Người Úc nỗ lực tìm hiểu lịch sử Phật giáo


Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 41 | THÍCH TẮC QUY dịch
12/12/2017 18:46 (GMT+7)
Số lượt xem: 1534
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

nguoi-uc

Các nhà nghiên cứu trên khắp thế giới đã tiến gần thêm bước nữa trên đường tìm hiểu lịch sử cổ đại của Phật giáo, nhờ vào giới học thuật và khoa học của Úc.

Cách tính carbon do Tổ chức Khoa học và Kỹ thuật Nguyên tử Úc (ANSTO) đã xác chứng một số thủ bản tìm thấy tại Afghanistan trong thập niên 1990 là những văn bản cổ đại nhất vừa được khám phá, và cũng là những bản cổ đại nhất thuộc văn hệ Ấn.

Nghiên cứu gia người Úc. Tiến sĩ Mark Allon nói rằng ANSTO đã xác chứng là hai thủ bản, thuộc trong bộ Senior Collection, được tập thành giữa khoảng năm 130 trước Tây lịch, và ba thủ bản thuộc bộ Schoyen Collection (đặt tên theo nhà khám phá người Norway), là thuộc niên đại khoảng giữa các thế kỷ I – IV sau Tây lịch.

Tiến sĩ Allon, người đầu tiên được đọc một số các bản văn này, nói rằng các bản văn khác được viết bằng Pàli ngữ và Phạn ngữ, nhưng phần lớn chúng được viết vào những thế kỷ XVII, XVIII, và ngay cả thế kỷ XIX nữa.

“Thì đây, chúng ta có một thủ bản làm chứng nhân cho một lịch sử đi ngược quá trình cả ngàn năm trước”, ông nói với Đài ABC.

“Các thủ bản này vô cùng quan trọng đối với vấn đề tìm hiểu lịch sử Phật giáo thuộc vùng Tây Bắc Ấn Độ, ông nói, đặc biệt nhất, là vì xuyên qua vùng đó mà Phật giáo được truyền bá đến khu Trung Á và Trung Hoa.

“Chúng là các thủ bản Phật giáo cổ xưa nhất. Chúng mở rộng cho chúng ta một chân trời học thuật mới, đó là bộ môn Thủ bản học Phật giáo và Văn học Phật giáo miền Tây Bắc của bán đảo Ấn Độ.

“Đức Phật Thích Ca, từng sống ở vùng Đông Bắc của Bihar và Uttar Pradesh; Ngài nhập Niết bàn khoảng năm 400 trước Tây lịch, và không để lại một văn bản nào. Những bài pháp của Ngài và những mẩu chuyện về sự chứng ngộ của Ngài chỉ được đọc tụng qua nhiều thế kỷ, sau đó mới được ghi chép lại bằng cổ ngữ của Ấn Độ vùng châu thổ sông Hằng. Tuy rằng những tư liệu sớm nhất này, và những chú giải về chúng, đã không còn tồn tại trong nguyên bản nữa, nhưng chúng cũng đã được ghi lại bằng nhiều nhóm ngôn ngữ trong đó có Phạn ngữ và Pàli ngữ, tạo nên truyền thống văn bản phong phú mà ta có ngày nay”.

“Phật giáo nguyên là một truyền thống khẩu truyền, nhưng chúng ta biết rất ít về tiến trình chuyển từ khẩu truyền qua văn bản”, Tiến sĩ Allon nói: ‘Cho nên sự khám phá và xác định niên đại của những thủ bản này sẽ cống hiến cho chúng ta một khám phá đặc biệt vào sự phát triển của văn học Phật giáo”. Tiến sĩ Allon, giáo sư Phân khoa Nghiên cứu tiểu lục địa Ấn Độ thuộc Đại học Sydney, là thành viên trong nhóm học giả quốc tế, mà nhóm chủ lực được đặt tại Đại học Washington tại Seattle dưới sự hướng dẫn của giáo sư Richard Salomon.

Lĩnh vực tham cứu của họ gồm ba bộ tư liệu Phật giáo cổ đại khác nhau – bộ British Library Collection gồm có kinh Kim Cương, được xem như là quyển sách in ấn sớm nhất thế giới (in ấn, chứ không phải chép tay – chúng ta cần nhớ là cách in ấn của Tây phương do Guttenberg ‘sáng chế’ là vào khoảng thế kỷ XIV – XV) thẩm định là vào năm 868 sau Tây lịch, được nhà khai phá Sir Aurel người Hungari tìm thấy ở động Đôn Hoàng vào đầu những năm 1900; bộ Schoyen Collection tìm thấy trong các hang động vùng Bamiyan của Afghanistan và trở thành nổi tiếng gần đây qua vụ Taliban hủy diệt các tượng Phật cổ kính và lớn nhất thế giới; và bộ Senior Collection, thu tập từ vùng Gadhara thuở xưa, mà nay cũng thuộc Afghanistan và Tây Bắc Pakistan.nguoi-uc--ban-kinh-co

Tiến sĩ Allon là một trong rất ít học giả thế giới giỏi về ngôn ngữ Gandhari mà ông cho là cận hệ với Phạn ngữ và Pàli ngữ, vốn được dùng trong các văn liệu Phật giáo tại Thái Lan, Tích Lan và Miến Điện ngày nay.

“Gandhari cũng không phải là ngôn ngữ được dùng sớm nhất”, Tiến sĩ Allon giải thích cho báo The Epoch Times. “Mà vấn đề chính là những tư liệu được ghi chép bằng các ngôn ngữ này đã có thể sống còn nhờ vào thời tiết, nhờ vào khí  hậu khô ráo trong vùng đó”.

“Khi các tăng lữ đi hoằng hóa đến đâu, thì họ phiên dịch kinh điển ra các ngôn ngữ địa phương tại đó, cho nên Gandhari là ngôn ngữ được dùng phía Tây Bắc Ấn Độ đương thời, khoảng từ thế kỷ III trước Tây lịch cho đến thế kỷ IV sau Tây lịch”.

Tiến sĩ Allon nói rằng những tư liệu này sẽ lập cước cho  việc tìm hiểu sự truyền bá của đạo Phật và Trung Hoa” bởi vì Phật giáo du nhập Trung Hoa chủ yếu là qua ngả Tây – Bắc Ấn Độ xuyên qua vùng Gandhara cổ xưa và một số lớn các bản kinh Hán dịch sơ thời có thể là từ ngôn ngữ Gandhari”.

Trong khiđã có rất nhiều nội kiến mới về sự truyền bá Phật giáo, và nhất là về niên đại đặc biệt trong lịch sử mà các thủ bản được ghi chép lại, Tiến sĩ Allon nói, điểm đặc sắc nhất là sự nhất quán của những giáo lý trong đó.

“Điều lạ lùng thường nhất là khi bạn nghĩ, đây là một tư liệu được bảo tồn tại Sri Lanka, và đây là tư liệu bảo tồn ở vùng Gandhara, một không gian cách biệt ngàn trùng với các ngôn ngữ khác biệt nhau, ấy vậy mà chúng lại rất giống nhau về nội dung.

“Điều đó thử thách cường độ trung thực trong truyền thống Phật giáo”, Tiến sĩ Allon nói.

(Theo Shar Adams, báo Epoch Times Australia, ngày 14/8/2007)

Tạp Chí Văn Hóa Phật Giáo số 41 | THÍCH TẮC QUY dịch


Âm lịch

Ảnh đẹp