06/06/2017 20:42 (GMT+7)
Số lượt xem: 2404
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Tiến sĩ Phan Lạc Tuyên là một học giả nổi tiếng về Dân tộc – Tôn giáo học, từng giảng dạy ở nhiều trường đại học trong và ngoài nước; có nhiều công trình nghiên cứu sâu sắc; có 20 năm gắn bó với Học viện Phật giáo Việt Nam tại TP.HCM qua 5 khóa học, góp phần đào tạo nên một đội ngũ đông đảo trí thức Phật giáo, trong đó có nhiều người hiện đang đảm nhận những trọng trách của Giáo hội.


Nhưng nói như thế chỉ mới khái quát nửa phần đời sau của ông thôi, còn nửa phần đời trước là cả một quảng đời binh nghiệp đầy sóng gió, cang cường mà ít người biết đến. Ông là người đã tích cực tham gia cuộc đảo chính chống chế độc tài, dàn áp Phật giáo Ngô Đình Diệm.

Và rồi hôm nay, ở cái tuổi 83, ông kiên quyết vào ở hẳn trong chùa. Ngôi chùa mà ông chọn ở là chùa Diệu Pháp ở P.13, Bình Thạnh, cuối con đường Nơ Trang Long.

Đến thăm ông vào một chiều mùa hè tại nơi ông ẩn tu. Câu chuyện bên tách trà với ông không biết đã đi qua mấy tuần rồi, từ chuyện đời, chuyện đạo; đến chuyện binh nghiệp, chuyện dạy học…

Chúng tôi xin lược ghi lại buổi nói chuyện này.

 Tien-si-Phan-lac-Tuyen

Thưa Cụ! Ông bà mình thường bảo vào chùa để tu. Vậy hôm nay cụ vào chùa ở phải chăng cụ quyết chí tu hành?

Cụ Tuyên: Vâng! Vào chùa để tu là tất nhiên rồi. Nhưng cũng không hẳn như vậy. Vì tôi đâu chỉ tu kể từ khi vào chùa. Nếu nói gặp Phật, mến Phật là tu, thì tôi đã tu từ bé, khi còn lẽo đẽo theo mẹ lên chùa. Tôi nhớ không rõ trong kinh nào, có kể câu chuyện một người đốn củi vào rừng bị thú dữ nạp, hoảng quá leo lên ngọn cây mà miệng cứ mãi niệm Nam-mô Phật, Nam mô Phật rồi sau này thành Phật. Huống nữa là cậu bé ngây thơ đầy lòng mến mộ Đức Phật như tôi lúc bấy giờ. Còn nói bảo vệ Phật pháp, làm cho Phật pháp tồn tại lâu dài ở thế gian là tu, thì khi tôi tiến hành đạo chánh chống Ngô Đình Diệm đàn áp Phật giáo là tu rồi còn gì. Còn nói đem trí thức, đem giáo lý Đức Phật phổ cập đến cho nhiều người là tu, thì suốt những năm tháng giảng dạy tại các trường đại học tôi cũng đang tu đấy chứ. Tất nhiên, tôi dạy Tôn giáo học nói chung, trong đó có Phật giáo, nhưng tôi luôn đề cao tư cách đạo đức của Phật và tính trí tuệ trong giáo lý của Ngài. Đây đều là những sự thật mà đã là sự thật thì ngại gì không nói. Tôi biết rất nhiều người có cảm tình với Phật giáo sau khi nghe tôi nói, và cũng rất nhiều tìm hiểu lại Phật giáo rồi thay đổi thái độ. Đó là chưa kể lúc tôi dạy học tại Học viện, góp phần đào tạo được rất nhiều quý thầy, quý sư có tài ba. Tất cả đều là tu hết, nhưng qua mỗi thời kỳ chúng ta có cách tiếp cận khác nhau mà thôi.

Tôi nay hơn 80 rồi, gần cuối cuộc lữ hành rồi, phải tu khẩn trương, nghiêm túc hơn nên tôi vào chùa ở hẳn. Hàng ngày tôi ăn chay, niệm Phật, ngồi thiền theo quý thầy. Hiện tại tôi rất hạnh phúc. Khung cảnh nơi đây thật yên bình nên thơ. Có tiếng chim, có sóng vỗ, có khóm trúc vàng, có cây đa cổ thụ…đó là những hình ảnh tiêu biểu của làng quê Việt Nam muôn đời. Tôi yêu khung cảnh này, và hy vọng tìm được ít vốn liếng Phật trước khi về với Ngài.

Cụ có nhắc đến cuộc đảo chính năm 1960. Thưa Cụ, lâu nay chúng ta chỉ mới biết đến một Phan Lạc Tuyên là nhà khoa học, chứ ít biết còn một Phan Lạc Tuyên khác nữa, đó là Đại úy Phan Lạc Tuyên, một trong những người lãnh đạo cuộc đảo chánh năm 1960. Cụ có thể kể về sự kiện này được không?

Cụ Tuyên: Á đó là cuộc đảo chánh ngày 11/11/1960 do tôi và một số sĩ quan Sài Gòn tiến hành. Như đã nói, tôi là người theo đạo Phật từ khi còn nằm trong bụng mẹ, vì mẹ tôi siêng đi chùa lắm. Khi có mang tôi, mẹ càng siêng đi chùa hơn nữa, có lẽ là để cầu nguyện cho tôi. Rồi khi còn bé, rằm, mùng một nào tôi cũng được mẹ dẫn đi chùa. Kỷ vật về mẹ của tôi là một tràng hạt và một tượng Phật Bổn Sư mẹ để lại cho tôi, hiện giờ tôi vẫn còn giữ. Nên tình cảm của tôi đối với đạo Phật như là một cái gì đó rất tự nhiên. Khi Ngô Đình Diệm tiến hành đàn áp Phật giáo ở miền Nam, tôi đang là chỉ huy phó kiêm tham mưu trưởng Liên đoàn Biệt động Quân khu Thủ đô. Quá bất mãn với những việc làm của ông Diệm, ông Nhu, tôi cùng với một số sĩ quan khác tiến hành đảo chánh.

Mà nghĩ cũng lạ, tuy chưa có dịp hiểu sâu về Phật pháp, nhưng tôi luôn xem nhẹ danh lợi, phải chăng đây là Phật tính nhiều đời, nhiều kiếp tích tụ trong tôi. Nếu thế thì thật là phúc cho tôi, vì nhờ đó mà tôi thoát được những tình thế ngặt nghèo của thời cuộc. Khi ấy tôi 30 tuổi, một hôm Tổng thống Ngô Đình Diệm gọi tôi vào đinh và đề nghị tôi làm Tỉnh trưởng tỉnh Bình Dương kiêm chỉ huy quân sự. Ông còn nói, nếu đồng ý, tôi sẽ là một tỉnh trưởng trẻ nhất miền Nam lúc bấy giờ. Nhưng tôi lựa lời thoái thác và sau đó tiến hành đảo chánh chống ông ta. Nếu đam mê danh lợi chắc tôi đã là tội đồ của dân tộc rồi, và chắc chùa cũng không cho tôi ở đâu, vì theo ông Diệm thì phải chống lại Phật giáo mà!” (cười).

Nếu lịch sử có lặp lại, Cụ có vì Phật giáo một lần nữa xả thân không?

Cụ Tuyên: Tất nhiên, đối với Phật giáo lúc nào tôi cũng sẵn sàng. Nhưng mỗi thời đại nó có những vấn đề khác nhau. Hiện tại, theo tôi, để có thể đóng góp thật nhiều cho Phật giáo thì mọi người, từ tu sĩ cho đến cư sĩ phải học thật giỏi giáo lý của Phật và tu hành thật nghiêm túc vào. Đó là cách tốt nhất và duy nhất hiện này.

 Từ một quân nhân đến một nhà giáo, hai lĩnh vực hoàn toàn khác nhau nếu không nói là đối lập nhau. Nhưng ở phương diện nào Cụ cũng thể hiện một cách xuất sắc, Vậy thưa cụ, điều gì đã khiến một Phan Lạc Tuyên quân nhân trở thành Phan Lạc Tuyên nhà giáo?

Cụ Tuyên: Gia tộc tôi thuộc truyền thống khoa bảng. Từ đời Lê đến tôi có 2 vị đậu tiến sĩ. Bản thân tôi cũng là bạch diện thư sinh, bị động viên đi lính khi đang học năm 2 trường Luật Hà Nội. Vào quân đội rồi, nghiệp bút nghiên vẫn cứ đeo đuổi. Tôi dạy ở Trường Chỉ huy và Tham mưu, và làm chủ bút tạp chí Đại học Quân sự Sài Gòn. Nói như vậy để thấy rằng dòng máu khoa bảng luôn nóng chảy trong người tôi, còn việc chiến chinh chỉ là thời cuộc mà thôi. Nên khi đất nước thống nhất, tôi trở về với chính con người của tôi, con người văn chương học thuật. Tôi còn nhớ một mẫu chuyện vui về quyết định đi dạy của mìnhthế này. Đó là sau khi giải phóng miền Nam, tôi ở nước ngoài về gặp cụ Phạm Văn Đồng khi ấy đang là Thủ tường. Cụ hỏi tôi có đề nghị gì không, tôi đề nghị là được đi dạy học. Cụ phá lên cười sảng khoái, bảo tôi rằng tưởng đề nghị gì, chứ đi dạy học thì quá đơn giản. Tôi nói: “Vâng, thưa Thủ tướng! Nhưng mà sách vở, tài liệu tôi sưu tầm nhiều lắm, lúc này phương tiện đi lại rất khó khăn, xin Thủ tướng giúp đỡ”. Thủ tướng nói ngay: “Được! Có xe của chị Bình (tức bà Nguyễn Thị Bình) đi công tác ở nước ngoài để không đấy, lấy cho đồng chí Tuyên mượn”. Thế là tôi bắt đầu con đường đi dạy học từ đó và mãi cho tới bây giờ.

Được biết Cụ được đề nghị phong Giáo sư đến 2 lần nhưng Cụ từ chối?

Cụ Tuyên:Vâng, đúng thế! Mọi danh hiệu đều là phù phiếm, Đức Phật chẳng dạy thế sao. Danh hiệu đã phù phiếm rồi, mà danh hiệu không đúng càng phù phiếm gấp bội. Sống thực tế với chính con người mình ý nghĩa hơn, nên tôi từ chối.

Cụ tham gia giảng dạy ở HVPGVN tại TP. HCM ngay từ khóa đầu tiên và trải qua 5 khóa. Vậy nhân duyên gì đưa Cụ đến với Học viện?

Cụ Tuyên: Lúc đó tôi đang công tác tại Viện Khoa học Xã hội miền Nam, chuyên ngành Dân tộc. Tôi được Học viện – lúc đó gọi là trường Cao cấp Phật học Việt Nam-mời phụ trách môn Văn minh Việt Nam. Hình ảnh tôi còn nhớ Hòa thượng Thích Minh Châu đích thân đến nhà tôi, mời tôi dạy học khiến tôi rất cảm động. Tôi rất quý Hòa thượng Minh Châu. Ngoài ra, trong thời gian cộng tác với học viện, Hòa thượng Thích Chơn Thiện là người mà mỗi lần gặp gỡ tôi đều có ấn tượng rất tốt đẹp.

Xin Cụ kể một kỷ niệm đáng nhớ nhất khi giảng dạy tại Học viện?

Cụ Tuyên: Đó là chuyến đi điền dã thực tế 1 tuần cùng với Tăng Ni khóa 4 tại Tháp Bà Ponagar Nha Trang, một công trình kiến trúc tiêu biểu của văn hóa Chămpa. Thầy trò chúng tôi ngồi học, thảo luận ngay dưới chân tháp về mọi vấn đề của tháp Chăm. Quý thầy cô rất thông minh và nhiều thắc mắc, khiến tôi không ít lần phải bối rối. Chuyến đi đã để lại trong tôi nhiều kỷ niệm đẹp. Tôi nhớ mãi chuyến đi này.

Phật giáo như là một sợi chỉ xuyên suốt cuộc đời của Cụ. Từ một cậu bé hồn nhiên, đến một sĩ quan cang cường, rồi một nhà giáo thâm trầm…thế thì điều gì của Phật giáo đọng lại sâu nhất trong Cụ?

Cụ Tuyên: Đó là câu nói: thắng ngàn quân địch ở chiến trường không bằng tự thắng mình, thắng mình mới là chiến công oanh liệt nhất. Mình đây là nỗi sợ hãi, sự hèn nhát, lòng ích kỷ, tính đố kỵ…mà Phật dạy là tham sân si…đây mới thực sự là những đối thủ khủng khiếp và đáng sợ nhất, mà tôi thấy chưa ai có thể chiến thắng được một cách toàn diện, triệt để, ngoại trừ Đức Phật. Chính vì thế nên chúng ta mới lạy Phật, tu theo Phật, tức là học cách tự thắng. Điều này cũng nói lên rằng sự cao siêu, vĩ đại hay sự đốn mạt, thấp hèn không phải ở trên trời hay dưới đất, mà ở ngay chính con người chúng ta.

Với tư cách là một nhà khoa học, nhà sư phạm, Cụ thấy Phật giáo có thể đóng góp đuợc gì cho con người trong hiện tại?

Cụ Tuyên: Sống và chết, chiến tranh và hòa bình là những vấn đề lớn nhất của nhân loại muôn đời. Phật giáo đáp ứng được tất cả những vấn đề này từ trong ý nghĩa cụ thể nhất đến khái quát nhất. Chiến tranh diễn ra hàng ngày trên khắp thế giới, kết cục bi thảm của nó là cái chết vô nghĩa của những con người vô tội. Càng đau khổ chết chóc vì chiến tranh, người ta càng khát vọng hòa bình, nhưng hòa bình làm sao được khi lòng đầy thù hận. Thù hận chỉ có thể chuyển hóa, chứ không thể đè nén. Tôi rất có ấn tượng với ảnh dụ lấy đá đè cỏ của Đức Phật, vì rốt cuộc cỏ vẫn cứ mọc lên thôi. Giải quyết chiến tranh bằng chiến tranh chỉ làm cho chiến tranh thêm lan tràn. Như lời Phật dạy, chiến tranh nằm ngay trong lòng người. Tôi rất mừng là gần đây, Liên Hợp Quốc đã chọn ngày Đản sinh của Đức Phật làm ngày kêu gọi hòa bình cho thế giới. Đây là điều rất tốt cho Phật giáo. Phật giáo phải trở thành kim chỉ nam cho con đường mưu cầu hòa bình hạnh phúc của nhân loại. Tôi nghĩ đã đến lúc, các nhà Phật học nên tranh thủ giới thiệu, quảng bá một cách mới mẻ, khoa học, gần gũi nhưng giá trị từ bi, bình đẳng, nhân ái, hiếu sinh…Điều này không chỉ làm cho Phật giáo trở nên gần gũi, có ích với mọi người, mà quan trọng là con người được cung cấp những phương pháp hữu hiệu để vun đắp hạnh phúc cho bản thân và cộng đồng xã hội.

Xin Cụ cho một lời kết về cuộc nói chuyện này?cuoc-lu-hanh

Tôi sống đến nay đã hơn 80 tuổi rồi. Sự đời có gì mà tôi chưa từng nếm trải? Nhưng càng từng trải, kinh nghiệm thì niềm tin nơi Phật pháp càng sáng lên trong tôi. Cứ tưởng rằng tiếp xúc nhiều với khoa học, với văn minh vật chất của phương Tây, thì niềm tin vào Phật bị lấn át đi. Nhưng hoàn toàn không phải như vậy. Phật pháp vẫn đứng vững giữa dòng chảy như thác lũ của khoa học và văn minh nhân loại hiện nay, mà cụ thể là trong lòng tôi. Vì Phật pháp hết sức nhân bản, và trí tuệ. Trí tuệ từ cách đặt vấn đề đến cách giải quyết nó. Đó là luôn lấy con người làm trung tâm của mọi suy tư và hành động. Và chính điều này làm cho Phật giáo có khả năng bao dung được trí tuệ của nhân loại, mà các tôn giáo khác không có được.

Và tôi sáng nào cũng ngồi thiền!

 Xin cảm ơn Cụ, chúc cụ nhiều sức khỏe.

Thanh Trí thực hiện

Tạp Chí Văn Hoá Phật Giáo số 85


Âm lịch

Ảnh đẹp