Thế giới trên bờ vực
Đã có bao giờ những nhà lãnh đạo các quốc gia hùng mạnh ở châu Âu và
Bắc Mỹ phải băn khoăn về những khoản thâm hụt ngân sách “khổng lồ” khiến
một số quốc gia chìm dưới gánh nặng của những món nợ công như hiện nay?
Sau Hy Lạp, Ireland, đến lượt Bồ Đào Nha yêu cầu IMF và EU hỗ trợ. Danh
sách này chưa dừng lại vì vẫn còn một số nước khác đang vật vã với
những khoản chi tiêu hay đầu tư quá sức chịu đựng và có thể phải cần trợ
giúp từ IMF nếu những cuộc phát hành trái phiếu không đem lại nguồn thu
như mong muốn…
Ngay đến Hoa Kỳ, quốc gia có nền kinh tế hùng mạnh đứng đầu thế giới,
cũng phải đối diện với mức độ thâm hụt ngân sách kỷ lục. Chính quyền
mới đây tưởng đã phải ngừng hoạt động(!).
Nhưng thế giới không chỉ chứng kiến sự suy thoái về kinh tế mà còn
phải đối đầu với biến đổi khí hậu, lụt lội, gần nhất là những trận động
đất kinh hoàng từ Tứ Xuyên, đến New Zealand và những ngày gần đây chúng
ta đang chứng kiến thảm họa ấy ở Nhật. Cơn sóng thần ngày 11-3-2011 đã
làm chết và mất tích hơn 2 vạn người. Nguy hiểm hơn, như người ta thường
nói “họa vô đơn chí”, cơn sóng thần ấy đã làm tổn hại đến nhà máy điện
hạt nhân ở Fukushima, gây ra sự rò rỉ phóng xạ mà cả thế giới, nhất là
những nước láng giềng, đang nín thở chờ khắc phục vì nếu không thì ai
biết được hậu quả nó lớn đến mức nào.
Khủng hoảng kinh tế hay khủng hoảng niềm tin?
Chúng ta nghĩ gì khi các ngân hàng của Hoa Kỳ phải từ chối cho vay dù
họ còn tiền dự trữ? Theo Giáo sư Officer, các ngân hàng Hoa Kỳ không
phải đang đối mặt với cuộc khủng hoảng thanh khoản, hay nói đúng hơn là
cuộc khủng hoảng lòng tin. Ngay các ngân hàng với nhau, họ cũng không
dám cho vay. Dù chính phủ có bơm tiền vào hệ thống ngân hàng bao nhiêu
đi nữa, cũng chỉ làm cho cuộc suy thoái kéo dài mà thôi vì lối thoát
không nằm ở đó. Họ cũng không có động lực cho vay lãi suất thấp dù FED
có đưa lãi suất về 0 - 0.25% vì ưu tiên hàng đầu hiện nay là bảo toàn
vốn. Mặt khác, tình trạng giảm phát như một hệ quả tất yếu sẽ xảy ra, để
rồi khi thúc đẩy chi tiêu, chúng ta lại phải đối đầu với lạm phát. Bài
toán lẩn quẩn khi khủng hoảng lại đặt ra những vấn nạn không dễ giải
quyết.
Chưa bao giờ trong lịch sử kinh tế kể từ cuộc Đại suy thoái 1929,
người Mỹ lại phải rơi vào vòng xoáy của phá sản và đóng cửa hàng loạt
đến 150 ngân hàng. Những đại gia xe hơi như GM, Ford, địa ốc như Mac
Freddie đều điêu đứng… với những khoản nợ kếch xù. Tập đoàn tài chính
Lehmen Brothers khi phá sản đã đóng khung khoản nợ 613 tỷ USD… Niềm tin,
nguồn động lực lớn lao của chủ nghĩa tư bản, đang xuống mức thấp nhất.
Smith từng lập luận: “Khi người dân ở một quốc gia nào đó tin vào vận
may, tính trung thực và sự cẩn trọng của một chủ ngân hàng nào đó, tin
rằng ông ta luôn sẵn sàng trả theo yêu cầu trong giấy nợ của mình bất cứ
lúc nào trình lệnh phiếu cho ông ta, thì những giấy ghi nợ này sẽ có
giá trị lưu thông như vàng và tiền, vì tin rằng loại tiền này có thể có
ích cho họ vào bất cứ lúc nào”.
Và Smith giải thích tại sao kiểu niềm tin này không phải lúc nào cũng
tồn tại. Nhưng khi vai trò giám sát của Nhà nước càng cần thiết thì khả
năng tiến hành giám sát cần thiết lại càng giảm. Đó là nguyên nhân đưa
đến những thủ đoạn bất lương, làm hàng gian hàng giả, lừa đảo, cả xu
hướng siêu đầu cơ.
Theo các nhà phân tích nước ngoài thì “Những khó khăn kinh tế hiện
nay không đòi hỏi “chủ nghĩa tư bản (phiên bản mới)” nào đó, mà cần một
cách hiểu mở về các ý tưởng cũ liên quan đến quy mô và các giới hạn của
nền kinh tế thị trường. Điều cần trên hết là một nhận thức tỉnh táo về
việc các định chế khác nhau vận hành như thế nào, và bằng cách nào các
tổ chức khác nhau - từ thị trường đến các thể chế nhà nước - có thể cùng
nhau góp phần tạo ra một thế giới kinh tế tốt hơn (Hạnh Nhân - dịch từ
FT.com).
Bài học nào cho Việt Nam
Nhìn lại Việt Nam, chúng ta thấy nền kinh tế non trẻ của mình đang
đứng trước những thách thức không nhỏ với những vấn đề cố hữu. Cho nên
chúng ta không ngạc nhiên khi nghe những nhận định “Ổn định kinh tế vĩ
mô, phát triển bền vững…” Thế nhưng chúng ta không bàn những vấn đề kinh
tế trong bài này, chỉ nói đến hiệu ứng của nó với xã hội. Chúng ta thấy
gì?
Điều dễ nhận thấy là thu nhập hay đúng hơn sức mua người dân yếu
đi, chất lượng cuộc sống đang giảm sút. Công việc trở nên khó tìm hơn
khi các nhà đầu tư trong và ngoài nước trở nên thận trọng hơn. Thế giới
biến động và sa sút tác động không nhỏ vì chúng ta ngày càng hội nhập
sâu hơn, rộng hơn. Sự chênh lệch giàu nghèo đang tăng lên, tạo khác biệt
giữa các giai cấp, giữa miền xuôi và miền núi, chưa nói đến tình trạng ô
nhiễm môi trường do sản xuất, chạy theo lợi nhuận, giáo dục không đáp
ứng nhu cầu kinh tế kỹ thuật, tệ nạn xã hội phát sinh ngày một nhiều…
Tất cả là một bài toán nan giải cho chúng ta hôm nay.
Trầm trọng hơn là có lúc có nơi chúng ta đang mất niềm tin vào sự
điều hành vĩ mô, nhất là niềm tin vào những nhà hoạch định và thực thi
chính sách (!).
Những giá trị cần phục hoạt
Khi nói đến an sinh xã hội, chúng ta không chỉ nhấn mạnh đến tính
công bình mà còn muốn nói đến một xã hội hòa ái. Chính quan hệ người -
người làm nên nền tảng xã hội chứ không phải nền kinh tế hàng hóa. Chúng
ta không xây dựng một xã hội tiêu thụ ngày một nhiều hơn mà là một xã
hội giàu lòng nhân ái hơn. Người ta cho rằng chủ nghĩa tư bản, nhất là ở
giai đoạn sơ khai, dựa trên động cơ cạnh tranh mà cạnh tranh có gốc rễ
từ lòng tham sẽ đưa đến những hệ quả là vướng mắc vào sự trường tồn của
vật chất, vào quảng cáo truyền thông, vong thân trong chủ nghĩa tiêu
thụ, đánh đồng sự giàu có với hạnh phúc... Tất cả tạo nên những đau khổ
trong cuộc đời…
Thế nên Lloyd Field trong Kinh doanh và Đức Phật (Business
and The Buddha) có đề ra một đơn thuốc cho xã hội tiêu dùng hôm nay với
mục tiêu là đem lại hạnh phúc song song với lợi nhuận, dựa trên việc
phát triển tinh thần, giảm bớt tâm thức vướng mắc vào vật chất, vận hành
bằng trí tuệ, với nguyên tắc minh bạch, chính trực trong quan hệ. Để
làm được điều ấy, chúng ta cần nâng cao chất lượng sống và phục hoạt
những giá trị tâm linh hơn là tăng cường số lượng những tiện nghi xung
quanh.
Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng ngày càng lan rộng và chưa có dấu
hiệu dừng lại, chúng ta cần thực hành Bát chánh đạo, rèn luyện kỹ năng
sống. Thực hành chánh niệm, sống theo chánh mạng. Phân phối của cải trên
nguyên tắc công bình, san sẻ phúc lợi cho mọi người. Chúng ta phải
hướng đến mục tiêu là vun đắp lòng thương yêu giữa chúng sinh với nhau,
sống sao cho hài hòa với cộng đồng và với môi trường. Thực hành thiện
nghiệp, huân tập thiện tâm, dù trong khó khăn hay khủng hoảng chúng ta
cũng đều “vui với đạo” (Cư trần lạc đạo) thấy lẽ sống kiên định, vững
chãi. Suy cho cùng, GNH (Gross National Happiness - Tổng Hạnh phúc Quốc
gia) mới là tiêu chuẩn quan trọng nhất của một xã hội và đất nước chứ
không phải GDP hay GNP! Đó chính là thông điệp muôn đời.
Nguyên Cẩn