24/01/2013 13:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 73769
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

HỎI: Tôi là Phật tử thuần thành, có nhân duyên quy y và tiếp xúc với Phật pháp từ nhỏ. Nay với vai trò là con trai trưởng nên tôi có trách nhiệm trong việc thờ phụng Tam bảo và tổ tiên trong gia đình. Gần đây trên báo đài có đề cập đến vấn đề khói hương ảnh hưởng không tốt đến sức khỏe. Tôi cảm thấy không được yên tâm nên đã đề nghị với ba mẹ là chỉ thắp hương vào ngày rằm và mồng một hàng tháng mà không thắp hương hàng ngày nữa, thay vào đó là việc thay và dâng nước sạch mỗi lẫn công phu để cúng Phật và tổ tiên. Tuy ba mẹ tôi đồng ý nhưng vẫn có chút lo lắng. Nên kính mong quý Báo có lời khai thị để gia đình tôi hành lễ và công phu hàng ngày theo đúng Chánh pháp.


(THANH TÂM, mrthanhtam.fnu@gmail.com)

ĐÁP: Bạn Thanh Tâm thân mến!

Đúng là thời gian gần đây các phương tiện truyền thông đã phổ cập thông tin có không ít sản phẩm hương đốt kém chất lượng, tẩm hóa chất tạo mùi thơm gây độc hại cho người sử dụng. Nhất là khi đốt hương với số lượng nhiều, trong không gian chật hẹp mà đông người ngột ngạt thì tác hại đối với sức khỏe càng lớn. Hệ lụy này do những nhà sản xuất hương kém chất lượng, thiếu lương tâm, chỉ biết chạy theo lợi nhuận… gây ra.

Vấn đề hít nhiều khói hương tẩm hóa chất rất độc hại thì ai cũng đã biết. Nhưng đặc biệt nghiêm trọng và vô cùng xót xa khi vô hình trung những kẻ làm ăn gian dối này đã xúc phạm và hủy hoại đến một lễ phẩm biểu trưng cho tín ngưỡng, tâm linh thiêng liêng của người Việt là “lư hương - bát nước”.

Trong tâm thức người Việt nói chung, nén hương là lễ phẩm thiêng liêng để dâng cúng Phật, trời, thần thánh, tổ tiên. Các lễ nghi dù giản tiện đến mấy cũng không thể thiếu  hương đèn, có khi chỉ thắp một cây hương thôi cũng đủ để cho người tự tin mà cầu xin, khấn nguyện. Chỉ cần một nén hương cùng với tấc lòng thành kính, người ta có thể bày tỏ, nguyện cầu, giao cảm với tổ tiên, thánh thần trong trời đất. Nhất là những ngày kỵ giỗ, lễ Tết thì nén hương trầm mộc mạc, tinh khiết, tỏa hương trên bàn thờ Phật, bàn thờ tổ tiên khiến cho không khí gia đình trở nên ấm cúng, linh thiêng đến lạ thường.

Trong nghi lễ Phật giáo, hương là một trong sáu lễ phẩm căn bản của lục cúng (hương, hoa, đèn, trà, quả, thực phẩm). Người con Phật dâng hương “nguyện đem lòng thành kính gửi theo đám mây hương, phưởng phất khắp mười phương cúng dường ngôi Tam bảo”. Người đệ tử Phật cúng hương, nguyện đem hương giới, hương định, hương tuệ, hương giải thoát và hương giải thoát tri kiến kết thành mây lành biến khắp pháp giới để cúng dường chư Phật trong mười phương. Chỉ ba cây hương thôi, mượn làn khói mong manh mà gửi lòng, trải tâm cảm ứng đến chư Phật trong mười phương, ba đời đồng thời đó cũng là nén tâm hương, đem bản tâm trong sáng, thanh tịnh, vô nhiễm và hoàn toàn tự do giải thoát dâng lên mười phương Tam bảo.

Cúng hương, đốt hương, dâng hương (hương trầm dạng bột, viên, thỏi, cây, cuộn…) lên Tam bảo là một nét đẹp truyền thống của Phật giáo được duy trì từ thời Thế Tôn còn tại thế cho đến tận ngày nay. Truyền thống dâng hương cúng dường Tam bảo của Phật giáo cùng với tập tục thắp hương dâng cúng ông bà tổ tiên hàng ngày của người Việt đã hòa quyện để tạo nên nét văn hóa tâm linh Việt đặc thù. Nên nơi nào có “lư hương - bát nước” thì ngay đó đã gần như đầy đủ cả thế giới tâm linh Phật, trời, thần thánh, ông bà, cha mẹ, tổ tiên. Có những giai đoạn lịch sử đất nước bị xâm lăng, văn hóa dân tộc bị ngoại bang chà đạp, chùa chiền bị tà đạo đốt phá, bàn thờ tổ tiên bị cuồng đạo vong ân dẹp bỏ nhưng nhờ còn một nén hương cắm giữa đất trời mà chúng ta đã giữ được hồn nước, hồn Việt đến tận ngày nay.

Vì thế, ba cây hương trượng trưng cho ba ngôi Tam bảo là một biểu tượng văn hóa và tâm linh rất đặc thù mà bất cứ người con Phật, người dân Việt nào cũng phải quyết tâm gìn giữ. Trong khi hiện tượng sản xuất hương dỏm, kém chất lượng, gây độc hại… xuất hiện những năm gần đây chỉ có tính chất giai đoạn, nhất thời, có thể diệt trừ. Nếu quan tâm và quyết tâm, các cơ quan chức năng của nhà nước sẽ ngăn chặn và xóa sạch được tệ nạn này. Thiết nghĩ, loại “tội phạm” sản xuất hàng thờ cúng kém chất lượng này tuy không mấy ảnh hưởng đến kinh tế quốc gia nhưng phương hại nghiêm trọng đến văn hóa dân tộc (khiến không ít người sợ độc hại mà lạnh nhạt với “lư hương - bát nước”), nên cũng cần pháp luật nghiêm trị.

Trở lại vấn đề bạn hỏi, việc gia đình bạn hạn chế thắp hương vì sợ độc hại cũng chỉ là giải pháp đối phó, tạm thời. Không thể vì sự làm ăn gian dối của một số người mà chúng ta quay lưng hoặc xa lánh với nén hương, biểu tượng văn hóa tâm linh thiêng liêng ngàn đời của dân tộc Việt.

Ngày nay, hương trầm với nguyên liệu thiên nhiên, không hóa chất đã được nhiều nơi tái sản xuất, phát hành rộng rãi. Bạn nên tìm mua những loại hương trầm chính hiệu này để cúng Phật, tổ tiên cho tinh khiết đồng thời hương trầm rất có lợi cho sức khỏe, an tịnh tâm hồn, và quan trọng nhất là giữ vững nét đẹp văn hóa tâm linh đặc thù của đạo pháp và dân tộc.

Chúc bạn tinh tấn!

TỔ TƯ VẤN

(tuvangiacngo@yahoo.com)

http://giacngo.vn/tuvansongdao/tuvan/2013/01/20/1B4013/


Âm lịch

Ảnh đẹp