22/10/2017 17:37 (GMT+7)
Số lượt xem: 1653
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

GN - Từng nét bút chì, ông vẽ tôn dung Đức Phật. “Ánh sáng từ bi ấy” là thứ ánh sáng bình yên được hun đúc từ những ngày dãi dầu gió sương của cuộc đời. Dù tay của ông bị tháo khớp, chân bị cắt đi một bên, da mặt bị cháy và kéo xuống nhưng đôi mắt ông vẫn ánh niềm lạc quan…


Vẽ Đức Phật từ cuộc mưu sinh

Đó là ông Nguyễn Văn Đông (quê ở Nam Định), hiện gia đình ông ở trọ tại quận Gò Vấp (TP.HCM). Ông mưu sinh bằng nghề bán vé số, “điểm” bán của ông trước nhà hát quân đội (đường Cộng Hòa, Q.Tân Bình). Điều đặc biệt ở người bán vé số này là mỗi khi không có khách là ông chăm chú vẽ. Ông vẽ Đức Phật.

Ông thường hình dung trong trí tưởng tượng rồi cứ thế mà vẽ. Khoảng 2 tháng, ông vẽ xong một bức. Nhiều người hỏi để thỉnh bức vẽ Phật nhưng ông không bán, nhưng ai hữu duyên thích thì ông tặng. “Người nhận vui là tôi vui rồi, chứ không cần tiền bạc chi hết”, ông Đông cho biết.

Hinh XH 918.jpg
Khi vắng khách, ông Đông ngồi vẽ Phật

Ông Đông đã mưu sinh và ngồi vẽ Phật ở đây được trên 5 năm, ban đầu vẽ có mẫu nhưng lâu rồi quen tay. Bây giờ, mỗi khi ngồi vẽ, ông chỉ cần ngồi thật yên, hình dung về Ngài, thế là vẽ. “Thật ra chỉ có một số ít người thích tranh của tôi vẽ thôi, và những người này đa số trong nhóm từ thiện, hoặc người có tâm đạo, vì tranh tôi vẽ không chuyên nghiệp”, ông Đông thật tình chia sẻ.

Để có cái nhìn sáng về cuộc sống như bây giờ, ông Đông đã trải qua một biến cố khủng khiếp trong đời. Cách đây 10 năm, ông Đông là một thầu nhỏ. Ông thường trực tiếp làm công trình của khách hàng. Trong một lần chống thấm trên mái tôn ở quận 10, do mưa lớn, phía trên lại có dây điện cao thế phóng xuống, khiến ông bị cháy hết người.

Được đưa vào Bệnh viện Chợ Rẫy, ông được các bác sĩ cắt một chân bên phải, tháo khớp tay… để ngăn hoại tử sâu hơn. “Khi tỉnh dậy biết mình mất đôi chân, tôi mới khóc một trận. Nhìn lại cơ thể của mình không còn gì hết, sức lực không có, tâm trí không có, tinh thần sụp đổ, nhìn gì cũng toàn là màu đen hết, không có một tí ánh sáng nào cả...

Nhưng may mắn là vợ tôi chung thủy một lòng, vẫn kề bên trong lúc tinh thần tôi suy sụp nhất. Nhiều người như tôi nhưng không vợ, không con, không nơi nương tựa… Tôi thấy mình vẫn còn phúc phần lắm”, ông Đông tâm sự.

Ông Đông dần tự chăm sóc chính nội tâm mình với cái nhìn lạc quan hơn: “Giờ bị như vậy rồi, mà còn buồn, chán đời thì mọi việc vẫn như vậy”. Và, ông lên một quy trình bình phục cho chính mình “đầu tiên phải cố gắng ăn uống để sức khỏe bình phục, từ từ tô dần tô dần lên thành ánh sáng nho nhỏ, để nó chuyển sang màu… hồng.

Cuộc sống của mọi người màu hồng đẹp thì của mình vừa vừa cũng được rồi”, ông Đông cười vui. Công việc ông nghĩ đầu tiên sau khi ra viện là bán vé số “vì số mình là như vậy nên chỉ có bán vé số thôi, chư đâu có sức để làm được việc khác”.

Đối đãi… giữa cuộc đời

Ông kể: “Ngồi đây bán vé số, tôi nhìn thấy có rất nhiều hoàn cảnh khó khăn, khổ sở. Có những người đầu họ không thẳng, tiền thì không có cho họ, nên trong tâm cầu cho họ buôn bán tốt, thu nhập kha khá để cuộc sống đỡ khổ. Với tôi, bây giờ mà nghĩ thiển cận, nhỏ nhoi, ghen ghét, tức giận người này, người khác thì không thể sống nổi”. Thế nhưng, không phải lúc nào ông Đông cũng giữ được sự lạc quan.

Ông bày tỏ: “Có hôm, tôi bán ế đúng 100 tờ vé số, mà trời mưa buồn buồn, lúc đó chán lắm, bán biết bao giờ mới lấy lại số tiền đó. Nhưng sau một hồi tự động viên chính mình, mới nghĩ bây giờ giàu có xe hơi ai mà chẳng muốn, nên cứ vui khỏe lên, chứ không là ảnh hưởng đến sức khỏe, phải vượt qua chính mình, vượt qua khó khăn, sống lạc quan”.

Đang chuyện trò thì có khách tới mua vé số, khi khách đưa số tiền lớn, không tiền thối nên ông ghi ra một cuốn sổ nhỏ. Hỏi ông có sợ người ta không trả tiền? Ông bảo bán ở đây quen rồi nên khách sẽ đến trả lại.

Với ông, ngồi mưu sinh ở đây cũng là ngồi học được rất nhiều điều về ứng xử của con người. Có người mua vé số, trả tiền đưa hai tay lễ phép, lịch sự, lại có người thả tiền “cái bịch” xuống, nhiều người nói “tạm biệt anh nhé”, cũng có khách mua 8 tờ mà nói có 4 tờ… Bài học của tôi giữa cuộc đời này là hãy đối đãi vui vẻ với tất cả, bởi lẽ “mình có mất mát gì đâu, ai cũng có Phật tính, ai cũng sẽ tốt…”.

Cách đó khoảng 1km, vợ của ông Đông cũng bán vé số cùng với một ít khẩu trang. Cuộc sống mưu sinh của vợ chồng ông còn phải tích cóp lo cho đứa lớn đang ở quê Nam Định, và đứa nhỏ còn đi học, đang ở với vợ chồng ông.

Ông mơ ước: “Các con sau này cũng sẽ biết làm từ thiện, có nhiều góp nhiều, có ít góp ít, đi đến những nơi như trại trẻ mồ côi, các cụ già không nơi nương tựa hay các em bị khiếm thị để biết thương yêu, chia sẻ… như vậy là vợ chồng tôi hạnh phúc lắm rồi”, ông vừa cười vừa tiếp tục vẽ.

Nhã An

http://giacngo.vn/tuthienxahoi/tuthien/2017/10/21/52E6D1/


Âm lịch

Ảnh đẹp