PHẬT GIÁO ĐỐI VỚI CÁC VẤN ĐỀ BẠO LỰC, KHỦNG BỐ


Tác giả: Nandasena Ratnapala Người dịch: Thích Huệ Pháp
28/04/2013 20:51 (GMT+7)
Số lượt xem: 200703
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Bạo lực, khủng bố đã xảy ra dưới nhiều hình thức khác nhau trong những trường hợp khác nhau có liên quan đến cuộc đời của đức Phật. Ma vương xuất hiện cùng với đoàn tùy tùng hùng hậu nhằm cản trở đức Phật chứng đắc Thánh quả là trường hợp đầu tiên mà chúng ta có thể thấy sự hiện diện của bạo lực dữ tợn. Ma vương sẵn sàng dùng nhiều phương tiện trong khả năng của mình để đánh phá đức Phật.


Đội quân này được mô tả là đã được trang bị những loại vũ khí gây chết người, riêng Ma vương được cho là có nhiều loại thần thông tuyệt luân dùng để lật đổ đức Phật. Kinh nghiệm của đức Phật trong việc đối phó với Ma vương đã làm sáng tỏ những khía cạnh nào đó có liên quan tới bạo lực và khủng bố. Ông ta nói với đức Phật rằng nếu Ngài từ bỏ theo đuổi con đường hiện tại, thì Ngài sẽ có một cuộc sống sung túc. Sau đó, ông ta nói rằng người thân của Ngài đang gặp nguy hiểm. Điều này cũng giống cách mà bọn khủng bố thời hiện đại đang sử dụng là bắt cóc con tin. Ma vương dùng thần thông của mình bắt người thân của đức Phật đến trước Ngài đe dọa. Họ van nài xin tha. Sự thật, họ chỉ là ma quỷ hiện hình do Ma vương tạo ra. Ngày nay, phương pháp bắt cóc con tin này khá phổ biến để bọn khủng bố đưa ra những yêu sách mà họ muốn.

Những đe dọa của Ma vương sớm trở thành một cuộc khủng bố thật sự: “Hãy xông lên, túm lấy, bắt trói và quăng ném tên tiện sanh này. Hắn là đồ sâu bọ chứ không phải là con người”. Ma vương tiếp tục chửi rủa, uy hiếp tinh thần đức Phật bằng cách “Tạo ra chín trận mưa đao, gây khói đen mịt mù, giông tố sấm chớp vang trời”. Sau khi các kiểu uy hiếp về tinh thần này thất bại, không lung lay được ý chí của đức Phật, Ma vương bèn sử dụng đến nữ sắc bằng cách cho ba người con gái xinh đẹp của mình đến nhằm lung lạc ý chí của đức Phật để đạt được mục đích.

Trong đoạn tình tiết trên, phương pháp đối phó với bạo lực được đức Phật sử dụng đáng để chú ý: Ngài không run sợ, nhúc nhíc; không bị khiêu khích và bỏ ngoài tai tất cả các tư tưởng về bạo lực. Bạo lực chỉ có thể khơi nguồn, phát triển và lan rộng nếu nó nằm trong một môi trường thích hợp. Nếu các điều kiện thích hợp không tồn tại thì bạo lực có thể phát triển không? Bản chất của bạo lực khiến nó dễ dàng phát khởi và lan rộng, vì thế, kinh nghiệm của những người đã từng nếm trải bạo lực rất đáng học hỏi.

Quan điểm của Phật giáo đối với những hành vi bạo lực cả về thể xác lẫn tinh thần được minh chứng trong những câu pháp cú dưới đây:

“Mọi người sợ hình phạt,
Mọi người sợ tử vong,
Lấy mình làm ví dụ,
Không giết không bảo giết”.
“Chúng sanh cầu an lạc,
Ai dùng trượng hại người,
Để tìm lạc cho mình,
Đời sau không được lạc”(1).

Thậm chí, trong lời nói, chúng ta cũng phải cẩn trọng để không làm tổn thương người khác. Phải tránh bạo lực trong cả lời nói, hành động và tư tưởng. Vì rằng, bạo lực không những gây ra tổn thương cho nạn nhân mà còn chẳng đem lại bất kỳ hạnh phúc nào cho người tạo ra nó. Hậu quả nhãn tiền là chính đau khổ được gây ra sẽ đánh thức bạo lực, mở cửa cho bạo lực phát triển không những trong đời này mà còn kiếp sau.

“Hoặc khổ thọ khốc liệt,
Thân thể bị thương vong,
Hoặc thọ bệnh kịch liệt,
Hay loạn ý tán tâm”.
“Hoặc phòng ốc nhà cửa,
Bị hỏa tai thiêu đốt,
Khi thân hoại mạng chung,
Ác tuệ sanh địa ngục”(2).

Trong cuộc đời đức Phật, chúng ta học được nhiều phương pháp mà Ngài sử dụng để đối phó với hành động bạo lực, một trong số đó là trường hợp Ngài hóa độ ba anh em nhà Kassapa theo đạo thờ lửa. Người anh đầu tên là Uruvela Kāsyapa cho phép đức Phật qua đêm tại một hang núi trong đó có con rắn hổ mang hung bạo đang ẩn náu. Khi Ngài vào bên trong, con rắn hổ mang trở nên hung dữ, phun lửa hòng thiêu đốt Ngài. Đây là một trận đấu có tính biểu tượng: Một bên là con rắn hổ mang dữ tợn, đầy sân hận, si mê và một bên là đức Phật từ bi, trí tuệ. Hay như trường hợp Ngài ngăn chặn cuộc chiến giành nguồn nước của con sông Rohini giữa hai dòng họ Sākyans và Koliyas(3).

Khi bạo lực hay khủng bố được dùng để chống lại một cá nhân yếu đuối hơn thì tác dụng của hành động bạo lực này rồi cũng sẽ trở lại với chính người gây ra nó. Trong chuyện Tiền thân Latukitā(4) có kể lại câu chuyện về một con voi to lớn tấn công con chim cút nhỏ bé. Con voi hung ác đó không những không nghe lời van xin che chở những đứa con bé nhỏ của chim cút mẹ mà còn giẫm đạp lên bầy chim con đang nằm trong tổ ở dưới đất. Chim cút mẹ tức giận đã nhờ con quạ trả thù. Con quạ tấn công vào cặp mắt của con voi độc ác gây ra vết thương.

Chim cút mẹ lại nhờ con ruồi xanh đẻ trứng vào vết thương ở mắt con voi để sanh dòi, gây đau đớn. Con voi bị đui mắt đi tìm nước. Chim cút mẹ lại nhờ con ếch để đánh lạc hướng tìm nước của con voi. Ếch lên núi kêu lên, voi nghĩ ở đó có nước nên lần theo. Lên đến đỉnh núi thì ếch lại đi xuống phía dưới chân núi kêu lên nữa, voi lại đi xuống. Lần mò xuống núi thì bị lăn cù, té xuống vực sâu mà chết.

Quan điểm đối với hành vi bất thiện của đức Phật được mô tả sinh động trong cuộc đối thoại với tỷ kheo Puṇṇa, người mong muốn tới một khu vực mà dân chúng nơi đó rất hung dữ, thích đánh nhau. Tỷ kheo Puṇṇa đã xin phép đức Phật để đi tới khu vực này thuyết pháp(5).

Cuộc đối thoại này nói lên phương pháp đối phó bạo lực bằng cách trau dồi hạnh nhẫn nhục và sự cảm thông để tìm ra những phương sách tối ưu nhất. Thường thì, bạo lực hình thành trong tư tưởng và biểu lộ bằng lời nói cộc cằn, dữ tợn. Nhóm người ở vùng này có khuynh hướng cư xử bằng bạo lực, vì thế, không nên kích động họ bằng những lời nói thô lỗ, cộc cằn. Họ là những người hiền, chỉ sử dụng ngôn từ khó nghe nhưng không nên làm điều gì để họ lấy cớ tấn công chúng ta. Chúng ta nên suy nghĩ về điều đó và nếu muốn ngăn chặn bạo lực thì nên tự kiểm soát ngay chính hành động và suy nghĩ của mình. Chìa khóa để kiểm soát hành vi và tư tưởng nội tại chính là đức tính kiên nhẫn.

Việc kiểm soát này nên được thực tập từ từ. Tất cả các tình huống phát triển của bạo lực cũng đã được nêu ra trong cuộc đối thoại này. Bất cứ ai (chính quyền nhà nước, nhà lãnh đạo, cảnh sát…) với mong muốn dập tắt bạo lực nên chú ý đến phương pháp này. Nhận định mỗi giai đoạn phát triển của bạo lực để tìm phương sách giải quyết thích hợp nhất. Trong cuộc đối thoại này, Tôn giả Puṇṇa quyết định hy sinh mạng sống của mình để ngăn chặn bạo lực nếu cần thiết. Đây là một quyết định có thể hiểu được vì Tôn giả đã chứng đắc Thánh quả. Ngày nay, chúng ta cũng thấy nhiều trường hợp đàn ông, đàn bà hi sinh mạng sống của mình để bảo vệ những nạn nhân vô tội trước những hành động bạo lực, hoặc chính họ mạo hiểm để tham gia các cuộc đàm phán hay thương thuyết với bọn khủng bố.

Trong chuyện Tiền thân Khantivādi(6) có đề cập tới chuyện về một vị ẩn sĩ tu hành bị nhà vua tra tấn. Mặc dù bị tra tấn dã man nhưng vị ẩn sĩ không đánh mất đức tính kham nhẫn của mình mà còn rải lòng từ đến nhà vua.

Hay như câu chuyện về quỷ Dạ Xoa Ālavaka đe dọa đức Phật. Ālavaka yêu cầu đức Phật làm theo những gì hắn ra lệnh như đứng lên, ngồi xuống, đi tới, đi lui. Và Ngài đã làm theo như thế. Nhưng khi mệnh lệnh ấy vượt quá giới hạn, Ngài liền lập tức từ chối, nhưng không vì thế mà mất đi tính kiên nhẫn của mình. Điều này nói lên rằng, đến một mức độ nào đó, thì ta không nên nhân nhượng mãi, phải thể hiện chánh kiến để chấm dứt thái độ khiêu khích nhưng không mất đi đức tính kiên nhẫn.

Xưa kia, có một con rắn đã thực tập lời thệ nguyện không gây hại bất kỳ ai bằng lời nói, hành động và tư tưởng dưới bất kỳ hình thức nào. Vì thế, những người phụ nữ vào rừng kiếm củi đã dùng thân rắn (họ không biết đó là con rắn) để bó củi. Toàn thân đau nhức, vết cắt đầy mình nhưng rắn vẫn không một chút oán giận. Một vị thiện tri thức khi biết nỗi đau thân thể vì lời phát nguyện của rắn như thế mới khuyên nó nên phát ra tiếng kêu để mọi người biết mà tránh xa.

Đến một giai đoạn nào đó, bạo lực cần phải được dùng phương pháp lấy độc trị độc nhưng nhất quyết hạn chế thấp nhất gây hại đến người khác. Một khi đã áp dụng phương pháp này thì không nên làm tổn thương đến đức tính kham nhẫn của kẻ khác, những người luôn lấy đức từ để đối phó bạo lực. Sự kiên quyết trong việc áp dụng phương pháp này phải luôn kết hợp với đức tính kiên nhẫn.

Bạo lực rất dễ phát khởi, có rất nhiều điều kiện thuận lợi để bạo lực nảy mầm và phát triển. Vì thế, những nguyên nhân khiến bạo lực tăng trưởng phải xem xét một cách thấu đáo. Hãy lập tức cách ly mầm móng phát sinh bạo lực ra khỏi môi trường thích hợp như cách mà ta cách ly những người ưa thích gây gổ hay cằn nhằn tránh xa nhau.

Bạo lực luôn phát sinh. Hẳn phải có cơ sở thích nghi để nó sinh khởi. Vì thế, những nguyên nhân khiến cho bạo lực sinh khởi phải được tìm hiểu một cách kỹ càng trước khi muốn giải quyết. Sự can thiệp trực tiếp của những người thường xuyên nóng giận là thúc đẩy bạo lực vào môi trường thích hợp để nó phát triển.

Thời đó, có hai vợ chồng Bà-la-môn yêu cầu đức Phật cưới con gái của họ làm vợ. Ngài từ chối và giải thích với họ rằng Ngài không đam mê sắc dục. Ngài dạy rằng sắc đẹp của phụ nữ là phù du, ngắn ngủi. Cô gái ấy (tên là Māgandhi) nghe đức Phật nói thế lấy làm tức giận. “Tôi có thể hiểu vì sao ông ta từ chối, nhưng tại sao ông ấy lại nói sắc đẹp của tôi như thế?” Và như thế, cô ta bắt đầu nuôi dưỡng lòng hận thù đối với đức Phật.

Māgandhi bắt đầu sử dụng hành vi bạo lực để rửa mối nhục này. Cô ta khinh miệt và chửi bới đức Phật và Tăng chúng nơi công cộng. Nhưng Ngài vẫn không lên tiếng. Hành động bạo lực đó không có một nhân tố nào tham gia, không có một động lực nào thúc đẩy vì thế đã không tồn tại dài lâu. Vì không có một phản ứng nào từ đức Phật nên những hành động bạo lực của Māgandhi dần giảm xuống và lắng dịu đi.

Nhưng cô ta vẫn không từ bỏ ý chí phục thù. Lúc sau đó, cô ta trở thành thê thiếp của nhà vua tên là Udeni. Vua Udeni có một người vợ tên là Sāmāwati đã trở thành đệ tử tại gia của đức Phật. Bây giờ, Māgandhi bắt đầu trút cơn tức giận của mình sang Sāmāwati. Bà sai tay chân của mình đến đốt cung điện của Sāmāwati. Thế là hoàng hậu Sāmāwati và năm trăm cung nữ bị chết trong ngôi nhà lửa này.

Lòng hận thù là nguyên nhân trực tiếp dẫn đến hành động tàn khốc này. Māgandhi đã phải trả giá cho hành động tàn ác của mình khi sự thật được phơi bày. Nhà vua đã nổi giận bắt bà và thân quyến của bà chịu cực hình cho đến chết. Trong một thời gian dài, tội ác đã tiêu diệt những kẻ chứa chấp nó. Giáo lý Phật giáo truyền tải những đạo lý như thế vẫn còn hữu ích cho đời sống chúng ta ngày nay(7).

Một cá nhân, một thể chế, một đất nước sử dụng bạo lực để giải quyết một vấn đề thường tạo ra cơ sở và một môi trường để tội ác lan rộng trong dân chúng. Trong kinh điển có nói đến trường hợp một nhà nước sử dụng hành động bạo lực để trừng trị cái gọi là tội phạm. Dân chúng chú ý cách mà nhà vua chặt tay, chân tội phạm sau đó cũng làm theo như vậy dẫn tới xã hội rối ren đầy bạo động.

Điều kiện gì khiến con người có lối cư xử bạo lực? Giáo lý Phật giáo nói rằng những nhân tố thuộc về tâm lý và xã hội góp phần tạo nên những khuynh hướng sử dụng bạo lực trong con người. Angulimāla là một sinh viên trẻ có kỷ luật và thông minh. Những bạn đồng học đã ghen tị với Angulimāla và đã bịa ra một tin đồn rằng Angulimāla đã quan hệ bất chính với vợ của thầy giáo. Ông thầy giáo đó đã quá tức giận khi nghe được điều này nên nghĩ ra một âm mưu để tống khứ Angulimāla đi. Ông bảo Angulimāla đi thu thập một ngàn ngón tay người để hoàn mãn khóa học của mình. Để làm tròn bổn phận được giao, Angulimāla bắt đầu giết người để lấy ngón tay. Đầu tiên, Angulimāla giết được một người, chặt lấy mười ngón tay. Khi giết đến người thứ hai, người thứ ba thì tính cách của Angulimāla bắt đầu thay đổi. Mỗi hành động bạo lực ấy đã làm cho tính nết và nhân cách của anh ta thay đổi. Cái nhìn trong trắng ngây thơ của một chàng trai trẻ dường như đã biến mất mà giờ đây là con ác quỷ lủng lẳng trên cổ một chuỗi các ngón tay rướm máu người. Anh ta ắt hẳn không do dự khi giết chết người mẹ ruột của mình để hoàn thành bài tập mà thầy giáo giao cho. Đó là một sự thay đổi tâm lý ghê gớm, không thể tưởng tượng nỗi mà hành vi bạo lực và tội ác đem đến cho con người. Vì thế, hành vi tội lỗi ấy ảnh hưởng đến độ sau khi đã trở thành đệ tử xuất gia của đức Phật vẫn còn bị nhà vua và dân chúng kinh sợ lánh xa.

Thật thú vị để biết cách mà đức Phật đã mang tướng cướp Angulimāla trở lại bản chất lương thiện của mình. Angulimāla là một chàng thanh niên thông minh, nên đức Phật đã dùng phương pháp trí tuệ để hóa độ anh ta. “Đứng lại”, Angulimāla thét lên khi thấy đức Phật. Ngài vẫn đi bình thường và nói: “Ta đã dừng lại; vì ngươi, Ta đã dừng lại”. Angulimāla tỏ ra bối rối: “Này Sa-môn, đừng nói dối. Ông vẫn đang đi. Trong khi đang đi ông nói ông đã dừng lại. Ông hãy giải thích cho tôi nghe được không?” Thay vì trong đầu luôn nghĩ tới tội ác, sự tò mò về trí tuệ đã kéo Angulimāla trở về thực tại. Phương pháp sử dụng trí tuệ của đức Phật đã đem lại kết quả như mong đợi.

Những hành động hận thù dẫn tới sát nhân cũng được đề cập trong lịch sử cuộc đời đức Phật. Thời đó, những phần tử đối lập của Phật giáo giết chết một phụ nữ trẻ xinh đẹp và giấu xác của cô ta trong tu viện nơi đức Phật cư trú. Trước khi sự việc xảy ra, bọn chúng để cô gái đó tới tu viện với chiêu bài tham gia vào nghi lễ tôn giáo, đặc biệt buổi tối hôm đó tín đồ tụ tập về tu viện để nghe đức Phật thuyết pháp.

Khi cô gái mất tích, sự việc được báo cáo lên đức vua. Một cuộc tìm kiếm kỹ lưỡng đã được tiến hành. Cuối cùng, xác của cô gái được tìm thấy trong khu vườn của tu viện. Họ tìm thấy xác cô gái cùng đứa bé trong bụng, đã kết tội đức Phật và Tăng chúng đã quan hệ với cô gái này, sau đó biết cô có mang đã giết chết cô gái và giấu xác cô ta trong khu vườn.

Vì chuyện này, người dân bắt đầu đàm tiếu và lánh xa đức Phật và Tăng chúng. Trong một tuần, Ngài đã ở trong tu viện kiên nhẫn chờ đợi sự phán quyết của chính quyền, không thanh minh hay biện minh bất cứ điều gì. Tôn giả Ānanda tỏ ra chán nản đã thưa với đức Phật rằng: “Thưa Thế Tôn, hãy cho chúng con đi nơi khác”.

“Nếu ở đó người dân cũng đàm tiếu hay mắng nhiếc thì sao?” Ngài hỏi lại.

“Thì chúng con lại tìm nơi khác”, Tôn giả Ānanda trả lời. Đức Phật dạy rằng nếu chúng ta lẩn trốn khắp nơi để khỏi

bị vu cáo, tránh chửi mắng, thậm chí có đi từ làng này đến làng khác trên đất nước này thì vấn đề cũng chẳng giải quyết được. “Này tỷ kheo, việc ồn ào này sẽ không kéo dài lâu. Nó chỉ tồn tại trong một tuần thôi, sau đó sẽ chấm dứt. Nếu người dân chửi mắng, kết tội ông với lời lẽ thô tục, thì ông nên nói với họ rằng, những ai viện cớ chửi rủa mắng nhiếc người khác, những ai phủ nhận những hành động tội lỗi, xấu ác mà mình đã gây ra thì sẽ chịu quả báo đau khổ trong địa ngục kiếp sau”.

Đức Phật đã đưa ra bài học đầu tiên trong việc đối phó với hành động tuyên truyền của những kẻ khủng bố. Chính hành động tuyên truyền này cho phép kẻ xấu kích động dân chúng chửi bới và miệt thị Tăng chúng. Vào thời đó, sự lan truyền tin tức còn hạn chế, chủ yếu là truyền miệng. Ngày nay, sự có mặt của các phương tiện truyền thông hiện đại đặc biệt là báo chí, truyền hình, sóng phát thanh làm cho mọi việc trở nên rối tung khó phân biệt phải trái. Gây ra một tội ác để thu hút sự chú ý của giới truyền thông luôn là ý tưởng mà bọn khủng bố thường dùng đến. Bạo lực xảy ra càng nhiều, thì những thước phim về những cảnh chết chóc đó càng được công chúng quan tâm theo dõi. Chúng ta quan sát diễn biến của loại tội ác này trong việc thu hút sự chú ý của công chúng như câu chuyện trên: Một cô gái trẻ xinh đẹp được chọn, sex được khai thác, giết người đã xảy ra và xác chết được tìm thấy trong khuôn viên tu viện. Những tin tức giật gân này đã ‘cất cánh lan xa’ bằng phương tiện truyền thông đơn giản nhất: Truyền miệng. Loại tội phạm này đã được bọn xấu sử dụng ngay trong thời đức Phật.

Trong trường hợp này, đức Phật đưa ra một phương pháp để đối phó với rắc rối này. “Khi không tìm được chứng cứ buộc tội, mình được chứng minh trong sạch thì ta bắt đầu lên tiếng, ném trả lời buộc tội cho những kẻ vu cáo. Mục đích là không cho phát sinh thêm những thông tin dựa trên lời tuyên truyền sai lầm, cường điệu”.

Đó chính là thái độ vạch trần luận điệu giả dối của kẻ vu cáo trong việc đối phó với loại tội phạm này. Giữ im lặng trong một thời gian vừa phải và sau đó, nếu không tìm ra chứng cứ buộc tội, sự thật được phơi bày thì ném trả những vu cáo đó cho người tố cáo. Trốn chạy để tránh bị buộc tội là một việc làm vô ích. Công khai sự thật cho công chúng biết chính là phương pháp tốt nhất để đối phó với bạo lực và khủng bố. Cùng một phương tiện truyền thông mà bọn khủng bố lợi dụng, có thể sử dụng để nói lên sự thật. Chúng ta thật sự phải hiểu cách mà bọn tội phạm thu hút giới truyền thông để từ đó tạo ra những phương pháp tốt hơn trong việc thu hút giới truyền thông đến với sự thật hơn là bị thu hút bởi sự giả dối của bọn chúng.

Không có trường hợp nào mà hành động tội ác được mô tả chi tiết như của hai nhân vật hoàng gia Ajāsatta và Devadatta. Người thứ hai là em vợ của Thái tử Siddhārta, còn người đầu tiên là con trai yêu quý của đức vua Bimbisāra, một người đệ tử tại gia mộ đạo của đức Phật.

Ajāsatta là một chàng trai trẻ, và chính Devadatta là động cơ thúc đẩy anh ta tham gia vào hành động tội ác. Đầu tiên, Devadatta thuyết phục thái tử Ajāsatta bằng tính cách lôi cuốn đầy sức thuyết phục của mình. Trong khi Thái tử chỉ là một thanh niên, suy nghĩ còn non dạ, Devadatta có một số phép lạ đã biểu diễn cho thái tử xem. Thái tử tỏ ra kinh ngạc đối với một người đàn ông trung niên có nhiều năng lực như Devadatta.

Mối quan hệ giữa Devadatta và Ajāsatta là một ví dụ điển hình cho thấy cách mà những người trẻ tuổi non dạ dễ rơi vào cạm bẫy được tính toán kỹ lưỡng của những kẻ tội phạm và tự nguyện dấn thân vào tội ác. Hầu hết các trường hợp con mồi thường bị chinh phục bởi tính cách lôi cuốn hấp dẫn. Vì thế, bọn tội phạm hiểu rõ tâm tư tình cảm của giới trẻ và sử dụng sức lôi cuốn từng trải của mình để nhồi nặn giới trẻ theo cách mà họ muốn. Vì thế, trước khi Devadatta lập ra một âm mưu, ông ta đã biết rõ vị thái tử này, một chàng thanh niên non dạ, chính là người phù hợp với kế hoạch của ông ta.

Để tạo ra tiếng vang lớn, thu hút sự quan tâm của công chúng, thì cần phải có động cơ thúc đẩy nhiều người khác cùng tham gia vào những hành động tội ác. Vì thế, muốn âm mưu chống phá đức Phật của mình có sự ủng hộ rộng rãi, Devadatta đã yêu cầu đức Phật chấp nhận năm sự việc mà ông đưa ra. Năm yêu cầu này bắt buộc một vị tỷ kheo phải thực hành trong suốt cuộc sống của mình:

1. Tỷ kheo suốt đời phải sống trong rừng rậm, nếu cư ngụ trong làng xóm thì phạm tội.

2. Tỷ kheo suốt đời đi khất thực, nếu hoan hỉ sự thỉnh mời thì phạm tội.

3. Tỷ kheo suốt đời mặc y (may bằng vải) lấy từ nghĩa địa, bị quăng bỏ, nếu hoan hỉ nhận y từ gia chủ thì phạm tội.

4. Tỷ kheo suốt đời sống dưới gốc cây, nếu đi đến dưới tán mái che thì phạm tội.

5. Tỷ kheo suốt đời không ăn thịt cá, nếu ăn thịt cá thì bị phạm tội.

Tuy nhiên, đức Phật không chấp nhận các quy tắc này như là những điều luật bắt buộc đối với Tăng chúng. Ngài dạy rằng, tỷ kheo nào muốn thực hành thì có thể áp dụng, còn những tỷ kheo nào không thích làm những điều ấy thì tùy nghi, không ép buộc. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị sống ở rừng; vị nào muốn thì cứ cư ngụ ở trong làng. Vị nào muốn thì hãy trở thành vị khất thực; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ việc thỉnh mời; vị nào muốn thì hãy là vị mặc y (may bằng vải) bị quăng bỏ; vị nào muốn thì cứ hoan hỷ y của gia chủ. Này Devadatta, ta cho phép chỗ trú ngụ là gốc cây trong tám tháng. Cá thịt được dùng với ba điều kiện là: “Không thấy, không nghe, và không nghi ngờ”. Vì có liên quan đến niềm tin của dân chúng về nếp sống khổ hạnh của một vị xuất gia nên khi Devadatta công bố năm sự việc này thì được dân chúng ủng hộ. Vì thế, khi đức đức Phật từ chối lời thỉnh cầu ban hành năm sự việc này thì Devadatta liền lợi dụng việc từ chối đó để kích động quần chúng chống lại đức Phật.

Sự thật là Devadatta đã ghen tỵ với đức Phật. Ông ta muốn hạ bệ đức Phật để lãnh đạo Tăng đoàn. Đó là lý do mà ông ta đã xúi thái tử Ajāsatta: “Tôi sẽ giết chết sa-môn Gotama để thống lĩnh Tăng chúng, còn Ngài giết vua cha để chiếm ngôi”.

Trong trường hợp này, tham vọng và lòng hận thù cá nhân đã được truyền sang công chúng, và đó cũng là đặc điểm mà các tổ chức khủng bố ngày nay thường áp dụng. Thái tử Ajāsatta đã bị thuyết phục bởi một âm mưu đen tối: “Bây giờ tuổi thọ của con người ngắn ngủi, nếu Ngài đợi đến khi vua cha băng hà rồi lên ngôi thì khi đó Ngài đã trở thành ông già rồi. Vì thế, những gì mà ngài thích hưởng thụ thì nên hưởng thụ khi mình còn đang trẻ”.

Bị Devadatta xúi giục, vị thái tử trẻ Ajāsatta đã quyết định giết vua cha. Ông giấu con dao trong người và rón rén vào thư phòng của đức vua. Các quan lại thấy nghi liền khám xét thái tử. Họ phát hiện trong người thái tử có con dao liền trình báo cho đức vua. Vua cha hỏi Ajāsatta tại sao giấu con dao trong người thì thái tử trả lời: “Tôi muốn giết ông”. Đức vua lại hỏi lý do tại sao thì thái tử nói rằng mình muốn lên ngôi. Sau đó, đức vua đã truyền ngôi cho Thái tử. Vì tình cảm cha con mãnh liệt nên đức vua đã mất bình tĩnh khi trao lại vương niệm cho đứa con bất hiếu này.

Tuy nhiên, Devadatta không thỏa mãn. Vì có quá nhiều hận thù và tham vọng nên Devadatta tiếp tục tạo ra lý do khác để kích động Ajāsatta. Vị tân vương trẻ tuổi non dạ đã không dễ gì hiểu được âm mưu thâm độc của Devadatta. “Này đức vua, bây giờ Ngài đã lên ngôi, nhưng cha của Ngài còn sống, bất cứ khi nào ông ấy muốn, đều có thể đày ải hoặc giết Ngài để nắm quyền trở lại. Ngài nên giết chết cha Ngài đi để trừ hậu họa”.

Kết quả là vua cha đã bị tống vào ngục. Devadatta đã chi phối vị tân vương để thực thi nhiều hình thức tra tấn tàn nhẫn đối với vua cha trong ngục tù. Những hình thức tra tấn này bao gồm không cung cấp thức ăn và nước uống, bắt vua cha đi trên than hồng, lột da bàn chân rồi sát muối vào vết thương. Những hình thức tra tấn này cũng được bọn khủng bố áp dụng ngày nay.

Devadatta thả voi dữ để quật nát đức Phật. Ông ta lệnh cho người quản tượng cho voi dữ uống rượu rồi thả chúng chạy trên con đường mà đức Phật đang khất thực. Thả voi say là một kế sách tuyên truyền của Devadatta. Cả thành phố xôn xao trước tin tức hấp dẫn này. Voi say, được thả chuồng có thể gây hại cho nhiều người trong thành phố. Tuy nhiên, điều đó không phải là mối bận tâm của Devadatta, những gì ông ta muốn là để mọi người biết về số lượng người chết càng nhiều càng tốt.

Devadatta thuê một xạ thủ giết đức Phật. Ông ra lệnh cho người bắn cung này phục kích Ngài và sau đó đi theo con đường vạch sẵn để trở về nhà. Đây là một âm mưu thâm độc. Devadatta cùng lúc ấy cũng thuê hai xạ thủ khác đợi sẵn trên đường mà người xạ thủ đầu tiên trở về để giết anh ta. Sau đó lại thuê tiếp bốn xạ thủ khác để giết hai người này. Như vậy có sáu xạ thủ trong một âm mưu giết đức Phật. Vạch sẵn một kế hoạch giết người cực kỳ chu đáo để rồi phi tang bàn tay nhốm máu của mình chính là bản chất của chủ nghĩa khủng bố ngày xưa cũng như ngày nay. Băng nhóm tội phạm luôn sử dụng những thiết bị hỗ trợ hay hành động khéo léo để nặc danh.

Đức Phật đã biết âm mưu đen tối của Devadatta nên Ngài thuyết phục người xạ thủ thứ nhất biết hành động vô ích của mình và khuyên anh ta không nên trở về con đường mà Devadatta đã đưa ra. Hai xạ thủ tham gia vào việc mưu sát người thứ nhất đến tìm người thứ nhất. Đức Phật giảng cho họ nghe và cũng như người thứ nhất, và khuyên họ không đi về con đường đã vạch ra. Bằng cách này, âm mưu giết đức Phật của Devadatta và xóa sạch bằng chứng đã thất bại.

Cuối cùng, Devadatta ra tay giết đức Phật. Đây cũng là cách mà lãnh đạo nhóm khủng bố thường tự mình thực hiện khi các kế hoạch mượn dao giết người đã thất bại. Lãnh đạo nhóm khủng bố rất hiếm khi tự mình mạo hiểm hành động. Trong trường hợp này, Devadatta đã không còn sự lựa chọn nào khác vì các kế hoạch của mình đã không trở thành hiện thực. Sự hận thù trong tâm phát triển tới mức khiến ông ta trở thành kẻ ra tay mưu sát đức Phật.

Đối phó với những hành động xấu xa của Devadatta, đức Phật đã sử dụng một phương pháp rất hay chính là việc thông báo cho dân chúng biết sự thật, cũng như việc thu phục công luận đứng về phía mình. Ngài bảo các vị tỷ kheo đi ra ngoài gặp dân chúng và giải thích cho họ hiểu sự thật. Vì nếu, dân chúng biết được điều gì đang xảy ra, họ sẽ không bao giờ quay lưng với sự thật. Và một sự việc sáng như ban ngày như thế thì sẽ rất khó cho một cá nhân hay nhóm nào đó kích động hay xúi giục người khác có những hành động bạo lực hay nổi loạn, cũng như khó duy trì những việc kích động này trong một thời gian dài. Không có gì trở ngại trong việc lắng nghe dân chúng bày tỏ ý kiến, quan điểm để từ đó sự thật tự nó phục hồi. Cách đây hơn hai ngàn năm trăm năm, đức Phật đã biết khai thác cơ sở lập luận quan trọng này.

Người trí có thể ngăn chặn bạo lực phát sinh trong một số trường hợp nào đó chính là nhờ nền tảng chính trị mà họ hấp thu được, đã khiến họ nỗ lực một cách bản năng để ngăn ngừa hậu quả khủng khiếp mà chiến tranh hay bạo động gây ra. Vì có sự kiểm soát xã hội nên một số người có những suy nghĩ hay hành động lệch lạc với chuẩn mực xã hội đã tự kiềm chế mình, tự động điều chỉnh mình phù hợp với chuẩn mực đạo đức. Sự thượng tôn pháp luật không mất đi trong tâm trí họ. Một nhà lãnh đạo có trí sẽ cố gắng hết sức kêu gọi sự đoàn kết của người dân, khiến cho người dân nhận thức được trách nhiệm của mình. Bạo lực chỉ phát khởi trong nhóm người thiếu vắng mục đích chân chính, không có tính kỷ luật và những người thường viện cớ này nọ để phàn nàn, ca cẩm.

Nếu những điều kiện về kinh tế, chính trị và xã hội ổn định thì không có lý do nào khiến người dân tìm đến bạo lực để đạp đổ hệ thống xã hội. Trong đa số các trường hợp, khuyết điểm thường xuất phát từ chính quyền hay nhà lãnh đạo, và nếu họ lại sử dụng bạo lực để đối phó thì chính họ tự đào thải mình chứ không phải do xã hội. Ngày nay, bạo lực là một vấn đề nhạy cảm và rất phức tạp vì nó thường liên quan đến cả một hệ thống chứ không nằm riêng rẽ. Giáo lý Phật giáo nhấn mạnh đến việc giáo dục cá nhân để khống chế sự lan truyền của bạo lực ở mức thấp nhất. Dĩ nhiên, việc đó khó có thể triệt tiêu một cách hoàn toàn nhưng nó có thể được kiểm soát và ngăn chặn không dẫn tới sự xáo trộn của cả quốc gia.

Ánh sáng từ giáo lý Phật giáo sẽ giúp chúng ta xác định được nguyên nhân của bạo lực và sử dụng các nguyên nhân này vào việc kiềm chế các hành động bạo lực và khủng bố:

1. Kinh tế là biện pháp để giảm thiểu sự đói nghèo và đảm bảo nhu cầu sống tối thiểu của con người.

2. Một hệ thống xã hội mà nơi đó mọi người đều có quyền tiếp cận các nguồn tài nguyên vật chất và tinh thần.

3. Một hệ thống chính trị mà người dân có quyền bày tỏ ý kiến cũng như tham gia vào các quyết định quan trọng của quốc gia.

4. Dưới bất kỳ hoàn cảnh nào, nhà nước và chính quyền không được vi phạm hiến pháp và pháp luật.

Thuốc giải độc hữu hiệu nhất đối với các hành vi bạo lực và khủng bố luôn có trong các quy định của pháp luật một quốc gia. Có lẽ đó chính là hàm ý mang tính xã hội và chính trị trong câu nói của Phật giáo: Luật pháp chính nó bảo vệ cho người tuân thủ nó.

Khái niệm bất hại trong Phật giáo bao hàm cả việc không làm tổn thương đến tất cả mọi loài hữu tình hoặc tránh gây thương tích, đàn áp áp bức hay chê bai khinh thị. Khái niệm này không những không bị hạn chế như trong giới thứ nhất của năm giới Phật giáo (không sát sanh) mà còn bao hàm cả bốn giới còn lại. Trộm cắp hay chiếm đoạt tài sản của người khác cũng vi phạm nguyên tắc bất bạo động. Quan hệ bất chính với đàn ông (hay đàn bà) không phải là chồng (hay vợ) mình cũng làm tổn thương người khác. Và nói dối cũng thế.

Câu nói ‘Ahimsa paramo dhamma’ nghĩa là ‘bất hại là một pháp tối thượng’, ngụ ý rằng, nhân tố đạo đức chính là trụ cột của luật pháp. Điều đó một lần nữa khẳng định rằng quyền của con người là nền tảng của luật pháp một quốc gia, nó ngăn chặn chúng ta phạm tội chống lại nhân loại. Vì thế, bất hại là một trong những diễn dịch cao nhất về nhân quyền(8).

Bất hại không chỉ là hạn chế hay tránh gây thương tích v.v.. cho người khác mà còn bao hàm cả một triết lý sống tích cực đó là thực hành sự thân thiện, giúp đỡ mọi người và đem tình thương đến với mọi người. Lòng từ bi hay sự thân thiện đó bắt đầu cho chính bản thân mình sau đó lan tỏa đến những người khác. Lòng thương người hay sự thân thiện này phải có mặt trong tư tưởng, lời nói và hành động và tu tập để ngày càng tăng trưởng. Vì thế, bất hại có mặt trong tất cả phương diện đời sống xã hội, và thể hiện trong mọi khía cạnh.

Trong chuyện Tiền thân Rājovāda(9) có một thí dụ minh họa cho việc giải quyết sự thực tập pháp bất hại này. Trong câu chuyện này, sự tranh chấp xuất hiện trong một tình huống bình thường. Hai người đánh xe ngựa của hai vị vua nước láng giềng gặp nhau trên cây cầu. Vì cây cầu chỉ đủ chỗ cho một xe ngựa đi qua cho nên họ đã cãi nhau để giành quyền đi trước. Cuộc cãi vã xung quanh các vấn đề như vị vua nào hùng mạnh hơn, so sánh sự giàu sang, địa vị xã hội, uy tín, đất đai…Tuy nhiên, cả hai vị vua đều hùng mạnh và giàu sang như nhau. Cuối cùng, họ so sánh về giới đức xem ai thù thắng hơn. Người lái xe thứ nhất nói: Đức vua của chúng tôi dùng “Cứng rắn đối với cứng rắn; mền mỏng đối với mền mỏng; thiện đức đối với thiện đức; bất thiện đối với bất thiện”. Người lái xe thứ hai nói: Vua tôi cư xử như sau: “Lấy không giận thắng giận; lấy thiện thắng không thiện; lấy thí thắng san tham; lấy chơn thắng hư ngụy”. Thế là, vị vua đầu tiên cùng người lái xe của mình đồng ý vị vua thứ hai có giới đức cao hơn nên nhường chỗ để xe ngựa đi qua.

__________________________________

1. DhP., 129-131 theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
2. DhP., 138-140 theo bản dịch của Hòa thượng Thích Minh Châu
3. Sn.1,83
4. J. 357

5. M.III, 267-66…Bạch Thế Tôn, nay con đã được Thế Tôn giáo giới với lời giáo giới vắn tắt, có một quốc độ tên là Sunāparanta, con sẽ sống tại đấy. Này Puṇṇa, người nước Sunāparanta là hung bạo, thô ác. Nếu họ mắng nhiếc, nhục mạ Ông, thời này Puṇṇa, tại đấy Ông sẽ như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, nếu người nước Sunāparanta mắng nhiếc, nhục mạ con, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy tay đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Nhưng nếu họ lấy tay đánh đập Ông, thời Ông sẽ nghĩ như thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là thiện, Thật là chí thiện, người nước Sunāparanta này! Vì rằng họ không lấy các cục đất ném đánh ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy!
- Nhưng nếu họ lấy các cục đất ném đánh Ông, thời Ông sẽ nghĩ thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy gậy đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Nhưng nếu họ lấy gậy đánh đập Ông, thời Ông nghĩ thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao đánh đập ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Nhưng nếu họ lấy dao đánh đập Ông, thời Ông nghĩ thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Thật là hiền thiện, Thật là chí thiện, các người nước Sunāparanta! Vì rằng họ không lấy dao sắc bén đoạt hại mạng ta”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Nhưng nếu họ lấy dao sắc bén đoạt hại mạng Ông, thời Ông nghĩ thế nào?
- Bạch Thế Tôn, con sẽ nghĩ như sau: “Có những đệ tử của Thế Tôn, ưu phiền và nhàm chán thân thể và sinh mạng đi tìm con dao (để tự sát). Nay ta khỏi cần đi tìm đã được con dao ấy”. Bạch Thế Tôn, tại đấy con sẽ nghĩ như vậy.
- Lành thay, này Puṇṇa, Ông có thể sống trong nước Sunāparanta, khi Ông có được đầy đủ sự nhiếp phục và an tịnh này. Này Puṇṇa, Ông nay hãy làm những gì Ông nghĩ là hợp thời.

6. J. 313
7. M I, 501-13
8. G.P. Malalase Kana, Sambhāshā, 1991,269
9. J. 151

Trích từ XÃ HỘI HỌC PHẬT GIÁO
(Tác giả: Nandasena Ratnapala; Người dịch: Thích Huệ Pháp

http://thuvienhoasen.org/D_1-2_2-88_4-18197_5-50_6-1_17-77_14-1_15-1/phat-giao-doi-voi-cac-van-de-bao-luc-khung-bo.html


Âm lịch

Ảnh đẹp