28/07/2017 19:01 (GMT+7)
Số lượt xem: 1990
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Theo dư luận được phổ biến rộng rãi, việc cải thiện điều kiện sống và việc tăng cường hạnh phúc tùy thuộc vào sự phát triển của của cải vật chất và vào sự tiến bộ của khoa học. Khi đó, tình trạng mê tín sẽ bị xóa bỏ, cùng với nó là mọi cản trở đối với sự tiến bộ.

giao-phap-duc-Phat-va-xa-hoi


Hiển nhiên, những điều mang lại phúc lợi cho loài người nên được thúc đẩy và những điều làm giảm phúc lợi ấy phải được xóa bỏ. Việc kiềm chế không thực hiện những hành động xấu ác và việc nuôi dưỡng những hành động thiện rõ ràng là những đường lối đúng đắn thích hợp một cách đồng đều với tất cả mọi người. Tuy nhiên, thật bất hạnh và cũng đáng ghi nhận rằng việc xúc tiến các hoạt động nghiên cứu khoa học và việc coi thường tôn giáo đã trở thành một khuynh hướng phổ quát của thời nay.  Mặc dù những kết quả của nghiên cứu khoa học cũng như những cách thực hành và các kết luận của tôn giáo trong nhiều thời đại có thể – và thực ra đang – được sử dụng cho việc thúc đẩy những điều xấu ác tiến lên, nhưng đóng góp chủ yếu của tôn giáo cho việc phát triển tâm thức nhân loại không bị xóa nhòa. Nếu tìm hiểu về sự phát sinh các tôn giáo ngay tại nguồn gốc của chúng, người ta phát hiện buổi khởi đầu của các tôn giáo trong những thời đại cổ xưa khi khi con người cố gắng sử dụng tôn giáo để giải thích về bản chất của vũ trụ. Bất kỳ lúc nào thiên nhiên biểu thị những sức mạnh nguyên sơ của nó khiến cho con người bị tổn hại hay bị giết choc, loài người liền đáp ứng bằng sự kính sợ và tiến hành thờ phụng những sức mạnh thiên nhiên ấy chỉ vì có sự sợ hãi. Con người thời thượng cổ xem những hiện tượng thiên nhiên như đất, nước, gió, lửa là những đối tượng đúng đắn và thích hợp cho sự thờ phụng của họ, cũng như mặt trời, mặt trăng, sao  băng, sao chổi…vân vân. Những đối tượng của sự thờ cúng ấy được yêu mến và được khẩn nài vì những phẩm chất tích cực của chúng, được nhận thức là nguồn đem lại phúc lợi, và được nọi người cầu khẩn. Tình thương yêu, sự sợ hãi, lòng kính trọng có góc rễ trong sự lo lắng về sự hiện hữu hay sự sống còn của chính con người. Tuy nhiên, về sau, nhờ vào sự tích tụ kiến thức, con người nhận biết rằng những yếu tố vật chất, những hiện tượng thiên nhiên, kể cả những bậc hiền thánh đã không còn cách nào can thiệp vào những tai họa hay phúc lợi của con người. Cho nên, để điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu về một quyền lực cao hơn và để thỏa mãn khát vọng về sự sống đời đời của con người, xã hội loài người đã tiến đến việc tin vào vương quốc Chúa Trời nơi thiên đường. Tuy nhiên, với sự tiến bộ của khoa học, ý niệm về một đấng thần linh toàn năng, toàn trí, toàn quyền có mặt cùng lúc ở khắp mọi nơi đã không thề chống đỡ nổi những phê phán hợp luận lý, và một khái niệm như thế cũng không thể phù hợp với lượng kiến thức đang phát triển bằng tốc độ vượt bậc như hiện nay. Tính cách xác đáng của tôn giáo đã và tiếp tục bị bác bỏ, nhưng khát vọng về sự sống đời đời vẫn tồn tại. Mặc dù những vết tích bên ngoài của tôn giáo có thể bị xóa bỏ, tinh túy của tôn giáo như được hiểu theo cách thông thường sẽ không theo chân để rồi biến mất.

Vào thời Trung cổ ở châu Âu, quyền lực của Giáo hội không hề bị thách thức. Giáo hội hành xử quyền lực của mình bởi những luật lệ nghiêm ngặt, khuyến dụ con người duy trì niềm tin và làm việc thiện để cho phép linh hồn của các tín đồ vào được nước Trời. Thế kỷ Ánh Sáng đã đánh dấu sự nhập cuộc của phương pháp khoa học, điều đã ăn sâu vào phương pháp hợp lý vẫn còn có tác động đến tận ngày nay. Nhà bác học Robert Darwin (1809-1882) đã lật nhào mọi giáo lý liên quan đến sự sáng thế bằng thuyết Tiến hóa. Sau đó, một vài tôn giáo truyền thống đã chuyển dịch mục tiêu của họ về hướng hạnh phúc vật chất trong cuộc sống trần thế, khiến cho dần dần chủ nghĩa duy vật đã trở thành và tiếp tục là một thứ tín ngưỡng mới. Được nâng đỡ bởi chứng cứ của sự ngắn ngủi của kiếp người và bởi sự vắng mặt của bất kỳ bằng cớ nào liên quan đến sự hiện hữu thực sự của một cõi thiên đường, những mối quan tâm thế tục trở thành điều quan trọng nhất. Khoa học đã tìm thấy mục tiêu của nó trong việc quan tâm đến hạnh phúc vật chất ngay trong cõi đời này, mưu tìm việc đem lại những tiện nghi vật chất tối đa cho con người. Tuy nhiên, chính điều đó đã đưa tới nhận thức rằng, trong khi những khát vọng của con người là vô tận thì tài nguyên thiên nhiên để đáp ứng cho những khát vọng ấy lại có giới hạn. Những kẻ có quyền lực đôi khi đã hết sức nhẫn tâm bóc lột kẻ thiếu sức mạnh, coi những kẻ dưới quyền chỉ như súc vật; những người chống đối sự đối xử tàn tệ ấy bị trấn áp một cách tàn bạo. Chính cái quan điểm hướng về vật chất một cách quyết liệt như thế mà lại không có một nhận thức đức lý nào làm nền tảng đã là cơ sở cho việc phát khởi chính sách đế quốc và chủ nghĩ tư bản.  Một số người thuộc hàng có gia giáo đã từng hô hào việc xóa bỏ tôn giáo như lật đổ hệ thống đế quốc và chủ nghĩa tư bản. Vấn đề là họ không làm rỏ rằng họ thúc đẩy điều gì trong việc xây dựng xã hội. Sự sống đời đời bị bác bỏ trong khi lối sống buông thả chạy theo dục vọng được khuyến khích. Giáo lý tiết dục và khắc kỷ bị bỏ rơi. Vả chăng, trong những hoàn cảnh ấy, giáo lý tiết dục và khắc kỷ thật ra cũng chẳng còn giá trị bao nhiêu.  Nó có thể thích hợp đối với một số người trung bình, nhưng rỏ rang nó hoàn toàn không hấp dẫn đối với những kẻ giàu có, quyền thế và nhiều tham vọng. Ở đây không hề có chuyện khuyến khích quan điểm đế quốc hay tư bản chủ nghĩa cũng như không hề đề cao sự mê tín vốn luôn kết hợp với tôn giáo. Tuy nhiên, con người vẫn là một sinh vật có suy nghĩ. Có điều, khả năng ứng dụng tâm trí của con người vào cuộc sống đòi hỏi phải có sự khích lệ thường xuyên để duy trì chúng trong chiều hướng đúng tốt. Khi con người không thể điều chỉnh tâm thức của mình, kết quả có thể là sự tàn hoại. Khi đó con người chẳng khác gì những quái vật hung hãn.

Xã hội đương đại của chúng ta đầy rẫy những tranh chấp vì cuộc cạnh tranh để sinh tồn đã len lỏi  vào những ngóc ngách của cuộc sống. Loài người tiếp tục gia tăng về mặt số lượng, và những vấn đề vốn là hệ quả của sự gia tăng dân số ấy cũng tăng lên tương ứng cả về tính cách trầm trọng lẫn về số lượng. Quả là một điều bối rối khi tưởng tượng về mức độ ác liệt của những vấn đề mà loài người sẽ phải đối mặt trong tương lai không xa. Trong quá khứ, khi các giáo hội còn quyền lực, luôn luôn vẫn có những con người ở vị trí cầm quyền thành thật tin vào và chịu khuất phục trước ý chí của thần linh. Ngày nay, viễn cảnh đó hoàn toàn khác. Ý niệm về sự bình đẳng về phương diện vật chất đối với tất cả mọi người là điều tiên quyết trong tâm thức con người vì sự tương phản giữa người giàu và người nghèo thường được xem là một tình trạng bất công và không thể dung thứ. Trong thời hiện đại, những mâu thuẩn lao – tư và những tranh chấp mang động cơ kinh tế giữa các quốc gia phản ánh sự xung đột trong tranh đấu nhằm chia sẻ đồng đều mọi tài nguyên của địa cầu.

Khát vọng sống còn của loài người mạnh đến nỗi có những người đã phải thể hiện những hy sinh cao nhất để cứu vớt và bảo vệ đời sống nói chung. Điều ấy, đến lượt nó, lại phơi bày áp lực sinh tồn mãnh liệt và mối lo âu của nhân loại cũng như hé mở cho thấy nguyên ủy sâu xa của sự đau khổ của loài người. Như đã được trình bày trong nguyên lý nhân quả của giáo pháp nhà Phật, việc tự bảo tồn và sự sống còn của loài người phụ thuộc vào sự hợp tác, lòng tốt và sự hỗ trợ. Tuy nhiên, đời sống vô hạn chỉ có thể thành tựu khi con người đạt tới chân lý về việc không hề có sự khởi đầu. Chỉ khi có cuộc sống mới có thể được hiểu là tồn tại mãi mãi. Con người phải nhận thức được rằng tha nhân cũng có cùng bản chất như mình, và sự phù phiếm của việc áp chế người khác hoặc sự vô ích của việc lấy đi mạng sống của người khác phải được hiểu một cách cụ thể.

Chỉ khi những người khác được an toàn tôi mới cảm thấy có sự an toàn vì luật nhân quả cho biết về sự tương tác và tương liên của mọi sự mọi vật. Việc tin vào một đấng tối cao có tư cách của bậc tạo hóa đem lại một sự bất lợi là loại bỏ chân lý ra khỏi sự hiểu biết của con người. Vả chăng, nhờ vào sự phát triển của khoa học, một quan điểm như thế không còn đủ sức chống đỡ nổi những lập luận hợp lý. Lại nữa, những ngành khoa học khác nhau đang cung cấp những phát kiến thường là có tác dụng giải thích và hỗ trợ lẫn nhau, và những bằng cớ khoa học ấy hết sức có tính cách thuyết phục. Nhưng cũng bất hạnh thay, những giải thích của khoa học chỉ củng cố mọi tham vọng của con người, và vì không hề có một nền tảng đức lý nội tại, khoa học thường được sử dụng cho những mục đích gây hại và giết chóc.

Cách nay không lâu, một vài cá nhân có hiểu biết sâu sắc đã bịa ra một giải pháp thuần lý cho vấn đề sinh tồn, lớn tiếng yêu cầu giải pháp ấy phải được áp dụng một cách rộng rãi. Họ cho rằng cần phải tiêu diệt mọi sự khác biệt quá đáng trong công tác phân phối của cải; xã hội nên cung cấp cho từng cá nhân bất cứ điều gì người ấy cần. Tiếc thay, trong viễn tưởng của người Phật tử, vốn có gốc rễ trong quan điểm tương đối phổ quát vì đã biết rõ về sự biến đổi thường xuyên của mọi nguyên nhân và mọi điều kiện, một giải pháp ngớ ngẩn như thế không bao giờ được ủng hộ. Đạo Phật cho rằng mỗi cá nhân đều là kết quả của những nguyên nhân nhất định, và vì thế, lại tạo ra những nguyên nhân nhất định mang tính nghiệp lực cho những kết quả tương lai. Chỉ theo cách đó con người mới có thể học để hiểu và thực hiện sự cứu rỗi cho chính mình.

Những nhà tư tưởng phương Tây đã thấm thía về tính cách phù phiếm và vô ích cho việc thúc đẩy nghiên cứu khoa học với cái giá phải trả cho sự coi thường tôn giáo vì tình hình chung thật là bấp bênh và đang ngày càng xấu đi như là kết quả của đường lối tư duy như vậy. Sẽ là một điều có lợi nhất nếu các học giả và những nhà trí thức đang tìm kiếm niềm tin và một sự hiểu biết chân thực dành thời gian nghiên cứu về giáo pháp của Đức Phật, vì Phật giáo cung cấp một phương pháp đích thực có thể được ứng dụng một cách phổ quát có khả năng giải thoát con người khỏi những tai họa có thể khiến họ lấy đi mạng sống của người khác. Giả sử vào một lúc nào đó tất cả những ai quan tâm đến những cá nhân đang ở vị trí có thẩm quyền lại chấp nhận và thúc đẩy việc tìm hiểu giáo pháp của Đức Phật, bao gồm những học giả, các nhà trí thức, những viên chức chính phủ và các vị lãnh đạo nhà nước. Bấy giờ kết quả sẽ được biểu thị như là một cơ hội được sử dụng một cách thiện xảo để học tập và để hiểu biết. Bấy giờ con người có thể phát hiện sự thật, làm cho an tĩnh tâm trí, có sự hân hoan trong tư tưởng của mình và tự điều chỉnh mọi hành vi của mình. Một khi họ đã đắm chìm trong biển giáo pháp của Đức Phật và tìm thấy sự tự do của chính mình, họ sẽ tự nhiên trở nên thông cảm với nhau. Nếu ý tưởng này có thể tác động đến khoa học và công nghệ, sẽ chẳng có nhu cầu sản xuất thêm vũ khí và các công cụ mới nhằm tiêu diệt nhân loại. Cho nên, chúng ta có thể thấy hình thái bên ngoài của tôn giáo có thể thay đổi, chẳng những thế, còn có thể biến mất nữa là khác, nhưng cái tinh túy của tôn giáo – sức mạnh và sự bình an của tâm thức nội tại – không thể bị tiêu diệt.

Giáo lý chứa đựng những giáo pháp của Đức Phật trình bày hết sức rõ ràng về vấn đề đời sống con người mà mối tương quan của đời sống ấy với vũ trụ. Chỉ có một tiến trình tương tác phổ quát, và sự nhận thức về sự bình đẳng thiết yếu của mọi sự dẫn đến việc đạt đến trạng thái bất sinh bất diệt, hoặc theo một cách nói khác, đến Trung đạo. Đối với người muốn đạt tới chân lý, có nhiều giáo pháp để học và có vô số chúng sinh để biến cải. Bất kỳ ai đạt tới sự hiểu biết chân thực đều  có thể quan sát các nhà khoa học, các nhà tư tưởng, những bác nông dân, những người thầy giáo, hoặc bất kỳ người nào khác qua cặp mắt của sự minh triết của Đức Phật, và thấy rằng tất cả những người ấy cũng hệt như chính mình vậy. Tuy nhiên, khi một người chỉ có những mối lo trần tục dấn thân vào việc nghiên cứu và thực hành giáo pháp của Đức Phật, họ sẽ duy trì những mô thức hành động có tính cách chỉ biết đến tự ngã đã xơ cứng của mình và được thúc đẩy bởi tính ích kỷ. Việc thực hành một cách thành thực những giáo pháp của Đức Phật đòi hỏi một lòng từ ái vô bờ bến chứa đựng tất cả mọi chúng sinh và quan tâm đến phúc lợi của tất cả mọi chúng sinh mà không hề có ngoại lệ. Hai đặc điểm thiết yếu này của giáo lý của Đức Phật chẳng phải là đã bị cường điệu quá mức. Vì khi lòng từ ái và mối quan tâm đến tha nhân vắng mặt, việc thực hành giáo pháp của Đức Phật có nhiều khả năng bị xâm chiếm bởi những quan niệm tiêu cực và trở thành mồi cho những quan điểm phi chính thống hoặc có tư cách hư vô. Ngược lại, khi coi mọi chúng sinh khác là sự mở rộng tự ngã của chính mình, hành giả hiểu được rằng mỗi giây phút thờ ơ là một giây phút đau khổ. Khi ấy, hành giả không dám hành động một cách tùy tiện hoặc có thái độ lãnh đạm.

Người chưa từng tiếp xúc với giáo lý Đức Phật mà muốn mang lại lợi ích cho chúng sinh và giúp họ đạt tới sự giải thoát cần bắt đầu bằng việc cải thiện trong lãnh vực đạo đức cá nhân của chính mình. Khi tâm thức của một người đạt tới một mức độ vừa đủ của sự tu dưỡng thông qua việc thực hành và nghiên cứu giáo pháp của Đức Phật, người ấy nhận biết rằng mọi chúng sinh đều do tâm tạo. Sự thanh tịnh pháp thân bởi việc biến cải tâm thức cho chúng sinh là điều không thể thiếu được đối với việc thực hành của người học Phật, và đó là trách nhiệm mà không một hành giả nào có thực hành Phật pháp lại có thể tự cho phép mình xao lãng.

Nguyễn Văn Nhật lược dịch | Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 64

http://tapchivanhoaphatgiao.com/tap-but/giao-phap-cua-duc-phat-va-xa-hoi-hien-dai.html


Âm lịch

Ảnh đẹp