Đáp: Lạy là hình thức biểu thị sự cung
kính của một người đối với bậc trưởng thượng, còn vái là của hai người
đồng vai vế chào nhau.
Việt Nam ta và người Hoa vái lạy hầu như gần giống nhau trong đạo lẫn ngoài đời.
Trước hết xin nói về vái lạy trong đời thường.
Vái
lạy đều là lễ nghi ở thời cổ đại, nhưng cả hai đều có chỗ khác nhau.
Căn cứ vào quy định của lễ tục thời cổ đại thì vái chỉ cần cung tay chào
chứ không cần phải quỳ. Tuy nhiên cả vái cũng phân biệt ấp trơn (còn
gọi là ấp nhượng) và trường ấp tức vái dài .
Ấp ngày nay còn gọi là
tác ấp là nghi tiết giữa chủ khách gặp nhau trong thời cổ. Căn cứ Thiên
thu quan và Tư nghi của Chu Lễ ghi chép lại thì vái nhường tùy theo tôn
ty mà phân biệt ra làm ba loại tức tam ấp . Thứ nhất là Thổ ấp , chuyên
dùng cho những người khác họ lại không có nghĩa thông gia, khi hành lễ,
cung tay hơi chếch xuống phía dưới. Thứ hai là Thời ấp chuyên dùng cho
những người tuy khác họ nhưng có nghĩa thông gia, khi hành lễ, cung tay
về phía trước ở tầm trung bình. Thứ ba là Thiên ấp dùng cho chủ khách
cùng một họ, khi hành lễ, cung tay hơi chếch lên trên. Sách Công Dương
truyện, thiên Hy công nhị niên chép: Nam công ấp nhi tấn chi . Điều này
như chính văn tự học gia trứ danh Đoàn Ngọc đã giải thích trong sách
Thuyết văn giải tự là: Phàm cung thủ về phía trước gọi là vái (ấp) .
Vái
dài tức trường ấp so với lạy (bái) có phần ít kính trọng hơn, dùng
trong trường hợp mình gặp người trưởng thượng hơn mà cũng là dùng chung
cho mọi người khi gặp nhau. lúc hành lễ hơi cúi người xuống một chút,
hai bàn tay cung lại, từ trên gặc xuống. Trường ấp cũng là thứ lễ tiết
giản đơn. Thiên Cao Đế kyᠴrong Hán thư có ghi một câu: Lịch Sanh bất
bái, trường ấp , nghĩa là: Lịch Sanh không lạy, chỉ vái dài. Thiên Chu
Bột truyện trong Hán thư cũng ghi một câu liên quan đến vái dài: Chí
trung quân dinh, tướng quân tịnh phu ấp viết Giới trụ chi sĩ bất bái,
thỉnh dĩ quân lễ kiến , nghĩa là: Đến trung dinh, tướng quân chỉ vái mà
nói: Chiến sĩ mình mang giáp trụ không tiện lạy, xin lấy phép quân đội
lễ kiến . Xem thế đủ biết vái và lạy là hoàn toàn không giống nhau.
Thế
thì lạy tức bái là gì? Sách Thuyết văn giải tự giải: Quỳ xuống tức là
lạy vậy . Quỳ là một hình thức không thể thiếu của cổ nhân khi hành lễ
tỏ thái độ cung kính. Lễ tục cổ đại quy định nghiêm cách, trong các tình
huống khác nhau, tư thế cúi đầu và số lần mọp đầu cũng khác nhau vì
loại hình và tên gọi của các kiểu lễ bái ngày xưa có rất nhiều.
Theo
sách Chu lễ, ở thiên Xuân quan và Đại chúc có ghi rõ nào là khể thủ ,
không thủ , kỳ bái , bao bái v.v... gồm cả thảy là cửu bái . Khể thủ và
không thủ là sau khi quỳ rồi, đầu không mọp sát đất, còn hai tay thì
cung lại đặt trước ngực. Kiểu này còn gọi là bái thủ (chắp tay lạy). Kỳ
thủ là quỳ lạy mọp đầu một lần. Bao bái là biểu thị sự cung kính, tiến
hành hai lượt lễ không thủ , cũng còn gọi là tái bái tức bao bái đấy.
Riêng cửu bái là lễ nghi long trọng dùng trong lúc lạy đấng quân vương
hay là thần linh.
Ngoài ra còn có nhiều kiểu lạy nữa như bát bái .
Bát bái là lễ dùng cho con em khi ra mắt bậc trưởng thượng lạy tám lạy.
Đời sau những người khác họ kết làm anh em gọi là bát bái chi giao . Tam
bái là chỉ tiến hành lạy ba lần. Khi chủ nhân tiếp đãi khách khứa, nhân
vì khách đông quá không thể lạy chào cùng lúc được thì dùng tam bái lễ ,
coi như chào toàn thể, hay nói theo điệu ngày nay là tổng chào . Tuy
nhiên khách khứa chỉ cần chào đáp một lạy mà thôi.
Thật ra vái lạy còn nhiều kiểu phức tạp nữa, nhưng suy cho cùng, cổ đại thông xưng quỳ xuống mọp đầu mà vái thì gọi là lạy vậy.
Riêng trong nghi lễ Phật giáo thì có mấy cách lạy như sau:
Khi
gặp người trưởng thượng thì nghi thức thông thường là xoa thủ, còn gọi
là hiệp chưởng, tức chắp hai bàn tay lại, mười ngón giao nhau để giữa
ngực và đứng cúi đầu chào, miệng nói Mô Phật hay A Di Đà Phật . Trong lễ
nghi Trung Hoa, nếu một tay bận cầm vật gì thì chỉ cần để đứng bàn tay
kia trước ngực và cúi đầu chào. Trang trọng hơn là quỳ hai gối chắp hai
bàn tay ngang trán cúi mọp xuống mà lạy gọi là quỵ bái hay lễ bái. Nếu
quỳ dài rướn thân người xuống đất như lối quỳ lạy của người Hồi giáo thì
gọi là Hồ quỵ. Trang trọng hơn cả như cách lạy chân Phật khi Thế Tôn
còn tại thế gọi là Đầu diện tiếp túc quy mạng tức là quỳ lạy trán mình
đụng bàn chân Phật xin quy mạng.
Giờ xin nói chi tiết hơn về lễ bái trong Phật giáo.
Đối
với Phật giáo, tứ lễ bái chỉ hành vi biểu thị kính ý đối với chư Phật,
Bồ tát, hoặc các bậc tôn túc, hay tháp Phật, tháp Tổ v.v...
Nguyên
khi xưa bên Ấn Độ có chín phép vái lạy, đó là: 1. Phát ngôn ủy vấn (mở
lời chào); 2. Phủ thủ (cúi đầu); 3. Cử thủ cao ấp (cất đầu chào); 4.
Hiệp chưởng bình cung (chắp tay đứng chào); 5. Khuất tất (quỳ gối
xuống); 6. Trường quỵ (quỳ dài); 7. Thủ tất cứ địa (quỳ hai gối và hai
bàn tay chạm đất); 8. Ngũ luân câu khuất (năm phần thân thể đều cúi); 9.
Ngũ thể đầu địa (hai gối, hai tay và đầu chạm đất). Đây là chín phép từ
đơn giản tới trang trọng.
Về quỳ cũng có nhiều cách nhưng đại khái có mấy kiểu phổ biến sau đây:
a) Hổ quỵ là đặt gối phải chạm đất chống gối trái lên. Đây là lối quỳ chủ yếu dành cho Tỳ kheo.
b) Trường quỵ là quỳ hai gối chấm đất, đầu các ngón chân cũng chấm đất, chủ yếu dành cho Tỳ kheo ni.
c)
Hồ quỳ có nghĩa quỳ theo cách của người Hồ (nói chung chỉ người Ấn Độ
và các người vùng Tây Vực). Cách này khác Ngũ thể đầu địa ở chỗ chân
phải trải dài, đầu và hai tay chấm đất cách xa hai gối. Ngũ thể đầu địa
là cách lễ bái biểu đạt kính ý cao nhất. Theo cách này, trước tiên khép
chặt hai chân đứng thẳng người, chắp hai bàn tay lại trước ngực, đầu cúi
xuống, sau đó quỳ gối phải rồi kế gối trái, tiếp đó đặt hai khuỷu tay
chạm đất, hai bàn tay mở ra, lòng bàn tay hướng lên trên, tâm quán tưởng
như xúc thọ chân của đối tượng mà mình lễ bái, do đó mới gọi là ngũ thể
đầu địa, ngũ luân đầu địa hay cử thân đầu địa. Lại nhân cách lạy này
dùng phần tối thượng của thân mình là đầu trán tiếp xúc với phần tối hạ
của đối tượng mình lạy là bàn chân nên còn gọi là tiếp túc tác lễ, đầu
diện lễ túc, đảnh lễ song túc, tiếp túc quy mạng đảnh lễ, khể thủ lễ
túc, hoặc gọi gọn là đảnh lễ, lễ túc...
Nhân đây cũng xin nói rõ thêm một vài thuật ngữ liên quan đến lễ bái
Phàm
phu triển tọa cụ ra mà lễ bái gọi là triển bái. Nếu trải hoàn toàn tọa
cụ ra mà lạy ba lạy gọi là đại triển tam bái. Nếu lạy chín lạy thì gọi
là đại triển cửu bái. Nếu không trải tọa cụ ra mà xếp gấp lại rồi đặt
trán lên đó mà lạy gọi là xúc lễ. Về số lần lạy thì ở Ấn Độ chỉ cần lạy
một lần nhưng ở ta và Trung Quốc thì lạy ba lạy, chín lạy, mười tám lạy,
thậm chí tới trăm lạy.
Ngoài ra còn có từ hòa nam dịch âm từ
Sanskrit Vandana, tức lễ pháp chỉ đối với bậc tôn túc mình thăm hỏi để
biểu đạt kính ý, cũng còn gọi là bà nam, bàn ra sàng, dịch theo ý là lễ,
quy lễ.
Cuối cùng là vì vấn đề nào đó mình không tự đích thân đến lễ
bái bậc tôn túc được mà phải nhờ người khác lễ thay, thì trước hết phải
vọng không mà lễ bái, tức truyền bái. Cách lạy này gọi là đại lễ (lạy
thay).
--- o0o ---
Lý Việt Dũng