07/06/2013 10:50 (GMT+7)
Số lượt xem: 94925
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Trong cái nhìn của đạo Phật thì đó là những người gặp nghịch duyên (do phước báo không tròn)...
GN - Bỏ qua những lùm xùm xung quanh những tranh luận từ việc đón rước tới việc chi tiền (trên 30 tỷ đồng) cho sự kiện Nick Vujicic - chàng trai sinh năm 1982, “không tay không chân”, người Úc, diễn giả nổi tiếng thế giới, được gọi tên là “người truyền cảm hứng” tới VN để góp một vài góc nhìn trung dung…

1. “Cung kính bậc đáng kính/ Là phước đức lớn nhất”. Đó là hai câu trong kinh Phước đức được Đức Thế Tôn thuyết cho một vị Thiên giả khi được hỏi về thao thức của nhơn-thiên về phước đức. Cung kính bậc đáng kính nếu rốt ráo như Bồ-tát Thường Bất Khinh thì ta sẽ nhìn chúng sinh, vạn loại đồng có Phật tính như nhau - hạt giống thành Phật nên đều đáng kính, đáng lễ lạy và xưng tôn “tôi không dám khinh các Ngài, các Ngài rồi sẽ thành Phật”.

Tuy nhiên, do ta chưa đạt được “tam muội” thường bất khinh nên ta vẫn còn thấy “bậc đáng kính” ở chỗ công hạnh lành tốt mà họ làm được cho cuộc đời, chúng sinh, và tất nhiên, bằng tâm không phân biệt màu da, tôn giáo, chế độ chính trị… ta sẽ có thể tìm thấy những bậc đáng kính để kính quý họ một cách chân thành, không mảy may “truy xét”.

anh Van hoa 2, Nick Vujicic.jpg

Nick Vujicic giao lưu với các em nhỏ ở Hà Nội - Ảnh: Nguyễn Khánh

Đối với tôi, Nick Vujicic chính là người đáng kính quý như thế, đơn giản vì tôi biết về anh (qua những gì anh thể hiện ở hiện tại và quá trình anh ghi lại bằng chính trang sách của mình) là một người giàu nghị lực, mạnh mẽ, đã vượt lên chính mình, đứng vững (dẫu anh không có chân) và có thể nắm tay người khác giúp họ vững chãi, chạm vào tim họ để họ có niềm tin yêu cuộc sống (dẫu anh không có tay - vì nghiệp duyên của mình). Đó là điều không phải ai cũng có thể làm được và không phải người đầy đủ tay chân nào cũng làm được như Nick.

Trong cái nhìn của đạo Phật thì đó là những người gặp nghịch duyên (do phước báo không tròn) nhưng là nghịch tăng thượng duyên. Bởi vì, nhờ sự khiếm khuyết một phần cơ thể đó cộng với cái đầu thông minh, khả năng hùng biện, đa văn và nghị lực phi thường, Nick Vujicic đã có thể trở thành một biểu tượng sống để những người đồng cảnh ngộ như anh có thể nhìn vào cách anh nghĩ, anh sống để có thêm niềm tin. Thậm chí, rất nhiều người đầy đủ sáu căn, khỏe mạnh hơn Nick nhưng lại… chán sống, chán đời vì yếu tinh thần cũng có thể nhìn vào anh mà “phản tỉnh” chính mình.

Thật vậy, một “làn sóng” ngưỡng mộ Nick Vujicic và tự đặt câu hỏi “mình đã làm gì, đã sống như thế nào với cuộc sống của mình” đã được truyền đi trên cộng đồng mạng và đối với những người trực tiếp nghe anh chia sẻ hoặc gián tiếp xem qua truyền hình. Không một ai có tấm lòng lại không nhìn nhận những giá trị mà Nick đã đạt được và truyền đi như “tôi chưa bao giờ bị khuyết tật cho đến khi tôi mất niềm tin, hy vọng” mà anh trân trọng nhắc đi, nhắc lại.

Đó như một châm ngôn mà những người cùng thời đầy đủ sáu căn nhưng đã “khuyết tật” rất nhiều lần trong đời vì đã không ít lần tự gạt bỏ mọi niềm tin, hy vọng vào chính mình, vào cuộc sống và khả năng thay đổi cuộc sống của mình. Bệnh “than”, bệnh “chán” trở thành bệnh-thời-đại đến nỗi những người thuộc thế hệ trước phải đặt ra nghi vấn về nghị lực của thế hệ @ bây giờ phải chăng không còn được như thời trước? Trên nhãn quan Phật giáo có thể thấy rằng, Đức Phật dạy “nhất thiết duy tâm tạo”, hay là mọi việc đều do ý tạo “ý dẫn đầu các pháp”, khi mình khởi lên một niệm thì chính nó dẫn mình đi như một kim chỉ nam cho một lối suy nghĩ, cách nói năng, giao tiếp đến lối sống hàng ngày.

2. Ở Việt Nam tất nhiên có những người như Nick, thậm chí còn bi đát hơn anh và có nghị lực như anh song lại không phải là người có khả năng truyền cảm hứng cho người khác. Nhiều người, trong đó những người trong cuộc như dịch giả Nguyễn Bích Lan (người dịch ba cuốn sách của Nick) chia sẻ rằng ở ta, những người khuyết tật không được trao cơ hội, không được nâng đỡ và mở một cánh cửa vào đời đủ rộng như nước Úc mà Nick đang sống hay những nước phát triển khác.

Từ câu hỏi, ở ta có trường học nào có lối đi riêng dành cho người khuyết tật, các dịch vụ công cộng có thiết kế riêng dành cho người khuyết tật được mấy chỗ… đến kết luận về một hệ quả rụt rè, e ngại trong nếp nghĩ “thua kém”, có sự kỳ thị, phân biệt của những người giống Nick ở Việt Nam là không thể tránh khỏi. Đó quả là “kết luận” đau lòng mà những nhà hoạch định xã hội, nhà nước phải nghĩ, phải quan tâm tới một bộ phận người khuyết tật không nhỏ ở nước ta để có những Nick ở Việt Nam cũng đủ mạnh mẽ như vậy.

anh Van hoa 1, Nguyen Son Lam.png

Nguyễn Sơn Lâm - một diễn giả vươn lên từ sự khuyết tật

Hơn nữa, đó là câu hỏi ở ta cũng có những Nick thực sự như thế, như người hùng Nguyễn Sơn Lâm (bị chất độc da cam, là diễn giả, chinh phục đỉnh Phan-xi-păng), thầy Nguyễn Ngọc Ký (60 tuổi, bị bại liệt hai tay, viết bằng chân, tốt nghiệp ngành Văn và dạy học, truyền cảm hứng cho học trò), hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng… nhưng việc tạo ra một hình ảnh thuộc về biểu tượng như Nick Vujicic thì ta chưa thực sự quan tâm, hay làm không được?

Có người gọi là “công nghệ lăng-xê” của ta không có nên dẫu có những nhân vật xứng tầm như Nick thì cũng chẳng thể nào “nổi lên” được như anh ấy. Cái đó thuộc về “cơ chế” đầu tư cho người khuyết tật ở ta chưa tương xứng, nếu không muốn nói là chỉ mới nghĩ tới việc giúp cho họ ở mặt nào đó (chủ yếu là cho “con cá”) chứ chưa thật chú ý những người có khả năng để đào tạo, để họ có cơ hội phát triển năng lực và đạt tới khả năng mà họ có tiềm năng. Đó là điều mà chúng ta phải suy nghĩ để tương lai Việt Nam sẽ không phải nhờ một Nick từ Úc tới truyền cảm hứng cho người Việt mà có thể đưa “Nick Việt” đi truyền cảm hứng cho thế giới.

3. Những ngày này, Phật giáo Việt Nam đang thành kính nghiêng mình, trân trọng tưởng niệm một bậc xuất thế đã dùng lửa từ bi, vị pháp thiêu thân cách đây 50 năm (1963-2013), đó chính là Bồ-tát Thích Quảng Đức. Bi-Trí-Dũng của Ngài đã thấm đẫm trong hành động vị pháp thiêu thân để cho “chỗ Ngài ngồi là thiên thu tuyệt tác”, làm rúng động cả năm châu. Thế nhưng, ta có “chiến dịch” nào để giới thiệu hình tượng tuyệt vời của Ngài với bạn bè năm châu nhân dịp này?

Thêm vào đó, lại nhớ về việc Nick Vujicic nói chuyện trước công chúng, có ống kính truyền hình trực tiếp, anh đã mạnh dạn thừa nhận đường hướng tâm linh của mình, bày tỏ niềm tự hào về gốc rễ tâm linh mà không có gì phải sợ. Song, nếu đặt trường hợp Phật tử của mình thì sao? Không ít Phật tử thiếu một chữ Dũng, cũng có nghĩa là thiếu Trí-Bi khi có nhiều người đã không dám nhận mình là Phật tử dẫu có niềm tin và nương tựa Tam bảo.

Chỉ vì những nỗi sợ, những nỗi lo “vô hình”, hay vì ta thiếu một niềm tin sâu chắc? Đó là điều mà những người con Phật phải “phản quan tự kỷ” để mà có một cách sống vững chãi hơn trước gốc rễ tâm linh cao quý của mình. Có như thế mình mới vượt qua những nỗi sợ, đi xa trên tiến trình giải thoát, giác ngộ, không bị kẹt lại bởi vô vàn những lý lẽ thế gian và chung tay cho sự nghiệp “hoằng dương Phật pháp” bằng cách nói lên điều lợi ích của mình trong việc học-tư duy-hành theo lời Phật dạy mà đừng có ngại ngần chi chuyện này, chuyện nọ xung quanh...

Chuỗi sự kiện Nick Vujicic đến VN do Tập đoàn Tôn Hoa Sen (HSG), First News và VTV phối hợp tổ chức, HSG tài trợ diễn ra từ ngày 22 đến 26-5. Được biết, Nick Vujicic (Nick James Vujicic) sinh năm 1982 tại Melbourne, Úc. Anh bị khiếm khuyết cả tay lẫn chân do bệnh tetra-amelia, một căn bệnh hiếm gặp. Tuy vậy, Nick đã tốt nghiệp cử nhân thương mại với chuyên môn kế hoạch tài chính và kế toán tại Đại học Griffith ở Logan, Úc. Nick còn có thể chơi golf, chơi banh, bơi lội, lướt sóng và trượt tuyết... Tất cả các hoạt động thường ngày của anh đều được làm bằng bàn chân trái nhỏ xíu. Năm 17 tuổi anh bắt đầu các bài diễn thuyết của mình về nghị lực sống. Đến nay, Nick đã đi diễn thuyết ở 24 quốc gia và vùng lãnh thổ với hơn 1.600 bài nói chuyện, cho hơn 4 triệu người nghe trực tiếp.
www.giacngo.vn


Âm lịch

Ảnh đẹp