15/09/2010 13:56 (GMT+7)
Số lượt xem: 5106
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

 chư Bụt có ra đời hay không thì nó vẫn là sự thật hiển nhiên trong sự sống.Tứ diệu đế là giáo lý căn bản, là nền tảng của ngôi nhà Phật Pháp. Nó là cốt tủy của đạo Bụt, là nguyên tắc chỉ đạo. Tứ diệu đế là sự thật ngàn đời muôn thuở, cho dù


      Tứ diệu đế tiếng Phạn gọi là ‘catvary aryasatyami’ nghĩa là bốn sự thật vi diệu, bốn sự thật mầu nhiệm, bốn sự thật cao quí, gồm có khổ đế (dukkha), tập đế (samudaya), diệt đế (nirodha) và đạo đế (magga).

        Chúng ta hãy cùng nhau học hỏi và nghiên cứu về bốn sự thật để có thể khám phá ra những cái thấy mới mẻ và xác thật. Cống hiến những phương pháp hành trì thực tiễn có công năng đáp ứng với những vấn đề hạnh phúc và khổ đau đang xảy ra trong thời đại của chúng ta.

       Ta học tứ diệu đế theo cách khám phá và bào chế thuốc men của ngành y khoa để có thể điều trị và chữa lành được những cơn bệnh hiểm nghèo của thời đại như ung thư, tiểu đường, lao, cùi, trầm cảm, nóng giận, tham đắm, hận thù, bất công, chiến tranh… Trong thời của đức Thế Tôn, khoa sinh sản chưa được phát triển về các phương diện kỹ thuật, thuốc men, vệ sinh, ngăn ngừa vi khuẩn, trừ khử vi trùng cho nên việc sinh con tạo ra thật nhiều đau nhức, khổ sở, có lúc chết cả mẹ lẫn con. Bởi thế, Bụt nói: “Sinh là khổ”. Nhưng trong thời đại của chúng ta, khoa sinh sản đã tiến bộ rất xa, có những phương pháp mổ xẻ, có những loại thuốc giảm đau, có những phương cách vệ sinh tinh xảo giúp cho việc sinh con của các bà mẹ bớt đi rất nhiều đau nhức, khổ sở, khó khăn và chết chóc so với ngày xưa. Số lượng thiệt mạng do khó sinh, vi khuẩn, nhiễm trùng xuống rất thấp gần như không còn nữa. Đó là nhờ vào sự giữ gìn, bảo hộ của những phương tiện vệ sinh, thuốc men và kỹ thuật sinh sản. Cho nên, ta có thể nói “sinh không còn đau khổ như thời xưa.” Tuy vậy, chúng ta có rất nhiều vấn đề khó khăn và khổ đau cần phải được quan tâm như ô nhiễm môi trường, chiến tranh, khủng bố, phá thai, xì ke, ma túy, rác rến, dân mãn, cờ bạc, bệnh xi đa…

        Tuy nhiên, thời đại nào con người cũng có những nỗi khổ do hờn giận, ganh tỵ, sợ hãi, hiểu lầm, kỳ thị… biểu hiện ra từ trong chiều sâu tâm thức. Bởi vậy, sự thật thứ nhất là khổ đế có nguồn gốc sâu đậm trong tâm khảm của mỗi người. Do đó, con đường khám phá về bản chất của tứ diệu đế cũng là cơ hội khai mở kho tàng bí mật ngàn đời của tâm thức để hiểu rõ nguồn gốc của khổ lạc, ghét thương, mê ngộ, giải thoát và luân hồi.        

       Bản chất và nguyên tắc hành trì của tứ diệu đế là sự thật muôn đời. Nhưng cách trình bày, sự hiểu biết và những khám phá về giáo lý này phải được cụ thể hóa cho phù hợp với những vấn đề trong các lĩnh vực thân tâm, gia đình và xã hội. Nhờ vậy, giáo lý này vẫn còn là gia tài quí báu, có công năng làm đẹp sự sống của con người hiện thời và mãi về sau.

 

Hoa thơm nở trên rác bẩn

 

        Trước khi đi sâu vào giáo lý bốn sự thật vi diệu, ta hãy thử nhìn vào những đặc tính thiết yếu của giáo lý này để hiểu thêm tầm quan trọng và sâu sắc của nó.

         Đặc tính thứ nhất là tính tương tức và cái nhìn nhất quán của tứ diệu đế, nghĩa là bốn sự thật liên hệ mật thiết với nhau. Ta không thể nào tách rời khổ đế ra ngoài tập đế, diệt đế và đạo đế. Sự thật về khổ đau luôn luôn chứa đựng sự thật về nguyên nhân của khổ đau, sự vắng mặt của khổ đau và con đường đưa tới sự chấm dứt của khổ đau. Không thể nào có khổ đau mà không có nguyên nhân của nó. Chính vì thế, ta mới có cơ hội chấm dứt được những nguyên nhân ấy bằng nhiều con đường, trong đó có con đường của tám sự hành trì chân chánh. Cho nên, ta có thể nói rằng tứ diệu đế là tiếng nói của niềm tin, tiếng nói của hy vọng: khổ đau có thể trở thành an lạc, giận hờn có thể trở thành thương yêu, nghèo đói có thể chuyển thành thịnh vượng, chiến tranh có thể trở thành hòa bình… Điều này cũng đúng với trường hợp của tập đế, diệt đế và đạo đế. Tức là sự thật về con đường (đạo đế) luôn đưa tới sự chấm dứt nguyên nhân của khổ đau, chuyển hóa phiền muộn để trở thành an vui, tự do và hạnh phúc. Nếu con đường ấy là trộm cướp, giết người, lừa gạt, tà dâm, cờ bạc, rượu chè…cốt chỉ đưa tới đau khổ, bất an, thù hận, tù tội thì đó không phải là đạo đế. Đó là những con đường xấu ác gọi là tà đạo ngược lại với chánh đạo.

       Có một số người chưa hiểu hết chiều sâu của tứ diệu đế nên trình bày và diễn thuyết nó như là giáo lý chỉ nói về đau khổ. Cuộc đời là đau khổ, tình yêu là bi lụy, có thân thể nên có đau nhức, vợ con là oan gia nghiệp báo, nguồn gốc của khổ đau… Suy tư như thế, người ta vô tình phủ lên sự sống vốn chứa đựng đầy ắp thương yêu và hạnh phúc một màu đen u ám, tối tăm và chán chường. Trong khi đó, sự sống rất là mầu nhiệm như trời xanh, mây trắng, nắng mai, mưa chiều, chim ca, hoa nở, trẻ thơ, hòa bình, an vui, tình yêu, lý tưởng… Vợ chồng, con cái không phải là oan gia nghiệp báo mà là một nhân duyên hội ngộ tuyệt vời để tiếp nối dòng dõi tổ tông. Con cái là món quà vô giá mà vũ trụ, cha mẹ, ông bà và tổ tiên đã trao tặng cho ta. Thế thì, tại sao ta lại bảo chúng là oan gia nghiệp báo?

         Theo cái nhìn của di truyền học, con cái là sự tiếp nối của cha mẹ, ông bà và tổ tiên. Sức sống về tài năng, kinh nghiệm, hoài bão, tình thương và sự hiểu biết của bao nhiêu thế hệ tổ tiên trong quá khứ được trao truyền lại cho con cái. Vì vậy, con cái không phải là món quà quý giá thì còn là gì nữa? Vợ của anh cũng thế, từ thuở ban đầu cô ấy đã trao cho anh một tình yêu trong sáng, nồng nàn và tha thiết. Nàng hy sinh cả một đời người để sinh con, nuôi con, làm lụng tảo tần, xây dựng cho anh một gia đình dễ thương và gương mẫu. Vậy mà mỗi khi đau khổ hay buồn giận thì anh thường than rằng: “vợ là oan gia, cửa nhà là nghiệp báo.” Thật là cái nhìn thiếu trí tuệ và không sáng suốt. Tóm lại, tất cả những yếu tố trong sự sống luôn luôn nuôi dưỡng, yểm trợ và che chở cho ta. Ta hãy nên trân quí sự sống mà đừng bị một tín ngưỡng sai lầm hay một cái nhìn thành kiến nào làm mất đi niềm vui sống và kính thương đối với cuộc đời. Như thế, cuộc đời đau khổ hay không đều tùy thuộc rất nhiều vào cái nhìn và thái độ sống của ta.

        Tuy nhiên, khổ đau là một bài học, là một cơ hội quán chiếu để thấy rõ ràng nguyên nhân của nó thì tự nhiên ta cũng tìm thấy được con đường đưa tới an lạc và thảnh thơi. Chiến tranh Việt Nam đã gây ra thật nhiều thù hận, tan thương và chết chóc cho toàn thể đồng bào. Nó in lại sâu đậm trong tâm hồn người Việt những vết đau thương ngàn đời. Cho nên hiện giờ bất cứ người Việt ở trong nước cũng như ở ngoài nước đều đã nếm được bài học đau thương ấy. Chúng ta phải làm đủ mọi cách đừng bao giờ tạo ra một cuộc chiến tranh như thế trên quê hương yêu dấu. Ta hãy mở lòng ra để ca ngợi hòa bình. Hãy thử đọc một bản nhạc của Trịnh Công Sơn về nét đẹp của hòa bình.

“Đường sóng gió đã qua đi

Đường hòa bình đã đến rồi

Năm hai ngàn ta đi tới

Đường tương lai quanh ta rộng lối

Đường bão tố đã qua đi

Đường hòa bình đã sáng ngời

Những con đường còn đi mãi

Đường thênh thang dưới chân người…”[1] 

        Hòa bình là bình an và hòa điệu. Có sự hòa điệu giữa con người với con người, giữa con người với mọi loài và thiên nhiên thì mới có hòa bình thật sự. Nếu không có sự hòa điệu này thì dễ đưa tới việc tranh giành, khai thác, lợi dụng trong đời sống tạo ra sự bất an, hổn loạn, chiến tranh và hận thù.

        Chặt cây, đốn rừng và phá núi đưa tới lụt lội hoặc hạn hán, làm hư hại nhà cửa, ruộng vườn và đất đai, gây nên nạn nghèo đói, bệnh tật, chết chóc. Cho nên, ta hãy bảo vệ thiên nhiên, giữ gìn cây rừng, núi non và biển hồ. Núi rừng, cây cối sẽ giữ nước mưa lại ở trên cao, chặn đứng đà tuôn chảy của nước nguồn, giúp cho ta tránh khỏi nạn lụt lội. Bên cạnh đó, núi rừng còn có khả năng hấp thụ thán khí và cung cấp dưỡng khí thật bổ ích cho con người và mọi loài động vật. Biển hồ là mạch sống của mọi loài chúng sanh nên ta hết lòng giữ gìn và bảo vệ cho sạch sẽ.

        Cũng vậy, con người cần học cách sống hòa điệu với nhau, vì ai cũng muốn được bảo vệ và thương yêu, ai cũng muốn sống trong an toàn và hạnh phúc, ai cũng cần được ấm no và lo sợ nghèo đói. Máu ai cũng đỏ, nước mắt ai cũng mặn, do đó chúng ta hãy đừng làm khổ nhau, không nên lợi dụng sức lao động của nhau, đừng ai giành giựt hay chiếm đoạt của cải của ai và nhất là đừng ai sát hại ai. Người nào cũng có cha mẹ, gia đình và người thương, làm khổ người đó tức là làm đau buồn luôn cha mẹ, gia đình và người thương của người ấy. Nếu không thấy được sự liên hệ mật thiết giữa con người với nhau, giữa con người với thiên nhiên thì ta dễ sống theo tâm tham lam và ích kỷ, tạo ra biết bao nhiêu khổ đau cho mọi loài mà còn làm tàn hoại thiên nhiên.

        Cũng như trên, cờ bạc đã phá tan hạnh phúc của nhiều gia đình, tạo ra trộm cướp, lừa gạt và đổ vỡ. Người thua bạc cảm thấy buồn bả, chán chường, làm vợ con buồn giận, mất mát tiền của, gia đình bất an. Người thắng cờ bạc cũng chẳng sung sướng gì, bị kẻ thua bạc oán hận hoặc ganh tức, mang tiếng gian lận. Cả hai trở thành đối nghịch và oán cừu với nhau. Bởi thế, ta nhất định từ khước các món cờ bạc, những sòng bài (casino) hiện giờ rất thịnh hành ở Hoa Kỳ và các nước Âu Châu không thể nào có mặt trên đất nước Việt Nam thân yêu của chúng ta.       

         Cũng như thế, vợ chồng gây lộn, cãi vã, đánh đập lẫn nhau luôn tạo ra không khí bất an, nặng nề và khó thở trong gia đình, cho nên vợ chồng tránh bớt sự tranh chấp, vợ biết nhường chồng, chồng biết lắng nghe vợ. Cả hai người thực tập nói lời nhỏ nhẹ, hòa ái và xây dựng cho nhau. Mùa Đông năm nay, vợ chồng anh Tiến đem cháu Nancy đến tu viện Rừng Phong tu tập cùng với các thầy và các sư cô. Mỗi lần anh phát biểu hoặc chia sẻ gì thì luôn được người vợ, tức là chị Liểu, tán đồng và ca ngợi hết lòng. Tôi vừa ngạc nhiên vừa tò mò nên hỏi: “Anh làm sao mà giỏi như vậy? Hình như chị luôn đồng ý và ca ngợi lời nói của anh.” Anh trả lời: “Bạch thầy! Bởi con biết lắng nghe vợ con, cho nên ý kiến của con cũng là ý kiến của vợ con. Bên cạnh đó, con hiểu được một phần ý nghĩ của vợ con. Do đó, chúng con sống chung hòa điệu dễ dàng như nước với sữa.” Thật là cặp vợ chồng gương mẫu, tâm đầu ý hợp. Đó là nhờ họ biết lắng nghe và nâng đỡ nhau trong đời sống tu tập.

        Tóm lại, ta phải nhận diện bản chất chân thật của khổ đau và những nguyên nhân đích thực đưa tới khổ đau để đừng tiếp tục đi theo lề thói suy tư, hành động và nói năng như thế. Hiểu như vậy, ta mới tạo ra niềm tin yêu và hy vọng cho ta và cho những người chung quanh.

        Cho nên “diệt đế” không phải chỉ là sự chấm dứt của những nguyên nhân khổ đau mà còn là niềm vui sống, an lạc, tình nghĩa vợ chồng, xây dựng quê hương, hóa giải hận thù, đem lại bình an cho cá nhân, gia đình và xã hội. Thông thường, mỗi khi đau răng, ta cảm thấy khổ sở, nhức nhối nhưng ta thường hay quên rằng không đau răng là hạnh phúc. Bệnh tật là đau nhức nhưng còn khỏe mạnh để làm việc là hạnh phúc. Những người mù lòa cảm thấy cuộc đời đen đủi, tối tăm, trong khi đó, ta đang có đôi mắt sáng để thấy được thế giới màu sắc và những người thương mà vẫn thường quên đi niềm hạnh phúc vô biên ấy. Khi đói mà được ăn là hạnh phúc, khi khát mà được uống là hạnh phúc, tâm hồn thanh thản không phiền muộn là hạnh phúc… Như thế, cuộc đời này có biết bao yếu tố hạnh phúc đang dàn trải khắp mọi nơi trong sự sống. Diệt đế là cửa ngõ đưa ta vào thế giới của tự do, cho nên ta hãy vui sướng đi để yêu thương cuộc đời và nuôi dưỡng cho thật nhiều hạnh phúc.  

       Bây giờ, ta hiểu rõ tại sao diệt đế là sự thật mầu nhiệm mà khổ đau cũng là sự thật vi diệu khác, bởi chúng đều là cửa ngõ đi vào hạnh phúc và an vui. Không có khổ đau thì ta sẽ không biết hạnh phúc là gì? Chưa nếm được nỗi khổ quằn quại của cái đói thì ta cũng không nếm được hạnh phúc được ăn no. Chưa thấy được nỗi khổ của chiến tranh, thù hận thì ta cũng chưa biết thế nào là hòa bình, thương yêu. Do đó, nhìn thẳng vào khổ đau (khổ đế), ta thấy được hạnh phúc (diệt đế). Trong rác có hoa và trong hoa có sẵn rác. “Cái này là cái kia. Cái này có vì cái kia có. Cái này không vì cái kia không”. Đó chính là tinh yếu của giáo lý duyên khởi, nguồn tuệ giác đạo Bụt.

       Vậy nên, hãy chấp nhận và trân quý khổ đau như một phần hiện hữu thiết yếu của sự sống, bởi vậy không có một hiện tượng nào trong sự sống mà không có giá trị, mục đích và ý nghĩa thiêng liêng của nó. Không có cái thấy này, con người thường có khuynh hướng chạy trốn khổ đau, chối từ khó khăn, nghèo đói, bệnh tật. Cố sức đi tìm kiếm hạnh phúc mà họ không ngờ rằng hạnh phúc phải tìm ở ngay trong khổ đau. Đó là một sự thật tuyệt vời do chính Bụt đã chứng nghiệm dưới cội Bồ Đề và chia sẻ lại cho chúng ta.

 

Lang

 

Hẹn bạn kỳ tới, mình chia sẽ tiếp.


[1] Trinh Công Sơn

Pháp Đăng

http://www.daophatngaynay.com/


Âm lịch

Ảnh đẹp