07/12/2011 18:04 (GMT+7)
Số lượt xem: 87070
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

“Không có định pháp” là đâu phải nói quý vị không cần phải tu đạo, rồi có thể tùy tiện giết người, phóng hỏa, cướp giựt. Không có pháp nhất định tức là không làm các điều ác, mà nên làm những điều thiện. Bởi làm mà không làm, không làm mà là làm. Quý vị đừng nên chấp trước.


Hỏi:Con bị bệnh đau nhức khắp cả thân, vậy con phải làm sao đây?


Đáp:Thân này là giả. Người tu hành không cầu không bịnh, vì nếu không bịnh thì sẽ sanh lòng tham dục.


Hỏi:Xin Sư Phụ từ bi khai thị cho chúng con?


Đáp:Niệm Phật nhiều thêm.


Hỏi:Thưa Sư Phụ, giả sử như nhân quả thì không sai một tơ hào, nhưng tại sao lại nói không có pháp nhất định? Vậy là có ý nghĩa gì?


Đáp:“Không có định pháp” là đâu phải nói quý vị không cần phải tu đạo, rồi có thể tùy tiện giết người, phóng hỏa, cướp giựt. Không có pháp nhất định tức là không làm các điều ác, mà nên làm những điều thiện. Bởi làm mà không làm, không làm mà là làm. Quý vị đừng nên chấp trước.


Hỏi:Có phải ngồi bán già là biểu thị cho tòa tháp bạc, và ngồi kiết già là biểu thị cho tòa tháp vàng?


Đáp:Không tréo chân lên được thì không có tòa tháp gì hết.


Hỏi: Điều mà đệ tử hối tiếc nhất là không có đủ thời gian để ngồi thiền.


Đáp:Dù trong công việc bận rộn, con cũng nên nhín ra chút thời gian và dù trong lúc hỗn loạn con cũng không được lãng phí thời giờ. Tu hành cũng không phải là nhắm mắt ngồi yên mới tính là tu, mà con có thể dù ở nơi nào, lúc nào cũng đều là hợp cơ thiền cả.


Hỏi: Tại sao người xuất gia lúc nào cũng nên đắp y cà sa?


Đáp:Hiện nay có một số người xuất gia chỉ mặc áo tràng, vì họ nghĩ rằng mặc như vậy thì đại biểu mình là người xuất gia. Thật ra, áo tràng là loại y phục cổ xưa vào đời Đường, người tại gia cũng mặc áo giống vậy. Sau, loại y phục này được truyền tới Nhật Bản, tới nay người Nhật vẫn còn mặc kiểu áo này. Do vậy, áo này tuyệt đối không phải là ký hiệu của người xuất gia. Duy chỉ có cà sa mới là trang phục chính của người xuất gia, đó mới thể hiện được tướng Tỳ Kheo.


Hỏi:Con đường tu đạo thì gian nan quá, vậy con có đủ sức kiên trì để đến nơi mà không bị thoái tâm đạo không?


Đáp:Chỉ cần con tinh tấn dũng mãnh, tự lực, tự cường không ngừng nghỉ thì cuối cùng rồi cũng sẽ đạt tới mục đích.


Hỏi:Bệnh lớn nhất trong Phật giáo là gì?


Đáp:Bệnh lớn nhất trong Phật giáo là tâm tham, tâm phan duyên và tâm ích kỷ.


Hỏi:Lúc Hòa Thượng ở Hồng Kông, Hòa Thượng đã ngăn được sự xâm nhập của tất cả những trận cuồng phong bão tố. Vậy hiện nay Ngài vẫn có thể vì dân Hồng Kông mà ngăn chặn các cơn giông bão nữa không?


Đáp:Con nên thỉnh cầu cho toàn dân Hồng Kông đều sẽ không chết.


Hỏi: Tại sao lúc bình thường chúng ta phải niệm Phật?


Đáp:Bình thường niệm Phật là chuẩn bị cho lúc lâm chung. Nếu quý vị trong lúc bình thường không có thói quen niệm Phật, đợi đến lúc lâm chung sẽ không nghĩ nhớ tới niệm Phật, hoặc cũng không biết là mình phải nên niệm Phật.


Hỏi:Vì sao người xuất gia vẫn còn ham thích danh tiếng?


Đáp:Vì thân họ xuất gia, nhưng tâm họ vẫn chưa xuất gia.


Hỏi: Đệ tử biết Sư Phụ không thích nghe người ta nói tiếng cám ơn. Nhưng đệ tử rất cảm kích Sư Phụ, vì Ngài đã nhiều lần cứu giúp cho tánh mạng của con.


Đáp:Thì nên phóng mở tâm lượng của mình cho rộng ra, chớ đừng có tâm địa hẹp hòi, nhỏ nhoi. Hãy mau hồi quang phản chiếu để phục hồi lại cái bản lai thanh tịnh của mình.


Hỏi: Phải chăng, thật có chân lý hay đạo lý tuyệt đối vĩnh hằng bất biến tồn tại trong vũ trụ? Nếu có thì xin hỏi đó là đạo lý gì? Cầu xin Hòa Thượng từ bi khai thị cho con.


Đáp:Chú nay mà biết hỏi được như vậy, thì tức là chân lý đó đó.


Hỏi: Đài Loan của chúng con rồi sẽ ra sao?


Đáp: Nếu người Đài Loan đều ăn chay niệm Phật, không sát sanh thì Đài Loan sẽ được hưng thịnh. Còn nếu người dân Đài Loan mà sát sanh nhiều thêm, hoặc cứ tạo các ác nghiệp thì Đài Loan sẽ bị suy hoại. Nếu mọi người đều không làm các việc ác và vâng làm các việc thiện thì Đài Loan sẽ được tốt lành. Nếu quý vị làm nhiều điều ác, và không chịu làm những việc thiện thì bất cứ lúc nào Đài loan cũng sẽ gặp hiểm nguy.


Hỏi:Tật bệnh của chúng ta do từ đâu mà sanh?


Đáp:Là do từ ba độc tham, sân, si mà sanh ra.


Hỏi: Vì sao Phật giáo Đài Loan đều dùng tiền để so sánh cảnh giới cao thấp?


Đáp:Là đạo Phật chân thật thì không cần tiền.


Hỏi:Tâm Bồ-đề kiên cố là gì?


Đáp:Là phát nguyện tu đạo, bất luận gặp chướng ngại gì cũng nhất định lo tu đạo. Dù có khó khăn, gian nan gì cũng nhất quyết tu hành, tuyệt đối không thay đổi lời phát nguyện thuở ban đầu. Khi thấy có gì khác lạ cũng không đổi ý, hoặc thay đổi tư tưởng. Bất luận là gặp nghịch cảnh, hay thuận cảnh cũng đều nhất quyết là phải tùy duyên nhưng bất biến, bất biến nhưng tùy duyên và giữ vững tâm Bồ-đề của mình.


Hỏi: Trải qua nhiều ngày ngồi thiền, chân con càng ngày càng đau nhức, nhất là đầu gối trái. Cơn đau đó từ từ cuộn tròn như trái banh, rồi ngưng đọng nơi đầu gối của con. Hôm qua đang lúc đau dữ dội, nó bỗng nổ bùng và biến thành một luồng khí thanh tịnh, ấm áp màu vàng, rồi chuyển từ đầu gối dọc theo xương sống lên đến phần trên của thân con. Luồng khí ấm này khiến con cảm thấy tự tại, thích thú mà không bị hôn trầm. Sau đó con thấy tòa ngồi hình tròn, có hoa sen trắng.


Phần vành hoa thì lờ mờ không thấy rõ, nhưng chính giữa thì hiển hiện nhụy hoa tím, tựa hồ như úp ngược cái tách rộng vành. Hốt nhiên lại hiện ra ngọn núi bảo chiếu sáng rực, mà từ trước đến nay con chưa từng thấy, Lại giống như các dãy thành trì ở Âu châu, lại cũng giống như có các vị Bồ Tát ngồi trên tòa hoa sen và từ phía sau có con rắn đầu giẹp đang cuộn mình lên phía trên đỉnh núi. Có khi thấy như cảnh điện ảnh chiếu sáng lấp lánh thoáng thấu qua, nên con không nhớ rõ được. Con chỉ nhớ là hình như, con một mình đi bộ trên bờ biển, nơi mà chưa từng có vết chân người đi qua. Cảnh trí yên tĩnh tuyệt đẹp, khiến cho tinh thần con người sảng khoái, và chỉ có tiếng chim hải âu là thường phá tan đi sự trầm tĩnh, thanh tịch mà thôi. Xin hỏi làm sao để con biết hiện tượng khác biệt giữa cảnh thật và sự tác dụng của tâm thức?


Đáp:Còn có các vọng tưởng tham muốn thấy Phật, thấy hoa thì đó là giả. Nghĩ tưởng thấy gì thì con sẽ thấy cái đó, nhưng cũng là giả. Chủ yếu là ở một niệm trước chưa sanh mà thấy cảnh giới thì đó mới là thật, mới là có ý nghĩa, nhưng có lúc nó lại vẫn là thuộc về huyễn hóa. Tham thiền thì tốt nhất là không nên có cảnh giới, cái gì cũng không có, vì chỉ là không. Cũng đừng kinh sợ, hay vui thích. Vì sợ hoặc thích đều là có thể bị ma nhập, như trong kinh Lăng Nghiêm có nói về 50 loại ngũ ấm ma.


Hỏi: Trên thế giới này có nhiều cặp vợ chồng không tôn trọng lẫn nhau, nếu vậy thì con cái của họ đều không thành tài hết sao?


Đáp: Yes - Đúng vậy, đó là nguyên nhân tại sao bây giờ tụi nhỏ có nhiều vấn đề như giết người, phóng hỏa như thế. Con nít mà cũng không theo quy củ nề nếp, bởi vì chúng đã bị truyền hình, computer điều khiển, lôi cuốn mất rồi.


Hỏi:Niệm Bồ Tát Quán Thế Âm, chú Đại Bi và Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện trong kinh Hoa Nghiêm thì có thể sanh về thế giới Cực Lạc không?


Đáp:Được chớ! Phẩm Phổ Hiền Hạnh Nguyện là qui hướng trở về Cực Lạc đó.


Hỏi: Tại sao đệ tử của con lại bị run rẩy trong lúc lạy Phật?


Đáp:Đó là vì nghiệp chướng đang theo nó. Nghiệp chướng bảo nó đi tới chỗ đọa lạc đấy.


Hỏi:Người xuất gia với người tu đạo có chỗ nào là không giống nhau?


Đáp:Con nói họ còn có chỗ nào giống nhau nữa? Con hãy tự hỏi ngược lại mình là: họ còn có cái gì giống nhau? Giống nhau ở chỗ nào? Không giống nhau ở chỗ nào? Như thế có phải là con sẽ hiểu rõ ràng hơn không?


Hỏi: Gián, ruồi muỗi là một loài trong lục đạo, vì chúng thuộc loại độc hại, vậy chúng con có thể tiêu diệt chúng không?


Đáp:Tôi không phải là gián mà là một con muỗi nhỏ bé tí. Nếu quý vị muốn tiêu diệt loại muỗi nhỏ bé thì nên tiêu diệt tôi trước đã.


Hỏi: Làm sao mới thường giữ tâm được “như như bất  động?”


Đáp:“Như giả” là như pháp, y chiếu theo quy củ mà làm. Không như pháp tức là làm mà không y chiếu theo quy tắc. Như như tức là bất động, bất động thì mới có thể như như được. Nếu không thể bất động thì miễn bàn đến như như.


Hỏi:Tại sao bây giờ lại có nhiều nạn động đất như thế?


Đáp:Vì sự nóng giận của con người quá lớn đi.


Hỏi:Đức Phật nói, Phật pháp không rời các pháp thế gian. Xin hỏi nên làm thế nào để đưa Phật pháp hòa nhập vào đời sống hằng ngày của chúng con một cách viên mãn?


Đáp:Không tham, không cầu, không ích kỷ, không tự lợi, không nối dối.


Hỏi:Con đã niệm Phật rất nhiều, nhưng tại sao vẫn chưa tiêu trừ hết nghiệp chướng và khai ngộ?


Đáp:Con làm sao biết được là con có bao nhiêu nghiệp chướng? Từ vô thủy kiếp đến nay, bao nhiêu nghiệp chướng từ thiên vạn ức kiếp về trước, thì làm sao trong một sớm một chiều mà có thể tiêu trừ hết cho được.


Hỏi: Xin hỏi làm sao mới có thể siêu độ được tổ tiên và cô hồn?


Đáp:Cần có bậc chân tu đại đức cao tăng, có định lực tu trì mới có thể hóa giải sự đau khổ của các linh hồn được siêu thăng thiên giới. Như vào thời Minh Triều thiền sư Long Khố siêu độ cho mẹ của vua Vạn Lịch. Trong ngày đăng đàn làm lễ cầu siêu, Ngài bảo rằng: “Ta vốn không đến, nhưng bà cứ thích ta đến, một niệm không sanh, thoát khỏi tam giới.” Chỉ với bốn câu pháp ngữ đó, mà mẹ của vua liền được siêu thăng lên trời.


Hỏi: Thưa Sư Phụ, tâm Sư Phụ lúc nào cũng hoài niệm về Trung Quốc, vậy cớ sao Sư Phụ lại lập đạo tràng ở nước Mỹ?


Đáp: Tôi vốn là người nhận lấy những việc mà người khác vứt bỏ. Những nơi mà người khác không tới thì tôi tới. Đài Loan ở đây đã có nhiều đạo tràng rồi.


Hỏi:Xin thỉnh Hòa Thượng khai thị cho chúng con biết về các qui tắc khác biệt giữa thiền đường của chúng ta ở đây và thiền đường ở Trung Quốc.


Đáp:Đương nhiên là có rất nhiều chỗ không giống, nhưng ở đây chúng ta nên độc lập và tự tạo cho mình một phong cách riêng. Tức là giữ lấy điều tốt, mà xả bỏ điều xấu, và cải cách, sửa đổi lại tất cả các tệ nạn trong Phật giáo. Thiền thất ở Trung Quốc thì mỗi ngày phải dùng ba bữa: sáng cháo, trưa cơm, chiều bánh bao.


Mỗi thiền sinh đều bị ban giám thiền luân phiên nhau đánh: đúng cũng đánh, không đúng cũng đánh. Đánh càng mạnh, càng đau chừngnào thì càng biểu thị thêm về sự nghiêm minh của quy củ thiền đường chừng ấy. Thí dụ như Cao Mân Tự thì cũng nổi tiếng về việc đánh đập. Có khi họ đánh đến gảy bảy cây thước hương bảng luôn. Năm nay quý vị chưa bị đánh như năm rồi. Chắc có lẽ vì năm nay lòng từ bi quảng đại của tôi mà nghiệp chướng của quý vị cũng bớt đi chút ít. Đó là các sự khác biệt đấy.


Các vị Hòa Thượng ở đó thì thật là đáng sợ. Họ không khi nào có vẻ mặt tươi cười, vì cả ngày cứ nghiêm nghị như Quan Đế Công vậy. Một khi mà quý vị vào thiền đường ngồi, thì sẽ như là chuột nhìn thấy mèo, sợ đến nổi không dám ngẩng đầu lên. Ở đây chúng tôi không có đánh người bừa bãi. Mỗi ngày tôi đều vui vẻ giảng dạy cho quý vị, giống như là dỗ ngọt trẻ nít vậy. Tại sao quý vị lại phải chịu lấy nỗi khổ này? Tại vì phước báo của quốc gia này quá lớn, nếu không cho quý vị nếm chút vị khổ thì quý vị sẽ không thể phát đại tâm để mà tu đạo.


Các vị đã xả bỏ mặc đẹp, không ăn ngon, không ở trong căn nhà sang trọng, buông bỏ hết các sự hưởng thụ xa hoa để tới đây để chịu khổ. Thế mới có thể phá trừ được các tập khí cống cao ngã mạn của quý vị, quý vị mới có thể thật lòng mà tu hành liễu sanh thoát tử được. Lại còn một chuyện nữa là ở thiền đường Trung Quốc, thiền sinh tuyệt không được duỗi chân ra. Nếu ai duỗi chân ra thì nhất định sẽ bị đánh không chút nương tay.


Dù là sư trưởng mà phạm quy củ thì cũng bị đánh như thường. Thí dụ như vị sư trưởng có lỡ ngủ gục, vị giám thiền bèn đi tới và qùy gối phải xuống đất rồi mới đánh.


Nhưng khi đánh đại chúng thì sẽ không giống vậy. Còn uống trà thì cũng có cách cầm tách nhất định. Bởi vì tách không có quai, cho nên phải để ngón tay cái trên miệng tách, bốn ngón kia nâng đáy tách, rồi đưa thẳng tay ra cho vị trực nhật châm trà vào. Uống xong thì để tách trước mặt cho vị trực nhật thâu dẹp mà không gây tiếng động nào. Ở đây chúng ta uống trà nhân sâm và quy củ trong thiền đường cũng có khác một chút. Nay chúng ta sẽ từ từ nghiên cứu để sửa đổi lại cho thích hợp với phong tục ở đây, nhưng chúng ta cũng không nhất định là phải bắt chước theo kiểu Trung Quốc. Hành giả tham thiền ở Trung Quốc tuyệt đối không được ra khỏi thiền đường để uống trà, hoặc ngồi, hoặc đứng để nói chuyện. Ăn cơm xong là họ trở về thiền đường để hành thiền ngay. Họ không được lãng phí một giây phút nào, họ cũng không làm chuyện gì khác.


Ở đây khi dùng cơm xong thì các vị còn lên lầu xúc miệng, rồi duỗi lưng, co giản chân cẳng. Trong tương lai chúng ta sẽ cải cách lại các nhược điểm nhỏ này cho phù hợp với nề nếp, qui tắc.


HT.Tuyên Hóa

http://tongiaovadantoc.com/c1045/20111201165527436/dieu-hoi-tiec-nhat-la-gi-httuyen-hoa.htm


Âm lịch

Ảnh đẹp