Những khẩu hiệu “Cấm xả rác, vứt rác bừa bãi” nơi đâu cũng thấy nhan
nhản, những biển báo cấm đổ rác mọc lên như nấm, nhưng có mấy ai thèm để
tâm?
Hiện tượng vứt rác ra đường đã trở nên quá phổ biến đặc biệt là đối
với lớp trẻ hiện nay. Thói “tiện đâu vứt đấy” đã trở thành thói quen của
hầu hết người dân Việt Nam nói chung và dân thành thị như Hà Nội nói
riêng.
Học sinh, sinh viên đi học sớm, cầm theo gói xôi, gói bánh ăn xong
quẳng luôn vào gốc cây, không một chút áy náy. Các quán vỉa hè lúc nào
cũng tràn ngập rác: họ ăn xong ném luôn giấy bẩn, vỏ chanh xuống đất, và
cứ như thế, họ ngồi ăn trên đống rác của nhau cùng lũ giòi bọ, ruồi
muỗi vo ve xung quanh.
Họ bước ra khỏi công viên, để lại đống thức ăn thừa trên ghế đá và
cười cợt những ánh mắt khó chịu của các bác công nhân về sinh. Họ ném
rác qua cửa sổ xe buýt một cách táo tợn mà không them để ý người đứng
dưới. Họ vùi vỏ dưa hấu xuống cát và cùng nhau hò hét mỗi khi song đánh
cuốn trôi từng vỏ dưa xuống biển.
Họ thải nước ô nhiễm xuống dòng sông vốn hiền hòa và vô tâm biến dòng
nước ấy thành một dòng song đen ngòm, bốc mùi, không ai dám tới gần và
họ đặt cho “nó” cái tên “dòng sông chết”.
Và đổi lại, họ được gì? Họ chẳng được gì ngoài ánh mắt khinh thường của mọi người xung quanh.
Họ mất gì? Họ mất cơ hội được sống trong một môi trường trong sạch,
họ mất đi cơ hội chiêm ngưỡng những tài nguyên họ đã vô tình phá hoại,
mất cơ hội đắm mình trong dòng song dịu hiền của quê hương… Nhưng đâu
phải chỉ có họ chịu những mất mát đó, những người xung quanh cũng mất đi
những thứ ấy và thậm chí tất cả các thế hệ sau này đều không được
hưởng.
Người ta ngụy biện cho hành động đáng lên án đó bằng những lý lẽ tầm
thường như “không có hiểu biết, kiến thức về bảo vệ môi trường’ nhưng
thử nghĩ xem, đã bao nhiêu “cuộc vận động bảo về “hành tinh xanh’ tổ
thức nhằm nâng cao ý thức người dân, đặc biệt là giới trẻ kết thúc trong
sự chán nản và thất vọng của những người tâm huyết vận đông khi nhìn
thấy đống ‘chiến trường rác’ của những người tham gia để lại?
“Rác ý thức” là từ chính xác nhất để nói về nguyên nhân của hiện
tượng này. Là do tư tưởng sai lệch. Họ nghĩ “Có phải nhà mình đâu mà
mình giữ, mình không vứt người khác cũng vứt’ đã giúp họ dễ dàng vứt rác
một cách không suy nghĩ, thậm chí vứt rác ngay cạnh thùng rác! Và họ
lại cho rằng “đằng nào cũng có công nhân vệ sinh dọn rồi”.
Nhưng thử nghĩ xem, nếu họ chỉ cần để ý một chút, vứt rác đúng nơi
quy định, nhà nước sẽ phần nào thêm được một khoản phí lớn để khang
trang trường học cho các em nhỏ thay vì phải thuê công nhân thu dọn bãi
rác của mọi người.
Hơn nữa, chắc chắn với hiện tượng đường phố đầy rác như hiện nay,
nước ta sẽ thiệt thòi rất lớn về mặt du lịch, dịch vụ. Thử hỏi ai muốn
nghỉ ngơi ở một đất nước tràn ngập rác như thế này?
Nếu muốn dọn sạch rác ở đường phố, những nơi công cộng, đầu tiên,
phải dọn sạch “rác” trong tư tưởng mọi người, phải dọn sạch “rác ý
thức’.
Muốn người dân Việt Nam trở nên văn minh, lịch sự, điều quan trọng
nhất là phải ngay từ bây giờ, giáo dục các em nhỏ có ý thức bảo vệ môi
trường. Để làm được điều đó, nhà trường sẽ phải thật cố gắng tổ chức
những tiết học về môi trường cho các em, giúp các em hiểu được tầm quan
trọng trong việc bảo vệ môi trường…
Làm được những điều đó, chắc chắn không phải là khó, và chúng ta,
những chủ nhân tương lai của đất nước, hãy vì một môi trường xanh – sạch
– đẹp, hãy vì một đất nước tương lai tươi sang, hãy sửa lại thói quen
xấu này, hãy nhắc nhở mọi người xung quanh. Bằng những hành động, cử chỉ
nhỏ, chúng ta sẽ thay đổi tương lai đất nước Việt Nam!
Lê Phương Như (Lớp 9A3 – THCS Chu Văn An-Hà Nội)