Năm 1974, hơn một trăm
ngàn người Tây tạng sống rải rác tại nhiều nơi như Ấn độ, Népal, Sikkim,
Bhutan…và cả ở Âu châu và Mỹ châu đã đi hành hương tại Bô-đề Đạo-tràng (Bodh
Gaya), nơi Phật đắc Đạo, và tụ họp với nhau để nghe Đức Đạt-Lai Lạt-Ma thuyết
giảng. Cũng có vài người Tây phương đến nghe, trong số này có hai người Pháp là
Georges Dreyfus và Anne Andermet. Họ được Đức Đạt-Lai Lạt-Ma cho phép thu băng
suốt ba ngày thuyết giảng của Ngài. Sau đó họ đã chuyển ngữ sang tiếng Pháp với
sư giúp sức chủ yếu của Gonsar Tulku. Những lời thuyết giảng này được gom lại
trong phần một của sách và sách đã được xuất bản lần đầu năm 1976.
Chủ đề của phần một là
Bồ-đề tâm, tức Bodhichitta. Nghĩa từ chương của chữ Bodhichitta là Tâm linh
Tỉnh thức hay Tâm linh Giác ngộ, tức là một tâm linh mang quyết tâm trở thành
Phật trong mục đích cứu giúp tất cả chúng sinh thoát ra khỏi thể dạng luân hồi,
đạt đến Giác ngộ và Giải thoát toàn vẹn.
Bài thuyết giảng của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma dựa vào một văn bản do một vị Lạt-Ma Tây tạng, tên là Thogs-med
bzang-po trước tác, gồm 37 tiết thơ. Vị Lạt-Ma Thogs-med bzang-po sống trên
trăm tuổi (1245-1369), đã sáng tác văn bản này khi ẩn cư trong một hang động
trên Hy-Mã-Lạp-Sơn, gần thành phố dNgul-chuhirinchen.
Phần thứ hai của sách là
một bài viết của Đức Đạt-Lai Lạt-Ma về một chủ đề chính yếu của trường phái
Trung đạo (Madyamika), phản ảnh tư tưởng của Bồ-tát Long Thọ (Nâgârjuna), một
đại luận sư Phật giao sống vào cuối thế kỷ thứ I sang thế kỷ thứ II. Những tư
tưởng của Ngài Long Thọ sau đó được Ngài Nguyệt Xứng (Chandrakìrti) triển khai
và luận giải qua truyền thống của học phái Cụ-duyên tông (Prasangika). Chủ đề
này giải thích về Tánh không của mọi vật thể và mọi hiện tượng, cho thấy chúng
không phải không hiện hữu nhưng cũng không hề hiện hữu một cách tự tại, trường
tồn và bất biến. Đây là một trong những luận thuyết then chốt, đặc thù và cao
thâm nhất trong Phật giáo. Phần thứ hai của sách khá nặng về lý thuyết và Luận
lý học, có vẽ như độc lập với phần thứ nhất, vì phần thứ nhất có tính cách thực
tiễn hơn, nhấn mạnh nhiều hơn về tu tập tâm linh và thực hành. Nhưng đúng ra
phần thứ hai trình bày một giai đoạn tiếp nối hợp lý và liên tục với phần thứ
nhất trên con đường tu tập, đó là một cấp bậc tối thượng đòi hỏi nhiều đến phần
trí tuệ và suy tư, tức là thiền định.
Ta không sinh ra là một
người phật giáo, ta sinh ra là một chúng sinh như tất cả những chúng sinh khác.
Phật cũng từng là một chúng sinh như ta. Ta là một chúng sinh trước đã và sau
đó ta có thể trở thành một người phật giáo. Ta không trở thành một người phật
giáo bằng sự ép buộc hay thói quen của gia đình, bằng truyền thống của một dân
tộc, bằng phép lạ hay nghi lễ, bằng sự mua chuộc hay dụ dỗ, bằng ân đức của
người khác ban cho ta. Ta cũng không trở thành một người phật giáo bằng lời nói
hay bằng một sự tự nguyện đơn giản. Ta trở thành một người phật giáo bằng quyết
tâm và cố gắng liên tục để biến cải chính tâm linh của ta. Ta trở thành
người phật giáo bằng tu tập và suy tư lâu dài không ngưng nghỉ. Ta trở thành
người phật giáo khi ta đã ý thức được ý nghĩa sự sống của chính ta là gì, bản
chất của thế giới này là gì và trọng trách của chính ta đối với tất cả những
chúng sinh khác là gì.
Quyển sách nhỏ bé này,
ghi chép lại những lời khuyên thiết thực, thâm sâu và trong sáng của Đức
Đạt-Lai Lạt-Ma, chỉ cho ta cách tu tập giúp biến cải tâm linh ta, biến ta thành
một con người cao cả hơn, đạt đuợc nhiều khả năng hơn, trong mục đích giúp đỡ
tất cả chúng sinh để cùng nhau bước vào con đường Giác ngộ và Giải thoát.
Tôi xin chân thành cảm
tạ Văn phòng Đức Đạt-Lai Lạt-Ma và nhà xuất bản Albin Michel đã cho phép tôi
dịch quyển sách này. Tôi cầu mong rằng công việc dịch thuật của tôi, tuy vụng
về, cũng có thể góp công một phần nhỏ bé nào đó, cùng với cố gắng chung của tất
cả những người khác nữa, trong ước vọng đem đến một xã hội nói riêng, và một
thế giới nói chung, ít khổ đau hơn, ít hận thù hơn, nhưng an bình, hạnh phúc và
cao cả hơn.
Hoang Phong