03/10/2013 16:58 (GMT+7)
Số lượt xem: 1668
Kích cỡ chữ:  Giảm Tăng

Doanh nhân và doanh nhân Phật tử là hai khái niệm có sự giống và khác nhau. Giống nhau là họ đều được gọi là doanh nhân tức “những người có vị trí trong một doanh nghiệp và làm công việc quản trị trong doanh nghiệp.



[1] Khác nhau là ngoài vai trò là doanh nhân, họ còn có trách vụ là Phật tử. Doanh nhân không phải là Phật tử thì theo nguyên tắc họ không có trách vụ đối với sự phát triển Phật giáo và nếu có thì chỉ là cảm tình cá nhân hơn là bổn phận. Ngược lại, doanh nhân Phật tử thật sự (không phải trên danh nghĩa) sẽ có ý thức về vai trò và trách vụ của mình đối với sự tồn vong của Phật giáo. Chủ đề của bài viết là nhằm vào thành phần thứ hai này. Mục đích là để tìm hiểu mối quan hệ giữa doanh nhân Phật tử và Phật giáo mà đại diện là hàng xuất gia. Người viết xin tập trung vào ba vấn đề gồm mối quan hệ hỗ trợ vật chất, mối quan hệ hỗ trợ tâm linh, và sự thách đố.

Sự tồn tại và phát triển của một tôn giáo nói chung và Phật giáo nói riêng thường phải dựa trên hai nhân tố chính là tín đồ và thành quả tu tập của họ. Tín đồ trong Phật giáo bao gồm hàng xuất gia và cư sĩ, còn thành quả của họ là sự chứng đạo, tức giác ngộ hay ít nhất là có đời sống đạo đức, an lạc trong hiện tại. Thành quả càng cao tức người chứng đạo càng nhiều và tín đồ càng đông thì Phật giáo đang thịnh và ngược lại là suy. Hai yếu tố này thường tỷ lệ thuận với nhau và yếu tố đầu luôn quyết định yếu tố sau. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng số lượng tín đồ, nhất là hàng xuất gia, không phải lúc nào cũng tỷ lệ thuận với sự chứng đạo.

Từ khi đạo Phật được thành lập, hai chúng đệ tử của Đức Phật (hàng xuất gia và cư sĩ) có vai trò trách vụ rõ ràng trong việc tu tập, duy trì và phát triển Phật giáo. Trong khi vai trò của hàng xuất gia là giữ gìn (bao gồm học hiểu và tu tập tự thân) và truyền bá lời Phật dạy thì hàng cư sĩ có nhiệm vụ cúng dường đời sống vật chất cho hàng xuất gia bên cạnh việc học và tu tập bản thân[2]. Về sau, nhiệm vụ này được đề cập trong hai câu đối được phổ biến rộng rãi ở các thiền môn Việt Nam nhưng không rõ ai là tác giả: “Phật pháp xương minh do Tăng-già hoằng hóa, thiền môn hưng thịnh bởi đàn việt phát tâm”. Nội dung câu thứ hai được hiểu là hưng thịnh về vật chất hơn là hưng thịnh về tâm linh vì nó là kết quả của sự phát tâm cúng dường của cư sĩ. Nói về đóng góp vật chất thì giới doanh nhân Phật tử là có năng lực tài chánh hơn hết. Vậy thì họ đã thể hiện vai trò như thế nào trong sự sinh tồn của đạo Phật?

Mối quan hệ hỗ trợ vật chất

Sự hỗ trợ to lớn, nếu có, của giới doanh nhân đối với Phật giáo trước hết là về mặt vật chất. Theo sử liệu Phật giáo, thời Phật tại thế có rất nhiều mạnh thường quân ủng hộ Tăng đoàn trong đó có giới thương nhân (hay doanh nhân ngày nay). Trong giới thương nhân thì người đại diện nổi tiếng được ghi chép lại là cư sĩ Sudatta hay Cấp Cô Độc (Anāthapindika). Ông không những nổi tiếng bởi những việc làm ‘vĩ đại’ đối với Tăng đoàn mà còn vì tấm lòng cứu tế những người nghèo cô đơn khốn khổ như tên ông được ban tặng. Ngoài việc cúng dường phẩm vật cho chư Tăng, ông là thương gia đầu tiên mua đất và xây tịnh xá cúng dường Phật và Tăng đoàn. Tịnh xá ấy được biết có tên là Kỳ Viên (Jetavana) được viết tắt từ Kỳ thọ Cấp Cô Độc viên (tức cây của Thái tử Kỳ-đà và vườn của ông Cấp Cô Độc). Tịnh xá này là nơi sinh hoạt thường xuyên của Tăng đoàn và Đức Phật đặc biệt dành 19 mùa an cư tại đây[3].

Động cơ hỗ trợ ở trên là vì kính ngưỡng và phát triển Phật giáo. Sau khi diện kiến Đức Phật, nghe pháp và chứng sơ quả Tu-đà-hoàn (Sotapatti), ông thỉnh Phật về nhập hạ tại quê hương của ông, thành Xá-vệ (Savatthi). Sự chấp thuận của Đức Phật có ý nghĩa quan trọng khiến ông bỏ tiền mua đất và xây tịnh xá như đã nêu. Tịnh xá được sử dụng một cách rất có hiệu quả. Nó trở thành trung tâm Phật giáo lớn vào hàng bậc nhất lúc bấy giờ. Mặc dù là một triệu phú[4] (có thể là tỷ phú?!) sẵn lòng trải vàng để mua đất xây tịnh xá, ông được cho rằng chưa từng tự hào, kiêu ngạo hay bất kính đối với Tăng đoàn. Khi còn sống ông chứng sơ quả, lúc qua đời ông tái sanh ở cõi trời Đâu Suất[5]. Có thể nói, cuộc đời của thương gia Cấp Cô Độc là tấm gương sáng ngời cho hàng cư sĩ nói chung và doanh nhân Phật tử nói riêng về hạnh cúng dường và cả tu tập.

Trong quá trình mở rộng cộng đồng Phật giáo Việt Nam, giới doanh nhân Phật tử đóng góp không nhỏ trong việc kiến tạo cơ sở tu học và ổn định đời sống Tăng Ni. Những ngôi tự viện lớn có tầm cỡ quốc gia, những sự kiện Phật sự quan trọng đều có bàn tay đóng góp của họ. Trong thời đại hội nhập, cũng như các tổ chức khác Phật giáo cần có nguồn tài chính mạnh để sử dụng cho các hoạt động Phật sự của Giáo hội. Do đó, sự đóng góp của giới doanh nhân trong việc tạo ra nguồn tài chính và cách quản lý nó có hiệu quả trở nên rất có ý nghĩa. Có lẽ đã đến lúc Phật giáo và các doanh nhân Phật tử cần hợp tác với nhau để xây dựng chiến lược phát triển cho Phật giáo, cụ thể là lĩnh vực tài chánh.

Mối quan hệ hỗ trợ tâm linh

Như đã đề cập, trách vụ của hàng xuất gia là giữ gìn và truyền bá Chánh pháp. Nghĩa là họ có trách nhiệm hỗ trợ đời sống tâm linh cho người cư sĩ trong khi nhận cúng dường. Giới doanh nhân có tiền, có quyền nhưng chưa hẳn họ có an lạc hạnh phúc. Phần lớn thời gian họ dành cho công việc và nhiều người trong số họ không thể sắp xếp thời gian cho gia đình và bản thân. Đó là một nguyên nhân đưa đến căng thẳng trong đời sống tinh thần. Mặt khác, ‘thương trường là chiến trường’, tức là có lúc thắng lúc thua, lúc thành đạt lúc thất bại. Cả hai trạng thái cảm xúc, nhất là cảm xúc khi thất bại dễ khiến họ suy nghĩ và hành động tiêu cực. Do vậy, nhu cầu hỗ trợ tâm linh là hết sức cần thiết, đặc biệt là phương pháp thiền Phật giáo nhằm chuyển hóa cảm xúc. Ngoài ra, những lời dạy của Đức Phật về đạo đức, lối sống, ít muốn biết đủ, bốn cách đắc nhân tâm (tứ nhiếp pháp), cách phân tài chính cho chi tiêu và kinh doanh[6], chánh mạng… là rất bổ ích cho đời sống người Phật tử. Doanh nhân Phật tử vừa thành đạt, vừa tu tập Phật pháp giỏi là đang thiết lập hạnh phúc cho bản thân và cũng là đang đóng góp phổ biến những giá trị thiết thực của đạo Phật.

Trở lại trường hợp cư sĩ Cấp Cô Độc, ngoài việc đóng góp vật chất và xây tịnh xá, ông còn là người tu tập giỏi. Nhiều bài kinh Phật dạy có liên quan đến ông. Ở đây xin giới thiệu ba bài kinh tiêu biểu được Đức Phật thuyết cho ông về công đức cúng dường, và sự an lạc hạnh phúc. Kinh Bổn phận người gia chủ nói về công đức cúng dường bốn phẩm vật gồm y áo, thức ăn, sàng tọa và thuốc men cho chư Tăng; kinh Không nợ[7] nói về bốn hạnh phúc gồm hạnh phúc có tài sản, hạnh phúc hưởng tài sản, hạnh phúc không mắc nợ, và hạnh phúc không phạm tội; kinh Bốn nghiệp công đức[8] nói về bốn pháp khả lạc, khả hỷ, khả ý gồm có tài sản đúng pháp, tiếng tốt đồn xa, thọ mạng lâu dài, và mạng chung sanh cõi trời; để được bốn pháp này thì cần phải đầy đủ lòng tin, đầy đủ giới, đầy đủ bố thí, và đầy đủ trí tuệ.

Qua những việc làm của mình, cư sĩ Cấp Cô Độc chứng tỏ thương gia có thể vừa thành công trong kinh doanh vừa thành tựu an lạc hạnh phúc ngay trong hiện tại và tương lai. Nó phủ định lý luận thiếu thuyết phục của một số người khi cho rằng doanh nhân bận rộn không có thời gian tu tập Phật pháp. Vấn đề không phải nằm ở chỗ bận rộn mà là có hiểu biết Phật pháp và chịu áp dụng hay không! Sự thành tựu về đời sống tâm linh của người cư sĩ cũng chính là thiết thực đóng góp cho sự Phát triển Phật giáo.

Sự thách đố

Ngày nay nền kinh tế thị trường thay đổi chóng mặt. Mọi biến động kinh tế đều có thể ảnh hưởng lẫn nhau trên toàn cầu. Khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng tiền tệ… của một quốc gia luôn kéo theo sự liên lụy đối với các quốc gia thành viên khác. Nó ảnh hưởng không nhỏ đến đời sống sinh hoạt của các doanh nhân. Từ đó, các doanh nhân Phật tử bên cạnh đặt niềm tin vào nhân quả mà đạo Phật chủ trương giảng dạy, không ít người còn đặt niềm tin vào yếu tố may mắn, siêu hình, và thậm chí mê tín. Đó là thách thức lớn không những đối với các doanh nhân Phật tử mà ngay cả Tăng Ni, những người đang làm công việc tư vấn tâm linh cho họ trong mối quan hệ như đã trình bày. Liệu rằng họ chỉ tin theo kinh Phật và từ bỏ yếu tố cầu may hên xui mang tính siêu hình? Hay họ sẽ vừa thực hành kinh Phật nhưng cũng vừa tin theo các yếu tố siêu hình khác? Đây là những câu hỏi khó cho cả người xuất gia và các doanh nhân.

Đức Phật dạy người cư sĩ không nên sống tà mạng. Tà mạng là sống lừa đảo, gian trá lấy lợi cầu lợi; là kinh doanh các thứ gồm buôn bán vũ khí, buôn bán người, buôn bán thịt, buôn bán rượu bia ma túy, và buôn bán thuốc độc[9]. Tà mạng còn bao gồm các nghề như xem tướng, bói toán, chiêm tinh, địa lý, xem ngày giờ tốt xấu, tính lịch số, dùng tà thuật[10]. Theo lý thuyết, doanh nhân Phật tử tất nhiên phải tránh các nghề tà mạng trên. Tuy nhiên, thực tế khi gặp những nghịch cảnh hay thất bại trong kinh doanh, nhiều doanh nhân Phật tử vẫn tìm đến bói toán và các hình thức cầu may khác để được an ủi và nuôi dưỡng hy vọng. Điều đáng nói là dịch vụ này phần nhiều lại do chính người xuất gia thực hiện.

Tiền tài là thứ vật chất ai cũng cần và nó có sức thu hút mãnh liệt. Công bằng mà nói, Phật giáo cũng không phải là ngoại lệ. Thiền môn có thể ‘hưng thịnh’ nhờ sự Phát tâm cúng dường của các doanh nhân hay các ‘đại gia’ nhưng liệu rằng Phật pháp đã ‘xương minh.’ Nếu doanh nhân lấy tiền trốn thuế hay phi pháp cúng dường xây chùa lớn để mong thoát bớt tội thì ngôi chùa ấy được gọi là hưng thịnh chăng?! Thời nay, số lượng các doanh nhân Phật tử đến chùa để học Phật pháp tu tập ít hơn nhiều so với số lượng đi đến chùa để cầu và xin phép, xin lộc… Thật sự, đây là một thách thức không nhỏ đối với doanh nhân Phật tử và người xuất gia. Và vượt qua được thử thách này là một bước tiến để Phật giáo khẳng định và phát huy giá trị đích thực những lời Phật dạy.

Vài suy nghĩ

Cân bằng đời sống vật chất và tâm linh là mong ước của con người nói chung và người Phật tử nói riêng. Làm sao để cân bằng nó là một nghệ thuật sống. Phật giáo muốn phát triển cũng phải cân bằng hai nhân tố này. Người xuất gia là biểu trưng cho đời sống tâm linh nên cần phải được đào tạo thành những nhà hướng dẫn tâm linh thực thụ. Người cư sĩ làm kinh doanh thì cần phát huy sở trường để tạo ra tài sản đúng pháp như trên đã nêu. Trong khi doanh nhân Phật tử đóng góp vật chất phát triển cơ sở thiền môn thì người xuất gia phải cung cấp những dược liệu tâm linh cho họ để họ khỏe mạnh làm ăn kinh doanh. Thần dược (bùa phép) có thể đem đến kết quả trùng hợp tức thời nhưng nó không phải là giải pháp (linh nghiệm) lâu dài. Giải pháp tối hậu của Phật giáo là phải dựa trên tinh thần nhân quả qua bài kinh ‘Tứ diệu đế’ mà Đức Phật đã dạy. Không có con đường phát triển Phật giáo nào bền vững hơn con đường ấy.



[1] Theo vi.wikipedia.org

[2] Kinh Tăng chi, chương bốn pháp, phẩm Nguồn sanh phước, kinh Bổn phận người gia chủ.

[3] Narada, Đức Phật và Phật pháp, Phạm Kinh Khánh dịch, (http://www.budsas.org/uni/u-dp&pp/dp&pp10.htm)

[4] Narada, sđd.

[5] Narada, sđd.

[6] 1/4 an hưởng chi tiêu, 2/4 dành cho công việc, 1/4 để dành phòng khó khăn hoạn nạn. (Kinh Trường bộ, số 31, kinh Giáo thọ Thi-ca-la-việt

[7] Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Không nợ.

[8] Kinh Tăng chi, chương Bốn pháp, phẩm Nghiệp công đức, kinh Bốn nghiệp công đức.

[9] Kinh Tăng chi, chương Năm pháp, phẩm Nam cư sĩ, kinh Người buôn bán.

[10] Kinh Trường bộ, số 2, kinh Sa môn quả; kinh Di giáo.

http://hoangphap.info/Page.aspx?ArticleID=5027&SubID=3&ID=7


Âm lịch

Ảnh đẹp