02/06/2011 11:53 (GMT+7)
Số lượt xem: 1180
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Báo chí trong hơn một tuần qua “nóng” như lửa với thông tin tàu hải giám của Trung Quốc cắt cáp thăm dò dầu khí của tàu Bình Minh 2 (thuộc Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PetroVietnam) ngay trên lãnh hải nước ta. Cùng với đó là những phân tích, mổ xẻ nguyên nhân của việc táo tợn, ngang ngược của Trung Quốc chính là mưu đồ khai thác dầu khí ở biển Đông Việt Nam.

Cuộc đụng độ này đang được giải quyết ở cấp ngoại giao với những phát ngôn chính thức trên tinh thần giải quyết hoà bình các vấn đề ở biển Đông. Từ sự vụ này cùng với những cuộc chiến đương thời như ở Lybia, Iraq… đều xuất phát từ tài nguyên hay nói xa hơn là lòng tham của con người, cụ thể là các nước lớn, kinh tế phát triển nên cần nguyên liệu dầu mỏ.

WTS.jpg

Chiến sĩ hải quân Việt Nam
trên đảo Trường Sa lớn. Ảnh. Nguyễn Hưng

Lòng tham

Sáng ngày 28-5, tất cả các báo ngày và rất nhiều báo mạng đã đồng loạt đưa thông tin: tàu Trung Quốc táo tợn xâm hại lãnh hải Việt Nam, mà cụ thể là việc tàu hải giám Trung Quốc cắt cáp thăm dò của PetroVietnam, gây thiệt hại khoảng 100.000 USD. Tiền thì có thể tính toán được nhưng việc xâm hại chủ quyền của một nước độc lập, vùng lãnh hải của nhân dân Việt Nam là hành động đi ngược lại luật pháp và công ước quốc tế (Công ước Luật biển năm 1982) thì tổn thương không thể tính đếm.

Lịch sử đã chứng minh rất rõ rằng quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa là của Việt Nam. Máu xương cha ông đã đổ xuống cho mảnh đất bốn bề giáp biển, cùng với việc gìn giữ lãnh hải được gọi tên là biển Đông. Nhân dân và dân tộc Việt Nam yêu chuộng hoà bình, hoà hiếu và luôn muốn giải quyết mọi việc trên tinh thần nhân văn, từ ngàn xưa đã thế. Nhất là thời kỳ Lý-Trần, thời của Phật giáo hưng thịnh, các vua, quan thời đó lấy giáo lý nhân quả, lấy tinh thần từ bi, hỷ xả để đối đãi với dân và ban giao với các nước. Nhà vua cũng là thiền sư, thiền sư cũng là quốc sư cùng tham gia triều chính với ý niệm là làm cho nhân dân yên ổn, đất nước thanh bình, người người được ấm no, hạnh phúc. Tinh thần ấy được thể hiện rất rõ trong suốt lộ trình bảo vệ Tổ quốc, ngoại xâm đến thì cả nước nhất tề đứng lên bảo vệ, khi đối phương thua thì khoan dung, tha cho binh tướng đối phương… Chính triết lý và lối sống nhân hậu ấy đã trở thành nếp ứng xử của tất cả những vị lãnh đạo đất nước ta từ cổ chí kim.

Trước sự vụ biển Đông, nhiều năm qua, chúng ta đã thương thảo trên nghị trường cấp cao với tinh thần bất bạo động, xem giải quyết mọi vấn đề đều dựa vào cơ sở pháp lý, đối thoại. Thế nhưng, sự thiện chí của Việt Nam cũng như một vài nước khu vực Đông Nam Á như Philippines, Malaysia… đã không được Trung Quốc lắng nghe chỉ bởi một lẽ: ở vùng biển này trữ lượng dầu thô và khí đốt quá lớn: 50 tỉ tấn dầu thô và hơn 20.000 tỉ m3 khí, gấp 25 lần trữ lượng dầu và 8 lần trữ lượng khí mà Trung Quốc có (theo nhận định của Thời báo Hoàn Cầu, Tuổi Trẻ đăng bài ngày 30-5). Chính sự “cám dỗ” của dầu mỏ, khí đốt - thứ nguyên liệu cần thiết cho phát triển công nghiệp đã làm Trung Quốc bỏ qua những tuyên bố trước đó, trong quy tắc ứng xử biển Đông. Lòng tham vốn được kế thừa từ bao thế hệ của Trung Quốc trong tham vọng bành trướng và họ luôn lấy thế “cá lớn hiếp cá bé” để ứng xử!

Chiến tranh, dưới góc nhìn của đạo Bụt

Chiến tranh, đương nhiên sẽ có mất mát, khổ đau bởi chiến tranh đồng nghĩa với huỷ hoại, chết chóc, với những li tán và sợ hãi. Có lẽ, phàm là người sống theo lời Phật dạy không ai muốn chiến tranh, và ai cũng muốn được sống trong sự an lạc, tỉnh thức. Nhưng, như Đức Phật dạy, chúng sanh vốn vô minh, do tham-sân-si che lấp, tam độc ấy điều khiển đã gây ra không biết bao nhiêu nỗi khổ niềm đau từ việc gây chiến.

Tình cờ đọc lại cách dụng binh của người xưa, đại ý là người đứng đầu đất nước đã nghĩ về việc khởi sự binh đao rằng nếu diễn ra vào mùa hè và mùa đông thì binh lính tổn hao do thời tiết khắc nghiệt; còn nếu diễn ra vào mùa xuân và mùa thu thì làm hại mùa màng, hại nhân dân đói khát… Ngẫm về cách nghĩ này quả thấy lòng người lãnh đạo nhân ái quá đỗi, bởi họ biết nghĩ đến khởi sự binh đao lúc nào cũng có thể gây nỗi đau cho lính và cho dân. Thế nhưng, tình thương dân, nhân bản với con người ấy dần không được quán triệt sâu sắc ở người lãnh đạo bởi lòng tham của họ ngày càng lớn. Đồng thời, nỗi sân hận trong lòng người hình như cũng tăng trưởng theo thời đại. Những phương tiện hỗ trợ cho tội ác và chiến tranh - sản phẩm của nền công nghệ phát triển cũng ngày càng nhiều.

Dưới góc nhìn của đạo Phật: “nhất thiết duy tâm tạo”, “tướng từ tâm sinh” nên cái tướng bất ổn thể hiện ở cục diện thế giới rối ren, đầy sân hận và giải quyết bằng bạo lực, bằng chạy đua vũ trang như đã, đang diễn ra ngay trong khu vực và thế giới đều từ tâm sợ hãi, lòng tham của con người xúi giục.

Đạo Phật lúc nào cũng nhất thống tinh thần: hoà bình, giải quyết mọi việc đều trên tinh thần bi và trí. Trí thấy rõ gây chiến tranh thì sẽ gặt phải mất mát, khổ đau và bất ổn thì chắc chắn sẽ không gây chiến. Nếu hiểu rõ chiến tranh là làm thương tổn lòng người, lòng dân thì kiên quyết không gây bởi tình thương không cho phép. Nếu người lãnh đạo thấm nhuần tinh thần này cùng với việc xác tín được những giá trị cao đẹp của hoà hiếu sẽ giúp cho thế giới đẹp hơn, nhân văn hơn thì họ sẽ không gây hấng, sẽ không kiếm cớ để biến những hiểu lầm, tham lam thành xung đột vũ trang, thành những cuộc chiến hao người tốn của.

Hơn ai hết, nhân dân Việt Nam đã trải qua đêm dài chinh chiến, từng đớn đau với mất mát nên hiểu rõ giá trị của hoà bình. Và hơn ai hết, người Việt Nam gần như tất cả đều thấm nhuần đạo Phật, giáo lý Phật thấm ra thành tục ngữ, ca dao, cũng là “lời răn” trong đời sống như “gieo gió gặt bão” (chẳng hạn) nên luôn thầm mong và nguyện cầu một điều bất di bất dịch là hoà bình thế giới, nhân dân an lạc. Cao hơn, trong lời nguyện, hồi hướng ở mỗi thời kinh còn là ai cũng ngộ được Phật tánh, để trở về con đường thiện, tích luỹ, tưới tẩm hạt giống từ trong tâm để kiến tạo Tịnh độ trên đất mẹ - hành tinh yêu thương này. Điều đó bắt đầu từ việc chống chiến tranh và bạo động, kêu gọi hoà bình và bất bạo động trong tất cả ứng xử giữa người với người, giữa quốc gia này với quốc gia khác…

Giấc mơ Việt Nam

Giấc mơ Việt Nam là có một nước Việt Nam thật đẹp, thật hiền, chơi chung với các nước Cam-pu-chia, Lào, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Indonesia, Myanmar, với Hàn Quốc và Nhật Bản, và sau đó, với cả Trung Quốc, một cách thân ái trong tình huynh đệ, dân chúng các nước qua lại không cần chiếu khán, và tất cả sử dụng một đồng bạc chung.

Giấc mơ Việt Nam là dân tộc Việt Nam biết để thì giờ ra để đi chơi, ngồi chơi, leo núi, đi biển, sống với cảnh đẹp thiên nhiên, hàng ngày có nhiều cơ hội dựng xây tình huynh đệ mà không để hết thì giờ chạy theo sắc dục, tiền bạc, quyền hành và danh vọng.

Giấc mơ Việt Nam là trẻ em và người lớn đều ý thức được rằng đất hứa, thiên đường hay cõi tịnh độ là cái đang có mặt đích thực trong giờ phút hiện tại, và ta phải biết và phải có khả năng thích ý rong chơi.

Giấc mơ Việt Nam là người Việt có khả năng sống đơn giản mà hạnh phúc, có thì giờ và tình thương để làm việc giúp cho người trong nước và ngoài nước vượt thắng nghèo khổ, bệnh tật, thất học, hòa giải được với người thân và tìm được nguồn vui sống.

Giấc mơ Việt Nam là sông, núi, rừng, biển và ruộng vườn của chúng ta được bảo vệ an lành để chúng ta và con cháu chúng ta cũng như thế giới cũng được bảo vệ an lành và để cho mọi người được tiếp tục thừa hưởng tất cả những gì hùng vĩ, cẩm tú và giàu sang của đất nước này.

Giấc mơ Việt Nam là những người Việt sống trong một nước có quyền tin theo bất cứ một tôn giáo, một chủ thuyết nào, nhưng tất cả đều thấy được rằng không có tôn giáo và chủ thuyết nào cao hơn tình huynh đệ, cao hơn lòng cởi mở và lượng bao dung, và bất cứ ai cũng học được và thừa hưởng được những châu báu của các truyền thống và quan điểm khác để làm giàu cho tuệ giác và hạnh phúc của mình.

Giấc mơ Việt Nam là các quốc gia lân cận, kể cả Trung Quốc, biết thương mến và thưởng thức cái đẹp và cái dễ thương của đất nước, văn hóa và con người Việt Nam mà không còn có ý muốn xâm chiếm và giành giật nhau, tại vì người Việt đã học được cách bảo vệ sông núi, văn hóa và con người của mình bằng nếp chung sống hòa bình, bằng tình huynh đệ, bằng tài ngoại giao, bằng nếp sống tương trợ với các nước chung quanh mà không tin rằng chỉ có vũ khí và quân sự mới làm được chuyện ấy.

Ô hay, bạn sẽ nói, thầy Nhất Hạnh lâu nay khuyên mình sống trong giây phút hiện tại mà bây giờ lại tìm cách trao cho mình một giấc mơ, gọi là giấc mơ Việt Nam ! Thầy Nhất Hạnh có còn là thầy Nhất Hạnh nữa không, khi thầy muốn dìu mình đi vào một giấc mơ, dù là một giấc mơ thật đẹp?

Người bạn trẻ ơi, sở dĩ tôi nói tới giấc mơ, tại vì giấc mơ này có thể trở thành sự thật, và đang bắt đầu trở thành sự thật. Một giấc mơ không bao giờ có thể trở thành sự thật một trăm phần trăm, nhưng nó có thể dần dần trở thành sự thật mỗi ngày, và ta có thể sống với sự thật ấy trong giây phút hiện tại.

Lý tưởng lớn, hoài bão rộng là gì, nếu không phải là một giấc mơ? Trong đạo Bụt người ta dùng danh từ Tâm Bồ Đề. Tâm bồ đề đâu có phải chỉ là giấc mơ? Tâm bồ đề là một sự thật, một năng lượng mà ta đang sống và đang cho ta nhiều niềm tin và hạnh phúc. Giấc mơ có thể trở thành sự thật từ từ trong từng giây phút của cuộc sống. Mấy mươi năm nay, không lúc nào mà tôi không đang chứng kiến giấc mơ trở thành sự thật, trong đời sống hàng ngày của tôi.

HT.Thích Nhất Hạnh

Lưu Đình Long

http://www.giacngo.vn/vanhoa/phatgiao/2011/06/02/527000/


Âm lịch

Ảnh đẹp