tu
tập, và vì vậy phải biết « những gì » quan trọng cần nên đem ra thực hành.
Đạt được sự tu tập hoàn
hảo sẽ đem đến cho ta khả năng giúp đỡ được mọi sinh linh tùy theo trình độ của
họ. Sự hoàn hảo đó là hiện thân của Quán Thế Âm, và chính vì vậy, ta nên tuân
theo văn bản này : « Tôi xin Quy y nơi Ngài, không phải cho ngày hôm nay mà
thôi, nhưng cho mãi mãi về sau, và không phải chỉ Quy y bằng cửa miệng tôi, mà
bằng cả ba cửa ngõ của thân tôi… Tôi xin tôn kính và quỳ lạy Ngài…».
Tất cả phúc hạnh và tất
cả an bình đều xuất phát từ những nghiệp « trắng », tức là từ những nghiệp tạo
dựng bằng sự tích lũy các hành động đúng đắn ; để nhắc lại thêm một lần nữa,
con đường duy nhất phải theo là con đường giúp loại bỏ tất cả sai lầm trong
hành vi, trong lời nói và cả trong tình cảm của ta. Tsong Khapa (1) có nói : «
Dù cho thân xác tôi và sự sống của tôi có tiêu tan, và nếu như tiêu tan vì
nguyên do tu tập Đạo Pháp, tôi vẫn cầu mong, dù bất cứ điều gì xảy ra, xin cho
tôi vẫn cứ tiếp tục tu tập Đạo Pháp ».
Ngoài những giờ học tập
(Đức Đạt-Lai Lạt Ma quay sang nói với những người thế tục), quý vị hãy cố gắng
sống thật đạo đức trong những ngày quý vị còn lưu lại nơi đây, tại Bodh
Gaya (Chánh Giác sơn) này. Theo tập quán, nên đi tản bộ chung quanh các tháp xá
lợi ; trong lúc đi hãy tìm cách khơi động trong tâm thức ước vọng đạt được Bồ-đề
tâm. Tập « Nhập Bồ-đề hành Kinh » (Bodhicharyâvatâra) có nói : «
Rộng lớn như địa cầu và các thành phần vĩ đại, mênh mông
1- Tsong Khapa : Tông
khách-ba (1357-1419) là một vi Lạt-Ma Tây Tạng, sáng lập tông phái Cách-lỗ
(Guelugpa). Ngài là một đại sư nổi danh đã để lại nhiều trước tác quan trọng.
như không gian bao la,
tôi cầu mong, vì vô số chúng sinh, xin được hoá làm cơ sở sinh động của yêu
thương ! ». Lời nguyện cầu này cất lên khi đi quanh các tháp xá lợi, sẽ rất
hiệu quả. Hãy hình dung ra con người của Phật, quán tưởng đến Ngài, nghĩ đến
những lời giáo huấn của Ngài, tình thương tràn đầy từ bi của Ngài và hãy tự
nguyện noi theo con đường của Ngài đã đi. Sức mạnh phát hiện từ sự thúc đẩy ấy
sẽ còn được gia tăng thêm nữa về sau này.
(Tiếp đó, Đức Đạt-Lai
Lạt-Ma hướng về các người tu hành và nói :) Rút lui vào tu viện, khoác
lên người chiếc áo nhà sư, chăm lo các nghi lễ thượng thặng pûjâ (1) theo đúng
như tập tục Tan-tra, các điều ấy chứng tỏ như ta đang tu tập Đạo Pháp, nhưng
nếu tâm thức bị xao lãng bởi những thứ vụn vặt bên ngoài của thế tục, thì nhất
định không có gì gọi là tu tập Đạo Pháp cả. Lắm khi trong lúc thi hành đại lễ
pujâ, tôi vẫn thấy chung quanh tôi có nhiều người đang xao lãng, rõ ràng là họ
đang chìm đắm trong những lo âu thế tục, nhưng bên ngoài vẫn có vẻ như rất
nghiêm trang, tôi nghĩ rằng : « Thật là thảm thương cho họ ! » rồi tôi cũng cảm
thấy nản lòng. Tu tập Đạo Pháp không phải chỉ tùy thuộc vào vẻ bên ngoài, nhưng
đúng hơn phải từ nơi tâm thức của ta, từ sự thúc đẩy bên trong ta. Tâm thức
phải thoát khỏi những suy tư phù phiếm, phải tinh khiết và hoàn toàn cống hiến
cho sự tu tập ; được như thế thì dù chỉ một giờ cũng quý báu.
Vậy thì một người già
nua, ốm đau và không còn khả năng nào nữa, cũng đừng thối chí và phải cố gắng
tùy theo sức mình ; tất cả những gì may mắn đang mời mọc chúng ta…,và tại sao
lại gọi là may mắn ? Chỉ vì chúng ta có được cái thân xác « quý giá » này của
con người.
(Ngài nói với tất cả mọi
người :) Vậy thì, khi ta có được cơ hội tốt đẹp này, cái may mắn này, cái thân
xác thuận lợi này, những giây phút nhàn hạ này, thời gian của những điều kiện
thuận lợi ấy phải được tận dụng tối đa, bằng cách tận lực
1- Pûjâ : là các nghi
lễ, cách tụng niệm man-tra, bắt ấn, v.v.
phát động những cố gắng
đạt đến Niết bàn và Bồ-đề tâm, vì sự an vui của tất cả chúng sinh. Cố gắng của
ta để hoàn thành mục đích đem lại an lành cho tất cả chúng sinh phải liên tục
như một giòng sông. Phương pháp tốt nhầt là trước hết phải học hỏi để thấu
triệt những gì cần phải biết, tiếp đó là thiền định về những điều giáo huấn ấy
của Đại thừa, đặt suy tư vào đó, phân tích những gì đã học, đào sâu cho đến lúc
hiểu thấu một cách vững chắc, sau cùng là tập trung vào những hiểu biết trong
sáng và vững chắc đã quán nhận được. Ta có thể luân phiên tập luyện đồng đều
giữa cách thiền định bằng phân giải, và cách thiền định yên lặng chú tâm vào
một điểm. Xuyên qua cách thực thi thiền định như thế, ta sẽ đạt được một kinh
nghiệm trực giác. Tóm lại, trước hết phải học cái đã, nhưng học vẫn chưa đủ ;
phải suy tư và phân tích, và sau hết là thiền định bằng cách tập trung. Như thế
ta mới gặt hái được kết quả. Ta không nên tách rời ba cách thực tập ấy, nhưng
phải thực hành luân phiên nhau.
Nghiên cứu Đạo Pháp
không giống như nghiên cứu bất cứ một ngành khoa học nào cả, như lịch sử
chẳng hạn. Tu tập Đạo Pháp đòi hỏi phải đem ra ứng dụng những phương pháp liên
quan đến Đạo Pháp, và như thế chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách Tu tập thứ hai
Về phía bạn hữu của ta và
những người ta yêu mến, giòng nước bám níu đang chảy siết ; về phía kẻ thù của
ta ngọn lửa ghét bỏ đang cháy rực ; trong chốn u tối của vô minh, ta đánh mất
những ý niệm về những gì cần phải bỏ và những gì cần phải thực thi. Giống như
thế, từ bỏ quê quán ta và căn nhà của ta là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Để hội đủ khả năng thực
thi cách tu tập vừa kể trên đây, quả thật là cần thiết, nếu không muốn nói là
bắt buộc, phải từ bỏ quê quán và xứ sở ta. Điều đó giúp ta cắt đứt sự bám níu
tự nhiên của ta vào những người thân thuộc, vào gia đình, và bạn hữu của ta.
Điều ấy sẽ tránh cho ta những giao động, những phiền muộn và những bối rối
thường nhật, liên quan đến đời sống vướng mắc trong môi trường thế tục gồm có
mọi thứ vật dụng, điều kiện và hoàn cảnh, chúng chỉ tạo ra cho ta những ảo giác
mà thôi. Sống trong gia đình, bắt buộc ta phải có bổn phận, dù tốt lành hay bất
lợi, những bổn phận ấy làm cho ta mất rất nhiều thời giờ. Một vị « tulku » (1)
nếu có gia đình, có đồ đệ, có nhiều người chung quanh lúc nào cũng chờ đợi sự
quan tâm của mình. Như thế dù muốn yên tĩnh cũng không được, nhiều người cầu
cạnh, hoàn cảnh trói buộc, trong đó kể cả những tình cảm trói buộc của người
khác đối với mình. Những phản ứng khi người khác tán đương mình hay khinh miệt
mình là những thứ mê hoặc phát xuất từ những người chung quanh, dù cho hành
động của họ chỉ là vô tình.
Cũng vậy, cũng phải canh
chừng sự u tối của vô minh không cho phép ta được « thảnh thơi » để tìm hiểu
những gì phải bỏ, những gì cần chấp nhận. Có vài nhà sư, an phận với những gì
thật đơn giản, trong một gian phòng nghèo nàn, như một lỗ chuột, nhưng vẫn
vướng mắc với những điều phức tạp, những phiền muộn và lo âu, cũng giống như họ
đang sống trong một cư xá sang trọng : họ hối hả như những con kiến, thu lượm
những giẻ rách (vì họ nghĩ rằng những thứ này vẫn còn có thể dùng được), các
hộp không vứt đi, đem cất giữ những thứ đó cẩn thận, chồng chất những vật vô
dụng, tìm kiếm và khám phá ra những thứ vô ích ấy làm mất hết thì giờ của họ.
Những việc như thế, tự nó không có hại gì cả, nhưng thực ra
1- Tulku : dịch âm là
Chu-cô, đây là tiếng Tây Tạng dùng để dịch chữ Phạn Nirmânakayâ (Ứng thân, Ứng
hoá thân hay Hoá thân) là thân xác của một vị Phật hiển hiện dưới nhiều dạng
thể để cảm hoá chúng sinh tùy vào căn cơ của họ.
cũng không mang đến một
lợi ích nào. Họ đặt trên bàn thờ những tập kinh sách thiêng liêng mà họ lau
chùi bụi bặm rất cẩn thận, nhưng không bao giờ đọc đến…, họ chỉ thích lau cho
bóng những bát chén trên bàn thờ ! Tâm thức của họ bám vào những vật thể ấy và
quên mất sự tu tập. Cũng giống như thế, một sự bực bội nhỏ nhoi cũng có thể tạo
ra cơ hội để ghét bỏ, một ham muốn vô nghĩa có vẻ như một chuyện đương nhiên,
cũng có thể tạo sư thèm khát càng lúc càng mãnh liệt hơn ; tất cả những cơ sở
của bám níu phải rứt bỏ, dù nhỏ nhoi cách mấy cũng vậy. Nếu như còn quan tâm
đến những vật thể bên ngoài của thế tục, nhưng đồng thời tâm thức bên trong vẫn
có thể liên tục tu tập Đạo Pháp thì tốt lắm. Nhưng thật ra rất khó, và thông
thường không làm được ; trái lại « từ bỏ ngôi nhà của mình chính là cách tu tập
của những người Bồ-tát ». Căn nhà của ta là nơi mà sự bám níu phát hiện một
cách mãnh liệt hơn cả, nhiều quyến rũ hơn cả, chẳng qua vì sự bám níu đó rất
quanh co. Ba thứ nọc độc gồm có đam mê, ghét bỏ và vô minh. Trong đó vô minh
đứng hàng đầu, nó có hai tên trợ tá : đam mê và ghét bỏ. Vô minh là vị hoàng
đế, hắn dùng ghét bỏ để xua đuổi kẻ thù, dùng đam mê và bám níu để tăng
cường uy quyền. Khi ta bất thần bắt gặp một người nào đó có vẻ khó thương đối với
ta, tức thời sự ghét bỏ trổi dậy, giống như để bảo vệ cho ta (cách bộc lộ để
chống lại kẻ đó), nhưng thật ra kẻ ấy đang đưa ta vào chỗ thất bại. Sự bám níu
là một kẻ đồng minh có dáng dấp thật khả ái, dịu dàng và hiền lành, nhưng bản
chất thật của nó sẽ làm cho ta thất vọng. Vậy phải ý thức là vô minh, ghét bỏ
và bám níu là ba thứ nọc độc, và mỗi khi ta nhận ra rằng căn nhà, cái tổ ấm,
nơi quê quán là một trong những nguồn năng lực thúc đẩy những thứ ấy, thì ta
cũng sẽ hiểu rằng xa lìa chúng là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ ba
Khi ta lìa bỏ những
người vô bổ chung quanh, ảo giác cũng giảm đi, và vì lẽ không còn bị xao lãng
nữa, sự tu tập về đạo đức của ta cũng sẽ tự động thăng tiến, giúp cho tâm thức
trong sáng hơn. Sự quán nhận vững chắc của ta về Đạo Pháp cũng gia tăng. Giữ
mình trong sự đơn độc là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Tuy nhiên nếu rời bỏ xóm
làng để đi tìm một hoàn cảnh tương tợ nơi xa xôi, hay trong một xứ sở khác, có
nghĩa là đi tìm một môi trường giống như trước đây với những việc xao lãng
khác, như thế nhất định không phải là mục đích của chúng ta (chúng ta cũng nhận
thấy chuyện đó chớ, chúng ta đây là những người Tây Tạng, chúng ta đã đánh mất
quê hương của chúng ta, và nhà cửa của chúng ta, nhưng chúng ta đâu có sống
trong cô đơn và chúng ta vẫn còn bạn hữu, xum vầy với gia đình và vẫn còn những
nguy cơ chung quanh có thể cám dỗ chúng ta nữa). Cách tu tập đòi hỏi phải xa
lìa căn nhà của mình là có mục đích đem đến bình an cho tâm thức, và nhất định ta
không thể nào tìm thấy sự bình yên đó trong một thành phố nhộn nhịp. Phải tìm
thấy sự đơn độc hàm chứa những phẩm tính đã được nói đến trong Nhập Bồ-đề Hành
Kinh (Bodhicharyâvatàra), ta có thể tìm thấy dễ dàng sự đơn độc này trên đất
Tây Tạng : một khí hậu tinh khiết và trong lành, sự yên tĩnh, nước non tinh
khiết, thiên nhiên xinh đẹp và thanh bình, thú vật dễ thương và hiền lành,
chẳng hạn như đàn nai đang gặm cỏ. Nơi đó không có gì làm cho ta xao lãng, ta
có thể thực tập và suy tư từ sáng đến tối và rồi suy tư sẽ trở thành thói quen.
Cô đơn như thế rất cần thiết ; tất cả các vị Đạo sư ngày xưa đã đạt được những
cấp bậc cao về tâm linh, chẳng qua vì họ biết từ bỏ tất cả để tu tập Đạo Pháp.
Và mặc dù ngày nay, ta không có hoàn cảnh thuận lợi để thực hiện một hoài bảo
như thế, nhưng chúng ta cũng phải luôn luôn ghi nhớ điều ấy trong tâm; chúng ta
cần được thúc đẩy bởi ước mơ : « Rồi một ngày nào đó, tôi sẽ lìa bỏ tất cả, tôi
sẽ đi tìm một cảnh cô đơn để vung lên lá cờ biểu hiệu của thiền định ».
(Quay về phía các nhà sư
:) Các nhà sư phải cẩn thận. Khi ta chọn đời sống trong tu viện, ta sẽ trở
thành đối tượng của mọi sự sùng kính và cúng dường, ta thường xuyên phải làm lễ
pûjâ, mặc dù những nghi lễ ấy rất hữu ích, nhưng cũng có thể trở nên nguy hiểm
đối với một tâm thức dễ xao lãng hay chỉ biết vơ vét, vì ham thích lễ vật đi
kèm với nghi lễ cúng dường. Nếu ta ăn quá nhiều, sống cuộc sống tĩnh tại ru rú,
không tự thanh lọc cho tinh khiết, cuộc sống tu viện như thế cũng sẽ trở nên
nguy hiểm.
Sự tiện nghi, thiếu
trách nhiệm, ăn ngon, sẽ làm cho tâm thức năng nề, u tối và lu mờ. Những cám dỗ
đó có thể tránh được bằng cách chọn lối sống đơn độc ; một chút điều độ trong
ẩm thực giúp cho tâm thức thêm sáng suốt, sự yên lặng giúp thêm cho sự tu tập.
Thật nguy hiểm khi trở thành đối tượng cho sự sùng kính, và cũng thật nguy hiểm
khi mong chờ những lễ vật hay của cải cúng dường, bị thúc đẩy bởi bản năng chỉ
biết quan tâm và kính cẩn hơn đối những ai có lễ vật hiến dâng, và thờ ơ với
những người khác khi họ không có gì cả (những người này có thể có tấm lòng tôn
kính đích thực hơn, nhưng chỉ vì họ có ít phương tiện hơn). Khi ta làm lễ thụ
phong để trở thành người tu hành, bổn phận của ta là hãy nhìn vào cái gương của
Phật, của các vị A-la-hán, các vị Đạo sư, phải chiến thắng những ảo giác, và
biết hy sinh tất cả mọi vật trong thế giới này, tất cả lạc thú của luân hồi.
Chỉ khi nào làm được như thế, ta mới trở thành một người tu hành thật sự (và
không phải khoác lên người chiếc áo cà sa là biến thành người tu hành).
Những vật dụng của thế
tục là những sứ giả của Mârâ (1), và cũng như một vị Geshé (2) của học phái
Kadampa (3)
1- Mârâ : là Ma hay Ma vương.
2- Geshé : danh hiệu
tiến sĩ, một tước danh của một nhà sư Tây Tạng. Giáo trình học tiến sĩ kéo dài
31 năm, phải thi cử liên tục và không rớt mới được danh hiệu này. Nếu môn học
nào thi rớt phải học lại.
3- Kadampa : Kam-đan
phái, một học phái phật giáo Tây Tạng.
đã từng nói : một nhà sư
phải tự do và thiếu thốn tất cả, như một con chim sẻ. Người tu hành phải đơn
giản trong cuộc sống thường nhật. Chỉ nên gói ghém vừa đủ cho cuộc sống và việc
dinh dưỡng, không nên phù phiếm. Chỉ trong những trường hợp đặc biệt lắm, khi
ta lọt vào thế giới không Đạo Pháp, khi ấy mới có thể cho phép ta tỏ ra khác
hơn với thường nhật. Người tu hành phải giáo huấn kẻ khác, và đời sống của ta
cũng phải đi đôi với những lời giáo huấn đó. Nếu ta cũng cưu mang những ảo giác
và bám níu giống như những người nghe ta giảng, lời nói của ta chẳng những sẽ
không có ích lợi gì, mà còn nguy hại nữa. Nếu trong tu viện ta sống tinh khiết
và không vướng mắc vào những bám níu, tăng đoàn sẽ trở thành một « hội trường
xứng đáng » và như thế mới có thể quảng bá Đạo Pháp được. Sự tồn vong của Đạo
Pháp tùy thuộc vào phẩm tính của tăng đoàn hành Đạo. Tuân theo học thuyết của
chúng ta, quý vị phải giữ vững Con đường Trung Đạo, không khi nào được rơi vào
cực đoan.
Kẻ tu hành và người thế
tục phải giúp đỡ lẫn nhau ; ngày nay người tu hành không chỉ giảng dạy về tôn
giáo mà thôi, mà cần phải giảng dạy về những hiểu biết thiết thực khác nữa, và
người thế tục phải giúp đỡ họ, đó là việc hoàn toàn tự nhiên.
Nếu trong lúc này ta
chưa thể sống trong « cô đơn » thì phải sống cho đúng đắn, phải giữ được bình
tâm và trong sáng, dù cho môi trường chung quanh có khó khăn đi nữa.
Cách tu tập thứ tư
Một ngày nào đó bạn hữu
từ lâu và thân thiết phải chia tay nhau, của cải và giàu sang khổ công thu góp
cũng phải bỏ lại phía sau. Tâm linh, chủ nhân của thân xác, tức cái bàn thờ này
đây, cũng sẽ ra đi. Vì vậy, từ bỏ tất cả bám níu vào sự sống này là cách tu tập
của những người Bồ-tát.
Khi ta đi tìm sự vắng
vẻ, và ta tìm thấy nó. Ta ra đi, từ bỏ căn nhà của ta, nhưng vẫn chưa đủ : ta
phải gạt bỏ mọi bám níu vào khoảng thời gian còn lại của ta, ta phải nhìn thấy
sự hiện hữu của ta là vô thường, sớm hay muộn nó sẽ chấm dứt. Ta sẽ phải chia
lìa tất cả vì cái chết. Để chuẩn bị cho sự ra đi của ta, ngoài sự tu tập Đạo
Pháp, không có thứ gì có thể giúp ta được. Nếu ta đạt được một tâm linh
cao cả, điều này sẽ giúp đỡ cho ta. Bạn hữu thân cận nhất không giúp ta được ;
dù cho tất cả các sinh linh trên địa cầu này đều là bạn hữu của ta, cũng
không thể giúp ta được. Dù cho ta giàu có như « Vaishravana » (1), khi chết ta
cũng chẳng còn gì.
Thân xác này đối với ta
quý giá biết bao nhiêu, lúc nào cũng là người bạn đồng hành của ta, nhưng ta
cũng sẽ bỏ nó lại và ta cũng chẳng biết chuyện ấy sẽ xảy ra lúc nào. Sự sống
của con người không hàm chứa một sự chắc chắn nào cả ; những người còn trẻ thường
phát biểu một cách ngây thơ : « Tôi còn trẻ và khoẻ mạnh, vậy tôi còn có thể
sống và tôi sẽ tiếp tục sống ». Nhưng đó không phải là một lý do, cũng không
phải là một bằng chứng. Trong số quý vị hôm nay, không phân biệt tuổi tác,
không có một người nào có thể quả quyết chắc chắn 100% : « Tôi vẫn còn sống tối
hôm nay ». Tóm lại : tất cả chúng ta đều chết, chúng ta không thể biết vào lúc
nào, và ngoài sự tu tập Đạo Pháp ra, không có gì có thể giúp chúng ta được. Vậy
nếu ta có thể cởi bỏ được những trói buộc vào sự sống này, đấy mới là những gì
đúng đắn và hữu ích. Nếu ta phải chết vào tối hôm nay, ta cần phải chuẩn bị cho
sự ra đi đó, và nếu như ta vẫn còn tiếp tục sống, như thế lại càng tốt hơn ; vì
dù sao việc chuẩn bị của ta cũng không mất mát đi đâu cả.
1- Vaishravana : Đa-văn-thiên, còn gọi là
Tì-sa-môn Thiên, là một vị trời trong bốn vị Thiên vương hộ thế. Đa-văn-thiên
là vị trời hộ pháp và bố thí phúc.
Sự sống này, chính nó
cũng không đến nỗi quá quan trọng, nhưng ta lại thường xuyên lo lắng cho nó một
cách quá đáng. Những rối rắm ở Tây Tạng đưa chúng ta đến đây, chúng ta đã bỏ
lại tất cả, và có nhiều người, ngày hôm trước khi ra đi, họ cũng chưa biết là
phải ra đi. Và mặc dù thế, chúng ta vẫn còn đây, trên quả đất này của nhân loại
và mỗi người trong chúng ta vẫn còn đủ khả năng để sống còn nơi đây ; vậy những
lo âu của chúng ta là quá đáng.
Những gì quan trọng hơn,
chính là giây phút ta phải rời bỏ thế giới này, trong giây phút ấy ta sẽ ra đi
một mình để bước vào một thế giới hoàn toàn xa lạ.
Vị Đạt-Lai Lạt-Ma thứ
VII đã cầu nguyện như thế này : « Phía bên kia thế giới này, là một khoảng cách
vô biên chia cách mọi vật và mọi người mà chúng tôi từng quen thuộc. Trong kiếp
sống con người này, dù cho có gì xảy ra, chúng tôi vẫn còn có thể cầu cứu được
; trong kiếp sống bardo (1), chúng tôi sẽ hoàn toàn cô đơn. Chúng tôi phải hiểu
như thế và phải chuẩn bị cho kiếp sống đó ».
Phật có nói : « Ta chỉ
cho các con con đường Giải thoát, nhưng tùy nơi các con, các con có tự mình
bước vào con đương đó hay không ».
Nhiều người đến gặp tôi
và nói với tôi rằng : « Xin hãy cầu nguyện cho tôi đừng rơi vào những cõi khốn
cùng ». Nhất định tôi cầu nguyện và sẽ còn cầu nguyện với tất cả tấm lòng của
tôi ; mặc dù tôi không nhắm vào từng cá nhân mỗi người, nhưng tôi thiết tha cầu
nguyện cho tất cả. Tôi xin cầu mong giúp đỡ được tất cả, giúp đỡ tất cả quý vị,
dù chỉ được một chút cũng tốt. Nhưng theo Đạo Pháp, mỗi người trong
chúng ta phải tự nhận lãnh trách nhiệm về phần mình, tôi không thể kéo một
người nào đó ra khỏi cảnh khốn khổ, để đẩy họ vào Niết bàn. Vượt thoát ra khỏi
thế giới Luân hồi, bước vào cõi Niết bàn hay Phật tính, là tùy thuộc vào những
cố gắng của chính ta.
1- Bardo : tiếng Tây tạng, dịch là Trung hữu,
có nghĩa là giai đoạn chuyển tiếp giữa hai kiếp sống.
Quý vị không thể ỷ lại
vào người khác, kể cả vị Đạo sư, hay cả chư Phật và chư Bồ-tát cũng vậy. Tất cả
đều mong muốn đem tặng những điều thoả nguyện cho chúng sinh, nhưng khó lắm, vì
thế sự hợp tác của của quý vị nhất định là cần thiết, không thể không có được.
Khi nhận biết được vô thường là gì, khi nhìn thấy tương lai nghiệt ngã sẽ trở
thành hiện thực, ấy là cách giúp quý vị chuẩn bị và hiểu rằng dấn thân vào
những sự việc và hành vi thế tục chỉ làm phung phí đời mình mà thôi. Sinh lực
đó, ý chí đó, phối hợp với ước vọng kiên quyết và vững chắc tu tập Đạo Pháp,
không đánh mất thời giờ, sẽ giúp cho sự bám níu vào thế giới này suy giảm đi,
và tắt lịm hoàn toàn, và như thế quý vị sẽ không còn gì lo âu trước thời gian
trôi qua.
« …Không người thân thuợc,
không bạn hữu, kể cả tình yêu trần tục lớn nhất, khi chết, ta không còn giữ
được gì cả, kể cả cái tên gọi của ta cũng không ».
Thân xác này là một quán
trọ, ta không thể ở lại đó mãi ; giờ đây ta đang làm chủ nó bằng tri thức của
ta, nhưng chủ-nhân-tri-thức ấy, người lữ hành muôn thuở, sẽ ra đi một ngày nào
đó và sẽ quên cái lữ quán đã từng đón tiếp mình, sẽ bỏ nó lại phía sau.
Bạn hữu, thân xác, cả
tên họ, không còn gì tồn tại để ta bám níu. Vậy, gỡ bỏ tất cả bám níu là cách
tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ năm
Nếu ta có những người
bạn đồng hành xấu, ba thứ nọc độc sẽ gia tăng thêm, sự suy tư và thiền định của
ta sẽ suy thoái ; tình thương và lòng từ bi sẽ bị hủy diệt. Từ bỏ đoàn đồng
hành nguy hiểm đó là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Nếu ta theo một vị Đạo
sư giả mạo, những phẩm tính phát triển từ trước sẽ hao hụt đi, đồng thời ảo
giác lại càng gia tăng. Qua các dấu hiệu đó ta có thể nhận ra một vị Đạo sư giả
mạo, hoặc là một người bạn tinh thần giả mạo ; vô minh của ta sẽ trở nên « dầy
đặc » thêm. Ba cách « tu tập » của ta (shîla, samâdhi, prajnâ) (1) sẽ yếu kém
đi.
Nhất là khi đã noi theo
con đường Đại thừa, ta phải cẩn thận đối với bạn hữu hay người đồng tu thiếu
tình thương, thiếu lòng từ bi, hoặc họ đã đánh mất những thứ đó, nhớ đừng để họ
ảnh hưởng đến ta, vì chưng tinh anh của Đại thừa chính là tình thương và lòng
từ bi. Lánh xa những người bạn xấu chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Để có thể đạt được Phật
tính, không có gì quan trọng hơn là theo một vị Đạo sư ; có một vị Đạo sư nổi
danh là Potawa rất quan tâm đến điều này. Chúng ta cần được giáo huấn và giúp
đỡ. Nếu ta đã bước « trên con Đường » rồi thì thật là điều tốt ; nhưng lại còn
quan trọng hơn nữa nếu ta vừa vươn lên khỏi những cảnh giới khốn cùng. Bước
theo một người, mà nhờ họ ta thấy được những lỗi lầm của ta, và bên cạnh họ các
phẩm tính của ta sẽ gia tăng thêm như « vầng trăng lưỡi liềm » ; xem trọng
người bảo trợ ấy quý giá hơn mạng sống của chính ta, ấy là cách tu tập của
những người Bồ-tát. Bởi vì muốn khai triển tâm trí còn u tối của ta, ta phải
noi theo một phương pháp tu tập và phải biết tu tập như thế nào. Người hướng
đạo phải là một Đạo sư hoàn hảo, vạch ra con đường và giảng dạy phương pháp.
Người này phải có nhiều kinh nghiệm để ta có thể hoàn toàn tin tưởng nơi họ.
Một người bịnh mong muốn tìm được người thầy thuốc giỏi nhất, và thực hành theo
cách trị liệu mà người thầy thuốc đưa ra. Bịnh tật do ba thứ nọc độc gây ra còn
nguy hiểm hơn nhiều so với bịnh tật trên cơ thể.
Người Đạo sư phải có
những phẩm tính nào đó để ta có
1- Shîla : Giới hạnh,
giới luật ; Samadhi : Định, tức thiền định chú tâm vào một đối tượng duy nhất ;
Prajnâ : Trí tuệ hay Bát-nhã.
thể đặt lòng tin nơi họ.
Sakya-Pandita (1) có nói rằng : « Kể cả việc mua một con ngựa ta cũng
phải dọ hỏi, phải hết sức thận trọng…Huống chi đối với sự an-vui vĩnh cữu của
ta, ta còn phải thận trọng nhiều hơn thế nữa ».
Trước khi chọn một vị
Đạo sư, và trước khi quyết định người này có thể trở thành vị Đạo sư của ta hay
không, ta phải biết rõ những phẩm tính sẵn có nơi người này, xét theo Vinaya
(Tạng Luật), Sû-tra (Kinh điển) và sức tu tập Tan-tra của họ, và ta chỉ nên
chọn người nào mang hầu hết những phẩm tính đó.
Khi ta đã tìm thấy vị
Đạo sư « đích thật », ta phải tuân theo người đó và xem như ngang hàng với
Phật, có thể xếp lên hàng cao hơn nếu căn cứ vào sự chăm sóc của họ đối với ta.
Chính với cái nhìn tinh khiết ấy, ta sẽ phát huy tấm lòng sùng đạo lớn lao và
mãnh liệt trong tận cùng thâm tâm ta : dốc lòng tin tưởng hơn nơi Đạo Pháp khi
thấy được phẩm tính của vị Đạo sư, ta sẽ kính trọng người Đạo sư hơn khi nhìn
thấy lòng nhân từ của ông, khi thấy được cả hai ta lại càng yêu quý ông hơn
nữa.
Ta phải biểu lộ sự quý
mến đó bằng cách tu tập đúng như lời chỉ dẫn của ông. Ta có thể đem đến niềm
vui cho người Đạo sư bằng ba cách : dâng lễ vật, chăm sóc người Đạo sư và sự tu
tập chuyên cần của ta. Nhưng nếu đúng là một vị Đạo sư chân chính, thì sự tu
tập của ta phải đem đến cho ông nhiều niềm vui sướng hơn, so với những gì thuộc
về lễ vật ; một vị Đạo sư đích thật phải như thế.
Marpa (2) có hai người
đệ tử, một người rất giàu có và người này đã hiến dâng tất cả gia sản của ông
cho người Đạo
1- Sakya-Pandita : nhà
Học giả có tên là Thich-ca
2- Marpa : Mã-nhĩ-ba
(1012-1097) là một Đạo sư nổi tiếng người Tây Tạng, đi tu học tại Ấn Độ và mang
về truyền bá ở Tây Tạng giáo pháp Đại-thủ-ấn (Mahâmudrâ).
sự, người thứ hai tên là
Milerepa (1), hoàn toàn chẳng có gì cả.
Mã-nhĩ-ba (Marpa) không
tỏ ra một mảy may phân biệt nào giữa hai người đồ đệ và nói rằng :
« Người đồ đệ
Mật-lặc-nhật-ba (Milerepa) của ta chẳng có gì, và người đồ đệ kia lại cho ta
tất cả, cho ta đến con dê què cuối cùng trong bầy, nhưng tôi chẳng có một sự
phân biệt nào trên phương diện giáo huấn tôi đã giảng dạy cho họ ».
Sha-ra-wa nói rằng các
đồ đệ phải « hiến dâng » vì lòng tôn kính đối với vị Đạo sư, nhưng vị Đạo sư
không được phép cảm thấy dính líu đến lễ vật, nếu không ta không thể xem người
này như một vị Đạo sư đại thừa. Tuân theo Đạo sư một cách đúng đắn là cách tu
tập của những người Bồ-tát.
Ngày giảng huấn đầu tiên
đã chấm dứt hôm qua. Hôm nay là ngày thứ hai, khởi sự cho ngày hôm nay là phần
dẫn nhập, sau đó sẽ tóm lược lại những gì đã được nói đến hôm qua.
NGÀY GIẢNG HUẤN THỨ HAI
« Ba thế giới (2)
đều vô thường như những đám mây mùa thu ; sự sinh và sự chết của con người
giống như một trò chơi, như giòng nước trút nhanh từ một con thác trên núi
». Tất cả mọi hiện tượng tổng hợp, con người, nơi chốn đều vô
1- Milerepa : Mật-lặc-nhật-ba (1052-1135) đệ tử
của Mã-nhĩ-ba, nhưng cũng là một đại sư lừng danh người Tây Tạng, tác giả của
Thập vạn ca (một trăm ngàn bài thơ đạo). Ông được người thầy Đạo sư Mã-nhĩ-ba
truyền cho hai giáo pháp là Đại thủ ấn và Na-rô lục pháp. Cuộc đời của ông thật
phóng khoáng, phiêu bạt và đầy kỳ thú.
2- Ba thế giới gọi là
Tam giới, tức là ba thế giới của vòng sinh tử. Ba thế giới ấy là : a) Dục giới
: thế giới của ái dục, b) Sắc giới : thế giới của thiên nhân trong cõi Thiên,
thiên nhân không còn dục tính nhưng vẫn còn thich thú (ăn uống, hưởng thụ…), b)
Vô sắc giới : thế giới thuần túy tâm thức.
thường và biến đổi.
Không có gì trường tồn vô tận cả. Sự sống của con người, là một dạng thể thật
sơ khai và thô thiển của vô thường ; nó bất định một cách kinh khiếp, nhất là
trong thời đại của chúng ta. Khi mới sinh ra đời, con người đã biết chắc chắn
rồi đây sẽ chết và giây phút đó càng lúc càng đến gần hơn. Cái chết xảy đến như
một tia chớp phũ phàng mà chúng ta không kịp dự trù trước, cũng không kịp để
chờ đợi. Từ lúc khởi nguyên của thế giới này, con người được sinh ra, rồi sau
đó lại chết. Có thể họ rất khôn ngoan, có có thể họ rất cường tráng ; nhưng
không một ai tránh khỏi những điều kiện thiên nhiên : sinh và tử thuộc vào
những tình huống đó. Mỗi con người đều trải qua một quá trình thoái hóa như
nhau : khi còn trẻ ta không cần kính mắt, trước đây tôi không có, nhưng hôm nay
tôi đã bắt đầu đeo kính rồi, thị giác của tôi suy giảm dần dần cho đến lúc tôi
không còn nhìn thấy gì cả ! Thân xác cũng suy thoái liên tục, các nếp nhăn hiện
ra, tóc rụng, thính giác cũng trở nên yếu hơn và khi thời gian càng dồn thêm,
ta lại càng thấy mỏi mệt hơn, mỏi mệt đủ thứ. Những người trẻ tuổi hơn sẽ thay
vào chỗ của chúng ta, họ sẽ cho những ý kiến của chúng ta là lỗi thời và áp đặt
một cách kiêu hãnh ý kiến của họ, cứ xem như là ý kiến của Phật vậy. Tuy thế,
họ cũng sẽ đi chung một con đường như ta, tuy rằng hôm nay họ vẫn đối xử với
chúng ta như những người già lẩm cẩm ; tất cả những gì ta đã từng trải qua trong
khi còn trẻ với bao thích thú, bây giờ đã trở nên nhờm chán ; những đối tượng
ta bám níu trước đây cũng có thể trở thành những đối tượng của ghét bỏ. Ta mang
đầy hối tiếc vì đã từng hoạch định biết bao nhiêu dự án nhưng ta không đem ra
thực hiện được, ta không còn đủ sức lực cũng như can đảm để thực hiện những
chương trình đã thiết lập với biết bao hăng say và sinh lực, thiết lập vào cái
thuở mà ta nghĩ rằng ta dư sức « bắt được con chim đang bay trên trời ».
Cái thuở đó qua nhanh ;
nếu ta là người thế tục, ta lập gia đình ; vợ con buộc ta vào những trách nhiệm
nặng nề hơn, và nghị lực phải tiêu hao để mong luôn luôn tìm được một mức sống
xã hội cao hơn, một « địa vị » nghề nghiệp tốt hơn. Đạt được những thứ ấy,
không tránh khỏi đưa đến những tình cảm ly gián : như sự tranh đua, ganh tỵ và
tiếp đó là sự khinh thường, cuối cùng ta tự tạo ra cho ta « một chỗ nắng » (1)
; ta không thể thực hiện được việc ấy nếu không tìm cách loại trừ bớt những kẻ
khác ! Trong lúc ta bận rộn với các chuyện này thì ngày tháng trôi qua, rồi đến
năm tháng cũng trôi theo…
Đối với một người tu
hành, các chuyện ấy cũng có thể xảy ra ở Tây tạng. Nhất định cũng có nhiều khoá
sinh hăng say học tập ước mong đạt được Phật tính, được các Đạo sư chăm lo, có
nhiều bạn đồng tu tốt, nhưng trong số những người tu hành trẻ tuổi ấy, cũng có
người chỉ tu học trong mục đích ngắn hạn : trở thành một nhà thông thái, một
người giỏi chữ nghĩa, một nhà bác học nổi danh, để trèo lên cấp bậc cao nhất
của chức Geshé ; nhưng nếu chỉ nhắm duy nhất vào mục đích đó, thì chức Geshé
đúng như ở Tây Tạng chúng ta thường nói, chỉ là một tước hiệu « trống rỗng » ;
tuy nhiên vẫn có một số các khoá sinh ham muốn cái tước hiệu « trống rỗng » đó
; và dùng tước hiệu ấy để tranh dành chức viện trưởng trong một Tu viện nào đó.
Họ cũng chẳng khác gì những người thế tục dấn thân vào những con đường thế tục,
giống như những đợt sóng trên mặt hồ. Hết đợt sóng này lại đến đợt sóng khác,
đã đủ cao rồi, nhưng đợt sóng thứ ba lại đến và còn cao hơn nữa, và cứ tiếp tục
như thế, ào ạt không ngừng, đợt này cao hơn đợt kia. Tốt hơn nên chấm dứt ngay
tức thời quá trình đó để bước hẳn vào con đường Đạo Pháp ? Nếu ta không hành
động như thế, dù cho ta có khoác lên người chiếc áo tuyệt vời của một nhà sư,
và có thể ta cũng mang thêm một pháp danh thật đẹp, nhưng chúng ta cũng chỉ
sống dựa vào tám nguyên lý của thế tục, trói buộc ta vào thế giới Luân hồi : ta
có nhiều đồ đệ chung góp
1- Tức là đứng trơ vơ giữa chỗ nắng cháy không
bóng mát, có nghĩa là trong một vị thế không thuận lợi.
thêm tài sản cho ta, thế
rồi ta phải tìm thêm người quản lý để lo toan các việc này, từ đó sự phiền muộn
và trách nhiệm của ta cũng gia tăng, nếu như ta đã hoàn toàn chế ngự được tâm
linh thì không sao, nếu không, sự tu tập Đạo Pháp của ta ít nhất cũng đáng nghi
ngờ.
Dù sao ta cũng phải đứng
ra để giảng dạy, vì ta có đồ đệ, nhưng ta biết rằng cách sống của ta không phù
hợp với sự giảng dạy đó, hoặc là ta tự đánh lừa ta, ta không sống theo Đạo Pháp
nhưng lại chạy theo tám nguyên tắc của thế tục (thích được tán dương và không
chấp nhận sự chê trách, hám lợi, lo sợ bị thiệt thòi, thích tiện nghi và xa
hoa, lo sợ bần hàn và thiếu thốn, tiếp nhận những gì thích thú, gạt bỏ những gì
đau đớn).
Nếu một người nào đó,
trong cương vị của họ, trên nguyên tắc họ phải hiểu biết Đạo Pháp, nhưng lại
hành động như trường hợp vừa kể trên đây và theo đuổi một cuộc sống trái ngược
với những gì Đạo Pháp đã khuyên bảo, vậy làm thế nào một kẻ khác chưa hề biết
Dạo Pháp là gì, có thể « ra thoát » được ? Cuộc sống lãng phí trôi nhanh, cuối
cùng sẽ là sợ hãi, lúc ấy dù có muốn tu tập Đạo Pháp, nhưng sẽ không còn đủ hơi
sức nữa.
Cuộc sống phí phạm đó
đôi khi có thể tóm lược như sau : hai mươi năm đầu trải qua với sự hồ hởi,
không hề nghĩ đến Đạo Pháp, hai mươi năm kế tiếp có ý định thoang thoáng là sẽ
tu tập Đạo Pháp, nhưng không có thời giờ, hai mươi năm sau cùng sống trong sự
hối tiếc, vì không còn đủ sức lực để tu tập Đạo Pháp nữa. Chính là như thế đấy,
cuộc sống trôi qua trong trống rỗng, nhưng không phải cái trống rỗng của Tánh
không mà ta tìm kiếm ! Nếu tâm thức không luôn luôn nghĩ đến Đạo Pháp, hoàn
toàn lắng chìm trong Đạo Pháp, thì tu tập sẽ không mang một ý nghĩa nào cả ;
một vị thầy có nói rằng : « Nếu tâm thức không hoàn toàn chìm ngập trong Đạo
Pháp, kinh điển man-tra chỉ làm cho cùn các đầu móng tay mà thôi ».
Không bao giờ được làm
mất thời giờ, hoàn cảnh có thể bất thần trở nên bất lợi. Bất kể cái vẻ bên
ngoài của ta ra thế nào, hay sự phán đoán của kẻ khác đối với ta ra sao, quan
trọng là phải tự làm nhân chứng cho chính ta ; tự làm nhân chứng để không bao
giờ hối tiếc, ân hận, và thỉnh thoảng phải tự xét cẩn thận nôi tâm của ta !
Liên tục kiểm xoát bản thân là điều hệ trọng. Nếu sự sống tiếp tục chờ đợi cho
ta có đủ thời giờ thực hiện những ước muốn tốt đẹp, thì chẳng có vấn đề gì phải
nói, nhưng sự sống không chờ đợi, thời gian cứ trôi đi là vì « đời sống của tam
giới là vô thường giống như những đám mây mùa thu ».
Có những hoàn cảnh hữu
hiệu giúp ta tu học về 84 000 giáo huấn của Phật (1) ; ngay cả các thánh nhân
như Long Thọ cũng không thu thập được hết. Khi khởi sự tu tập để phát triển tâm
linh, Long Thọ cũng chỉ là một con người bình thường, như chúng ta đây ; chỉ
khác là sự cố gắng kiên trì đã giúp ông dần dần thăng tiến, và làm gia tăng
thêm các năng khiếu, và rồi ông đã biến thành một con người như thế ấy.
Thiếu cố gắng, không một
vị Thầy nổi danh nào trước đây có thể thành đạt được, và khi biết nghĩ như vậy
lòng hăng say sẽ gia tăng, vì trong Kinh Bodhicharyâvatâra (Nhập Bồ-đề hành
Kinh) có nói « ngay cả một con ruồi cũng có khả năng trở thành Phật ». Nếu một
con ruồi cũng có khả năng thành Phật, vậy thì khả năng đạt đến Phật tính của ta
phải nhanh hơn khả năng của một con ruồi biết bao nhiêu lần. Suy nghĩ như thế nhất
định sẽ đem đến cho ta nhiều khích lệ, phải tận dụng ngay tiềm năng ấy, và
không nên lần lữa hẹn lại sẽ cố gắng về sau này ; tất cả dịp may sẽ nằm trong
tay ta, nếu ta biết bắt tay ngay từ bây giờ ; thực hiện được như thế sẽ đưa đến
những biến cải trong tâm thức.
Những hành vi xuất phát
từ thân xác ta và lời nói của ta
1- Theo thống kê có 84
000 Kinh sách ghi chép những lời giáo huấn của Phật.
đều tùy thuộc vào sự
kiểm soát của sức mạnh tâm thức, và dù cho một người sống trong lãnh vực bình
thường của thế tục, một lãnh vực mang nặng những hành động hầu hết sai lầm, họ
vẫn có thể biến cải được những sai lầm đó bằng tâm linh. Dù cho chìm ngập trong
vô minh dầy đặc, nhưng nếu họ có « một chút » thiện chí, các hành vi xấu cũng
có thể biến cải để trở thành tốt được ; vì thế nhất định nếu có một người nào
tu tập cao hơn, họ chỉ cần một thiện chí trung bình cũng sẽ có thể biến cải
những hành vi thờ ơ của họ thành những hành vi « thật » tốt. Phát huy tâm thức
là một điều cực kỳ hệ trọng.
Trong việc tu tập Đạo
Pháp, khi khởi sự không nên nhìn quá cao, cũng như quá xa ; nên bắt đầu bằng
những thứ nhỏ nhặt với sự khéo léo sẵn có của ta (những ai thích ăn ngon, nhưng
không có phương tiện cung ứng cho mình những thức ăn tuyệt hảo, nên tập ăn bất
cứ gì để sống là được) ; không nên xông thẳng vào những cách tu tập cao siêu ;
các lối tu tập nhỏ sẽ biến cải từng chút một ; từng giọt và từng giọt, một đại
dương sẽ thành hình. Đừng nhìn quá xa, nhưng phải bắt đầu lên đường ngay. Nhưng
ta bắt đầu tu tập cái gì bây giờ ? Có hai thứ : Đạo Pháp tiểu thừa và Đạo Pháp
đại thừa ; có Sûtrayana (Thừa Kinh điển), có Pâramitâyâna (Ba-la-mật-đa thừa =
Lục độ) và Tantrayâna (Tan-tra thừa). Đạo Pháp của chúng ta ở Tây tạng bao gồm
thừa Kinh điển, Ba-la-mật-đa thừa và Tan-tra thừa. Muốn tu tập ta phải hiểu, và
muốn hiểu ta phải nghe giảng. Tôi tin rằng quý vị hiện diện hôm nay cũng là vì
mục đích đó. Bài giảng huấn này của vị Lạt-ma Togs-med bzang-po tóm lược các
cách tu tập của người Bồ-tát thành ba mươi bẩy phẩm ; hãy chú tâm lắng nghe bài
giảng của ông : « Chính nơi đây Phật Cồ Đàm chứng minh cho thấy sự Giác ngộ,
tôi xin phát hiện trong tôi tinh thần Bồ-tát và gom góp những điều xứng đáng để
đạt đến thể dạng toàn vẹn của Giác ngộ và Phật tính ».
Trong mục đích đó và
bằng những chú tâm cao độ, quý vị hãy lắng nghe những lời giảng huấn này.
Cách tu tập thứ sáu
Đặt lòng tin vào một
người bạn đã loại bỏ được tất cả mọi ảo giác, sự tinh thông Kinh điển và tu tập
của người bạn tinh thần ấy cũng đã hoàn toàn viên mãn và cả những phẩm tính
cũng thăng tiến như một vầng trăng lưỡi liềm ; quý mến người Đạo sư hoàn hảo ấy
hơn cả chính thân xác ta, là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Rút lui vào chốn cô
quanh chưa đủ, phải hoàn toàn nhổ bỏ tận rễ những ảo giác, phương pháp duy nhất
giúp ta làm được việc ấy là thực hiện Shûnyatâ (1) : Prajnâ (2). Sự thực hiện
Tánh không chỉ có thể đem đến bằng Samatha (3) (thiền định bình lặng chú tâm
vào một điểm) và bằng Vipassyanâ (4) (quán xét), tất cả kết hợp lại với nhau.
Đây là phương pháp duy nhất có thể có. Thiếu nó, dù cho suốt đời đạo hạnh, tụng
niệm man-tra và cầu nguyện, tất cả dù cho hữu ích, nhưng cũng chỉ là những hữu
ích tạm thời. Muốn đạt đến sự Tốt lành thường xuyên, sự An lạc hoàn hảo, phải
nhổ bỏ tận rễ những ảo giác.
1- Đó là Tánh không của mọi vật thể và hiện
tượng. Xin người đọc kiên nhẫn, Đức Lạt-Lai Lạt-Ma sẽ dành riêng phần hai của
quyển sách này để giải thích Tánh không. Tánh không có lẽ là một trong những
khái niệm quan trọng nhất của Triết học Phật giáo. Thấu triệt được khái niệm
này có thể xem như đã bước được một bước thật dài trên đường tu học. Đạt được
Tánh không một cách toàn vẹn là Giác ngộ.
2- Prajnâ : là
Trí tuệ. Mục đích của Phật giáo là đạt được sự hiểu biết đúng đắn, thâm sâu và
toàn vẹn về thực tính của mọi vật thể và mọi hiện tượng, trong mục đích phá bỏ
vô minh, tức u mê, sai lầm. Sự hiểu biết đó gọi là Trí tuệ, Trí tuệ là Giác
ngộ, Giác ngộ lả Giải thoát, Giải thoát là Niết bàn.
3- Samatha : là
Chỉ hay Định, tức là Nhất tâm, loại bỏ được mọi giao động và bấn loạn của tâm
thức.
4- Vipassyanâ :
là Quán, tức quán xét phù hợp và đúng với sự thật. Sự kết hợp giữa samatha và
vipassyanâ gọi là Chỉ-Quán.
Sự luyện tập tâm thức
theo thứ tự sau đây :
- Shîla : dùng để tự che
chở cho mình, giống như một bộ áo giáp.
- Prajnâ : là khí giới
để đẩy lui kẻ thù.
- Samâdhi : là sức mạnh
cần thiết để có thể nắm vững khí giới.
Kẻ thù nói đến ở đây
chính là những quan điểm sai lầm, những ảo giác đã ảnh hưởng trong ta từ những
thời gian vô tận cho đến nay. Không phải chỉ nghỉ đến ngày hôm nay, mà phải dự
trù một trận chiến kéo dài ; cả ngày mai, suốt cả một cuộc đời, và luôn cả
những kiếp sau nữa. Giới (shîla) là bức rào cản che chở, phía sau bức rào ta
phải phát động càng ngày càng mãnh liệt hơn sức mạnh của Prajnâ (Trí tuệ) và
của Samâdhi (Định) ; sau khi đã được chuẩn bị như thế ta sẽ sẵn sàng lăn vào
cuộc chiến.
Từ lúc này, để gia tăng
những phẩm tính đạo đức, để khai triển sức cố gắng, ta cần có một người canh
chừng ta, hướng dẫn ta trên đường đi, ta phải xem người bạn tinh thần này quý
hơn cả chính sự sống của ta.
Trong một trường học
thông thường, ta đòi hỏi người thầy giáo phải có một vài phẩm tính nào đó ;
chẳng hạn như sức hiểu biết về những những điều giảng dạy, tánh tình tốt, cách
cư xử có thể đem ra làm gương mẫu. Vậy ta còn phải đòi hỏi biết bao nhiêu lần
nhiều hơn nữa đối với đức tính của một người đứng ra giảng dạy những phương
cách đưa ta đến sự an vui trường cửu.
Theo Kinh « Sûtra
Alankâra » (1) của Maitreya (Đức Di lặc), một vị Đạo sư phải có bốn phẩm tính
chính : « Phải có kỷ luật, hiền hòa, bình thản, đạt được tối đa những đức tính
tốt thông thường, không bao giờ nản chí ; sự giảng huấn phải phong phú, đủ khả
năng trình bày sự thực trong sáng là Shûnyata (Tánh không) và các phương pháp
chỉ dẫn giúp đạt được Tánh không ; ngôn từ phải luôn luôn đúng đắn ; phải
luôn
1- Đại thừa Kinh Trang
nghiêm Luận (?).
luôn tỏ ra nhân hậu, và
không bao giờ mất kiên nhẫn ». Phải tìm ra người thầy có những đặc tính như thế
để theo họ, và đồng thời chính ta cũng phải có những đặc tính của một người đồ
đệ, các đặc tính này gồm có chín điểm : phải có thái độ của một đứa trẻ ngoan
ngoãn, cách cư xử không ích kỷ, tuân theo những lời chỉ dạy của vị Đạo sư,
chuẩn nhận những nguyên vọng của vị này, cảm thấy gần gũi và yêu quý vị này.
Hãy giữ lấy tinh thần
như thế, và nếu như người Đạo sư có phẩm tính đúng thật thì chắc chắn người đồ
đệ sẽ thăng tiến. Người đồ đệ càng cảm thấy gần với vị Thầy, vị Thầy càng tin
cậy nơi họ, sự tương liên ấy càng đem đến nhiều kết quả hơn. Ta phải đủ sức
nhìn thấy Phật xuyên qua con người của vị Thầy, để kính trọng và phục vụ như
đối với Phật. Trước khi có thể chấp nhận như thế, vị Đạo sư phải đánh giá người
đồ đệ. Đặc biệt đối với thừa Tan-tra, Đạo sư và đồ đệ phải hoàn toàn hiểu rõ
những phẩm tính của nhau. Không phải chỉ có cái tên Lạt-ma hay Tul-ku là có thể
tạo ra một vị Đạo sư tốt, phải có những đức tính tôi đã kể trên đây, nếu không
tìm thấy những đức tính ấy, thì vị Đạo sư có mang danh hiệu gì đi nữa, ta cũng
phải xa lánh hắn, không do dự gì cả. Nếu ta không tìm thấy những đặc tính ấy
nơi con người của Gyalwa Rimpoché (Đạt-Lai Lạt-Ma), ta cũng bỏ. Chúng ta không
nên kính trọng vị Thầy chỉ vì cấp bậc và cương vị của họ, ta hoàn toàn tự do
chọn lựa ; Đạo Pháp đòi hỏi phải có sự tự do đó. Bất kể vị Thầy là ai, và dù
cho ta thuộc vào Truyền thống nào, ta phải giữ tâm thức cởi mở và tự do, bản
thể của tâm thức là như thế ; nếu ta ép buộc nó, nó sẽ bướng bỉnh và phản ứng
bằng cách nổi loạn ; tâm thức chỉ có thể được khắc phục trong sự tự do mà thôi.
Tất cả những gì ta làm,
đều cần phải suy nghĩ chín chắn. Dấn thân một cách hời hợt trong việc tu tập
Đạo Pháp sẽ đưa tới chỗ chán nản, rồi ta chỉ trích nó, và tốt hơn nên chỉ trích
khi ta chưa hiểu nó là gì. Vậy hãy hoàn toàn tự do chọn lựa vị Đạo sư Vajradhâra
với sự thận trọng tối đa, và khi đã chọn được rồi, thì phải tuân theo mọi thứ
và không được ích kỷ ; phải tuân theo những lời giáo huấn và nhường cho họ
quyết định. Phải thật hết sức cẩn thận, đừng để liên lụy với bất cứ ai qua sự
hồ hởi ban đầu. Ta không thể bắn một mũi tên trong bóng tối. Không thể noi theo
Phật-Đạo-Pháp một cách mù quáng ; từng điểm trong giáo lý cũng như trong phương
pháp đều có một căn bản chính xác và hữu lý. Ngay trong thời đại suy đồi này,
Phật-Đạo-Pháp vẫn rạng rỡ và hoàn hảo, không lu mờ một chút nào. Hoàn tất là
mục đích, Đạo sư là gương mẫu, hạnh kiểm của người Đạo sư là động cơ khích lệ
giúp ta thực hiện một cuộc sống đạo đức hơn, đem đến một cuộc sống phong phú,
một sự nẩy nở vẹn toàn của con người. Vì thế ta phải chọn thật kỹ lưỡng vị Thầy
của ta, họ sẽ là « cội rễ » của con đường Đạo Pháp, và khi nào ta tìm thấy được
vị Thầy như thế, ta sẽ theo vị Thầy đó với một lòng tin tưởng vĩnh viễn.
Cách tu tập thứ bẩy
Những vị Trời trong cõi
thế gian này làm thế nào có đủ khả năng để giải thoát cho ta, khi mà chính họ
còn bị cột chặt trong tù ngục của Luân hồi. Tốt hơn là hãy nương tựa nơi những
gì mà ta có thể tin tưởng được. Hãy Quy y nơi Ba Vật Báu đó là cách tu tập của
những người Bồ-tát.
Trước khi ta đặt niềm
tin vào ai, ta phải biết chắc chắn người này có xứng đáng hay không, có nghĩa
là họ có đủ sức giúp ta hay chăng, và chỉ khi nào ta được bảo đảm chắc chắn như
thế, ta mới nương tựa nơi họ.
Vậy ai là « đối tượng »
của sự Quy y không đem đến thất vọng ? Ba Vật Báu : Phật, Đạo Pháp, Tăng Đoàn
(Sangha) là những nơi Nương tựa Hoàn hảo, và quy y nơi Ba Vật Báu ấy chính là
cách tu tập của những người Bồ-tát.
Quy y là một hành động
quan trọng, vì nó giúp phân biệt rõ rệt ai là người Phật giáo, ai là người
không Phật giáo. Người nào chấp nhận Ba Vật Báu là nơi nương tựa tối thượng, và
tuân theo sự giáo huấn từ nơi Ba Vật Báu ấy mới đúng là một người Phật giáo.
Người nào chưa cảm nhận
được sự liên hệ sâu xa ấy, dù cho họ hiểu biết Kinh sách một cách rốt ráo đi
nữa, và cách tu tập của họ có vẽ vững chắc đi nữa, họ vẫn không phải là một đồ
đệ của Đạo Pháp và không phải là một người Phật giáo.
Sự kiện Quy y cho thấy
sự khác biệt giữa một người Phật giáo và không Phật giáo, và điểm then chốt này
cũng giúp phân biệt giữa một môn đệ và một người không phải là môn đệ của Phật.
Quy y cũng có nhiều cấp bậc tùy theo khả năng lĩnh hội của từng ngườì, ai chấp
nhận từ trong thâm tâm Ba Vật Báu như đối tượng tối hậu của sự Nương tựa, sẽ
tìm được giải pháp đúng thực.
Sau đây là cách giải thích
cho biết Ba Vật Báu là gì : Chữ « Phật » (tiếng Tây Tạng là Sanghié) thực ra
chữ này có nghĩa là triển khai toàn vẹn, Người Thức tỉnh, không vướng mắc một
sai lầm nào, không tì vết ; chữ tì vết bao gồm chung những ảo giác và những
điều không hoàn hảo bên trong của con người, và của cả thế giới bên ngoài. Lầm
lỗi bên trong và những khiếm khuyết bên ngoài, như tôi đã giải thích trong ngày
hôm qua, là những gì xuất phát từ nghiệp, và nghiệp lại xuất phát từ một tâm
thức chưa được khắc phục, còn bị khống chế bởi ảo giác.
Vậy ảo giác là gì ? Đó
là đặc tính của xúc cảm nơi tâm thức, làm hoang mang, hủy hoại sự an bình và
hạnh phúc của tâm thức. Tiếng Tây Tạng « nyong mong » thay cho chữ klesha (đam
mê) có nghĩa là giao động tâm thần, đó là một khái niệm, một tư duy, hay là một
cách thức suy nghĩ mà sự khơi động của nó làm đảo lộn tâm thần. Dạng thể đó
khống trị tâm thức, biến tâm thức thành bất trị, vô kỷ luật, gây ra những
hành vi tạo nghiệp.
Tạo tác nghiệp lệ thuộc
vào sự kiểm soát hay không kiểm soát được tâm thức, khi nào ảo giác còn hiện
diện và chi phối tâm thức, kiểm soát tâm thức sẽ không thể thực hiện được, ảo
giác sẽ tuôn ra từ nguyên nhân Vô minh. Tất cả những khiếm khuyết bên trong và
bên ngoài đều phát xuất từ quá trình đó : một tâm thức bất trị là hậu quả của
ảo giác, và ảo giác là hậu quả của Vô minh, Vô minh là tin một cách sai lầm vào
một cái-ta-hiện-hữu độc lập.
Khi một cá nhân hoàn
toàn khắc phục được tâm thức, tất cả những khiếm khuyết bên trong cũng như bên
ngoài và những hậu quả của nó cũng sẽ bị loại bỏ. Trong trường hợp một vị Phật,
những sai lầm căn bản, chẳng hạn như sự thèm khát, ghét bỏ và những hậu quả
sinh ra từ những thứ đó, tự động được nhổ bỏ tận rễ ; vị Bồ-tát phải trút bỏ «
jnânavarana » tức những chướng ngại cản trở sự hiểu biết toàn vẹn về thực chất
của sự hiện hữu. Ngay cả các vị Bồ-tát nổi danh, vẫn còn vướng một tấm màn mỏng
nào đó phân cách họ với sự hiểu biết toàn năng. Khi sự hiểu biết hoàn hảo đã
đạt được, tâm thức hoàn toàn giải thoát sẽ mở rộng, và rạng rỡ. Giác ngộ toàn
vẹn sẽ chận đứng quá trình Vô minh không cho tái lập trở lại, và một người nào
đó khi đã đạt đến thể dạng tối thượng như vừa kể, với tất cả những tiềm năng
hiểu biết được phát huy một cách vẹn toàn, sẽ là một vị Phật. Thể dạng đó là
Phật tính, một thể dạng không xảy ra một cách vô tình, mà đòi hỏi một sự cố
gắng tự nguyện của tâm thức. Nó không phải vô cớ, nó cũng không phải là một sự
hiện hữu thường trực và tự tại. Đạo Pháp dạy rằng con người không bao giờ đứng
yên trong một dạng thể bất động.
Tất cả các vị Phật,
chẳng hạn như Shâkyamuni (Thích-Ca Mâu-ni) đã từng « giác ngộ » tại nơi đây (là
Chính giác Sơn), trước khi giác ngộ, các vị ấy cũng giống như chúng ta hôm nay,
cũng mang một tâm linh như chúng ta hiện có. Nhưng từ từ, họ thăng tiến trên Con
đường, lột bỏ dần dần những khiếm khuyết, khai triển những phẩm tính đạo hạnh,
từng phẩm tính một, và sau cùng họ đã trở thành những vị Phật. Loại bỏ những
lỗi lầm và gặt hái những phẩm hạnh phần lớn chỉ có thể hoàn tất bởi tâm thức,
vì tâm thức có vô số những khả năng khác thường. Quý vị nhìn tôi và nghe tôi
nói, và đồng thời quý vị cũng nhận biết được nhiều thứ khác, nhiều đối tượng
hiểu biết khác : âm thanh, màu sắc, hình dạng…, xuất phát từ giác quan và chúng
trở thành những hiểu biết tâm thần, ngày nay người ta mô tả những hiểu biết đó
như thuộc vào lãnh vực của bộ óc. Sự hiểu biết tâm thần ấy là sự hiểu biết quan
trọng hơn hết. Mỗi một thứ hiểu biết bằng giác cảm đều giữ một vai trò riêng
biệt của nó, vai trò của thấy, của sờ mó, của nghe…, nhưng sau hết, kết quả từ
những nhận biết đó chiếm chỗ trong tâm thức và từ đấy ý tưởng nổi lên : « Tôi
thấy », « tôi sờ thấy »…v.v. Khái niệm về « cái tôi » và « cái ta », cái yếu tố
nổi bật đó có tính cách tâm thần : nó là phần tri thức đứng ra rút tỉa những kết
luận.
Có nhiều cấp bậc tri
thức khác nhau, từ thật thô thiển đến thật tinh tế. Ngay trong lúc này, tri
thức của ta đang hoạt động trên một bình diện nào đó. Trong tình trạng chiêm
bao, nó lại hoạt động trên một bình diện khác, tinh tế hơn ; nó còn có thể đạt
đến một mức độ khác nữa trong khi bất tỉnh, và còn tiếp tục đạt đến những cấp
bậc cao hơn như thế, và tinh tế hơn như thế trong tình trạng khi xảy ra cái
chết (1). Trường hợp này,
1- Trong tình trạng bình thường khi ta thức,
giác cảm của ta bị ảnh hưởng bởi môi trường chung quanh, tâm thức của ta thường
trực bị chi phối bởi giác cảm, do đó tâm thức trọng tình trạng này rất thô
thiển. Khi ngủ, tâm thức vẫn hoạt động nhưng ít bị chi phối hơn bỏi giác cảm và
môi trường nên trở nên tinh tề hơn. Trong lúc bất tỉnh sự chi phối của giác
cảm từ thân xác trỏ nên rất thấp, nên tâm thức có dạng thể tinh tế hơn
nữa. Lúc chết, tâm thức loại bỏ được hết phần thân xác (tứ đại), hoàn toàn
thoát khỏi sự chi phối của giác cảm nên trở nên thật tinh tế, đỉnh cao nhất của
tâm thức là « ánh sáng trong suốt », tức giai đoạn chuyển tiếp trước khi trở
nên thô thiển hơn khi chuyển qua quá trình của sự tái sinh.
ta lại bước vào một
trạng thái tri thức khác nữa. Vào giây phút tối hậu đó, phần tri thức thô thiển
sẽ biến mất, đồng thời hơi thở, thuộc dạng thể bên ngoài, chấm dứt và hơi thở
chấm dứt có vẻ như báo hiệu đã chết, nhưng trên thực tế, sự sống vẫn tiếp tục
với phần tri thức tinh tế nhất. Bản thể đích thực của tâm thức chính là cái bản
thể tinh tế nhất đó, không vướng mắc bất cứ một ảo giác nào, vì khi đó những ảo
giác trổi dậy và tác động trên bình diện thô thiển của tri thức đều biến mất.
Vì thế, thể dạng tinh tế
nhất của tâm thức ấy thật tinh khiết, không mang một khiếm khuyết nào, điều này
cho thấy các sai lầm đều có tính cách tạm thời. Bản thể tối hậu của tâm thức
không mang một sự ô nhiễm nào cả.
Không có người nào nổi
giận một cách thường trực ; nếu sự ghét bỏ kéo dài, tâm thức của một người nổi
giận sẽ luôn luôn bực bội. Vậy, nếu như một người nào đó dễ phát « điên rồ quá
đáng », nhưng rồi họ cũng lắng xuống và sự ghét bỏ cũng ra đi. Sự nóng giận ấy
cũng có tánh cách tạm thời ; vậy những khuyết điểm này của tâm tức không
có tánh cách tự tại.
Thèm khát, bám níu, ganh
tỵ đều được phân loại thành các « họ » khác nhau. Những ảo giác này phát
khởi cực mãnh liệt, nhưng vẫn có thể bị phá tan và tránh né được. Lấy ví dụ như
trường hợp ghét bỏ : ảo giác bất thân thiện ấy nổi lên trước một vật thể tỏ ra
khó chịu đối với ta, làm ta nảy sinh ra ý muốn gạt bỏ nó đi, hay quay lưng đi
chỗ khác, ngay cả có ý muốn làm hại nó, nhưng thực tế, đấy chỉ là một thể
dạng thô lỗ của tâm thức. Hơn nữa, trước một vật thể dễ chịu, tâm thức tạo ra
một thể dạng dịu dàng, tử tế, lòng thân thiện. Hai thể dạng đó của tâm thức đối
chọi nhau và không thể cùng tồn tại chung với nhau.
Vì thế những phẩm tính
của tâm thức có những bản chất khác nhau, và thường thường đối nghịch hẳn với
nhau. Những thể dạng xấu của tâm thức do vô minh tạo ra, do đó chúng không được
sự hiểu biết vững chắc chấp nhận, cách nhận biết này về sự hiện hữu nội tại chỉ
có thể xảy ra do sự thiếu hiểu biết về bản thể tối hậu của sự thật mà thôi.
Sự hiểu biết cảm nhận
một vật thể hiện hữu một cách riêng rẽ là một sự hiểu biết sai lạc. Thực sự,
chẳng có một thứ gì hiện hữu riêng rẽ như thế cả. Nếu dùng cách phân tích dựa
trên căn bản hiện hữu đó, ta càng phân tích sâu xa các vật thể và các khái
niệm, ta càng thấy những thứ này tan biến đi. Thông thường, khi ta khảo sát cực
kỳ kỹ lưỡng một vật thể, trên nguyên tắc, nó phải trở nên rõ rệt và chính xác
hơn ; nhưng nếu như vật thể không hiện hữu một cách thực sự, thì ý nghĩ của ta
« cho rằng » nó hiện hữu một cách thực sự sẽ không còn đứng vững được nữa. Một
bài diễn thuyết yếu kém về nội dung do một « người thật hùng biện » thuyết
trình sẽ làm choá mắt lúc ban đầu, nhưng khi trầm tĩnh đem ra phân tích, ta có
thể kết luận rằng những điều trái ngược với những gì hắn nói, cũng có thể là
đúng. Đối với sự hiện hữu mà ta gán cho mỗi vật thể cũng thế, khi ta đã khám
phá ra sự thật ấy rồi, vô minh sẽ bắt đầu biến mất và sự bám níu quá độ của ta
vào những nhân dạng và vật thể sẽ mất đi sức mạnh của nó.
Vì tất cả là
nguyên nhân « ảo giác », nên những khiếm khuyết của tâm thức lúc ban đầu có vẽ
như không khuất phục nổi, nhưng vì lệ thuộc trên căn bản « ảo giác » cho nên
chúng chỉ có tánh cách tạm thời. Trái lại những phẩm tính đạo đức và tốt của
tâm thức không dựa vào những khái niệm sai lầm, vì thế ta có hai thể dạng tâm
thức đối chọi lẫn nhau… một thể dạng có nền móng vững chắc như vừa kể, và một
thể dạng hoàn toàn thiếu hẳn cơ sở này.
Vì sự kiện ấy, khi ta cố
gắng phát huy những phẩm tính tích cực của tâm thức trên một cơ sở đúng đắn,
những gì tiêu cực sẽ không thể nào hàm chứa trong đó, chúng phân rã dần dần cho
đến lúc tan biến hết ; khi sức nóng và ánh sáng gia tăng, cảm giác lạnh và bóng
tối sẽ giảm thiểu.
Tuy nhiên, trong những
bước đầu tu tập, các sức mạnh tiêu cực đôi khi có thể thắng thế : với một thái
độ ban đầu thiếu kính cẩn, sự mộ đạo sẽ khó mà phát triển, bằng sự cố
gắng và nồng nhiệt, ta có thể tỏ ra rộng lượng với kẻ khác và quên đi sự ích kỷ
của ta trong chốc lát, rồi ta lại tiếp tục chán ngấy sự cố gắng ấy, để quay lại
với những thói quen ích kỷ lâu đời của ta. Tại sao lại như thế ?... Chỉ vì
chúng ta chưa xây dựng được một công trình nội tâm có nền móng vững chắc, nền
móng đó chính là cách thực hiện được sự quán nhận về đặc tính
phi-hiện-hữu của cái « ta », và chỉ vì các hành vi đạo hạnh của ta còn phát
xuất từ những « quan điểm » dính đầy những ảo giác của thế giới luân hồi. Do đó
chúng ta phải tận dụng đồng lượt vừa « phương cách » lẫn « trí tuệ ». Chỉ như
thế mới có thể giúp những sức mạnh tích cực thăng tiến một cách không sai trái,
hành động được như vậy sẽ góp phần phát triển đến vô cực những thể dạng đạo
hạnh của tâm thức, và đồng thời khuất phục dần dần những sức mạnh tiêu cực.
Xuyên qua quá trình đó, khi những phẩm tính tích cực đã được thực hiện toàn
vẹn, ta sẽ đi đến Giải thoát và đạt được Phật tính.
Một vị « Phật » như thế
có thể gọi như là Đức Phật Thích-ca Mâu-ni ; theo các môn đệ của Thừa Theravâda
(1), trong giai đoạn đầu cuộc đời của Ngài, Ngài chỉ là một vị Bồ-tát, sau đó
Ngài đạt được Giác ngộ dưới gốc cây Bồ-đề để trở thành Phật, nhưng vẫn tiếp tục
sinh sống bình thường trong thân xác trần tục này cho đến lúc nhập Niết bàn,
đưa Ngài vào cảnh giới Dharmadhâtu (2), cảnh giới tượng trưng cho sự tắt nghỉ
hoàn toàn của giòng tri thức.
Theo Đại thừa, không
đúng hẳn như thế : Phật không cần đến dạng thể vật chất bên ngoài, Phật hiện
hữu chính yếu trong Pháp thân (Dharmakâya), từ Pháp thân ấy Ngài hiển hiện dưới
nhiều hình tướng khác nhau để thường xuyên giúp đỡ tất cả mọi chúng sinh, không
những chúng sinh thuộc vào thế giới này, mà cả những thế giới mà chúng ta không
hề biết. Ngài
1- Theravâda : Thượng tọa bộ, hay Phật giáo
nguyên thủy.
2- Dharmadhâtu :
dịch âm là Đạt-ma-đà-đô, dịch nghĩa là Pháp giới, cũng được gọi là Pháp tính
hay Thực tướng.
« vẫn sống » và sự
sống đó là một biểu hiện của Phật Thích-ca Mâu-ni bằng Pháp thân.
Vậy, theo Đại thừa, mặc
dù Phật Cồ-đàm sinh ra là một hoàng tử và đã trải qua nhiều biến cố, sự sống «
biểu hiện » đó của Ngài cũng gần tương tợ như một « vai trò » Ngài đã diễn
xuất, chứng minh cho chúng ta thấy một tấm gương trong mục đích giúp đỡ
chúng ta, nhưng thực ra Ngài đã Giác ngộ từ trước rồi.
Tâm thức của một vị Phật
như thế được gọi là Jnânadharmakayâ (1), dạng thể tinh tế nhất của tâm thức,
một dạng thể đã hoàn toàn loại trừ được tất cả mọi chướng ngại cản trở một cái
nhìn đúng đắn về bản thể của tất cả mọi hiện tượng (Shûnyatâ = Tánh không),
Phật lắng chìm trong Tánh không và quán nhận đồng lúc nơi mỗi biện tượng bản
chất tối hậu của nó và những biểu hiện bên ngoài của nó. Dạng thể đó của Tâm
thức Phật, Jnânadharmakayâ, được « bao bọc » bởi một xác thân tinh tế (mà khả
năng tri thức hiện tại của ta chưa đủ sức để
tưởng tượng), xác thân tinh tế đó gọi là Sambhogakayâ (Thân xác Hoan hỷ) (2) và
nó hiện hữu cho đến khi nào chấm dứt Luân hồi. Từ nơi Sambhogakâya sẽ hiển hiện
ra Nirmânakâya (Thân xác biểu lộ), Nirmânakâya biểu lộ dưới nhiều dạng
thể sinh linh khác nhau và trong nhiều thế giới khác nhau.
Quy y nơi Phật tức là
quy nơi Tam thân của Phật. (Đến đây, quý vị đã hiểu rõ quy y Phật là thế nào
chưa ?).
Bây giờ chúng ta hãy nói
đến Đạo Pháp. Đạo Pháp tối hậu là chấm dứt mọi lỗi lầm, loại bỏ tất cả mọi ảo
giác bằng cách thực hiện Tánh không. Đạo Pháp tối hậu là Con đường Đích thực,
khi bước vào con đường này tất cả các vị Phật, các vị Bồ-tát lỗi lạc, các vị
Thánh nhân Bồ-tát (Aryabodhisattva) sẽ bước đến thật gần với Phật tính. (Người
ta gọi là Con đường vì
1- Jnânadharmakayâ : tiếng ghép từ hai chữ
Jnâna : Trí tuệ và Dharmakayâ : Pháp thân.
2- Sambhogakayâ
: Báo thân hay Thụ dụng thân.
sự thực hiện có nhiều
giai đoạn thăng tiến tiếp nối nhau, phẩm tính hoàn hảo đạt được từ những kinh
nghiệm thực hiện này chính là bản thể của Phật). Các vị Aryashrâvaka (1) và các
vị Aryapratyekabudda (2) cũng đều đạt đến sự Chấm dứt Đích thực và thực hiện
được sự Chấm dứt ấy chính là Đạo Pháp Tối hậu.
Loại bỏ được mọi sai lầm
và mọi u tối (những điều này chỉ có thể làm được bằng cách thực hiện Tánh
không) chính là đối tượng của « Quy y nơi Đạo Pháp ». Vì thế Đạo Pháp là nơi
Nương tựa Đích thực, và khi nào thực hiện được sự Nương tựa đó một cách toàn
vẹn, nó có thể giải thoát ta thoát khỏi tất cả mọi khổ đau và tất cả mọi giới
hạn. Quy y Đạo Pháp là chính yếu hơn hết.
Trong nhãn quan này «
Sangha » (Tăng đoàn) có thể gọi là những người đang thực nghiệm trên đường thực
hiện sự Chấm dứt Đích thực và Con đường Đích thực sẽ là : Arya-Shanga (Tăng
đoàn Thánh thiện) hay Tăng đoàn tối thượng : ấy là những người đã thực hiện
được Tánh không.
Trên đây là Ba Đối tượng
Quy y của những đệ tử của Phật-Đạo-Pháp.
Nếu xem Ba Đối tượng ấy
là những gì thuộc bên ngoài, có thể nói trong trường hợp đó ta chỉ biết Quy y
nơi Nguyên-nhân-Quy-y (giống như một kẻ rụt rè hoặc khiếp sợ tìm cách nương tựa
vào một người mạnh mẽ hơn), trong khi ấy mục đích tối hậu là chính ta phải đạt
được những đối tượng ấy, vì đó là khát vọng ban đầu của ta : « Giải thoát khỏi
khổ đau, đạt được hạnh phúc ». Hành vi ấy là một hành vi bên trong vì tất cả
mọi
1- Các vị Thánh Thanh văn (Arya=Thánh,
shrâvaka= Thanh văn, hay Thính giả). Thanh văn là những đệ tử của Phật, còn có
nghĩ là những người nghe giảng mà đắc đạo.
2-
Aryapratyekabudda : Các vị Thánh Bích-chi-phật, còn gọi là Duyên giác phật, hay
Độc giác phật, là các vị đạt đến giác ngộ bằng tri kiến. Đây là những vị
Thánh có quả vị giữa A-la-hán và Phật.
khổ đau đều xuất phát từ
nghiệp, từ những ảo giác, từ Vô minh. Vô minh, ảo giác và nghiệp, ba thứ
này do nơi nguyên nhân (vô minh) của chúng nên từ cái này (nghiệp) chúng sinh
ra cái khác (ảo giác), chấm dứt dần dần những thứ ấy là cách duy nhất giúp ta
tự giải thoát khỏi mọi khổ đau.
Nếu chỉ có một ý niệm về
sự « hiện diện bên ngoài » của Phật, của Đạo Pháp và của Tăng Đoàn, sẽ không
đủ. Phải nhìn thấy trong Tam Bảo cả một « chương trình » chỉ dẫn các phương
tiện đưa đến mục đích theo đuổi.
Phải nhìn thấy Phật như
một vị thầy một vị bác sĩ và phải biết tuân theo những lời giáo huấn của Ngài
hay là những toa thuốc trị liệu của Ngài, giáo huấn ấy và những toa thuốc ấy là
Đạo Pháp, và sự tu tập của ta cũng phải thích nghi với những thứ ấy.
Dù ngay từ lúc đầu ta
chưa có thể đạt được Đạo Pháp tối thượng, nhưng khi khởi sự bước vào Con đường,
ta đã bắt đầu khai triển những phẩm tính có thể hướng dẫn ta, và sau cùng từng
bước và từng bước, ta sẽ đạt được Đạo Pháp tối thượng không sai lầm. Nhưng muốn
được như thế, ta phải khởi sự ngay từ những bước đầu, có nghĩa là phải loại bỏ
những hành vi độc hại của thân xác, của ngôn từ và tâm thức.
Những hành vi độc hại
của thân xác là : sát sinh, giết người hay giết bất cứ một côn trùng nhỏ bé nào
(và kể cả trứng của một con rận !), nhưng đối với những sinh vật vừa nói, chỉ
thật sự phạm tội khi ta cố tình giết hại.
Sát sinh là hành vi đem
đến nhiều hậu quả nhất, vì nó gây ra khổ đau ngay trước mắt. Không thể đỗ lỗi
cho bất cứ một lý do nào, chẳng hạn như đỗ lỗi cho sự tức giận hay ghét bỏ. Đối
với hàng thú vật, Đạo Pháp có dự trù một vài điều khoản : dù sao không thể chấp
nhận được nếu sự kiện ham muốn ăn thịt là lý do khẩn thiết bắt buộc phải giết
một sinh vật, mua một ít thịt của một con vật đã bị giết không phải là một
trọng tội. Một số Kinh sách có đề cập vấn đề ăn thịt với ít nhiều khác biệt ;
sự khác biệt đề cập trong Kinh sách liên hệ đến các người tu hành khi gặp phải
những hoàn cảnh và những điều kiện sinh sống cá biệt.
Vậy ta không được chủ
tâm giết hại một con vật để ăn thịt nó, nhưng nếu tình trạng sức khoẻ của ta
bắt buộc, ta có thể ăn thịt một con vật đã bị giết và đồng thời nghĩ rằng cần
phải có một thân xác khoẻ mạnh và rắn rỏi để tu tập Đạo Pháp trong mục đích
giúp đỡ mọi chúng sinh. Dù sao, không bao giờ được phép xem đấy như một hành
động giúp thỏa mãn khẩu vị của ta hay làm thỏa thích sự ham ăn của ta, và nhất
định ăn chay bao giờ cũng tốt hơn.
Ăn cắp là một hành vi
kém đạo hạnh, tạo ra đau khổ cho kẻ khác vì họ bị tước đoạt gia sản.
Hành vi thiếu hạnh kiểm
về tình dục là những lỗi lầm quan trọng do thân xác gây ra. Thông thường những
hành vi này là sự gian dâm, đấy là những liên hệ thân xác với một kẻ khác hơn
là người vợ của mình. Một phần lớn những phiền toái của cuộc sống thường nhật
là do sự kiện ấy sinh ra, từ giới đại thượng lưu của những xã hội siêu phát
triển cho đến những người sinh sống trong rừng rú, nguồn gốc bất hòa với nhau
chính là những xáo trộn sinh ra từ những loại giao du như thế.
Nói dối là một thói quen
dùng để đánh lừa hay dối gạt kẻ khác. Tuy nhiên, dù phải trả cái giá của sự nói
dối nhưng để cứu mạng sống của một chúng sinh, hay bảo vệ được Đạo Pháp, thì
cũng có thể tìm thấy một chút tha thứ nào đó cho sự thiếu ngay thẳng này.
Gièm pha và vu khống tạo
ra sự hiềm khích giữa cá nhân hay là giữa những tập thể với nhau, và từ đó có
thể gây ra thiệt hại nặng nề. Các vị thầy thường nói rằng khi đã là bạn đồng
hành với nhau ta cần phải thận trọng trong ngôn từ, khi đơn độc một mình ta
phải phải thận trọng với chính tâm thức ta.
Ngôn từ phù phiếm, huyên
thiên, « tầm phào » thật là vô ích. Thông thường đấy là những ngôn từ nhắm vào
những ham muốn, sự bám níu hay bất thân thiện, và chúng chỉ làm gia tăng thêm
những ảo giác của ta mà thôi.
Tham lam, ý đồ bất chính
và những cái nhìn lệch lạc là những gì xuất phát từ tâm thức. Thái độ của tâm
thức luôn luôn phát sinh từ hành vi thèm muốn những thứ gì mà kẻ khác có, và
thông thường không phải chỉ nhắm vào những thứ nhỏ mọn. Những ý đồ bất chính
phát sinh từ thái độ tâm thần hung hãn đối với kẻ khác ; những cái nhìn lệch
lạc là cung cách không chịu thừa nhận quy luật của nghiệp, của sự tái sinh và
sự đích thực của Tam Bảo.
Loại bỏ được nhóm mười
hành vi nguy hại ấy có giá trị tương đương như đạt được mười điều đạo hạnh đối
nghịch với chúng, và đấy cũng là bước đầu tiên trên đường Đạo Pháp. Chỉ
có thể phát triển những hành vi đúng đắn của thân xác, của ngôn từ và tâm thức
trên cơ sở ấy mà thôi. Ta có thể góp thêm vào những hành vi đó ước vọng
mãnh liệt đạt được Bồ-đề tâm và những phương cách tu tập khác nữa trong mục
đích triển khai Bồ-đề tâm. Sau khi thức tỉnh nhờ hiểu biết về vô thường, ta
phát huy sự chú tâm vào nó, và khi đã nhận thức được bản chất của khổ đau, ta
sẽ tìm hiểu Shûnyatâ, đấy là sự thực tối hậu, là Tánh không ; và như thế dần
dần Đạo Pháp Tối thượng sẽ sinh khởi trong ta. Quy y Đích thực, tức là Quy y
Pháp, sẽ giải thoát cho ta bằng phương cách như thế.
Đạo Pháp còn có nghĩa là
tu tập về bất cứ gì có thể giúp ta đạt đến đích.
Tăng đoàn phải là một
tấm gương, một khuôn mẫu. Nhiều câu chuyện xưa kể lại các vị Đạo sư phát
huy Bồ-đề tâm và quán triệt được Tánh không, những câu chuyện như thế khích lệ
chúng ta thật mãnh liệt. Người xưa thực hiện được những việc ấy, tại sao chúng
ta không thể làm được ? Biết suy nghĩ như thế là phương cách gợi lên cảm hứng
cho ta. Vì vậy tăng đoàn là gương mẫu hướng dẫn ta trong suốt quá trình tu tập
Đạo Pháp.
Ta được biết, qua nhiều
câu chuyện xưa, những gương dũng cảm của các vị Thánh Bồ-tát xả thân giúp đỡ
chúng sinh. Đó là niềm khích lệ chúng ta nên bước theo đúng những vết chân của
họ. Trên đây là những gì tóm tắt về thái độ của ta đối với Tăng đoàn.
Phật là người thầy dẫn
dắt, Đạo Pháp là nơi nương tựa Đích thực, Tăng đoàn là người bạn mà ta có thể
đặt lòng tin khi cần đến. Quy y nơi họ là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ tám
Phật bảo rằng khổ đau
không chịu đựng nổi của những kẻ mang phần số khốn khổ là kết quả của nghiệp,
vì thế không bao giờ phạm vào những hành vi xấu là cách tu tập của những người
Bồ-tát.
Nghiệp tốt là nguyên
nhân đưa đến những hành vị tuyệt vời của các vị Phật và của các vị
Bồ-tát, nhưng nghiệp tiêu cực sẽ kéo theo vô số những khổ đau đủ mọi loại
và tiếp nối đến vô tận ; chúng thuộc vào ba « cảnh giới thấp ». Tất cả những
khổ đau này xuất phát từ một tâm thức bị đánh lừa. Vô số sinh linh mà ta biết
được, và cả những sinh linh mà ta không biết hết, đều là hậu quả của nghiệp (kể
cả những sinh linh nơi ngục giới, đã được mô tả hay chưa hề được nói đến trong
các Kinh Abhidharma (1), đều là những tác tạo của nghiệp). Ngay trong số những
sinh linh mà ta biết đã mang vô số những thể dạng rất khác biệt nhau, từ hình
tướng cho đến cách thức sinh sống, vì vậy ta cũng có thể suy đoán có vô số những
dạng thể sinh linh
1- Abhidharma : Luận Tạng, là tên của Tạng thứ
ba trong Tam tạng kinh, ghi chép những lời giảng huấn của Phật và các đệ tử của
Ngài.
khác hơn, tràn đầy trong
thật nhiều thế giới khác nữa.
Xúc vật biết khổ đau là
chuyện hiển nhiên, chẳng hạn như dê trừu bị người đồ tể giết thịt nhưng chúng
không có phương tiện gì để bảo vệ lấy sinh mạng của chúng. Xúc vật vô hại,
chúng hoàn toàn thiếu thốn, chỉ được một ít nước hay một ít thức ăn người ta
cung cấp. Chúng rất đơn sơ, ngốc nghếch và u mê, không có phương tiện gì để tự
vệ, vì thế con người đừng nên lợi dụng sự đơn sơ và ngốc nghếch ấy để tự ban
cho mình cái quyền săn bắt chúng, giết hại chúng để ăn. Bò, ngựa, la và những
xúc vật khác đều có một đời sống buồn tẻ và một phần số tối tăm. Chúng chẳng
được hưởng bất cứ một tiện nghi nào của ta ban cho chúng : ngay cả những chữa
trị thú y cũng nhắm vào lợi lộc về phần ta hơn là sự an vui cho chúng. Trong
trường hợp tai nạn xe cộ, cá nhân con người có thể đòi hỏi luật pháp phải bảo
vệ nếu không phải là lỗi do họ gây ra. Trong một tại nạn như vậy, nếu nạn nhân
là một con vật bị gẩy hai chân, nó chỉ có quyền được giết bỏ. Chẳng có một công
lý nào cho chúng. Sư sống của xúc sinh chỉ là khổ đau mà thôi.
Ta đặt sang một bên,
không nói đến những khổ đau trong những cảnh gìới địa ngục và những cảnh giới
prêta (1), mặc dù chúng ta đây vẫn chưa hoàn toàn chắc chắn là sẽ không tái
sinh trong những cảnh giới ấy ; chỉ có một cuộc sống đạo hạnh mới bảo đảm phần
nào sự tái sinh làm người. Đức Phật là người chỉ biết giảng dạy Sự Thật mà
thôi, và chính Ngài đã giảng rằng khổ đau là quả của những hành vi xấu.
Khi nghĩ đến điều này và
khi đã tin tưởng vào những lời giảng dạy của Phật, ta phải từ bỏ mọi hành vi
xấu, ngay cả trong trường hợp phương hại đến mạng sống của ta.
Phần trên đây chúng ta
chỉ mới đề cập đến đoạn đường dành cho những người có sức Quán thấy Hạn hẹp,
phần tiếp theo sẽ nói đến những người có sức Quán thấy Trung Bình.
1- Prêta : ngạ quỷ, quỷ đói.
Cách tu tập thứ chín
Hạnh phúc trong ba cảnh
giới giống như một hạt sương mai trên đầu ngọn cỏ, có thể tan đi trong chốc
lát. Ước vọng đạt được sự Giải thoát tối thượng không có gì làm lay chuyển
được, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Đôi khi ta tưởng rằng có
thể tìm thấy sự hoàn hảo trong thế giới Luân hồi, nhưng sự hoàn hảo đó rất phù
du như một giọt sương trên lá, đang long lanh trong giây phút này, nhưng sẽ
biến mất một lúc sau, chỉ có Giải thoát mới là dạng thể hạnh phúc bền vững và
thường trực. Không nên xem hạnh phúc của cảnh giới luân hồi là thật, vì hạnh
phúc ấy vô thực thể và phù du, chính là cách tu tập của những người Bồ-tát.
So với những dạng thể
khác của sự sống thì đời sống con người nhiều hạnh phúc hơn cả, mặc dù thế ta
vẫn chưa có thể hoàn toàn vững tâm trong thể dạng con người, vì ngoại trừ
trường hợp đã thoát ra khỏi cảnh giới luân hồi và được tự do thì thôi, nếu
không ta vẫn luôn luôn nằm trong tình trạng vướng mắc có thể rơi xuống một cảnh
giới thấp hơn. Nếu trong những tuần lễ đầu hiện hữu trong tử cung, bào thai chưa
có phần tri thức để ý thức được dạng thể bất an, nhưng khi thai nhi đã bắt đầu
hình thành, sự bất tiện nghi của môi trường liền bắt đầu tác động với nó. Thực
sự, ngay khi bắt đầu thụ thai hài nhi đã khổ đau rồi, nhưng không có cách gì để
loại trừ. Hài nhi đau đớn khi chui ra khỏi bụng mẹ, và từ đó cho đến lúc chập
chửng những bước đầu tiên, đứa bé yếu đuối như một con sâu con và phải chịu khổ
đau vì lệ thuộc. Như thế đó, sự sống bắt đầu bằng khổ đau, và tiếp tục cho đến
lúc già nua và cái chết, mặc dù chẳng có ai mong muốn cái chết. Và dù cho giây
phút cuối cùng sẽ xảy ra như thế nào đi nữa, thì giây phút ấy vẫn là đau khổ.
Dù thân xác có khoẻ mạnh và dẻo dai như thế nào, nhưng một ngày nào đó cái thân
xác ấy cũng ngã xuống, như một thân cây cằn cỗi. Trong giây phút cuối cùng này,
ta sẽ mất hết khả năng chủ động để tự kiểm soát lấy ta và thông thường ta chỉ
còn biết phó mặc cho nhân viên bịnh viện. Nếu phải giải phẩu, thân xác phải bị
cắt và trở thành tật nguyền, người ta đã thử giải phẩu phổi, kể cả việc thay
tim. Nhưng dù bất cứ thế nào sự sống cũng chấm dứt, giống như một cơn mơ trong
một đêm ngắn ngủi, và ta sẽ xa lìa vĩnh viễn những người thân thuộc và bạn bè.
Đỉnh cao của sự sống con
người là vào khoảng ba mươi tuổi ; đó là lúc con người cường lực nhất và năng
hoạt nhất. Nhưng ngay cả trong giai đoạn ấy, không phải tất cả những thứ gì
cũng trôi chảy không gặp khó khăn ; sau những lo phiền của người sinh viên vì
việc học vấn, sau đó phải chọn lựa và tìm kiếm một « nghề nghiệp », tiếp theo
là những lo âu trong việc lập gia đình. Hai vợ chồng muốn sinh con, nhưng có
thể không sinh đẻ được, hoặc trớ trêu, lại đẻ nhiều quá. Nếu ta mong muốn có
một người vợ đẹp, tính tình tốt và có dáng dấp duyên dáng ta sẽ gặp nhiều khó
khăn hơn để tìm, và rồi ta lại lo sợ sẽ bị mất ! Lương bổng càng nhiều lo âu
càng lắm : nhưng nếu không có việc làm ta lại khổ vì thất nghiệp, có quá nhiều
việc lại làm ta kiệt sức và lại tiếp tục khổ đau. Ta khổ đau vì cô đơn và khi
ta có bạn bè bên cạnh ta lại khổ đau vì sự chung đụng.
Vậy cho nên trong khoảng
thời gian ngắn ngủi này của kiếp sống, ta có rất ít dịp may dành cho hạnh phúc.
Sinh ra làm người tự nó cũng không mang một ý nghĩa nào. Chúng ta nô lệ cho
những gì chúng ta nghĩ rằng chúng ta đang có, và tâm thức ta đối với thân xác,
cũng giống như một tên gác cửa canh chừng căn nhà của ta mà thôi. Sự sống đầy
lo âu và liên tục đổi thay đem đến cho ta biết bao nhiêu điều bất toại nguyện,
ý thức được những đổi thay nghịch ý này có thể làm cho ta tự tử, nhưng tự tử
cũng chỉ đưa đến một kiếp sống khác mà ta không có quyền chọn lựa. Vậy phải
vĩnh viễn ra thoát vòng lẫn quẫn của tử sinh.
Bắt buộc phải tái sinh
là tình trạng do nghiệp tạo ra, và chấm dứt tái sinh chỉ có thể thực hiện được
khi nào đã loại bỏ nghiệp, và chỉ có thể loại bỏ hết nghiệp bằng sự giác ngộ,
không còn vướng mắc vào một ảo giác nào nữa. Vậy thể dạng hạnh phúc trường cữu
chỉ có thể đạt được bằng cách loại bỏ hoàn toàn Vô minh.
Chấm dứt Vô minh là Giải
thoát. Đừng lầm lộn giữa Niết bàn (Nirvâna) và thể dạng chấm dứt tầt cả mọi
hiện hữu (giống như nhiều sách tây phương vẫn lầm lẫn).
Chúng ta vẫn tiếp tục
hiện hữu, nhưng tất cả mọi ảo giác của thế giới luân hồi đều tan biến, sự hiện
hữu đó là một sự độc lập hoàn toàn, là phúc hạnh đích thực.
Cần phải khảo sát thật
tỉ mĩ xem dạng thể đó phải dùng cách nào để đạt được, và những ảo giác nào phải
loại bỏ trước nhất. Ảo giác đầu tiên phải loại bỏ chính là cái « tôi ». Những
trói buộc của tham lam, của ghét bỏ và của bám níu vương lên một cách thật mạnh
mẽ từ nơi cái « tôi ». Đấy là cái ảo-giác-cội-rễ phải đem ra phân tích,
muốn phân tích ta nên xử dụng phương pháp của trường phái (Trung đạo)
Mâdhyamaka (1) giúp ta « nhìn thấy » bản thể thực của sự hiện hữu, nhìn thấy
bản thể thực của hiện hữu tức là xoá bỏ vô minh.
Trên đây là cách tu tập
của người Bồ-tát gọi là « Cái nhìn Trung dung » được mô tả trong Lam-rim (2).
Cách tu tập thứ mười
1- Mâdhyamaka : trường phái, hay học phái
Trung đạo, còn gọi là Trung Luận tông, hay Trung Quán tông.
2- Lam-rim :
dịch là Bồ-đề Đạo thứ đệ luận, gồm chung những bộ luận do rất nhiều vị Đại sư
lừng danh Tây tạng sáng tác, đề cập đến tất cả các khía cạnh khác nhau
của Phật pháp, và từ đó đưa ra những phương thức tu tập thích nghi.
Từ những thời gian không
khởi thủy mẹ ta đã chăm sóc ta với tất cả sự dịu dàng. Trong khi mẹ ta đau khổ,
thì có nghĩa gì cái hạnh phúc này đây đối với ta ? Cũng thế, phát huy Bồ-đề tâm
để giải thoát vô tận chúng sinh là cách tu tập của những người Bồ-tát (1).
Từ những thời gian vô
tận, phần lớn những sinh linh, nếu không muốn nói là tất cả, đã từng là cha mẹ
của ta và đã từng chăm sóc cho ta với sự triều mến.
Hãy tưởng tượng ra rằng
những « người mẹ » ấy đang khổ đau trong luân hồi và ta thì vô tình, thái độ ấy
quả thật là đốn mạt. Tự giải thoát cho ta khỏi khổ đau và đạt được Giác ngộ và
An bình cho riêng ta không phải là một mục đích cao cả lắm ; nếu không muốn nói
là một thứ hạnh phúc mà ta phải phải cảm thấy xấu hổ khi chỉ biết tìm kiếm nó
cho riêng ta. Đừng quên là ta cũng giống y hệt với tất cả các sinh linh khác ;
vì rằng từ những sinh linh mang bản năng đơn sơ nhất cho đến những sinh linh
thông minh nhất, tất cả đều mưu cầu hạnh phúc và lẫn tránh khổ đau, và tất cả
đều có cái quyền ấy, cho nên chúng cũng ngang hàng với ta trong ước vọng tìm
được sự nhẹ nhõm…Tôi đã lập đi lập lại nhiều lần với quý vị về điểm này.
Hy sinh một vật nhỏ bé
để đạt được một thứ gì to lớn hơn là một nguyên tắc luôn luôn có giá trị, vậy
hy sinh hạnh phúc cá nhân (của chính ta) vì hạnh phúc của tất cả chúng sinh là
một nguyên tắc giá trị. Ta nên cảm thấy quyền hạn mà tất cả mọi chúng sinh đòi
hỏi phải được hưởng hạnh phúc là một món nợ mà ta phải trả cho chúng sinh. Thật
ra, ta và chúng sinh đều tùy thuộc lẫn nhau ; ngay trên bình diện hiện tại, nhu
cầu thường nhật của ta đều lệ thuộc vào sự tương quan đó, nhưng ta
1- Đoạn này có nghĩa «
tất cả chúng sinh đều là mẹ ta, khi mẹ ta đang đau khổ làm sao ta có thể thụ
hưởng hạnh phúc của riêng ta, vì thế ta phải phát huy Bồ-đề tâm để giải thoát
mẹ ta, tức cho vô tận chúng sinh ».
không chịu nghĩ đến một
cách sâu xa thế thôi. Cách tu tập Đạo Pháp đại thừa của ta cũng tùy thuộc một
cách chặt chẻ vào mối tương quan giữa các sinh linh với nhau. Nếu như những
sinh linh không có đó, làm thế nào Bồ-đề tâm có thể tìm thấy đối tượng để khơi
động trong ta ?
Từ muôn thuở, sinh linh
giúp ta có quần áo để mặc, nuôi dững ta, giúp ta đạt được lợi nhuận ; trong
cuộc sống luân hồi này, tất cả những điều tốt đẹp phát xuất từ nơi chúng sinh,
trực tiếp hay gián tiếp.
Biết đâu ta cũng có thể
thắc mắc khi nghĩ rằng : hình như đối với ta chỉ có bạn hữu ta, cha mẹ ta chăm
sóc cho ta với tất cả ân cần và chỉ với họ ta mới có bổn phận phải yêu thương
và giúp đỡ. Nhưng khi giết hay hành hạ một con thú ta cũng có thể bất thần cảm
thấy thương con vật, mặc dù ta chưa hề có một liên hệ gì với nó trước đây. Tình
cảm ấy thật tự nhiên. Vậy thì, dù cho ta không hề « biết » hết các sinh linh,
nhưng nếu ta không đủ sức quan tâm hay ta vô tình với những sinh linh ấy
là một hành vi thiếu đúng đắn và không bình thường.
Một thắc mắc khác cũng
có thể được nêu lên : như trên đây ta đã hiểu tại sao bè bạn và những người xa
lạ đều là những đối tượng chung cho lòng từ bi của ta và sự tử tế của ta, nhưng
tại sao với những kẻ làm hại ta, ta cũng vẫn phải có một thái độ từ bi và tử tế
giống như thế ?
Ta phải nghĩ rằng « kẻ
địch đó » cũng có thể, hay chắc chắn, là một người bạn tốt nhất của ta trên một
bình diện đặc biệt nào đó. Sự khiêu khích của họ là một hành vi tử tế đối với
ta, vì nó giúp ta tập phát huy Bồ-đề tâm, Bồ-đề tâm là tinh anh của Đại thừa.
Bồ-đề tâm dựa hoàn toàn trên tình thương và lòng từ bi.
Bực dọc hay ghét bỏ chờ
cơ hội để khích động ta, khi nào hoàn toàn kiểm soát được chúng, ta sẽ đạt được
Bồ-đề tâm.
Tham lam và thù ghét là
những ảo giác « cội rễ » từ đó tuôn ra tất cả những sai lầm khác. Thoạt nhìn,
tham lam có vẽ như nguy hại cho ta, và thù ghét thì nguy hại cho kẻ khác, nhưng
khi suy xét kỹ lưỡng về hai thái độ đó ta sẽ nhận thấy thù ghét tạo ra nhiều
tai hại hệ trọng cả cho ta cũng như cho kẻ khác. Loại xúc cảm đó và nguyên nhân
của nó có thể được khắc phục bằng một thứ thuốc giải độc, thứ thuốc đó chính là
sự nhẫn nhục đối với người đã gây ra cho ta sự thù ghé. Phát huy nhẫn nhục ta
sẽ không cho phép bực dọc có thêm một dịp may nào nữa để phát sinh.
Cách tu tập này là một
trong những cách tu tập quan trọng nhất. Nó khởi sự bằng những chịu đựng thường
nhật phát sinh từ những phiền toái vụn vặt cho đến những khổ đau trường kỳ gây
ra bởi những người mà ta gọi một cách sai lầm là kẻ thù của ta. Ta không thể
gọi họ là kẻ thù, vì những người giúp ta luyện tập nhẫn nhục phải được xem như
những người bạn thân thiết nhất. Kể cả người Đạo sư ban cho ta những lời giảng
huấn, cho đến cha mẹ ta và bạn hữu ta cũng không có ai quý giá bằng những kẻ
làm phật lòng ta. Trên bình diện luật pháp, ta có quyền tranh đấu chống lại
những ai làm hại ta, nhưng trong cách tu tập nhẫn nhục, Bồ-tát hạnh phát khởi
cực mạnh và thật tinh khiết giúp ta nắm vững một trọng trách ngang hàng đối với
tất cả mọi sinh linh. Đôi khi với chính bạn hữu của ta, biết đâu ta cũng có dịp
thực thi nhẫn nhục ; tình thân hữu trong cảnh giới luân hồi không bền vững và
có thể đổi thay, từ bạn hữu trở thành thù nghịch một cách dễ dàng.
Cũng thế, đối với những
ai muốn bước vào con đường Bồ-tát hạnh phải nhớ lại « sự Tập luyện Tâm thức
bằng tám tiết mục » (1), trong ấy có nói rằng : « Khi một kẻ nào đó mà tôi ban
cho tất cả mọi thứ nhưng lại làm hại tôi, tôi cầu xin được xem người ấy như vị
Đạo sư tối thượng của tôi ! ».
Khi ta thực hiện được
điểm khó khăn này, thay vì « trả thù » kẻ nào làm phiền toái ta, ta phải thương
họ hơn cả Thầy
1- Tức là Bát chánh đạo : chính kiến, chính tư
duy, chính ngữ, chính nghiệp, chính mệnh, chính tinh tiến, chính niệm, chính
định.
ta nữa và phải đối xử tử
tế với họ, khi làm được như thế ta sẽ không còn một khó khăn nào khi phải đối
xử với bất cứ ai khác, và ta cũng sẽ hiểu rằng ta không được bỏ rơi bất cứ một
sinh linh nào. Sự kiện không chăm sóc đến kẻ khác chẳng những trái với Đạo Pháp
mà còn trái với sự sống thường nhật nữa, bởi vì khả năng đặc biệt của con
người, của sự hiện hữu nhân sinh là lòng thương người và tốt bụng. Nếu có ai dù
không tin vào Luật nhân quả, nhưng vẫn xả thân suốt đời để làm những điều tốt
cho kẻ khác, họ sẽ gặt hái được những quả tốt hổ trợ cho kiếp sống tương lai
của họ, riêng chúng ta, chúng ta tin có kiếp sống ấy ; trong khi đó cũng có
người suốt đời rao giảng, quảng bá lòng tin và kiến thức Đạo Pháp, nhưng thái
độ của họ lại ích kỷ và bất thân thiện, kẻ đó chỉ làm phí phạm cả « sự sống con
người quý giá » của họ mà thôi.
Nói suông không quan
trọng, làm việc từ thiện và phát lộ tình thương mới quan trọng, điều này cũng
áp dụng cho những người vô tôn giáo.
Có một tâm hồn cao cả là
một dấu hiệu của Đạo Pháp Đại thừa. Khi A-đề-sa qua đời, ngài đã thốt lên những
lời cuối cùng như sau : « Hãy giữ lấy một tâm hồn cao cả ! ». Vị Cư sĩ
Drom-Teun-Pa lúc sắp chết, được các đồ đệ quây quần chung quanh. Ông nằm
nghiêng về bên phải, gò má đặt lên đầu gối của một đệ tử, người này rất buồn
khổ và nước mắt rơi xuống ướt má của Drom-Teun-Pa, ngài liền nói rằng : « Có gì
đâu mà phải buồn khổ về việc ấy, hãy tu tập Bồ-đề tâm và giữ lấy một tâm hồn
cao cả » nói xong thì ông qua đời. Đó cũng là những lời cuối cùng của nhiều vị
Đại sư, và cũng là lời cuối cùng của Tsong Khapa (1)… các đệ tử quây quần chung
quanh ông vào giây phút chót và bất thình lình ông cầm chiếc nón của mình ném
thẳng vào người đệ tử kế tục (tên là Darma-Rinchen, sau này trở thành ngài
Gyäl-Tsab-je), ông nhìn thẳng vào người
1- Tsong Khapa : Tông-khách-ba (1357-1419),
một vị Đại sư Tây tạng, sáng lập tông phái Cách-lỗ (Gélugpa), còn gọi là Hoàng
mạo phái, vì các nhà sư đều đội mũ màu vàng.
đệ tử thật lâu rồi thốt
lên « Hãy giữ cho tâm hồn cao cả », rồi ông ra đi… Sau này chính Darma-Rinchen
cũng tuyên bố rằng : « Tâm hồn cao cả là tinh anh của Đại thừa ».
Hành vi giúp ta xem sự
an vui của kẻ khác hệ trọng hơn sự an vui của chính mình là cách cư xử đúng đắn
duy nhất, nó khuyến khích ta, từng chút một, phải luôn luôn hy sinh nhiêu hơn
nữa cho kẻ khác.
Trong Nhập Bồ-đề hành
Kinh (Bodhicharyâvatàra) có ghi như sau :
« Vì chưng những kẻ
khác, cũng như chính tôi đây, tất cả không có gì khác biệt nhau trên phương
diện mưu cầu hạnh phúc, tại sao tôi phải dồn tất cả cố gắng của tôi cho sự an
vui nhỏ nhoi của riêng tôi. Vì chưng những kẻ khác, cũng như chính tôi đây,
không có gì khác biệt trên phương diện lẫn tránh khổ đau, tại sao tôi chỉ biết
lo cho hạnh phúc của riêng tôi ? »
Long Thọ (Nâgârjuna) có
nói : « Chúng ta sống trong thế gian này là để triển khai tâm thức của ta trong
mục đích phục vụ kẻ khác và để cho kẻ khác xử dụng tâm thức của ta ».
Giữ vững trách nhiệm đối
với kẻ khác sẽ đem đến cho ta một sức mạnh rạng rỡ, nồng nhiệt, can trường. Nếu
ta không biết nắm lấy trọng trách đối với kẻ khác, ta cũng sẽ trở thành như thú
vật. Thú vật biết tự che thân, biết xoay xở để kiếm ăn và tự vệ. Nếu ta chỉ
biết hành động như chúng, thì ta cũng chẳng khác biệt với chúng bao nhiêu,
ngoài cái hình tướng bên ngoài của ta. Vậy chúng ta hãy khai triển Bồ-đề tâm
đúng như đã trình bày trong các Kinh điển Sû-tra và Tan-tra.
Nhưng chúng ta phải làm
thế nào đây ? Chúng ta có những khả năng vô cùng giới hạn… « Giống như một
người mẹ cụt tay muốn vớt con mình bị chìm dưới sông ». Trong lúc này đây ta
đang được thúc đẩy bởi một thiện tâm trong sáng, nhưng lại không có phương
tiện. Vị Đạt-lai Lạt-ma thứ I nguyện cầu như thế này : « Tôi nguyện cầu không
bao giờ quan tâm đến sự an vui của chính tôi, nhưng tôi cầu xin luôn luôn được
chăm lo cho sự an vui của kẻ khác ! Để giúp tôi thực hiện điều này, xin cho tôi
đạt được năm phẩm tính của mắt : mắt xương thịt, mắt thiên nhân (déva), mắt trí
tuệ, mắt sáng suốt, mắt lo xa ! Và sáu năng khiếu đúng đắn : tai thiên nhân,
ngôn từ đúng mực, khả năng, sự hội nhập vào tâm thức kẻ khác, nhớ lại được
những kiếp trước, chấm dứt hoàn toàn những lỗi lầm ».
Nếu chúng ta không hội
đủ những năng khiếu ấy chúng ta sẽ không thể làm gì được cả. Để có đủ khả năng
giúp đỡ toàn diện, phải vượt qua hết con đường để đến đích trước đã. Chính vì
vậy mà tôi đưa ra những lời giảng huấn hôm nay. Chúng ta đây, gồm quý vị và
tôi, chúng ta có chung những mối giây nghiệp báo rất chặt chẻ ; sự kiện chúng
ta tụ họp nơi đây là cái quả xuất phát từ những nguyên nhân có thể rất xa, sâu
thẳm trong quá khứ. (Tất cả các câu chuyện về Phật đều nói lên những mối tương
quan nghiệp báo đó, những mối tương quan ấy tạo ra thật nhiều dịp may gặp gở
giữa người thầy và các môn đệ trước khi thực hiện được sự kết hợp cuối cùng).
Nếu một ngày nào đó tôi đạt được Bồ-tát hạnh tôi có thể giúp đỡ quý vị hữu hiệu
hơn, hơn cả những vị Phật khác có thể giúp quý vị, chẳng qua vì những mối tương
quan mà chúng ta đã có sẳn từ thật lâu đời. Đối với quý vị cũng thế. Đối với
những người chăm sóc quý vị và những người đã từng gặp gở quý vị trong suốt
kiếp sống này, hay trong nhiều kiếp sống trước của « quý vị », quý vị có thể sẽ
giúp đỡ họ thật chu tất khi quý vị đạt được thể dạng của Phật. Mỗi vị Phật phải
lấy trọng trách, nặng nề hơn cả trọng trách của các sinh linh khác, trong việc
giúp đỡ những ai đã từng liên hệ với vị Phật ấy. Nếu quý vị hiểu được nguyên lý
này, quý vị có thể bắt đầu thực hiện sự giúp đỡ trong giới hạn ấy, rồi sau này
quý vị sẽ cảm thấy cần phải nắm lấy trách nhiệm to lớn hơn nữa, mở rộng ra với
tất cả chúng sinh.
Vậy, khả năng giúp đỡ
chúng sinh chỉ có thể nẩy nở qua thể dạng của Phật ; ngay trong giai đoạn phát
triển thứ mười (bhûmi) (1) một vị Bồ-tát (mặc dù đã có thể giúp đỡ rất nhiều)
cũng không hoàn toàn thực hiện được tất cả khả năng. Cần phải có Phật tính…Phải
được như thế mới đúng, nhưng còn thêm một điều kiện cuối cùng phải hội đủ, đó
là khả năng hội nhập với chúng sinh. Có hai hành vi tâm thức : thứ nhất là ước
vọng giúp đỡ mọi chúng sinh, thứ hai là đạt được Phật tính để thực thi sự giúp
đỡ đó. Từ hai hành vi ấy sẽ sinh ra một tâm thức gọi là Bồ-đề tâm.
Ta không thể xem Bồ-đề
tâm là một thứ ước vọng có tính cách tình cảm và tạm thời để giúp đỡ kẻ khác
khi ta gặp một số hoàn cảnh nào đó thúc dục, hoặc là do tâm trạng tùy hứng của
ta đưa đẩy. Ước vọng ấy phải là một quyết tâm mạnh mẽ, bình thản và bền vững,
luôn luôn hiện diện trong tâm thức ta. Khởi sự cần nhiều cố gắng, và tình
thương của ta đối với chúng sinh vẫn còn yếu và giới hạn, nhưng tâm thức sẽ
quen dần với hai thứ tình cảm song song đó và sẽ phát triển thêm để trở thành
chính bản thể của nó. Và chính lúc ấy ta mới có thể gọi là Bồ-đề tâm thực
sự.
Làm sinh khởi những gì
chưa nẩy nở, tiếp đó khai triển những gì đã phát sinh rồi, chính đấy là tinh
anh trong cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ mười
một
Tất cả mọi khổ đau,
không phân biệt một thứ khổ đau nào, đều xuất phát từ sự ham muốn hạnh phúc cho
riêng bản thân mình, trong khi ấy Phật tính Hoàn hảo được sinh ra từ
1- Bhûmi : địa giới,
tức các quả vị tu chứng của các vị Bồ-tát. Có mười cấp bậc gọi là Thập địa.
khát vọng giúp kẻ khác
được hạnh phúc. Vì thế, trao đổi hoàn toàn hạnh phúc của ta với kẻ khác là cách
tu tập của những người Bồ-tát.
Người ta thấy trong Nhập
Bồ-đề hành Kinh có ghi như sau :
« Tất cả khổ đau trong
thế giới này sinh ra từ khát vọng hạnh phúc cho riêng mình. Tất cả hạnh phúc
của thế giới này sinh ra từ khát vọng đem đến hạnh phúc cho kẻ khác ».
Và trong Guru-Pûjâ (Nghi
lễ Đạo sư) cũng có ghi :
« Không cần phải giải
thích dông dài, chỉ cần nhìn vào sự kiện : những kẻ ấu trỉ chỉ nghĩ đến tiện
nghi cho riêng mình, Phật xả thân chỉ vì sự tốt đẹp cho kẻ khác ».
Chúng ta có dịp may quý
báu được nghe những lời giảng dạy của Phật, nhờ có Văn-thù-sư-lị (Manjushrî),
Long Thọ (Nâgârjuna), Tịch Thiên (Shântideva) truyền lại ; vậy ta hãy đem ra áp
dụng và xem kẻ khác thân thiết hơn cả với chính ta, bằng cách từ bỏ tất cả
những thái độ ích kỷ vì các lý do sau đây : khát vọng hạnh phúc cho
chính mình là cội rễ của tất cả mọi quán nhận sai lầm. Tự chau chuốt lấy thân
ta là cửa ngõ đưa đến mọi thứ tội lỗi, chau chuốt kẻ khác là mảnh đất thuận lợi
đem đến tất cả mọi đức tính tốt.
Để có thể làm gia tăng
sinh lực cho thái độ ấy, hãy luyện tập tâm thức theo phương pháp gọi là « trao
đổi giữa ta với kẻ khác » và phương pháp « Nhận và cho » (Thong lèn) (1).
Phương pháp nay có nghĩa
là : hãy nghĩ đến những khổ đau buộc chặt tất cả mọi sinh linh, phân tích chi
tiết những khổ đau ấy, ghi nhớ và liệt kê những khổ đau ấy, nghiền ngẫm sâu xa
về những khổ đau ấy bằng cách nghĩ đến những nguyên nhân tạo tác ra những khổ
đau ấy và những hậu quả của những khổ đau ấy ; phát huy lòng tư bi thật mãnh
liệt, rồi quán tưởng ta đang hòa mình với tất cả những sinh linh ấy để phát
nguyện nhận lảnh hết về phía ta những khổ đau của họ và những khó
1- Chữ này là Tiếng Tây tạng.
khăn của họ, và thiết
tha trao cho họ sự an bình của ta và niềm hân hoan của ta. Hãy tập hít thở thật
sâu kèm theo với những ý nghĩ ấy, hãy quán tưởng khi hít vào ta kéo về ta tất
cả những khổ đau của chúng sinh, và khi thở ra ta gởi đến họ tất cả quả tốt từ
những hành vị xứng đáng của ta, sự an bình của ta, niềm hân hoan của ta và ta
không giữ lại một chút nào cho ta cả.
Dựa theo những lời cầu
nguyện « Guru-Pûjâ » (Nghi lễ Đạo sư của Lama Chöpa) ta cầu nguyện rằng :
« Thưa Người Thầy tôn
kính, hãy ban phước lành cho con, con xin tất cả những hạt giống sinh ra từ
những hành vị xấu của chúng sinh sẽ chín mùi trong con, tất cả các chúng sinh
ấy đều giống như những người mẹ của con, và xin cho con biết cách trao cho họ
những gì xứng đáng của con và những niềm hân hoan của con, để tất cả mọi chúng
sinh đều đạt được hạnh phúc ».
NGÀY THUYẾT GIẢNG CUỐI CÙNG
Sự kiện theo đuổi đến
ngày cuối cùng loạt thuyết giảng này nhắc nhở cho chúng ta về hiện tượng vô
thường của vạn vật và cũng nhắc ta, thêm một lần nữa, cuộc sống của chúng ta
trôi nhanh biết chừng nào và cái ngày cuối cùng rồi cũng sẽ đến rất nhanh. Càng
hay, nếu kiếp sống ấy tròn đầy, nhưng nếu chỉ là một kiếp sống vô nghĩa,
thì chẳng còn gì để tát nữa, ngoài việc cố gắng cưỡng lại sự hối hận, cững lại
sự hối hận cũng là một sức mạnh. Hối hận thấm nhuần vào tâm thức ta quả là một
điều cực kỳ hệ trọng. Không nên biến nó thành một thứ tình cảm đứt quảng và
giai đoạn, lệ thuộc vào những xúc cảm thoáng qua. Hối hận phải có tính cách
thường xuyên, phát xuất từ sự quán nhận trong sáng về những lỗi lầm của ta, từ
sự hiểu biết sâu xa về quy luật của nghiệp và những hậu quả của nghiệp. Ta
phải quyết tâm xử dụng tất cả thời gian còn lại của ta, dù cho còn dài
hay sắp hết tùy nơi nghiệp của ta, để bước vào con đường đạo hạnh, tránh những
« quan điểm sai lầm » và những hậu quả do chúng sinh ra, ta hành động đúng theo
những lời chỉ dẫn của Phật, đúng với những mệnh lệnh của Ngài, để sống một cách
« thận trọng » trong kiếp sống « quý giá » này của con người. Và muốn làm cho
sự sống đó trở nên thật sự quý giá, thì hãy lắng nghe và đem ra thực hành những
lời giáo huấn về « Ba mươi bẩy cách tu tập của những người Con Phật » (1), hôm
qua tôi đã nêu lên vài điểm trong đó và tôi sẽ vắn tắt trở lại như sau.
Tôi đã nói trước đây về
bẩy cách luyện tập, và về vấn đề Quy y, còn cần bổ túc thêm vài lời bình giải
nữa.
Ta phải tuân thủ những
nguyên tắc gắn liền với việc Quy y, chỉ nên Quy y nơi Phật và Phật tính, không
được Quy y thêm các vị trời thuộc các truyền thống khác hoặc thần thánh nào
khác.
Còn một kỹ luật khác nữa
là phải kính trọng tất cả những ảnh tượng của Phật, và nói chung là tất cả các
vật có tính cách thiêng liêng.
Trong thời đại suy thoái
này, buôn bán các vật dụng tôn giáo đã trở thành chuyện thông thường, và đấy là
một sự sai lầm. Trong hoàn cảnh ấy, nếu có ý định chép lại hay tân trang một
quyển sách xưa với ước mong bảo tồn hay quảng bá Đạo Pháp là một hành vi thật
xứng đáng, nhưng nếu hành vi ấy chỉ có mục đích lợi lộc, đó là một điều xấu. In
một quyển sách « nói lên » Đạo Pháp là chính đáng, nhưng nếu lấy đó để làm
thương mại vì tư lợi, không mang tính cách tư liệu tôn giáo hay Kinh sách
thiêng liêng là một điều đáng tiếc. Cử chỉ của ta phải
luôn luôn kính cẩn :
không được ném xuống đát sách nói về Đạo Pháp, không được vứt bỏ vô ý thức bất
cứ tượng ảnh hay
1- Tam thập thất
đạo phẩm : Bốn niệm xứ, Bốn chính cần, Bốn như ý túc, Năm căn, Năm lực, Bảy
giác chi, Tám chính đạo.
kinh sách thiêng liêng.
Một trong những quy luật liên hệ đến Đạo Pháp là phải đặc biệt cẩn thận, sau
khi đã « Quy y » không đuợc cố tình làm hại đến bất cứ một sinh vật nào, không
được có một ý nghĩ hung hãn nào đối với chúng. Như tôi đã nói với quý vị, sự
kính trọng rất là quan hệ. Dưới bất cứ hình thức nào, bằng bất cứ ngôn ngữ nào,
bất kính là một nguyên nhân của vô minh. Trong thời đại chúng ta đang sống, quả
thật hết sức khó khăn, nhưng tôi vẫn xin quý vị phải thật cẩn thận đừng đánh
mất sự kính trọng. Đừng chỉ trích Tăng đoàn ; khi ta chỉ trích một nhà sư, ấy
là ta chỉ trích tất cả… dù cho ta không thể nào bắt chước được vị Lat-Ma
Dom-Teun-pa chăm lo cho Tăng đoàn, chẳng hạn như câu chuyện kể lại rằng tự ông
đi mót nhặt từng mảnh vải đỏ, vải vàng (vì những mảnh vụn ấy có thể dùng để may
vá áo mặc cho các nhà sư), thì ít ra ta cũng biết kính nể đôi chút các sư tăng
và sư ni. Người thế tục biết kính mến một sư tăng sẽ xem cả Tăng đoàn là một «
địa giới của phẩm hạnh », và khi nghĩ rằng mỗi vị sư là một « đối tượng » cho
ta Quy y, thì điều ấy cũng đòi hỏi ngược lại tất cả các nhà sư phải xứng đáng
với « đối tượng » Quy y. Một quy tắc khác liên hệ đến việc Quy y nơi Tăng đoàn
là không nên giao du quá dễ dãi với những người bạn đồng hành mới, không nên cả
tin bất cứ ai không thuộc vào tập thể Đạo Pháp, dù họ có phô trương một chút uy
quyền nào đó trên lãnh vực tâm linh.
Chúng ta lại nói đến
cách tu tập thứ tám, đề cập đến Quy luật của nghiệp và những hành vi thiếu đạo
hạnh cần phải từ bỏ, tuy rằng cách tu tập này cũng là cách tu tập của những
người Bồ-tát, nhưng nó chỉ có tầm ảnh hưởng đáng kể trong những bước đầu tu
học, và vì thế nó vẫn còn thuộc vào Con Đường của sự Quán nhận Hẹp.
Cách tu tập thứ chín bắt
đầu bước vào Con Đường Quán nhận Trung bình. Con đường này khởi sự bằng cách
thực hiện sự hiểu biết sâu xa về những nỗi khổ đau Thực sự ; Kinh sách Lam-rim
(Bồ-đề Đạo thứ đệ luận) ghi rõ rằng ta cần phải đào sâu và nắm vững những nguyên
nhân của khổ đau, đấy là những sai lầm buộc ta vào thế giới Luân hồi, phải tập
luyện tâm trí để quán nhận và phát triển bằng ba cách tu tập : Shîla (Đạo đức),
Samâdhi (Thiền định) và Prajnâ (Trí tuệ), các cách tu tập này được hổ trợ bằng
một ước vọng cực kỳ mãnh liệt phải đạt được Giải thoát. Ba cách tu tập ấy là
phương pháp chắc chắn đưa đến tám điều chín chắn (1). Tsong Khapa (Tông
Khách Ba) có nói : « Không bao giờ tự thoả mãn với những thứ thích thú của luân
hồi ; dù cho chúng có vẽ hoàn hảo, nhưng thật ra chúng chỉ là những cửa ngõ đưa
đến khổ đau…Nhìn thấy được điều ấy rồi, tôi cầu xin hãy ban phước lành cho tôi,
để tôi đủ sức phát huy trong tôi cái ước vọng mãnh liệt đạt đến Niết bàn ».
Một trong những đặc điểm
của đau khổ là : khi ta càng nắm, ta càng được, và ta càng muốn được thêm, ta
lại càng mất đi sự thoả mãn về những gì ta đã nắm được. Sự thiếu thoả mãn
trường kỳ đó là vì hạnh phúc của thế giới luân hồi không bao giờ bền vững cả,
ta không thể tin vào thời gian tồn vong của nó. Không có gì bền vững cả đối với
« địa vị xã hội cao sang » của ta, những quyến luyến của ta, kể cả thân xác của
ta cũng vậy. Nếu ta có được một người bạn đồng hành tuyệt vời sống với ta trong
suốt cuộc đời này, ta cũng sẽ bỏ lại khi ta chết, và ta cũng sẽ không nhận ra được
họ trong kiếp sống mới của ta. Cuộc du hành của luân hồi là một cuộc du hành
đơn độc. Sự cô đơn đó và hoàn cảnh tạo ra từ sự « chia lìa » là những khổ đau
trong số những khổ đau tồi tệ nhất của luân hồi. Có rất nhiều loại khổ đau,
nhưng có thể xếp vào sáu nhóm chính như đã nêu lên trên đây, và trong số
này có một thứ khổ đau ta chưa có dịp nói đến, và khổ đau này lại không phải là
một thứ khổ đau thuộc loại nhỏ nhoi, ấy là sự kiện bắt buộc phải tái sinh trở
lại trong thế giới Luân hồi. Bởi vì khi nào nguyên nhân đầu tiên ấy của sự tái
sinh phát hiện, tất cả các nguyên nhân khác sẽ tự động nối đuôi theo sau và rồi
cái vòng tròn của Luân hồi tiếp tục xoay đều… mỗi vòng, chúng ta lại tiếp
tục ăn những quả
1- Có lẽ đây là Bát chính đạo (?).
đắng gặt hái từ trong
quá khứ. Những « ảo giác » là những nguyên nhân ô nhiễm của Luân hồi, hậu quả
là sự tái sinh liên tục, tạo ra những ảo giác mới và một nghiệp mới… Bản chất
của Luân hồi là khổ đau, nó mang năm thuộc tính khổ đau : sinh ra trong khổ đau
– sinh ra từ những nguyên nhân sai lầm (hướng dẫn bởi Vô minh) và hình thành
trong những thân xác không thích nghi (1) – tiếp tục phạm vào cùng một lỗi lầm
trong tương lai – bị kích động bởi nghiệp nên mất hết tự do trong kiếp sống
hiện tại – mất hết tự do trong kiếp sống tương lai. Và những thứ này cứ tiếp
tục xảy ra như thế cho đến khi nào ta thoát ra khỏi sự hiện hữu này. Ngoài
những tạo tác do nghiệp đưa đẩy và các hậu quả của nó, không có gì khác hơn để
ta có thể gọi là hạnh phúc trường tồn. Ta phải vượt thoát ra khỏi cảnh tù ngục
đó, khỏi thể dạng luân hồi đó, và ba cách tu tập đã nói đến : Shîla (Giới),
Samâdhi (Chỉ), Prajnâ (Huệ) là những liều thuốc hoá giải hiệu nghiệm, đủ khả
năng hoá giải mọi nguyên nhân và hoàn cảnh. Chúng ta đã nói khá dài về cách tu
tập thứ mười ; tuy nhiên cũng cần nêu thêm ra đây một vài mối quan tâm về chủ
đề « tu tập của những người Bồ-tát liên quan đến con đường Quán nhận Rộng lớn
». Trong cách tu tập tâm thức gọi là « Bánh xe Khí giới » nhắm vào mục đích
chống lại sự ích kỷ, có ghi như sau : « Một con quỷ thông thường và thuộc lãnh
vực bên ngoài có thể gây ra tai hại, nhưng chỉ là những tai hại tạm thời, trong
khi đó một con quỷ bên trong gây ra tai hại thường xuyên ». Con quỷ bên trong
sâu kín nhất, bám chặt nhất trong ta, chính là khái niệm cho rằng có cái ta
riêng biệt, có một cái « tôi » để bám chặt vào đó ; tiếp theo, thứ vô minh sâu
thẳm trên đây lại lôi kéo theo với nó tất cả những quan niệm sai lầm khác,
trong số này thương yêu cái ta là quan niệm sai lầm chính yếu hơn cả. Hai thứ
sai-lầm-cội-rễ : sự cảm nhận cái ta và yêu mến cái ta là hai thứ sai lầm tệ hại
nhất có thể có. Chúng đi đôi với nhau và hỗ trợ cho nhau ;
1- Thân xác tật nguyền, đau yếu, xấu xí…, hay
không phải thân xác con người chẳng hạn.
ganh ghét, ham muốn,
ghét bỏ và còn nhiều thể dạng đớn đau khác nữa đều tuôn ra từ đó. Trong lúc
thiền định, hai thứ sai lầm căn bản này sẽ làm cho tâm thức yếu mềm, tư tưởng
phân tán và tâm trí sao lãng. Do đó tu tập đứng đắn về Đạo Pháp không phải dễ,
và người tu tập đích thực phải hành động như một người lính, chiến đấu không
ngừng chống lại những kẻ thù bên trong mà người chỉ huy của chúng là sự tin
tưởng vào cái « ta », đông đảo bộ hạ bao quanh hắn và nghe lệnh của hắn. Đôi
khi ta có thể chán nãn vì nhiều khó khăn hiện ra, nhưng phải nghĩ rằng trong
những trận chiến trên thế giới này không có một cuộc chiến nào đem đến chiến
thắng cuối cùng, nhưng trong trận chiến của tâm linh, chiến thắng hoàn toàn có
thể đạt được.
Trong thế giới này một
trận chiến không làm chấm dứt được một cuộc chiến tranh (và hơn nữa thông
thường một cuộc chiến tranh lại tiếp tục chuẩn bị cho một cuộc chiến khác) ;
bên trong ta, một trận chiến khi đã thắng có thể hóa giải hoàn toàn những con
quỷ đã bị đánh bại.
Những vị Đạo sư của
trường phái Kadampa (Cam-đan phái) nói rằng : « Chiến đấu chống lại những ảo
giác là trọng trách của chúng ta ». Geshé Ben-Gung-gyal nói rằng :
« Cách tu tập của tôi là
canh chừng ảo giác không cho lọt vào ngưỡng cửa của tâm thức, bằng cách xử dụng
những vũ khí tương xứng với chúng…nếu chúng hung hãn, tôi sẽ chiến đấu…nếu
chúng giữ yên, tôi sẽ hòa hoãn ».
Trọng trách khó khăn đó
đều giống nhau đối với tất cả những ai tu tập Đạo Pháp ; Bồ-đề tâm và sự thực
hiện Shûnyatâ (Tánh không) là những cơ sở lành mạnh luôn luôn giúp ta chiến
thắng. Đó chính là những khí giới của chúng ta, những khí giới ấy không thể nào
bị hũy diệt được.
Sự cảm nhận
cái ta và nuông chiều cái ta
được các
Mâra (1) hỗ trợ và chúng
giúp sức cho vô minh trong ta tạo ra ảo giác.
1- Mâra : là Ma hay Ma vương.
Nhưng chính chúng, chính
những Ma vương đó cũng chịu ảnh hưởng nơi quyền lực của Vô minh, nhưng quyền
lực Vô minh chỉ có tánh cách tạm thời và không có cơ sở vững chắc, không có một
thực thể nào cả. Sớm hay muộn sự Quán nhận Đúng đắn sẽ chiến thắng với sự giúp
sức của chư Phật và các vị Bồ-tát, các vị ấy chiến đấu vì ta bằng sức mạnh và
lòng từ bi của họ.
Trong tập Bồ-đề hành
Kinh có nói : « Từ những kalpa vô tận, dựa vào sự hiểu biết toàn năng, các chư
Phật cho rằng Bồ-đề tâm là nguồn trợ lực chính yếu của mọi chúng sinh ».
Hành trang của ta hiện
nay tuy còn ít ỏi, nhưng khi ta biết suy tư như các chư Phật, cố gắng phát huy
Bồ-đề tâm và cố sức đạt được Shunyatâ (Tánh không), chắc chắn ta sẽ đi đến
chiến thắng, sẽ vượt qua những chướng ngại dựng lên từ ảo giác. Bản thể của
những chướng ngại ấy là suy vong, trong khi tâm linh tinh tế nhất của con người
lại có tiềm năng thực hiện được sự Quán nhận Đúng đắn Tánh không. Khi tâm linh
tinh tế thực hiện được Tánh không, các phần tâm trí thô thiển giúp nhận biết
những hình tướng bên ngoài giống như những hiện hữu thật, sẽ tan biến đi. Nhận
thấy được rõ rệt quá trình ấy là điều đáng mừng. Bước đầu ta phải chiến thắng
thái độ ích kỷ bằng cách nhìn vào những phẩm tính tốt của kẻ khác và yêu quý
những phẩm tính ấy. Trong các Nghi lễ Đạo sư có ghi chú : « Người nào
biết dẫn dắt kẻ khác đến an vui, họ có thể xem đấy như một cánh cửa mở rộng đón
lấy vô số những phẩm hạnh. Hãy ban ân huệ cho tôi để giúp tôi có đủ sức xem
chúng sinh quý giá hơn chính mạng sống của tôi ». Thái độ đó của tâm thức là vị
thầy bên trong của ta, là người cứu vớt mọi chúng sinh. Tất cả các hành vi của
ta đều phải hướng vào sự thực hiện những phẩm tính ấy ; trong khi đi, trong khi
ăn, trong khi đi dạo, ngay cả lúc nằm ngủ, ta phải nghĩ đến việc khai triển tâm
thức ta. Nếu làm được như thế, ta sẽ trở nên « tối thượng » trong việc tu tập
Đạo Pháp, và đấy cũng là cách tu tập cao nhất để tự tinh khiết hoá. Không có gì
cao rộng hơn nữa.
Cách tu tập thứ mười
hai
Nếu chỉ vì ảnh hưởng của
tham lam cực mạnh hay bởi nhu cầu khốc liệt mà một kẻ bần hàn đánh cắp, hoặc
xúi dục kẻ khác đánh cắp tài sản của ta, với tấm lòng tràn đầy từ bi, ta hiến
dâng cho người ấy thân xác ta, của cải của ta và cả đạo hạnh của ta đã tích lũy
từ ba thời gian vô tận, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Hôm qua chúng ta đã nói
sơ lược về thong lèn « trao đổi giữa ta và những kẻ khác » ; ta dành đặc
biệt ngày hôm nay để nói thêm về cách tu tập này. Trong tình cảnh nói đến trên
đây, ghét bỏ kẻ cưỡng đoạt tài sản của ta hoàn toàn là một hành vi hợp pháp, có
thể xem là chính đáng nữa, và ta có thể xử dụng các phương tiện mà xã hội dành
cho ta để chống lại kẻ ấy. Nhưng đối với một người ước mong tu tập Bồ-đề tâm,
phải tuyệt đối tránh không được làm như thế. Chúng ta không những đem cho những
gì họ cần đến, mà tất cả những gì họ đòi hỏi nhiều hơn nữa ở ta, dù đó là thân
xác ta, tài sản của ta hay mạng sống của ta, ta cho một cách tư nhiên không cần
suy nghĩ, làm như thế để tránh cho người nhận khỏi phạm vào hành vi tệ
hại xử sự hung dữ để cưỡng đoạt.
Sau đây là phản ứng của
người Đạo sưu đã soạn thảo bài giảng huấn này, ông đã từng gặp trường hợp tương
tự như thế. Ông ta là người từ Tu viện Sakya đến và bị cướp sạch trên đường đi.
Các tên cướp sợ ông kêu cứu nên hấp tấp bỏ trốn. Ông khẩn cầu họ không cần phải
hành động như thế, rồi nói với họ rằng : « Tôi không kêu cầu cứu đâu, nhưng nếu
các ông bỏ đi ngay bây giờ có nghĩa là các ông « lấy » của tôi những vật ấy và
như thế các ông đã làm một việc lầm lỗi, vậy để giúp các ông tránh khỏi những
hậu quả của hành vi ấy, tôi xin dâng hết cho các ông đấy, kể như tôi cho các
ông, và như thế các ông chiếm giữ những vật ấy một cách hợp pháp ». Sự xúc động
bất ngờ của những người bất lương mạnh đến mức làm cho tâm thức họ biến đổi hẳn
và họ xin được làm đồ đệ của ông.
Cách tu tập thứ mười
ba
Dù cho người ta có đánh
đập ta hay hành hạ ta, ta không được để cho bất cứ một sự ghét bỏ nào trỗi dậy
trong ta. Mở rộng lòng từ bi vô biên với tất cả những sinh linh đáng thương vì
vô minh đã đối xử tệ hại với ta, ấy là cách tu tâp của những người Bồ-tát.
Cách tu tập này cũng
giống như cách vừa nói đến trên đây. Hãy nhận lấy về phần mình những hậu quả từ
những hành vi xấu, những hành vi ấy luôn luôn là những hành động vô minh, đấy
là cách luyện tập hữu hiệu về « sự trao đổi giữa ta và kẻ khác ».
Cách tu tập thứ mười
bốn
(Cũng giống như cách tu
tập trên đây)
Nếu bổng dưng chẳng vì
một lý do nào cả, mà một số người vu khống cho ta, đến độ có thể chất đầy cả
thế giới này bằng những lời gièm pha ; ta vẫn tán tụng với tình thương yêu
hưóng vào những đức hạnh của họ, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ mười
lăm
Nếu trong một tập thể
nhiều người, có một người nêu lên một lỗi lầm mà ta muốn giấu kín, ta không
phẫn nộ đối với người đã làm việc ấy, nhưng xem hắn như chính vị Đạo sư tối
thượng của ta, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Và tại sao ta lại phải
xem người hại ta như « Đạo sư tối thượng » của ta ? Chỉ vì thông thường ta
không bao giờ chịu nhận những lỗi lầm, ta đánh lạc hướng và tìm cách thu nhỏ
những lỗi lầm của ta. Nhưng Kinh sách có nói người Thầy phải dùng Đạo Pháp như
một tấm gương cho ta soi, nhìn vào tấm gương đó để ta nhận ra những lỗi lầm,
những lỗi lầm nơi thân xác, nơi ngôn từ và nơi tâm thức. Vậy nếu như có ai đứng
ra nhận lảnh trong trách làm tấm gương soi, kẻ ấy đã ban cho ta những huấn thị
đích thực về tinh thần. Người Thầy ban cho ta những quở trách cũng như lời khen
thưởng ; cả hai cũng đều tốt như nhau, vì khen thưởng làm cho ta sung sướng và
ta cảm thấy khoan khoái. Nhưng khiển trách lại còn tốt hơn như thế, vì nó cho
ta thấy những điểm yếu kém của ta, trong khi những lời khen thưởng chỉ khơi
động thêm sự kiêu hãnh trong ta mà thôi. Với cùng một cách lý luận như thế, khổ
đau có thể xem như một phương thuốc hay, vì nó nhắc nhở ta về Đạo Pháp, trong
khi ấy, lúc ta được sung sướng, tức là lúc ta « ăn » những quả lành từ nghiệp
xứng đáng của ta, và khi đã ăn quả thì quả sẽ hết.
Cách tu tập thứ mười
sáu
Nếu một người nào đó, mà
ta giúp đỡ và đùm bọc như chính con của ta nhưng họ đáp lại bằng sự vô ơn hay
ghét bỏ ; hãy thương hại họ một cách dịu dàng như một người mẹ chăm xóc cho con
mình đang đau yếu, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập này của các
người Bồ-tát thật khó ; vì thế tôi xin đưa ra đây một giai thoại của xứ Tây
tạng, được ghi chép trong « Những lời tán tụng vị Dạt-Lai Lạt-Ma thứ VII ».
Vị này có một người
thuộc hạ mà ông rất tin cậy và ông đặc biệt ưu đãi người này. Dần dần tạo được
một uy thế cá nhân càng lúc càng mạnh thêm, và sau cùng người này chống lại với
vị Đạt-Lai Lạt-Ma, tìm cách truất phế vị này, và sau đó còn có ý định giết ông
nữa. Vị Đạt-Lai Lạt Ma không hề xử dụng uy quyền hợp pháp của mình chống lại
hắn ; ông vẫn giữ trầm tĩnh và thanh thản, nói năng rất triều mến với hắn, và
người thuật lại câu chuyện này chấm dứt bằng câu kết luận như sau : « Giống như
một đứa con có tâm thức lầm lạc dùng dao đâm mẹ mình, người mẹ đáp lại hành vi
trái luân thường đạo lý ấy bằng một tình thương gia tăng hơn nữa, về phần chúng
ta và với lòng từ bi, chúng ta nên tự hỏi có đủ sức giúp đỡ và biện hộ cho một
kẻ hư hỏng muốn làm hại ta hay chăng ».
Cách tu tập thứ mười
bảy
Nếu có một người nào đó
ngang hàng với ta hay thấp kém hơn ta một cách rõ rệt nhưng lại khinh thường ta
hoặc vì tự cao tự đại mà tìm cách hạ thấp ta, thì ta hãy kính trọng người ấy
như vị thầy của ta, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Đó là cách tu tập rất
hiệu quả vì trường hợp như thế rất thường xảy ra trong cuộc sống thường nhật
của ta. Nếu có ai đối xử với ta như một cấp trên hoặc nịnh hót ta với những
điều hiểu biết mà hắn không hề có. Phản ứng tức thời của ta là một thứ tình cảm
bực bội và mất kiên nhẫn. Cách « luyện tập tâm thức » là ngồi xuống trong tư
thế thiền định, quán tưởng người ấy ra trước mặt, chiêm ngưỡng người ấy
một cách trầm tĩnh, đồng thời nhìn về phía ta rồi ta quỳ xuống chân người ấy.
Lập đi lập lại cách tập luyện này sẽ làm cho ác cảm của ta đối với người ấy
biến đổi đi và rồi ta sẽ có thể yêu thương người ấy. Ta luôn luôn nhớ rằng ta
phải là người khiêm nhường nhất trong số tất cả mọi người ; ta phải là người
phục vụ cho tất cả chúng sinh.
Đạo sư Cam-đan phái
là Geshé Lang-ri thang-pa có nói trong « Cách tu tập tâm thức bằng tám
tiết » như sau : « Bất cứ tôi đang ở đâu, cùng chung với những người khác, tôi
cầu xin được nghĩ rằng chính tôi là kẻ kém cỏi nhất trong số họ và xin được xem
tất cả những kẻ đó như những người tối thượng trong tận cùng của tim tôi ».
Cách tu tập thư mười
tám
Khi ta bị bỏ rơi, mang
nặng ốm đau và buồn phiền, nhưng không nãn chí, vẫn nghỉ đến việc nhận lấy về
phần ta những hành vi sai trái của mọi sinh linh, và nhận chịu khổ đau do hậu
quả từ những hành vi sai trái đó gây ra, ấy là cách tu tập của những người
Bồ-tát.
Có hai hoàn cảnh cực kỳ
nguy hiểm : hoặc ta quá sung sướng, hoặc ta quá đau khổ. Một kẻ nào đó khi bị
khổ đau bủa vây tứ phía và không thấy được nguyên nhân của khổ đau ấy là do nơi
sai lầm mà họ đã phạm, họ sẽ đau ốm, lo âu và hoảng sợ từ trong tâm thức, bị
những người thân lẫn tránh, gánh chịu nguy cơ có thể đánh mất cả lòng tin nơi
Đạo Pháp. Nhưng nếu trong lúc ấy họ có đủ sức nghĩ rằng : « Tôi xin gánh chịu
khổ đau thay cho tất cả chúng sinh và xin nhận về phần tôi tất cả lỗi lầm của
họ, tôi xin đem những khổ đau của tôi trong lúc này để chứng tỏ cho hành vi đó
» ; làm được như thế là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ mười
chín
Khi ta đạt được uy tín
lớn lao và sự kính nể của mọi người, kể cả đạt được sự giàu có của Vaishravana
(1), nhưng ta xem những quả ấy do nghiệp sinh ra, không có một thực thể nào cả,
và không kiêu hãnh chút nào khi quán nhận được điều đó, ấy chính là cách tu tập
của những người Bồ-tát.
Nguy hiểm thứ hai xuất
phát từ sự an vui quá lớn : khi mà tất cả đều thành công đối với ta, nào ta có
tiền, có sức khoẻ, có một gia đình hạnh phúc ; nào là mọi người đều tỏ ra quý
mến ta và ngưỡng mộ ta, và nếu như ta còn trẻ và đẹp, ta sẽ rất
1- Vaishravana :
dịch là Đa-văn-Thiên hay là Tì-sa-môn-thiên là vị Thiên vương ở trong Tứ Thiên
Vương, ngụ ở phía bắc núi Tu di. Đạo Bà la môn gọi là vị Thần tài.
có thể tin chắc vào sự
hoàn hảo của thế giới Luân hồi, ta quên bẵng Đạo Pháp, rồi từ từ ta phạm vào
những lỗi lầm nhỏ, dần dần vào những lỗi lầm lớn hơn. Kiêu hãnh góp thêm vào đó
làm cho ta không còn nghĩ đến tu tập nữa ; u mê và vòng tròn của quán nhận sai
lầm sẽ quay đều…
Tông-khách-ba (Tsong
Khapa) là người đã thức tỉnh trước nguy cơ của tự cao tự đại, ông nói rằng :
« Khi một kẻ nào đó kính
trọng tôi hay ca ngợi tôi, tức thời ý niệm vô thường nổi lên trong tôi. Vô
thường…của thích thú mà tôi cảm nhận từ những lời ca ngợi ấy ; tại sao tôi lại
cảm thấy tự đắc khi còn có những kẻ khác đang ác cảm với tôi
? Và tại sao tôi lại phải bực dọc vì những chuyện bực mình tôi nghe thấy, trong
khi đó lại có nhiều người khác khen ngợi tôi hết lời ? ». Ca ngợi hay khiển
trách chỉ là những chữ, một sự sai lầm thật nhỏ nhoi và vô tình có thể đưa đến
sự khiển trách, những thứ này không thể làm cho ta giao động. Chỉ trích hay
ngưỡng mộ, giàu sang hay bần hàn, đau ốm hay khoẻ mạnh, tất cả đều vô thường,
đó là quy luật của Luân hồi.
Vị Lạt-Ma Drom-teun-pa
đã từng bảo rằng : « Thật rất khó phải đứng nhón trên đầu ngón chân, phải đứng
dựng để vươn lên vì kiêu hãnh, đầu cao hơn kẻ khác ; tốt hơn ta nên tỏ ra khiêm
nhường và nhỏ bé ».
Luôn luôn phải thân
trọng và cần nhất phải đem ra thử thách thường xuyên động cơ thúc đẩy ta, vì
biết đâu có thể ta cũng chỉ tu tập Đạo Pháp bằng lời nói và bằng hình thức bên
ngoài. Rèn luyện sự nhún nhường ấy là nguồn hạnh phúc và cũng là một chuyện rất
thông thường ở Tây tạng, nhờ vào cơ cấu xã hội sẳn có và sự yêu chuộng khiêm
nhường của dân tộc chúng ta trên quê hương chúng ta. Điều này khó thực hiện hơn
trong các xã hội Tây phương, bởi vì các hệ thống xã hội này thiếu những hoàn
cảnh thuận lợi, trong đời sống thường nhật, nhất là sinh hoạt nghề nghiệp,
trong các xã hội ấy nếu tỏ ra khiêm nhường là tự « hạ thấp giá trị » của ta.
Tuy nhiên, bất cứ ta đang sống ở đâu, ta cũng phải áp dụng đức tính ấy, đó là
những gì thật thiết yếu trong Đạo Pháp Đại thừa.
Cách tu tập thứ hai
mươi
Trừ phi sự hung hãn từ
bên trong những địch thủ của ta tự chấm dứt thì thôi, nếu không ta càng chiến
đấu chống lại những địch thủ đó thì chúng lại càng sinh ra nhiều hơn. Cũng thế,
cho đến khi nào ta khắc phục được tâm thức thì thôi, nếu không những sức mạnh
tiêu cực vẫn tiếp tục xâm chiếm tâm thức ta. Kiểm soát tâm thức bằng tình
thương và lòng từ bi, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Tập luận Nhập Bồ-đề hành
Kinh có ghỉ rõ : « Làm thế nào ta có thể tìm đủ da để bọc cả trái đất, trong
lúc chỉ cần đến một miếng da nhỏ làm gót giày, ta cũng có thể đi hết
địa cầu ? ». « Những kẻ làm điều xấu
nhiều đến đỗi có thể lấp hết không gian, làm sao ta có thể thắng hết họ cho
được ; nhưng nếu ta thắng được sự ghét bỏ đang nằm trong ta, thì cũng giống như
ta đã khắc phục được tất cả những người xấu đó ».
Làm cho hung bạo chấm
dứt bẳng sức mạnh của chiến tranh là một điều hiện nay chưa ai thành công, cũng
chưa bao giờ thành công trong quá khứ, và trong tương lai cũng sẽ không bao giờ
làm được. Nhưng nếu mỗi người trong chúng ta tự hoá giải sự hung hãn của mình,
chiến tranh sẽ không bao giờ xảy ra nữa.
Nếu phương pháp ấy không
được đem ra thực thi, chỉ cần một sự kiện nhỏ nhoi kích động thú tính của một
người nào đó sẽ có ngay hai người nổi lên kình chống nhau. Nếu ta dùng sức mạnh
để khuất phục họ thì tức thời những kẻ nổi loạn sinh xôi nhiều thêm nữa, mỗi
người đều viện dẫn « lý do chính đáng » là phải chiến đấu. Rốt cuộc sự
nổi dậy lan tràn và sinh ra chiến tranh. Cũng từng có những giai đoạn thanh
bình trên toàn thế giới và trong một vài địa phương, nhưng ý đồ ly khai và hung
bạo vẫn tiềm ẩn, ngấm ngầm và chỉ chờ một cơ hội nhỏ là xung đột xuất hiện trở
lại. Điều ấy chứng tỏ có một cái gì sai lầm trong cách tu tập Đạo Pháp của
chúng ta. Những gì thuộc vào « chính trị » có thể làm chủ đề cho tham nhũng,
nhưng nguồn gốc của tham nhũng là trong thâm tâm của từng người. Vậy bổn phận
của từng cá nhân là khắc phục trong ta mọi ý nghĩ phải nhân danh xã hội mà
trừng phạt ; điều ấy chỉ có thể giải quyết bằng sức mạnh của tình thương và
lòng từ bi.
Tông-khách-ba vì thế đã
nói lên những lời « Tôn vinh Phật » như sau : « Không cần vung lên một lưỡi
kiếm nào cả, không cần mặc lên người một chiếc áo giáp nào cả, một mình Ngài đã
chiến thắng hàng triệu sức mạnh của Mârâ (Ma vương). Ngoài Ngài ra có ai đạt
được sự chiến thắng như thế hay không ? Chiến thắng ấy là kết quả của lòng từ
bi vô biên và của tình thương mãnh liệt ».
Nếu không cố gắng đem
đến hòa bình, xung đột sẽ trở nên tệ hại hơn, và chỉ cần có một người
thật an bình và không đam mê cũng có thể giúp ích rất nhiều. Nếu không giao
động trong tâm, ta sẽ thảo luận với nhau một cách hiệu quả, và từ đó có thể tìm
ra giải pháp. Chính những giao động bên trong mới cần phải làm cho lắng xuống ;
nó luôn luôn xuất phát từ những xúc cảm liên hệ đến sự bám níu, ghét bỏ hay
tham lam. Khắc phục tâm thức là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ hai
mươi mốt
Bản chất của lạc thú dục
tính là nước muối ; càng uống ta càng khát thêm. Từ bỏ những đối tượng làm bùng
lên sự thèm khát là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Đối tượng của sự thèm
khát có thể so sánh với nước muối ; càng thụ hưởng sự ham muốn lại càng tăng thêm,
không bao giờ ta thoả mãn cả, cho nên tất cả mọi lạc thú và vui thích xuất phát
từ ham muốn hay bám níu thật hết sức tai hại.
Ví dụ điển hình rõ rệt
hơn cả là những thú vui dục tính. Nó có vẽ là những hạnh phúc đạt được một cách
nhanh chóng, nhưng đúng ra đấy chỉ là khổ đau và nguyên nhân của khổ đau. Ta có
thể so sánh nó như bịnh dị ứng nổi mày đay ; khi mắc vào bịnh ấy càng gải ta
càng thấy nhẹ nhỏm, nhưng rồi ta thấy cần phải gải tiếp và sau cùng sinh ra lỡ
lói. Gải khi ta nổi mày đay là thích thú, nhưng nếu không bị mày đay có lẽ tốt
hơn.
Những thích thú trong
thế giới luân hồi rất dễ chịu, nhưng rất phù du ; không thèm muốn những thích
thú của thế gìới đó sẽ đem đến hạnh phúc thật sự.
Long Thọ có nói trong
Ratnàvali (1) như sau : « Bởi vì nếu ngươi càng khai thác đối tượng thích thú
của ngươi, nó lại đem đến càng ít thoả mãn hơn, cho nên khi biết được như thế,
đối với bất cứ đối tượng nào của sự thích thú, hãy tức khắc gạt bỏ nó đi ».
Cho đến đây các cách tu
tập của người Bồ-tát đã được nói đến chỉ thuộc lãnh vực của Bồ-đề tâm tương
đối. Bây giờ chúng ta sẽ nói đến Bồ-đề tâm tối thượng và bình giải về hai cách
thiền định : không gian như là một cách thiền định và ảo giác như một cách
thiền định.
Cách tu tập thứ hai
mươi hai
Tất cả mọi hiển hiện đều
do ảo giác của tâm thức tạo ra và chính tâm thức, từ những thời gian vô tận,
không hề có một
1- Ratnàvali : Bảo hành vương chính luân, một
trước tác của Bồ-tát Long Thọ (Long Thụ).
sự hiện hữu nội tại nào,
nó vượt ra ngoài hai thái cực của sự hiển hiện (trường cữu và hư vô) và vượt ra
ngoài mọi sự tạo tác. Hiểu được Bản thể ấy (Tathâtâ, Như Lai) và không hình
dung chủ thể và đối tượng như những hiện hữu thật, ấy là cách tu tập của những
người Bồ-tát.
Những người thuộc trường
phái Vijnânavâdin (1) cho rằng tất cả những gì hiển hiện đều là bản thể của tâm
thức (2). Nguyệt Xứng (Chandrakirti), thuộc Trung quán tông (Mâdhymika)
nói rằng : « Mỗi vật thể hiển hiện không hiện hữu bằng một bản thể độc
lập, nhưng phải xuyên qua sự quán thấy của tâm thức tương đối, và vì thế nên nó
không mang một sự hiện hữu tuyệt đối nào. Nếu mọi vật đều có một sự hiện hữu
nội tại thì khi ta càng khảo sát chúng và càng phân tích chúng, chúng phải càng
trở nên rõ rệt và chính xác, nhưng trên thực tế thay vì trở nên chính xác,
chúng lại hóa ra mù mờ khi khảo sát, chúng tàn lụi, và rốt cục ta không thể tìm
ra chúng nữa ». Điều ấy rốt lại không có nghĩa là chúng không hề hiện hữu, nếu
không thì chúng chẳng có thể tạo ra cho ta bất cứ một sự thích thú hay khổ đau
nào. Vậy chúng hiện hữu nhưng khi ta tìm kiếm bản thể thực của chúng, ta không
tìm thấy ; cái bản thể thực chống đỡ cho những hình tướng bên ngoài của chúng,
một sự hiện hữu hiển nhiên, độc lập, một sự hiện hữu như thế không có ; điều đó
chứng minh cho thấy mọi vật thể chỉ hiện hữu một cách tương đối, qua phóng ảnh
của tâm trí, và đồng thời chính thành phần tâm trí cũng có tính cách tương đối
nữa ; và sự kiện mọi vật thể hiển hiện như thật, một cách nội tại, là bằng
chứng cho thấy sự nhận biết của ta chỉ là một ảo giác.
Vị Đạt-Lai Lạt-Ma thư
VII có nói : « Những vật thể hiện ra trong tâm thức của một người đang ngủ chỉ
là những gì thuộc vào giấc mơ, đấy chỉ là những biểu hiện bên ngoài, dưới cái
vẽ bên ngoài ấy không có vật thể nào xác thực cả, chúng chỉ
1- Duy thức tông hay Duy thức học.
2- Vạn sự do tâm
tạo.
là những quán thấy do
thị giác của tâm thức. Cũng tương tợ như thế, ta và kẻ khác, Luân hồi và Niết
bàn chỉ là những chỉ định bằng danh xưng và bằng sự hiểu biết của ta mà thôi ;
chẳng hề có một sự hiện hữu nội tại nào, kể cả một hạt nguyên tử nhỏ nhất cũng
vậy ».
Mỗi hiện tượng đều có vẽ
hiện hữu thật trên cơ sở hình tướng bên ngoài của nó, nhưng thực sự nó không
hiện hữu giống như chúng ta đã thấy. Do đó, trong trường hợp một người ngủ mê
trong trong giấc ngủ của vô minh, những vật thể do sáu giác quan (1) nhận biết
chỉ có vẽ hiện hữu thật trên căn bản như sau … « Chúng xuất phát từ cái tâm
thức quỷ quyệt của ngươi đấy… ».
Đúng vậy, đó là cách
thức hiện hữu của tất cả mọi vật, nhưng đối với ta, vì vô minh đánh lừa, nên
mỗi vật hiện ra với ta bằng một sự hiện hữu thật, nhưng thực sự chúng chỉ hiện
hữu bằng tên gọi mà ta đặt cho chúng, dựa vào sự hiểu biết của ta đối với
chúng.
Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ
VII cũng có nói : « Như thế, dù cho là cái « tôi » hay bất cứ gì khác, sự hiện
hữu bằng một bản thể độc lập và tự tại của chúng là một thứ biểu hiện phát sinh
từ sự nhận biết sai lầm; đấy chính là đối tượng nhận biết tinh tế cần phải phủ
nhận, và nếu phủ nhận được nó thật không có gì quý giá hơn ».
Tất cả những hình tướng
bên ngoài, tinh khiết hay ô uế, chỉ hiện hữu bằng sự nhận biết thị giác của tâm
thức mà thôi, về phần chúng, chúng không trường tồn, cũng không độc lập, và
cũng thế, khi ta khảo sát tâm thức và tìm kiếm tâm thức, ta sẽ không thấy nó.
Tâm thức gồm chung trong sự « hiện hữu » và khi ta phân tích tâm thức ta thấy
có một sự kết hợp, đó là một giòng lưu chuyển những khoảnh khắc thởi gian của
tâm trí. Khi tôi nói rằng « cái tâm trí của tôi », cái tâm trí đó có vẽ rất
hiển nhiên, chính là nó, thật là nó. Nhưng khi đem ra phân tích nó ta
phải tách ra từng « khoảnh khắc thời gian » tạo ra nó.
1- Phật giáo xem tâm thức là giác quan thứ
sáu.
Vậy tâm thức không hiện
hữu như một thứ gì đồng nhất, nó cũng không phải một « tổng thể » tách rời khỏi
những thành phần (những khoảnh khắc thởi gian của tâm trí) và nhất định không
có một thành phần tổng hợp nào (những khoảnh khắc thời gian) đứng ra làm tổng
thể.
Sự tổng hợp (tâm trí «
của tôi », tức tâm thức) hiện hữu liên đới với những thành phần của nó
(những khoảnh khắc thời gian) nhưng ta không thể tìm ra bất cứ thứ gì đứng vững
để có thể làm đại diện cho cái tổng hợp ấy.
Từ những thời gian vô
tận, tâm thức tách rời khỏi hai thái cực là sự hiện hữu nội tại và tính cách
hoàn toàn phi-hiện-hữu. Vị trí của nó « vừa đúng » ở giữa để ta có thể
gọi nó là một thứ vô-ngã-hiện-hữu, cũng như Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thứ VII đã đề
cập về cơ bản của Luân hồi và Niết bàn, đấy chỉ là những phóng ảnh của tâm thức
mà thôi, những danh xưng do tâm thức tạo dựng. Luân hồi và Niết bàn cũng đều là
bản chất của tâm thức, và tâm thức chính nó cũng không sinh không diệt.
Sau đây là một đoạn
trích trong « Bài hát của người Đạo sư » : « Tôi là một người suy tư của
không gian không sinh khởi. Không có gì hiện hữu…không âm thanh, không hình
tướng…Tôi là một tên chúa nói láo đã nhìn thấy mọi dạng thể bên ngoài như một
trò ảo thuật. Kỳ diệu thay sự kết hợp giữa dạng thể bên ngoài và trống không.
Tôi đã nhìn thấy rõ sự thực của mọi hiện tượng tương liên, chúng không thể đánh
lừa tôi được nữa ».
Con người suy tư đó tự
cho mình là một tên chúa nói láo chỉ vì tất cả mọi vật thể hiển hiện ra với hắn
giống như có thật, nhưng đồng thời hắn lại thực hiện được sự quán nhận rằng
chúng không có thật.
Nếu mỗi vật thể đều hiện
hữu thật, trường tồn và độc lập, thì sẽ không thể có một sự mâu thuẫn nào tự
nơi chúng. Một gốc gây mang đầy hoa rực rỡ vào mùa xuân không thể trở thành
khẳng khiu, trơ trụi và không hoa lá. Nếu như vẽ đẹp của gốc cây hiện hữu một
cách nội tại thì nó không thể đẹp trong lúc này, sang lúc khác lại buồn thảm.
Đối với con người cũng thế, nếu trẻ đẹp hiện hữu thật, thì không thể trẻ và đẹp
rồi lại trở nên già và xấu xí. Nếu tâm thức vô minh và tội lỗi của chúng ta
hiện hữu một cách nội tại, thì nó sẽ không thể nào trở thành tâm thức của một
vị Phật. Nhưng thật sự tất cả đều biến đổi, đẹp và xấu, trẻ và già, tội lỗi và
đạo đức, điều ấy chứng tỏ chẳng có gì hiện hữu thật cả. Sự hiện hữu thật đòi
hỏi không được có một biến đổi nào trên cùng một cơ sở và cơ sở đó không mang
một nguyên nhân nào, một hậu quả nào. Thế mà ta vẫn thấy có nguyên nhân và hậu
quả, tốt và ích kỷ, đẹp và xấu xí, nhưng những thứ ấy chỉ có thể hiển hiện trên
những cơ sở không có sự hiện hữu thật. Từ đó, phát hiện một sự quán thấy «
tuyệt vời » : vô số hiện tượng đa dạng, tùy theo nguyên nhân và hoàn cảnh, đang
hiển hiện và đang biến đổi.
Bởi vì bản chất của vô
số hình tướng bên ngoài đều là Tánh không, nên chúng có thể hiển hiện dưới
nhiều dạng thể khác nhau. Điều này có nghĩa là Tánh không không hề phủ nhận
những hình tướng bên ngoài, và những hình tướng bên ngoài không bác bỏ Tánh
không.
Rất khó để thấu triệt,
nhưng phải tập tâm thức cho quen với sự thực hiện này ; đôi khi phải suy tư về
những hình tướng bên ngoài, đôi khi lại chuyển sang suy tư về Tánh không ; luôn
luôn cần phải giữ thăng bằng trong cách tu tập tâm linh và như thế mới có thể
hy vọng một ngày nào đó Tánh không và Hình tướng bên ngoài sẽ hiển hiện ra
trong tâm thức, cái này chống đỡ cho cái kia, đó là « sự tuyệt vời » mà một vị
Đạo sư đã từng nói đến, vị này viết ra bài hát mà tôi đã trích dẫn trên đây.
Nếu như các hình tướng
bên ngoài hiện hữu thật sự, nó phải có tính cách trường cữu, xác thực, độc lập.
Nhưng khi ta phân tích một cách rốt ráo, cách thức mà hình tướng bên ngoài hiện
ra một cách sinh động, đương nhiên và rõ ràng, sẽ bất thần bị xụp đổ, giống như
những vật chống đỡ cho nó bị gẫy nát ; sự quán thấy này xảy ra một cách thật
đột ngột, và chỉ còn lại phần sâu thẵm của tâm thức ; đấy là một sự xác thực
mới mẻ, rạng rỡ, và quả quyết. Chúng ta có thể « thề chắc như thế ». Vì vậy,
phải hiểu rằng ta chỉ nên buộc tâm thức ta vào sự biến mất của các vật thể một
cách thật nhẹ nhàng mà thôi ; nếu sự tập trung của ta chưa đủ mạnh, ta không thể
duy trì tâm thức lâu dài trong thể dạng đó, mà chỉ có thể giữ tâm thức tập
trung vào sự phủ nhận ấy trong một khoảnh khắc ngắn. Trong khoảnh khắc đó không
còn một sự biểu lộ nào khác có thể xảy ra được.
« Khi nhận biết được tất
cả các biểu hiện của chủ thể và đối tượng không còn được tâm thức nắm bắt nữa,
lúc đó sự thực hiện bản thể của Tánh không, sự phi-Quán-nhận sẽ trở thành sự
Quán-nhận tối thượng ».
Giữ cho tâm thức tập
trung vào sự phủ nhận ấy là một thể dạng được gọi là « thiền định giống như không
gian ».
« Ảo giác » là một đối
tượng của thiền định, nhưng thực ra là hậu-thiền-định. Đó là phương cách đúng
đắn để nhìn mọi hiện tượng.
Cách tu tập thứ hai
mươi ba
Khi ta tiếp xúc với một
vật thể hấp dẫn, hay bất cứ gì làm cho tâm thức ta thích thú, ta thấy nó đẹp và
rất thật, nhưng thật ra nó trống không như một cầu vồng giữa mùa hè. Gạt bỏ sự
bám níu vào vật ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Bản chất thật của những
dharma (1) là Shûnnyâta, tức
1- dharma : viết
thường (không viết hoa) có nghĩa là mọi hiện tượng. Dharma viết hoa có nghĩa là
Pháp hay Đạo Pháp. Thật sự hai chữ dharma và Dharma còn nhiều nghĩa khác nữa,
không tiện nêu hết ra đây.
Tánh không ; thực hiện
được Tánh không là cách tiếp nhận đúng thực các hiện tượng. Hiểu được Shûnyâta,
ta sẽ hiểu được cách thức hiện hữu duy nhất của tất cả mọi vật thể, và từ sự
kiện đó ta cũng sẽ nhận thấy rằng cách thức thông thường mà ta dùng để nhận
biết các vật thể chỉ là sự nói dối, một sự sai lầm. Khi ta thực hiện được tính
cách không chính xác trong sự quán nhận thông thường của ta về các hiện tượng,
ta sẽ hiểu được phải xử dụng chúng như thế nào và rồi ta không thể nào còn bị
chúng lừa phỉnh nữa. Khi ta đã thực hiện được Tánh không, không có nghĩa là ta
vứt bỏ những hình tướng bên ngoài ; giản dị là ta chỉ chấm dứt không chấp nhận
« cái nhìn » vô minh mà sự phóng đại của nó đưa tới sự hiện hữu thật của mọi
vật thể, kéo theo sự ghét bỏ hay sự bám níu. Trong trạng thái thiền định, ta
tìm kiếm Tánh không của một hiện tượng, ta tập trung tâm thức vào sự phủ nhận
vừa tìm thấy, và sau đó, ta lại thấy trở lại hình tướng bên ngoài của hiện
tượng đó, nhưng ta chỉ nắm bắt nó với tư cách là hình tướng bên ngoài mà thôi,
đồng thời ta vẫn ý thức thực sự nó là gì, và không còn một xúc cảm nào phát
sinh vì những khích động quá đáng của tâm thức áp đặt lên vật thể đó nữa.
Khi thấy một vật thể,
rất có thể ta nghĩ rằng nó đẹp, hoặc nhìn thấy hẳn hoi nó là đẹp ; nhưng nếu
hiểu được bản chất thực sự của nó, ta không để cho sự bám níu phát sinh. Trước
nhất khi ta thực hiện được Bản thể Thật của một hiện tượng, ta sẽ thấy hiện
tượng đó giống như « một cầu vồng trên bầu trời mùa hè », trống không về sự
hiện hữu nội tại. Điều ấy cho thấy một sự thay đổi lớn lao. Vật thể trước đây
hiện ra rất đẹp, và vẫn còn đẹp trên dạng thể bên ngoài của nó, nhưng chúng ta
biết rằng nó không thật và từ sự kiện đó ta không còn cảm thấy ham muốn quá độ
đối với nó nữa. Sự thèm khát muốn ôm chặt lấy vật thể đó bị xụp đổ, và khả năng
bám níu vào bất cứ thứ gì cũng đều tan biến theo ; chỉ vì tất cả mọi xúc cảm,
dù là bị khích động bởi thèm khát hay bởi ghét bỏ, đều luôn luôn đi kèm với vô
minh.
Trong tập « Bốn Trăm »
(1) có nói : « Vì chưng các giác quan đồng nhất với xác thân, nên sức mạnh của
vô minh luôn luôn bền vững bên trong ta ; như vậy chỉ có cách chiến thắng vô
minh mới có thể đánh ngã được mọi ảo giác ».
Khi nào một vật thể vẫn
còn khích động sự bám níu của ta, điều đó có nghĩa là ta vẫn chưa nhìn thấy Bản
thể Thật, và ta chỉ có thể « gạt bỏ » được sự bám níu đó bằng cách thực hiện
được Bản chất Thật của vật thể. Chính vào lúc ấy, chúng ta sẽ bất thần gở bỏ
được nó. Muốn thực hiện được việc ấy, trong giai đoạn đầu ta khởi sự dùng cách
lý luận dựa trên bình diện tương đối để tìm hiểu bản chất tương đối của vật thể
; trên bình diện tương đối này, vật thể chỉ có thể hiển hiện bằng sự tương liên
giữa nguyên nhân và điều kiện và sự kiện này cũng đã bắt đầu giúp ta «
tách xa » với vật thể ; sau đó, khi ta đã thực hiện được bản thể sâu kín và
tối hậu của nó, sự tháo gở của ta sẽ dễ dàng hơn và toàn vẹn hơn nữa. Những suy
tư trên đây rất khó, đem ra ứng dụng những suy tư ấy còn gay go hơn nữa ; như
tôi đã trình bày trước đây, phương pháp hiệu quả nhất để đi đến đích là cách
tập luyện luân phiên hai cách thiền định. Ta bắt đầu phân tích bằng phương pháp
biện chứng, bằng luận lý học, sự phân tích ấy đưa đến một sự hiểu biết quy ước
về bản thể của mọi dharma (hiện tượng).
Chỉ khi nào thực thi
thường xuyên được sự phân tích ấy, nhờ vào sự tập trung và chú tâm của một tâm
thức mềm dẽo từng được luyện tập bởi Samathâ (1), ta mới có thể thực hiện được
một cách minh bạch và chính xác bản chất sai lầm của tình trạng bám níu vào các
vật thể. Tình trạng sai lầm này sẽ vĩnh viễn xụp đổ, và sau những cố gắng
tập luyện lâu dài, sự
1- Có lẽ là Kinh Tứ
Bách Giới (?), bốn trăm giới. Trong Kinh Dược Sư cũng có nói đến việc người
Bồ-tát có bốn trăm giới phải tuân thủ.
2- Samathâ (còn
viết là Samatâ hay Samadhî) : tức là Chỉ, hay Chỉ quán. Có nghĩa là sự ngưng
lại, tắt đi, tức là dạng thể lặng yên không còn phân biệt của tâm thức.
thực hiện tối hậu sẽ đột
khởi một cách bất thần bằng thiền định.
Cách tu tập thứ hai
mươi bốn
Nhiều loại khổ đau,
chẳng hạn như những khổ đau gây ra từ cái chết của một đứa con trai duy nhất,
những khổ đau này xảy ra như trong một giấc mơ. Xem là thật những gì chỉ là
hình tướng lừa phỉnh bên ngoài sẽ làm mệt mỏi thân xác và tâm thức một cách vô
ích. Khi gặp những hoàn cảnh bất thuận lợi, tiếp xúc với chúng nhưng ta vẫn
nghĩ rằng chúng chỉ là những ảo giác, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Dù cho ta gặp những hoàn
cảnh thích thú hay bực mình, cứ xem chúng như những chuyện « hão huyền »
là một cách tu tập Đạo Pháp. Khi sự bất thiện cảm nổi lên đối với một người nào
đó hay một vật nào đó, hãy nhìn vào bản thể thật, tức Tánh không, của đối tượng
gây ra ác cảm, như thế sẽ giúp loại bỏ ác cảm đó. Sự ghét bỏ, khi đã mất đối
tượng, sẽ không thể tồn tại được, cũng như ngọn lửa không có củi sẽ không cháy
được nữa. Tiếp xúc với mọi vật bằng cách ấy là cách tu tập của những người
Bồ-tát.
Sau hết, còn phải liệt
kê những cách tu tập của những người Bồ-tát sau khi họ đã phát hiện được Bồ-đề
tâm. Tôi sẽ bình giải một cách ngắn gọn mà thôi :
Cách tu tập thứ hai
mươi lăm
Nếu một người nào đó ước
vọng đạt được Giác ngộ dù họ phải hy sinh cả thân xác họ, kiếp sống con người
quý báu của họ, thì có nghĩa lý gì những vật thể bên ngoài phải bỏ lại ? Vì thế
không cần chờ đợi phải được bù đắp hay được hưởng « quả do nghiệp » đưa đến, cứ
thực thi lòng hào phóng là một trong những đức tính của người Bồ-tát.
Chữ Dânapâramita (1) có
nghĩa là một tặng vật hoàn hảo, toàn diện. Có biết bao nhiêu câu chuyện liên
quan đến các kiếp sống của Phật, trong nhiều câu chuyện, Phật đã phải hy sinh cả
tánh mạng mình. Xá gì khi nói đến chuyện hy sinh sự an vui hay của cải, rõ ràng
chuyện ấy hết sức hiển nhiên. Thực thi Dâna (Bố thí) trong mục đích đạt được
một kiếp tái sinh giàu có theo ý nghĩa luân hồi hay để gây sự chú ý của kẻ khác
nhất định không phải là thực thi Dânapâramita (Bố thí ba-ma-mật). Tất cả nhắm
vào mục đích duy nhất là sự an vui của chúng sinh là cách tu tập của những
người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ hai
mươi sáu
Nếu, chỉ vì thiếu kỷ
cương đạo đức, ta không đạt được chủ đích thực hiện vẹn toàn những ước vọng của
kẻ khá, chủ đích của ta cũng chỉ là chuyện bông đùa không hơn không kém. Giữ
vững kỷ cương và ước nguyện, không vì mục đích tạm thời trong thế giới luân
hồi, nhưng để giúp đỡ tất cả chúng sinh, ấy là cách tu tập của những người
Bồ-tát.
Đạt được một kiếp sống
mới một kiếp sống « quý giá của con người » hay một kiếp sống của Déva (Thiên
nhân) đều
1- Dânapâramita : Bố thí ba-la-mật-đa.
tùy thuộc vào sự giữ gìn
nghiêm túc Shîla (Kỷ cương đạo đức). Với mục tiêu giúp đỡ kẻ khác, ta còn phải
tuân thủ Shîla nghiêm túc hơn nữa, bởi vì phải loại bỏ thật nhanh chóng không
những các đam mê thô thiển, mà cả đến những vết hằn (1) của chúng (trên giòng
tâm linh) nữa, và trên chiều hướng đó, người Bồ-tát còn phải chiến đấu gay go hơn
cả một người Shrâvaka (2). Người Bồ-tát chiến đấu, vì họ hiểu rằng muốn giúp đỡ
kẻ khác họ phải có một vị thế thích nghi, và vị thế thích nghi chỉ có thể đạt
được nhờ vào một « kiếp sống quý giá của con người », và kỷ cương của một kiếp
sống trước càng nghiêm túc thì kiếp sống kế tiếp sẽ càng thích nghi hơn và trở
thành một khí cụ càng hoàn hảo hơn để tu tập Đạo Pháp trong mục đích giúp đỡ
chúng sinh. Shîlapâramita (3) (kỷ cương hoàn hảo nhất) là những gì phải tuân
thủ trước tiên trong mục tiêu đạt được Phật tính để có thể giúp đỡ tất cả chúng
sinh.
Cách tu tập thứ hai
mươi bẩy
Trong trường hợp một
người Con Phật ước nguyện đạt được thật nhiều xứng đáng về đạo hạnh, tất cả
những nghịch cảnh sẽ trở thành một kho tàng quý giá, vì nghịch cảnh đòi hỏi
phải tập luyện về Kshânti (4) (sự nhẫn nhục). Hoàn toàn giữ được nhẫn nhục,
không bực tức, không cảm thấy oán hận bất cứ ai, ấy là cách tu tập của những
người Bồ-tát.
1- Tức là
nghiệp.
2- Shrâvaka : là
người nghe, còn gọi là Thanh văn, có nghĩa là người nghe Pháp mà ngộ Đạo.
3- Shîlapâramita
: Giới luật Ba-la-mật-đa.
4- Kshânti :
Nhẫn, nhẫn nhục, là một trong mười Hạnh Ba-la-mật.
Kshânti là một trong
những cách tập luyện khó khăn nhất của người Bồ-tát, nhưng lại rất chủ yếu. Sự
nhẫn nhục phải đem ra thực thi trong tất cả mọi hoàn cảnh làm ta phật ý hay đau
đớn, dù chúng nhỏ nhoi, trung bình hay quan trọng. Nếu một người thuộc cấp trên
của ta làm ta bực bội, ta « bắt buộc » phải nhẫn nhục, và thái độ ấy, trên bình
diện vừa kể, không có giá trị đáng kể. Nhẫn nhục trong bất cứ một trường hợp
nào, bằng cách hiểu rằng chẳng qua là do nghiệp của ta và do chính vì tâm thức
ta tạo ra tình huống đó mới đúng là sự nhẫn nhục thật sự (Kshântiparamita) của
những người Bồ-tát.
Cách tu tập thứ hai mươi
tám
Ngay cả những vị
Pratsyeka Bouddha (1) và các vị Shrâvaka (Thanh văn), chỉ liên hệ đến sự giải
thoát cho chính mình, nhưng đã phát huy được những cố gắng lớn lao để đạt được
Vîrya (2) (nghị lực). Luyện tập hoàn hảo về nghị lực, cội nguồn của mọi phẩm
tính, vì sự lợi ích của tất cả chúng sinh, ấy là cách tu tập của những người
Bồ-tát.
Vîrya, cố gắng, kiên
trì, nghị lực, là cội nguồn và là động cơ của tất cả mọi phẩm tính khác. Trong
các Kinh sách cũng có nói rằng những cố gắng của những vị Pratyeka
(Bách-chi-ca) và Shrâvaka (Thanh văn) dùng để đạt giác ngộ có thể so sánh với
cố gắng của « những người đang lo dập tắt hỏa hoạn đang cháy ngay trên đỉnh đầu
của họ ».
1- Pratsyeka-Bouddha : dịch âm là Bách-chi-ca
Phật-đà, viết tắt Bách-chi Phật, còn gọi là Độc giác Phật vì đã đạt được Phật
quả do chính mình chứng ngộ.
2- Vîrya : Tinh
tiến, có nghĩa là ý chí, năng lực, nghị lực. Tinh tiến là yếu tố thứ sáu trong
Bát chánh đạo.
Cách tu tập thứ hai
mươi chín
Khi hiểu rằng sự kết hợp
giữa Vipâsyanâ (Quán) và Samatâ (Định) sẽ làm tiêu hũy các klesha (đam mê,
chướng ngại), thiền định về Dhyâna (Thiền), vượt qua lãnh vực của bốn vòm
cầu
(1) là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Vipâsyanâ, tiếng Tây
tạng là Lhag thong, là sự Quán thấy sâu xa, đó là những gì mà người thiền định
tìm kiếm và thực hiện Tánh không của mọi hiện tượng ; Samatâ, tiếng Tây tạng là
Shi nay, là sự tập trung bình lặng của tâm thức vào một điểm ; sự phối hợp cả
hai là cách tu tập Dhyâna, và cũng là phương pháp hữu hiệu để phá tan ảo giác.
Để có thể nhổ bỏ « tận gốc Luân hồi » đi đến Phật tính, phải tập luyện Dhyâna.
Có bốn thứ Dhyâna trong cấp bậc luân hồi, nhưng phần giải thích vượt quá xa
khuôn khổ nói chuyện hôm nay.
Cách tu tập thứ ba mươi
Thiếu Prajnâ (Trí tuệ
hay Bát-nhã), năm thứ đạo đức kể ra trên đây không thể gọi là Pâramita (tuyệt
vời, hoàn hảo) và sẽ không đủ khả năng đưa ta đến Phật tính. Đạt được sự Quán
thấy đúng đắn nhận biết người đang thực thi hành vi và người thọ lảnh hành vi
ấy, cả hai không có sự hiện hữu nội tại nào cả, ấy là cách tu tập của những
người Bồ-tát.
Người ta không thể tách
rời cách tu tập về Prajnâ (sự Quán nhận đúng) và các cách tu tập Pâramita
(Bát-nhã-ba-la-
1- Có lẽ đây là Tứ
Chủng Địa (?).
mật-đa). Muốn đạt được
Phật tính, cần phải có trí tuệ để nhìn thấy sự phi hiện hữu của người bố thí,
vật bố thí, người được bố thí, chủ thể, đối tượng và cả tác nhân trung gian
giữa chủ thể và đối tượng. Khi ta thực thi Pâramita nhưng vẫn còn mang khái
niệm về sự hiện hữu thật thì lúc ấy ta vẫn còn chìm đắm trong vô minh. Ai thực
thi ? Ta thực thi cái gì ? Vì người nào ta thực thi ? Đó là những câu hỏi ta
phải đặt ra và ta phải đủ sức trả lời rằng : không chủ thể, không đối tượng.
Cách tu tập thư ba
mươi mốt
Không chịu phân tích
hành động của ta và tình cảm của ta tức là cách trợ giúp cho đam mê sinh khởi
thêm. Hãy xem xét những sai lầm và những lầm lỗi của ta để dứt khoát tránh khỏi
không vi phạm vào những sai lầm và lầm lỗi như thế, ấy là cách tu tập của những
người Bồ-tát.
Chú tâm rất quan trọng :
ta phải giữ luôn luôn trong tình trạng « báo động », chú tâm vào hành vi, phản
ứng, và hạnh kiểm của ta, để có thể « kip thời lèo lái ». Chính sức mạnh của sự
chú tâm và lòng nhiệt tình sẽ chứng tỏ cho thầy rằng ta có tu tập đúng theo Đạo
Pháp Đại thừa hay chăng ? Hãy luôn luôn canh chừng « ba cánh cửa » : thân,
khẩu, ý.
Cách tu tập thứ ba
mươi hai
Không bao giờ nên chỉ
trích kẻ khác và không bao giờ nên nói đến những sai lầm của những ai trên Con
Đường Đại thừa có thể phạm vào, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Nếu ta cứ nhìn vào những
lỗi lầm của kẻ khác, ta sẽ xem nhẹ những lỗi lầm của ta. Thật rõ ràng, ngoài
tất cả những xúc cảm nhiệt tình, trong sáng và yêu thương, ta vẫn có cách làm
cho người khác chú ý đến những lỗi lầm của họ. Nhưng khi ta đã bước vào con
đường Đại thừa, tinh thần chỉ trích phải hoàn toàn loại bỏ. Ta chỉ nên nhìn vào
dạng thể bên ngoài của sinh linh và không nên chú ý đến động cơ bên trong thúc
đẩy họ. Thế giới này có nhiều Bồ-tát, nhưng chúng ta không biết họ ở đâu và họ
là ai, và nếu như chúng ta chỉ trích họ, chúng ta sẽ vướng vào một lỗi lầm
lớn. Đối với những người bình thường, phán đoán họ cũng là một điều không
phải. Như vi Đạt-Lai Lạt-Ma thứ I đã nói :
« Ta phải luôn luôn ghi
nhớ trong tâm thức sự tử tế của kẻ khác đối với ta, dù đấy chỉ là một cử chỉ vô
tình đi nữa, và phải tập cho tâm thức quen với cách nhìn trong sáng như thế,
nhất là đối với những người đã tu tập Đạo Pháp. Ta phải tập chiến thắng những
ảo giác của chính ta hơn là những ảo giác mà ta « tin rằng » đã trông thấy ở
người khác ».
Ta phải liên tục huấn
luyện tâm thức để có cái nhìn đúng đắn như trên đây khi bắt đầu tu tập Đạo Pháp
Đại thừa. Trước hết phải tránh không chỉ trích các chi phái khác thuộc Đạo Pháp
Đại thừa. Các vị thầy thuộc các truyền thống khác đang và đã từng là những vị
Thầy lỗi lạc. Nếu họ gia nhập những trường phái khác hơn là trường phái của ta
có nghĩa là họ có những lý do vững chắc và vì lợi ích cho tất cả chúng sinh,
đúng như Đức Phật đã tiên tri. Tất cả mọi chỉ trích dù là nhẹ nhàng đều đưa đến
hung hãn và có thể suy thoái để hoá thành một cuộc chiến, và lỗi lầm xuất phát
từ đó sẽ trở nên nghiêm trọng hơn, nghiêm trọng vì chúng liên hệ đến cả Đạo
Pháp.
Cách tu tập thứ ba
mươi ba
Để được mọi người cúng
dường và kính nể, ta ganh đua chiến đấu không màng đến việc chú tâm tu học; suy
tư của ta sẽ bị suy giảm. Hãy gạt bỏ mọi bám níu vào những vật hiến dâng của
những người suy tôn ta, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Điều trên đây dành cho
các nhà sư nhiều hơn. Nhiều vị thầy trong quá khứ đã từng là những người lỗi
lạc, nhưng mặt khác họ lại phạm vào những loại sai lầm như thế, vì họ đã liên
lụy vào những chuyện thế tục. Nếu ta buộc phải duy trì sự liên hệ với gia đình
và bạn hữu, và nếu ta chưa có thể bỏ hẳn gia sản của ta, thì ta cũng phải tránh
xa những thứ ấy một cách thanh thản.
Cách tu tập thứ ba
mươi bốn
Những ngôn từ nặng nề
làm cho tâm thức kẻ khác phải giao động, và sự tu tập của ta cũng chịu ảnh
hưởng. Hãy bỏ hết tất cả những ngôn từ thô lỗ, kém thanh nhã, những lời nói
nặng nề và nhảm nhí vô bổ, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Mỗi người phải cẩn thận
về điều này. Tất cả mọi cuộc bút chiến bất cứ là loại gì đều nên tránh và nhất
là khi nhân danh tôn giáo. Ta phải tránh đừng để bị thu hút bởi những bàn cải
vô ích thuộc vào các chủ đề liên hệ đến các trường phái, các giáo lý và các
giáo phái khác nhau. Sự say mê dành cho những việc đó chỉ là những ảo giác mà
thôi, chúng sẽ tiếp tục kéo thêm những ảo giác khác và rồi ta không thể nào
ngăn chận được sự xâm lăng của chúng. Trước cảnh buông thả không kiểm soát được
ngôn từ, thì sự chú tâm của một tâm linh tỉnh thức là liều thuốc hóa
giải.
Cách tu tập thứ ba
mươi lăm
Vì đã quen hành động dưới
sự chi phối của đam mê, nên việc loại trừ chúng sẽ đòi hỏi những cố gắng lớn
lao. Chú tâm canh chừng những sức mạnh đối nghịch chính là khí giới có thể dùng
để đẩy lui chúng tức khắc. Tóm lại : dù ta đang làm gì, trong bất cứ hoàn cảnh
nào hay điều kiện nào, phải luôn luôn chú tâm vào tình thế phải gặp và những
phản ứng mà tình thế ấy có thể gây ra trong tâm thức ta ; thực hành được như
thế, kèm thêm sự trau dồi hạnh kiểm, ấy là cách tu tập của những người Bồ-tát.
Càng cẩn thận càng hay,
không bao giờ nên tiếp nhận những sức mạnh đối nghịch, vì rất khó để tháo gở
chúng. Nếu lửa bắt cháy trong một khu rừng khô, thì phải dập tắt ngay, nếu
không hoả hoạn nguy hiểm có thể xảy ra ; cũng thế khi thấy một mạch nước nhỏ
đang chảy vào một chỗ bất thường, phải chận nó lại trước khi cơn lụt lan tràn.
Giống như một người lính đứng canh tại một tiền đồn trống trải trước mặt, ta
phải thận trọng đừng để phạm vào một « lỗi lầm » nhỏ nào hiện ra trước lối vào
của ba ngưỡng cửa của ta. « Tôi xin luôn luôn được tránh khỏi lỗi lầm vì quá
quan tâm đến tám nguyên tắc của thế tục. Vì nhận thức được rằng tất cả
mọi dharma (vật thể) đều là ảo giác, tôi xin từ bỏ mọi bám níu, và xin cho tôi
được giải thoát khỏi sự nô lệ của chúng ! ».
Tịch thiên (Shântideva)
có viết trong Kinh Bodhicharyâvatàra (Nhập Bồ-đề hành Kinh) như sau : « Chắp
hai tay tôi xin khẩn cầu bạn, phải cố tỉnh thức và chú tâm trong tất cả các
hành vi ». Bằng cách chắp hai tay có nghĩa là lời khản cầu rất cấp bách. Nếu
biết tuân theo lời khuyên ấy, tư cách của ta có thể trở thành quý giá như một
lễ vật cúng dường, kể cả những hành vi xứng đáng và cả hạnh phúc của ta, ta đem
hiến dâng cho tất cả chúng sinh, cho tất cả những « người mẹ của ta trong thế
giới luân hồi ». Ta phải là kẻ phục vụ, một bầy tôi trung thành của tất cả
chúng sinh, không còn gì cao hơn thế nữa, đấy chính là cách tu tập toàn diện
của những người Bồ-tát.
Gedun Drup, là vị
Đạt-Lai Lạt-Ma thứ I, vào cuối cuộc đời, ông thường đau yếu và mỏi mệt, một hôm
ông cảm thấy hơi sa sút tinh thần. Một người đồ đệ liền nói với ông : « Xin
ngài đừng chán nãn, ngài có nhớ lại là Phật Cồ-đàm đã tiên tri rằng sau kiếp
sống này ngài sẽ lên cõi trời Tushita (1) ». Gedun
Drup trả lời rằng : « Ta
không có một chút ý định nào lên cõi trời Tushita ; trái lại hết kiếp này đến
kiếp khác, ta chỉ muốn được làm thân con người trong thế giới không hoàn thiện
này để giúp đỡ tất cả mọi chúng sinh ». Đấy chính là ngôn từ của người Bồ-tát,
và lời nói quý giá ấy đã tóm tắt tất cả lý tưởng của Đại thừa.
Cách tu tập thứ ba
mươi sáu
Hồi hướng tất cả những
điều xứng đáng thu hoạch được từ những cố gắng nhắm vào việc đạt đến Phật tính
và Giác ngộ bằng Trí tuệ Quán nhận về Tánh không của ba vòm cầu hành vi,
trong mục đích hoá giải mọi khổ đau của vô số chúng sinh, ấy là cách tu tập của
những người Bồ-tát.
1- Tushita : cung trời Đâu-suất.
Vậy, những cố gắng của
ta không bao giờ nên hồi hướng cho một đối tượng thuộc thế gian này, cũng không
hồi hướng cho mục tiêu đạt đến Giác ngộ cho chính ta, nhưng hồi hướng cho mục
đích duy nhất đạt được Phật tính bằng cách Quán nhận sự phi-hiện-hữu tự tại nơi
mọi hiện tượng, trong mục đích cứu giúp tất cả chúng sinh ra khỏi khổ đau.
Cách tu tập thứ ba
mươi bẩy
Cách tu tập thứ ba mươi
bẩy này là những lời giải thích của vị Lạt-Ma Thogs-med bzang-po liên quan đến
tác phẩm của ông, và cũng là những lời hồi hướng của ông :
Dựa vào những lời giảng
huấn trong các Kinh sách Sû-tra, Tan-tra, và Shâs-tra tôi đã tom góp góp để
viết thành ba mươi bẩy cách tu tập này cho các người Con Phật xử dụng và
vì lợi ích cho những ai muốn bước theo con đường của họ.
Vì sự hiểu biết yếu kém
và kiến thức ít ỏi của tôi, nên trước tác này thiếu hẳn thi tính và ngôn từ
bóng bẩy có thể làm cho những học giả thích thú, nhưng vì những lời giảng huấn
này dựa một cách trung thực vào những Sû-tra của Người Tối Thượng, nên tôi tin
rằng nó có thể nêu lên cách tu tập cho những người Bồ-tát đã thoát khỏi mọi sai
lầm.
Nhưng vì hạnh kiểm bao
la của những người Bồ-tát hết sức khó cho một người còn thuộc vào trình độ vô
minh như tôi thấu triệt và thực hiện ; vì thế tôi xin những Người Tối thượng
hãy thực thi sự nhẫn nhục của các Ngài đối với tôi để tha thứ cho tôi những gì
không chính xác, những gì mâu thuẫn và những gì không hợp lý có thể chen
vào văn bản.
Cầu mong với những xứng
đáng tôi gặt hái được trong những cố gắng này, cũng với sức mạnh của hai Bồ-đề
tâm là sự Tương đối và Tối hậu, xin cho tất cả mọi chúng sinh được biến thành
như Quán-thế-âm Bồ-tát, thoát ra khỏi những biên giới của Luân hồi và của Niết
bàn,
Bằng cách trên đây và
cũng theo truyền thống, vị Đạo sư Thogs-med bzang-po hồi hướng những xứng đáng
của ông, để cầu mong cho tất cả chúng sinh, khi đã phát huy được hai Bồ-đề tâm
có thể tự giải thoát khỏi Luân hồi bằng sức mạnh của Bồ-đề tâm Tối thượng, ấy
là tâm thức thực hiện được Tánh không, và cũng cầu mong nhờ vào sức mạnh của
Bồ-đề tâm Tương đối, tức tâm thức của yêu thương và lòng từ bi, tất cả chúng
sinh cũng đều đạt được Phật tính, giác ngộ một cách vẹn toàn như chính
Quán-thế-âm Bồ-tát.