Chúng ta biết
rằng việc thi môn Sử chỉ có ở rất ít các Trường Đại học thuộc khối C.
Nếu tất cả các thí sinh đều thi môn Sử thì con số điểm 0 chắc là phải
lên đến hàng vạn bài (!)” – GS.NGND Nguyễn Lân Dũng.
Nhẽ nào Sử học là khoa học thiếu hấp dẫn? Tôi có đứa cháu nội năm nay
mới học hết lớp 1. Cháu cũng hơi đặc biệt vì biết đọc từ lúc 3 tuổi 2
tháng, mặc dầu chưa ai dạy cho cháu bất kỳ một chữ nào (!). Chuyện này
tôi chưa giải thích được vì cháu không biết đánh vần, cứ nhìn là đọc
ngay như nhìn vào… chữ Hán.
Điều đáng nói là từ khi biết đọc cháu rất ham mê đọc các sách Lịch
sử. Không phải là sách của trẻ em mà là các bộ lịch sử dày cộp của người
lớn và 10 tập Lịch sử Việt Nam, cùng với các tập Tên đường phố của Hà
Nội, của thành phố Hồ Chí Minh… Cứ lúc nào rỗi là cháu lại ôm sách ngồi
cầu thang đọc say mê và nhớ rất kỹ các sự kiện lịch sử (hơn cả tôi, một
ông già đã 74 tuổi). Nhiều tài liệu cháu muốn có mà chưa xuất bản tôi
phải nhờ đến cả sự giúp đỡ của anh Dương Trung Quốc. Như vậy không thể
nói là Sử học là khoa học thiếu hấp dẫn.
Tuy nhiên cần thẳng thắn nhận định rằng ở bậc phổ thông số đông các
thầy cô giáo dạy môn Lịch sử đã không làm cho học sinh thích thú. Tôi có
những ý kiến sau đây:
1. Chương trình môn Lịch sử chưa thỏa đáng. Lịch sử nước Mỹ có từ năm
1776, nghĩa là cách đây chỉ 235 năm. Trong khi đó thì lịch sử nước ta
đã trải qua nhiều nghìn năm. Vậy không có lý gì chương trình môn Lịch
sử lại dành quá nhiều thời lượng cho giai đoạn Lịch sử từ sau năm 1930
(đành rằng đó là một giai đoạn cách mạng rất quan trọng).
Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Chủ lịch danh dự Hội Khoa học Lịch sử Việt
Nam đã viết: Lịch sử không chỉ trang bị cho thế hệ trẻ những kiến thức
cơ bản về lịch sử dân tộc và thế giới mà còn giữ vai trò quan trọng bậc
nhất trong giáo dục chủ nghĩa yêu nước, các giá trị truyền thống và cách
mạng, góp phần xây dựng nhân cách, bản lĩnh con người, giữ gìn bản sắc
dân tộc…
|
GS. NGND Nguyễn Lân Dũng cho rằng, chương trình môn Sử chưa thỏa đáng |
2. Môn Lịch sử thiếu hấp dẫn vì không làm nổi bật được vị thế hào
hùng của các vị anh hùng dân tộc trong suốt quá trình dựng nước và giữ
nước. Chúng ta nhớ rằng, vào cuối năm 1941 trong khi đang bận rộn lo
lắng cho sự nghiệp giải phóng dân tộc, Bác Hồ đã dành thời gian viết tập
diễn ca Lịch sử nước ta để làm tài liệu học tập cho cán bộ trong các
lớp huấn luyện ở chiến khu thời đó. Sách này được xuất bản lần đầu vào
tháng 2/1942.
Ngay câu mở đầu Bác đã khẳng định: Dân ta phải biết sử ta/ Cho tường
gốc tích nước nhà Việt Nam. Với gần 15 700 chữ Bác đã dày công thuật lại
toàn bộ Lịch sử nước nhà, từ Hồng Bàng là tổ nước ta/ Nước ta lúc ấy
gọi là Văn Lang…cho đến Bắc Sơn đó, Đô Lương đây! Kéo cờ khởi nghĩa,
đánh Tây bạo tàn.
3. Lịch sử nước ta rất dài nhưng có thể làm nổi bật những mốc son cần
ghi nhớ, những người anh hùng mà tên tuổi đã được ghi trên các đường
phố. Chỉ trong một bài diễn ca (hơn 8 trang trong Hồ Chí Minh toàn tập)
mà Bác Hồ đã nhắc được đầy đủ công trạng của Hồng Bàng, Phù Đổng, Hùng
Vương, An Dương Vương, Hai Bà Trưng, Triệu Ẩu, Lý Bôn, Lý Phật Tử, Mai
Hắc Đế, Ngô Quyền, Đinh Tiên Hoàng, Lê Đại Hành, Lý Công Uẩn, Lý
Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Quốc Toản, Lê Lợi, Lê Thánh Tôn, anh em
Nguyễn Nhạc, Nguyễn Huê, Bùi Thị Xuân, Hoàng Diệu, Nguyễn Tri Phương,
Phan Đình Phùng, Tán Thuật, Hoàng Hoa Thám…
Tôi tin chắc rằng không ít người đang sống trên các đường phố mang
tên các vị anh hùng dân tộc nói trên nhưng đã hiểu biết rất ít, thậm chí
không biết gì về họ. Đâu cần dài dòng gì, chỉ vài câu thôi nhưng Bác Hồ
đã khái quát được sự nghiệp vẻ vang của từng anh hùng gắn với nhân dân
trong các cuộc cách mạng chống ngoại xâm hoặc nội chiến (chẳng hạn như:
Hai Bà Trưng có đại tài, Phất cờ khởi nghĩa giết người tà gian, Ra tay
khôi phục giang san, Tiếng thơm dài tạc đá vàng nước ta;hay là Anh hùng
thay ông Lý Bôn, Tài kiêm văn võ, sức hơn muôn người, Đánh Tàu đuổi sạch
ra ngoài. Lập nên triều Lý sáu mươi năm liền)…
4. Câu chuyện về từng vị anh hùng cần làm nổi bật qua các truyện
tranh, truyện lịch sử, các phim lịch sử, phim hoạt hình… để ngấm dần vào
lòng dân chúng. Không có lý gì giới trẻ hiện nay thuộc lịch sử Trung
Hoa , Hàn Quốc …hơn cả lịch sử nước ta. Các Bảo tàng Lịch sử, Bảo tảng
Cách mạng phải đổi mới nội dung để thu hút thường xuyên đông đảo nhân
dân đến xem và tham gia các sinh hoạt văn hóa. Vì sao Bảo tàng Dân tộc
học sinh sau đẻ muộn mà lại có tấp nập người trong và ngoài nước đến
thăm với những cảm tình thích thú?
Học Lịch sử là để rèn luyện lòng yêu nước, chí căm thù quân xâm lược
chứ không nhất thiết cần phải nhớ chi tiết các con số, các diễn biến,
các tên tuổi phụ – những điều mà nếu muốn cần tìm hiểu thì chỉ cần một
cái nhấp chuột trên máy tính là đã có quá đầy đủ mọi chi tiết. Hãy xem
lại các đề thi Lịch sử vào Đại học mấy năm qua thì thấy đúng là lối dạy
nhồi sọ mà nhiều chuyện có lẽ thầy cô giáo dạy Sử cũng không thể nào tự
nhiên nhớ nổi.
Chẳng hạn đề thi Lịch sử tốt nghiệp THPT 2011 có các nội dung theo
đáp án như sau: “Với cương vị là phái viên của Quốc tế Cộng sản, Nguyễn
Ái Quốc chủ động triệu tập đại biểu của Đông Dương Cộng sản đảng và An
Nam Cộng sản đảng đến Cửu Long (Hương Cảng, Trung Quốc) để bàn việc hợp
nhất” (0,75 điểm);
“Trong hai ngày 18, 19/12/1946, Hội nghị Ban Thường vụ Trung ương
Đảng mở rộng đã quyết định phát động cả nước kháng chiến chống thực dân
Pháp” (0,75 điểm);
Từ năm 1952 đến năm 1960, kinh tế Nhật Bản có bước phát triển nhanh,
nhất là từ năm 1960 đến năm 1973, thường được gọi là giai đoạn phát
triển “thần kỳ” (0,50 điểm); Những nhân tố thúc đẩy sự phát triển của
nền kinh tế Nhật Bản (2,0 điểm);
Trình bày diễn biến chính và kết quả của chiến dịch Điện Biên Phủ
(1954). Phân tích ý nghĩa lịch sử của chiến thắng Điện Biên Phủ (4,0
điểm); Tóm tắt quá trình hình thành các tổ chức cộng sản ở Việt Nam năm
1929 và ý nghĩa của sự ra đời các tổ chức này (3,0 điểm);
Trình bày những thắng lợi của quân dân ta trong cuộc chiến đấu chống
chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mĩ ở miền Nam Việt Nam (1961
–1965) (3,0 điểm)…
Đấy chỉ là riêng đề thi năm nay, nếu các bạn chịu khó xem lại tất cả
các đề thi môn Lịch sử trong nhiều năm qua thì các bạn có thể thấy khác
gì đánh đố những bộ óc non trẻ của cả một thế hệ. Tôi nghĩ thầm: Không
hiểu nhà sử học đầu ngành, GSVS Phan Huy Lê nếu không dở tài liệu ra mà
phải viết ngay lời giải cho các câu hỏi nói trên thì liệu sẽ được… mấy
điểm?
5. Không cứ gì chỉ có Khối C mới cần thi môn Lịch sử. Thiếu gì các
ngành học khác như Kinh tế, Ngoại thương, Ngoại giao, Quân đội, Công
an…đều rất cần kiến thức Lịch sử khi bước vào công tác (và cả môn Địa
lý nữa ) khi bước vào hoạt động thực tiễn sau khi tốt nghiệp. Nếu năm
nào không thi môn Lịch sử trong kỳ thi tốt nghiệp THPT (rất phổ biến, vì
không bao giờ hai năm liền có thi môn Lịch sử) thì có thể biết chắc là
học sinh đánh cờ ca- rô khi nghe thầy cô giảng Lịch sử và chắc chắn
không hề mở sách giáo khoa ra lần nào trong năm học cuối. Thi vào Đại
học là kiểm tra trình độ văn hóa, trình độ nhận thức. Tôi không hiểu có
bao nhiêu nước trên thế giới chia ra các khối ABCD…như ở nước ta hay
không?
6. Không riêng gì ngành Sử học mà tất cả các ngành khoa học cơ bản
khác hiện rất ít thí sinh đăng k dự thi Đại học. Thật là nguy hiểm.
Khoa học cơ bản là nền móng của các ngành kinh tế xã hội của một quốc
gia. Chúng ta không cần thật đông sinh viên thi vào các ngành này, nhưng
phải là những sinh viên ưu tú.
Muốn vậy phải có chính sách đặc biệt cho các ngành khoa học cơ bản.
Sinh viên các ngành này được miễn học phí, được học các thầy cô giáo
thật sự giỏi giang, khi tốt nghiệp được ưu tiên phân công về các vị trí
công tác thích hợp… Các viện, trung tâm nghiên cứu khoa học cơ bản phải
được xây dựng tập trung với mưc đầu tư không thua kém ít ra là với các
nước trong khu vực (Trung Quốc, Thái Lan, Nhật Bản, Hàn Quốc…). Tại hầu
hết các nước những viện nghiên cứu này đều nằm trong các trường đại học
lớn, ta rất nghèo tại sao lại tách rời ra cho lãng phí?
7. Sự kiện học sinh có điểm rất thấp khi thi môn Lịch sử không chỉ
xảy ra trong năm nay mà đã xảy ra trong nhiều năm qua. Việc chấn hưng
giáo dục theo tôi không thể chậm trễ hơn nữa. Điều quan trọng không phải
là Sách giáo khoa mà là Chương trình chuẩn quốc gia cho từng môn học.
Chương trình đó phải không chênh lệch quá nhiều so với tinh thần của
chương trình ở các nước có nền giáo dục phát triển (đương nhiên là môn
Lịch sử phải coi trọng lịch sử nước nhà).
Chuyện sách giáo khoa không quan trọng khi đã có Chương trình chuẩn
hợp lý. Rất nhiều nước việc soạn và in sách giáo khoa là chuyện của
các nhóm chuyên gia và của các nhà xuất bản. Nhà nước nhẽ ra không cần
tốn một đồng nào về chuyện này. Chuyện tập trung xây dựng một chương
trình chuẩn thật hợp lý đâu có quá khó trong thời đại hội nhập quốc tế
như hiện nay.
Tôi đề nghị giao cho các hội khoa học chuyên ngành với sự cộng tác
của các nhà giáo có kinh nghiệm dày dặn ở bậc phổ thông. Nhà nước chỉ
cần bỏ kinh phí (không bao nhiêu) cho việc mua (hoặc xin) chương trình
các môn học phổ thông của những nước có nền giáo dục phát triển hoặc có
hoàn cảnh tương tự như nước ta. Tại sao phải đợi đến năm 2015 mới bắt
đầu lo tới câu chuyện khá đơn giản và hết sức quan trọng này?
.
GS.NGND Nguyễn Lân Dũng